TẬP THỂ 09/10 - CHƯƠNG 6: TIẾNG RAO ĐÊM
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
993


TẬP THỂ 09/10


CHƯƠNG 6: TIẾNG RAO ĐÊM


Bàn tay đó kéo tôi chạy xuống dưới sân có ánh đèn sáng.

“Chị trật tự đi!”. Người đó nói.

Tôi mở mắt nhìn thì nhận ra khuôn mặt của thằng Lộc điên. Nét mặt nó vẫn lì lì như cũ, nhìn thẳng vào tôi.

“Huhu..có ma..có ma…” tôi khóc, nước mắt đầm đìa. Giờ gặp người khác, kể cả là người điên cũng khiến tôi cảm thấy như được an ủi lắm.

“Không phải sợ. Em dắt chị lên nhà nhé!”. Nó nói chắc nịch.
“Mày đừng điên…Tao không lên đấy nữa đâu…Tao sợ lắm rồi…”. Tôi mếu máo

“Chị nhìn thấy nó à?”

Tôi gật gật đầu.

Nó thì thầm. “Em cũng hay nhìn thấy nó. Nó thích chơi trượt cầu thang, thích chạy đua. Hay rủ em chơi. Suốt ngày đòi thắng.”

Xưa các cầu thang ở khu tập thể cũng thường có một cái dốc ở chính giữa cho người dân tiện chuyển đồ. Bọn trẻ con chúng tôi hay coi đấy là cầu trượt,gọi là trượt cầu thang, chạy ầm ầm trên mấy cái dốc đó chứ không thích đi bộ xuống.

“Mày lại luyên thuyên cái gì đấy? Bây giờ…bây giờ mày lên nhà chị…phòng 407..gọi…gọi cho chị mẹ chị xuống đây đi…đi mà Lộc…”. tôi ngó quanh quất giờ này chẳng có ai ở khu nhà tôi đi lại, thế mới kì.

“Không cần đâu nhé, em có mẹo. Khi chị đi lên vào buổi tối, nhớ đếm bậc thang.”

“Là sao?”

“Nó thích chơi chạy đua mà, nó hay tạo ra thêm bậc thang để mình chạy thua nó. Thế nên mỗi lần chị đi bộ lên, nhớ đếm đủ 12 bậc. nếu đếm thừa ra 1 bậc nữa, tức là nó đang ở phía trước mặt. Chị nói to: “Mười hai!” rồi nhảy lên chiếu nghỉ là được. Nó sẽ không xuất hiện nữa.”

“Thật…thật á…”

“Ừ, để an toàn hơn thì chị cứ nhìn xuống dưới chân thôi cũng được…đi đi…em đi cùng chị…không sợ đâu…” Thằng Lộc lẩm bẩm.

Nó dỗ mãi tôi mới chịu đi.

Thằng Lộc cứ nắm tay tôi đi trên cầu thang tối. Nó bắt tôi nhẩm đếm cùng nó. Tôi cứ co rúm người nhìn xuống dưới chân không dám ngẩng lên. Từ đó cho đến tận tầng 4. Số bậc thang luôn là 12. Ánh đèn cầu thang tầng 2 vẫn chập chờn, thế nhưng thằng bé kia không thấy xuất hiện nữa.

Tới nói, thằng Lộc nói:”Nhớ nhé!”. Nó buông tay tôi ra rồi phẩy phẩy, đoạn nó cắm mặt xuống cầu thang đi thẳng xuống, chắc là về nhà nó ở tầng 3. Tôi chạy vụt về nhà, lòng tự cảm thấy may mắn vì gặp thằng Lộc ở đó. Nó vẫn điên điên, nhưng lần này nó đã giúp được tôi. Tôi quên khuấy cái lần gặp nó ở dưới chân cầu thang tầng 1 lần trước cùng với hành động kì lạ của nó khi ấy, khi nó cứ nhìn chằm chằm vào gầm cầu thang. Tôi đâu biết sự việc kì lạ lần này bắt nguồn từ cái gầm cầu thang đó. Tận mãi về sau tôi mới hiểu rõ.

Về thấy mặt mũi tôi lấm lem, mũi đỏ ửng, mẹ hỏi tôi sao nhưng tôi không dám trả lời, sợ lại bị lôi đi viện. Tôi mất ngủ mấy đêm liền khi nghĩ tới chuyện đó. Tôi đem kể chuyện đó với lũ trẻ con trong khu tập thể và dặn chúng nó cái mẹo mà thằng Lộc chỉ cho. Rồi cũng thế bẵng đi, tôi học hết học kì 1 năm lớp 3.

Nhà bà Xoan nằm ngay cạnh cầu thang, có lần tôi sang chơi, được bà giao cho trông nồi ngô luộc phía ngoài hành lang. Hôm đó đèn cầu thang sáng trưng nên tôi chẳng sợ gì. Bà dặn không được táy máy vào, thấy nồi bốc hơi thì gọi bà.

Tôi đang ngồi trông nồi ngô luộc cho bà Xoan thì bỗng nhiên từ tầng dưới vọng lên tiếng gọi: “Ê! Ê! Đi chơi không?”

Tôi những tưởng đứa bạn nào của tôi gọi xuống sân chơi bèn chạy ra đầu cầu thang để xem. Trước giờ lũ trẻ con chúng tôi đều giao tiếp theo kiểu đấy, tức là lười lên nhà nhau rủ, đến giờ thì chạy ra đầu cầu thang gọi với lên theo lỗ thủng tay vịn. Lỗ thủng ấy thông cả 4 tầng, như cái giếng trời.

Tôi nhòm xuống phía dưới lỗ thủng. Tôi nhận ra một bóng người đang ngoác miệng ra cười nhìn tôi từ dưới tầng 1. Vẫn bộ quần áo đấy, không lẫn đi đâu được. Nó còn vẫy vẫy tôi.

Chính là thằng bè đu dây đèn lần trước tôi nhìn thấy.

Tôi hét toáng lên chạy về nhà trùm chăn run lẩy bẩy. Từ đó tôi chẳng dám đi cầu thang trong khu tập thể này một mình thêm lần nào nữa, lúc nào cũng rủ người đi cùng, và hết sức tránh ra ngoài buổi tối. Rất may là tôi không còn nhìn thấy thằng bé đó nữa. Thế nhưng thi thoảng khi đi ngang qua lối xuống cầu thang, tôi vẫn nghe thấy tiếng bước chân chạy lạch bạch và tiếng cười khanh khách vọng lại đâu đó.

Thói quen đếm bậc cầu thang theo tôi từ đó đến lớn. Khi đi bất cứ đâu có thang bộ phải leo, tôi đều đếm xem số bậc thang chính xác là gì.

Nếu tôi không đếm, tôi sợ sẽ có gì đó chờ tôi ở chiếu nghỉ phía trước mà tôi không hề có sự chuẩn bị trước. Nhiều người tiếp xúc từng cười thói quen ấy của tôi, thế nhưng họ đâu hiểu sự tình nằm phía sau.

Càng ở dãy nhà C6 đó lâu, những sự kiện kì dị càng xảy ra nhiều hơn, kinh khủng hơn làm gia đình tôi phải chuyển khỏi ấy, chỉ vì tôi. Tôi phát bệnh vì những điều tôi phải chứng kiến.

Cứ nghe tôi kể tiếp các bạn sẽ hiểu vì sao.

Hết năm học lớp 3, tôi được 10 tuổi, thằng em tôi lúc ấy mới được 4 tuổi. Từ bé tới lớn, tôi vẫn luôn nằm ngủ chung với mẹ ở chiếc giường kê ngoài phòng khách, được ngăn bởi cái thành giường to đùng. Nằm xuống là người ở ngoài không nhìn thấy mình nữa, thế mới thích.

Nhà tôi có một căn gác xép hai lớp. Tức là có một chiếc cầu thang leo lên căn gác lửng rồi leo lên tiếp sẽ có một căn phòng nữa. Khi thằng em tôi lớn hơn thì bố tôi nằm ở trên đó, ngủ một mình, còn lại ba mẹ con tôi nằm ở chiếc giường dưới phòng khách. Vướng hai đứa con nên bố mẹ tôi không ngủ chung được, giường không đủ chỗ để 4 người nằm mà chẳng đứa nào chịu ngủ riêng cả.

Cứ thế mấy năm, đến hết năm học lớp 3 là tôi bị bố mẹ bắt cho ra ngủ riêng. Trước đó tôi đã rất sợ rồi nhưng sau khi gặp nhiều hiện tượng lạ kia tôi lại càng sợ hơn nữa. Tôi cứ khăng khăng không chịu ngủ riêng và xin mẹ hãy ngủ với tôi. Nhưng không, mẹ tôi lạnh lùng bảo: “Lớn tướng rồi, sắp cao bằng mẹ, tập cho quen dần đi!”.

Và thế là chuỗi ngày tập ngủ riêng của tôi bắt đầu trong đau khổ.

Cứ tối đến, tầm 9-10 giờ là mẹ tôi bế thằng em tôi lên gác xép ngủ với bố, để mặc tôi một mình ở tầng dưới trống trải. Như đã nói ở trước, nhà tôi nguyên bản chỉ có 20m2, bố mẹ tôi đua ra thêm được một phòng nữa và công trình phụ bên ngoài. Căn phòng bên trong được sử dụng làm phòng học cho tôi và có kê một chiếc giường. Khi thằng em tôi còn bé thì căn phòng đó dành cho những người giúp việc ở lại qua đêm. Từ khi em tôi lớn hơn và có thể đi nhà trẻ thì nhà không thuê giúp việc nữa, chiếc giường đó cũng không có ai nằm cả.

Thời đó còn trẻ con, cứ tầm 10 giờ tối là mắt tôi đã díu lại. Mẹ tôi dặn phải quây màn kín rồi mới được ngủ, thế là tôi dậm màn để tránh muỗi đốt. Sau khi đánh răng rửa mặt xong, tôi đành phải leo lên giường, bày đầy gối xung quanh, đắp chăn kín chân và nằm xuống ngủ co quắp. Tôi không dám tắt bất kì cái đèn nào cả, mặc dù bình thường ba mẹ con chỉ bật đèn ngủ để ngủ thôi. Tôi bật đèn phòng khách và đèn phòng trong sáng trưng lên. Tôi nhìn chong chong lên đỉnh màn và về hướng cầu thang lên gác xép. Tôi nhìn thấy ánh sáng tivi cùng âm thanh vọng xuống nho nhỏ, chứng tỏ bố mẹ tôi vẫn còn thức. Điều đó khiến tôi an tâm trong chốc lát và tôi tự nhủ mình phải ngủ trước khi bố mẹ ngủ. Cứ thế nằm trong lo lắng và tôi ngủ thiếp đi.

Mấy đêm đầu tiên trôi qua như thế, tôi ngủ không yên giấc lắm nhưng vẫn chấp nhận được.

Cho đến một đêm, sau tuần đầu tiên.

Đêm đó trước khi ngủ, theo thói quen thường lệ tôi nhìn về hướng gác xép để yên tâm hơn rồi mới nhắm mắt, thế nhưng hôm ấy chiếc tivi chỉ bật một lúc rồi tắt ngúm. Căn nhà chìm trong im lặng. Có lẽ hôm nay bố mẹ tôi mệt nên đi ngủ sớm. Trong lòng tôi dâng lên nỗi sợ hãi, thế nhưng tôi tự trấn an mình rằng mấy đêm rồi tôi vẫn ngủ được thôi, thế nên tôi cố nhắm mắt và đếm từ 1 đến 100 để chìm vào giấc ngủ.

Giấc ngủ không sâu.

Tôi mơ màng tỉnh dậy vào lúc mấy giờ sáng không rõ. Mắt tôi lúc đó cận mấy độ, nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường còn không rõ số. Chiếc đồng hồ vang lên tích tắc tích tắc trong đêm khuya tĩnh mịch.

Chỉ còn duy nhất một âm thanh vang lên, nghe rõ mồn một. Đó là tiếng rao đêm của một người bán hàng rong nào đó:

“Bánh khúc đây!! Xôi lạc bánh khúc đây…!”

Đó là những người bán hàng tôi thỉnh thoảng nhìn thấy, họ đạp chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng, địu ở yên sau một cái sọt nan có đậy nắp bông giữ nhiệt, bên trong có thể là đủ thứ, xôi, bánh khúc, bánh mì đặc ruột,…

Tiếng rao đêm dường như vọng lên từ con đường dưới sân sau khu nhà C6 của tôi. Chắc người nào đó phải đi bán hàng đêm thế này để kiếm thêm cơm cháo qua ngày. Thật khổ thân. Mà sao họ không thấy sợ nhỉ? Nếu như giờ này mà còn đạp xe ở sân sau, liệu người đó có gặp con ma cây phượng không….? Tôi miên man suy nghĩ.

Tôi rất khó chịu khi bị tỉnh dậy giữa đêm như thế này, việc ngủ lại sẽ khó khăn hơn và cảm giác như đêm quá dài không thể bước qua được. Tôi với lên đầu giường tìm chiếc kính cận của mình rồi đeo vào xem đồng hồ là mấy giờ. Tôi phải xem còn bao nhiêu thời gian của đêm dài đằng đẵng tôi đang chịu đựng.

Đồng hồ điểm hơn 3 giờ sáng.

Mới ba giờ sáng thôi, còn tận gần 4 tiếng nữa tôi mới phải dậy và trời mới sáng. Lâu quá.

Tiếng rao đêm vẫn vang lên đều đều từ dưới sân sau. Họ vẫn chưa đi ra khỏi đây nhỉ? Mà giờ này vẫn còn người đi bán hàng ư? Tôi cứ nghĩ nãy giờ mới chỉ tầm 12 giờ đêm thôi chứ.

Mọi thứ bắt đầu dần trở nên kì lạ.

Tiếng rao đang vọng lên từ sân sau, thoắt cái đã chuyển sang vọng từ sân trước lên. Tôi nghe thấy rõ có sự chuyển hướng đi của âm thanh. Sao họ đạp xe nhanh được như thế nhỉ? Thế rồi chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi, tiếng rao đêm cứ chuyển đi chuyển lại từ sân sau sang sân trước như thế khiến tôi cảm thấy rờn rợn. Hay là có hai người nhỉ? Thế nhưng tiếng rao chỉ vang lên 1 lần duy nhất, không thấy bị trùng, chứng tỏ là chỉ có một người thôi…Giờ này có cho vàng tôi cũng không dám ra khỏi giường.

Thế rồi, tiếng rao đêm bắt đầu trở nên kì cục hơn.

Nó tự nhiên rè rè đi, rồi nhanh lên như bị tua, đôi lúc còn bị lặp: “Bánh..bánh khúc…bánh khúc..Xôi lạc..lạc…bánh bánh bánh..bánh….”

Thế rồi tiếng rao lại bỗng cao vút lên như có người chỉnh tần số. Giọng rao không còn là giọng của một người đàn ông trầm ấm nữa mà như một người phụ nữ đang nói, lúc lại như đứa trẻ: “Xôi lạc..Bánh khúc…”

Tôi nổi gai ốc ầm ầm, co hết cả mình lại. Không hiểu sao tiếng rao này kì cục thế. Hồi còn bé hơn, tôi còn ngây thơ, nghĩ rằng người bán hàng tự rao bằng miệng, tiếng nào cũng giống nhau, đều đều như thế. Sau này lũ bạn tôi mới nói cho tôi sự thật rằng dù có những người rao bằng miệng thật nhưng có nhiều người dùng máy ghi âm phát lại, nên nghe tiếng rao rất giống nhau. Tiếng rao đêm lần này có lẽ cũng là ghi âm lại thôi, chắc chiếc máy ghi âm bị hỏng. Tôi nghĩ vậy cho đỡ sợ.

Tiếng rao vẫn vang lên kì cục như thế, tôi cố nhắm mắt ngủ lại cho qua đêm dài, không để ý đến tiếng rao nữa.

“lạc…lạc..lạc…Bánh bánh bánh,,,bánh khúc nóng…”

Bỗng nhiên Rầm một tiếng, cửa phòng trong đang mở bỗng nhiên đóng thật mạnh vào bản lề như có một cơn gió thổi vào. Tôi giật mình suýt hét lên.

Tiếng rao đã im bặt. Tôi im lặng quan sát không thấy có gì bất thường xảy ra nữa nên nhắm mắt ngủ tiếp.

Những đêm sau, tôi ngủ được liền giấc nên không có chuyện gì bất thường. Mẹ tôi hớn hở lắm, những tưởng như tôi đã quen dần với việc ngủ riêng rồi, không còn lèo nhèo nữa.

Thế nhưng những cơn ác mộng nào có buông tha cho tôi.

Sau ấy lại tới một đêm khác, tôi lại thảng thốt tỉnh giấc giữa chừng mà không hiểu tại sao. Đợt tập ngủ riêng ấy, người tôi lúc nào cũng mệt mỏi uể oải, đêm nằm ngủ luôn gặp ác mộng hay bị bóng đè không cựa quậy gì được, chắc tại tinh thần không được thoải mái.

Tiếng rao ấy lại vang lên kì lạ trong đêm, dội vào tai tôi. Còn hơi mơ màng, lúc ấy tôi mới mở mắt ra.

Và tôi sững sờ.

Ở trên màn, có ánh sáng hắt vào từ căn phòng phía trong lỗ chỗ, nhưng tôi nhìn rõ ràng bóng của một người đàn ông đang in lên trên màn.

Tôi giật mình, người điếng cả đi, vội ngồi dậy và lùi vào sát bức tường phía sau. Thông qua ô cửa kính mờ mờ nhìn vào phòng trong, tôi chẳng thấy có bóng ai đang đứng ở trong đó. Không phải bố tôi…Vậy là vật gì đã tạo nên hình bóng người đàn ông đó?

Cái bóng vẫn cứ đứng im lìm ở góc phải của màn.

Cơn ác mộng mới dần hiện hữu như thế…

(còn tiếp)

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN