Tắt Đèn Kể Chuyện Ma (Tập 1) - Chương 6: Bữa cơm nơi âm phủ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
155


Tắt Đèn Kể Chuyện Ma (Tập 1)


Chương 6: Bữa cơm nơi âm phủ


1.

Có những chuyện đã xảy ra rồi càng nghĩ lại càng khiến người ta thêm buồn bã. Rõ ràng ban đầu mọi người cùng chung sống bên nhau, yêu thương, gắn bó, thân thiết là vậy, nhưng rồi bỗng nhiên, không hề hẹn trước, một trong số họ đột ngột về với “thế giới bên kia”. Sinh ly tử biệt, âm dương xa cách nghìn trùng. Muốn gặp mặt hàn huyên đôi chút cũng không phải chuyện đơn giản, mà ngay cả cuộc sống hằng ngày cũng bị thay đổi, xáo trộn ít nhiều. Trong phút chốc đã biến thành “Bắc Hồ – Nam Việt”.

Thế nên Chu Tác Nhân tiên sinh trong Nói chuyện ma đã hoài cảm mà viết những dòng tâm sự như sau:

Phải chăng ma quỷ thực sự là thứ vô cùng thú vị và cực kỳ có ý nghĩa, cho nên chúng ta luôn tò mò, thích thú khi tìm hiểu về cảm xúc, về cuộc sống của ma quỷ. Từ các bài văn, bài báo đăng tải trên các tạp chí, sách vở, cho đến các phong tục tập quán ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của mọi người, ở tất cả mọi mặt, chúng ta đều miệt mài tìm kiếm, lý giải, cắt nghĩa nó, tất cả cũng chỉ vì mong muốn hiểu thêm chút ít về cái gọi là “tình” mà thường ngày chúng ta khó nắm bắt. Nói cách khác, cái mà chúng ta say mê tìm kiếm chỉ có thể có trong thế giới ma quỷ huyền bí mà thôi. Giả dụ, nếu ta tập hợp và viết ra một cách tỉ mỉ, rõ ràng tất cả các câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của loài ma quỷ ở Trung Quốc, tuy đó là công việc hết sức khó khăn, tương đương với việc hoàn thiện một luận văn Tiến sĩ, nhưng những điều đó lại vô cùng thú vị và có ý nghĩa. Trên thực tế, những điều ấy nếu được viết ra sẽ là một minh chứng sinh động, hùng hồn cho tấm lòng nhân nghĩa, chân thành của dân tộc Trung Hoa. Giá trị giáo dục của những trang viết này hơn hẳn kiểu “võ mồm”, “thùng rỗng kêu to” lúc nào cũng rao giảng về luân thường đạo lý, về cái đúng cái sai diễn ra hằng ngày trong cuộc sống mà vẫn khiến người ta đặt một dấu chấm hỏi đầy vẻ hoài nghi: Liệu có thể tin được không? (xem “Trúc đóa ký”).

Phải có con mắt cực kỳ tinh tường mới có thể có ý kiến tự nhiên, sâu sắc như vậy. Ngay cả giới nghiên cứu chuyên sâu về các phong tục ở Trung Quốc cũng rất hiếm khi thấy thảo luận về vấn đề này, nếu có thì phần lớn cũng chỉ để ý đến thế giới hồn ma hay bàn thêm về mấy cuốn sách “văn hóa ma” mà thôi. Ví như nói về Thập Vương, quỷ đầu trâu mặt ngựa, các thủ đoạn “nghênh tiếp” linh hồn người chết về nơi “cực lạc”… Còn những chuyện liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của ma như ăn, mặc, ở, đi lại… thì đều bị liệt vào chuyện vặt vãnh, linh tinh, chỉ đáng đưa ra ngoài lề trang chính sử, không đáng để các bậc cao minh học vấn uyên thâm để ý tới. Viết về đề tài “Cuộc sống của con người sau khi chết”, quả là một sự lựa chọn mạo hiểm của người viết. Phải viết sao để có thể đáp lại một cách trọn vẹn kỳ vọng của độc giả? Phải viết như thế nào để có thể khiến ai nấy đọc xong cũng cảm thấy vô cùng thú vị? Đó là nỗi trăn trở khôn nguôi của người cầm bút.

Hơn nữa, xưa nay mấy ai có hứng thú khi nói về chuyện hồn ma ăn cơm. Mặc dù trong dân gian còn tồn tại không ít những phong tục tập quán được coi là kỳ quái, nhưng riêng chuyện ăn cơm thì từ cổ chí kim đều rập khuôn theo một cách thức có sẵn, luôn phải bắt đầu từ miệng mà vào, ở đây khó có sự “sáng tạo” nào mới hơn được. Thử hỏi trên đời có ai dùng lỗ mũi để ăn cơm? Nếu có thì tất yếu sẽ được coi là chuyện lạ, lưu truyền khắp nơi rồi. Những khi con người ta trở về với “thế giới bên kia”, mọi chuyện sẽ ra sao? Rõ ràng thế giới bí ẩn ấy sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những câu chuyện kỳ quái, chưa hề có ở thế giới người phàm tục được gieo hạt, nảy mầm. Cho nên, có người đã từng cho rằng, nếu không có những hành động đi ngược với nhân thế thì dường như không thích hợp với thế giới của những hồn ma. Thế nhưng khi nói đến việc ăn cơm, chắc hẳn ở nơi kỳ quái đó cũng khó có thể sáng tạo ra chiêu trò gì mới hơn được nữa. Cũng từng có người thử sức sáng tạo trong lĩnh vực này, nhưng dường như họ đã không thành công. Ví dụ đã từng có người bị chặt ngang người mà chết, hồn ma của họ lúc ăn cơm cứ thế đặt thức ăn vào giữa bụng. Hay như trong cuốn Dị uyển của Lưu Kính Thúc, ở thời kỳ Lục triều, có kể lại câu chuyện như sau: Vào thời hậu kỳ tam quốc Tào – Ngụy, quyền lực chính trị nằm trong tay gia tộc Tư Mã. Thân tộc của Tào thị đặt hy vọng phục quốc vào Hạ Hầu Huyền, nhưng Hạ Hầu Huyền không may bị anh em nhà Tư Mã chém đầu. Người nhà ông ta lập bàn thờ cúng tế, họ nhìn thấy hồn Hầu Huyền đến ngồi ở bàn thờ ăn đồ cúng: “Tháo đầu đặt ở bên cạnh, đem thức ăn, cá thịt, hoa quả cho qua cổ, xong, lại lắp đầu trở lại như cũ.” Có người nói: “Ba đời làm quan, rất cần chú trọng đến chuyện ăn mặc.” Cháu của Hạ Hầu Huyền từ trước đến nay là người phong lưu nho nhã, đối với việc ăn, uống đương nhiên sẽ rất chú ý và coi trọng. Nhưng thật không ngờ sau khi chết, con người ấy lại có tướng ăn uống phàm phu tục tử như vậy! Tướng ăn này làm cho người khác không khỏi giật mình, e sợ. Sợ trước hết là hành động ăn uống tùy tiện, mất vệ sinh của viên mãnh tướng một thời. Cái sợ thứ hai là việc tháo đầu xuống dễ dàng như tháo đồ chơi, biến cái cổ giống như cái ống to bằng sắt làm nơi cho thức ăn vào. Hơn nữa, việc giải phẫu cơ thể người được miêu tả như trên quả là một việc làm vô cùng thiếu hiểu biết. Chính vì thế, sau này, chúng ta rất ít gặp những tình tiết hãi hùng như vậy trong các cuốn tiểu thuyết khác.

Vậy là việc đưa thức ăn vào trong cơ thể con người cuối cùng vẫn phải đi theo con đường cũ mà thôi. Không những thế, ngay cả thứ tự khi ăn như nhai, bài tiết, tiêu hóa, cũng chẳng thấy có chiêu trò gì mới trong các câu chuyện ma sau này. Có thể nói, tất cả đều giống như thói quen cũ đã được định hình ở chốn dương gian. Khổng Phu Tử nói: “Thờ thần như thần đang hiện hữu.” Câu nói ấy ngoài việc khuyên răn khi thờ tế thần thánh thì phải hết sức nghiêm túc, cung kính giống như thờ cúng tổ tiên vậy, tôi nghĩ nó còn có hàm ý nhắc nhở cả việc cần tôn trọng vấn đề ăn uống của người lớn tuổi, không được nhìn họ giống như dị loại, mà phải phục dịch như người đang còn sống. Về điểm này những con hiền, cháu thảo lại thường hay quên lãng. Chẳng hạn như việc “loại tửu”[1], chính là phản ánh hành động mời tổ tiên uống rượu. Đây là một nghi thức trang trọng nhưng không hợp với thực tế. Đó là chưa kể tới việc “loại tửu” thường thấy trên sân khấu hoặc trên truyền hình ngày nay chỉ mang tính hình thức, qua loa đại khái mà thôi. Họ hướng lên khán đài, mặt nhìn về đình viện, vén tay áo bên phải, sau đó đem rượu trong cốc rắc xuống đất từng ít, từng ít một. Đẹp thì đẹp rồi, những làm như vậy thì mấy ai có thể uống được rượu vào miệng đây? Người thường còn vậy huống chi là một cụ già lưng gù, gầy yếu. Mà thậm chí, ngay cả một câu thanh niên chân tay linh hoạt, hãy để cậu ta thử quỳ xuống đất, ngửa mặt lên trời, sau đó há to miệng, lựa theo hành động tưới rượu xuống đất mà thay đổi tư thế, thử xem có thể hứng được bao nhiêu rượu vào miệng? Tôn Quang Hiến, thời Ngũ Đại, trong phần thứ tám của cuốn Bắc mộng tỏa ngôn có kể về một câu chuyện ở thời nhà Đường: “Tôn Hội Tông tập hợp tất cả thân quyến đến nhà mở hội, khi uống rượu có rắc rượu xuống đất thể hiện ý nguyện là người và ma cùng chung vui. Một vị thân quyến có khả năng nhìn ma đoán quỷ, hôm đó bận việc đến chậm một bước. Vừa đi đến cổng, ông ta liền nhìn thấy một vị quan viên toàn thân nhếch nhác, tức tối đi ra, miệng không ngớt lầm bầm chửi mắng, mặt mũi và áo dài đều ướt hết. Thì ra đây chính là tổ tiên nhà anh ta, vị này hơi vội vã một chút, mặc dù đã chuẩn bị tư thế, nhưng khi rượu rót xuống lại đổ ập xuống đầu và mặt khiến cho vị này không khỏi tức tối, giận dữ mà bỏ đi.” Câu chuyện về ma chứng minh cho ta thấy, quan niệm cho rằng ma quỷ uống rượu đều phải quỳ xuống đất mà liếm hoặc ngửi như cách nghĩ của người ở dương gian là hoàn toàn sai lệch.[2]

[1] Có nghĩa là: tưới rượu xuống đất hoặc mồ mả khi cúng.

[2] Kỳ Vân trong Việt vi thảo đường bút ký, quyển mười có nói về một thí sinh rất bạo dạn: “Vào đêm trăng sáng, anh ta đem rượu đến cạnh một ngôi mộ ngồi uống, và còn gọi ma đến uống cùng. Sau đó, có khoảng mười người kéo đến, chàng thư sinh đã dùng bình đựng rượu thật lớn, rắc xuống đất để ma có thể ngửi được mùi rượu.” Đây là cách mà Kỳ tiên sinh nói về việc tưới rượu xuống đất để phê phán suy nghĩa và hành động sai lầm của chàng thư sinh nọ. Nghĩ kỹ lại một chút, hành động này dường như học được từ việc rắc thức ăn cho gà, vịt vậy. Đối với người được thờ cúng thì đó thực sự là điều rất vô lễ.

Vì thế, vấn đề ăn cơm nơi âm phủ tưởng rằng phức tạp nhưng thực ra lại rất đỗi bình thường. Linh hồn từ khi rời bỏ cuộc sống nơi trần thế để trở về với thế giới u minh nơi địa phủ, họ đã vứt bỏ mọi lo toan về miếng ăn cái mặc hằng ngày, ngay cả tâm trạng hồi hộp, lo lắng khi lần đầu tiên vào nhà hàng Tây dùng bữa mà không biết dùng dao, dùng dĩa ra sao đến lúc này cũng không còn ý nghĩa. Thế giới đã thay đổi, nhưng về cách ăn, uống thì không hề có sự thay đổi. Điều này phải chăng đã làm cho các vị tiên sinh có tính hiếu kỳ, thích khám phá phải thất vọng? Nhưng cũng đừng quá nản lòng, vấn đề ăn uống ở chốn âm phủ tuy không có chuyện gì mới mẻ đến nỗi chỉ nghe thôi chỉ sởn da gà, những vẫn còn có nhiều chuyện so với dương thế lại khác biệt rất nhiều. Việc rõ nhất chính là, mặc dù các hồn ma cũng biết đói, thậm chí là luôn miệng kêu đói, nhưng vĩnh viễn họ không bao giờ chết vì đói cả!

2

Người dân coi thức ăn là Trời[3]. Bởi lẽ, nếu không có cơm ăn thì điều đó đồng nghĩa với cái chết, cũng có nghĩa là sẽ trở thành ma đói. Từ kết cục này ta có thể thấy, dường như vấn đề ăn uống ở thế giới ma quỷ không nghiêm trọng bằng người sống ở chốn dương gian. Thậm chí đã là ma đói thì tiếp tục đói thôi, chứ còn biết làm sao nữa? Nhưng cảm giác đói của ma quỷ cũng chẳng khác chi người trần mắt thịt. Trong xã hội hiện đại ngày nay, thế hệ trẻ may mắn không phải trải qua cảm giác chịu đói và chết vì đói như xưa. Chỉ cần thấy đói, ngay lập tức họ có thể tìm nơi làm thỏa mãn cơn đói của mình: “Tôi đói rồi, tìm quán McDonald thôi!” Nếu là người tinh tế về chữ nghĩa khi nói chuyện, thì cái đói của những thanh niên kia chỉ có thể coi là “cơ” (饥: đói), chứ không thể gọi là “ngã” (饿: đói) được. “Cơ” là cái đói còn có thể chịu đựng được, còn “ngã” thì không thể nhẫn nại hơn được nữa, nếu còn phải chịu đựng nữa thì chỉ có thể đau đớn, khổ sở đến chết mà thôi. Người nào đã trải qua trận đói thảm khốc nhất trong lịch sử Trung Hoa mới có thể hiểu sâu sắc về nỗi giày vò khi cái đói cận kề cái chết. Trong Ky tô sơn bá tước, Danglar’s đã dùng mười đồng tiền Pháp chỉ để mua một con gà, đấy không phải do ông ta sợ chết mà vì ông ta không chịu nổi việc bị bỏ đói, không chịu nổi cảm giác bị giày vò giữa sự sống và cái chết. Nỗi thống khổ của sự đói khát đối với ma quỷ cũng không có trường hợp ngoại lệ. Nhưng nếu ta bỏ qua cái kết cục của tầng thứ nhất thì việc không có đồ để ăn đối với ma quỷ lúc này cũng chẳng phải vấn đề gì quá nghiêm trọng nữa.

[3] Câu gốc: Dân dĩ thực vi thiên.

Không biết vì sao, chốn âm phủ ở Trung Quốc lại có quan, có dân, hơn nữa ở đó còn có công việc (nhưng phần lớn là đến trần gian làm việc), có trao đổi buôn bán (chợ của ma quỷ là trung gian giữa thế giới của người và ma). Chỉ có điều, chốn âm phủ không có nông dân, nơi ấy không có mùa xuân để trồng cây, mùa thu để thu hoạch như ở trần thế. Nhưng không có nông dân không có nghĩa là không cần ăn cơm. Vấn đề “quỷ do cầu thực”, được ghi chép và truyền từ trong Kinh thánh[4]. Từ xa xưa, ở dưới âm phủ, thức ăn của tổ tiên chúng ta là dựa vào đồ cúng của con cháu ở trần gian cung cấp. Nếu dòng họ bị diệt chủng thì linh hồn của tổ tiên ở nơi âm phủ chỉ có thể như “ma đói nhà họ Ngao mà thôi”. Vấn đề này dường như không phải là nét đặc sắc của riêng Trung Quốc, Chu Tắc Nhân tiên sinh đã từng dịch một câu chuyện của Hy Lạp có tên Chuyện liên quan đến đám tang, trong đó có đoạn viết: “Chất dinh dưỡng của họ chủ yếu dựa vào rượu và các thứ tế phẩm mà chúng ta thờ cúng đặt trên mộ, vì vậy, nếu như trên trần thế không còn thân quyến, bằng hữu nữa, thì những con ma này ở dưới âm phủ phải chịu đói đến suốt đời suốt kiếp mà thôi.” Nhưng đồ thờ cúng của con cháu không phải là cả một xe thực phẩm đông lạnh để tổ tiên từ từ hưởng thụ, mà chỉ là được quan tâm, để ý đến một số bữa nào đó mà thôi. Ngoài việc mời tổ tiên ăn nhiều hơn một chút vào những dịp ấy thì việc để dành cho tổ tiên gói ghém mang về khó mà được thực hiện. Chính vì thế, nếu hồn ma vẫn còn chưa thoát khỏi thói quen ngày ăn ba bữa ở trần thế, thì đến khi chết khó có thể tránh khỏi tình trạng bụng réo sôi ùng ục suốt ngày. Mặt khác, sau khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, đối với vấn đề ăn uống nơi âm phủ cũng không có nhiều sự cải thiện theo chiều hướng “thêm dầu vào lửa”. Vương gia của đạo Bà La Môn (một tôn giáo cổ ở Ấn Độ) được coi là ông chủ lớn – người quản lý địa ngục, vì vậy “xã hội” ở đó giống như công đường và địa ngục, mà “nhà tù” ở đây không làm theo mô hình “tam sản”, vì thế “niềm vui lớn nhất của người nông dân là hạt lúa, hạt gạo” là điều không hề có, và đương nhiên cũng không có bột mì, càng không có bánh bao, đậu phụ, quán cơm, nhà ăn thì càng không cần nhắc đến. Vì vậy, việc ăn cơm đối với ma quỷ rõ ràng là cả một “vấn đề”.

[4] Theo Tả truyện.

Cổ Thần Tử người thời Đường, trong Bác dị trí (trí lớn khác thường) có ghi chép lại tình cảnh của một con ma đói đang xót xa nài nỉ với người: “Tôi là người Giang Hoài, vì cơ hàn mà rời bỏ quê hương đi làm ăn, tháng trước tôi đến huyện này, chết trong phòng trọ. Bây giờ, tôi vừa đói vừa lạnh, tôi rất muốn làm tôi tớ cho ông, cầu một bữa ăn và xin thêm một chiếc mũ nhỏ chống rét, không biết như vậy có được không?” Đây là hình ảnh một con ma chết đường, chết chợ, do hoàn cảnh cơ hàn, sau khi chết không có nghề nghiệp gì, chỉ mong muốn làm tôi tớ cho con người để kiếm miếng cơm nhét vào cái bụng đói cho qua ngày. Một ví dụ khác dẫn từ cuốn thứ tám, Tú châu tư đại đình trong Di kiên ất trí của Hồng Mại thời Nam Tống, lại có đoạn viết về một hồn ma đã chết hai năm rồi, tuy rằng trong túi không thiếu tiền nhưng không có nơi để mua đồ ăn, chỉ có thể dựa vào việc ăn trộm cơm thừa canh cặn trong nhà bếp ở chốn dương gian hoặc chiếm hưởng chỗ người khác thờ cúng để lấp đầy cái bụng đói cho qua ngày mà thôi.

Còn về những “minh dịch”, tức những người làm việc trong quân đội, phục dịch đất nước, ban đầu vốn dĩ là “ăn cơm quan”, cũng là bụng rỗng đi làm việc quan sai (chủ yếu là đi câu hồn). Kết cục cuối cùng “không có tiền không thể nuôi thanh liêm”, những người này chỉ cần ăn một bữa cơm khách nhà người là sẵn sàng tiết lộ thiên cơ hoặc thả người phạm tội ra chờ báo đáp. Trong Hội xương giải di lục từ thời nhà Đường có kể lại một câu chuyện như sau: “Vào một ngày tuyết rơi rất dày, Ngưu Sinh ngồi trong quán khách nơi thôn dã, vô tình mời một Minh sứ vừa đói vừa rét ăn bốn, năm bát mì to, vị Minh sứ này vô cùng cảm động, đã tiết lộ những bí mật về cuộc đời của Ngưu Sinh, biết Ngưu Sinh sẽ ba lần gặp hoạn nạn, liền học cách của Gia Cát Lượng viết ra ba cách giải cứu vào ba bức thư, để Ngưu Sinh khi gặp chuyện sẽ mở thư ra để giải hạn.” Trong cuốn Soạn dị ký của Lý Mai có ghi một câu chuyện như sau: “Có một vị Minh sứ bốn mươi năm mới có được một bữa ăn no, để cảm ơn về bữa cơm ấy, Minh sứ đã tha cho tên quan “Tham tiền háo sắc, gặp lợi quên nghĩa” mà không truy cứu những tội hắn gây ra.”

Minh sứ đã thế thì các quan cấp cao ở dưới âm phủ chắc hẳn cũng không phải ngoại lệ. Đới Phù thời nhà Đường, trong Quảng dị ký, có đoạn viết: “Quỷ thần thường đói khổ. Khi hóa vàng, có thể kèm chút rượu cơm, dùng hai bó cỏ dựng đứng lên, tôi có thể dựa vào cỏ mà ngồi, cũng có thể ăn được.” Trong cuốn sáu, Tế loại khinh cố ngục[5] trong tập Di kiên chí bổ của Hồng Mại có dẫn ra một câu nói của vị quan lại dưới âm phủ: “Quỷ thần đều đói khổ, nếu con có thờ cúng thì sẽ được ăn no, còn không sẽ phải chịu đói.” “Quỷ thần đều đói khổ”, cũng có nghĩa là minh thần và hồn ma đều không được ăn no, đây dường như là tình trạng thường thấy trong thế giới u minh. Trong U minh báo ký của Đường Lâm, một nhân sĩ sống vào khoảng đầu thời Đường có viết về chuyện một vị quan nơi âm phủ kể khổ với người dân: “Quỷ thần cũng có thức ăn nhưng không được ăn no, thường chịu cảnh đói khổ. Nếu có thực phẩm của con người sẽ được ăn no tới một năm. Có rất nhiều hồn ma đi ăn trộm thức ăn của con người, nhưng tôi là bậc quan gia trọng lễ nghĩa, không thể đi ăn trộm được.” Vị quan ở âm phủ này tuy không được ăn no nhưng vì không muốn mất mặt nên không đồng ý đi ăn trộm, cố giữ gìn nhân cách chính trực, thanh liêm, không chịu đi làm quan phỉ. Trong các câu chuyện ma quỷ thường nói đến nếu liêm sỉ ở nhân gian, khi chết sẽ được vinh dự làm quan dưới âm phủ, viết đến đây có lẽ đã làm cho con người sống nơi dương thế không khỏi cúi mình cảm phục, ngưỡng mộ người làm quan thanh liêm. Nhưng tôi nghĩ, vì sao ông trời lại không ban thưởng cho những con người đáng kính như thế? Hơn nữa, phải chăng những vị thánh quan này khi ở dương gian đã sống cuộc đời bần hàn, đói khổ cho nên khi chết đi cứ tiếp tục cam chịu cảnh đói khổ như thế mà không thể làm hơn, thậm chí còn cố ý chịu đói để làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo?!

[5] Có nghĩa là: câu chuyện chi tiết về cuộc sống trong ngục.

Ở chốn âm phủ, tự nhiên có được một bữa ăn no không phải chuyện dễ dàng. Chính hoàn cảnh ấy đã tôi luyện cho các hồn ma có được một bản lĩnh thép để có thể nhẫn nại sống chung với cơn đói. Vào ngày lễ tết, con cháu có cúng tế, lúc đó mới được ăn no, ngày bình thường thì không biết đến ăn là gì, nói tóm lại, ma quỷ thường xuyên chịu đói là điều dễ hiểu, vì vậy mới có chuyện “nhân đắc nhất bão, khả nại tam nhật, quỷ đắc nhất bão, khả nại nhất niên”[6]. (Một bữa cơm mà có thể no được ba ngày, cái bụng giỏi chịu đựng ấy quả thực đã làm cho bách dân ở nhân thế cảm thấy hổ thẹn!) Hồn ma bất luận như thế nào thì cũng là tổ tiên của người còn sống, nếu tổ tiên ở dưới âm phủ luôn không được ăn uống no đủ, vậy thì con cháu hiếu thuận không thể không cảm thấy trách nhiệm to lớn của mình. Vì vậy, cho dù họ không được ăn một ngày ba bữa nhưng đến mỗi dịp lễ tết đều phải cố gắng làm được điều đó đối với tổ tiên. Cái gọi là “quỷ đắc nhất bão, khả nại nhất niên” là giới hạn thấp nhất cho con cháu ở chốn dương gian.

[6] Có nghĩa là: người ăn no một ngày có thể nhịn được ba ngày, quỷ ăn no một ngày có thể nhịn một năm.

3

Người đói đi tìm thức ăn, đó là điều không thể trách mắng, ngay cả đối với những kẻ lười biếng cũng vậy, cũng phải để họ nhét đầy cái bụng trống rỗng thì họ mới nghe và làm theo những điều quy định, giáo huấn, khuyên răn. Đối với ma quỷ khi đói thì ngay cả việc khuyên can cũng không còn ý nghĩa. Không có đất để canh tác, không có việc để làm, không có đồ để mua, trên đường trở về cõi âm, ngay cả tiếng “than thở” cũng không nghe thấy, vậy thì ma quỷ sẽ dùng cách nào để lấy được thức ăn, giải quyết được vấn đề của cái dạ dày đây? Ngoài việc một năm một hoặc vài lần con cháu cúng lễ, thì cái hy vọng duy nhất của họ là đợi người đời bố thí mà thôi. Nếu không chờ đợi như thế thì những cách khác đều là những cách không lấy gì làm vẻ vang cho lắm. Nếu mưu trí, khỏe mạnh thì đi cướp, đi gạt, sức yếu một chút thì đi ăn trộm, ăn cắp, bần cùng nhất, đáng thương nhất là đi ăn xin, đi van xin lòng thương hại của người khác… Nhưng cũng đừng lầm tưởng rằng ở khắp các ngả đường trong thế giới u minh đều chỉ có một bộ mặt tối tăm, u ám với đầy rẫy những kẻ ăn xin và lừa gạt. Ở đó thực sự là một thế giới thái bình, nhà nhà đều trống rỗng, chẳng có đồ vật gì, không cần phải lo lắng sẽ có khách không mời mà đến, vì thế “dạ bất bế hộ”[7] là lẽ tự nhiên, nếu giả dụ có “bế hộ”[8] thì có thể đã có tâm bệnh rồi. Còn việc đi xin ăn của hồn ma thì chỉ có thể diễn ra ở chốn dương gian mà thôi, còn ở dưới âm phủ là điều không thể. Một xã hội muốn không có ăn xin, ngoài thế giới đại đồng ra thì chỉ có hai loại: một là do pháp lệnh nghiêm cấm, gặp ai đi xin ăn thì bắt luôn người đó, hai là nhà nhà đều có gạo nấu cơm (thực tế làm gì có), không cần phải đi ăn xin. Thế giới u minh chắc thuộc loại cuối cùng, vì thế, những con ma đói ở đó chỉ có thể lưu vong đến trần gian. Thế giới u minh có thể được coi là tấm gương mẫu mực về vấn đề trị an, ngay cả một kẻ ăn xin cũng không có, thành tích bất hủ này có thể bẩm báo lên Ngọc Hoàng Thượng đế. Nếu dựa theo định nghĩa của Khảo Đình phu tử, được ăn no là “thiên lý” (lẽ trời), phân biệt tỉ mỉ mùi vị là “nhân dục”[9], ở đó chỉ có “thiên lý”, thậm chí để cho vị đạo đức gia hà khắc nhất đi làm giám khảo cũng chỉ có thể khẳng định được như vậy mà thôi.

[7] Có nghĩa là: đêm không cần đóng cửa.

[8] Có nghĩa là: đóng cửa.

[9] Có nghĩa là: ham muốn của con người.

Con cháu thờ cúng không tính vào việc cầu xin thức ăn, có thể gọi là “hâm hưởng”[10], là cần mũ áo đàng hoàng đến nhận sự báo hiếu, kính trọng từ con cháu mình, ngoài ra nó còn có ý nghĩa rất quan trọng, điều này sẽ bàn luận riêng ở phần sau.

[10] Tức là được hưởng phúc.

Nhắc đến việc người ở nhân gian bố thí cho ma quỷ, lễ tế Lệ Đàn được nhắc tới đầu tiên, bởi đó đều do các bậc quan lại làm, được ghi trong các cuốn sách cổ. Những chuyện xoay quanh lễ tế Lệ Đàn nói ra thì thật dài dòng, ở đây chỉ nhắc đến những việc có liên quan đến vấn đề ăn uống của ma quỷ mà thôi. Cái gọi là Lệ Đàn giống như cơ cấu thu nhận ở chốn nhân gian, chỉ có điều cái được thu nhận ở đây là những linh hồn người đã khuất, những cô hồn “chết do binh đao, thủy hỏa, chết do bị cướp giật, hoặc bị kẻ gian lấy hết tài sản, ép vào con đường cùng phải tự tìm đến cái chết hay trường hợp bị người khác cướp mất thê thiếp của mình nên uất ức đến chết” mà không có ai hương khói… Những hồn ma này khi sống ở trần gian phần lớn là tầng lớp bách dân thấp cổ bé họng, “chết không có chỗ dựa, linh hồn không thể tan ra, kết hợp với âm linh, hoặc là dựa vào cây cỏ, hoặc là trở thành yêu quái”, nếu không tiến hành thu nhận thì sẽ chỉ làm hại cho xã hội mà thôi. Vì thế, ở bất cứ dân tộc nào cũng đều có Lệ Đàn. Những lễ tế Lệ Đàn chỉ để bố thí cho cô hồn, u hồn, còn đối với những oan hồn chết uổng vì bị nhốt ở trong thành, thì giống như Đậu Nga chết nơi tù ngục, sẽ không được hưởng những phúc lợi xã hội này.

Dưới thời nhà Minh, lễ tế Lệ Đàn mỗi năm tổ chức ba lần, vào các ngày: tết Thanh minh, rằm tháng Bảy và ngày mồng Một tháng Mười. Lễ tế Thái Lệ ở kinh thành phải đặt bài vị Hoàng thần lên trên đàn, đồ cúng tế mà quỷ đặt ở dưới chân đàn bao gồm ba con dê, ba con lợn và ba đấu gạo lớn. Những đồ này cũng chỉ là hình thức. Điều quan trọng là phải làm cho không khí thật ồn ào, náo nhiệt để cho muôn dân trăm họ hiểu được tấm lòng chân chính của thiên tử đã truyền đến cửu tuyền, như thế là đã đủ rồi.

Trên thực tế, Lệ Đàn không chỉ là nơi tụ họp ăn uống một năm ba lần của những hồn ma không có người thờ cúng, bình thường những vong hồn, cô hồn không có chốn nương thân, không có nhà để ở cũng thường đến nơi đây để tìm chỗ nương mình, mong được hưởng phúc. Bởi lẽ chính những nơi này bình thường cũng có nhiều người hành thiện đến đây thắp nén hương, mang đồ đến cúng, và như thế, một năm ngoài ba bữa cơm thì những cô hồn thi thoảng cũng có đồ để ăn vặt.

Với Lệ Đàn, vào tết Trung thu, việc bố thí thức ăn là việc làm của quan phủ. Trong dân gian có phong tục bố thí thức ăn vào tết Trung thu riêng. Ngày Rằm tháng Bảy, trong sách cổ còn gọi là “Quỷ tiết”[11], ở Đạo giáo gọi là tết Trung nguyên, ở Phật giáo gọi là tết Vu Lan. Thực ra đây chính là những ngày lễ tết điển hình ở Trung Quốc, nói như Đạo giáo thì chính là “tháng Giêng vọng đến Thượng nguyên, tháng Bảy vọng đến Trung nguyên, tháng Mười vọng đến Hạ nguyên”. Nhưng sau khi Phật giáo truyền vào, có chuyện Mục Liên cứu mẹ, hợp nhất với đạo hiếu của Trung Quốc. Đến đời Đường lại có chuyện về “tết Vu Lan”, và cũng định vào ngày Rằm tháng Bảy, ngày này cũng là ngày các tăng lữ kết thúc ba tháng “an cư”, phải bắt đầu ra ngoài hoạt động.

[11] Tức là Tết của ma.

Vào những ngày này, theo phong tục thờ cúng tổ tiên của người Trung Quốc, mà nói như Phật giáo là việc Mục Liên cứu mẹ, chết đi làm ma đói trong ngục, để tưởng nhớ công đức này, nên người ta cúng tế để cho ma đói có một bữa ăn no. Sự kết hợp hai cái Tết giữa trong và ngoài cũng chính là lý tưởng ban đầu đã bàn tới ở trên, cũng có nghĩa là “Phật dùng Trung nguyên của Đạo giáo, là giới tăng lữ phân tranh lợi lộc ở Trung nguyên nên mới thế”[12], và kết quả đã xuất hiện một việc ngoài ý muốn, tổ tiên của bổn gia và những con ma đói ở bên ngoài cùng tụ tập ở một phòng. Vu Thận Hành, người thời Minh trong Cốc sơn bút trần, tập mười sáu đã viết lời trách móc hoàng đế đời Đường về việc thờ cúng tổ tiên vào tết Trung nguyên: “Thờ thần thánh lại thực hiện cùng ngày với ma quỷ đói, như vậy chẳng phải là làm ô nhục tổ tiên của mình sao?” Những lời lẽ trách móc như vậy lại được thốt lên từ chính miệng một vị đạo học gia vốn am hiểu sự đời, điều đó lại càng làm cho người khác cảm thấy có chút thất vọng. Quốc nhân vốn coi trọng tấm lòng nhân hậu, giàu có nhưng không được bất nhân, tổ tiên của gia chủ tụ họp ăn uống, chẳng lẽ lại không thể bố thí một chút đồ ăn cho những cô hồn vô gia cư hay sao? Mà một năm cũng chỉ có một lần, một lần bình đẳng, hài hòa một chút lẽ nào lại khó khăn đến vậy sao? Người Tiêu Sơn dưới triều đại nhà Minh, vào đêm Ba mươi hằng năm thường mặc trang phục chỉnh tề, đứng ngoài cổng nhà gọi lớn: “Phàm là những cô hồn vô chủ, đêm nay không có nơi nào để đi, mời đến nhà họ Kỳ chúng tôi đón năm mới.” Ở trong phòng ăn đã bày biện thịnh soạn các vật thờ cúng để các vong hồn hưởng thụ, đến sáng sớm ngày mồng Một lại tiễn họ ra ngoài. (Việc làm có tâm ý như vậy khiến người đời sau vô cùng cảm động, nhưng nếu như ở nhân gian ai cũng làm việc này, gọi tất cả những người lang thang, cơ nhỡ ở đầu đường, xó chợ đến nhà mở tiệc vào buổi đêm giao thừa thì chắc hẳn chúng ta sẽ càng khâm phục hơn.) Trong Ngũ đóa trở của Tạ Triệu Chế, tập hai có nói đến một phong tục rất hay của người Mãn. Phong tục ấy một mặt đã thể hiện được sự “tôn kính tổ tiên, lúc nào cũng phải cẩn thận, chuẩn bị đồ cúng cho tổ tiên phải đầy đủ, không được thiếu bất cứ thứ gì”, mặt khác lại thể hiện được ý nghĩa lớn lao “như ánh trăng soi sáng đêm dài, niềm vui lớn nhà nhà cùng chung hưởng”. Vì vậy, nếu ai đó có bản lĩnh gặp ma, thường sẽ nhìn thấy hình ảnh những vong hồn ma quỷ khi đói sẽ vội vã lao vào mà tranh giành từng chiếc bánh bao một cách khốc liệt.

[12] Theo Trung nguyên bố thí tập thứ mười ba, phần Quý tị lưu cảo.

Ngoài tết Trung nguyên ra, những gia đình hoặc những pháp sư tổ chức buổi làm “thủy lục” cũng là dịp để những hồn ma có cơ hội một lần được ăn no bụng. Nếu biết tin tức nhà nào làm thủy lục, chúng liền chạy đi báo tin cho nhau, kêu gọi đồng loại, kết bè kết phái vội vàng kéo nhau đi ăn chay.

Đó là vào những dịp lễ tết hoặc những cơ hội hiếm hoi có được một bữa ăn no, còn với những ngày bình thường, phần lớn họ đều đi ăn xin cầu thực. Ngay cả anh hùng hào kiệt, những lúc đói khát cùng đường, đói đến độ như có ngọn lửa thiêu đốt trong cơ thể, không thể chịu đựng được nữa, lúc đó bỏ hết sĩ diện để đi cầu xin thức ăn của người khác cũng chẳng phải việc gì mất mặt cả. Việc ăn xin trong thế giới của ma quỷ nên được nhìn nhận một cách khách quan hơn. Vào thời nhà Nguyên, thể chế chính trị đã phân biệt xã hội con người thành những tầng lớp khác nhau, theo đó ăn xin là tầng lớp đứng sau tầng lớ Nho gia, có thể tính làm hàng xóm với nhau được. Sự sắp đặt này thực ra không có gì là quá sai lệch. Bởi lẽ có nhà Nho mang phong thái của kẻ ăn mày, lại có kẻ ăn mày toát lên cốt cách của bậc Nho gia, vì thế, những tiên phu tiểu Nho cũng không cần phải vì mình hơn kẻ ăn mày tấm bằng cấp mà đùng đùng bày tỏ sự bất công.[13]

[13] Theo Duyệt vi thảo đường bút ký.

Kì Nhân Lục Nhiên viết: “Có người hổ thẹn mà nói rằng: “Ông đừng sợ, tôi sẽ không hại ông đâu, bản thân tôi giờ đã là ma rồi. Lúc sinh thời là người dân tộc Thổ, không đuổi được những con ma đói đến tranh tiền gạo, tự cảm thấy rất xấu hổ, cầu xin ông cho tôi một bữa cơm có được không?”

Du Việt người đời Thanh, trong tập Hữu đài tiên quản bút ký[14], cuốn chín, viết có thể báo ân bằng một bữa cơm, cũng là hiền nhân của người đi ăn xin rồi.[15]

[14] Nghĩa là: Ký sự viết bên quán Đài tiên.

[15] Xã Nam, huyện Quy An có núi Trường Siêu, mạo lâm tu trúc, cảnh rất yên ắng và thanh tĩnh. Núi có mây che phủ bảo vệ am. Tương truyền Minh Lăng Trung Giới Công (Lăng Văn Cừ) nói, lúc đầu ông học ở trong am, thi thoảng vào lúc trăng sáng đi dạo dưới chân núi, bỗng nhiên có một cụ già đi lên phía trước vái chào, miệng ngập ngừng như có lời muốn nói. Công hỏi, cụ già đáp: “Tôi là người trong mộ cổ, con cháu thờ ơ, không có ai thờ cúng. Nay tôi đến xin ông một bữa cơm có được không?” Công không tin chuyện này, cười đáp: “Tính tôi rất thích được yên tĩnh, nên mới đến đây đèn sách. Nhưng bốn phía đều có tiếng ếch nhái kêu, từ chập tối cho tới sáng ngày hôm sau, tôi thấy rất khó chịu và khổ sở về điều này, nếu ông giúp tôi làm đám ếch nhái kia không còn kêu nữa, tôi sẽ báo đáp ông.” Cụ già đáp: “Đồng ý!” Rồi tức thì biến mất. Ngày hôm sau, khi màn đêm buông xuống, quả nhiên không còn nghe thấy tiếng ếch nhái kêu nữa. Công bèn chuẩn bị cơm rượu đến tế ở gò hoang. Từ đó, bên cạnh am không còn tiếng ếch, và cho đến nay cũng vậy.

Còn một số con ma đói, vì cầu thực nên đã dùng một số trò ma mãnh để lừa gạt người khác, chẳng qua cũng vì có những điều khó nói. Ví như Đường Lâm trong Minh báo ký có viết về một con ma vô chủ đã giả làm đứa em vừa chết của nhà người ta, sau đó bị chủ nhà vạch trần, đánh đuổi ra ngoài, cuối cùng nói một câu “đói nên đến xin bữa ăn mà thôi” làm cho người nghe cảm thấy chua xót. Cuốn thứ hai, phần bốn trong Duyệt vi thảo đường bút ký có ghi, có một con ma giả mạo làm hồn ma của danh nhân Tề Ung đến tìm đồ cúng tế, nhưng con ma này chỉ xem qua bản ca của Triệu Ngũ Nương tỳ bà ký, đem câu chuyện đó thành Những chuyện trong triều nhà Hán, vì thế mà bị lộ. Nhưng giả mạo làm Tề Trung Lang mà không giả làm Cao Vệ Nội cũng được coi là có tính phong nhã. Mà biết đỏ mặt hổ thẹn, không những ở thế giới ma quỷ, ngay cả ở nhân gian cũng có thể nói là điều không dễ dàng gì. Tuy Kỳ Vân có thể chỉ là mượn câu chuyện về ma để châm biếm tình thế, nhưng suy đoán theo tình thế, trong thế giới của ma quỷ cũng không ít trường hợp như thế này.

Nhưng có lúc vì muốn lừa gạt để được một bữa ăn, hại cho nhà người khác một phen hú vía thì cũng thật đáng trách. Di kiên đinh chí, cuốn mười lăm, Đảm tiểu ca có đoạn viết: “Có một con ma giả mạo làm con trai của lão thái thái, làm cho lão nhân gia tưởng rằng con mình đã chết rồi, liền mời hòa thượng đến tụng kinh siêu độ. Con ma đó vì thế đã được ăn một bữa cỗ rất thịnh soạn. Nhưng vài tháng sau, người con trai đi làm ăn ở xa trở về, người nhà tưởng đó là ma liền dùng trượng đánh đuổi, suýt nữa thì mất mạng.”

Trong thế giới ma quỷ vẫn còn tồn tại những pha lừa lọc lớn hơn nhiều, như chuyện “niệm ương”, “cục trá” trong tác phẩm Liêu trai. Chỉ cần dùng một đống tiền giấy và một cuộc tế ma bài quỷ là có thể xua đuổi bọn chúng đi nơi khác. Duyệt vi thảo đường bút ký, cuốn mười ba có ghi chép lại câu chuyện về Liêu Thái Học, vì thương tiếc người vợ đã khuất mà buồn rầu không nói năng gì. Có nhiều con ma đã biến thành vong hồn của người vợ, buộc lại, úp mặt xuống đất chịu trượng, làm cho Liêu Thái Học cho nhiều ma đói ăn, bố thí quá độ. Nhưng những con ma này ngày càng quá đáng, không chỉ có một, hai lần lừa bịp, mà dạ dày cũng ngày càng to hơn, còn đòi làm bảy đêm thủy lục đạo trường mới được, kết quả là bị bại lộ.

Dựa vào việc ăn trộm, ăn cắp để được ăn no, trong thế giới ma quỷ, hạng ma ấy cũng thuộc vào loại “lưu manh” có tiếng. Vốn là ăn trộm, nhưng những hồn ma ấy cũng là những trường hợp vô cùng đáng thương. Lưu Phủ, thời Bắc Tống trong Thanh tỏa cao nghị, cuốn thứ nhất, Bành lang trung ký[16] ghi lại: “Có một con ma vô chủ vào bếp ăn trộm thức ăn, bị Táo Quân bắt được, đánh cho một trận tơi bời, chủ nhà thấy chuyện liền ra can: “Đói bụng, bất quá phải đi ăn trộm, hà tất phải trách phạt nặng nề như thế!”

[16] Nghĩa là: viết về người họ Bành.

Theo cách nhìn của người nhân từ, do đói quá mà phải ăn trộm thức ăn thì không đáng bị trách phạt nặng như vậy. Thế mà trong dân gian không ít người mũ áo đàng hoàng, ngồi không ăn bám, hoặc giống như những con ma ăn trộm thức ăn, thì lại được xử lý nhẹ nhàng. Lê Cung Chấn người đời Thanh, trong Bắc đông viên bút lục tam biên, cuốn thứ tư, Vi sư ác báo[17], truyền rằng có tên ma ăn trộm thức ăn nói về việc báo ứng vô cùng có lý lẽ: “Có người tên Sử, là một đạo sĩ hành thiện có khả năng nhìn thấy ma quỷ. Một hôm, vị đạo sĩ này đến thăm nhà họ Dương, cười nói rằng: “Ở dưới bếp nhà ông có một con ma ăn vụng thức ăn, nay đầu thai làm người, không biết Dương gia có làm việc gì đáng trách không?” Gần đây nhà họ Dương mới sinh được một đứa con trai, liền bế ra ngoài, đạo sĩ xem kỹ rồi phán: “Không biết ông đã từng làm việc gì tạo nên nghiệp chướng không mà nay con ma ăn trộm thức ăn đó lại đầu thai làm con trai ông?” Họ Dương bèn nói: “Tôi tự tin là cả đời này chưa từng làm việc gì phạm lỗi lớn, chỉ là khi tôi chưa đạt công danh thì đã từng dạy học ở trường tư thục, khi giảng dạy có chút không làm tròn trách nhiệm.” Đạo sĩ vỗ vào vai người họ Dương mà nói: “Ông vì chuyện cơm áo của mình mà làm mất tuổi thơ hồn nhiên của học trò, vậy những chuyện đó chẳng phải lỗi lớn hay sao?!” Sau đó, con trai của nhà họ Dương lớn lên, ngày ngày tửu sắc, ruộng điền bán hết để đổi lấy rượu, chưa hết một đinh đã kết thúc.

[17] Nghĩa là: vì thầy báo ác.

Làm nghề giáo mà làm qua quýt, giả mạo để kiếm bữa ăn, sau này các cán bộ lớn từ quan địa phương đến trung ương cũng làm việc qua quýt, giả tạo để thăng chức, hành động này còn nguy hại hơn cả việc ăn trộm thức ăn của ma quỷ. Vì có những rường cột quốc gia như vậy nên các vị sử trị của quốc gia cũng thế, chỉ cần nghĩ ta có thể biết là được rồi. Trong Viết tiếp tử bất ngữ của Viên Mai, cuốn ba, Oa thượng hữu thủ phạn đồng tử[18] có kể lại một câu chuyện: “Trong nhà có một tiểu thần chuyên phòng tránh ma đói đến trộm thức ăn. Xem ra việc phòng tránh tiểu quỷ đến ăn trộm có vẻ rất dễ dàng, còn đối với những đại nhân tiên sinh ngồi không ăn bám thì chỉ còn cách cầu báo ứng, gieo nhân nào hái quả đó thôi. (Trong Tam cương thức lược của Đổng Hàm thì sự trừng phạt đối với những kiểu người như thế này là sẽ để bản thân họ làm chó ba năm.)”

[18] Nghĩa là: Trên nồi có đồng tử giữ nồi cơm.

Có thể bổ sung thêm một điểm sau cùng, trong thế giới hồn ma cũng có việc dựa vào nhân gian để làm việc kiếm ăn, như ở trên đã nhắc tới một người trong Bác dị chí của Cốc Thần Tử, nhưng cái này lại tính vào một loại khác, mà việc ma đến nhân gian làm việc thì sau này nếu có cơ hội sẽ nói rõ hơn.

4

Hồn ma ở âm phủ nhưng lại ăn thức ăn của chốn dương gian, về điểm này không thể không khiến người ta suy nghĩ. Làm thế nào để hai vật một hư một thực, kẻ âm người dương lại có thể dung hợp được với nhau. Ban đầu có ý kiến cho rằng, chuyện ăn uống của con người ở chốn dương gian và hồn ma nơi âm phủ gần giống nhau. Nếu như người có thể chứa đầy thức ăn trong dạ dày thì hồn ma cũng có khả năng ăn đến cạn bình, sạch bát y như vậy. Phổ Can Bảo trong Sưu thần ký, cuốn mười sáu nói về chuyện ma uống rượu, có thể uống đến độ không còn thừa lại một giọt nào. Trong U minh lục[19] của Lưu Tống – Lưu Ý Khánh có viết: “Ma ăn cơm và uống rượu, cả hai thứ đựng đầy hai bình đều sạch trơn.” Điều này một lần nữa cũng được khẳng định lại trong Thuật dị ký: “Ma ăn uống không khác gì người sống cả.” Sau này, mặc dù rất hiếm khi gặp cách nói chân thực như vậy nhưng cũng không phải không có. Trong tập Di kiên chi canh của Hồng Mại thời Nam Tống, cuốn thứ nhất, Hoàng giải nguyên điền bộc có đoạn kể chuyện Trương mỗ, một người đầy tớ làm ruộng không bệnh mà chết. Sau khi chết ba ngày vẫn chưa được chôn cất, ông ta đột nhiên ngồi dậy, cất tiếng chuyện trò. Thì ra ông ta vừa vào tới âm phủ đã bị phái đi làm quan sai. Biết Trương mỗ phải đi gọi hồn Hoàng Giải Nguyên, vợ ông liền chuẩn bị đầy đủ thức ăn và một đôi dép cỏ, để tiện cho việc đi đường. Việc chuẩn bị diễn ra vội vàng trong âm thầm lặng lẽ, người vợ không dám cất tiếng hỏi han lấy nửa lời. Mặc dù thân thể của Trương mỗ vẫn nằm yên trên giường như lúc lâm chung, không hề nhúc nhích, thế nhưng bát cơm để gần đó đã hết sạch và đôi dép cỏ cũng không cánh mà bay. Trong Canh kỷ biên, cuốn chín, Hoàng thôn tượng nhân có ghi lại hình ảnh hồn ma đứng đối diện với người sống, ăn hết một con gà quay, ăn xong chỉ còn lại một đống xương gà vứt chỏng chơ trên nền đất. Chuyện kể về “Diêm La yến”[20] trong Liêu trai chí dị cũng dẫn ra một tình tiết kỳ thú: “Diêm Vương và các tùy tùng cùng nhau kéo đến dùng tiệc mà Thiệu Sinh chuẩn bị cho người mẹ đã khuất của mình. Bữa tiệc kết thúc, họ cũng đã ăn uống no nê, sạch sẽ, không còn sót lại gì cả.”

[19] Nghĩa là: ghi chép chuyện âm phủ và dương gian.

[20] Nghĩa là: tiệc đãi thần Diêm Vương.

Nhưng cách lý giải như thế này quả thực quá xa vời với thực tế. Bởi lẽ, bình thường khi người ta bày đồ thờ cúng, thiết đãi quỷ thần, sau khi cúng tế xong, mọi thứ vẫn còn nguyên không hề bị quỷ thần ăn mất. Lúc ấy, mọi người vẫn có thể ăn uống bình thường, không những mùi vị thức ăn không thay đổi, mà còn có quan niệm cho rằng, những đồ đã cúng rồi sẽ đem phúc đến cho người ăn nó. Chính vì vậy, ở đây ta lại bắt gặp một cách nói tương phản, trái ngược hoàn toàn với cách lý giải trên đây, hơn nữa cũng không phù hợp với tình hình thực tế, đó là quan niệm cho rằng hồn ma chưa bao giờ ăn thức ăn của người trần. Nếu nói như vậy chẳng khác nào khẳng định quỷ thần không hề đụng đến những thức đồ đã bày biện, cúng tế của nhân gian, và như thế đồng nghĩa với việc người đời thành tâm thành ý thờ cúng thần quỷ giờ đã biến thành hư ảo? Nếu theo cách hiểu như vậy không những có sự bất kính đối với quỷ thần mà ngay cả sự tồn tại của quỷ thần trên thực tế cũng bị hoài nghi và trở nên bất tín. Sự thực là tiệc rượu cúng tế bày biện ra vẫn còn nguyên, quỷ thần không hề nhấm nháp hay làm mất mát một thứ gì. Đồ thờ cúng thì vẫn còn nguyên nhưng vẫn không thể không thờ cúng, vậy làm thế nào để có thể dung hòa hai mặt đối lập này đây? Cổ nhân đưa ra hai cách lý giải. Cách thứ nhất, họ cho rằng việc quỷ thần ăn uống no say đồ tế lễ là có thật, nhưng sau khi ăn xong rồi đi khỏi thì mọi thứ lại trở về nguyên vẹn như cũ. Cách giải thích này đã được Phổ Nhân tiên sinh nói tới trong tác phẩm Chân di lục của mình, ông viết: “Hạ Văn Quy chết được một năm trở về thăm nhà, đi cùng với ông còn có khoảng hơn mười người theo hầu. Hạ tự nói hiện mình làm quan trấn giữ tại Bắc Hải. Người nhà chuẩn bị tiệc rượu thết đãi linh đình, rõ ràng nhìn thấy ma ăn hết mọi thứ bày biện trên mâm cúng, nhưng lúc ma quỷ đi rồi thì đồ ăn thức uống lại đầy nguyên như cũ.”

Một cách lý giải khác, người xưa quan niệm không phải là hồn ma không ăn đồ cúng tế, chỉ là họ lựa dùng những cái “tinh hoa” nhất mà thôi, những thứ còn lại người trần mắt thịt nhìn thấy thì vẫn còn nguyên như cũ, nhưng thực tế đó chỉ là cặn bã mà thôi. Đoàn Văn Thành, một nhân sĩ thời nhà Đường, trong Tây dương tạp trở, cuốn một có bàn về việc ma uống rượu nhưng chỉ uống hơi rượu, tuy rượu vẫn còn nguyên nhưng mùi vị đã nhạt chẳng khác gì nước lã. Cách nói này được người đời sau tán thành, hưởng ứng. Trong Việt vi thảo đường bút ký, cuốn mười có đoạn viết về một thư sinh bạo dạn, vào đêm trăng sáng đã đem rượu đến mộ ngồi uống, và còn gọi ma đến uống cùng. Tức khắc có khoảng mười người theo lên, thư sinh đã dùng hũ đựng rượu thật lớn, rót xuống đất để ma có thể ngửi được mùi rượu. Hiểu theo cách hiểu này thì hình ảnh ma quỷ “dùng mũi hút rượu vào bên trong” như trong Lữ viên tùng thoại của Tiền Vĩnh, cuốn mười lăm, Quỷ hí[21] miêu tả là hoàn toàn sai lệch. Có lẽ người viết đã đứng từ trên cao nhìn xuống, lại nhìn không rõ ràng nên mới hiểu lầm rằng ma dùng mũi để uống rượu!

[21] Nghĩa là: kịch ma.

Về cách ăn của ma cũng tương tự như vậy, thức ăn thì còn mà tinh hoa của nó thì đã mất. Viên Mai trong tập Tử bất ngữ, cuốn hai mươi hai có phần viết về Ma cướp bánh bao rất thú vị:

Trên núi Đồng Đình có rất nhiều ma đói. Có một gia đình đang hấp một khay bánh bao, bánh bao chín họ mở nắp nồi ra, nhìn thấy chiếc bánh bao tự động bay lên, làm cho chủ nhà thất thần, cái bánh bao to như cái bát mà trong giây lát đã co lại nhỏ xíu, bánh thì còn nhưng mùi vị thì giống như bột mì sống. Ban đầu họ không thể giải thích được hiện tượng này, sau có một cụ già nói rằng: “Việc này là do con ma đói cướp đi, nếu lúc vừa mở nắp nồi ra mà dùng bút màu đỏ chấm vào, ma sẽ không cướp được.” Nói như vậy nhưng cái nào đánh dấu được thì đánh dấu, cái nào bị co lại thì vẫn co, một người đánh dấu thì làm sao có thể thắng được đám ma đói kéo nhau hàng đàn đến cướp bóc!

Cũng trong tập Tử bất ngữ, cuốn hai mươi hai, Thành thần bất tất hiền nhân[22] có đoạn viết về việc ăn uống của ma như sau: “Tất cả các việc liên quan đến ăn uống của ma là chỉ ngửi mà không nuốt, những thức ăn nóng thì bị ngửi cho đến khi nguội lạnh.” Tinh hoa và hơi nóng cùng lúc mất đi, ma chỉ ăn những chất dinh dưỡng và vi lượng của thức ăn, cách ăn này rất hiện đại mà lại vô cùng khoa học, đã miễn được nhiều chuyện phiền toái khi tiêu hóa thức ăn.

[22] Nghĩa là: trở thành thần thánh không nhất thiết phải là người hiền tài.

5

Chăm lo hương khói, thờ cúng tổ tiên là những hành động thể hiện lòng hiếu thuận của con cháu ở chốn nhân gian. Khi chôn cất quan tài, ngay cả hoàng đế thuở xưa dù có được cúng bái hàng nghìn vật ngon của lạ thì dùng mãi cũng có ngày hết[23]. Vì vậy, con cháu cần nhớ vào những dịp giỗ, tết phải cúng lễ tổ tiên cho chu toàn, cẩn thận. Ngoài cúng tiệc rượu còn phải hóa quần áo, tiền vàng làm từ giấy… Nói tóm lại, cháu con phải làm sao để ông bà, cha mẹ mình ở chốn âm tà lạnh lẽo không phải lo lắng đến chuyện ăn mặc, có như vậy mới làm tròn đạo hiếu với người đã khuất. Hình thức thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình đến nay đã có nhiều thay đổi. Mặc dù có điểm mâu thuẫn là trong đạo Phật không có tục thờ cúng tổ tiên, nhưng trong lễ giáo bao đời của người Trung Hoa, phong tục ấy vẫn không hề bị mai một. Vào thời cổ đại, ngoài việc tế Xuân Thu ra, trong các ngày lễ, tết khác, người người nhà nhà đều không quên thờ cúng tổ tiên. Mặc dù đến xã hội hiện đại, hình thức thờ cúng tại gia đã không còn giữ được nguyên gốc những tập tục dân gian tự thuở xa xưa, nhưng tinh thần của những ngày tết Thanh minh tảo mộ, tết Đông nguyệt “gửi áo ấm mùa đông” vẫn còn lưu giữ được trong dân gian. Tuy nhiên, để những phong tục này được lưu truyền mãi mãi, rất cần có một tư tưởng nhất quán làm tiền đề, đó là niềm tin vô hình vào sự tồn tại vĩnh cửu của các vong hồn tiền nhân ở chốn u minh, địa phủ.

[23] Căn cứ theo Cựu Đường thư, hoàng đế lúc nhập quan thì phải cúng ở trong cung “nghìn vị thực”, thủy lục cùng các món khác lên đến hơn một nghìn loại, màu sắc phong phú, bắt mắt rồi để vào phần mộ, kèm theo là hoa quả và thịt ngựa, trâu, lừa, bê, hoẵng, hươu v.v…, cùng với hơn ba mươi loại rượu.

Chính điều này đã làm nảy sinh một mâu thuẫn mới trong văn hóa vong hồn của người Trung Quốc. Bởi lẽ, theo quan niệm của Phật giáo, và trong nước cũng có một bộ phận người dân tin tưởng, tiếp thu qu định của lục đạo luân hồi, nghĩa là những hồn ma mà hậu nhân vẫn chăm lo thờ cúng vốn đã được đầu thai đến thế giới dương gian rồi. Và nếu như thời gian mà có sự trùng hợp thì việc đầu thai chuyển kiếp ấy thậm chí còn nhanh hơn cả việc thay đổi một chuyến tàu, ở đây chưa qua “đầu thất”, bên kia đã qua “tam triều” rồi. Sau khi chuyển thế, người có phẩm tiết, đức hạnh sẽ được đầu thai thành người có quyền cao, chức trọng, còn kẻ thấp hèn, xấu xa thì sẽ phải làm chó, lợn cả đời để phục dịch con người. Vậy thì, trong thế giới âm phủ còn có vong hồn nào mà mấy mươi đến mấy trăm năm chịu đói khổ giữa chốn u minh lạnh lẽo ấy nữa! Nhưng văn hóa hồn ma ở Trung Quốc lại rất quan tâm việc thờ cúng tổ tiên, vậy thì lý luận Phật giáo của người phương Tây du nhập vào cũng cần phải tuân theo các đặc trưng của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, khi thờ cúng tổ tiên, chúng ta đều lấy tiền đề là tổ tiên ở thế giới bên kia đang bị đói, bị rét làm cơ sở để nương theo. Việc cúng tế và câu chuyện luân hồi chuyển kiếp là hai việc làm tưởng chẳng có gì tương tác với nhau, nhưng trong những trường hợp đặc biệt thì điều đó vẫn có thể xảy ra. Câu chuyện dưới đây trong Ngụ phổ tạp chí của Vương kỳ, cuốn bảy, Lâm Nhất Ngạc trú mộng[24] đã minh chứng điều đó:

[24] Nghĩa là: Lâm Nhất Ngạc nằm mơ giữa ban ngày.

Lâm Nhất Ngạc làm quan ở Giang Tây, vào ngày lễ Trung nguyên chợt nằm mộng giữa ban ngày. Trong giấc mộng, ông thấy mình may mắn được hưởng đồ thờ cúng của Nhất phu nhân. Kinh ngạc hơn, khi tỉnh dậy liền thấy những đồ vật ấy ở ngay cạnh mình. Ngơ ngác nhìn quanh thì phòng ốc, đường xá vẫn y nguyên như trước. Ông đi theo hướng được chỉ sẵn trong giấc mộng, quả nhiên gặp một cụ bà khoảng hơn bảy mươi tuổi đang thắp nhang thờ cúng người chồng quá cố của mình, tro hóa vàng vẫn còn chưa nguội. Hỏi cụ về ngày giờ, tháng, năm mà chồng cụ mất, lại trùng khớp với ngày sinh mà trong mộng Lâm Nhất Ngạc vừa mơ thấy. Anh ta cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Sau khi biết chuyện về người chồng quá cố của cụ già ấy. Lâm Nhất Ngạc cũng thường xuyên mang chút đồ đến thăm nuôi cụ.

Người đang sống giữa chốn dương gian mà lại được hưởng đồ cúng tế của người thân ở kiếp trước, câu chuyện này quả thực có chút gì đó vô cùng kỳ quái, nhưng sau khi đọc xong thì lại khiến người ta có cảm giác thương cảm vô cùng. Tình cảm của đôi vợ chồng già mấy chục năm mà nay gặp mặt lại không hề quen biết, lão phu nhân vẫn ngày đêm tưởng nhớ người chồng quá cố của mình. Trong khi đó, linh hồn người chồng quá cố sau khi chuyển thế lại không lưu lại chút ký ức nào từ kiếp trước. Cái gọi là “mang chút đồ đến thăm nuôi” đó chỉ là tình thương của người qua đường dành cho bà lão già yếu mà thôi. Tuy nhiên, chuyện này cũng không thể trách người ta vô tình, “song dài trăm thước, da dê năm bộ, bây giờ là người phú quý rồi thì quên đi những việc đã làm trước đó”. Chỉ trong thoáng chốc đã làm cho người khác giật mình hiểu ra ý nghĩa sâu sắc của câu “chỉ trong nháy mắt mà xa cách nghìn trùng”. Những câu chuyện kiểu như thế này lần đầu tiên xuất hiện trong các tác phẩm văn học thời Nam Tống, Thiệu Bác trong Thiệu thị vấn kiến hậu lục, cuốn ba mươi, Lục xán, hay thời nhà Minh trong Canh tị biên, cuốn bốn, Như Công hay Mẫn Văn Thành trong Thiên thái lô hy triết… đều lấy việc thờ cúng tổ tiên trong các gia đình để chứng minh sự tồn tại của luân hồi. Nhưng chính người viết cũng không nghĩ đến tác dụng ngược lại, họ thờ cúng tổ tiên trong nhà nhưng cùng lúc họ dùng luân hồi để chứng minh sự vô ích của việc thờ cúng đó. Lô Kỳ Dã đã viết một bài tùy bút, trong đó có nhắc đến chuyện ngày lễ tết, vì đồ ăn quá nhiều nên dễ làm cho con người cảm thấy ngán, liền nói đùa rằng: “Chắc chắn đã ăn phải đồ tế phẩm của con cháu ở kiếp trước rồi.” Phải chăng việc thờ cúng trong gia đình là điều vô ích, vậy thì cần gì phải duy trì tục lệ lâu đời ấy nữa? Nhưng nếu làm như vậy thì luân lý vững chắc của người Trung Quốc tự ngàn xưa chẳng phải sẽ sụp đổ hay sao? Cho nên những câu chuyện như vậy thường gây ra sự hoài nghi, hoang mang trong suy nghĩ, tư tưởng của nhân gian và vì thế cần liệt vào những chuyện “nói không” khi bàn tới.

Hơn nữa, điều làm cho người thời nay cảm thấy vô cùng kỳ quái đó là, rõ ràng chúng ta nghĩ tổ tiên ở thế giới âm phủ vô cùng đói khổ, vậy tại sao con cháu ở chốn trần gian lại không thể “nhân cách hóa” thế giới của người chết một chút, thổi vào đó một chút không khí ấm áp, tươi vui? Họ thậm chí không phải tổn hao công sức mà chỉ cần dùng mồm miệng, dùng tiếng nói của mình là có thể tạo ra một thiên đường rộng lớn, tiện nghi, có đầy đủ “điện, nước, điện thoại, tầng trên, tầng dưới…” cho tổ tiên của mình, và thêm nữa là thức ăn, thức uống dư thừa, chưa hết, còn không phải lo toan miếng ăn, cái mặc hằng ngày. Vậy tại sao họ cứ phải để tổ tiên mình trong tình trạng bụng đói cồn cào, miệng mồm khô khốc, mắt nhắm nghiền, rệu rã chờ sự nuôi dưỡng mà vài tháng mới có một lần, đồng thời cũng gây nên không ít rắc rối cho bản thân mình?

Ý tưởng xây dựng thế giới âm phủ thông thẳng đến thiên đường hoặc thế giới thần tiên cũng đã từng có người nghĩ ra. Trong Dậu dương tạp trở của Đoàn Thành Thức dẫn ra một câu chuyện kể việc Triệu Bùi đến âm phủ. Triệu Bùi bị bệnh mà chết, được Châu y Nhân nhận về âm tào địa phủ, dẫn đi thăm thú một vòng. Cảnh tượng vô cùng sầu thảm hiện ra trước mắt, không có một tấc đất nào được coi là có hạnh phúc. Sau đó, Châu Y Nhân hỏi Triệu tiên sinh: “Ông có muốn đi thêm một chút nữa để đến “thượng thanh” không?” Và thế là đã đến “thượng thanh” tiên cảnh, cảnh vật đẹp đến mê hồn. Ở địa phủ mà lại có cổng sau thông lên tiên giới, ngay cả vị hòa thượng nào đó có công tạo ra âm phủ có lẽ cũng không thể nghĩ ra. Châu Y Nhân rõ ràng là đang “kéo khách hàng” về cho đạo sĩ. Vì vậy, loại truyện như thế này chỉ khiến người ta cảm thấy đây chẳng khác nào khu chợ tranh giành tín đồ giữa đạo sĩ và hòa thượng mà thôi, khó mà làm cho người khác tin vào những lời nói khoác lác, thổi phồng đó được. Ngoài ra, hòa thượng cũng không dễ để bị người ta đưa ra đùa cợt, cho nên, lẽ đương nhiên họ sẽ không để lão đạo sĩ khoét lỗ ở góc tường dưới âm phủ làm cửa sau, vì thế con đường tắt đến thượng thanh tiên cảnh không được người ta nhắc đến nữa.

Nhưng trong các loại “thiện thư” vẫn khuyến khích những linh hồn có giấc mộng đẹp mong muốn đến thẳng thiên đường. Những người hiền lương có tiền sau khi chết đi, đến sông Nại, người khác thì phải đi qua cây cầu nhỏ bé nước đen, bùn sục lên lầy lội, vô cùng đáng sợ, còn họ sẽ được những Tiên Đồng – Ngọc Nữ đáng yêu dẫn đường đến cầu vàng, cầu bạc, sau đó đặt chân lên hoa sen là có thể lên thiên giới. “Thiện thư” thường được đặt ở hai bên hành lang trong đền chùa tại Cảng Đài, ngoài việc bố trí, sắp xếp “Địa phủ du ký” ra, vẫn còn một loại nữa là “Thiên đường du ký”. Nếu chịu khó tu luyện để đến với thế giới Phật môn, khi đắc đạo sẽ được đưa đến một con đường dẫn người chết đến thế giới cực lạc của Phật quốc, giống như trong Thiên long bát bộ đã từng nhắc tới. Nhưng cách làm này phải chịu khổ cực một chút và không phải ai cũng dễ dàng đạt được ý nguyện, ngay cả phật Như Lai đã tu thành chính quả nhưng vẫn phải trải qua bao nhiêu cửa ải, bao nhiêu kiếp nạn. Với những kẻ phàm phu tục tử muốn đến được thiên đường, nếu không chịu được lục đạo luân hồi quay cuồng, điên đảo, lại bị đánh trên một nghìn tám trăm cái thì không cần nghĩ tới giấc mộng thiên đường nữa. Vì thế thiên đường này cũng chỉ để an ủi những phu thê ngu muội mà thôi, ở Trung Quốc đây vẫn là chuyện cần “nói không” như trước.

Sau hai lần “nói không” như vậy, dường như số phận của tổ tiên chúng ta cũng gần như đã được xác định rồi. Vậy nên nếu người dân trong nước một lòng một dạ hiếu thuận, tưởng nhớ thì liệt tổ liệt tông linh thiêng cũng sẽ vĩnh viễn thấu hiểu và vinh dự thưởng thức những đồ mà con cháu dâng hương tế lễ, đó cũng là điều thuận tình hợp lý.

6

Từ thuở xa xưa, việc cúng tế tổ tiên luôn được xem là một việc làm thiêng liêng và vô cùng quan trọng, đặc biệt với những gia đình quyền quý, nó giống như được vinh dự vào triều vái Vạn Tuế gia vậy. Trong nhà thờ tổ tiên, đặt bài vị đầu tiên là của liệt tổ liệt tông, treo ảnh của tổ tông có ghi rõ họ tên, được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Người tế lễ đứng nghiêm túc, trang trọng dưới từ đường, khấu đầu cầu khấn rồi mời các vị tổ tông về thưởng thức đồ tế lễ mà con cháu dâng lên. Trong giờ phút linh thiêng ấy, hầu hết linh hồn của các vị tổ tông đều về dự đông đủ, ai nấy đều mặc quan phục hiển hách lúc sinh thời. Bài vị được sắp xếp theo thứ tự, tả đơn hữu song, bên cạnh thái sư đã kê sẵn giá đỡ, hương khói quấn xung quanh, cung phụng hương hoa, thêm nữa là một mâm cỗ đầy đủ các loại, mùi thơm từ các đĩa thức ăn bay lên. Các vị liệt tổ liệt tông vì giữ lòng tự trọng đã để bụng trống rỗng có khi đến vài tháng, nay nhận được sự bồi dưỡng một cách đầy đủ, không thể không đắc ý mà nghĩ rằng, được làm tổ tông thật tuyệt!

Nhưng sự thịnh vượng, đắc ý của người quá cố cõi u minh đó cũng phải có một tiền đề cơ bản để đảm bảo, đó chính là làm sao để con cháu sống chốn nhân gian không đoạn tuyệt việc hương khói! Một gia tộc hoặc một gia đình nếu chẳng may rơi vào tình cảnh tuyệt tử tuyệt tôn thì tất cả mọi niềm hoan hỷ sẽ biến thành bong bóng hết. Lúc ấy, đừng nói đến việc con cháu xếp hàng dài trong từ đường, mà ngay cả một bát cơm, một bát canh cũng không có người nhớ đến. Vì thế, cổ nhân rất coi trọng việc có con cháu nối dõi tông đường. Cái gọi là “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”[25], là bởi vì hậu quả của nó chính là làm cho tổ tiên mãi mãi trở thành ma đói. Trong Quảng dị ký có ghi chép việc Thượng thư Lý Hồi Tú sau khi chết, linh hồn dưới âm phủ có linh cảm rằng con cháu của mình có mưu đồ bất chính, chắc chắn sẽ gây họa diệt môn. Chỉ cần nghĩ đến việc sắp bị tuyệt tử, không có người hương khói mà nước mắt chảy ròng ròng. Cảnh bi thương đó thậm chí còn đáng thương hơn cả việc người già neo đơn tự nhiên bị cướp sạch khoản tiền dưỡng lão.

[25] Nghĩa là: có ba cái bị gọi là bất hiếu, và cái bất hiếu lớn nhất đó là không có con cháu nối dõi tông đường.

Đương nhiên dưới ảnh hưởng của Phật giáo cũng có người cho rằng “người và ma đi hai con đường khác nhau, lẽ nào còn tình phụ tử trăm năm”[26]. Một khi đã chết, tiền duyên cũng hết, mà người khoáng đạt sẽ để lại di chúc không cho con cháu thờ cúng mình. Nhưng cái đó rốt cuộc cũng chỉ là trường hợp ngoại lệ, không được các giáo phái khác ở Trung Quốc công nhận. Bởi thế, nếu không có cháu trai thì phải tìm một người con kế để làm hậu tự, đấy không những là việc “mua bảo hiểm” cho cuộc sống của mình sau khi chết, mà hơn nữa còn có liên quan đến “cái bụng đói” của tổ tiên nơi âm phủ. Bởi vì, giả dụ như ba đời đơn truyền, một khi đã tuyệt tử, việc ăn uống của đời ông, đời bố dưới âm gian cũng là cả một vấn đề. Cuốn mười sáu trong Hữu đài tiên quản bút ký của Du Việt có kể lại câu chuyện về một người sau khi chết không có cháu con thờ cúng, hồn ma của người đó suốt ngày đến nhà người thân để phá phách, ép họ phải lập tự cho mình. Người thân hỏi: “Sao lúc còn sống anh không lo lắng, vội vàng, bây giờ tới tìm tôi làm gì?” Hồn ma trả lời: “Đấy là do tổ tông vì tôi mà không có đồ ăn, họ không tha cho tôi đấy chứ!”

[26] Theo Bắc mộng tỏa ngôn của Tôn Quang Hiến thời Ngũ Đại, cuốn ba, Đường Lưu Sở thoát xác, từ rất sớm là văn học ứng vào sĩ cử, trong đó phần đức giới viết “bất cứ ai vào, nghèo hay giàu, không hy vọng về tôi. Nếu sau khi tôi chết, cũng đừng thờ cúng tôi”. Nói rồi lên thuyền đi câu cá làm thú tiêu khiển và không ai biết ông ở nơi đâu.

Mình không đẻ được con trai, chỉ còn cách dựa vào con trai kế để giải quyết vấn đề, nhưng việc “lập tự” không đơn giản như việc nhận một đứa trẻ ở cô nhi viện về nuôi. Từ thời nhà Hán, trong các câu chuyện ma quỷ đã xuất hiện một cách nói: “Ma của tổ tông không hưởng đồ tế lễ của người mang họ khác.” Trong cuốn Phong tục thông dịch[27] của Ứng Thiệu có một câu chuyện vô cùng kinh điển, cần phải giới thiệu toàn văn như sau:

[27] Nghĩa là: giải thích ý nghĩa của các phong tục.

Chu Ông Trung người Nhữ Nam, thời còn làm thái vị duyện thuộc (tức nhân viên công sở ngày nay), vợ ông sinh hạ một người con trai. Đến khi ông làm tướng Bắc Hải, liền phái thuộc hạ của mình tên là Chu Quang đến Nhữ Nam làm công chuyện. Lúc chuẩn bị xuất hành, Chu Ông Trung nói với Chu Quang: “Đợi sau khi anh làm xong công chuyện, vào ngày mùng Tám tháng Chạp, nhờ anh đưa con trai tôi đến tế lễ tổ tông của gia đình tôi.” Chu Quang vốn là người có thể nhìn thấy hồn ma, đợi khi anh ta từ Nhữ Nam về Bắc Hải, Chu Ông Trung liền hỏi anh ta về tình hình tế lễ ra sao, Chu Quang nói: “Khi tế lễ, tôi nhìn thấy một đồ tể mặc quần áo rách nát, tóc tai bờm xờm, đến thẳng bàn thờ, cầm dao cắt thịt cúng để ăn. Ngoài ra còn có mấy vị mặc quan phục, chỉ đi đi lại lại bên thùng đựng đồ ở phòng lớn mà không vào bên trong. Không biết nguyên cớ vì sao?” Chu Ông Trung nghe xong thì vô cùng phẫn nộ, cầm kiếm đi thẳng lên phòng, lớn tiếng quát mắng vợ mình: “Vì sao bà lại gian dâm với tên đồ tể sinh ra đứa con nghiệt chủng này?” Vợ ông ta nghe thấy thế cũng vô cùng tức giận trả lời: “Bình thường chẳng phải ông hay nói đứa trẻ này từ hình dáng, cử chỉ, điệu bộ đến giọng nói đều rất giống ông sao? Hôm nay ông không muốn sống nữa hay sao mà nói ra những lời điên cuồng như thế!” Chu Ông Trung kể lại tường tận mọi việc Chu Quang nhìn thấy, và nói: “Nếu bà không nói ra sự thật, tôi sẽ chém chết hai mẹ con bà!” Đến lúc này, người vợ mới khóc lóc nói ra sự thật: “Lúc đó tôi thấy chúng ta đều có tuổi rồi mà vẫn chưa có con trai, tâm lý bất an, liền đem đứa con gái vừa sinh xong đổi lấy đứa con trai của tên đồ tể, và còn cho gia đình họ một vạn quan tiền.”

Tổ tiên ở dưới âm gian chỉ có thể hưởng được đồ tế lễ của chính con cháu mình, điều đó đồng nghĩa với việc đồ tế lễ của con cháu thì chỉ có những người thực sự là tổ tiên của họ mới hưởng thụ được. Câu chuyện là một sự kết hợp khéo léo giữa việc phản ánh tín ngưỡng thờ cúng trong dân gian với việc lý giải chế độ tông pháp trong xã hội xưa. Họ cho rằng tài sản riêng của xã hội phong kiến được phân chia rạch ròi dựa vào “luận chính”. Vì thế, cuốn thứ chín trong tập Quý tân tạp nhận – Biệt tập của Chu Mật thời Nam Tống đã cải biên câu chuyện này một chút và đưa thêm một cái kết đầy kịch tính:

Vào ngày cúng thần (ngày mồng Tám tháng Mười hai) có quan gia đến nhà đồ tể, gặp đứa trẻ nhỏ rất đáng yêu liền bế đứa bé lên rồi nói rằng sau này, khi đứa bé lớn lên sẽ trở thành một người hiểu biết. Đứa bé khi xưa nay lớn lên quả thực có khả năng đặc biệt hơn người. Một lần, khi đang thờ cúng tổ tiên, bỗng mơ màng nhìn thấy tất cả các bậc tổ tiên đều đeo gươm đao trên người ngồi ngay ngắn. Một lát sau lại nhìn thấy một người mặc lễ phục có hoa văn đứng bên cạnh các bậc tổ tiên. Anh ta vô cùng kinh ngạc, liền đem cảnh tượng đó kể lại cho cha nuôi mình nghe. Lúc này người cha nuôi mới nói cho anh ta biết, nguyên tắc trong việc tế lễ là cha đẻ và cha nuôi phải được phân ra rõ ràng, thứ tự tiếp nhận đồ tế lễ không phải được sắp xếp theo cấp quan hay cấp bậc công lao. Cha nuôi nói: “Con cháu đời sau không thể không biết điều đó.”

Những đồ cúng lễ của con cháu trước tiên sẽ dành cho người thân thích ruột thịt với người dâng lễ hưởng thụ trước, còn bên dòng họ của người bố nuôi thì phải đợi sau, đến khi gia chủ ăn xong thì sẽ được ăn những đồ còn thừa lại. Kiểu lý giải như thế này so với chuyện của Ứng Thiệu có vẻ nhẹ nhàng hơn đôi chút nhưng vẫn làm cho tâm lý của người con nuôi không được thoải mái cho lắm. Phải đợi đến thời nhà Thanh thì vị trí của người con nuôi mới được khẳng định. Kỳ Vân trong tác phẩm của mình đã nói rõ hơn việc con nuôi không thể bị coi là người ngoại tộc. Nếu có sự phân biệt như vậy thì nhận người ngoại tộc làm con nuôi tất yếu tổ tông không được đến hưởng phúc. Do đó, phải coi con nuôi như con đẻ, có như vậy thì việc tổ tiên đến hưởng phúc của con cháu mới được đường đường chính chính, ngẩng cao đầu mà tự hào vì dòng dõi bao đời vẫn được nối tiếp mà không bị ngắt quãng. Trong Việt vi thảo đường bút ký, cuốn mười ba có viết:

Có người nhìn thấy ma nói: “Người con nuôi, là những người khác dòng họ, dù là con của người con gái, cháu của vợ, khi thờ cúng thì chỉ có những người sinh thành đến hưởng phúc, người đời trước không có ai. Phàm là người cùng họ, dù là ngoài năm đời thì khi thờ cúng vẫn có thể đến hưởng. Người sinh ra cũng đến, thức ăn để ở bên cạnh, mà không dám đến trước. Duy có Vu mỗ bế con nuôi Trương mỗ, khi thờ cúng vẫn đến sau để hưởng. Sau nhiều thế hệ mới biết, phu nhân của Vu mỗ có thai, sau đó cưới Trương sinh, là người trong tộc Vu.”

Có thể thấy, câu chuyện này muốn nói với người đời rằng, ai không có con trai, nếu muốn nhận một đứa con trai để làm con nuôi, tốt nhất nên chọn người trong tộc. Bởi vì nếu con nuôi là người ngoại tộc, kể cả là người rất gần với mình như cháu ngoại hoặc cháu bên đằng vợ, sau này, khi họ tế lễ tổ tiên, đến hưởng phúc chỉ có thể là người có cùng huyết thống. Mà con cháu trong bổn tộc, ngay cả ngoài năm đời, một khi họ trở thành con nuôi của bạn, vậy thì khi họ tế lễ, người đến hưởng phúc đầu tiên là bạn, mẫu tử thân sinh ra họ cũng chỉ được sắp sẵn thức ăn để ở bên cạnh mà thôi.

Tuy nhiên, đây là đạo lý của người hay đạo lý của ma? Rõ ràng dù là đạo lý của ma thì mục đích đặt ra cũng nhằm bảo vệ cho đạo lý của người: Huyết thống của tổ tông không thể lẫn lộn được, tài sản của tổ tông cũng không được để truyền ra ngoài. Về vấn đề lập tử trên danh nghĩa là để lo cho cái ăn, cái mặc của tổ tiên, nhưng thực tế, mục đích chính là vì con cháu, vì tính toán đến chuyện được mất tài sản của tổ tông. Việt vi thảo đường bút ký vẫn còn một câu chuyện lý thú kể về ba huynh đệ, người anh hai chết sớm, không có con cháu, người anh cả và em út đều muốn lập con trai mình làm con nuôi của anh hai, bởi vì muốn tài sản của gia đình anh hai rơi vào tay mình, hai anh em vì việc này mà tranh cãi từ dương gian đến tận âm thế. Rõ ràng chuyện này đối với người anh hai từ lâu đã trở nên vô nghĩa.

Qua những câu chuyện này chúng ta đã hiểu được thực chất của vấn đề ma đói được bàn tới ở trên. Thì ra chỉ có thể để hồn ma dưới chốn âm gian không ăn không uống mới có thể thấy được ý nghĩa việc thờ cúng của con cháu là vô cùng quan trọng. Và hệ quả tất yếu, muốn bảo đảm cho tổ tông một năm ba bữa đủ đầy thì tài sản để lại cho con cháu bắt buộc không được để truyền vào tay người khác dòng họ của mình! Vì lợi ích thực tế của tổ tông, cho nên mọi thứ cần phải được bảo hộ ở cấp cao nhất, vì thế, để linh hồn tổ tông ở dưới âm phủ chịu ấm ức một chút cũng chẳng đáng là bao.

Viết đến đây, ngẫm lại câu nói ban đầu của Châu Tác Nhân: “Qua việc này có thể thấy tấm lòng chân thành của dân tộc Trung Quốc, còn hơn việc dùng võ mồm, thùng rỗng kêu to để nói về những luân thường đạo lý, về những việc đúng sai trong cuộc sống, liệu có thể tin tưởng được không?”, ít ra cũng cảm thấy có chút thấm thía đến nghẹn ngào.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN