Tây Du Ký - Chương 14: Núi Lưỡng giới, thần hầu thoát nạn Ðường Tây Phương, thầy tớ băng ngàn
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
113


Tây Du Ký


Chương 14: Núi Lưỡng giới, thần hầu thoát nạn Ðường Tây Phương, thầy tớ băng ngàn


Khi ấy Tam Tạng và Lưu Bá Khâm đương đứng ngẩn ngơ, lại nghe kêu nữa rằng: – Thầy ta đà tới đó.

Mấy đứa đầu tớ nói:

– Tiếng kêu lớn đó chắc là con vượn già trong hộp đá dưới chân núi.

Lưu Bá Khâm nói:

– Phải đó, phải đó.

Tam Tạng hỏi:

– Sự tích con Vượn già làm sao mà ở trong hộp đá?

Lưu Bá Khâm nói:

– Hòn núi nầy khi trước gọi là núi Ngũ Hành Sơn. Bởi vua Ðường đánh Tây liêu rồi cải tên lại là núi Lưỡng giới, ông già bà cả nói lại lúc Vương Mãng soán nhà Hớn, thì hòn núi nầy ở trên trời rơi xuống đây, đè một con vượn thần dưới chân non, nằm trong hộp đá. Nghe đồn có thánh thần ở giữ, cho nó ăn sắt cục, và uống nước đồng, chịu đựng năm trăm năm, đến giờ còn sống, cho nên tiếng kêu dưới chân nó, chắc là con Vượn già. Không hệ gì đâu, thầy đi với tôi mà coi thử.

Tam Tạng nghe lời đi tới chân núi, chừng ba bốn dặm đuờng. Thấy con khỉ đột nằm trong hộp đá ló cổ ra thò tay ngoắt mà hỏi rằng:

– Sao thầy trễ bây giờ mới đến? Thầy tới đây xong lắm, xin làm phước cứu tôi ra, tôi theo thây tới tây phương thỉnh kinh về Ðông Ðộ.

Tam Tạng ngó thấy con khỉ ấy mỏ dài mặt trơn, mắt lửa tròng vàng. Cây mọc trong tai, mốc đơm trên trán.

Ấy là:

Ðầu xem hết tóc um sùm cỏ,

Mép thấy không râu xụ xộp rêu.

Lưu Bá Khâm dạn lắm, nhổ dùm cây cỏ rong rêu.

Khỉ ấy nói rằng:

– Xin chú làm ơn mời hòa thượng lại tôi nói chuyện.

Tam Tạng nghe nói, bước tới hỏi rằng:

– Ngươi kêu ta làm chi đó?

Khỉ ấy hỏi:

– Thầy phải Hòa Thượng đi thỉnh kinh chăng?

Tam Tạng nói:

– Ta vâng lệnh vua Ðường, đi thỉnh kinh Tây độ, mà người hỏi làm chi?

Khỉ ấy nói rằng:

– Tôi là Tề Thiên Ðại Thánh, năm trăm năm trước đánh trời, bị Như Lai đè cổ xuống đây, nghỉ tội mình cũng đáng, khi ấy Quan Âm Bồ Tát đi tìm kẻ thỉnh kinh, ngài ghé thăm tôi hồi lâu, tôi cầu khẩn ngài cứu giúp, Quan Âm dặn tôi rằng: “Ðợi thầy thỉnh kinh tới cứu tôi rồi theo làm đệ tử đến Tây Phương. Tôi bấy lâu hằng trông, thầy bây giờ mới đến!

Tam Tạng nghe qua mừng lắm, nói rằng:

– Ngươi đã chịu hồi tâm, ta cũng muốn làm phước. Ngặt không riều búa, biết cứu làm sao?

Ðại Thánh nói:

– Không cần rìu búa làm chi. Có sáu chữ bùa dán tại trân chóp núi, xin thầy gỡ lá bùa ấy, thì tôi chờ dậy mà thôi.

Tam Tạng day lại nói với Bá Khâm rằng:

– Vậy thời Thái Bảo đi lên chót núi với tôi.

Lưu Bá Khâm nói:

– Biết thiệt hay không mà đi cho mệt.

Ðại Thánh nghe nổi nóng nói lớn rằng:

– Tôi nói thiệt tình, không phải dối trá.

Lưu Bá Khâm dắt Tam Tạng vịn đá trèo non đi một hồi lâu, mới tới trên chót núi.

Ngó thấy hào quang muôn ngọn, hơi ấm ngàn trùng, có một tấm đá vuông, trên dán bùa Lục tự, là câu: Án, ma, ni, bác, di, hồng, sáu chữ bạc bằng vàng.

Tam Tạng quỳ lạy vái rằng:

– Ðệ tử là Trần Huyền Trang, vâng lệnh chúa đi cầu kinh về Ðông Ðộ, phải phần tôi gỡ bùa Lục tự mà cứu thần hầu, thì xin cho như lời, đặng dùng người bảo hộ. Nếu nó quen thói dữ mà gạt kẻ tu hành, xin Phật Tổ hiển linh, cho gỡ lá bùa không đặng. Vái lạy rồi đưa tay nhẹ nhẹ, mà gỡ lá bùa, xảy có trận gió thơm, thổi lá bùa vàng lên mây bạc, nghe tiếng nói thinh không rằng:

– Ta là thần giữ gìn Ðại Thánh, nay đà mãn hạn, ta đem bùa dâng lại Như Lai.

Tam Tạng và Lưu Bá Khâm nghe nói thất kinh liền dạy, rồi leo xuống nói, lại gần hộp đá dựa chân non.

Tam Tạng nói với Ðại Thánh rằng:

– Ta gỡ lá bùa rồi, ngươi tính thế làm sao mà ra đó?

Ðại Thánh mừng rỡ nói rằng:

– Xin thầy chạy cho xa, kẻo tôi dậy, đá đè mà chết.

Lưu Bá Khâm nghe nói, dắt Tam Tạng chạy dài, chừng bảy tám dặm đường mệt quá đứng dừng lại mà nghỉ.

Ðại Thánh kêu lớn rằng:

– Chạy cho xa nữa.

Hai thầy trò chạy riết một hồi xảy nghe tiếng ầm ầm, dường thể đổ trời lỡ núi.

Tam Tạng đương kinh hãi thấy Ðại Thánh đến trước mặt.

Quỳ lạy mà nói rằng:

– Bạch cho thầy rõ, tôi đã ra đây lạy thầy bốn lạy.

Rồi bái Bá Khâm mà nói rằng:

– Cám ơn anh đưa thầy đến đây, lại nhổ giùm rong rêu trên mặt..

Nói rồi liền mang gói, đi dắt ngựa cho thầy, chẳng ngờ con ngựa ấy thấy Ðại Thánh trần truồng mặt mày dữ tợn, ngựa sợ quá chân run cầm cập, đứng chẳng vững vàng.

Nguyên là Ðại Thánh khi trước làm Bật Mã Ôn, giữ ngựa rồng cho Thượng Ðế. Nay ngựa phàm thấy mặt, sao cho khỏi giựt mình.

Tam Tạng thấy Ðại Thánh thiệt tình, không làm kiêu cách, liền kêu mà hỏi rằng:

– Trò ôi, nói thử tên họ cho biết?

Ðại Thánh nói:

– Bạch Hòa Thượng, tôi thiệt họ Tôn.

Tam Tạng nói:

– để thầy đặt tên thánh cho, mới liệu bề kêu gọi.

Ðại Thánh nói:

– Tôi đã có tên thánh, gọi là Ngộ Không.

Tam Tạng mừng rằng:

– Tên ấy tốt lắm, ta thấy tướng nhà gả giống bộ thầy rùa, lấy chữ ấy làm tên ngoài, gọi là Tôn Hành Giả.

Ðại Thánh nói:

– Tốt lắm, tốt lắm! Hành giả tên mới, xin cứ đó mà kêu.

Lưu Bá Khâm thấy Tôn Hành Giả mang gói muốn đi chẳng phải nói gạt.

Bá Khâm nói với Tam Tạng rằng:

– Bạch Hòa Thượng, kiếm học trò tốt lắm, tôi hết sức vui mừng, đã có người tùy tùng, tôi xin trở lại.

Tam Tạng cũng từ giã kẻ tới người lui.

Hành Giả mời Tam Tạng lên yên, mình mang gói đi theo sau ngựa; một hồi lâu qua khỏi núi Lưỡng Giới có một con cọp đói, nhảy ra há miệng đập đuôi, hà hà xốc tới. Tam Tạng nhớ lời Bá Khâm nói, ngồi trên yên ngựa mà run.

Tôn Hành Giả cười rằng:

– Thầy sợ nó hay sao? Ấy là nó nạp quần áo cho tôi đó.

Liền để gói đồ xuống, móc cây kim trong lỗ tai ra, cầm trong tay dồi lên lớn gần bằng miệng chén, cầm thiết bảng mà cười rằng:

– Vật báu này hơn nửa ngàn năm, chẳng hề xài đến, nay đem ra đánh thử mà kiếm áo quần.

Rồi chỉ cọp mà nói rằng:

– Tao đố mầy chạy khỏi.

Cọp thất kinh mọp xuống Hành Giả đập bể đầu.

Tam Tạng thấy thất kinh nhào xuống ngựa, cắn móng tay mà than rằng:

– Trời ơi! Hôm qua Lưu Thái Bảo hơn nửa ngày mới đánh đặng một hùm, bữa nay Tôn Hành Giả mới đập một heo mà chết tươi con cọp! Ấy là kẻ mạnh hởi còn kẻ mạnh hơn, anh hùng cũng có anh hùng nữa.

Tôn Hành Giả kéo cọp lại nói rằng:

– Xin thầy ngồi nghỉ chân đợi tôi may quần áo.

Nói rồi nhổ một cái lông, thổi mà làm phép, miệng hô: “Biến biến!” Hóa ra một con dao phay, lấy dao lột da hùm, cắt làm hai tấm, cuốn một tấm cất, rồi còn một tấm làm chăng mà bậu, bức dây cổ rùa làm sợi dây lưng.

Rồi thưa với Tam Tạng rằng:

– Thôi thầy lên ngựa mà đi, đặng kiếm xóm mượn kim may áo.

Nói rồi thâu thiết bảng, còn nhỏ tợ cây kim cút, liền để trong lỗ tay mang gói đi theo sau ngựa, Tam Tạng hỏi:

– Cây thiết bảng đánh cọp, nhà ngươi bỏ đi đâu.

Hành Giả cười rằng:

– Nguyên thầy không rõ, để tôi bạch lại cho rành: Cây thiết bảng này ở dưới Long vương gọi là Như ý kim cô bổng. Cũng nhờ có nó, nên tôi mới dám đánh trời. Nó biến hóa vô cùng. Muốn to thì nó to, muốn nhỏ thì nó nhỏ, tôi mói thâu lại mà cất trong lỗ tai, tới chừng nào có việc mới lấy ra. Dù mình muốn lớn chừng nào, thì nó lớn theo chừng nấy.

Tam Tạng nghe nói mừng thầm mà hỏi rằng:

– Hồi nãy cọp thấy nhà ngươi sao không dám cự?

Tôn Hành Giả nói:

– Tôi là đệ tử không dám dấu thầy, chẳng kì cọp sợ mà thôi, dầu rồng gặp tôi cũng không dám cục kịch, tôi có phép đánh rồng thâu cọp, lại có tài tát biển xô non, tôi biến hóa đủ điều, cộng bảy mươi hai phép, độn thổ đằng vân còn được, sá gì đánh cọp mà khen.

Tam Tạng nghe nói lòng mừng, không sợ yêu tinh bắt nữa. Liền lên yên giục ngựa, đi một hồi lâu, vừng ô lặng khuất non Ðoài, bóng thỏ mọc lên hướng Chấn, thấy xa xa có vườn rậm chắc chỗ ấy có nhà người.

Tôn Hành Giả nói:

– Thầy vào đó ngủ nhờ đợi sáng sẽ đi cho thẳng buổi.

Tam Tạng nói phải, giục ngựa đi theo Tôn Hành Giả bước vào kêu chủ nhà mở cửa. Ông già nghe kêu cửa, chống gậy đi ra, mở cửa dòm thấy tướng dị kì, tợ Thiên Lôi mới xuống.

Ông già ấy tay chân bủn rủn, mặt mũi điếng xanh, miệng la bài hải rằng:

– Có quỷ tới, có quỷ tới!

TamTạng thấy vậy nói rằng:

– Xin chủ nhà đừng sợ, nó không phải yêu quỷ, ấy là học trò tôi.

Ông già ấy thấy thầy Tam Tạng mặt mày vui vẻ, lời nói hiền lành, liền hỏi rằng:

– Thầy là người nhân đức sao đem ăn cướp đến nhà tôi.

Tam Tạng nói:

– Tôi là sãi nước Ðường, đi thỉnh kinh bên Tây Ðộ, lỡ đường trời tối, ngủ đậu nhà lành, xin ông chủ làm ơn giúp kẻ lỡ chân trái bước.

Ông chủ nhà nói:

– Thầy thiệt người nước Ðường, tôi đành cho ngủ đậu. Còn bột Thần trùng đó, chắc không phải ở nước Ðường.

Tôn Hành Giả hét lớn rằng:

– Thằng già này quáng nhản, nên coi chẳng thấy người, thầy ta ở nước Ðường, còn ta là đệ tử, không nước phải nước đường nước mật chi hết. Ta là Tề Thiên Ðại Thánh, nằm trong hộp đá bấy lâu, nhà ngươi cũng từng xem, nhìn thử phải hay không phải? Ông già ấy nhớ trực nói rằng:

– Tôi coi thì cũng giống vượn già, vì cớ nào mà ra đặng?

Tôn Hành Giả thuật chuyện lại, ông già nghe rõ, liền mời Tam Tạng vào trong, đãi trà đãi nước, rồi hỏi thăm Hành Giả rằng:

– Ðại Thánh nè, ông đặng bao nhiêu tuổi?

Tôn Hành Giả hỏi lại rằng:

– Mà mày mấy tuổi đó?

Ông già nói:

– Nhờ trời nhờ phật, tôi sống đặng một trăm ba.

Tôn Hành Giả nói:

– Coi bộ mày già còm, mà tuổi không bằng thằng cháu nội ta đó! Tuổi ta sắp trước không tính làm chi, kể từ nằm trong hộp đá đến nay, năm trăm năm có lẻ.

Ông già nói:

– Tôi có nghe ông nội tôi nói lại rằng, hòn núi này trên trời rớt xuống, đè một vị thần hầu nằm cho tới đời này mới xuất thân ra đặng!

Ai nấy nghe nói đều cất tiếng cười vang, ông già ấy cũng hiền lành, hối trẻ dọn cơm chay mà đãi.

Tôn Hành Giả hỏi:

– Cháu họ chi đó vậy?

Ông già nói:

– Tôi là họ Trần.

Tam Tạng nghe nói mừng rằng:

– Nếu vậy tôi cũng đồng tông với ông đó.

Ông già nghe nói đồng tánh, lại mừng rỡ hơn xưa, Tôn Hành Giả nói:

– Lão Trần quái gì đó, xin làm ơn một phen, ta nằm vạ năm trăm năm nay, không có tắm gội gì hết, xin hâm giùm vài bồn nước, thầy trò ta tắm một hồi, đến chừng gần đi sẽ tạ ơn luôn thể.

Ông già hối cháu hâm nước đem ra chỗ vắng, thầy trò tắm rửa xong rồi.

Tôn Hành Giả lại nói với ông già rằng:

– Thế nầy phải làm ơn luôn thể, cho mượn chỉ và kim.

Ông già lấy kim, chỉ đem ra trao cho Hành Giả.

Hành Giả ngó thấy cái áo lá của Tam Tạng mới cởi ra đó lấy mà mặc vào mình, rồi mở cái chăn da cọp ra, ngồi chồm hổm mà làm thợ khéo, may cái quần dài lắm, bận tới nách mặc vào tử tế, lại trước mặt Tam Tạng mà thưa rằng:

– Thầy nhắm tôi bữa nay với hôm qua ra thể nào?

Tam Tạng khen rằng:

– Thiệt phải người Hành Giả nên ăn mặc như vầy, thôi, cái áo lá nầy, cho nhà ngươi luôn thể.

Tôn Hành Giả mừng rằng:

– Tôi đội ơn thầy lắm.

Nói rồi cho ngựa ăn cỏ, đến khuya mới nghỉ ngơi.

Vừa rạng ngày sau, thầy trò thức dậy, ông già dọn cơm nữa, thầy trò ăn uống xong rồi, đồng tỏ việc cám ơn.

Tôn Hành Giả dắt đường đi trước, Trần Huyền Trang cởi ngựa theo sau, đi mãn thu qua đông, đà hết mưa tới nắng.

Thầy trò đương đi dựa núi, gặp sáu thằng ăn cướp đón đường thẳng vác giáo, đứa cầm gươm, kẻ cấp cung ba tên xách búa, đồng hét lớn rằng:

– Lão Hòa Thượng đi đâu? Hãy để gói đồ lại đó, và dâng con ngựa mà thế mạng hai người.

Tam Tạng nghe nói thất kinh, té nhào xuống ngựa.

Tôn Hành Giả hai tay đở dậy, mà nói với thầy rằng:

– Không hề gì đâu, chúng nó nạp áo quần cho thầy trò mình đó.

Tam Tạng hỏi:

– Nhà ngươi lãng tai sao vậy? Nó bảo mình nạp gói đồ cho nó, chớ phải nó đem quần áo cho mình đâu!

Tôn Hành Giả cười rằng:

– Ấy là thầy thiệt thà, không phải tôi điếc lác, xin thầy coi đồ giữ ngựa, để tôi ra sức chống ngăn.

Nói rồi Tôn Hành Giả bước tới, xá sáu thằng ăn cướp mà hỏi rằng:

– Chẳng hay các cha cầm gươm vác giáo mà đón đường thầy sãi làm chi?

Thằng cầm gươm nói rằng:

– Ta là vua núi, thâu thuế đường rừng, nhà ngươi muốn đi qua phải nạp tiền mãi lộ. Tôn Hành Giả nói:

– Ta cũng là vua núi lâu lắm, sao không nghe tiếng các cha?

Thằng cầm gươm nói rằng:

– Nhà ngươi đầu không thấy mặt, song cũng nghe danh, đã một tụi với nhau, chẳng giấu chi tên họ. Ta hiện là Nhản Khán Hỉ còn năm người kia hiệu là Nhỉ Thính Nộ, Bỉ Xú Ái, Thiệt Thường Tư, Ý Kiến Dục, Hân Bổn Ưu.

Tôn Hành Giả nghe nói cười rằng:

– Vậy thì bây là giặc cỏ chưa đáng vua rừng, đã gặp Tôn thần còn xưng tiểu quỷ, cái tội đón đường đó, chúng bây phải tính cho xong, thôi hãy đem đồ tang vật đó đặng ta tính êm cho. Ðây chia ra làm bảy phần ta dung toàn sáu mạng.

Lũ ăn cướp đồng ó lớn rằng:

– Hòa Thượng nầy vô duyên quá! Mình chưa chia của nó, nó muốn chia của mình.

Ðồng hê một tiếng với nhau, áp lại chém đâm Hành Giả.

Tôn Hành Giả không thèm nói lại, đứng chống nạnh làm thinh để ăn cướp áp đập đầu, như thầy chùa gõ mỏ. S

áu thằng ấy nói rằng:

– Hòa Thượng nầy đầu nhỏ, cớ sao sọ cúng quá chừng! Gươm chém không trầy, búa bửa không bể, cây đập sang sảng, không hề hấm chút nào!

Tôn Hành Giả cười rằng:

– Bây đánh đả mỏ, để ta lấy kim cho chúng bây coi thử.

Sáu thằng ăn cướp nói rằng:

– Bộ thầy chùa nầy biết lể đạn, nên mới sắm kim, chúng ta không mắc ban cua, hòa thượng đừng quen lể ốc.

Tôn Hành Giả móc trong lỗ tai lấy cây kim nhỏ, dồi lên một cái hóa ra thiết bảng tức thì, cầm giơ lên mà nói rằng:

– Chúng bây đừng chạy, để ta đánh thử một hèo.

Mấy thằng ăn cướp thất kinh, chạy quên tên quên tuổi.

Tôn Hành Giả rượt theo như ngựa, đập chết hết sáu thằng, liền lột áo quần, và lấy tiền bạc cười ha hả, trở lại thưa với thầy rằng:

– Tôi giết hết ăn cướp rồi, xin thầy lên ngựa.

Tam Tạng nói:

– Chúng nó tuy là ăn cướp, giải tới quan có giết có tha, ngươi có tài cao, đánh đuổi đi mới phải, lẽ đâu giết sáu mạng, sao gọi là Hòa Thượng?

Tôn Hành Giả nói:

– Nếu tôi không giết nó, thì nó lại giết thầy.

Tam Tạng nói:

– Ta là người tu niệm, phải giữ việc hiền lành, thà chịu chết cũng ưng, chớ không dám sát nhân hại vật.

Tôn Hành Giả thưa rằng:

– Tôi là đệ tử không dám giấu thầy, năm trăm năm trước, tôi xưng vua xưng chúa, giết người chẳng biết bao nhiêu, nếu nói như thầy, tôi chẳng làm không đặng Tề Thiên đại thánh.

Tam Tạng nói:

– Bởi vì ngươi không kể trời đất, nên Phật đày nằm dưới chân núi hơn mấy trăm năm; nay đã tu hành, phải cải ác tùng thiện. Nếu không chừa thói dữ, thì không đặng là Hòa Thượng, đi sao cho thấu tây phương.

Tam Tạng cằn rằng hoài, cả canh cả buổi.

Nguyên Hành Giả là cốt khỉ, tánh không chịu ai ngầy, thấy Tam Tạng nói nhỏ nói to, cà riềng cà tỏi, nín hoài không đặng, trợn con mắt giộc mà nói rằng:

– Thầy nói tôi làm không đặng Hòa Thượng, đi không tới Tây Phương, thôi thầy chẳng nói cằn rằn làm chi, để tôi trở về cho rảnh.

Tam Tạng chưa kịp nói lại, Tôn Hành Giả nói lớn rằng:

– Tôi đi đó.

Vùng nhảy lên một cái, bay thẳng về hướng Ðông.

Còn Tam Tạng bơ vơ quạnh quẻ, gật đầu mà than rằng:

– Cái người làm sao, chẳng biết nghe lời dạy dổ, mình mới nói ít lời ít tiếng, nó liền đi mất dạng mất hình. Tại số mình không có học trò, mặc ý ở đi cũng phải.

Liền ngâm hai câu rằng:

Ðã đành liều mạng tìm kinh Phật,

Lựa phải cầu người dẹp lũ ma.

Tam Tạng lấy gói đồ gác lên lưng ngựa, một tay thì chống gậy, một tay cầm cương ngựa dắt đi. Nghỉ vừa khóc vừa than, đi thất thơ thất nghiệp, ước chừng một lát, thấy bà già bên núi bước ra, tay cầm cái áo gấm vải của thầy chùa và một cái mão, Tam Tạng ngó thấy, dắt ngựa tránh bên đường.

Bà già ấy nói rằng:

– Phật ở tại Tây Phương, chùa Ðại Lôi Âm, về nước thiên trước, đường xa mười muôn tám ngàn dặm, không phải là gần, không kẻ tùy tùng, đi một ngựa một mình sao tới.

Tam Tạng nói:

– Tôi có một người đệ tử mà tánh dữ như yêu, tôi khuyên dạy vài lời, mà nó không chịu phép, bỏ đi mất, tôi không biết tính làm sao!

Bà già nói:

– Ta có một cái áo vải gấm, và một cái mão vàng, ấy là của con ta lên chức Hòa Thượng ba ngày mà tịch, ta mới qua chùa nó mà khóc một hồi, rồi đem áo mão nầy về, để làm dấu tích, như thầy có đệ tử, ta xin cúng hết vật nầy.

Tam Tạng nói:

– Tôi cũng cám ơn bà, ngặt vì học trò tôi đã trốn rồi, nên không dám lãnh.

Bà già nói:

– Nó đi về phía nào đó?

Tam Tạng nói:

– Nghe nó hú một tiếng, rồi bay về hướng đông.

Bà già nói:

– Ta cũng ở phía đông, chắc là nó ghé nhà ta đó, ta có một ít câu thần chú, gọi là Ðịnh tâm chơn ngôn. Thầy phải học thuộc lòng đừng nói cho ai hay hết, để ta đi kêu nó, làm sao nó cũng trở về, thầy cho nó mặc áo ấy, đội mão nầy, sao cũng phải gạt cho nó đội, như nó nghe lời thì tốt, bằng cãi lời thì niệm chú định tâm, niền vàng trên mão bóp riết vô màng tang, nó sợ nhức đầu thì phải chịu phép.

Tam Tạng nghe nói liền lạy tạ ơn.

Bà già truyền thần chú rồi liền hóa ra hào quang bay về phía mặt trời.

Tam Tạng biết là Quan Âm hiện xuống truyền thần chú, liền lạy thinh không mà tạ ơn, rồi lấy áo mão cất vào trong gói, ngồi xếp bằng bên lộ, tập mấy câu thần chú cho nhuần.

Còn Tôn Hành Giả từ khi giận thầy, bay về Ðông hải, nhảy đùng xuống biển, vào viếng Long vương.

Ngao Quảng hỏi rằng:

– Nghe Ðại Thánh đã mãn hạn rồi, có khi về động Thủy Liêm mà sửa sang núi Hoa Quả?

Tôn Hành Giả nói:

– Tôi cũng có ý đó, ngặt vì làm Hòa Thượng lở rồi.

Ngao Quảng hỏi rằng:

– Vì cớ nào làm Hòa Thượng?

Tôn Hành Giả nói:

– Tôi cũng nhờ Quan Âm bồ tát, biểu theo thầy Tam Tạng thỉnh kinh, nên đã làm Hòa Thượng rồi, đặt tên là Hành Giả.

Ngao Quảng nói:

– Tôi mừng cho Ðại Thánh, đã bỏ tà theo chánh, thì thành Phật về tiên, sao chẳng tới Tây Phương, lại trở về Ðông hải?

Tôn Hành Giả cười rằng:

– Tại thầy Tam Tạng lạ lắm, tôi giết mấy thằng ăn cướp, thẩy nhiếc tôi không biết bao nhiêu. Tánh tôi không chịu ngầy ngà, nên tính về quê cũ, tiện đường vào uống nước, và thăm viếng người xưa.

Ngao Quảng nghe nói, truyền đem trà nước đãi đằng.

Tôn Hành Giả thấy bức tượng treo phía bên kia, liền hỏi rằng:

– Bức họa đồ chi đó?

Ngao Quảng nói:

– Tích nầy Ðại Thành chưa rõ, để tôi cắt nghĩa cho rành: Ông tiên nầy là Huỳnh Thạch Công. Người nhỏ nầy là Trương Lương đời Hán, Huỳnh Thạch Công đi trên cầu Hạ bị làm rớt dép, biểu Trương Lương lượm lên. Trương Lương lấy dép trao liền, Huỳnh Thạch Công đưa chân ra biểu mang luôn thể. Rồi đi vài bước, cũng làm rớt xuống cầu. Huỳnh Thạch Công biểu Trương Lương lượm nữa, làm ba lần như vậy, Trương Lương trao đủ vừa ba. Sau Huỳnh Thạch Công cho Trương Lương ba cuốn binh thơ, đến lớn làm quân sư phò vua Hán Cao Tổ gom thiên hạ về một mối, vua phong đến chức Lưu hầu Ðến sau Trương Lương từ chức theo Tiên, là ông Xích Tòng Tử. Nên người vẽ tượng Tị kiều tam tấn lý. Nghĩa là: Tại sông Tị, Trương Lương dâng dép ba lần. Nếu Ðại Thánh chẳng nghe lời thầy, ví như Trương Lương không chịu dâng dép, thì làm quỷ khó thành Phật thành Tiên.

Tôn Hành Giả nghe nói, ngồi ngẩm nghĩ một hồi.

Ngao Quảng thấy vậy thì nói rằng:

– Ðại Thánh chớ vùng vằng, phải tính cho sấn sướt, nếu vui đâu chúc đó, thì uổng công tu.

Tôn Hành Giả nói rằng:

– Ông đừng nói nhiều lời, tôi xin kiếu đi lập tức.

Nói rồi nhảy lên mặt biển, xảy gặp Quan Âm.

Quan Âm hỏi rằng:

– Ngộ Không! Sao ngươi chẳng theo Tam Tạng, qua cảnh Phật thỉnh kinh? Hãy còn xuống biển lên mây làm công việc chi đó?

Tôn Hành Giả liền cúi lạy mà nói rằng:

– Tôi đội ơn Bồ Tát, thiệt có thầy Tam Tạng, tới gở lá bùa. Tôi ra khỏi núi rồi, cũng làm đệ tử. Tôi đánh chết sáu thằng ăn cướp, bị ngầy ngà cũng nhức xương. Nên tôi đi rảo một hồi, rồi cũng trở lại bảo hộ.

Quan Âm nói rằng:

– Ngươi hãy đi cho kiếp, kẻo thú dữ hại người.

Tôn Hành Giả từ tạ, đằng vân đi theo Tam Tạng.

Nói qua Tôn Hành Giả, về thấy thầy ngồi buồn bực, bước ra trước mặt hỏi rằng:

– Sao thầy không đi Tây Phương, ngồi làm cho đó vậy?

Tam Tạng ngó thấy liền nói rằng:

– Không biết ngươi đi đâu? Nên phải ngồi đây mà đợi.

Tôn Hành Giả nói:

– Tôi khát nước quá, nên xuống Long vương Ðông hải mà xin vài chén nước trà. Tam Tạng nói:

– Mình là kẻ tu hành, chẳng nên nói dối, nãy giờ có một lát, lẽ nào qua Ðông hải mà về?

Tôn Hành Giả cười rằng:

– Tôi có phép đằng vân mau lắm, nhảy một cái tới mười muôn tám ngàn dặm, gọi là Cân đẩu vân. Giá biểu đông có bao xa, mà đi không tới.

Tam Tạng dỗ rằng:

– Ta mới nói đặng một chút, mà ngươi bỏ đi. Ngươi có tài kiếm đặng nước trà, ta chịu phép ngồi đây nhịn đói.

Tôn Hành Giả nói:

– Như thầy đói bụng thì ngồi đó, đợi tôi vào xóm xin cơm.

Tam Tạng nói:

– Chẳng đi xin làm chi, sẳn cơm khô trong gói, lấy cái bình bát, đi múc nước, về ăn uống đỡ lòng.

Tôn Hành Giả mở gói ra, thấy bánh in nhiều lắm. Soạn chưa tới cái bình bát, thấy áo mão để trên, xem qua lạnh lùng, coi lòa con mắt.

Tôn Hành Giả hỏi:

– Thưa thầy áo mão nào tốt dữ vậy, hay là đồ ở bên chùa?

Tam Tạng nói xuôi rằng:

– Ðồ ta mặc và đội hồi mới làm thầy, đội mão nầy không học kinh cũng thuộc kinh, mặc áo nầy không biết lễ, cũng thông lễ.

Tôn Hành Giả nói:

– Ðường Tây Phương xa lắm, đầu đuôi có hai thầy trò, còn để dành làm chi, xin cho bận thử.

Tam Tạng nói:

– Ngươi mặc vừa thì mặc, ta không để làm chi.

Tôn Hành Giả đội mão mặc áo vào.

Tam Tạng mừng hết sức, không ăn cơm ăn bánh, cứ ngồi miệm chú Ðịnh tâm.

Tôn Hành Giả la lớn rằng:

– Cha chả! Nhức đầu lắm, nhức đầu lắm, chắc là bể sọ đi mà thôi.

Tam Tạng thấy vậy niệm hoài.

Tôn Hành Giả nhào lăn dưới đất, cái niền vàng bóp riết, gần lủng màng tang, Tôn Hành Giả tằn mằn gở hoài không đặng.

Tam Tạng sợ gỡ hư mão, thôi niệmchú Ðịnh tâm.

Tôn Hành Giả hết nhức đầu, lấy tay rờ trên trán, cái niền vàng bằng sợi chỉ, mà bức không ra, đụng tới thì đau đứt ruột, Tôn Hành Giả hết phương phép, lấy cây kim trong lỗ tai ra, cầm mà cạy cái niền vàng, nhưng cạy hoài không đặng, Tam Tạng sợ xeo đứt, liền niệm chú Ðịnh tâm, Tôn Hành Giả liền nhức đầu, đứng khòm xuống như xe chổng gọng, đỏ tai đỏ mặt, sưng mắt sưng đầu.

Tam Tạng thấy vậy động lòng thôi niệm thần chú Tôn Hành Giả hết nhức đầu tức thì, Hành Giả nói:

– Nếu vậy thời tôi nhức đầu đây, là tại thầy rủa đó.

Tam Tạng nói:

– Ta niệm thần chú Ðịnh tâm, ai rủa xả nhà ngươi mà làm dữ.

Tôn Hành Giả nói:

– Ðâu thầy niệm lại thử coi?

Tam Tạng niệm vài câu, Hành Giả nhức đầu quay quắt, liền la lớn lên rằng:

– Nhức quá chừng, nhức quá chừng, đừng niệm nữa, đừng niệm nữa!

Ðó, dù vậy thầy nói không phải rủa làm sao? Hễ niệm chú thì nhức đầu, thôi niệm thì hết, tôi đã rõ biết, thầy còn giấu làm chi?

Tam Tạng hỏi rằng:

– Từ rày sắp lên, ngươi nghe lời hay không thì nói?

Tôn Hành Giả thưa rằng:

– Tôi nghe lời không dám cãi.

Tam Tạng hỏi:

– Ngươi còn vô phép nửa thôi?

Tôn Hành Giả thưa rằng:

– Không dám, không dám!

Tuy ngoài miệng thì nói vậy, mà trong lòng giận biết chừng nào, liền lấy thiết bảng ra muốn đập Tam Tạng.

Tam Tạng thất kinh niệm thẳng, Hành Giả nhức đầu quá té nhào, buông cây thiết bảng tức thì ôm đầu la mãi, liền nói với Tam Tạng rằng:

– Tôi đã biết rồi, xin thầy đừng niệm nữa.

Tam Tạng hỏi:

– Ai cứu nhà ngươi khỏi nạn, bây giờ lại muốn giết ta?

Tôn Hành Giả nói:

– Tôi không phải dám đánh thầy, lấy thiết bảng ra có chuyện. Tôi xin hỏi thiệt, ai truyền phép ấy cho thầy?

Tam Tạng nói:

– Bà già hồi nãy truyền phép ấy cho ta.

Tôn Hành Giả giận rằng:

– Thôi thầy đừng nói nữa làm chi, tôi biết Quan Âm giả bà già ấy. Bả giỏi bực nào đó? Ðể tôi lên Nam Hải mà đánh báo thù.

Tam Tạng nói:

– Ngươi là con khỉ ngày, nói nghe không lắm, ngài đã truyền thần chú, lẽ nào ngài không biết hay sao?

Nếu ngươi mang mặt tới nói, ngài niệm chú nhức đầu mà chết!

Tôn Hành Giả gật đầu nói rằng:

– Phải phải.

Liền quỳ xuống khóc mà năn nỉ rằng:

– Thầy ôi, ấy là ngài truyền thần chú, mà bó buộc tôi, đặng bảo hộ thầy, đi tới Tây Phương Phật. Thôi tôi không cố oán, còn thầy đừng niệm chú làm chi, tôi tình nguyện theo hoài không dám cãi lời dạy dỗ.

Tam Tạng nói:

– Ngươi có lòng thành như vậy, ta còn niệm chú làm chi. Thôi, sửa soạn mà đi, không nên trễ nãi.

Tôn Hành Giả nai nịt cất gánh lên vai, Tam Tạng gát yên, thầy trò chỉ dặm.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN