Tên Tôi Là Đỏ - Chương 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
129


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 10



TÔI LÀ MỘT CÁI CÂY

Tôi là một cái cây và tôi hoàn toàn cô độc. Tôi khóc rũ trong mưa. Vì đấng Allah, hãy lắng nghe những gì tôi muốn nói. Hãy uống cốc cà phê của các vị để cơn buồn ngủ rời xa và để mắt các vị mở to ra. Hãy nhìn tôi như các vị nhìn các ác thần và để tôi giải thích với các vị vì sao tôi cô độc như thế.

1. Người ta viện cớ rằng tôi được phác thảo vội vàng trên tờ giấy thô, không phết keo để bức tranh vẽ một cái cây có thể treo sau lưng người kể chuyện chuyên nghiệp. Đúng vậy. Vào lúc này, không có cội cây mảnh dẻ nào cạnh tôi, không có những cây bảy lá miền thảo nguyên, không có những dạng đá uốn éo đen ngòm mà nhiều khi trông giống quỷ Satan hoặc một người nào đó và không có những đám mây vân vi kiểu Trung Hoa. Chỉ có mặt đất, bầu trời, bản thân tôi và chân trời. Nhưng câu chuyện của tôi phức tạp hơn nhiều.

2. Trong vai trò một cái cây, tôi không cần có mặt trong một cuốn sách. Tuy nhiên, trong vai trò bức tranh vẽ cái cây, tôi bối rối khi thấy mình không phải là một trang trong bản thảo nào đó. Vì tôi không tượng trưng cho một cái gì trong cuốn sách, nên tôi nghĩ rằng bức tranh của tôi sẽ bị đóng đinh trên tường và những người kiểu như bọn ngoại giáo và vô đạo sẽ phủ phục trước tôi để thờ phụng. Cầu mong những đồ đệ của vị Hoja xứ Erzurum không biết được rằng tôi thầm tự hào với ý nghĩ này – nhưng sau đó tôi cảm thấy hết sức sợ hãi và lúng túng cực độ.

3. Lý do chủ yếu cho sự cô đơn của tôi là ở chỗ thậm chí tôi không biết tôi thuộc về nơi đâu. Tôi được dự trù là nằm trong một câu chuyện, nhưng tôi đã rụng khỏi đó như một chiếc lá mùa thu. Hãy để tôi kể cho các vị chuyện đó.

Rụng khỏi của chuyện của tôi giống như

một chiếc lá rơi và o mùa thu

Cách nay bốn mươi năm, vua Ba Tư Tahmasp, kẻ đại thù của dân Ottoman cũng như của vị vua bảo trợ vĩ đại nhất thế giới cho hội họa, bắt đầu ngày càng lú lẫn và không còn ham thích rượu vang, thơ ca, âm nhạc và hội họa; hơn nữa, ông cũng bỏ uống cà phê, và dĩ nhiên, đầu óc ông ngừng hoạt động. Đầy sự nghi ngờ của một lão già mặt dài ngoẵng, lòng dạ đen tối, ông đã dời đô từ Tabriz, lúc đó còn là lãnh thổ Ba Tư, đến Kazvin để lánh xa những đạo quân của người Ottoman. Một ngày kia, khi ông già hơn chút nữa, ông bị một ác thần ám, bị một cơn hoảng loạn, và trong khi cầu xin sự tha thứ của Thượng đế, ông thề sẽ hoàn toàn chừa rượu, bọn thanh niên đẹp trai và hội họa, vốn là chứng cứ đủ sức cho thấy rằng sau khi đã mất sở thích với cà phê, vị vua Ba Tư vĩ đại này cũng mất cả sự minh mẫn.

Đó là tại sao những người đóng sách, nhà thư pháp, thợ mạ vàng và nhà tiểu họa có thần hứng, những kẻ tạo ra những kiệt tác vĩ đại nhất thế giới suốt một giai đoạn hai mươi năm ở Tabriz, đã bỏ chạy tán loạn như bầy gà gô đến các thành phố khác. Ibrahim Mirza, cháu trai và cũng là con rể của vua Tahmasp, đã mời những người tài hoa nhất trong số họ đến Mashhad, nơi ông giữ chức thống đốc, và cho họ ở trong xưởng tiểu họa của ông để sao chép một bản thảo có minh họa và trang trí rực rỡ tuyệt vời về bảy truyện ngụ ngôn trong thi phẩm Haft Awrang 1 của Jami, nhà thơ vĩ đại ở Herat dưới triều đại Tamerlane. Vua Tahmasp, người vừa ngưỡng mộ vừa tỵ hiềm với đứa cháu trai thông minh tuấn tú của mình và hối hận vì đã gả con gái cho chàng ta, đã héo hon vì ghen tức khi nghe nói về cuốn sách tuyệt mỹ này và giận dữ trục xuất cháu trai ông khỏi chức thống đốc Mashhad, đày chàng đến thành phố Kain, sau đó trong một cơn giận dữ khác lại đẩy tiếp chàng đến tận thị trấn Sebzivar. Những người trang trí sách và thư pháp ở Mashhad sau đó phiêu bạt đến những thành phố và khu vực khác, tới các xưởng làm sách nghệ thuật của những vua chúa khác.

Tuy nhiên, kỳ diệu thay, cuốn sách tuyệt vời của vua Ibrahim Mirza đã không bị bỏ dở, vì trong số hầu cận của ông có một thủ thư tận tụy. Người này ngồi trên lưng ngựa suốt con đường đến Shiraz nơi có những thợ mạ vàng tài hoa nhất sinh sống; sau đó ông ta sẽ mang vài trang đến Isfahan tìm những nhà thư pháp tao nhã nhất của hệ chữ Nestalik; sau đó ông băng qua những ngọn núi hùng vĩ để đến được Bukhara ở đó ông đã dàn xếp xây dựng bố cục bức tranh và nhờ những họa sĩ tài hoa vĩ đại từng làm việc dưới quyền Đại hãn Uzbek vẽ thành hình dáng; kế đến ông xuống miền Herat để đặt một trong những bậc thầy già đã lòa vẽ theo ký ức những đường cong uốn lượn của cây và lá; đến thăm một nhà thư pháp khác ở Herat, ông hướng dẫn nhà thư pháp này khắc dấu hiệu bên trên cánh cửa trong bức tranh bằng kiểu chữ Rika vàng; cuối cùng ông lên đường trở lại miền nam, đến Kain, ở đó ông bày ra nửa trang ông đã hoàn tất sau sáu tháng rong ruổi. Ông nhận được lời khen ngợi của đức ngài Ibrahim Mirza.

Với tốc độ này, rõ ràng cuốn sách sẽ không bao giờ hoàn tất, vì thế nhiều kỵ sĩ liên lạc người Tatar đã được tuyển mộ. Ngoài tờ bản thảo vốn sẽ chứa bài văn được sao chép và tác phẩm nghệ thuật, mỗi kỵ sĩ còn được giao một lá thư gửi cho người nghệ sĩ trong đó mô tả tác phẩm mà người ta mong muốn. Vì vậy những người đưa thư này mang những trang bản thảo đi khắp những con đường trên lãnh thổ Ba Tư, Khorasan, Uzbek và Transoxania. Việc sáng tạo cuốn sách đã tăng tốc cùng với đội quân người đưa thư. Nhiều lần, trong đêm tuyết, trang 59 và 162 chẳng hạn sẽ gặp nhau trong một quán trọ mà ở đó các vị nghe rõ tiếng sói tru, và khi bắt đầu trò chuyện thân tình, họ phát hiện ra rằng họ đang có mặt trong cùng một dự án làm sách và có thể sẽ lấy các trang khác từ phòng của mình ra nhằm thử xác định giữa họ với nhau xem chúng nằm ở đâu và thuộc chuyện ngụ ngôn nào.

Tôi được dự trù sẽ nằm trong những trang của tập bản thảo có minh họa này mà tôi đau buồn nghe tin đã hoàn tất hôm nay. Thật không may, vào một ngày đông lạnh lẽo, tay kỵ sĩ liên lạc người Tatar mang tôi theo đã bị cướp tấn công khi anh ta băng qua một hẻm núi đá. Thoạt tiên chúng đánh đập anh chàng Tatar tội nghiệp, rồi chúng lột sạch hành lý và hãm hiếp anh ta theo kiểu của bọn cướp trước khi giết anh ta một cách tàn nhẫn. Kết quả là tôi chẳng biết gì về trang giấy mà tôi từ đó rơi ra. Lời thỉnh cầu của tôi là các vị hãy nhìn vào tôi và hỏi: “Có lẽ bạn được dự trù tạo bóng mát cho Mejnun dưới lốt người chăn cừu khi chàng đến thăm Leyla trong lều của nàng chăng?” Hay “Bạn được dự trù sẽ tan vào đêm tối, biểu trưng cho sự đen tối trong tâm hồn của người đàn ông khốn khổ và vô vọng chăng?” Tôi hẳn đã xiết bao ước muốn được bổ sung cho hạnh phúc của hai kẻ yêu nhau, những kẻ đã chạy trốn cả thế giới, vượt đại dương để tìm sự khuây khỏa trên một đảo đầy chim muông cây trái! Tôi hẳn đã muốn làm bóng mát che cho Alexander vào giây phút cuối đời ông trong chiến dịch chinh phục Hindustan khi ông chết do bị chảy máu cam dai dẳng vì say nắng. Hoặc tôi được dự trù tượng trưng cho sự thông thái và sức mạnh của một người cha đưa ra lời khuyên về tình yêu và cuộc sống cho đứa con trai của ông? A, tôi được dự định tăng thêm ý nghĩa và vẻ duyên dáng cho câu chuyện nào đây?

Trong số những tên cướp đã giết người đưa thư và mang tôi theo chúng, kéo lê đầu tôi chúc xuống qua hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, hết thành phố này đến thành phố khác, có một tên đôi khi hiểu được giá trị của tôi và có đủ tinh tế để nhận ra rằng nhìn một bức tranh vẽ cái cây còn dễ chịu hơn nhìn một cái cây, nhưng vì hắn không biết tôi nằm trong câu chuyện nào nên hắn nhanh chóng chán tôi. Sau khi lôi tôi hết thành phố này sang thành phố khác, tên vô lại này đã không xé vụn tôi ra hoặc vứt tôi đi như tôi lo ngại, mà bán tôi cho một người có học tại một quán trọ để lấy một bình rượu. Thỉnh thoảng ban đêm người đàn ông nhạy cảm bất hạnh này nhìn tôi dưới ánh nến mà khóc. Cuối cùng ông ta chết vì sầu khổ và người ta bán những của cải của ông ta đi. Nhờ người kể chuyện chuyên nghiệp này chịu mua lại mà tôi đến được Istanbul này. Giờ đây tôi rất hạnh phúc, và lấy làm vinh hạnh được ở đây giữa các vị, những nhà tiểu họa và thư pháp nhạy cảm, tài hoa, có ý chí, tinh mắt và đầy cảm hứng diệu kỳ của Đức vua Ottoman – và lạy Thượng đế tôi van các vị đừng tin những người cho rằng tôi được vẽ vội trên giấy thô bởi một tay tiểu họa chuyên nghiệp nào đó để làm đạo cụ treo tường.

Nhưng hãy nghe những lời dối trá, vu khống và những điều sai sự thật trơ tráo khác đang lan truyền điều gì kìa! Các vị chắc còn nhớ đêm rồi ông chủ tôi đã đóng đinh treo bức tranh vẽ một con chó lên bức tường này và kể lại những cuộc phiêu lưu của con vật ngu xuẩn đó như thế nào; và đồng thời ông ta kể về những cuộc phiêu lưu của vị Husret Hoja xứ Erzurum ra sao mà! Hiện giờ, những kẻ sùng bái ngài Nusret Hoja vinh quang đã hiểu sai câu chuyện này hoàn toàn; họ nghĩ ông ta là mục tiêu câu chuyện kể của chúng tôi. Có chắc là chúng tôi đã nói rằng nhà thuyết giáo vĩ đại, Đức thầy đáng kính ấy, có gốc gác bất minh chăng? Cầu Thượng đế tha thứ! Điều đó thậm chí còn nảy ra trong đầu chúng tôi nữa sao? Quả là chuyện ác ý, quả là một lời dối trá trơ trẽn! Rõ ràng, Husret xứ Erzurum đã bị nhầm với Nusret xứ Erzurum, vì vậy hãy cho phép tôi tiếp tục kể cho các vị nghe câu chuyện về Nedret Hoja mắt lác xứ Sivas và cái Cây.

Ngoài việc lên án hành động quyến rũ những cậu bé đẹp trai và nghệ thuật hội họa, Nedret Hoja mắt lác xứ Sivas này còn một mực cho rằng cà phê là sản phẩm của Quỷ sứ và bọn uống cà phê sẽ xuống Hỏa ngục hết. Này, các vị xứ Sivas, các vị có quên chuyện nhánh cây khổng lồ này của tôi đã bị uốn cong như thế nào không? Hãy để tôi kể các vị nghe vụ này, nhưng rồi các vị phải thề là không kể lại với bất cứ ai, và cầu xin thánh Allah che chở các vị khỏi lời vu khống vô căn cứ. Một sáng, tôi thức dậy thì thấy một gã khổng lồ – Cầu Thượng đế che chở hắn ta, hắn cao như cái tháp với bàn tay giống như móng vuốt sư tử – đã leo lên cành này của tôi và nấp trong đám lá um tùm cùng vị Hoja đã đề cập ở trên và, xin thứ lỗi cho cách diễn đạt này, họ hì hục giống như lũ chó động tình. Trong khi gã khổng lồ, kẻ mà về sau tôi nhận ra chính là Quỷ sứ, chú tâm vào công việc của hắn với nhân vật chính của chúng ta, hắn mê đắm hôn tai ông ta và thì thào vào đó, “Cà phê là một thứ tội lỗi, cà phê là thứ đồi bại…” Vì vậy những ai tin vào ảnh hưởng tai hại của cà phê không phải họ tin vào những điều răn từ đạo giáo tốt lành của chúng ta, mà tin vào chính Quỷ sứ. Và cuối cùng tôi sẽ đề cập đến những họa sĩ Tây vực, vì vậy nếu có bất cứ kẻ suy đồi nào trong số các vị từng có kỳ vọng được giống họ, cầu mong các vị lưu ý đến lời cảnh báo của tôi và có người ngăn cản các vị. Giờ những họa sĩ Tây vực này vẽ lại khuôn mặt của vua, linh mục, nhà quý tộc, thậm chí cả phụ nữ theo một cách mà sau khi nhìn bức chân dung các vị có thể nhận ra người đó trên đường phố. Những người vợ của họ vẫn tự do lang thang trên các con đường – bây giờ, hãy tưởng tượng phần còn lại. Cứ như làm vậy vẫn chưa đủ, họ còn đưa vấn đề đi xa hơn. Tôi không có ý muốn nói về mặt dắt khách, mà về mặt vẽ tranh.

Một tay tiểu họa chuyên nghiệp châu Âu và một họa sĩ bậc thầy vĩ đại khác đang đi qua một đồng cỏ Tây vực và thảo luận về sự điêu luyện và nghệ thuật. Trong khi họ tản bộ, một khu rừng hiện ra trước mắt họ. Người tài hoa nhất trong hai người nói với người kia: “Việc vẽ theo phong cách mới đòi hỏi nhiều tài năng đến độ nếu anh vẽ một trong những cái cây của khu rừng này, một người đã nhìn bức tranh đó có thể đến đây, và nếu đủ lòng mong muốn, anh ta có thể chỉ ra đúng cây đó giữa những cây khác.” Tôi cám ơn thánh Allah rằng tôi, một cái cây tầm thường trước mặt các vị, đã không bị vẽ với ý định như thế. Và không phải vì tôi sợ nếu mình được vẽ theo cách như vậy thì tất cả chó ở Istanbul sẽ cho rằng tôi là cái cây thật và đái vào tôi. Tôi không muốn là một cái cây, tôi muốn là ý nghĩa của nó.

— —— —— —— ——-

1 Bảy ngai vàng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN