Tên Tôi Là Đỏ - Chương 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
174


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 14



TÔI ĐUỢC GỌI LÀ “ZEYTIN”

Sau buổi cầu kinh trưa, tôi đang vui sướng và nhanh nhẹn vẽ những khuôn mặt của các cậu trai thì nghe tiếng gõ cửa. Bàn tay tôi giật lên vì ngạc nhiên. Tôi đặt cọ xuống. Tôi cẩn thận để miếng bìa cứng dùng để làm việc đang nằm trên gối tôi sang một bên.

Chạy ra như một ngọn gió, tôi lầm rầm cầu nguyện trước khi mở cửa. Tôi sẽ không giấu các vị bất cứ điều gì, bởi vì các vị, người có thể nghe tôi từ trong cuốn sách này, gần đấng Allah hơn chúng tôi nhiều trong thế giới khốn khổ và ghê tởm này. Akbar Khan, hoàng đế Hindustan và là vị vua giàu nhất thế giới, đang chuẩn bị cái mà một ngày nào đó sẽ trở thành một cuốn sách huyền thoại. Để hoàn thành dự án của mình, ông ta thông báo đến khắp thế giới Hồi giáo mời gọi những nghệ sĩ vĩ đại nhất về với ông ta.

Những người ông ta phái đến Istanbul đã thăm tôi hôm qua, mời tôi đến Hindustan. Lần này, tôi mở cửa và nhận ra, đấy không phải họ mà là Siyah bạn quen thời thơ ấu của tôi, người tôi đã quên hoàn toàn. Siyah hồi đó không thể ở lại với chúng tôi, anh ta ghen ty với chúng tôi. “Sao?”

Anh ta bảo anh ta đến để nói chuyện, để làm một chuyến thăm viếng thân tình, để xem các tranh minh họa của tôi. Tôi chào đón anh ta để anh ta có thể xem tất cả. Tôi biết hôm nay anh ta vừa đến thăm Thầy Osman và hôn tay ông ta. Vị thầy vĩ đại này, anh ta giải thích, đã cho anh ta những lời khôn ngoan để suy gẫm: “Phẩm chất của người họa sĩ trở nên rõ ràng trong những cuộc thảo luận về chứng mù và ký ức”, anh ta nói vậy. Vì vậy hãy để nó rõ ràng:

Chứng mù và Ký ức

Trước khi có nghệ thuật trang trí màu sắc thì là cõi tối đen và sau đó cũng sẽ là cõi tối đen. Qua màu sắc, thuốc màu, nghệ thuật và tình yêu của chúng ta, chúng ta nhớ lại rằng Allah đã ra lệnh cho chúng ta “Hãy nhìn!” Biết có nghĩa là nhớ lại những gì ta đã thấy. Thấy là biết mà không nhớ. Vì vậy, việc vẽ là nhớ lại cõi tối đen. Những bậc thầy vĩ đại, những người có chung tình yêu hội họa và nhận ra rằng màu sắc và cảnh đẹp phát sinh từ bóng tối, sẽ khao khát trở về cõi tối đen của Allah thông qua màu sắc. Những nghệ sĩ không có ký ức thì không nhớ đến Allah cũng như cõi đen của Người. Tất cả bậc thầy vĩ đại, trong tác phẩm của họ, cố tìm kiếm khoảng trống thâm sâu đó bên trong màu sắc và bên ngoài thời gian. Để tôi giải thích với các vị việc nhớ lại bóng tối mà các bậc thầy vĩ đại thời xưa ở Herat đã tiết lộ này có nghĩa là gì.

Ba câu chuyện về Chứng mù và Ký ức

ALIF

Trong bản dịch ra tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của Lami”i Chelebi cho tác phẩm Hediye al-Siki-dostluk 1 của thi sĩ Ba Tư Jami, vốn kể các câu chuyện về những vị thánh, có viết rằng trong xưởng làm sách của Vua Jihan, người trị vì đất nước Garagoýunly 2, bậc thầy lừng danh Sheikh Ali Tabrizi đã minh họa một phiên bản tuyệt vời cho câu chuyện Husrev o Shirin. Theo những gì tôi được nghe, trong bản thảo huyền thoại này, mà phải mất mười hai năm mới hoàn thành, Sheikh Ali, bậc thầy của những bậc thầy tiểu họa đã thể hiện một tài năng và kỹ xảo và đã vẽ những bức tranh tuyệt vời đến độ chỉ có Bihzad, bậc thầy vĩ đại nhất trong các bậc thầy thời xưa, mới có thể sánh với ông ta. Thậm chí trước khi bản thảo minh họa này hoàn tất được phân nửa, vua Jihan đã biết rằng ông ta sẽ sớm sở hữu một cuốn sách tuyệt hảo vô song trên thế giới. Vì vậy ông sống trong sợ hãi và ghen tỵ đối với Uzyn Hasan trẻ tuổi, người trị vì nước Akgoýunly, và tuyên bố hắn là kẻ thù chính của ông. Hơn nữa Jihan nhanh chóng cảm thấy rằng dù uy tín của ông sẽ tăng lên rất lớn sau khi cuốn sách hoàn tất, người ta vẫn có thể làm một phiên bản cuốn sách này tốt hơn cho Uzyn Hasan. Là một trong số những kẻ ghen tỵ vốn đầu độc thói tự mãn của chính mình bằng ý tưởng “Nếu người khác cũng hưởng được hạnh phúc tột cùng này thì sao?”, Jihan lập tức nghĩ ngay rằng nếu nhà tiểu họa bậc thầy này làm một bản giống như vậy, hoặc thậm chí đẹp hơn, thì nó sẽ được dành cho Uzyn Hassan, kẻ thù chính của ông. Vì vậy, để ngăn không cho bất cứ ai ngoài ông sở hữu cuốn sách tuyệt vời này, Jihan quyết định giết Sheikh Ali sau khi ông này hoàn thành cuốn sách. Nhưng một mỹ nhân tốt bụng người Circassia trong hậu cung của ông khuyên ông chỉ cần làm mù mắt nhà tiểu họa tài ba này là đủ. Jihan lập tức chấp thuận ý tưởng thông minh này, ông ta bèn truyền lệnh cho bộ hạ của mình, cuối cùng chuyện đó đến tai Sheikh Ali. Dù vậy Sheikh Ali không bỏ dở cuốn sách để trốn khỏi Tabriz như những nhà minh họa tầm thường khác hẳn sẽ làm. Ông không viện đến những trò như trì hoãn tiến trình hay làm những tranh minh họa kém để nó không “hoàn hảo”, và nhờ đó ngăn chặn việc mình bị chọc mù mắt. Thậm chí ông còn làm việc càng nhiệt tình và kiên định hơn.

Trong ngôi nhà nơi ông sống một mình, ông bắt đầu làm việc sau buổi cầu kinh sáng và tiếp tục minh họa cùng những con ngựa, cây tuyết tùng, những tình nhân, những con rồng và những ông hoàng đẹp trai dưới ánh nến trong đêm cho đến khi nước mắt cay đắng trào ra. Nhiều lần, ông nhìn ngắm suốt bao ngày bức minh họa của một trong những bậc thầy vĩ đại xưa của Herat trong khi ông làm một bản sao giống hệt trên một tờ giấy khác. Cuối cùng, ông hoàn thành cuốn sách cho vua Jihan xứ Garagoýunly. Và như nhà tiểu họa tài hoa này đã chờ đợi, thoạt tiên ông được khen ngợi và thưởng vô số vàng, sau đó thì bị chọc mù bằng một cây kim nhọn vốn dùng để gắn lông chim trên khăn quấn đầu. Trước khi cơn đau của ông lắng xuống, Sheikh Ali đã rời Herat đến đầu quân cho Uzyn Hasan xứ Akgoýunly. “Phải, tôi thực sự đã mù,” ông ta giải thích với Uzyn Hasan, “Nhưng tôi vẫn nhớ từng nét tráng lệ của bản thảo mà tôi đã trang trí trong mười một năm qua, từng nét bút, từng nét cọ, và bàn tay tôi có thể vẽ lại theo trí nhớ. Tâu Bệ hạ, tôi có thể minh họa bản thảo vĩ đại nhất mọi thời đại cho ngài. Vì đôi mắt tôi không còn bị phân tâm vì sự bẩn thỉu của cuộc đời này. Tôi sẽ có thể vẽ tất cả những vinh quang của Allah theo ký ức, trong hình thức thuần khiết nhất của chúng.” Uzyn Hasan tin lời nhà tiểu họa vĩ đại này; và nhà tiểu họa giữ lời hứa, minh họa theo ký ức mình cuốn sách lộng lẫy nhất trong số những sách cho người trị vì Akgoýunly. Mọi người đều biết sức mạnh tinh thần do cuốn sách mới đem lại chính là những gì nằm đằng sau chiến thắng của Uzyn Hasan trước Blacksheet và việc vị vua chiến thắng hành hình Jihan trong một cuộc đột kích gần Bingol. Cuốn sách lộng lẫy này. cùng với cuốn mà Sheikh Ali Tabrizi đã làm cho vua Jihan quá cố, được đưa vào kho tàng của Đức vua chúng ta tại Istanbul khi Uzyn Hasan bách thắng bị hoàng đế Fatih Mehmet 3 đánh bại tại trận Otlukbeli. Những ai thực sự nhìn thấy thì đều biết.

BA.

Vì Người bản xứ Thiên đàng, Đại vương Suleyman, Kẻ đặt ra luật pháp, ưu ái những nhà thư pháp hơn những nhà minh họa, nên những nhà tiểu họa không may thời đó sẽ kể lại câu chuyện này như một minh chứng cho thấy minh họa hơn hẳn thư pháp như thế nào. Tuy nhiên những ai chú ý kỹ sẽ nhận ra, câu chuyện này thực sự nói về phận mù và ký ức. Sau cái chết của Tamerlane, người cai trị thế giới, các con trai và cháu nội ông bắt đầu tấn công và đánh nhau một cách không thương xót. Mỗi khi một người trong bọn họ chinh phục được thành phố của một đối phương, hành động đầu tiên của hắn là đúc tiền của riêng mình và đọc một bài thuyết giáo tại thánh đường. Hành động thứ hai trong vai trò kẻ chiến thắng là xé rời những cuốn sách mà hắn chiếm được; một lời đề tặng mới sẽ được viết ra, ca tụng kẻ chinh phục mới là người thống trị thế gian mới, một phần lai lịch mới sẽ được thêm vào cuối sách, và tất cả được đóng lại với nhau để những ai nhìn vào cuốn sách của kẻ chinh phục sẽ tin rằng hắn ta thực sự là kẻ thống trị thế giới. Khi Abdullatif, con trai của Ulug Bey và chắt nội của Tamerlane, chiếm được Heart, ông ta huy động những nhà tiểu họa, thư pháp và người đóng sách một cách quá vội vàng, thúc ép họ quá sức để làm ra một cuốn sách vinh danh cha ông ta, một người am hiểu nghệ thuật làm sách, đến độ khi những tập sách còn trong giai đoạn rời rạc chưa đóng lại và những trang chép tay đã bị hủy hoại và đốt cháy, thì những bức tranh tương ứng bị trộn lẫn cả vào nhau. Vì thanh danh của Ulug Bey không cho phép con trai ông sắp xếp và khâu những tập sách lại mà không quan tâm đến bức tranh nào thuộc câu chuyện nào, nên ông liền tập họp tất cả các nhà tiểu họa ở Herat yêu cầu họ kể lại các câu chuyện nhằm xếp các tranh minh họa lại cho đúng thứ tự. Tuy nhiên, mỗi nhà tiểu họa lại kể một câu chuyện khác nhau, nên thứ tự của những tấm tranh lại càng lộn xộn hơn. Sau đó người ta tìm được nhà tiểu họa đầu đàn già nhất còn sống sót. Ông đã bị mù sau khi lao động vất vả với những cuốn sách của tất cả các vị vua và hoàng tử ở Herat trong năm mươi bốn năm qua. Mọi người chấn động dữ dội khi nhận ra rằng ông thầy già hiện đang nhìn vào các bức tranh kia đã thực sự mù. Một số người cười ầm lên. Vị thầy già này yêu cầu người ta đưa đến một cậu bé thông minh, dưới bảy tuổi và chưa biết đọc biết viết. Người ta tìm được một đứa trẻ như thế và đưa đến cho ông. Nhà tiểu họa già đặt trước mặt nó một số tranh minh họa. “Hãy tả lại những gì con thấy”, ông hướng dẫn. Khi cậu bé tả lại những bức tranh, nhà tiểu họa già ngước đôi mắt mù lên trời, lắng nghe thật kỹ và trả lời: “Alexander đang bế Darius hấp hối trong Shahnameh 4 của Firdusi… chuyện kể về ông thầy yêu đứa học trò đẹp trai trong Gulistan 5 của Sadi… cuộc tranh tài của các thầy thuốc trong Makhzan al- Asrar 6 của Nizami…”. Những nhà tiểu họa khác, bực bội trước đồng nghiệp già lão mù lòa của họ, bèn nói, “Chúng tôi cũng có thể nói cho ông biết vậy. Đây là những cảnh nổi tiếng nhất trong những câu chuyện nổi tiếng.” Lần lượt, nhà tiểu họa mù lòa già lão này đặt những bức minh họa khó nhất trước mặt thằng bé và lại chú ý lắng nghe. “Hurmuz đang đầu độc từng nhà thư pháp một trong Shahnameh của Firdusi,” ông nói, lại ngửa mặt lên trời. “Một sự thể hiện kém cỏi câu chuyện khủng khiếp về người chồng bị cắm sừng bắt gặp vợ anh ta và tình nhân của cô ả trên một cây lê, trong Masnawi 7 Của Rumi, ông nói. Theo cách này, dựa vào những mô tả của cậu bé, ông xác định được tất cả các bức tranh dù không hề nhìn được bức nào, và do đó thành công trong việc đóng lại những cuốn sách đúng thứ tự. Khi Ulug Bey vào Herat cùng quân đội của mình, ông đã hỏi nhà tiểu họa già này xem nhờ bí mật gì mà ông, một người mù, có thể nhận dạng những câu chuyện mà những nhà minh họa bậc thầy khác không thể xác định cho dù họ nhìn thấy chúng. “Như người ta quan niệm, không phải ký ức của tôi đã bù đắp cho phận mù của tôi,” nhà minh họa già đáp. “Tôi luôn hiểu rằng người ta có thể nhớ lại câu chuyện không chỉ qua hình ảnh mà còn qua cả lời kể nữa.” Ulug Bey đáp rằng những nhà tiểu họa của ông biết lời và cả câu chuyện, nhưng vẫn không thể sắp xếp các tranh theo thứ tự được. “Bởi vì,” ông già nói, “họ suy nghĩ cẩn thận khi vẽ tranh, vốn là kỹ năng hoặc nghệ thuật của họ, nhưng họ không hiểu rằng những bậc thầy già làm những bức tranh này theo ký ức về chính đấng Allah.” Ulug Bey hỏi làm sao một đứa trẻ biết những điều như thế. “Đứa bé không biết,” nhà tiểu họa già nói, “Nhưng tôi một nhà tiểu họa mù già, biết rằng Allah tạo ra cõi trần thế này theo cách mà một đứa bé bảy tuổi thông minh muốn thấy nó; hơn nữa, Allah tạo ra cõi trần gian này để, trên hết, mọi người có thể nhìn ngắm. Sau đó, Ngài cung cấp cho chúng ta ngôn từ để chúng ta có thể chia sẻ và thảo luận với nhau những gì chúng ta thấy. Chúng ta sai lầm khi cho rằng những câu chuyện này là kết quả của ngôn từ và rằng những bức minh họa được vẽ là để phục vụ cho những câu chuyện này. Hoàn toàn ngược lại, vẽ tranh là hành động tìm lại những ký ức của Allah và nhìn thế giới như Người nhìn thế giới.”

DJIM

Cách nay hai trăm năm mươi năm, các nhà tiểu họa Ẳ Rập có thói quen nhìn chằm chằm vào chân trời tây lúc bình minh để làm dịu những lo lắng muôn thuở và dễ hiểu về việc bị mù mà nhà tiểu họa nào cũng nghĩ tới; tương tự, một thế kỷ sau ở Shiraz, nhiều nhà minh họa vẫn ăn quả óc chó nghiền với cánh hoa hồng khi bụng trống vào buổi sáng. Trong thời kỳ đó, giới tiểu họa già của Isfahan cũng tin rằng ánh nắng là thủ phạm gây mù, chứng bệnh mà lần lượt họ đều phải chịu, như thể một nạn dịch, họ thường làm việc trong góc tối mờ mờ của căn phòng, hầu hết cạnh ánh nến, để ngăn không cho ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào bàn làm việc. Cuối ngày, trong xưởng làm việc của những nghệ sĩ Uzbek của Bukhara, những thợ cả tiểu họa sẽ rửa mắt bằng nước đã được các thầy cả làm phép. Nhưng trong những cách phòng ngừa này, quan niệm thuần khiết nhất về kiếp mù lại được nhà tiểu họa Seyyit Mirek, cố vấn cho bậc thầy vĩ đại Bihzad, nghĩ ra ở Herat. Theo nhà tiểu họa bậc thầy Mirek, chứng mù không phải là một tai họa, mà nó là phần thưởng vinh dự mà đấng Allah ban cho nhà tiểu họa nào đã cống hiến cả cuộc đời cho những vinh quang của Người; bởi khi nhà tiểu họa tiến hành minh họa, ấy là anh ta tìm kiếm cách nhìn cõi trần thế của Allah, và cái thị kiến độc nhất này chỉ có thể đạt được thông qua việc hồi tưởng sau khi đã bị mù, chỉ sau khi nhà tiểu họa làm việc cật lực cả đời, và chỉ sau khi đôi mắt anh ta mệt mỏi và anh ta sức cùng lực kiệt. Vì vậy, cách nhìn của Allah về thế giới của Người chỉ trở nên rõ ràng qua ký ức của những nhà tiểu họa mù. Khi hình ảnh này đến với nhà tiểu họa già, đó là khi ông thấy thế giới như Allah thấy nó, qua bóng tối của ký ức và kiếp mù, nhà minh họa sẽ dành cả cuộc đời huấn luyện bàn tay mình để nó có thể chuyển sự phát hiện tráng lệ này vào trang giấy. Theo sử gia Mirza Muhammet Haydar Duglat, người viết nhiều về những truyền thuyết của giới tiểu họa Herat, thì bậc thầy Seyyit Mirek, trong phần giải thích cho khái niệm đã đề cập trên đây của ông về hội họa, đã sử dụng ví dụ về nhà minh họa muốn vẽ một con ngựa. Ông lập luận rằng ngay cả một họa sĩ bất tài nhất – người mà đầu óc trống rỗng giống như những họa sĩ Venice hiện nay. những kẻ vẽ bức tranh con ngựa trong khi nhìn vào con ngựa – vẫn tạo ra hình ảnh đó từ ký ức; bởi vì anh biết đấy, người ta không thể cùng một lúc vừa nhìn con ngựa vừa nhìn vào trang giấy mình đang vẽ ngựa. Thoạt tiên, nhà minh họa nhìn con ngựa, sau đó anh ta nhanh chóng chuyển những gì nằm trong đầu anh ta vào trang giấy. Trong khoảng thời gian chuyển tiếp đó, thậm chí chỉ trong nháy mắt những gì người họa sĩ thể hiện trên trang giấy không phải là con ngựa anh ta thấy mà là ký ức về con ngựa anh ta vừa nhìn. Chứng cứ đó cho thấy rằng với ngay cả một nhà minh họa khốn khổ nhất, ông ta chỉ có thể làm được một bức tranh thông qua ký ức. Sự mở rộng khái niệm này theo luận lý, vốn xem cuộc sống lao động tích cực của một nhà tiểu họa chỉ là việc chuẩn bị cho niềm hạnh phúc sẽ đến của kiếp mù và ký ức mù, đi đến chỗ cho rằng những bậc thầy của Herat xem những tranh minh họa họ làm cho các vua chúa và hoàng tử yêu thích sách chỉ như là huấn luyện bàn tay – như một bài tập. Họ chấp nhận công việc đó, vẽ liên tục và nhìn chăm chăm vào các tranh dưới ánh nến trong nhiều ngày không ngừng nghỉ, như thứ lao động đầy niềm vui vốn đưa nhà tiểu họa đến chỗ mù. Suốt cả cuộc đời mình, nhà tiểu họa bậc thầy Mirek đã không ngừng tìm ra phút giây thích hợp nhất cho điều vinh quang nhất sắp đến này, hoặc bằng cách cố ý thúc đẩy chứng mù qua việc bỏ công vẽ cây cối cùng tất cả lá của chúng trên móng tay, hạt gạo và cả trên những sợi tóc, hoặc bằng cách cố tình trì hoãn bóng tối sắp đến bằng việc vẽ cẩu thả những khu vườn dễ chịu đầy ánh nắng. Khi ông ta đã bảy mươi, để thưởng cho bậc thầy vĩ đại này, Vua Huseyin Baykara cho phép ông bước vào kho báu chứa hàng ngàn tấm bản thảo mà nhà vua đã sưu tập và cất giữ sau nhiều lớp khóa. Trong kho báu đó cũng chứa vũ khí, vàng bạc và hàng hàng lớp lớp nhung lụa, dưới ánh nến của chiếc đèn bằng vàng, Thầy Mirek nhìn chăm chú những trang sách tráng lệ, mà mỗi trang là một truyền thuyết do những bậc thầy xưa của Herat làm. Sau ba ngày đêm xem xét tỉ mỉ không nghỉ, bậc thầy này bị mù. Ông chấp nhận tình trạng này với sự chín chắn và cam chịu, theo cách người ta chào đón các Thiên sứ của đấng Allah, và ông không bao giờ nói hay vẽ nữa. Mirza Muhammet Haydar Duglat, tác giả cuốn Tarih-i Residi 8, đã kết luận diễn biến này như sau: “Một nhà tiểu họa đã hợp nhất với tầm nhìn và cảnh trí của thời gian bất tử của Allah không bao giờ có thể quay trở lại những trang bản thảo dành cho người phàm,” và ông nói thêm, “Bất cứ nơi nào mà ký ức của nhà tiểu họa mù với được tới Allah, ở đó bao trùm một sự im lặng tuyệt đối, một bóng tối đầy ân sủng và sự vô tận của một trang giấy trắng.”

Chắc chắn vì muốn được thoải mái hơn là muốn nghe câu trả lời của tôi cho câu hỏi của Thầy Osman về kiếp mù và ký ức nên Siyah mới hỏi tôi câu đó trong khi anh ta nhìn chăm chú những vật dụng của tôi, căn phòng của tôi và bức tranh của tôi.

Nhưng một lần nữa, tôi hài lòng khi thấy những câu chuyện tôi vừa kể đã tác động đến anh ta. “Kiếp mù là một cõi hạnh phúc tột cùng mà Quỷ sứ và tội lỗi bị ngăn không thể vào được”, tôi nói với anh ta.

“Ở Tabriz,” Siyah nói, “do ảnh hưởng của Thầy Mirek, một số nhà tiểu họa theo phong cách cũ vẫn xem kiếp mù là đức hạnh vĩ đại nhất mà Allah ban cho, và họ phiền lòng khi họ già đi mà vẫn chưa mù. Ngay cả ngày nay, vì sợ rằng người khác sẽ xem điều này như chứng cứ của việc thiếu kỹ xảo và tài năng, nên họ giả vờ bị mù. Do quan niệm đạo đức vốn mang ảnh hưởng của Jemalettin xứ Kazvin này, một số trong bọn họ vẫn ngồi hàng tuần liền trong bóng tối giữa những chiếc gương trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu, không ăn không uống, chỉ nhìn chằm chằm vào những trang minh họa do các bậc thầy Herat ngày xưa đã vẽ để học cách nhận biết thế giới giống một người mù dù họ không thực sự bị mù.”

Có người gõ cửa. Tôi mở cửa thì thấy một cậu học việc đẹp trai trong xưởng làm việc đang trợn tròn đôi mắt đẹp như hai quả hạnh. Cậu ta nói rằng xác người anh em của chúng tôi, thợ mạ vàng Zarif Kính mến, đã được tìm thấy trong một cái giếng hoang, và đám tang anh ta sẽ cử hành tại Thánh đường Mihrimah trong buổi cầu kinh chiều. Xong cậu ta chạy đi báo tin này cho những người khác. Ôi, cầu Allah che chở chúng con.

— —— —— —— ——-

1 Hediye al-Siki-dostluk: Quà tặng bạn tình.

2 Garagoýunly: Xem phần Niên biểu ở cuối sách.

3 Mehmet: Kẻ chinh phục.

4 Shahnameh: Sách các Vua.

5 Gulistan: Vườn Hồng.

6 Makhzan al- Asrar: Kho tàng những bí ẩn.

7 Masnawi: Những câu thơ đôi thông linh.

8 Tarih-i Residi: Lịch sử Residi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN