Tên Tôi Là Đỏ - Chương 23
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
126


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 23



TÔI SẼ ĐƯỢC GỌI LÀ MỘT KẺ SÁT NHÂN

Tích tắc, chiếc đồng hồ lên dây cót của tôi báo cho tôi biết trời đã tối. Hiệu báo giờ cầu kinh chưa gióng lên. nhưng tôi đã đốt nến đặt bên cạnh bàn làm việc của tôi từ lâu rồi. Tôi nhanh chóng hoàn thành bức tranh vẽ một con nghiện thuốc phiện theo trí nhớ, sau khi nhúng cây bút sậy vào lọ mực đen Hasan Pasha rồi quẹt nó lên tờ giấy được phết keo và đánh bóng kỹ lưỡng, thì tôi nghe tiếng nói gọi tôi ra đường như nó vẫn gọi hàng đêm. Tôi cưỡng lại. Tôi đã quyết tâm không đi mà ở nhà làm việc, thậm chí có lúc tôi còn đóng đinh chặn cửa lại.

Cuốn sách tôi đang gấp rút hoàn tất là do một người Armenia đặt làm, người này đã từ tận Galata tìm đến đây, gõ cửa nhà tôi sáng nay trước khi mọi người thức giấc. Người này, làm nghề phiên dịch và dẫn đường, dù nói lắp, đã lùng kiếm tôi mỗi khi có một du khách Tây vực hay Venice muốn có một “cuốn sách trang phục” và lôi tôi vào một cuộc mặc cả quyết liệt. Sáng hôm đó, sau khi đã thỏa thuận một cuốn sách trang phục chất lượng thấp với giá hai mươi đồng bạc, tôi tiến hành minh họa một mạch độ chục người Istanbul vào khoảng giờ cầu kinh tối, đặc biệt chú ý đến chi tiết ở quần áo giày dép của họ.

Tôi vẽ một Thượng thư tôn giáo vụ, một phu khuân vác trong cung điện, một nhà thuyết giáo, một lính bộ binh, một nhà khổ tu một lính kỵ binh, một quan tòa, một người bán gan, một đao phủ – tranh vẽ đao phủ đang hành hình bán rất chạy – một kẻ ăn mày, một phụ nữ đang đi về nhà tắm hơi, và một người nghiện thuốc phiện. Tôi đã làm nhiều sách loại này để kiếm thêm vài đồng bạc đến độ tôi bắt đầu bịa ra những trò chơi cho mình để chống lại cơn buồn chán trong khi vẽ; chẳng hạn như tôi buộc mình phải vẽ một quan tòa mà không nhấc bút lên khỏi mặt giấy hoặc nhắm mắt mà vẽ gã ăn mày.

Mọi tên cướp, nhà thơ và những người luôn buồn phiền đều biết rằng khi có hiệu lệnh cầu kinh tối thì những âm hồn và ma quỷ trong họ sẽ càng lúc càng kích động và nổi loạn, chúng đồng thanh thúc giục: “Ra! Ra ngoài”. Tiếng nói nội tại bất an đó yêu cầu, “Hãy tìm người bầu bạn, tìm bóng tối khổ não và nhục nhã.” Tôi đã dành thời gian xoa dịu những âm hồn và ma quỷ này. Tôi đã vẽ những bức tranh, mà nhiều người xem như phép thần diệu hiện ra từ tay tôi, với sự giúp đỡ của những ác thần này. Nhưng suốt bảy ngày nay cứ sau hoàng hôn, từ khi tôi giết tên tồi tệ đó, tôi không còn kiểm soát được những âm hồn và ma quỷ trong tôi nữa. Chúng nổi giận dữ dội đến độ tôi phải tự nhủ có thể chúng sẽ bình tĩnh lại nếu tôi ra ngoài một lát.

Sau khi nói thế, tôi nhận ra mình lang thang suốt đêm mà không biết bằng cách nào, cũng như mọi khi. Tôi bước nhanh, qua những con đường tuyết phủ, những lối đi lầy lội, những con dốc đóng băng và những vỉa hè vắng ngắt như thể tôi sẽ không bao giờ dừng lại. Trong khi tôi vào bóng tối của đêm, vào những nơi xa xôi nhất và hoang vắng nhất của thành phố, tôi dần bỏ linh hồn mình lại phía sau và đi dọc theo những con phố hẹp, tiếng bước chân tôi dội vào những bức tường đá của quán rượu, trường học và thánh đường, và nỗi sợ của tôi giảm xuống.

Đôi chân tôi tự ý đưa tôi đến những con đường hoang phế của khu này ở ngoại ô thành phố, nơi tôi đến mỗi đêm và là nơi mà ngay cả ma quỷ và âm hồn cũng rùng mình khi đi qua. Tôi nghe nói rằng nửa số dân trong vùng này đã chết trong những cuộc chiến tranh với Ba Tư, còn số còn lại đã bỏ đi, cho rằng khu này mang điềm gở. Nhưng tôi không tin điều dị đoan như thế. Bi kịch duy nhất xảy đến cho nơi tốt đẹp này do những cuộc chiến tranh Safavid là việc đóng cửa nhà khổ tu phái Kalenderi cách nay bốn mươi năm vì nó bị nghi là chứa chấp quân thù.

Tôi lang thang đằng sau mấy bụi dâu tằm và những cây nguyệt quế, vốn tỏa hương thơm dễ chịu ngay cả trong thời tiết lạnh lẽo nhất và với tính khí bốc đồng thường lệ của mình, tôi dựng ngay ngắn lại những tấm ván ốp tường nằm giữa ống khói đã sụp và của sổ với những lớp rèm hư nát. Tôi bước vào và hít vào phổi mùi nhang và mùi mốc còn vương vất hàng trăm năm. Tôi cảm thấy quá hạnh phúc khi ở đây đến độ tôi nghĩ mình sắp khóc.

Nếu tôi chưa nói thế thì tôi muốn nói rằng tôi chẳng sợ gì ngoài đấng Allah, và sự trừng phạt trong thế giới này theo tôi chẳng có nghĩa lý gì. Điều tôi sợ là đủ loại giày vò mà những kẻ giết người như tôi sẽ phải chịu đựng trong Ngày phán xét như được mô tả rõ ràng trong kinh Koran Vinh quang, ở chương Al- Furqan ( 1 chẳng hạn. Trong những cổ thư, mà tôi hiếm khi cầm đến, mỗi khi tôi thấy hình ảnh về sự trừng phạt này trong mọi sắc thái và sự ác liệt của nó, gợi nhớ lại những cảnh đơn giản, hợp với trẻ con, nhưng rất khủng khiếp về Hỏa ngục do các nhà tiểu họa Ẳ Rập cổ minh họa trên những tấm da dê, hoặc, vì bất kỳ lý do gì những cảnh tra tấn của ma quỷ do các họa sĩ bậc thầy Mông Cổ và Trung Hoa vẽ, tôi không thể không vẽ những hình ảnh tương tự này và lưu ý đến tính lôgic của nó: “Câu thứ ba mươi ba của chương Al-Isra 2 nói lên điều gì? Chẳng phải nó nói rằng nếu không có lý do biện minh, người ta không được phép lấy đi sinh mạng người khác mà việc giết kẻ đó bị Thượng đế ngăn cấm sao?” Vậy thì đây: tên đê tiện mà tôi cho xuống Địa ngục không phải là một tín hữu, vốn là loại người mà Thượng đế cấm giết, ngoài ra, tôi có lý do rất chính đáng để đập nát sọ hắn.

Tên này đã vu cáo bọn chúng tôi, những người đang thực hiện cuốn sách do Đức vua bí mật ra lệnh. Nếu tôi không làm hắn câm mồm, hắn sẽ tố cáo Enishte Kính mến, tất cả nhà tiểu họa và cả Thầy Osman là những kẻ vô thần, để cho những môn đệ điên cuồng của Hoja xứ Erzurum xử lý họ. Nếu ai đó thành công trong việc phao tin rằng các nhà tiểu họa đang làm chuyện báng bổ, thì những môn đệ Erzurum này – những kẻ đang tìm bất kỳ cớ nào để sử dụng sức mạnh của họ – sẽ không chỉ hài lòng với việc giết chết những nhà tiểu họa bậc thầy này, mà họ còn phá hủy toàn bộ xưởng vẽ và Đức vua sẽ không dám làm bất cứ điều gì ngoài việc im lặng nhìn.

Như tôi vẫn làm mỗi lần đến đây, tôi lau dọn sạch sẽ bằng cây chổi và miếng giẻ lau mà tôi đã giấu trong một góc. Khi lau dọn, tôi thấy phấn chấn và lại cảm thấy mình như một đầy tớ đầy trách nhiệm của đấng Allah. Để Người không tước đi cảm giác sung sướng tột cùng này của tôi, tôi cầu nguyện hồi lâu. Cái lạnh, vốn đủ gay gắt để biến một bãi phân cáo thành một cục đồng, thấm vào tận xương. Tôi bắt đầu cảm thấy cơn đau dữ dội đó ở đáy cổ họng. Tôi bước ra ngoài.

Ngay sau đó, cũng trong tâm trạng kỳ lạ đó, tôi nhận thấy mình đang ở một nơi hoàn toàn khác. Tôi không biết những gì đã xảy ra, những gì tôi đã nghĩ khi đi từ khu hoang phế của ngôi nhà khổ tu tới đây. Tôi không biết bằng cách nào tôi đến được những con đường trồng đầy cây bách này.

Dù tôi lang thang nhiều tới đâu, một ý nghĩ quấy rầy dai dẳng cũng không chịu rời khỏi tôi, nó gặm nhấm tôi như một con sâu. Có lẽ nếu nói ra với các vị, tôi sẽ thấy nhẹ gánh: “Hãy gọi hắn là một kẻ vu khống đê tiện” hay “Zarif Kính mến tội nghiệp” – cách nào cũng như nhau – ngay trước khi tay thợ mạ vàng đó rời khỏi thế giới này, hắn đã đưa ra những lời buộc tội mạnh mẽ nhắm vào Enishte của chúng tôi, nhưng khi hắn thấy tôi không bị tác động bởi tuyên bố của hắn rằng Enishte Kính mến đã sử dụng những kỹ thuật phối cảnh của bọn ngoại giáo, tên đê tiện đó đã tiết lộ như sau: “Có một bức tranh cuối cùng. Trong bức tranh đó, Enishte báng bổ mọi thứ chúng ta tin vào. Những gì ông ta làm không còn là một sự xúc phạm đạo giáo nữa, mà là sự báng bổ thuần túy.” Hơn nữa, ba tuần sau lời buộc tội của tên vô lại đó, Enishte Kính mến đã thực sự yêu cầu tôi minh họa một số thứ không liên quan, như một con ngựa, một đồng tiền và Thần chết ở những chỗ ngẫu nhiên trên một trang giấy và theo những tỉ lệ không nhất quán một cách kỳ cục; thực tế nó là những gì người ta thường thấy ở một bức tranh Tây vực. Enishte luôn bỏ công che kín phần được kẻ dòng của trang giấy mà ông ta muốn tôi minh họa cũng như những chỗ mà Zarif Kính mến xấu số đã mạ vàng, như thể ông ta muốn giấu một điều gì đó không cho tôi và những nhà tiểu họa khác biết.

Tôi muốn hỏi Enishte ông đang vẽ cái gì trong bức tranh lớn cuối cùng đó, nhưng có nhiều điều ngăn tôi lại. Nếu tôi hỏi, dĩ nhiên ông ta sẽ nghi ngờ tôi giết Zarif Kính mến và sẽ cho mọi người biết mối nghi ngờ của ông ta. Nhưng có một điều gì khác cũng làm tôi bối rối. Nếu tôi hỏi, ông ta có thể tuyên bố rằng Zarif Kính mến thực sự chính đáng khi có những niềm tin như vậy. Đôi khi tôi tự nhủ mình phải hỏi ông ta, vờ như sự nghi ngờ này không phải là từ Zarif Kính mến truyền sang tôi, mà đơn giản là do tôi tự nghĩ ra. Cuối cùng chẳng có cách nào thuận lợi cả.

Chân tôi, vốn luôn nhanh hơn đầu tôi, đã tự ý đưa tôi đến con đường qua nhà của Enishte Kính mến. Tôi nấp trong một chỗ kín, cố hết sức quan sát ngôi nhà ấy một lúc lâu trong đêm tối. Tôi theo dõi hồi lâu: Ẩn sau đám cây lá là ngôi nhà bề thế hai tầng và trông kỳ cục của một kẻ giàu có! Tôi không xác định được phòng của Shekure nằm ở mé nào. Như trong một số bức tranh được làm ở Tabriz dưới thời vua Tahmasp, tôi hình dung ngôi nhà theo thiết diện – như thể nó bị một con dao cắt làm đôi – và tôi cố vẽ ra trong tâm trí xem mình sẽ thấy Shekure ở đâu, đàng sau lớp cửa rèm nào.

Cửa mở, tôi thấy Siyah rời ngôi nhà trong đêm tối. Enishte đứng sau cổng nhìn theo anh ta tràn đầy thương mến trong giây lát trước khi đóng cổng.

Ngay cả tâm trí tôi, vốn trôi theo những tưởng tượng ngu ngốc, nhanh chóng, và đầy đau khổ, cũng rút ra được ba kết luận dựa trên những gì tôi đã thấy:

Một: Vì Siyah ít tốn kém hơn và ít nguy hiểm hơn, nên Enishte sẽ nhờ anh ta hoàn tất cuốn sách của chúng tôi.

Hai: Nàng Shekure xinh đẹp sẽ cưới Siyah.

Ba: Những gì Zarif Kính mến bất hạnh đã nói là sự thật, và như thế, việc tôi giết anh ta là vô ích.

Trong những tình huống như thế này, ngay khi trí óc tàn nhẫn của chúng ta rút ra kết luận cay đắng mà trái tim ta phản đối, thì toàn bộ cơ thể sẽ nổi dậy chống lại đầu óc. Thoạt tiên, nửa trí óc của tôi phản đối dữ dội kết luận thứ ba, vốn cho thấy tôi chẳng là gì ngoài kẻ sát nhân đáng tởm nhất. Hai chân tôi, một lần nữa, hành động nhanh hơn và hợp lý hơn đầu tôi đã đưa tôi đuổi sát theo Siyah Kính mến.

Chúng tôi đi qua mấy con đường nhỏ, khi đó tôi nghĩ hạ sát anh ta, kẻ đang mãn nguyện và tự tin đi phía trước tôi kia thì thật quá dễ và một tội ác như thế sẽ cứu tôi khỏi phải đối mặt với hai kết luận khó chịu mà tôi vừa nghĩ ra đến thế nào. Hơn nữa, tôi hẳn đã không đập bể đầu Zarif Kính mến mà chẳng có lý do gì.

Bây giờ nếu tôi chạy bay tới trước tám hay mười bước, đuổi kịp Siyah và giáng một cú thật lực vào đầu anh ta, mọi thứ sẽ diễn ra như thường lệ. Enishte Kính mến sẽ mời tôi đến để hoàn tất cuốn sách. Nhưng trong khi đó khía cạnh trung thực (Sự trung thực là gì nếu không phải là sợ hãi?) và thận trọng hơn của tôi tiếp tục nói với tôi rằng tên quái vật mà tôi đã giết và ném xuống giếng thật sự là một kẻ vu khống. Và nếu đúng vậy thì tôi đã không giết hắn một cách vô ích, và Enishte, do không còn bất cứ điều gì để che giấu về cuốn sách ông đang làm, hầu như chắc chắn sẽ mời tôi trở lại nhà ông.

Tuy nhiên trong khi theo dõi Siyah đang đi phía trước, tôi biết hầu như chắc chắn rằng không điều nào trong số này sẽ xảy ra. Tất cả chỉ là ảo tưởng. Siyah Kính mến có giá hơn tôi. Chuyện này vẫn xảy đến với tất cả chúng ta: Phản ứng trước tình trạng quá hợp luận lý, chúng ta sẽ nuôi dưỡng những tưởng tượng trong nhiều tuần và nhiều năm liên tục, thế rồi một ngày kia, chúng ta sẽ thấy một điều gì đó, một gương mặt, một bộ quần áo, một con người hạnh phúc, và bất chợt nhận ra rằng những giấc mơ của mình sẽ không bao giờ trở thành hiện thực; như thế, chúng ta sẽ đến chỗ hiểu rằng một thiếu nữ nào đó sẽ không bao giờ được phép cưới chúng ta hoặc chúng ta sẽ không bao giờ đạt được một thành quả như thế trong cuộc sống.

Tôi nhìn theo đôi vai, cái đầu và cổ nhấp nhô của Siyah – một kiểu đi khó chịu kỳ cục, như thể mỗi bước đi của anh ta là một món quà cho thế giới – với sự căm ghét sâu sắc vốn cuộn tròn một cách dễ chịu quanh tim tôi. Những người như Siyah, không bị những dằn vặt của lương tâm và với tương lai hứa hẹn trước mặt họ, vẫn cho rằng toàn bộ thế giới này là nhà của họ; họ mở mọi cánh cửa giống như vị vua bước vào chuồng ngựa riêng của ông ta và lập tức coi thường những ai trong chúng ta đang rúm mình trong đó. Niềm thôi thúc muốn nhặt một hòn đá rồi chạy đến sau lưng anh ra hầu như quá mạnh mẽ đến độ khó cưỡng lại.

Chúng tôi là hai người đàn ông cùng yêu một phụ nữ; anh ta đang đi phía trước tôi và hoàn toàn không biết sự hiện diện của tôi khi chúng tôi đi qua những con đường ngoằn ngoèo quanh co của Istanbul, lên dốc rồi xuống dốc, chúng tôi đi giống như những huynh đệ qua những con đường vắng vẻ chỉ còn những bầy chó hoang cắn lộn, đi qua những đống đổ nát sau hỏa hoạn nơi những âm hồn lảng vảng, các khoảnh sân thánh đường nơi các thiên thần nằm ngủ trên mái vòm, bên cạnh hàng bách đang rì rầm với những linh hồn người chết, vượt qua bờ rào của những nghĩa trang tuyết phủ đầy hồn ma, ra khỏi tầm nhìn của bọn cướp đang siết cổ những nạn nhân của chúng, đi qua những cửa hàng, chuồng ngựa, viện khổ tu, những xưởng làm nến, xưởng thuộc da và những bức tường đá vô tận; và khi chúng tôi đến gần nhau hơn, tôi cảm thấy tôi không hề đi theo anh ta, mà có vẻ như tôi đang bắt chước anh ta.

— —— —— —— ——-

1 Al- Furqan: Tiêu chuẩn.

2 Al-Isra: Hành trình trong đêm

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN