Tên Tôi Là Đỏ - Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
147


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 4



TÔI SẼ BỊ GỌI LÀ KẺ SÁT NHÂN

Không, tôi hẳn không tin rằng mình có thể giết bất kỳ ai cho dù người ta nói với tôi như thế nhiều lần trước khi tôi giết tên ngu ngốc đó; và vì thế hành vi phạm tội của tôi đôi khi lùi xa tôi giống như một chiếc thuyền buồm nước ngoài biến mất ở chân trời. Thỉnh thoảng, thậm chí tôi cảm thấy như thể tôi chưa phạm bất cứ tội ác nào. Bốn ngày đã trôi qua từ khi tôi buộc phải thủ tiêu gã Zarif bất hạnh, một người anh em với tôi thế mà chỉ đến bây giờ, ở một chừng mực nào đó, tôi mới chấp nhận tình cảnh của mình.

Lẽ ra tôi nên chọn cách giải quyết tình trạng khó xử và bất ngờ này mà không phải thủ tiêu bất cứ ai, nhưng tôi biết không có chọn lựa nào khác. Tôi đã xử lý vấn đề này ngay tại chỗ, nhận lấy gánh nặng trách nhiệm. Tôi không thể để cho những cáo buộc sai trái của một kẻ dại dột gây nguy hiểm cho cả cộng đồng những nhà tiểu họa.

Tuy nhiên, phải mất một thời gian tôi mới quen với việc mình là tên giết người. Tôi không thể chịu đựng được việc cứ ở trong nhà, vì vậy tôi ra đường. Tôi không thể chịu đựng con phố của tôi, vì vậy tôi tới một con phố khác, rồi một con phố khác nữa.

Khi tôi nhìn vào khuôn mặt người khác, tôi nhận ra rằng nhiều người trong số họ tin rằng họ vô tội bởi vì họ chưa có cơ hội kết liễu một sinh mạng. Thật khó mà tin rằng hầu hết người ta đều đạo đức hơn hoặc tốt hơn tôi chỉ vì một biến đổi nhỏ nhặt nào đó của số phận. Ít nhất, họ có vẻ mặt ít nhiều ngốc nghếch hơn bởi họ chưa từng giết người, và giống như tất cả lũ ngốc, họ làm như có những hảo ý. Sau khi tôi giải quyết thằng cha đáng khinh đó, việc lang thang khắp đường phố Istanbul trong bốn ngày là đã đủ cho tôi khẳng định rằng bất kỳ ai với một tia thông minh trong mắt và mảng tối của tâm hồn hắt trên khuôn mặt đều là một kẻ sát nhân ẩn mình. Chỉ những kẻ đần độn mới vô tội.

Chẳng hạn như tối nay, trong khi đang làm ấm người lên với một tách cà phê bốc khói tại quán cà phê nằm ở những con phố nhỏ sau khu chợ nô lệ, nhìn vào bức vẽ con chó treo trên bức tường cuối phòng, tôi dần dần quên mất tình trạng khốn khổ của mình và cùng những người khác bật cười trước mọi điều con chó thuật lại. Rồi tôi có cảm giác một trong số những người ngồi cạnh tôi là một tên giết người tầm thường giống như tôi. Dù hắn ta cũng chỉ cười nhạo người kể chuyện giống như tôi, nhưng trực giác của tôi bị đánh động, hoặc bởi cách cánh tay hán nằm gần cánh tay tôi hoặc do cách hắn bồn chồn gõ mấy ngón tay vào tách hắn. Tôi không chắc làm cách nào tôi biết, nhưng bất ngờ tôi quay sang nhìn thẳng vào mắt hắn. Hắn giật mình và mặt hắn nhăn nhó. Khi đám đông giải tán, một người quen của hắn nắm lấy cánh tay hắn mà nói, “Bọn người của Nusret Hoja chắc chắn sẽ bố ráp chỗ này.”

Nhướng mày, hắn ra dấu cho người đó im lặng. Nỗi sợ hãi của họ lan sang tôi. Không ai tin bất cứ ai, mọi người đều có cơ bị người ở kề bên giết bất cứ lúc nào.

Trời đã lạnh hơn, tuyết rơi đã đóng dày các góc phố và chân tường. Trong cái dày đặc của đêm tối, tôi chỉ có thể lần ra đường đi dọc theo các con phố hẹp bằng cách sờ soạng hai tay. Thỉnh thoảng, ánh sáng mờ của một ngọn đèn dầu vẫn còn cháy đâu đó trong một ngôi nhà gỗ hắt ra từ những cửa sổ tối đen và những tấm rèm đã kéo xuống, phản chiếu trên tuyết; nhưng hầu như tôi không thể thấy gì, và tìm đường bằng cách lắng nghe âm thanh của những lính gác đang gõ gậy trên mặt đá, lắng nghe tiếng sủa của bọn chó điên, hoặc tiếng động phát ra từ các ngôi nhà. Thỉnh thoảng những con phố hẹp và đáng ngại của thành phố này có vẻ bừng lên bởi thứ ánh sáng kỳ lạ phát ra từ chính mặt tuyết; và trong bóng tối, giữa những đổ nát và cây cối, tôi nghĩ mình đã trông thấy một trong những con ma từng làm cho Istanbul trở thành một nơi đáng sợ cả ngàn năm nay. Thỉnh thoảng từ bên trong các ngôi nhà tôi nghe tiếng những con người khốn khổ đang lên cơn ho hoặc thở phì phì hoặc rên rỉ nói mớ trong cơn mơ, hoặc tôi nghe tiếng la của những ông chồng và bà vợ khi họ cố bóp cổ lẫn nhau, tiếng bọn trẻ đang khóc lóc dưới chân họ.

Suốt hai đêm liên tục, tôi đến quán cà phê này để sống lại niềm hạnh phúc tôi cảm thấy trước khi trở thành kẻ sát nhân, để nâng tinh thần và để lắng nghe người kể chuyện. Hầu hết những người bạn vẽ tiểu họa của tôi, lũ huynh đệ mà tôi đã sống chung cả đời vẫn đến đây mỗi đêm. Vì tôi đã làm im miệng cái tên lỗ mãng vốn đã cùng tôi thực hiện những tranh minh họa từ thời niên thiếu, nên tôi không muốn gặp mặt bất cứ ai trong bọn họ.

Tôi rất xấu hổ về cuộc sống của những huynh đệ của tôi, những kẻ không thể làm gì mà không ngồi lê đôi mách, và về bầu không khí vui vẻ đáng ghét ở nơi này. Thậm chí tôi còn phác họa vài bức tranh cho người kể chuyện để họ không buộc tội tôi là phách lối, nhưng chuyện đó cũng không chấm dứt được lòng đố kỵ của họ.

Họ có lý do để ghen tỵ. Không ai trong số họ có thể qua mặt tôi trong việc pha màu, trong việc tạo ra và tô điểm phần lề trang giấy, bố trí các trang, chọn đề tài, vẽ các khuôn mặt, dàn xếp cuộc chiến tranh hối hả và những cảnh đi săn, vẽ các con thú, các vị vua, tàu bè, ngựa, chiến binh và những tình nhân. Không ai có thể giỏi bằng tôi trong việc làm những bức tranh minh họa mang đầy hồn thơ cả trong việc mạ vàng. Tôi không khoác lác, nhưng tôi giải thích điều này với các vị để các vị có thể hiểu tôi một cách đầy đủ.Qua thời gian, sự ghen tỵ đã trở thành một yếu tố không thể thiếu được như thuốc màu trong cuộc đời của người họa sĩ bậc thầy.

Trong những chuyến đi bộ của tôi, vốn ngày càng kéo dài hơn do trạng thái bồn chồn, thỉnh thoảng tôi đối mặt với những người nông dân sùng đạo thuần khiết và trong trắng và một ý niệm kỳ lạ bất ngờ nảy trong đầu tôi: Nếu tôi đang nghĩ về chuyện tôi là kẻ giết người, người đối diện tôi sẽ đọc được điều đó trên gương mặt tôi. Vì thế tôi buộc mình phải nghĩ đến những điều khác, cũng như, dằn vặt trong nỗi lúng túng, tôi đã buộc mình phải xua đuổi những ý nghĩ về phụ nữ trong khi cầu kinh như một thanh niên mới lớn.Nhưng không như những ngày trai trẻ khi tôi không thể gạt hành động giao phối ra khỏi ý nghĩ của mình, giờ thì tôi thực sự có thể quên vụ giết người mà tôi đã phạm.

Các vị thấy rằng, thục ra, tôi giải thích tất cả việc này bởi vì chúng liên quan đến tình trạng khó xử của tôi. Nhưng nếu tôi định tiết lộ dù chỉ một chi tiết liên quan đến chính vụ giết người, các vị sẽ hình dung ra tất cả và điều này sẽ khiến tôi không còn là một tên giết người vô danh. không nhân diện, đang lang thang giữa các vị như một hồn ma nữa mà hạ tôi xuống địa vị một tên tội phạm bình thường, đã tự thú, tự nộp mạng, rồi sớm trả giá cho tội ác bằng cái đầu của hắn. Tôi xin phép không dừng lại ở một chi tiết đơn lẻ nào, hãy để tôi giữ lại một số manh mối cho riêng mình: Hãy cố khám phá tôi là ai qua cách chọn lựa từ ngữ và màu sắc của tôi, vì những người cảnh giác giống các vị có thể nghiên cứu dấu chân để bắt một tên trộm. Việc này đến lượt nó, lại đưa chúng ta đến vấn đề “phong cách,” vốn đang là mối quan tâm phổ biến: Liệu một nhà tiểu họa, bất kỳ nhà tiểu họa nào, cũng có phong cách riêng của anh ta không? Một cách sử dụng màu, một tiếng nói hoàn toàn riêng của anh ta không?

Chúng ta hãy xem một bức của Bihzad, bậc thầy của những bậc thầy, thánh bảo trợ cho mọi nhà tiểu họa. Tôi tình cờ bắt gặp kiệt tác này, vốn cũng liên quan mật thiết đến hoàn cảnh của tôi bởi vì nó mô tả một vụ giết người, trong số những trang của một cuốn sách tuyệt đẹp của trường phái Herat ra đời cách nay chín mươi năm. Nó xuất hiện từ thư viện của một ông hoàng Ba Tư bị giết trong một trận chiến giành quyền kế vị tàn khốc và kể lại câu chuyện về Husrev và Shirin. Dĩ nhiên là các vị biết rõ số phận của Husrev và Shirin, tôi muốn nói đến phiên bản của Nizami 1, chứ không phải của Firdusi.

Cặp tình nhân này cuối cùng lấy được nhau sau vô vàn thử thách và khổ ải; tuy nhiên Shiruye trẻ tuổi và độc ác, con trai của Husrev với vợ trước của ông ta, sẽ không để họ yên. Hoàng tử này không chỉ nhòm ngó ngai vàng của cha mình mà còn để ý cả người vợ trẻ Shirin của cha mình nữa. Shiruye, người được Nizami tả “Hơi thở của y có mùi thối của miệng con sư tử” tìm đủ mọi cách để bỏ tù cha y và kế vị ngai vàng. Một đêm, bước vào phòng ngủ của cha y và Shirin, y sờ soạng tìm đường trong bóng tối và khi nhận ra hai người trên giường, y dùng dao găm đâm vào ngực cha y. Vì vậy máu người cha chảy cho đến bình minh và ông chết từ từ trên chiếc giường ông nằm cùng nàng Shirin xinh đẹp, trong khi nàng vẫn ngủ bình yên cạnh ông.

Bức tranh này của bậc thầy vĩ đại Bihzad, cũng như bản thân câu chuyện trình bày nỗi sợ hãi khủng khiếp mà tôi đã mangtrong lòng suốt nhiều năm: Nỗi kinh hoàng khi thức dậy trong đêm đen mà nhận ra có một người lạ đang gây những tiếng động nhỏ khi hắn bò loanh quanh trong bóng tối căn phòng! Hãy tưởng tượng kẻ xâm nhập đó một tay cầm con dao găm còn tay kia bóp cổ quí vị. Mọi chi tiết, bức tường trang trí đẹp mắt, hoa văn trang hoàng cửa sổ và cái khung, những thiết kế hình tròn và uốn lượn trên tấm thảm đỏ, màu sắc của tiếng rú câm lặng phát ra từ cổ họng bị bóp chặt của quí vị, những bông hoa màu vàng và tía được thêu với sự khéo léo và sinh động đến kinh ngạc trên chiếc mền bông lộng lẫy mà bàn chân trần đáng tởm của kẻ sát nhân kia đang tàn nhẫn giẫm lên khi hắn kết liễu mạng sống của quí vị, tất cả chi tiết đó phục vụ cho cùng một mục đích: Trong khi làm tăng vẻ đẹp của bức tranh, chúng cũng nhắc quí vị nhớ rằng căn phòng trong đó quí vị sẽ sớm chết đi và thế giới mà quí vị sẽ sớm lìa bỏ đẹp đến thế nào. Thái độ thờ ơ của cái đẹp trong tranh và của thế giới trước cái chết của quí vị, tình trạng hoàn toàn cô đơn trong cái chết của quí vị bất chấp sự có mặt của vợ quí vị, đây là ý nghĩa tất yếu xộc thẳng vào tâm thức quí vị.

“Bức này của Bihzad,” bậc thầy lão thành đã nói cách nay hai mươi năm khi chúng tôi xem xét cuốn sách mà tôi cầm trên đôi tay run rẩy. Khuôn mặt ông được chiếu sáng không phải bằng ngọn nến gần đó, mà bằng niềm vui của chính điều quan sát được “Bức tranh này quá Bihzad đến độ không cần chữ ký.”

Bihzad ý thức quá rõ về điều này đến độ ông không cần giấu chữ ký của ông ở bất kỳ chỗ nào trên bức tranh. Và theo bậc thầy có tuổi này, có một cảm giác lúng túng và xấu hổ trong quyết định này của ông. Nơi nào có sự điêu luyện đích thực và nghệ thuật thực sự thì người họa sĩ có thể vẽ một kiệt tác vô song mà không để lại dù chỉ một dấu vết về lai lịch của họ.

Lo sợ cho mạng sống của mình, tôi đã giết nạn nhân bất hạnh của mình theo một cách thô sơ và bình thường. Khi tôi trở lại vùng bị hỏa hoạn tàn phá này mỗi đêm để xác minh xem liệu tôi có để lại bất cứ dấu vết nào có thể tố giác mình không, thì những vấn đề về phong cách ngày càng lộ rõ trong đầu tôi.Những gì được tôn sùng như một phong cách thì chẳng là gì hơn một sự bất toàn hoặc sai sót có thể tố giác bàn tay tội lỗi.

Tôi có thể xác định được chỗ này mà thậm chí không cần ánh sáng của tuyết đang rơi, vì vùng này, đã bị hỏa hoạn san bằng, là nơi tôi kết thúc cuộc đời của người bạn suốt hai mươi lăm năm của tôi. Giờ đây tuyết đã che lấp và xóa hết mọi manh mối vốn có thể được xem như chữ ký, chứng tỏ rằng đấng Allah đã đồng tình với Bihzad và tôi về vấn đề phong cách và chữ ký. Nếu thực sự chúng tôi đã phạm phải một tội lỗi không thể tha thứ qua việc minh họa cho cuốn sách đó – như gã ngớ ngẩn đó đã khẳng định cách đây bốn ngày – cho dù chúng tôi đã làm thế một cách vô ý thức, thì chắc đấng Allah đã không ban tặng đặc ân này cho những nhà tiểu họa chúng tôi.

Đêm đó, khi Zarif kính mến và tôi đến đây, tuyết chưa bắt đầu rơi. Chúng tôi có thể nghe tiếng tru của bọn chó lai vọng từ xa.

“Nào, tụi mình đến đây làm gì?” Kẻ không may đó hỏi. “Anh định chỉ cho tôi cái gì ở đây lúc đêm hôm khuya khoắt thế này?”

“Ngay phía trước có một cái giếng, cách đó mười hai bước chân tôi có chôn mớ tiền tôi dành dụm mấy năm nay,” tôi nói. “Nếu anh giữ bí mật mọi chuyện tôi đã giải thích với anh, Enishte kính mến và tôi sẽ bảo đảm rằng anh được tưởng thưởng hậu hĩ.”

“Tôi phải hiểu rằng anh đang thừa nhận mình biết rõ những việc đang làm ngay từ đầu, đúng không?” hắn bồn chồn hỏi.

“Tôi thừa nhận,” tôi miễn cưỡng nói dối.

“Anh thừa nhận bức tranh anh làm mang tính báng bổ, đúng không?”Hắn nói một cách ngây thơ. “Nó dị giáo, một sự phạm thượng mà không một kẻ đứng đắn nào có gan phạm phải. Anh sẽ bị thiêu trong vực Hỏa ngục. Nỗi thống khổ và đớn đau của anh sẽ không bao giờ vơi bớt – và anh đã biến tôi thành tòng phạm.l, Khi nghe hắn nói, với nỗi khủng khiếp tôi cảm thấy những lời của hắn có sức mạnh và sự nghiêm trọng đến độ, dù muốn hay không, người ta sẽ lưu ý đến chúng, hy vọng rằng chúng sẽ chứng thực về những kẻ khốn khổ khác ngoài bản thân họ. Nhiều lời đồn đại giống thế này về Enishte kính mến bắt đầu lan nhanh do sự bí mật quanh cuốn sách ông ta đang làm và số tiền ông ta sẵn lòng trả – và bởi thầy Osman, Trưởng ban Trang trí, coi thường ông ta. Tôi chợt nghĩ rằng có lẽ tay thợ mạ vàng anh em của tôi, Zarif, với ý định xảo quyệt đã sử dụng những sự kiện này để hỗ trợ cho những lời buộc tội dối trá của hắn. Hắn ta trung thực tới mức nào?

Tôi đã để cho hắn lặp lại những lời khẳng định vốn khiến chúng tôi gây gổ với nhau, và trong khi nói, hắn chẳng lựa lời gì cả. Hắn có vẻ muốn khiêu khích tôi để che đậy một lỗi lầm, như trong suốt những năm học nghề của chúng tôi, khi mục tiêu là tránh sự trừng phạt của thầy Osman. Hồi đó tôi nhận ra sự thật thà của hắn đầy sức thuyết phục. Là thợ học việc, đôi mắt hắn thường mở to giống như bây giờ vậy, những hồi đó chúng chưa lòa dần vì công việc tô điểm. Nhưng sau cùng tôi quyết không chùn tay; hắn đã sẵn sàng thú nhận mọi chuyện với mọi người.

“Nghe tôi nói này,” tôi nói với vẻ bực tức. “Chúng ta trang trí sách, tạo ra những họa tiết cho lề trang, vẽ khung trên các trang giấy, mình trang trí rực rỡ từng trang với những sắc vàng, mình làm ra bức tranh tuyệt vời nhất trong các bức tranh, mình trang trí những cái tủ cái hộp. Suốt bao năm rồi bọn mình chẳng làm gì khác. Đó là nghề của chúng ta. Họ yêu cầu chúng ta làm tranh, đặt hàng chúng ta sắp xếp một con tàu, một con sơn dương, hoặc một ông vua trong phần viền của cái khung nào đó, đòi hỏi một kiểu chim cụ thể, một loại hình ảnh cụ thể, chọn cảnh cụ thể kia trong câu chuyện, bỏ qua cái này cái nọ. Bất cứ điều gì họ đòi hỏi, chúng ta đều thực hiện. “Nghe này” Enishte kính mến đã nói với tôi, “Hãy vẽ một con ngựa theo trí tưởng tượng của riêng anh, ngay chỗ này.” Trong ba ngày, giống những họa sĩ vĩ đại thời xưa, tôi đã phác thảo hàng trăm con ngựa đến độ tôi có thể biết chính xác “một con ngựa theo trí tưởng tượng của riêng tôi”, là như thế nào. Để quen tay, tôi đã vẽ hàng lô ngựa trên một tờ giấy thô Samarkand.”

Tôi mang những bức phác thảo này ra cho Zarif xem. Hắn ta nhìn chúng với vẻ thích thú và, cúi sát vào tờ giấy, bắt đầu nghiên cứu những con ngựa đen và trắng trong ánh trăng mờ mờ. “Những họa sư lão thành của phái Shiraz và Heart” tôi nói, “khẳng định rằng một nhà tiểu họa phải phác thảo liên tục những con ngựa trong suốt năm mươi năm để có thể vẽ được con ngựa mà đấng Allah mường tượng và ao ước. Họ khẳng định rằng bức tranh tuyệt hảo nhất về ngựa phải được vẽ trong bóng tối, vì một nhà tiểu họa thực sự sẽ bị mù khi làm việc suốt thời kỳ năm mươi năm đó, nhưng trong quá trình đó, tay anh ta sẽ nhớ được con ngựa.”

Vẻ ngây thơ trên gương mặt hắn, một khuôn mặt tôi từng thấy rất lâu trước đây, khi chúng tôi còn nhỏ, cho tôi biết rằng hắn hoàn toàn bị những con ngựa của tôi thu hút.

“Họ thuê chúng ta, và chúng ta cố tạo ra con ngựa kỳ diệu nhất khó đạt tới nhất, như những lão sư phụ đã làm. Chẳng có gì hơn. Họ không công bằng khi bắt chúng ta chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì ngoài việc minh họa.”

“Tôi không chắc điều đó đúng,” hắn nói. “Chúng ta cũng có những trách nhiệm và ý chí của riêng mình. Tôi không sợ ai trừ đấng Allah. Chỉ có Người mới cho chúng ta lý trí để chúng ta phân biệt được cái Thiện với cái Ác”.

Đó là một câu trả lời thích hợp.

“Đấng Alllah thấy và biết tất cả…” Tôi nói bằng tiếng Ẳ Rập. “Người sẽ biết rằng anh với tôi, chúng ta đã làm việc này mà không ý thức về những gì chúng ta đang làm. Anh sẽ báo cáo cho ai biết về Enishte kính mến? Chẳng lẽ anh không biết đằng sau việc này là ước muốn của Đức vua đáng kính của chúng ta sao?”

Im lặng.

Tôi tự hỏi liệu hắn thực sự là một tên ngớ ngẩn như thế hay sự mất bình tĩnh và thói thuyết giảng hùng hổ của hắn quả là xuất phát từ lòng thành thực kính sợ đấng Allah.

Chúng tôi dừng lại bên miệng giếng. Trong bóng tối, tôi mơ hồ bắt gặp ánh mắt của hắn và có thể thấy rằng hắn đang sợ. Tôi thương hại cho hắn. Nhưng điều đó đã quá trễ. Tôi cầu xin Thượng đế cho tôi thêm một dấu hiệu nữa chứng tỏ rằng người đang đứng trước mặt tôi không chỉ là một tên hèn nhát ngu đần mà còn là một kẻ tệ hại vô phương cứu chữa.

“Đếm mười hai bước rồi đào” tôi nói.

“Rồi anh sẽ làm gì?”

“Tôi sẽ giải thích tất cả với Enishte kính mến, và ông ta sẽ đốt tất cả tranh. Còn có giải pháp nào khác nữa? Nếu một trong những đồ đệ của Nusret Hoja nghe được luận điệu quy kết như thế, cả chúng ta lẫn xưởng làm sách nghệ thuật sẽ tan thành tro bụi. Anh có quen biết bất kỳ tay Erzurum nào không? Hãy nhận số tiền này để chúng tôi tin chắc rằng anh sẽ không khai chúng tôi ra.”

“Tiền được đựng trong cái gì?”

“Có bảy mươi lăm đồng vàng Venice trong một chiếc bình gốm.”

Những đồng tiền Venice thì nghe dễ hiểu, nhưng ở đâu tôi lại nảy ra ý tưởng về chiếc bình gốm vậy? Thật là ngốc mới thấy nó đáng tin. Vì thế tôi lại càng tin chắc rằng Thượng đế phù hộ tôi và đã cho tôi một dấu hiệu. Người bạn học nghề cũ của tôi, kẻ mà mỗi năm qua đi lại càng tham lam hơn, đã bắt đầu hào hứng đếm mười hai bước theo hướng tôi đã chỉ.

Lúc đó trong đầu tôi có hai điều. Đầu tiên là không hề có nhũng đồng tiền Venice hay bất cứ thứ gì tương tự được chôn ở đó cả! Nếu tôi không nảy ra ý nghĩ về món tiền ấy thì tên ngớ ngẩn này sẽ hủy diệt chúng tôi. Bất chợt tôi cảm thấy muốn ôm hôn lên má tay đại ngốc này như đôi khi tôi vẫn làm khi chúng tôi còn học việc, những năm tháng đã làm chúng tôi xa cách. Thứ hai, tôi lo hình dung ra chuyện chúng tôi sẽ đào đất thế nào đây.Bằng móng tay à? Nhưng sự trầm tư này, nếu các vị có thể gọi nó như vậy, kéo dài chỉ trong nháy mắt.

Kinh hoàng, tôi chộp một cục đá bên cạnh giếng. Trong khi hắn bước đến bước thứ bảy hay thứ tám gì đó, tôi theo kịp hắn và dùng hết sức bình sinh đập vào gáy hắn. Tôi đập hắn mau lẹ và tàn bạo đến độ nhất thời tôi hoảng hốt, như thể cú đánh ấy đã giáng xuống đầu chính tôi vậy. Ôi, tôi cảm thấy được cơn đau của hắn.

Thay vì đau khổ vì những gì tôi đã làm, tôi lại muốn kết thúc nhanh chóng việc này. Hắn bắt đầu giãy giụa trên mặt đất và nỗi kinh hoàng của tôi sâu thêm.

Rất lâu sau khi tôi thả hắn xuống giếng, tôi đã ngẫm nghĩ xem sự tàn bạo trong hành động của mình hoàn toàn không phù hợp đến thế nào với vẻ trang nhã của một nhà tiểu họa.

— —— —— —— ——-

1 Tác giả ám chỉ thi phẩm Khusraw o Shirin (“Khusraw và Shirin”), còn viết là Husrev o Shirin của nhà thơ Nezami Ganjavi hoặc Nizami Gancevi (1141-1209) người Azerbaijan, được coi là tác giả sử thi trữ tình lớn nhất trong văn học Ba Tư.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN