Tên Tôi Là Đỏ - Chương 56
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
136


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 56



TÔI ĐUỢC GỌI LÀ “LEYLEK”

Phần 1

Kelebek và Siyah đến vào lúc nửa đêm; họ trải những bức tranh dưới sàn trước mặt tôi rồi yêu cầu tôi cho họ biết ai vẽ bức nào. Nó gợi tôi nhớ lại trò chơi khăn xếp của ai mà chúng tôi thường chơi hồi nhỏ: Các vị vẽ nhiều kiểu khăn đội đầu khác nhau của hoja, lính kỵ binh, quan tòa, đao phủ, thủ quỹ và thư ký rồi cố xếp chúng vào những tên gọi tương ứng được viết trên những tờ giấy khác lật úp mặt xuống.

Tôi bảo họ rằng chính tôi vẽ con chó. Chúng tôi đã thuật câu chuyện về nó cho người kể chuyện. Tôi nói rằng Kelebek dịu dàng, người đang kề con dao găm ngay họng tôi, hẳn đã vẽ bức tranh Thần chết mà trên đó ánh đèn đang chập chờn dễ chịu. Tôi nhớ rằng Zeytin đã vẽ Satan một cách hăng say mà câu chuyện về nó hoàn toàn do người kể chuyện vừa chết bịa ra. Tôi đã bắt đầu vẽ cái cây mà những chiếc lá của nó được vẽ bởi tất cả những ai trong chúng tôi đã đến quán cà phê tối đó. Chúng tôi cũng đã nghĩ ra câu chuyện. Với màu Đỏ cũng thế: Một số mực đỏ vương vãi trên một tờ giấy, thế là người kể chuyện keo kiệt hỏi liệu chúng tôi có thể vẽ một bức tranh về màu đỏ không. Chúng tôi nhỏ một ít mực đỏ nữa lên trang giấy, rồi mỗi đứa chúng tôi phác thảo hình ảnh về một cái gì có màu đỏ trong một góc và thuật câu chuyện về hình ảnh của mình để người kể chuyện có thể kể lại. Zeytin vẽ con ngựa xuất sắc này ở đây – cầu cho tài năng của anh ta được tán dương – và tôi nghĩ chính Kelebek đã vẽ người phụ nữ u sầu này. Chỉ khi đó Kelebek mới lấy con dao găm khỏi họng tôi và nói với Siyah rằng phải, giờ anh ta mới nhớ anh ta đã vẽ người phụ nữ đó như thế nào. Tất cả chúng tôi đều góp phần vào đồng tiền vàng trong chợ, và Zeytin, hậu duệ của một người theo phái Kalenderi, đã vẽ hai tay khổ tu. Chi phái Kalenderi dựa trên việc quan hệ đồng tính với những chàng trai trẻ và khất thực, và Evhad-ud Dini Kirmani, giáo chủ của họ đã viết pho thánh thư của giáo phái cách nay hai trăm năm mươi năm, tiết lộ bằng thơ rằng ông ta từng thấy sự toàn hảo của Thượng đế được biểu hiện trong những khuôn mặt đẹp.

Tôi xin các anh em họa sĩ lượng thứ cho tình trạng bừa bộn trong ngôi nhà chúng tôn nại lý do rằng chúng tôi bị viếng thăm bất ngờ, và tôi bảo họ rằng tôi lấy làm tiếc không thể mời họ món cà phê ngon hay cam ngọt vì vợ tôi đang ngủ ở phòng trong. Tôi nói thế để họ đừng xông vào đó và tôi khỏi phải đổ máu với họ khi họ không tìm thấy những gì họ đang tìm trong mớ vải bạt, quần áo có giải rút, khăn thắt lưng mùa hè bằng lụa Ấn Độ và the mỏng, vải hoa Ba Tư và những áo choàng trong mấy cái rổ và rương mà họ hăm hở lục lọi, dưới những tấm thảm và nệm, giữa những trang đã minh họa mà tôi thực hiện cho nhiều cuốn sách khác nhau và trong những trang của những tập sách đã khâu xong.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng tôi thấy khoái trá khi cư xử cứ như tôi sợ họ. Kỹ năng của một họa sĩ tùy thuộc vào việc chú tâm cẩn thận đến cái đẹp của phút giây hiện tại, ghi nhận đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong khi đồng thời lui khỏi thế giới này, cái thế giới vốn tự coi mình quá ư nghiêm túc, và như thể nhìn vào gương, cho phép có một khoảng cách và sức thuyết phục của một lời nói đùa.

Do đó, khi họ hỏi, tôi nói rằng, phải, khi đám dân Erzurum bắt đầu cuộc đột kích thì cũng như hầu hết các buổi tối, có một đám đông khoảng bốn mươi người ở quán cà phê, trong đó ngoài tôi ra còn có Zeytin, họa sĩ Nasir, nhà thư pháp Jemal, hai phụ tá tiểu họa trẻ, những nhà thư pháp trẻ vốn sống cả ngày lẫn đêm với họ, thợ học việc Rahmi cực kỳ xinh xắn, những cậu đẹp trai mới vào nghề khác, sáu bảy người là thi sĩ, bọn say rượu, nghiện cần sa, dân khổ tu, cùng những người khác đã khéo léo dụ dỗ ông chủ cho phép họ gia nhập nhóm người vui nhộn dí dỏm này. Tôi giải thích tình trạng hỗn loạn bao trùm như thế nào ngay khi cuộc đột kích bắt đầu. Khi đám đông khán giả do chủ quán tập hợp để tham gia cuộc giải trí tục tĩu bắt đầu bỏ chạy trong kinh hoàng, không ai nghĩ đến biện pháp thiết lập hàng rào bảo vệ cho cái quán đó hay cho người kể chuyện già nua tội nghiệp ăn mặc như đàn bà. Tôi có đau lòng trước tai họa này không à? “Có chứ! Tôi, họa sĩ Mustafa, còn được gọi là â��Leylek’, người thực sự dành trọn cuộc đời cho việc minh họa, nhận thấy thật cần thiết việc mỗi đêm được ngồi cùng những anh em họa sĩ mà chuyện trò, đùa giỡn, chế giễu, ca tụng, đọc thơ và nói những lời bóng gió,” tôi thú nhận, nhìn thẳng vào đôi mắt của Kelebek ngu đần, giấu trong dáng vẻ một chàng trai bụ bẫm, có đôi mắt ướt bị giày vò bởi lòng đố kỵ. Thậm chí khi còn là một thợ học việc, tay Kelebek này, mà đôi mắt vẫn dễ thương như đôi mắt một đứa béo là một chàng đẹp trai có nước da tuyệt mỹ, nhạy cảm.

Một lần nữa, khi họ hỏi, tôi mô tả rằng vào ngày thứ hai, khi người kể chuyện, kẻ đang lang thang trong thành phố và vùng lân cận, cầu cho ông ta được yên nghỉ trên Thiên đàng, bắt đầu hành nghề trong quán cà phê, một trong những nhà tiểu họa, có lẽ do ảnh hưởng của cà phê, đã treo một bức tranh lên tường để đùa chơi; người kể chuyện liến thoắng liền chú ý, và như thể để đùa, ông ta bắt đầu một đoạn độc thoại cứ như ông ta là con chó trong tranh, chuyện này gặt hái thành công lớn; từ đó về sau, mỗi đêm ông ta tiếp tục dựa theo các bức tranh do những nhà tiểu họa tài hoa vẽ và kể những câu chuyện dí dỏm mà họ đã thì thầm vào tai ông ta. Do những nhận xét lăng mạ đối với nhà thuyết giáo từ Erzurum lập tức gây phấn khích cho các nghệ sĩ, những kẻ đang khiếp sợ cơn thịnh nộ của nhà thuyết giáo, và lôi kéo thêm nhiều khách đến quán cà phá nên tay chủ quán quê ở Edirne khuyến khích các buổi biểu diễn như thế.

Họ yêu cầu tôi giải thích những bức tranh mà người kể chuyện treo sau lưng ông ta mỗi đêm, những bức tranh họ tìm thấy trong cuộc đột kích ngôi nhà trống của người anh em Zeytin.

Tôi nói rằng không cần phải giải thích bởi vì tay chủ quán, giống như chính Zeytin, là một tên xấu xa man rợ, trộm cắp, ăn xin thuộc phái Kalenderi. Zarif Kính mến chất phác, do khiếp sợ những lời hô hào của Hoja Kính mến, và nhất là những bài thuyết giáo về hình phạt ở địa ngục vào mỗi thứ sáu, hẳn đã than phiền về họ với người Erzurum. Hoặc thậm chí rất có thể là khi Zarif cảnh báo họ dừng trò tinh nghịch của họ lại thì tay chủ quán và Zeytin, cả hai có tính khí giống nhau, đã hiệp lực thủ tiêu một cách man rợ tay thợ mạ vàng bạc mệnh này. Người Erzurum, bị kích động bởi cái chết của Zarif, và có lẽ bởi Zarif đã mô tả cuốn sách của Enishte cho họ, đã cho rằng Enishte chịu trách nhiệm về vụ giết người này và giết ông ta; và, họ hẳn đã đột kích quán cà phê để hoàn tất việc trả thù.

Hai gã Kelebek béo và Siyah trầm trọng (trông cứ như một con ma) này dành bao nhiêu chú ý cho những điều tôi nói trong khi họ lục soát tài sản của tôi, khoái trá moi móc mọi thứ, không bỏ sót một chỗ nào. Khi họ tình cờ thấy đôi giày ống, áo giáp và đồ quân trang của tôi trong một cái rương bằng gỗ óc chó chạm trổ, một vẻ ghen tỵ hiện rõ trên khuôn mặt trẻ con của Kelebek, và tôi tuyên bố một lần nữa điều mà mọi người biết rõ. Tôi là nhà minh họa Hồi giáo đầu tiên tham gia chiến dịch cùng quân đội, là người đầu tiên nghiên cứu cẩn thận và vẽ lại mọi thứ tôi chứng kiến trong nhiều cuốn biên niên sử chiến công – việc bắn đại bác, những ngọn tháp lâu đài của kẻ thù, màu quân phục của binh lính ngoại giáo, tư thế của những xác chết, hàng đống đầu lâu bị cắt lìa dọc hai bờ sông và hiệu lệnh cùng cuộc xung phong của lính kỵ binh mặc giáp!

Khi Kelebek yêu cầu tôi cho anh ta xem cách tôi mặc áo giáp, tôi lập tức và không hề bối rối cởi áo ngoài, áo lót viền lông thỏ đen, quần dài và quần lót của tôi ra. Hài lòng với cách họ nhìn tôi dưới ánh sáng từ bếp lò, tôi mặc vào chiếc áo lót dài sạch, áo ngắn dày bằng vải đỏ mặc bên trong áo giáp khi thời tiết lạnh, vớ len, đôi ủng da màu vàng, ngoài cùng là đôi ghệt. Lấy áo giáp che ngực khỏi thùng đựng, tôi sung sướng mặc nó vào rồi quay lưng về phía Kelebek và, như thể ra lệnh cho một người hầu, bảo anh ta buộc dây của áo giáp thật chặt và sai anh ta gắn giáp che vai.

Khi tôi đeo mảnh giáp bảo vệ cánh tay, găng, bao gươm dệt bằng lông lạc đà và cuối cùng là cái mũ sắt bằng vàng mà tôi đội trong lễ hội, tôi tự hào tuyên bố rằng từ nay trở đi những cảnh đánh nhau sẽ không bao giờ được vẽ như người ta đã vẽ hồi xa xưa nữa. “Người ta không còn chấp nhận việc vẽ kỵ binh của hai đội quân đối nghịch giống hệt nhau bằng cách sử dụng cùng một hình mẫu rồi chỉ lật ngược qua để vẽ kỵ binh quân thù,” tôi nói. “Từ giờ trở đi, nhũng cảnh đánh nhau làm ra trong các xưởng của người Ottoman sẽ được vẽ theo cách tôi đã thấy chúng và đã vẽ chúng: một đám hỗn độn những lính tráng, ngựa, những chiến binh mặc giáp và những thân thể đầy máu!”

Lòng đầy ghen tỵ, Kelebek nói, “Nhà minh họa không vẽ những gì anh ta thấy, mà vẽ những gì Allah thấy.”

” Phải,” tôi nói, “tuy nhiên, đấng Allah Vinh quang chắc chắn thấy mọi thứ như chúng ta thấy.”

“Dĩ nhiên, đấng Allah thấy những gì chúng ta thấy, nhưng Người không nhận thức nó theo cách chúng ta nhận thức,” Kelebek nói như thể mắng nhiếc tôi. “Cảnh chiến trận lộn xộn kia, mà chúng ta nhận thức trong nỗi hoang mang, Người thì hiểu bằng sự toàn năng của Người rằng ấy là hai đội quân đối nghịch đang dàn trận một cách có trật tự.”

Tự nhiên, tôi có phản ứng, tôi muốn nói, “Chúng ta được tùy nghi tin vào đấng Allah và chỉ vẽ những gì Người để lộ cho chúng ta, chứ không phải những gì Người che giấu,” nhưng tôi vẫn im lặng. Và tôi im tiếng không phải vì nếu tôi nói Kelebek sẽ lên án tôi là bắt chước người Âu hoặc vì anh ta không ngớt chích mũi dao găm vào mũ sắt và lưng tôi, làm như để kiểm tra áo giáp của tôi, mà vì tôi tính toán rằng nếu tôi biết kiềm chế và thuyết phục được Siyah cùng tên ngố có đôi mắt đẹp này thì có thể chúng tôi sẽ thoát ra khỏi âm mưu của Zeytin.

Khi biết rằng sẽ không tìm thấy những thứ họ đang tìm ở đây họ nói cho tôi biết họ tìm kiếm cái gì. Đó là một bức tranh mà kẻ giết người tàn nhẫn đó đã mang theo hắn… Tôi nói rằng nhà tôi đã bị lục soát vì chính lý do đó; kết quả là tên sát nhân thông minh đó hầu như chắc chắn đã giấu bức tranh ở nơi không ai có thể tìm ra (tôi đang nghĩ về Zeytin), nhưng họ có lưu ý những lời của tôi không? Siyah giải thích về con ngựa được vẽ với cái mũi bị rạch và rằng thời hạn ba ngày mà Đức vua đã ban cho Thầy Osman sắp hết. Khi tôi hỏi kỹ hơn về ý nghĩa của cái mũi bị rạch, Siyah vừa nói với tôi vừa nhìn thẳng vào mắt tôi rằng, Thầy Osman đã phân tích chúng là một manh mối và đã nối kết chúng với Zeytin, dù thầy nghi ngờ tôi còn nhiều hơn, vì thầy không lạ gì những tham vọng của tôi.

Thoạt tiên, có vẻ họ đến đây gần như với niềm tin rằng tôi là tên sát nhân và muốn tìm chứng cứ cho điều đó, nhưng theo quan điểm của tôi, đây không phải là lý do duy nhất cho cuộc viếng thăm của họ. Họ đến gõ cửa nhà tôi còn vì cô đơn và thất vọng. Khi tôi mở cửa, con dao mà Kelebek chĩa vào tôi run run trên tay anh ta. Không những họ đang khiếp sợ, nghĩ rằng tên sát nhân đê tiện, mà lai lịch của hắn chúng tôi đang cố tìm cho ra, có thể dồn họ vào cảnh tối tăm, sẽ mỉm cười như một người bạn cũ và nhanh chóng cắt cổ họng họ, họ còn mất ngủ vì sợ rằng Thầy Osman có thể bàn bạc cùng Đức vua và Trưởng Ngân khố để giao họ cho bọn tra tấn – ấy là chưa kể đám đông dân Erzurum đang lang thang trên đường phố, vốn cũng làm họ mất tinh thần. Tóm lại họ mong mỏi tình bạn của tôi. Nhưng Thầy Osman đã gieo vào lòng họ một ý niệm ngược lại. Bổn phận lúc này của tôi là thành thật giúp họ thấy rõ Thầy Osman đã sai lầm như thế nào, mà dù sao tận trong thâm tâm họ cũng hy vọng điều đó.

Việc tuyên bố một cách đơn giản rằng bậc thầy vĩ đại sai lầm và đã lú lẫn cầm chắc sẽ khơi dậy sự thù địch ở Kelebek. Vì trong đôi mắt ướt của chàng tiểu họa đẹp trai này, với hai hàng mi chớp chớp giống như bướm, loài côn trùng được dùng làm nghệ danh cho anh ta trong khi anh ta dùng dao găm gõ vào áo giáp của tôi, tôi vẫn có thể đọc thấy ngọn lửa tình yêu yếu ớt dành cho người thầy vĩ đại mà anh ta vốn là học trò cưng.

Hồi tôi còn trẻ, sự gần gũi giữa hai người này, thầy và thợ học việc đã bị những người khác chế giễu đầy ghen tỵ; nhưng bản thân họ không hề quan tâm, họ nhìn vào mắt nhau rất lâu, và vuốt ve nhau trước mặt mọi người; sau đó, Thầy Osman còn tuyên bố một cách sống sượng rằng Kelebek là cây bút lanh lợi nhất và cây cọ tô màu chín chắn nhất. Tuyên bố này – thường rất đúng – trở thành nguồn chơi chữ vô tận giữa các nhà tiểu họa đố kỵ quen dùng bút, cột lọ mực và hộp viết trong những khẩu ngữ ám chỉ thô tục, những so sánh quỷ quái và ẩn dụ tục tĩu. Vì lý do này, tôi không phải là người duy nhất có cảm giác rằng Thầy Osman muốn Kelebek kế tục ông làm trưởng xưởng. Từ lâu, qua cách bậc thầy vĩ đại nói chuyện với người khác về tính khí hung hăng, khó hòa hợp và bướng bỉnh của tôi, tôi đã hiểu đây là những gì ông giấu kín trong lòng, ông ta nghĩ, một cách chính đáng, rằng tôi có xu hướng ngả về các phương pháp châu Âu hơn nhiều so với Zeytin hoặc Kelebek, và không bao giờ có thể chống lại những khao khát mới của Đức vua bằng việc khẳng định rằng, “Những bậc thầy vĩ đại thời xưa không bao giờ vẽ theo cách này.”

Tôi biết mình có thể hợp tác thân thiết với Siyah bởi vì chú rể mới đầy hăm hở của chúng ta hẳn rất muốn hoàn tất cuốn sách của Enishte quá cố, không chỉ để chinh phục trái tim nàng Shekure xinh đẹp và cho nàng thấy rằng anh ta có thể kế nhiệm cha nàng, mà rất có thể còn để lấy lòng Đức vua bằng những biện pháp nhanh nhất mà anh ta có thể nghĩ ra.

Vì thế tôi nêu lên vấn đề này một cách hoàn toàn bất ngờ, bằng cách nói rằng cuốn sách của Enishte là một điều kỳ diệu không gì trên đời này sánh nổi. Khi kiệt tác này được hoàn tất, thuận theo sắc lệnh của Đức vua và ao ước của Enishte Kính mến quá cố cả thế giới sẽ thán phục sức mạnh và sự thịnh vượng của vua Ottoman cũng như tài năng, sự tao nhã và khả năng của chúng ta, những nhà tiểu họa bậc thầy của Ngài. Không những họ sẽ sợ chúng ta, sức mạnh và sự nghiêm khắc của chúng ta, mà họ còn phải bối rối, nhìn cách chúng ta cười và khóc, chúng ta học theo những bậc thầy Tây vực, chúng ta chăm chút những màu sắc tươi sáng nhất và những chi tiết nhỏ nhặt nhất ra sao; và sau cùng, họ sẽ kinh hoàng thừa nhận những điều mà chỉ những vị vua thông minh nhất mới có thể hiểu: rằng chúng ta vừa được đặt trong thế giới của những bức tranh vừa có mặt ở nơi xa rất xa cùng với những bậc thầy xưa.

Kelebek cứ gõ vào tôi liên tục, ban đầu như một đứa trẻ hăm hở xác định xem áo giáp của tôi có phải là đồ thiệt hay không; kế đến, như một người bạn muốn thử nghiệm đồ bền chắc của nó; cuối cùng thì như một kẻ thù đầy ghen tỵ và hết phương cải tạo chỉ muốn làm hại tôi. Sự thực, anh ta hiểu rằng tôi tài năng hơn anh ta; và còn tệ hại hơn, có lẽ anh ta đã nhận ra rằng Thầy Osman cũng biết điều này. Với tài năng Thượng đế ban cho, Kelebek là một thợ cả tuyệt vời, và lòng ghen tỵ của anh ta khiến tôi càng tự hào hơn: Không như anh ta, tôi trở thành bậc thầy nhờ sức mạnh trong “cây bút sậy” của chính mình, chứ không phải nhờ việc nắm giữ cây bút sậy của thầy tôi, và tôi cảm thấy mình có thể buộc anh ta thừa nhận sự vượt trội của tôi.

Cao giọng, tôi giải thích, thật đáng thương làm sao khi có những người muốn phá hoại cuốn sách kỳ diệu của Đức vua và Enishte quá cố. Thầy Osman giống một người cha đối với tất cả chúng tôi; ông là bề trên của mọi người; chúng tôi học được mọi thứ ở thầy! Tuy nhiên, sau khi lần theo những manh mối trong Quốc khố của Đức vua, vì một số lý do nào đó chưa rõ, Thầy Osman cố che đậy việc ông nhận ra Zeytin chính là tên sát nhân ti tiện. Tôi nói tôi tin chắc rằng Zeytin, người chúng tôi không tìm thấy ở nhà, đang trốn trong nhà nguyện khổ xu Kalenderi bỏ hoang gần Cổng Phanar. Nhà nguyện này bị đóng cửa dưới thời ông nội của Đức vua, không phải vì nó là hang ổ của bọn suy đồi và vô đạo đức mà do hậu quả của những cuộc chiến tranh vô tận với Ba Tư, và, tôi nói thênh thậm chí có lần Zeytin khoe khoang rằng anh ta đang giữ nhiệm vụ canh gác nhà nguyện bị cấm này. Nếu họ không tin tôi, nghi ngờ có âm mưu gì đó sau lời lẽ của tôi thì dao găm vẫn trong tay họ, họ có thể thoải mái trừng phạt tôi ngay lúc đó.

Kelebek thọc dao găm hai cú thật mạnh đến độ hầu như không chiếc áo giáp nào chịu nổi. Anh ta quay sang Siyah, người tin những điều tôi nói, hét vào anh ta như một đứa trẻ. Tôi lẻn ra phía sau, vòng cánh tay mặc áo giáp quanh cổ Kelebek và lôi anh ta sát vào tôi. Còn tay kia tôi bẻ ngoặt cánh tay anh ta ra sau làm con dao rơi xuống. Chúng tôi không vật lộn, cũng không giỡn với nhau. Tôi kể lại một cảnh tương tự ít được biết đến trong cuốn Shahnameh.

“Vào ngày thứ ba của cuộc chạm trán giữa quân đội Ba Tư và Turania trang bị đầy đủ áo giáp và vũ khí và dàn trận tại chân núi Hamaran, người Turania phái Shengil xảo trá vào chiến trường để tìm hiểu lai lịch của một người Ba Tư bí ẩn, kẻ mà trong hai ngày trước đó mỗi ngày đã giết một chiến binh Turania vĩ đại,” tôi bắt đầu nói. “Shengil thách thức người chiến binh bí ẩn đó, và anh ta nhận lời. Các đạo quân, áo giáp lấp lánh trong nắng chiều, hồi hộp theo dõi. Hai con ngựa vận giáp sắt của hai chiến binh lao vào nhau với tốc độ khiến cho những tia lửa xẹt ra từ cú va chạm của kim loại làm cháy xem da chúng đến bốc khói. Đây là một cuộc tỉ thí kéo dài. Người Turania bắn tên, người Ba Tư điều khiển gươm và ngựa rất tài tình; và cuối cùng người Ba Tư bí ẩn đánh ngã người Turania sau khi chộp đuôi con ngựa của anh ta. Sau đó anh ta đuổi theo Shengil đang cố đào thoát và chộp áo giáp anh ta từ phía sau trước khi nắm lấy cổ. Sau khi thừa nhận thất bại, người Turania, vẫn lò mò về lai lịch của người chiến binh bí ẩn, đã hỏi một cách vô vọng về điều mọi người bấy lâu nay thắc mắc, â��Anh là ai?’. â��Với anh’, người chiến binh bí ẩn đáp â��Tên tôi là Thần chết.’ Vậy hãy nói cho tôi biết, các bạn của tôi: ông ta là ai?”

“Rustem huyền thoại,” Kelebek nói với vẻ vui sướng trẻ con.

Tôi hôn lên cổ anh ta. “Tất cả chúng ta đều đã phản bội Thầy Osman,” tôi nói. “Trước khi ông ta đưa ra đòn trừng phạt, chúng ta phải tìm ra Zeytin, loại bỏ thứ nọc độc đó đang nằm giữa chúng ta và đi đến một thỏa thuận để chúng ta có thể đứng vững vàng chống lại những kẻ thù muôn thuở của nghệ thuật và những người mong muốn đưa chúng ta thẳng đến những hầm ngục tra tấn. Có lẽ khi đến nhà nguyện khổ tu hoang phế của Zeytin, chúng ta sẽ biết rằng tên sát nhân tàn bạo này thậm chí không phải là một người trong số chúng ta.”

Kelebek tội nghiệp không thốt ra một lời nào. Cho dù anh ta tài ba, tự tin và được ủng hộ tốt đến thế nào, nhưng giống như mọi nhà tiểu họa thích kết bầu kết bạn với nhau bất chấp sự ghen tỵ và ghê tởm lẫn nhau, anh ta sợ phát khiếp việc bị bỏ lại một mình trên cõi đời này và phải xuống Địa ngục.

Trên đường đến Cổng Phanar có một ánh sáng vàng xanh thần bí trên đầu chúng tôi, nhưng đó không phải là ánh trăng. Trong ánh sáng này, vẻ ngoài về đêm trung thực, cũ xưa của Istanbul bao gồm những cây bách, những mái vòm xám xịt, những bức tường đá, những ngôi nhà gỗ và những vùng đất bị hỏa hoạn tàn phá bất ngờ trở nên xa lạ, như thể do một pháo đài của kẻ thù gây ra. Khi leo lên ngọn đồi, từ xa chúng tôi thấy lửa cháy đâu đó ở phía sau Thánh đường Bayazid.

Trong bóng tối dày đặc, chúng tôi gặp một chiếc xe bò chở lưng lửng những bao bột đi về phía tường thành. Trả hai đồng bạc, chúng tôi được cho quá giang. Siyah mang theo những bức tranh, anh ta ngồi xuống một cách cẩn thận. Khi tôi nằm nhìn những đám khói thấp bay lên từ đám cháy, hai giọt mưa rơi trên mũ sắt của tôi.

Sau một chuyến hành trình dài, trong khi tìm kiếm ngôi nhà nguyện khổ tu hoang phế, chúng tôi đã đánh thức mọi con chó trong khu xóm mà vào lúc nửa đêm thế này trông như bị bỏ hoang. Dù chúng tôi thấy đèn đuốc vẫn đang được thắp trong mấy ngôi nhà xây bằng đá như đáp lại tiếng ồn ào của chúng tôi, nhưng gõ cửa đến ngôi nhà thứ tư thì mới có người mở cửa cho chúng tôi, và một người đàn ông đội mũ trùm đầu há hốc nhìn chúng tôi qua ánh đèn như thể chúng tôi là những người chết đội mồ, chỉ đường cho chúng tôi đến ngôi nhà khổ tu hoang phế mà thậm chí không thèm thò mũi ra ngoài trời mưa đang rơi nhanh, và vui vẻ nói thêm rằng khi đến đó chúng tôi cũng không yên ổn được với những âm hồn ma quỷ đâu.

Trong khu vườn của ngôi nhà hoang phế này chúng tôi được chào đón bằng sự yên tĩnh của những cây bách uy nghiêm dửng dưng trước cơn mưa và mùi hôi thôi của lá cây mục rữa. Tôi dán mắt vào một khe hở giữa những tấm ván đóng vách của ngôi nhà hoang, và nhìn qua lớp rèm của một cửa sổ nhỏ, ở đó, dưới ánh đèn dầu, tôi thấy bóng một người đang cầu nguyện hoặc có lẽ đang giả vờ cầu nguyện, vì biết chúng tôi đến.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN