Thạch Kiếm - Chương 1: Tiếng chuông
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
215


Thạch Kiếm


Chương 1: Tiếng chuông


Thạch Kinh Tử nằm giữa những xác
chết. Xác nhiều lắm, có đến hàng ngàn chứ không ít. Hắn thấy thế giới
xung quanh hắn đảo lộn, quay cuồng, dường như điên khùng hết cả. Kiếp
người thật quá mong manh, chẳng khác gì chiếc lá thu, mặc cho gió đưa
đẩy.

Cũng như những xác chết bất động nằm kia, Thạch Kinh Tử phó mặc mưa nắng hành hạ. Chưa bao giờ hắn thấy yếu đến thế. Hắn tự hỏi không biết đã
nằm đây từ bao giờ, thử cất đầu lên nhưng cố lắm cũng chỉ khỏi mặt đất
được chừng non tấc.

Ruồi bay vo ve trên đầu. Thạch Kinh Tử định đưa tay xua nhưng không đủ
sức. Tay hắn cứng đơ, chỉ vài ngón là còn cử động. “Có lẽ mình nằm đây
khá lâu rồi. Chẳng biết bị thương ở những chỗ nào”, hắn thầm nghĩ.

Mây đen từng đám, thấp và nặng những đe dọa đuổi nhau trên bầu trời u
ám. Đêm trước, có trận mưa lớn đổ như trút lên đồng cỏ Sekigahara này,
bây giờ tuy quá ngọ nhưng thỉnh thoảng vẫn còn những giọt mưa lớn lộp
bộp rơi lên chiếc áo vải thô bết bùn và máu hắn đang mặc.

Cổ họng Thạch Kinh Tử khô rang. Mỗi lần thấy nước mưa rơi lên mặt, Thạch Kinh Tử há miệng hớp hớp những giọt mưa như con cá mắc cạn ngáp tìm
dưỡng khí. Hắn khoan khoái uống những giọt nước ngọt lịm, tưởng mình là
kẻ hấp hối đang được thân nhân thấm nước lên môi.

Đầu Thạch Kinh Tử nặng trĩu. Ý tưởng hắn mơ hồ, nhưng Thạch Kinh Tử cũng biết được phe hắn đã thua. Vào phút chót, Cổ Xích Anh bí mật phản chủ,
trở cờ thành ra cánh quân của hắn bị đánh tập hậu. Trận chiến kết thúc
mau chóng. Tôn Điền Tùng Cương, một sứ quân nổi tiếng mưu lược và thế
lực nhất vùng Edo, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ trở thành sứ quân đầu
lĩnh.

Hình ảnh chị hắn và dân làng Miyamoto, một ngôi làng nhỏ miền sơn cước,
nơi hắn sinh trưởng, hiện ra bềnh bồng trong sương khói. “Có lẽ ta sắp
chết”, Thạch Kinh Tử tự nhủ. “Thì ra chết như thế này đây”. Nhưng Thạch
Kinh Tử chẳng mảy may buồn rầu hay sợ hãi. Hắn chỉ thấy yên bình, có cảm giác như đang bị lôi cuốn vào một cõi mông lung nào đó như đứa trẻ bị
mê hoặc khi nhìn ngọn lửa bập bùng cháy.

– Thạch Kinh Tử !

Tiếng gọi thình lình khiến Thạch Kinh Tử sực tỉnh. Hình ảnh dân làng và
chị hắn nhạt nhòa, biến mất. Như vừa từ cõi âm trở về, hắn nghe âm thanh quen thuộc lắm nhưng không rõ là ai.

– Thạch Kinh Tử ! Mày còn sống chứ ?

Nỗi vui mừng bỗng tràn ngập, Thạch Kinh Tử dường như vừa được tiếp thêm
sinh lực; vì giọng ấy chính là giọng Mãn Hà Chí, bạn chí thân cùng dự
trận Sekigahara với hắn.

– Mãn … Mãn Hà Chí hả ?

– Ừ ! Thì ra ngươi cũng chưa chết !

Thạch Kinh Tử muốn hét thật to và cười thật lớn để tỏ nỗi vui mừng. Hắn
không chết ! Mà bạn hắn cũng không chết ! Thật không gì sung sướng cho
bằng, nhưng tiếng cười của hắn khàn khàn, vướng trong cổ họng, không ai
rõ là hắn cười hay hắn khóc.

Thạch Kinh Tử nghiêng đầu về phía Mãn Hà Chí, thấy bạn đang bò lại gần.
Hắn đưa tay ra nắm tay bạn. Qườ quạng mãi mới nắm được một ngón. Cử chỉ
này khiến hai đứa nhớ đến lúc còn nhỏ chơi với nhau thường ngoắc tay như thế mỗi khi có điều gì giao kết. Bất giác, trên bộ mặt nhem nhuốc bùn
đất của chúng, phát một nụ cười thỏa mãn.

– Có lẽ chỉ hai đứa mình sống sót.

– Có lẽ thế. Nhưng đừng mừng vội. Tao yếu quá.

Thạch Kinh Tử:

– Tao cũng thế. Nhưng không sao. Mình sẽ dìu nhau ra khỏi bãi này mới hy vọng.

Câu nói của hắn bị đứt quãng vì có tiếng đất chuyển lục ục như nước sôi.

– Nằm xuống ! Nằm xuống ! Chúng trở lại !

Một đoàn người ngựa đen ngòm phóng tới. Mãn Hà Chí kinh hãi định bò vào bụi trốn. Thạch Kinh Tử giữ tay gã lại.

– Chớ động đậy ! Giả chết đi. Đừng để chúng nghi mình còn sống. Nguy lắm !

Đoàn ngựa chiến to lớn rần rần qua mặt hai kẻ bại trận. Hàng trăm cặp
móng sắt sắc như dao bổ lên đám thây người rải rác khắp nơi. Hết đợt này đến đợt khác, toán kỵ binh phóng ào ào, bụi đất văng tứ tung, binh khí
chạm vào giáp sắt nghe rổn rảng.

Mãn Hà Chí dán mặt xuống cỏ, mắt nhắm nghiền, nhưng Thạch Kinh Tử vẫn mở mắt thao láo nhìn đoàn chiến mã chạy qua, gần đến nỗi hắn ngửi thấy cả
mùi mồ hôi ngựa.

Đoàn quân đi đã xa, hai đứa vẫn còn nằm yên chưa hết sợ. Lúc sau, đứa nọ đưa mắt nhìn đứa kia, không tin ở sự may mắn phi thường chúng vừa được
hưởng. Thật là kỳ diệu:

chúng không bị phát giác !

– Lại thoát lần nữa !

Mãn Hà Chí và Thạch Kinh Tử nắm chặt tay nhau, nụ cười vui mừng nở trên
cặp môi tím còn run rẩy vì xúc động. Giọng Mãn Hà Chí nghẹn ngào:

– Chắc có quý nhân phù hộ !

Trên cao, mây vần vũ. Bãi chiến trường vào một buổi chiều ảm đạm, thê
lương vô hạn. Hai kẻ chiến bại dìu nhau đứng dậy giữa những tiếng quạ
kêu, rẽ cỏ hướng về phía đồi xa chậm chạp bước. Thạch Kinh Tử hy vọng
khu rừng rậm hắn trông thấy trước mặt có thể tạm dùng làm nơi ẩn náu.
Đến chiều, tới được khu rừng, đói và mệt rã rời, cả hai nằm lăn ra ngủ,
chẳng nghĩ gì đến mà cũng không còn sức để đi tìm thức ăn và nước uống
nữa.

Hai ngày liền lang thang trong khe núi Ibuki, Mãn Hà Chí và Thạch Kinh
Tử đào rễ cây rừng và nhặt hạt dẻ sống để ăn. Sức khỏe của họ đã hồi
phục được đôi chút, các vết thương cũng bắt đầu lành nhưng Mãn Hà Chí bị đau bụng. Thức ăn dường như không giữ được lâu trong cơ thể hắn. Mỗi
khi đau hắn gập đôi người lại, mặt mày xanh mét.

Trong hai đứa, Thạch Kinh Tử bây giờ lại là đứa khỏe nhất.

Trận mưa vừa rồi là trận mưa cuối mùa. Mãn Hà Chí và Thạch Kinh Tử ngày
nghỉ đêm đi, tránh sự ruồng xét của quan quân tuần tiễu. Họ biết đi trốn vào những đêm trăng sáng như đêm nay rất nguy hiểm vì dễ bị phát giác,
nhưng họ cứ liều, Cả hai đều thèm cơm hoặc một thứ gì đã được nấu chín,
mà Mãn Hà Chí lại đau bụng quá, nếu không có thuốc chữa, sẽ bỏ mạng
trong rừng. Cho nên lần theo dòng suối, chúng đi về phương nam, đến một
nơi mà theo trí nhớ của Thạch Kinh Tử, có thể là thị trấn Tarui. Mãn Hà
Chí xem chừng khó mà đi được xa vì cứ vài chục bước lại phải vào trong
bụi. Dù đã dùng một cành cây khô làm gậy chống, mỗi bước hắn đi là một
bước cực nhọc. Thạch Kinh Tử phải kiên nhẫn đỡ lưng gã, miệng luôn luôn
khích lệ:

– Cố lên mày ! Cố lên ! Nằm lại là chết.

Những lúc tạm nghỉ, Mãn Hà Chí luôn mồm kêu khổ, than vãn đủ điều.

– Hay để tao ngồi đây, mày đi đi. Tại tao làm mày chậm trễ.

Lúc đầu, Thạch Kinh Tử còn gạt đi, sau phát cáu:

– Thôi ! Đáng lẽ tao phải xin lỗi mày mới phải, vì chính tao đã kéo mày
vào hoàn cảnh này mà ! Mày nhớ không ? Tao đã kể mày nghe ý tao muốn làm một cái gì để ba tao phải nể, đừng nhiếc tao là đồ vô dụng nữa. Đâu
phải lỗi tại mày !

Quả vậy, cha Thạch Kinh Tử, ông Mưu Ni Sai, trước đây là bộ thuộc của sứ quân Sĩ Miên ở Iga. Cha hắn là kiếm khách, tất nhiên hắn cũng phải là
kiếm khách. Hắn nóng lòng muốn tỏ can trường, chặt đầu tướng địch, danh
vang làng xóm để chứng tỏ hắn là người đáng được kính nể chứ không phải
vô dụng như cha hắn vẫn nhiếc móc, nên khi nghe tin có chiêu binh mãi
mã, Thạch Kinh Tử thấy thời cơ đã đến, rủ Mãn Hà Chí đăng lính ngay.

Thạch Kinh Tử nhắc lại tất cả những chuyện ấy cho bạn nghe.

– Ừ, tao biết, tao biết ! …

– Lại còn bà cụ đẻ ra mày nữa, rêu rao khắp nơi tao là thằng vô tích sự, thành ra …

– Ừ ừ … mẹ tao tính vẫn thế.

– Tao muốn mày theo tao vì làm việc gì, tao với mày cũng đều có nhau.
Mày nhớ không, chị tao chẳng muốn tao đi, mà phần mày vợ chưa cưới của
mày cũng vậy. Họ bảo trai làng phải sống ở làng …

Ngừng một lát, hắn mỉm cười:

– Có lẽ họ nói đúng. Hơn nữa tao với mày con một, chết đi ai nối dõi. Nhưng thây kệ, sống như vậy thật không đáng sống.

Mãn Hà Chí và Thạch Kinh Tử yên lặng ngồi nhìn trời. Chúng nghĩ đến lúc
trốn khỏi làng, non năm trước, tin chắc sẽ được công thành danh toại.
Nhưng đến trại của sứ quân Sĩ Miên, cả hai chưng hửng trước sự thật phũ
phàng. Họ cho biết, mặc dù ông Mưu Si Nai có làm gì đi nữa chúng cũng
không thể tức thì là kiếm khách. Phải tập luyện, phải xông pha trận mạc
đã. Bây giờ chúng chỉ được coi như những nông dân thô lậu chẳng khác gì
những thiếu niên mới tập vài đường giáo mác. May lắm là cho làm lính
trơn. Trách nhiệm, nếu được gọi là trách nhiệm, chỉ là khuân vác binh
khí, gạo muối và đồ làm bếp, cắt cỏ, đắp đường, đôi khi theo chân người
khác đi do thám chút đỉnh.

– Kiếm khách ? Chém đầu tướng địch ? Thạch Kinh Tử cười hềnh hệch. Có
bao giờ tao được đến gần một kiếm khách đâu mà hòng chém tướng ? Nhưng
thôi, chuyện đã lỡ rồi, giờ làm gì đây ? Tao không thể bỏ mày ở đây được vì còn mặt mũi nào trông thấy bà cụ và Oa Tử, vợ chưa cưới của mày nữa ?

Mãn Hà Chí gật đầu:

– Chung qui cũng tại thằng Cổ Xích Anh phản chủ mà mình nên nông nỗi
này. Tội nó thật đáng giết. Thạch Kinh Tử, giúp tao đứng dậy chút. Mày
có chắc con suối này chảy đến Arui không ?

Thạch Kinh Tử không đáp. Thật ra, trong bụng hắn cũng không tin tưởng
gì. Đi một lúc lâu, có lẽ đêm đã khuya lắm, Thạch Kinh Tử và Mãn Hà Chí
mới đến ven một cánh đồng nhỏ, lác đác nhiều đám cỏ gai và ở ven suối
những đám sậy tả tơi như sau một cơn bão.

Không một căn nhà. Không một ánh lửa. Dưới trăng chỉ thấy ngổn ngang
thây người, lúc chết thế nào giờ vấn nguyên thế. Có xác đầu khuất trong
đám cỏ cao, có xác nằm vắt vẻo trên cành cây thấp, nửa thây trên bờ, nửa thây dưới suối. Có xác còn trên yên ngựa, người vật lẫn lộn với nhau,
chẳng ra hình thù gì.

Nước mưa đã rửa sạch hết vết máu. Dưới ánh trăng, những thớ thịt chết lộ ra, trắng bợt tựa vẩy cá.

Xung quanh hai đứa, trong đêm thu tiếng dế kêu ri rỉ, đều đều buồn bã.
Mãn Hà Chí bỗng thấy nước mắt đầy tròng, tràn xuống hai gò má bẩn thỉu.
Nó thở dài, cái thở dài sầu thảm của một người ốm nặng không tin mình có thể qua khỏi.

– Thạch Kinh Tử ! Tao chết đi mày có săn sóc Oa Tử hộ tao được không ?

– Mày nói nhảm gì vậy ?

– Hình như tao sắp chết.

Thạch Kinh Tử bực mình:

– Ừ thì chết. Mày nghĩ vậy thì mày sẽ chết !

Thạch Kinh Tử giận lắm. Hắn mong bạn có đôi chút nghị lực về tinh thần để hai đứa dựa lẫn nhau. Không ngờ thằng này hèn yếu quá.

– Thôi đừng than nữa mày !

Tuy nói dỗ và mắng bạn như thế, nhưng hắn vẫn thương thằng bạn gặp cảnh không may.

– Mẹ tao còn có người chăm sóc, chứ Oa Tử mồ côi, chẳng có ai. Lúc nào
nó cũng cô đơn. Thạch Kinh Tử ! Nếu tao chết, mày hứa săn sóc nó hộ tao !

– Yên tâm ! Tiêu chảy sao chết được. Sớm muộn gì mình cũng tìm được chỗ
nằm nghỉ và uống thuốc. Rồi khỏi. Đừng than mà cũng đừng nói chuyện chết nữa.

Xa hơn một chút, chúng thấy một chỗ xác người nằm chất đống. Hai đứa bây giờ đã quen với ruột gan người chết sổ lòng thòng nên đứng nhìn cảnh đó chẳng xúc động gì. Chúng đến bên gốc cây ngồi nghỉ.

Thình lình, giữa đám tử thi có tiếng động. Thạch Kinh Tử giật mình thụp
xuống theo bản năng tự vệ, mắt mở banh, mọi giác quan căng thẳng tột độ. Một bóng đen giữa những thây ma nhảy vụt ra, bất ngờ như con thỏ bị
người bắt gặp rồi lại lẳng lặng ngồi lẩn vào trong đám xác chết. Tưởng
gặp tay kiếm khách nguy hiểm, Thạch Kinh Tử và Mãn Hà Chí sẵn sàng chấp
nhận một cuộc giao đấu một còn một mất, nhưng cả hai ngạc nhiên hết sức
khi bò đên gần, thấy đó là một thiếu nữ. Nàng trạc mười lăm, mười sáu,
mặc áo rộng tay, chiếc obi (thắt lưng to bản) quấn quanh ngườ i chạy chỉ vàng lóng lánh tuy đã sờn cũ. Dưới ánh trăng vằng vặc, giữa đám tử thi, cảnh đó thật là kỳ dị.

Nàng ngồi đó, giương đôi mắt đen láy nhìn Thạch Kinh Tử và Mãn Hà Chí, vừa tinh quái vừa nghi kỵ.

Cả hai tự hỏi:

“Chẳng biết một người con gái, nửa đêm làm gì ở cái bãi hoang đầy tử khí và ma quỷ này ?”. Nhưng chúng không nói, chỉ giương mắt tò mò nhìn lại
thiếu nữ.

Sau cùng, Thạch Kinh Tử lên tiếng:

– Cô là ai ? Làm gì ở đây ?

Không đáp, thiếu nữ vùng bỏ chạy.

– Cô kia, đứng lại ?

Nhưng thiếu nữ đã vụt ra xa, chạy chữ chi, tránh dẫm lên những xác chết. Áo trắng của nàng loang loáng dưới ánh trăng. Có tiếng chuông lanh canh vọng lại rồi cũng xa dần, kỳ bí chìm dần vào bóng đêm sâu thẳm cùng
những bụi gai dày ở xa.

Sương xuống mờ mờ. Thạch Kinh Tử nhìn sương, nói khẽ:

– Người hay ma ?

Mãn Hà Chí run nhong nhóc, cười gượng:

– Nếu là ma, chắc là ma lính.

– Bỏ đi mày ! Sợ hả ? Nó chạy đằng này chắc là phải có làng mạc quanh đây. Biết đâu nó chẳng chỉ đường cho mình ?

Quên cả nghỉ, cả hai tiếp tục hành trình, leo lên ngọn đồi gần nhất. Dốc đồi bên kia là bãi lầy chạy đến chân núi Fuwa. Xa xa, khoảng chừng nửa
dặm, một đốm lửa leo lét.

Thạch Kinh Tử và Mãn Hà Chí cho đó là một căn lều. Dù sao cũng tốt, một
căn lều tránh mưa nắng, tạm dưỡng bệnh còn hơn không. Đến gần thì ra là
một trang trại, xung quanh có lớp tường đất dầy bao bọc. Cổng vào, trước kia chắc rất lớn, nhưng nay đã đổ nát. Tất cả ẩn dưới những tàng cây
rậm rạp và lau cao hơn đầu người, mang một vẻ hoang phế khó tả. Thạch
Kinh Tử đến trước trại, đập cửa:

– Có ai trong nhà không ?

Không nghe trả lời, hắn lại đập cửa lần nữa.

– Xin lỗi làm rộn quý trại vào giờ này. Bạn tôi đau nặng. Chúng tôi thật chẳng muốn phiền, chỉ xin nghỉ chân đôi chút.

Trong nhà có tiếng thì thào rồi một giọng con gái vọng ra:

– Các chú là tàn quân trận Sekigahara phải không ?

– Dạ phải. Chúng tôi là quân dưới trướng sứ quân Sĩ Miên ở Iga.

– Đi đi ! Quan quân đang ruồng bắt những lính bỏ ngũ. Nếu họ thấy các chú ở đây thì phiền lắm !

– Xin thứ lỗi vì chúng tôi đi đã nhiều rồi. Bọn tôi cần được nghỉ đôi chút.

– Không ! Đi ngay đi !

– Vậy xin cô cho ít thuốc đau bụng. Bạn tôi đau bụng lắm, không đi nổi nữa.

– Trời ơi ! Các chú lằng nhằng quá … Sau câu nói, có tiếng chân bước và tiếng chuông ngân nhè nhẹ đi về phía nhà trong.

Ngay lúc ấy, cả hai đều nhìn thấy khuôn mặt. Một khuôn mặt trắng của đàn bà đang chăm chú quan sát chúng qua cửa sổ bên hông.

– A Kế Mỹ ! Người đàn bà lên tiếng. Cho họ vào. Lính trơn đấy mà, có gì mà sợ.

Tụi kia hơi đâu mất thì giờ với họ.

Lúc sau A Kế Mỹ ra mở cửa. Người đàn bà tự giới thiệu mình là Ôkô. Nghe
chuyện xong, bà bằng lòng để cả hai tá túc trong nhà và ngụ Ở kho chứa
củi.

Bà cho Mãn Hà Chí uống bột than tử dương để trị chứng tiêu chảy và nấu cho ăn cháo loãng với hành lá.

Mấy ngày sau đó, Mãn Hà Chí ngủ li bì. Thạch Kinh Tử vừa săn sóc bạn vừa tự lấy rượu trị những vết thương ở đùi. Một tuần qua đi, hai đứa ngồi
dậy chuyện gẫu được.

– Chắc bà ấy phải làm nghề gì chứ !

– Chẳng biết nghề gì, nhưng giúp mình thế này là quý rồi !

Nhưng Mãn Hà Chí tò mò bứt rứt không yên.

– Bà mẹ còn trẻ. Hai mẹ con như vậy sống cô độc trên núi, thực là kỳ ! Hà, mà mày thấy cô con giống Oa Tử không ?

– Có vài điểm hao hao, nhưng tao không thấy giống. Mỗi người một vẻ. Lần đầu tiên thấy nàng, mày nghĩ cô ta đang làm gì ở bãi hoang cạnh những
xác chết đó ? Cô ta có vẻ không bối rối, lúc nào mặt cũng thanh thản như một con búp bê bằng sứ vậy.

Cảnh đó tao thấy còn như hiện ra trước mắt.

Bỗng Mãn Hà Chí khẽ suỵt, bảo im:

– Nghe có tiếng chuông ngân. Chắc nàng tới.

Tiếng gõ cửa cạch cạch như tiếng mỏ chim gõ thân cây.

– Mãn Hà Chí ! Thạch Kinh Tử !

– Ai đó ?

– Tôi, A Kế Mỹ.

Thạch Kinh Tử đứng dậy kéo then gài. Nàng bước vào, tay bưng cái khay đựng thức ăn và thuốc, rồi hỏi thăm sức khỏe cả hai.

– Cảm ơn cô. Nhờ ơn bà và cô, chúng tôi khá hơn trước.

– Mẹ tôi bảo nếu các chú đã đỡ thì chớ ra ngoài mà cũng đừng nói lớn.

– Chúng tôi thật áy náy đã phiền bà và cô … – Không sao, nhưng các chú
phải để ý, Tôn gia cho quan quân tuần tiểu ngặt lắm, vì chưa bắt được
Mịch Nã Lý. Ai chứa tàn quân của Sĩ Miên cũng bị liên lụy.

– Thật hả ?

– Vì vậy mẹ tôi bảo dù các chú là lính trơn, quan quân bắt gặp, chúng tôi cũng bị tội.

– Dạ, chúng tôi hứa sẽ theo lời bà và cô. Tôi đã có khăn sẵn để bịt mồm Mãn Hà Chí, phòng khi hắn ngáy lớn.

A Kế Mỹ mỉm cười quay ra:

– Thôi, các chú ngủ ngon. Mai tôi lại đến.

– Thưa cô. Thạch Kinh Tử chạy theo. Sao cô không lưu lại chuyện vãn chút nữa ?

– Không được đâu.

– Sao vậy ?

– Mẹ tôi không cho phép.

– Cần gì ! Cô bao nhiêu tuổi ?

– Mười sáu.

– Có hơi nhỏ người phải không cô ?

– Cảm ơn chú cho biết.

– Cha cô đâu ?

– Cha tôi mất rồi.

– Chết, xin lỗi. Vậy bà và cô sống bằng gì ?

– Chúng tôi chế ngải cứu.

– Thứ thuốc vẫn dùng để trên da rồi đốt xông khói trị bệnh ấy hả ?

– Phải rồi. Ngải cứu vùng Ibuki này nổi tiếng. Mùa xuân chúng tôi lên
núi hái thuốc, đến hè thì phơi, thu đông chế thành ngải đem đi Tarui
bán. Khách thập phương mua đông lắm.

– Làm chuyên đó, cô cần đàn ông giúp không ?

A Kế Mỹ nguýt Mãn Hà Chí:

– Nếu chú chỉ muốn biết chuyện ấy thì tôi đi đây.

– Xin cô lưu lại chút nữa, tôi có câu này muốn hỏi.

– Gì vậy ?

– Đêm trước, cái đêm chúng tôi đến xin ngủ nhờ nhà cô đó, tôi có gặp một cô gái ở bãi hoang cạnh các xác chết, giống cô như hệt. Phải cô không ?

A Kế Mỹ quay phắt ra, mở cửa.

– … Cô làm gì ở đó ?

Nàng đóng sập cửa lại và khi nàng chạy lên nhà, Thạch Kinh Tử và Mãn Hà
Chí còn nghe vọng lại tiếng chuông ngân lanh tanh, theo một nhịp khác
thường và kỳ dị.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN