Thạch Kiếm - Chương 11: Mãnh hỗ quần hồ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
142


Thạch Kiếm


Chương 11: Mãnh hỗ quần hồ


Thật là một mối nhục lớn. Trong lịch sử lập phái, Hoa Sơn chưa bao giờ phải chịu một sự thất bại nặng nề đến thế !

Hai bên hành lang võ đường, võ sinh ngồi bất động, mặt cúi gầm, bàn tay
nắm chặt để lên đùi, đốt ngón tay nhợt nhạt chứng tỏ sự tức giận đến
cùng cực. Trong phòng kế cận, một số huynh đệ họp bàn, tiếng tranh luận
qua khe cửa lọt ra ngoài nghe không rõ, nhưng âm thanh đầy căm phẫn.

Trời đã xế chiều. Giờ này, thường ngày họ ngưng luyện tập, chuẩn bị đi
uống rượu hay mua vui ngoài phố, nhưng hôm nay chẳng ai nghĩ đến chuyện
ấy. Không khí yên lặng, nặng nề; thỉnh thoảng một tiếng kẹt cửa càng làm tăng vẻ thê lương của gian đại sảnh rộng lớn.

– Đại ca đã về đấy hả ?

– Không, chưa thấy gì cả.

Mẩu đối thoại của người trong phòng với võ sinh đứng đợi ở cửa sổ suốt
buổi chiều, vang dội qua dãy hành lang. Mọi người ngẩng nhìn ra ngoài,
nhưng rồi lại cúi mặt xuống, không giấu được thất vọng. Vài tiếng nói
nhỏ từ trong phòng lọt ra nghe loáng thoáng:

– Có lẽ đại ca không ở đó đâu. Người đã đi tìm những chỗ khác chưa ?

– Dạ chưa, nhưng đã sai người đi khắp các trà thất. Vẫn không được tin tức gì.

Trên bàn thờ chưởng môn tiền bối, nến cháy leo lét. Mọi người không ai
ngăn được những ý tưởng chua chát cho rằng anh em Sĩ Khánh thật bất xứng với tổ phụ. Lúc sinh thời, Khổ Bích không bao giờ vắng mặt ở võ đường
quá một ngày, chứ đừng nói để bị sỉ nhục như vậy.

Hoa Sơn Khổ Bích xuất thân từ một gia đình bình dân làm nghề thợ nhuộm.
Lúc còn trẻ, vì hàng ngày phải làm những động tác nhịp nhàng trong nghề
nhuộm lụa như giặt, vắt, phơi, xếp, ông nảy ra ý nghĩ khi học võ, đem áp dụng những động tác ấy vào việc luyện kiếm. Khổ Bích thụ huấn kiếm pháp của một danh tăng ở Kyoto, về sau tự trau dồi, tôi luyện mãi thành kiếm pháp biến ảo khôn lường. Nhiều chiêu thức đặc biệt do ông phát minh đã
khiến kiếm kỹ của ông trở thành độc đáo. Ông nổi tiếng đương thời và
nghiễm nhiên giữ một địa vị cao trong trong chốn giang hồ, trở thành
giảng sư về kiếm thuật cho một số lãnh chúa, và sau đó sáng lập ra phái
Hoa Sơn, thu dụng đồ đệ.

Suốt đời, Hoa Sơn Khổ Bích đã tỏ ra là một kiếm sĩ gan dạ và tài trí.
Hai con trai ông, Sĩ Khánh và Điền Chính, cũng được khổ luyện ngay từ
khi còn nhỏ, nhưng sau thời kỳ nghiêm phụ mất, tinh thần và kiếm thuật
của họ dần dần sa sút. Có người bảo có lẽ vì họ đã được hưởng một gia
tài và một danh vọng quá lớn.

Ai cũng gọi Sĩ Khánh là đại ca hay Hoa Sơn chưởng môn, nhưng so về kiếm
kỹ và đức độ, hắn còn xa mới được như thân phụ. Vì vậy số môn đệ không
được đông đảo như trước. Người ta nhập môn Hoa Sơn chỉ vì háo danh, bởi
làm đồ đệ Hoa Sơn cũng đủ bảo đảm một chỗ đứng khiến giang hồ phải e dè
và kính nể.

Trong những thập niên gần đây, sau vụ thất trận của lãnh chúa Hoàng Giả, võ đường Hoa Sơn không còn được trợ giúp dồi dào như thời sinh tiền Khổ Bích, nhưng nhờ nếp sống giản dị và cần kiệm của lão chưởng môn, các
con trai ông ngày nay vẫn dư dật. Ngoài ra do sự đóng góp của môn đệ
phần nhiều thuộc thành phần giàu có, Hoa Sơn phái không mất đi chút nào
vẻ phong lưu ngày trước. Nhưng vì thế mà nói rằng đó là một võ đường giá trị bậc nhất thì không đúng. Về kiếm thuật, Hoa Sơn ngày nay chỉ còn là một bóng mờ, một môn phái hữu danh vô thực.

Thế giới bên ngoài bức tường cao, sơn trắng kia đã thay đổi nhiều, nhưng những người bên trong vẫn không hề hay biết hoặc lưu ý. Họ đã quen khoe khoang những chiến tích cũ, ngủ yên trên những chiến tích ấy mất rồi
nên ăn chơi buông thả, sao lãng việc luyện tập cho mãi đến hôm nay mới
mở mắt bừng tỉnh, ê chề, bất lực trước những hành động hạ nhục của một
kiếm khách vô danh, chẳng biết từ đâu đến.

Bấy giờ là khoảng trước giờ ngọ, gia nhân gác cửa vào thông báo có một
kiếm khách tự xưng Thạch Điền muốn được tiếp kiến. Khách có vẻ quê mùa,
chừng hăm hai hăm ba tuổi, vóc người cao lớn, tóc không chải, buộc túm
về phía sau, màu đỏ quạch vì phơi nắng và bụi bặm. Bên hông đeo một cái
túi bằng da sống, thứ túi các tay kiếm khách giang hồ thường dùng mỗi
khi phải lang bạt nay đây mai đó. Bộ kimono cũ và rách, đã bạc phếch,
không biết trước đây màu gì, đen hay nâu nữa.

Khách nói quê quán ở Miyamoto, vùng Mimasaka. Trông dáng điệu và y phục, đúng là loại kiếm sĩ lang bạt không nơi nương tựa, thấy nhan nhản ở
khắp thôn quên cũng như thành thị thời ấy. Thạch Điền Đạt Lang trông còn có vẻ tệ hơn:

hình như hắn không lưu tâm gì đến chuyện phục sức bề ngoài, chỉ chú ý
vào việc luyện võ. Mắt hắn sắc như dao, dáng đi ngang tàng, nên tuy quần áo rách rưới, tên gia nhân cũng giật mình lui bước.

Nếu hắn chỉ làm một kiếm sĩ lỡ độ đường đến nhờ tá túc hoặc xin bữa ăn
lót dạ thì không nói làm gì. Đằng này lại muốn gặp chưởng môn Hoa Sơn Sĩ Khánh để tỷ kiếm.

Cái đó mới làm mọi người ngạc nhiên cười ha hả.

Viên quản gia định đuổi thằng điên đó ra ngoài, nhưng có người tò mò
muốn biết hắn thuộc môn phái nào và sư phụ của hắn là ai nên đã sai
người ra hỏi lai lịch. Thạch Đạt Lang chỉ vắn tắt trả lời hắn không có
sư phụ, tự học kiếm trong những năm qua, và suốt năm vừa rồi đã ở trong
rừng trau dồi kiếm thuật cùng với cỏ cây và muông thú, tạo nên những
đường kiếm riêng biệt. Hắn không xuất thân từ môn phái nào nhất định và
muốn được so kiếm với các bậc cao thủ ngày nay như Hoa Sơn Sĩ Khánh để
lãnh giáo những cao chiêu. Mục đích và tham vọng của hắn chỉ có thế. Mặc dầu hắn tự cho còn nhiều khuyết điểm nhưng hắn ước mong phái Hoa Sơn
không làm hắn thất vọng.

Tên gia nhân trở vào trình lại, còn nhại giọng nói nhà quê của địa phương hắn để tăng vẻ khôi hài làm mọi người cười lăn lộn:

– Chà chà ! Thằng đó điên hẳn rồi ! Cái gì mà tự tạo nên những đường kiếm riêng, coi người bằng nửa con mắt như thế !

Bèn lại sai đầy tớ ra hỏi một cách giễu cợt:

– Bản phái có lệ không an táng những kẻ đến làm rộn võ đường. Vậy quý
khách đã chỉ định ai là người đến mang xác quý khách đi chưa ?

Thạch Đạt Lang thật thà đáp:

– Nếu chẳng may tại hạ bị thất thế, xin cứ vất xác xuống sông hay để cho dòi bọ đục rỉa, không quan hệ. Thế nào cũng được, tại hạ không phiền
lòng.

Lần này thì cả võ đường không cười nữa. Hiển nhiên hắn đã thách thức một cách đứng đắn và mang sinh mạng ra đánh cuộc.

Bàn tán một hồi, những người thuộc hàng huynh trưởng ra lệnh:

– Dẫn nó vào !

Trong phút đầu, họ tưởng để một vài tay em ra dậy tên điên khùng đó một
bài học cũng đủ, nhưng mới qua đường gươm thứ nhất, họ đã kinh hãi cực
điểm. Thạch Đạt Lang không phải là một tay kiếm tầm thường.

Bình tĩnh đứng giữa phòng, sau một tiếng thét, hắn đã chém môn đệ Hoa
Sơn lăn long lóc trên sàn, cánh tay cụt đến khuỷu, bàn tay văng vào góc
tường giật liên hồi vẫn còn nắm chặt thanh đoản kiếm.

Hai người khác luân phiên nhau xông ra, một trong hai người thuộc hàng
cao thủ, nhưng Thạch Đạt Lang nhanh như chớp xuống tấn tránh lưỡi kiếm
chém ngang đầu, thuận tay đưa ngược gươm từ bụng lên cổ người đó. Rút
kiếm ra, máu phun như tưới trên mình hắn, Thạch Đạt Lang nhăn mặt, quay
lại tiếp chiêu ngay, vừa kịp gạt bắn tanh kiếm đâm xéo hông đã đá người
kia một cái như trời giáng lăn xuống sàn, lộn vào chân tường, giãy đành
đạch.

Mọi người sửng sốt, hét lên phẫn nộ, cùng rút kiếm ra khỏi vỏ. Tình hình không còn là một cuộc so tài thử sức nữa mà là một cuộc nhất tề xông
tới lấy số đông áp đảo giết cho được Thạch Đạt Lang. Nhưng hắn như con
cọp dữ, đâu có để cho dễ bắt. Hắn chém đông, gạt tây, đâm, phát; kiếm
quang loang loáng dưới ánh chiều xuyên qua cửa sổ. Thạch Đạt Lang hét
lên những tiếng ghê rợn, mỗi nhát kiếm lia tới đâu là có người ngã tới
đó, không chết thì cũng thương tích trầm trọng.

Môn đệ Hoa Sơn đã bắt đầu e ngại không dám xông xáo như trước. Thạch Đạt Lang đưa mắt nhìn quanh, nhận rõ tình hình, bèn nói lớn, thanh trường
kiếm vẫn nắm chắc trên tay, máu nhỏ giọt.

– Như vậy đã đủ, không nên để chết thêm nhiều người nữa. Ta muốn tỷ kiếm với Sĩ Khánh chứ không phải với các ngươi.

Môn đệ Hoa Sơn yên lặng vây quanh Thạch Đạt Lang, tuy không nói ra nhưng trong lòng ai cũng kinh hãi. Gờm nhau một lúc, tất cả đều đồng ý tạm
dứt cuộc tỷ võ, dẫn Thạch Đạt Lang ra nhà khách để gia nhân khiêng những xác chết và người bị thương đi, dọn dẹp võ đường chờ Sĩ Khánh trở về
quyết định.

Mặt trời lặn đã lâu, tiếng xôn xao và tiếng chân người bước rầm rập ở
cổng ngoài mới nghe rõ. Từ trong hành lang, toán võ sinh ngồi bất động
từ trước vội đứng dậy ra đón, dẫn chưởng môn Hoa Sơn và hai huynh trưởng Hồ Điểu cùng Ưng Đằng vào hậu sảnh. Chưa kịp an tọa, Hồ Định hỏi ngay:

– Sao ? Chuyện gì vậy ? Kể qua cho đại ca nghe.

Giọng hắn gay gắt nhưng không dấu nổi xúc động. Một võ sinh quỳ bên thi thể bạn đồng môn, quay lại hằn học trách:

– Lỗi ở huynh trưởng đã dẫn đại ca xuống xóm. Tên đó đến làm loạn võ đường như thế này, huynh trưởng phải chịu trách nhiệm.

– Im mồm ! Ngươi nói láo ta cắt lưỡi.

– Khi sinh tiền, lão chưởng môn chưa bao giờ bỏ võ đường đi đâu lâu đến thế !

– Đại ca cần giải trí. Chúng ta đi xem tuồng Kabuki, ngươi là cái thá gì mà dám hạch hỏi ?

– Xem tuồng Kabuki đâu cần phải vắng mặt suốt ngày đêm, huynh trưởng tất phải biết chứ !

Hồ Định gầm lên nhảy đến định chẹt cổ tên võ sinh hỗn láo. Trong khi mọi người đang tìm cách can gián thì một tiếng nói nhỏ đầy bi phẫn làm ai
cũng phải chú ý:

– Bây giờ đại ca đã về, không phải lúc đổ lỗi cho nhau nữa. Xin đại ca
cứu vãn danh dự cho bản phái, không thể để tên đó thoát khỏi đây mà
không trừng trị !

Những người bị thương, tay chân buộc vải đẫm máu, mặt ủ rũ buồn thiu
ngồi rải rác khắp phòng. Có người khóc, có người căm giận chửi rủa. Họ
là nhân chứng hùng hồn tỏ rõ sự bất lực của môn phái và mặc nhiên bảo
ngầm cho Sĩ Khánh biết địch thủ dũng mãnh đến bực nào.

Trong giới kiếm sĩ, điều hệ trọng nhất là danh dự. Các môn phái tranh
nhau hơn kém cũng vì danh dự. Cho tới những năm gần đây, các chính phủ
đương quyền đều có đặt ra luật pháp để thống nhất việc cai trị và xét
xử, nhưng thời bấy giờ, ngay cả ở Kyoto, luật lệ chẳng có gì nhất định.
Tất cả sinh hoạt trong nước đều chiếu theo phong tục, tập quán là những
thứ luật bất thành văn mà mọi người, từ thứ dân đến sĩ phu đều chấp
nhận. Môn phái Hoa Sơn cũng vậy, tuy gồm nhiều võ sinh vô học, lỗ mãng
nhưng không phải là những kẻ vô liêm sỉ không có căn bản đạo đức gì. Vì
thế, sau trận thất bại nhục nhã vừa qua, điều họ nghĩ đến trước tiên là
danh dự ; danh dự của tông môn, của sư phụ và của chính họ. Lời người
vừa nói nhắc họ nhớ đến danh dự ấy, gạt hết mọi hiềm khích cá nhân và có tác dụng như chất keo gắn họ liền với nhau trong niềm tủi hổ.

Tất cả đứng dậy theo Hồ Định vào phòng trong, cùng Sĩ Khánh bàn cách đối phó.

Nhưng thật không may, đúng vào lúc này, sau một ngày đêm truy hoan hưởng lạc, chưởng môn phái Hoa Sơn cảm thấy mỏi mệt, tâm trí rời rã, bao
nhiêu nhuệ khí như tiêu tan hết. Tuy nhiên, Sĩ Khánh không thể làm gì
khác hơn là chấp nhận cuộc thách đấu.

Hắn xắn tay áo lên, dùng dây da buộc cho gọn rồi hất hàm hỏi:

– Thằng đó đâu ?

– Thưa ngồi ở bên nhà khách, phía vườn sau.

– Bảo nó đến đây !

Sĩ Khánh thấy môi se, cổ khô. Hắn nuốt nước bọt, bước ra đại sảnh ngồi
vào ghế giữa, sửa soạn nhận lễ tiếp kiến theo nghi thức với tư cách
chưởng môn. Thanh trườ ng kiếm do một đồ đệ lấy ở giá xuống dựng bên
cạnh.

Ba bốn võ sinh định ra vườn sau mời Thạch Đạt Lang thì Hồ Định và Ưng
Đằng vội cản lại. Hai người muốn thảo luận thêm tìm cách bắt giết cho
được Thạch Đạt Lang.

Họ dẫn nhau vào phòng, nhiều huynh trưởng trong phái cũng đi theo, gây
nên một cuộc bàn cãi sôi nổi. Sau cùng đa số đồng ý là hồi này đại ca
không được khỏe, kiếm thuật cũng không có những chiêu thức gì xuất sắc
hơn kiếm thuật của những người mới bị đánh bại, nếu cứ để một chọi một
thì nguy hiểm lắm. Số thương vong vừa rồi cũng đã đủ làm mất mặt phái
Hoa Sơn, huống chi để chưởng môn bị thua nữa thì còn gì là danh dự, hiểm họa to lớn không biết chừng nào và hậu quả ghê gớm lắm chứ không phải
tầm thường.

Giá Điền Chính còn ở nhà thì không ngại, vì so về kiếm kỹ, Điền Chính có phần hơn Sĩ Khánh một bậc. Hắn đáng mặt chưởng môn hơn, nhưng là con
thứ không có trách nhiệm gì nặng nề, Điền Chính thường hay bỏ đi chơi
xa, mặc anh lo liệu. Mới cách đây mấy hôm, hắn cùng vài người bạn lên
đường đi du ngoạn miền tây, chẳng bảo cho ai biết bao giờ về cả.

Hồ Định đến gần Sĩ Khánh nói nhỏ:

– Bọn tiểu đệ có một kế mọn …

Và ghé tai Sĩ Khánh, hắn thì thầm trình bày cái kế hoạch hắn và đồng bọn đặt ra để bắt Thạch Đạt Lang.

– Thế là đánh lừa nó hả ?

Hồ Định khoát tay ra hiệu bảo đừng nói lớn, nhưng Sĩ Khánh không nghe:

– Không được ! Ta không khi nào chấp nhận một hành động như vậy ! Hèn lắm !

Nếu chuyện đó đồn đại ra ngoài thì còn gì thanh danh phái Hoa Sơn nữa !
Họ sẽ cho mình vì sợ một tên giang hồ lạc thảo mà phải dụ nó vào bẫy …

– Ấy chơ ! Đại ca đừng …đừng …

Nhưng mặc cho Hồ Định cản, Sĩ Khánh vẫn tỏ vẻ bất bình, mặt đỏ gay, thốt ra những lời phản đối. Hồ Định phải đánh trống lấp:

– Đại ca để đàn em lo liệu …Đại ca cứ yên tâm !

– Ngươi tưởng Hoa Sơn Sĩ Khánh này, chưởng môn kiếm phái Hoa Sơn lại chịu thua tên …tên Thạch Điền gì đó …ở Mimasa hả ?

– Không ! Không ! Tiểu đệ đâu có ý ấy ! Đại ca ở bậc cao trọng, can chi
phải hạ mình đối địch với một tên mãi võ vũ phu tầm thường như vậy ?
Chuyện này xin đừng nói lớn, người ngoài biết không tốt. Vấn đề quan
trọng là đừng để nó thoát !

Trong khi ấy bọn môn đệ Sĩ Khánh đã dần dần phân tán gần hết, lặng lẽ
rút êm như một đàn mèo, không một tiếng động. Người ra vườn sau, kẻ nấp
trong những xó kẹt hoặc biến đi như tan vào bóng tối của khu trang tại
rậm rạp. Một lúc sau không còn thấy ai, Hồ Định mới rút gươm, giọng
cương quyết:

– Đại ca, giờ này không nên chần chừ nữa.

Và hắn thổi tắt đèn.

Một mình ngồi trong bóng tối, giữa bầu không khí hoang vắng và căng
thẳng đến rợn người, Sĩ Khánh đột nhiên cảm thấy cô đơn và buồn khôn tả. Dù cao ngạo đến đâu, hắn cũng đã nhận rõ đồ đệ hắn coi võ công hắn
chẳng ra gì, không đủ sức bảo vệ thanh danh môn phái. Từ khi thân phụ
quy tiên đến nay, hắn quả đã sao lãng việc luyện tập, giữ được những
đường kiếm uy mãnh như xưa cũng đã khó, nói gì đến việc bồi dưỡng hay
khai triển.

Sĩ Khánh buồn rầu thở dài đứng lên đi ra gần cửa sổ. Qua khung giấy
mỏng, hắn nhìn sang phía vườn sau, chỗ Thạch Điền ngồi, thấy có ánh sáng chập chờn leo lét. Đó là ngọn đèn độc nhất còn thắp sáng trong trại.

Ngoài kia, bao nhiêu cặp mắt khác cũng đương chú mục vào ngọn đèn ấy.
Những bóng đen nằm rạp xuống đất, nín thở bò lại gần từng chút, từng
chút, lắng tai nghe ngóng động tĩnh.

Hồ Định tuy là con người thích hưởng lạc, nhưng khi cần hành động hắn
cũng tỏ ra có bản lãnh và khôn ngoan. Hắn tự đặt mình vào địa vị Thạch
Đạt Lang, tự nêu nhiều câu hỏi và tự giải đáp:

“Thạch Đạt Lang là kẻ vô danh, vùng này không ai biết, nhưng phải nhận
là hắn khỏe và có võ công thượng thừa. Nếu không, sao chỉ trong khoảnh
khắc đã đả thương được tới năm sáu cao thủ Hoa Sơn. Hắn lại nhiều mưu
lược, biết tiến thoái khi cần để giữ sức. Nếu ta là hắn, ta sẽ làm gì ?
Không lẽ cứ ngồi nhà khách chờ chưởng môn về ? Hắn ngu gì mà không biết
hắn có thể bị bao vây như chuột trong rọ.

Vậy chắc giờ này hắn đã chuẩn bị kỹ, sắn sàng nghênh chiến. Nhưng sao
hắn không thổi tắt đèn đi để gây hỗn loạn trong bóng tối mà nắm phần
thắng chứ ? À, phải rồi !

Hắn để đèn lừa ta, tưởng hắn không chuẩn bị, rồi nấp đâu đó xuất kỳ bất ý …Đúng rồi !

Phải rồi ! Ở địa vị hắn, ta cũng làm vậy !” Hồ Định nhìn chung quanh.
Dưới ánh sao lờ mờ, môn đệ Hoa Sơn như những âm binh lom khom từ khắp
vườn tiến tới. Đến gần cửa phòng, Hồ Định lên tiếng.

– Thạch Điền ! Xin lỗi để các hạ phải chờ lâu. Chưởng môn Hoa Sơn muốn được tiếp kiến !

Không nghe trả lời. Hồ Định đồ chừng Thạch Đạt Lang án binh bất động,
nằm phục đâu đó chờ lúc thuận tiện đánh ra. Hắn đưa mắt lần nữa, thấy bộ hạ đã tề tựu đông đủ, bèn quát như sấm động:

– Giê …ết !

Đồng thời lấy chân đạp toang cửa. Cánh cửa bằng gỗ mỏng vỡ tung, bay vào trong phòng làm tắt ngọn đèn độc nhất đặt trên kỷ. Căn phòng tối om. Đồ đệ Hoa Sơn mạnh ai nấy hét, phá cửa sổ nhảy vào như vũ bão, đao kiếm
cầm tay chặn hết các lối.

Nhưng phòng trống không, Thạch Đạt Lang đã đi đâu mất ! Mọi người nhìn
nhau lao xao, nổi lửa châm đèn, ngạc nhiên đến cực điểm. Quái lạ, ấm trà vẫn đây, chén trà rót ra vẫn còn nguyên chưa ai động đến. Người canh
cửa bên ngoài nói có trông thấy Thạch Đạt Lang cách đây chừng vài khắc
đi vào phòng tắm, sao bây giờ đã mất dạng ?

Tiếng chân bước rậm rịch khắp nơi vang động cả khu vườn yên tĩnh.

– Nó là ma à ? Thoát ra đường nào được ?

– Lạ thật !

Hồ Định nổi nóng sai bộ hạ sục sạo không thiếu chỗ nào, vừa văng tục vừa dọa nạt. Bỗng có tiếng reo hò mừng rỡ:

– Đây rồi ! Hắn trốn chỗ này !

Tất cả đổ xô vào buồng tắm, thấy sàn nhà bị gỡ một mảng lớn vừa người chui lọt.

Hiển nhiên Thạch Đạt Lang đã chui qua lỗ này trốn ra ngoài.

Hồ Định ra lệnh:

– Nó mới thoát đây thôi ! Anh em đuổi theo tức khắc !

Ai ai cũng hoan hỉ. Vậy Thạch Đạt Lang là một thằng hèn, đã không dám ở
lại tỷ đấu với chưởng môn, thế thì còn đáng sợ gì nữa ! Mọi người thấy
cơn nguy hiểm đã qua, đều lên tinh thần và can đảm, hùa nhau từng tốp ào ra cổng ngoài bắt gian khách.

Được vài bước đã có người chỉ trỏ kêu rầm rĩ:

– Kia kìa ! Nó kia kìa !

Một bóng đen từ trong bụi rậm gần cửa sau vọt ra, lẩn vào đường hẻm bên
hông trại. Môn đệ và gia nhân Hoa Sơn la hét đuổi theo. Khi bóng đen
chạy gần đến bãi hoang thì bị toán phục kích ở đó đổ ra chận bắt làm hắn ngã sóng soài. Nhưng bóng đen đã nhanh nhẹn đứng ngay dậy được và chống trả kịch liệt làm ba đệ tử Hoa Sơn phải lui bước.

Bọn đuổi theo chạy đến nơi trông thấy hắn vội nói:

– Không phải tên này ! Nhầm rồi !

Đương phân vân thì Hồ Định tới:

– Á à ! Ta biết tên này. Nó đâu phải Thạch Điền …gì đó !

– Huynh trưởng biết hắn hả ?

– Ừ, ta thấy hắn ở quán Vân Nghê.

Mãn Hà Chí, vì chính hắn là Mãn Hà Chí, đứng ngây người nhìn Hồ Định.
Không ai nói câu gì. Mãn Hà Chí vụng về buộc lại tóc và sửa lại bộ áo
xốc xếch.

– Hắn là chủ quán Vân Nghê hả ?

– Không. Ôkô bảo không phải. Hắn chỉ là kẻ ở đậu.

– Trông khả nghi lắm. Hắn rình rập ở cửa sau làm gì thế ?

Nhưng Hồ Định đã quay gót đi và dặn bộ hạ:

– Bỏ thằng đó đấy, mất thì giờ vô ích. Chia hai ra, cánh tả lên phía
bắc, cánh hữu xuống phía nam. Nếu không bắt được nó, ít ra cũng biết nó
trú ngụ Ở đâu.

Xôn xao một lúc, chúng chia thành hai nhóm làm theo lệnh Hồ Định.

Mãn Hà Chí ngồi trên phiến đã trông đám gia nhân phái Hoa Sơn chạy đi chạy lại vội vã. Thấy người tới gần, gã giữ lại hỏi.

– Ngươi muốn gì ?

– Anh chàng tên là Thạch Điền gì đó chừng bao nhiêu tuổi ?

– Làm sao ta biết được !

– Cỡ trạc tuổi ta không ?

– Để coi nào …Ừ, cũng đại khái vậy.

– Hắn nói ở làng Miyamoto, tỉnh Mimasaka à ?

– Ừ.

– Chắc Thạch Điền cũng là Thạch Kinh Tử đấy thôi. Viết khác nhưng đọc cũng tương tự.

– Sao ngươi hỏi ta những câu ấy ? Bạn ngươi hả ?

– À không. Muốn biết vậy thôi mà !

– Này ta bảo thật, lần sau gặp những chuyện như thế này, nên tránh ra xa kẻo lụy vào thân đấy !

Nói xong rảo cẳng bước đi.

Mãn Hà Chí cũng đứng dậy, men bờ lạch đi về phía bắc. Thỉnh thoảng ngước lên nhìn trời đầy sao lấp lánh, hắn tự nhủ:

“Nghĩ cho cùng, ta cũng chẳng nên gặp hắn làm gì, chỉ thêm xấu hổ. Nhưng để cho tụi Hoa Sơn bắt được thì chúng giết chết. Không biết hắn trốn
đâu ! Bạn bè, ít ra mình cũng phải báo cho hắn biết để đề phòng” …

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN