Thạch Kiếm - Chương 15: Quang Minh hội
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
134


Thạch Kiếm


Chương 15: Quang Minh hội


Trong giới võ lâm, Quang Minh không phải là một bang hội nhỏ. Từ lâu, hội này đã từng làm chấn động gian hồ nhờ tuyệt kỹ trường thương và những thế mâu, bổng không ai cự nổi. Tổng doanh hội đặt tại khu rừng thông rậm rạp trên triền núi Abura, trong
một ngôi đền kiến trúc uy nghi, cổ kính. Xung quanh đền, vách đá sừng
sững bao bọc. Trùng trùng điệp điệp, những gốc tùng vạn niên vỏ xù xì,
ba người ôm không xuể, cành lá xum xuê xanh biếc, ngọn vươn cao vút,
chứng tích thiên nhiên của bao nhiêu triều đại phế hưng, như làm tăng
thêm vẻ hùng vĩ của cảnh trí.

Vào những hôm trời u ám, cả khu đền lờ mờ ẩn hiện, bập bềnh trôi trong
màn sương mù dày đặc, khiến khách du đứng trước cảnh bao la huyền bí ấy
không khỏi ngơ ngẩn xuất thần, thấm thía nỗi hèn mọn của kiếp nhân sinh
phù ảo.

Trước đây, rừng này trong thời đại Nara đã nổi danh nhờ một nhà tắm công cộng do một lãnh chúa phu nhân cho xây cất. Nhưng công trình ấy ngày
nay chẳng còn gì, họa chẳng chỉ lưu lại chút di tích trên nền đá xanh
giờ đây rêu và cỏ dại đã phủ gần kín.

Khách thập phương vãn cảnh đền Quang Minh một phần vì vẻ đẹp hùng vĩ
hoang sơ ấy, một phần cũng vì muốn được tận mắt chiêm ngưỡng ngôi đền
danh tiếng, nhưng ít ai biết nơi đó còn là chỗ tàng trữ một kho cổ ngoạn vô giá có một không hai trong nước Nhật.

Thạch Đạt Lang leo vội những bậc đá gồ ghề và trơn trượt trên triền núi
Abura trước khi trời tối. Hắn đảo mắt nhìn quanh, thấy rải rác lẩn khuất trong rừng thông rất nhiều đền miếu. Sau cơn mưa lớn vừa qua, những tàn lá thông xanh biếc hẳn lên giữa đám thân cây nâu sẫm vững vàng ngạo
nghễ trên sườn núi. Vài vạt nắng hoàng hôn còn đọng lại trên những đỉnh
đồi cao làm ửng vàng cả một vùng sơn lĩnh.

Thạch Đạt Lang chú mục nhìn những ngôi đền, tuyệt nhiên không thấy có
doanh trại gì chứng tỏ đông người cư trú nên đồ chừng đền Quang Minh
phải ở sâu trong rừng rậm. Đi một quãng xa chừng hơn dặm nữa, hắn thấy
hiện ra tam quan một ngôi chùa cũ kỹ. Dưới mái, một bảng gỗ khắc ba chữ
“Quang Minh Tự” dát vàng trên nền gỗ gơn then, tuy lâu ngày sương tuyết
đã làm loang lổ, nhưng nét chữ vẫn còn xương kính. Hắn bước qua tam quan nhưng nghĩ sao lại trở gót, ngước mắt lên đọc kỹ thì thấy là Quang Hân
chứ không phải Quang Minh. Hai chứ Minh và Hân chỉ khác nhau vài nét,
trong lúc vội vàng và nóng lòng muốn được tiếp kiến, hắn đã trông nhầm,
tưởng đây là đền Quang Minh, tổng doanh của Quang Minh hội.

Thạch Đạt Lang tần ngần đứng trước tam quan, tự trách mình thiếu điềm tĩnh.

Một nhà sư ở trong chùa đi ra, dừng lại nhìn hắn soi mói. Hắn vội vã bỏ nón thi lễ và hỏi:

– Tại hạ muốn được thỉnh giáo vài điều.

– Thí chủ muốn hỏi điều gì ?

– Phải chăng đây là Quang Hân tự ?

– Phải. Nhà sư vừa gật đầu vừa chỉ tay lên bảng gỗ. Có viết rõ ràng trên bảng này.

– Tại hạ được biết đền Quang Minh cũng ở gần đây, sao không thấy ?

– Đền Quang Minh ở phía sau chùa. Chắc thí chủ đến dự thí võ ?

– Dạ phải. Tại hạ quả có ý ấy.

– Vậy bần tăng có lời khuyên, thí chủ nên bỏ qua ý ấy đi.

– Sao thế ?

– Nguy hiểm lắm ! Bần tăng thấy chỉ người què mới đến xin Phật độ cho lành, nhưng người lành mấy ai muốn thành què bao giờ !

Thạch Đạt Lang mỉm cười. Nhà sư này trông khỏe mạnh và ưa hí lộng, khác
với những nhà sư khác. Có lẽ vị tăng này đã tiếp xúc với nhiều người đến xin thí võ tại đền Quang Minh, thấy kết quả không hay nên khuyên vậy.
Nhà chùa là nơi hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh, dĩ nhiên chăm
lo Phật sự là công việc chính, nếu có dùng đến võ công cũng chỉ là điều
bất đắc dĩ.

Nhà sư giảng giải:

– Vô Niệm đại sư, vị tiền bối sáng lập ra Quang Minh hội, nay đã già, lẫm cẫm.

Trước đây, người thường giao du với Trúc Mộ Chính cùng bằng hữu của đại
kiếm sĩ này nên có thời kỳ quan tâm đến võ học. Ấy cũng chỉ vì người
muốn bảo vệ đền chống lại quân cường đạo nên đã nghiên cứu khai triển
một vài thế võ dùng thiền trượng để tự vệ mà thôi. Nhưng bây giờ tuổi đã cao, người trên tám mươi nên không còn minh mẫn và cũng chẳng muốn tiếp khách thập phương nữa chứ nói gì đến chuyện truyền dạy võ học.

Về cách sử trường thương, người không còn để ý gì đến.

Nhà sư tiếp:

– Vì thế thí chủ chẳng nên tìm hiểu thêm làm gì. Người đã ở ẩn, thí chủ
chắc không được tiếp kiến đâu, mà có tiếp kiến cũng vô ích !

Trông dáng điệu và nghe cách nói của nhà sư, rõ ràng là vị tăng này có ý ngầm bảo Thạch Đạt Lang đi cho khuất mắt. Nhưng không lẽ dụng công tới
đây, hắn lại để bị đuổi dễ dàng như thế ! Bèn khẩn khoản:

– Tại hạ cũng có nghe nói đến Vô Niệm đại sư, nhưng được biết vị thủ tòa hiện nay là Vô Tướng cũng là tay cao thủ. Người tuy chưa phải là chưởng môn nhưng đã thấu triệt mọi nguyên tắc căn bản và bộ pháp của tôn phái. Tuy đã thâu nhận nhiều đồ đệ nhưng người không bao giờ từ chối chỉ dẫn
cho bất cứ ai đến bái kiến …

– Hừ ! Vô Tướng … – Nhà sư nói với giọng khinh thường – Người ta đồn
vậy chứ chưa chắc đã đúng. Thực ra Vô Tướng còn là đồ tử của viện chủ tệ tự, Ngộ Không thiền sư. Khi Vô Niệm tỏ ra có những triệu chứng tinh
thần không được mẫn duệ, bản viện chủ thấy cần phải duy trì nên võ học
mà người đã khổ công nghiên cứu với Vô Niệm trước kia, nên chọn Vô Tướng để truyền thụ và vận động đặt lên chức thủ tòa.

Thạch Đạt Lang gật đầu:

– À ra thế !

– Vậy thí chủ còn muốn thí võ nữa chăng ?

– Mô Phật ! Tại hạ cất bao nhiêu công lao tới đây …

– Vậy tùy thí chủ.

– Xin đại sư cho biết phải đi đường nào mới tới đền, rẽ phải hay trái ?

– Không cần rẽ bên nào cả, cứ xuyên qua tệ tự là nhanh nhất. Nhưng bây
giờ sắp tối rồi, thí chủ nên vào hậu liêu nghỉ, ngày mai đến cũng không
muộn.

Thạch Đạt Lang cảm ơn, theo nhà sư vào hiên chùa ngồi, giở cơm nắm và thức ăn nguội ra dùng bữa tối.

Sáng hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, Thạch Đạt Lang đã sẵn sàng. Đi qua
sân chùa nhìn nhà kho, củi chất ngổn ngang, khói bếp bốc cao, một gia
nhân đang quảy nước tưới cây, hắn thấy khung cảnh chẳng khác gì một
trang trại nhỏ vùng quê. Sau sân là mảnh vườn rộng chừng hai ba sào,
giồng đủ thứ rau đậu.

Bước xuống vườn, men theo những luống cải tươi tốt, sương đêm còn đọng
lóng lánh trên những tàu lá xanh non, Thạch Đạt Lang thấy lòng lâng lâng khoái hoạt, sức sống dạt dào luân lưu trong cơ thể. Cuối vườn, một ông
lão cắm cúi cào cỏ, vuông khăn vải sô quấn quanh đầu giữ cho tóc khỏi
xõa. Ông lão chăm chú làm việc, Thạch Đạt Lang trông không rõ mặt, chỉ
thấy đôi lông mày dài rủ trắng như tuyết. Ngoài tiếng răng cào thỉnh
thoảng chạm phải hòn đá kêu “cạch” khô khan, cảnh vật yên lặng như tờ,
không nghe tiếng động gì khác.

Thạch Đạt Lang định hỏi thăm, nhưng thấy ông lão mãi việc quá lại thôi.
Khi đi ngang, hắn đột nhiên thấy ông liếc mắt nhìn chân mình, tuy đầu
vẫn cúi và tay vấn đều đều cào cỏ. Một sức mạnh vô hình toát ra từ tia
mắt khiến hắn giật mình nhảy tránh sang bên. Tia mắt bất ngờ có uy lực
dũng mãnh tựa tiếng sét xé mây đen trong những đêm giông bão. Hắn cảm
thấy nhột nhạt khó thở, thân thể nóng ran như vừa thoát khỏi một ngọn
lửa táp tới hay như vừa tránh kịp một thế kiếm giết người phạt ngang hạ
chỉ.

Phản ứng tự nhiên khiến hắn để tay lên đốc kiếm. Nhìn quanh chẳng có ai, chỉ có lão làm vườn vẫn yên lặng đưa cây cào đều đều bên luống rau, hắn ngạc nhiên kinh sợ. Thế này là thế nào ? Hắn không mơ ngủ, sau một đêm
nghỉ ngơi, đang thoải mái dễ chịu, công lực tràn trề, tự nhiên trong một sát na, kinh mạch như đảo lộn. Lạ ! Lạ quá !

Thạch Đạt Lang yên lặng bỏ đi, trong lòng phân vân không biết sao giải đáp.

Tiếp tục đi về hướng nam, một lúc sau quả nhiên thấy đền Quang Minh hiện ra trước mặt. Trước cổng đền, hắn đứng suy nghĩ:

“Theo lời vị tăng thì tất Vô Tướng phải còn trẻ. Vô Niệm đã già và lẫn,
không quan tâm gì đến võ công nữa. Nhưng xem ra lão già làm vườn là tay
ghê gớm lắm chứ không vừa. Hay là … hay là …” Kinh nghiệm quý báu
vừa qua bảo hắn phải thức tỉnh đề phòng mọi bất trắc.

Thạch Đạt Lang giơ tay đập cửa hai lần không ai trả lời. Ngó quanh thấy
chiếc khánh treo trong góc, hắn cầm dùi gióng lên mấy tiếng.

Một lát có tiếng chân người ra mở cổng. Đấy là một tăng nhân còn trẻ, áo màu vỏ dà vắt trên vai để lộ cánh tay trần lực lưỡng, bắp thịt cuồn
cuộn. Nếu là võ sĩ dưới trướng một lãnh chúa nào đó, nhà sư này tất phải làm đến chức đoàn trưởng.

Chắc đã quen tiếp xúc với những người như Thạch Đạt Lang hàng ngày đến ghi danh xin thí võ, nhà sư thản nhiên hỏi:

– Thí chủ là võ sĩ ?

– Phải.

– Thí chủ muốn điều gì ?

– Tại hạ muốn được bái kiến vị thủ tòa.

– Vậy vào đi.

Tăng nhân đứng tránh sang bên, đưa tay chỉ về phía khạp nước, ngầm bảo
phải rửa chân trước khi lên đại sảnh. Một ống tre dẫn nước chảy lanh
tanh không ngớt xuống khạp. Bên cạnh để cái gáo cũng làm bằng tre vàng
óng. Xung quanh la liệt dép cỏ, cũ có mới có, nhiều đôi đã mòn vẹt và
bám đầy bùn đất.

Rửa chân xong, tăng nhân đưa Thạch Đạt Lang qua dãy hành lang mờ mờ đến
một căn phòng nhỏ bảo ngồi đợi. Mùi hương trầm thoang thoảng trong không khí, vài tàu tiêu in bóng mờ ảo lên nền giấy tàu bạch phất khung cửa sổ gió thổi kêu phần phật. Ngoài cách ăn nói hơi khiếm nhã của tăng nhân
trẻ tuổi, cảnh đền thật tịch mịch chẳng có gì khác thường.

Tăng nhân trở lại, mang theo một quyển sổ, một cây bút và nghiên mực, hách dịch nói như người lớn bảo trẻ con:

– Ghi danh tính, sinh quán và môn phái vào đây !

Thạch Đạt Lang nhìn bìa sổ thấy ở trên đề “Danh sách võ sinh”, ở dưới là tên cùng chữ ký của vị tăng chấp quản. Hắn mở sổ, trang nào cũng đặc
những chữ. Đến gần cuối, thấy còn chỗ trống, Thạch Đạt Lang theo cách
những người tới trước, điền tên và sinh quán vào. Nhưng về môn phái,
không biết nên viết ra sao, hắn chỉ viết sơ sài là đã thụ huấn môn đánh
côn của thân phụ từ khi còn nhỏ. Hắn không có sư phụ, tự luyện tập lấy
theo sách vở và theo thiên nhiên, rồi kết luận:

“Tiểu nhân còn phải học hỏi nhiều, muốn được các bậc cao minh chỉ giáo”.

Nhà sư đứng bên theo dõi những điều hắn viết, cắt ngang:

– Thí chủ hẳn rõ bản hội chuyên về trường mâu, danh tiếng lừng lẫy thiên hạ.

Ngay trong những cuộc đua tài giữa võ sinh hay môn đệ, những thế côn
bổng cũng rất nguy hiểm, mất mạng là thường. Đao thương không có mắt,
thí chủ hãy suy nghĩ kỹ trước khi giao đấu và nên đọc những lời cảnh cáo trên đầu sổ.

Thạch Đạt Lang lật trang đầu, quả nhiên thấy ghi rõ trong phần giới luật:

“Võ sinh phải nhận hết trách nhiệm nếu bị thương tích hay tử vong khi giao đấu”. Hắn mỉm cười:

– Điều này dĩ nhiên rồi. khi chấp nhận giao tranh, nếu có xảy ra chuyện gì, trách nhiệm còn quy về ai nữa ?

– Vậy tốt ! Thí chủ hãy theo ta đến nơi giảng võ.

Võ sảnh rộng mênh mông. Thạch Đạt Lang chưa bao giờ thấy nơi luyện võ
nào lớn như thế. Hai hàng cột chu vi có đến mấy sải tay chạy dài suốt
dọc võ sảnh, đỡ những rầm nhà chạm trổ tinh vi, thếp vàng trên nền gỗ
sơn then bóng lọng. Ven tường để nhiều giá binh khí cắm toàn trường mâu, mũi mâu đúc thành hình đầu rồng, đuôi rắn và đủ các loại thú cổ quái.

Thạch Đạt Lang không phải là võ sinh độc nhất trong sảnh. Khi hắn đến,
trên sàn đã có chừng chục người khác ngồi đợi sẵn. Nhiều võ sinh trang
phục theo lối kiếm sĩ và tăng lữ đứng nghiêm chỉnh phía sau, chắc là làm nhiệm vụ giám sát. Tất cả đều chăm chú theo dõi cuộc đấu giữa hai người đeo mặt nạ và sử dụng trường côn nên chẳng ai lưu ý đến Thạch Đạt Lang
được nhà sư dẫn vào chỉ chỗ cho ngồi trong góc.

Yên vị rồi, Thạch Đạt Lang nhìn lên tường. Tấm bảng cáo thị treo nêu rõ
nếu ai muốn dùng binh khí thật cũng sẽ có người bồi tiếp, nhưng thông
thường trong khi tỷ thí, chỉ mộc côn được sử dụng mà thôi. Tuy là mộc
côn, nhưng loại này cứng và nguy hiểm không kém gì côn sắt, nếu trúng có thể làm gãy tay chân hay đưa hồn về chín suối như bỡn.

Hai đối thủ quần thảo một hồi, một người trúng thương, ôm đùi tập tễnh
bước ra khỏi vòng chiến. Gã lê chân vào góc phòng, ngồi phịch xuống, mặt mày nhăn nhó.

Đấu thủ thắng trận bỏ mặt nạ ra. Tiếng gã vang lên sang sảng:

– Người kế tiếp !

Đây có lẽ là một trong những tăng sĩ cao thủ của Quang Minh hội, giữ
chức vụ trắc nghiệm và tuyển chọn võ sinh. Thân hình gã lực lưỡng trong
bộ quần áo chẽn màu đen, hay tay giữ chặt một cây côn gỗ sồi dài chừng
hai sải. Gã đưa mặt gườm gườm nhìn mặt từng người ngồi ở dưới sàn, không giấu vẻ kiêu ngạo tự đắc.

Một võ sĩ tuổi trung niên thấy hắn đưa mắt nhìn mình, vội vàng đứng dậy
nhận thách đấu. Tráng sĩ xắn tay áo, dùng dây da buộc gọn cửa tay lại,
điềm tĩnh đến bên giá binh khí chọn một cây trường mâu rồi thong thả
bước vào đấu trường, trong khi tăng sĩ nọ vẫn lăm lăm cây côn gỗ đứng
đợi.

Theo lệ, hai bên cúi đầu chào nhau trước khi giao chiến. Nhưng võ sĩ nọ
vừa cúi đầu xong thì nhanh như chớp, cùng với tiếng thét làm rung động
cả những giá binh khí đặt tại võ sảnh, tăng sĩ đã giơ côn bổ một nhát
như trời giáng lên đầu đối thủ. Võ sĩ nọ ngã gục, tắt thở ngay đương
trường, máu và óc phọt tung tóe.

Gia nhân chạy đến khiêng xác chết đi, lau rửa vội vã không nói một lời.
Tăng sĩ đứng trong góc phòng lại tiếp tục cất giọng sang sảng:

– Người kế tiếp !

Gọi đến lần thứ hai, không ai động đậy. Cả võ sảnh im lặng như tờ. Thạch Đạt Lang tưởng vị tăng sĩ đó là Vô Tướng đại sư, thủ tòa Quang Minh
hội, nhưng sau hỏi ra thì không phải. Một võ sinh cho biết đó là Cổ Bất
Úy, một trong thất trụ của viện chấp pháp, vô địch thiết côn và rất tàn
nhẫn. Vô Tướng đại sư không bao giờ phải ra chiêu vì từ trước đến nay
chưa có ai qua khỏi tay bảy vị đó.

Cổ Bất Úy cầm ngang cây côn, đứng dõng dạc hỏi:

– Còn ai nữa ?

Tăng nhân chấp quản lấy danh sách võ sinh, nhìn mặt, gọi tên từng người.

– Xin lỗi, vãn sinh hôm nay không sung sức, để khi khác.

– Anh kia ?

– Vãn sinh xin miễn.

Danh sách đọc lên, ai cũng thoái thác. Cuối sổ, viên chấp quản đọc tên và chỉ tay vào Thạch Đạt Lang.

– Còn thí chủ thế nào ?

– Xin tùy tiện.

– Tùy tiện là thế nào ? Muốn giao đấu hay không ?

– Tại hạ muốn giao đấu.

Mọi con mắt đổ dồn cả vào Thạch Đạt Lang. Hắn khoan thai đứng dậy.

Cổ Bất Úy không còn ở trên đấu trường này. Gã đã lui vào phía trong võ
sảnh, sau cây cột lớn đứng chuyện trò với nhiều tăng sĩ khác. Nghe có
người nhận thách đấu, gã hơi bực mình, khó chịu:

– Chán thật ! Hay vị nào thay tại hạ bồi tiếp hắn đi !

– Thôi quý hữu gắng giải quyết nốt. Chỉ còn một người nữa thôi mà !

Bất đắc dĩ, Cổ Bất Úy uể oải bước ra, nhấc cây côn gỗ bóng loáng quen thuộc dựng ở góc phòng rồi đứng vào bộ vị.

Đột nhiên gã quay phắt người lại, rồi như để áp đảo đối phương, thét lên một tiếng ghê rợn, giơ cao cây côn đâm thẳng vào tường võ sảnh. Tường
võ sảnh lát bằng gỗ dầy, tiếng gỗ vỡ nứt cùng với tiếng thét của Cổ Bất
Úy khiến ai nấy giật bắn người. Trông ra, sức mạnh cây côn đã chọc thủng tường một lỗ to bằng cái bát !

Mọi người đều kinh hãi, duy Thạch Đạt Lang vẫn điềm nhiên như không,
đứng bất động giữa sàn, hai tay cầm kiếm gỗ thủ thế. Cổ Bất Úy rút côn,
di chuyển chậm chạp quanh Thạch Đạt Lang như mèo vờn chuột.

Có tiếng cười gằn phát ra gần cửa sổ, rồi một giọng nói vọng vào:

– Đồ ngu ! Nhìn cho kỹ ! Nó đâu phải là bức tường vô tri vô giác !

Cổ Bất Úy mắt vẫn dán vào Thạch Đạt Lang, quát:

– Ai đó ?

Nhưng tiếng cười lại nổi lên, thanh âm lần này trầm xuống vừa thương
hại, vừa chế nhạo. Thấp thoáng ngoài song, làn tóc bạc phơ với đôi mày
trắng như tuyết.

– Cổ Bất Úy ! Không xong đâu ! Hãy đợi Vô Tướng về xử trí.

Thạch Đạt Lang liếc mắt nhìn ra. Trong một sát na, hắn trông thấy đầu
ông già làm vườn hồi sáng, nhưng ngay sau đó đã biến mất. Cảnh lại trở
về tịch mịch.

Cổ Bất Úy phân tâm, hai tay nới lỏng cây côn, lòng hơi rung động. Thấy
Thạch Đạt Lang vẫn đứng nguyên chỗ cũ, gã thốt một lời rủa ngắn, vận sức hai cánh tay vào cây côn quyết tâm tấn kích. Gã đổi bộ vị.

Thạch Đạt Lang xoay chuyển theo bước đi của Cổ Bất Úy, hai tay vẫn lăm lăm thanh kiếm gỗ nhưng không đổi vị trí. Hắn trầm giọng:

– Sẵn sàng !

Sự bình tĩnh của Thạch Đạt Lang làm Cổ Bất Úy nổi xung. Mắt gã lồi ra.
Gã múa cây mộc côn, đâm dứ một chiêu, hai chân nhảy lên khỏi mặt sàn rồi hạ xuống ở một bộ vị khác, nhẹ nhàng như ánh trăng đùa sóng nước. Phải
công nhận công phu của gã tuyệt luân, những thế côn của gã nhanh nhẹn và uy mãnh, địch thủ chỉ mất bình tĩnh một chút là có thể mất mạng như
chơi.

Nhưng Thạch Đạt Lang không dại. Thế thủ kiếm của hắn không có gì khác
thường, hay người ngoài trông vào tưởng thế. Hai tay giữ kiếm dọc trước
mặt, thân hình hắn hơi lùn hơn đối phương một chút và không lực lưỡng
bằng, nhưng điểm khác nhau chính là ở đôi mắt. Mắt Thạch Đạt Lang không
chớp, sắt như dao, tinh như mắt chim cắt. Hắn đứng im nhìn địch thủ múa
côn, tìm một điểm sơ hở.

Cổ Bất Úy không ngớt giương đông kích tây, phóng ra những hư chiêu làm
phân tâm Thạch Đạt Lang, người mà gã coi như một đối thủ đáng sợ. Gã lắc đầu mấy cái để mồ hôi khỏi chảy xuống mắt hay để xua đuổi những lời
cảnh cáo của ông già tóc bạc, không ai biết, nhưng mọi người đều thấy
tinh thần gã bắt đầu rối loạn. Gã thay đổi cách cầm côn nhiều lần. Nhìn
Thạch Đạt Lang vẫn đứng trơ trơ trong thế thủ kiếm, gã nghiêng mình đi
rồi xuất kỳ bất ý, vung tay ngược lại dùng côn như một cây thương đâm
thẳng vào ngực địch thủ trong một tiếng thét xung trận tựa trời long đất lở.

– Gi …ết !

Không ai rõ chuyện gì xảy ra, chỉ thấy trong võ sảnh, tiếng vang chưa
dứt, Cổ Bất Úy đã nằm dài sóng sượt, mặt úp sấp xuống sàn, ở vết kiếm
chém trên lưng máu bắt đầu loang ướt đẫm hai bên áo. Cây côn gỗ cắm sâu
vào tường trước mặt còn rung rung theo tiếng chân mọi người rầm rập chạy đến.

– Sao vậy ? Sao vậy ?

– Cổ Bất Úy nguy rồi ! Lấy thuốc, lấy thuốc rịt mau lên !

– Không kịp nữa rồi ! – Lão già ở ngoài hiên bước vào nói – Nếu ta biết
là dùng thuốc mà chữa được, ta đã không khuyên hắn đợi Vô Tướng trở về !

Mọi người vội vàng xé tấm tăng bào bịt vết thương, không ai để ý đến Thạch Đạt Lang lầm lũi đi ra cửa.

Hắn sắp sửa xỏ chân vào dép thì ông già đầu bạc đã theo tới.

– Này thí chủ !

Thạch Đạt Lang quay lại:

– Tiền bối gọi hậu bối ?

– Phải. Bần tăng có vài điều muốn hỏi thí chủ.

Thạch Đạt Lang theo ông già đến một tăng phòng nhỏ sau đại sảnh, một
phòng vuông vức, ngoài khung cửa vào độc nhất không còn lối nào khác.
Sau khi đã phân ngôi chủ khách, ông lão cất tiếng:

– Đại sư thủ tòa đáng lẽ đích thân tiếp kiến thí chủ, nhưng rất tiếc
hiện nay người đang vân du, có thể đến cuối tuần trăng mới trở về, nên
bần tăng đại diện.

Thạch Đạt Lang cúi đầu:

– Đa tạ lão tiền bối. Hậu bối rất cảm kích về bài học quí hội đã ban,
nhưng cũng xin lão tiền bối lượng thứ cho kết quả cuộc giao đấu xảy ra
như vừa rồi …

– Cõi nhân sinh vô thường, thí chủ để ý làm gì ! Hãy coi như là quả nghiệp.

– Thương thế Cổ Bất Úy ra sao, thưa lão tiền bối ?

– Hắn chết rồi.

Lời vị lão tăng không khác gì cơn gió lạnh tạt vào mặt Thạch Đạt Lang. Hắn nhắc lại:

– Chết rồi ?

Và lẩm bẩm “mô Phật” rồi cúi đầu đọc một lời cầu nguyện ngắn cho người quá vãng. Hắn thấy lòng buồn khôn tả.

– Thí chủ !

– Thưa lão tiền bối ?

– Thí chủ tên là Thạch Điền Đạt Lang ?

– Dạ phải.

– Thí chủ học võ công môn phái nào ?

– Kẻ hậu bối không có sư phụ theo nghĩa thông thường như mọi người hiểu. Trước đây, lúc còn nhỏ, gia phụ chỉ cho một vài miếng côn quyền, sau đó nhờ có duyên may mắn, hậu bối có được đọc sách rồi cứ theo sách mà
luyện kiếm giữa cảnh núi cao sông rộng. Vì vậy có thể nói võ công của
hậu bối đã được đào luyện trong thiên nhiên.

Vị lão tăng trầm ngâm một lúc rồi gật gù:

– Có lẽ thí chủ đã đi đúng đường. Công lực dồi dào quá !

Cho đó là một lời khen, Thạch Đạt Lang sượng sùng đỏ mặt:

– Lão tiền bối quá khen ! Kẻ hậu bối còn phải học nhiều !

– Không ! Không ! Ý bần tăng không phải vậy mà chỉ muốn nói công lực thí chủ quá mạnh, cần kiềm chế bớt. Cường bất khiển tất nhược.

Thạch Đạt Lang ngạc nhiên, nhướng mắt nhìn lão tăng.

– Thí chủ còn nhớ lúc gặp bần tăng ở vườn rau sáng nay không ?

– Dạ nhớ.

– Trông thấy bần tăng, thí chủ nhảy vội sang bên để tránh ?

– Đúng vậy.

– Tại sao thí chủ làm thế ?

– Hậu bối cũng không rõ. Bấy giờ, cảm thấy có một sức mạnh vô hình đe
dọa, hậu bối đã phản ứng tự nhiên. Có lẽ vì tự vệ, cũng như người tránh
một thế kiếm …

Lão tăng mỉm cười:

– Trái lại, khi thí chủ cách bần tăng chừng một trượng, chính bần tăng
cảm thấy không khí ngột ngạt, sát khí bừng bừng phát ra từ ánh mắt cũng
như dáng đi của thí chủ nên bần tăng đề phòng. Một nông dân chất phác
nào đó đi qua chắc chỉ nhìn bần tăng như một kẻ làm vườn vô hại, nhưng
thí chủ lại khác. Tham vọng cùng với nội lực hết sức sung mãn của thí
chủ không kềm chế tuôn ào ào như thác lũ, gặp bần tăng bị dội lại nên
thí chủ tưởng bần tăng sắp động thủ …

Thạch Đạt Lang nghe nói, không ngờ lão tăng này là một kỳ nhân về khí công.

Khả năng cảm nhận và phản xạ đã đạt tới mức tinh nhuệ lạ thường. Hắn
thấy mình chỉ là tên học trò ngờ nghệch. Nhìn lão tăng, trên vẻ mặt quắc thước vẫn còn phảng phất nụ cười nửa bí mật, nửa từ bi, hắn không đoán
được trong lòng vị này đang nghĩ gì.

– Đa tạ lão tiền bối đã chỉ điểm. Dám xin lão tiền bối cho biết quý tính cao danh và hiện giữ chức vụ gì trong Quang Minh hội ?

– Bần tăng không thuộc Quang Minh phái. Bần tăng là Ngộ Không, trú trì Quang Hân tự.

– À ra thế !

– Vô Niệm với bần tăng là chỗ cố cựu. Trong những thập niên trước, người và bần tăng có lưu tâm đến võ học và hợp sức nghiên cứu về thương pháp. Nhưng bây giờ bần tăng nguyện không động đến đao thương nữa.

– Vậy ra thủ tòa Quang Minh hội, Vô Tướng đại sư chính là đồ tử lão tiền bối ?

– Nói thế cũng được. Vì không muốn sử dụng võ khí vào bất cứ việc gì,
nhưng lại tiếc không muốn để mai một nền võ học đã được Vô Niệm khổ công tìm tòi, bần tăng có luận với Vô Tướng nhiều lần về những yếu quyết của thương pháp, vì xét ra hắn là người có căn bản nhất.

– Hậu bối thật vô lễ, nhưng muốn xin được tá túc tại quý tự ít lâu, chờ Vô Tướng đại sư trở lại.

– Thí chủ định tranh phong với hắn ?

– Hậu bối từ xa tới đây vẫn có ý muốn được người chỉ giáo.

Ngộ Không hòa thượng lắc đầu:

– Vô ích ! Thí chủ không có gì phải học ở Quang Minh hội cả.

– Thật ư ?

– Trong cuộc tỷ võ vừa rồi, thí chủ đã nhận thấy hết những yếu quyết về
việc sử thương của Cổ Bất Úy. Nếu còn muốn biết thêm gì nữa, thí chủ cứ
nhìn vào mắt bần tăng đây.

Ngộ Không phóng mục quang thẳng vào Thạch Đạt Lang, mắt mở lớn như lòi
ra đằng trước. Thạch Đạt Lang chăm chú nhìn hai đồng tử Ngộ Không lấp
lánh như sao, ánh mắt đỏ tía tựa hai cục than hồng, dần dần đổi ra màu
xanh biếc, sâu thăm thẳm.

Ánh bích quang tỏa ra một ma lực kỳ lạ thu hút hết ý chí của hắn làm hắn tê dại, không khác gì một con ếch nhỏ đứng trước miệng một con rắn sắp
nuốt mình. Hắn buồn ngủ, mê đi, cố gắng lắc mạnh đầu để tránh đôi mục
quang giết người ấy. Tiếng cười hắc hắc của vị lão tăng nghe mơ hồ
thoảng như hơi gió.

Tiếng cười vẫn chưa dứt thì một chú tiểu từ cửa ngoài bước vào, ghé tai vị sư già nói nhỏ. Ngộ Không khẽ đáp:

– Được, con cứ mang vào đây.

Chú tiểu đi ra, bưng vào một liễn cơm, đũa bát và một đĩa dưa muối để trên cái khay đặt lên kỷ. Vị sư già xới cơm ra bát:

– Thí chủ dùng tạm. Cơm nhà chùa đạm bạc nhưng ai đến vãn cảnh cũng được tệ tự đãi một bữa cơm chay. Đó là thường tình chứ không phải biệt lệ
gì, xin thí chủ đừng bận tâm.

Thạch Đạt Lang sực tỉnh, đưa tay áo lau mồ hôi, nhìn vị sư già thấy trên nét mặt tuy thản nhiên nhưng thoáng điểm một chút gì giễu cợt.

– Đây là dưa leo và khổ qua muối chua. Ngon lắm. Món đặc biệt của tệ tự.

Vị sư già cười nhẹ, tiếp:

– Nổi tiếng vùng này đấy ! Thí chủ từ xa đến chắc không rõ chứ ở tệ tự
nhiều người làm khéo lắm. Họ gọi là dưa muối Quang Hân. Khác với những
cách muối khác là có thêm chút húng quế và ớt đỏ, nhiều ớt đỏ …

Thạch Đạt Lang nói mấy tiếng cảm ơn và cầm đũa. Trong khi ăn, hắn vẫn
cảm thấy mục quang sắc như dao và mạnh như kiếm thép của vị sư già phóng thẳng vào mình. Kinh mạch hắn nhộn nhạo khó chịu, chẳng biết đó là sức
phản xạ mãnh liệt của chính ý chí hắn hay tạc lực ghê gớm của bậc kỳ
nhân ngồi trước mặt. Thạch Đạt Lang cắn một miếng vào quả dưa, tiếng cắn ròn tan khiến hắn có cảm tưởng như nghe mũi thương đâm qua lần giáp sắt hay như một thoi quyền đánh vào mặt, khiến những đốt xương trong đầu
hắn nứt rạn.

Rời khỏi Quang Minh hội, dư vị món dưa muối vẫn còn tê tê trên đầu lưỡi, Thạch Đạt Lang không quên được sự thật phũ phàng. Vị cay đắng của ớt đỏ muối với khổ qua nhắc hắn biết hắn đã thua. Bước nhanh dưới những vòm
lá rậm xanh đen của hàng bách cổ thụ che khuất cả ánh mặt trời chiều
đang xuống, Thạch Đạt Lang tự nhủ, chua chát:

“Ngoài khung trời này còn có những khung trời khác, cái ta hiểu thật là
nông cạn. Ta đã thắng bên ngoài, nhưng bên trong, phần tâm ý …” Một
con nai nhỏ nghe tiếng chân người, sợ hãi vùng chạy, lẩn vào trong bóng
tối của khu rừng sâu thẳm. Sực nghĩ đến Giang, Thạch Đạt Lang quay gót
theo đường cũ trở lại đền Quang Minh. Trong đền đã lên đèn, tăng chúng
đi lại vội vã, có vẻ chưa hết xúc động sau biến cố vừa qua. Thạch Đạt
Lang gọi cổng, đứng chờ một lúc lâu mới thấy một nhà sư bước ra. Nhà sư
giật mình khi nhận ra hắn trong bóng tối chập choạng.

– Thí chủ …thí chủ quên gì chăng ?

– Tại hạ quên một điều, xin quý tự vui lòng giúp. Ngày mai hoặc ngày
kia, nếu có ai đến tìm, quý tự bảo giùm là tại hạ tới trọ Ở khu bờ hồ
Sarusawa. Chỗ đó nhiều phạn điếm nhưng chắc tìm cũng không khó.

– Được !

Nghe lời đáp cụt lủn, Thạch Đạt Lang không yên bụng. Hắn thêm:

– Người tìm tại hạ là một đứa trẻ mươi, mười hai tuổi. Nó tên Giang. Phiền quý tự chỉ dẫn tường tận cho.

Thạch Đạt Lang trở lại khu rừng, theo đường mòn xuống núi. Hắn không
thoải mái, bực dọc với chính mình. Tuy là chuyện vặt, nhưng rõ ràng việc này chứng tỏ tâm trạng bối rối của hắn sau khi bị thua vị sư già mày
trắng. Hắn chưa đủ bình tĩnh, quên cả những chuyện cần phải làm, chưa đủ trưởng thành chấp nhận lẽ hơn thua, chưa phá được sai lầm của chấp ngã
thì làm sao đạt tới chân như, mục đích tối hậu của kiếm học?

oo Trong hai thập niên vừa qua, vùng hạ lưu sông Sai và bờ hồ Sarusawa
phát triển mạnh. Nhà cửa, hàng quán đủ loại mọc lên như nấm. Mới đây,
quan đầu xứ đặt bản doanh tại thị trấn gần đó nên số công sai, nha lại
lui tới rất đông làm vùng này trở thành một xóm sầm uất.

Cũng như ở các nơi khác, hễ chỗ nào đông người là có người Tàu đến buôn bán.

Một người Tàu mở cửa hàng ăn chuyên nghề làm bánh bao mới đến lập nghiệp chừng một năm bây giờ đã phát đạt. Nghe nói bác ta học được nghề làm
bánh chân truyền của Hồ Vọng Xương, mà bánh bao Hồ Vọng Xương thì nổi
tiếng là ngon không ai bì kịp.

Thạch Đạt Lang đến xóm bờ hồ, trời đã gần khuya vậy mà hàng quán vẫn còn để đèn sáng trưng, khách ra vào tấp nập. Phạn điếm tuy nhiều, nhưng
Thạch Đạt Lang kén kỹ, không dám đến những nơi có vẻ sang trọng. Hắn
chẳng có bao nhiêu tiền; số bạc Tôn gia tặng đã vơi đi nhiều, tuy nhiên
hắn lại muốn trọ Ở một nơi nào không đến nỗi xa mặt phố để đồ đệ dễ tìm. Thạch Đạt Lang mới ăn cơm ở chùa mà bây giờ đã đói vì phải đi một quãng khá xa từ trên núi xuống. Mùi xào nấu và mùi bánh bao vừa chín tời từ
một quán ăn đưa ra ngào ngạt làm con tì con vị hắn cồn cào. Hắn đứng tần ngần dưới hiên quán ăn một lúc rồi mạnh dạn bước vào. Quán đông người,
tửu bảo bận tíu tít. Thạch Đạt Lang gọi vài cái bánh bao, thấy cái nào
trên mặt cũng có đóng dẫu chữ “Hồ ” đỏ chót. So với bữa cơm chay ăn hồi
chiều, bánh tiệm này quả thật thơm ngon, chưa bao giờ hắn được thưởng
thức bánh ngon như thế.

Thiếu nữ đứng rót trà, nhìn dáng điệu và y phục Thạch Đạt Lang khác lạ bèn hỏi:

– Qúy khách từ phương xa đến ?

– Phải.

– Qúy khách đã định trọ đâu chưa ?

Thạch Đạt Lang đương phân vân, nghe hỏi như người được gãi đúng chỗ ngứa, vội nắm ngay lấy cơ hội:

– Chưa, cô nương biết quán nào chỉ giùm. Ta ở xa đến, chẳng rõ đường lối.

– Vậy may quá. Tiểu nữ có người bà con, nhà còn dư căn phòng rộng vẫn
thường để khách vãng lai đến tạm trú. Vừa dịp ông khách trước mới đi,
phòng còn để trống, để tiểu nữ hỏi xem.

Rồi không đợi trả lời, nàng quay gót đi ngay, bước nhanh và gọn như bước chân chim. Lát sau, dẫn đến bàn một thiếu phụ, lông mày cạo nhẵn và vẽ
cong như kiểu lông mày các phụ nữ đã xuất giá, có lẽ là vợ chủ quán.
Thiếu phụ giới thiệu sơ sơ nhà trọ, tuy ở gần thị trấn nhưng yên tĩnh,
thật hợp ý Thạch Đạt Lang. Hắn gật đầu ưng thuận.

– Nhà đó của bà chị ta. Qúy khách yên tâm không phải lo tiền trà nước đâu !

Thạch Đạt Lang đứng dậy, gọi tửu bảo trả tiền rồi theo thiếu phụ ra cửa.

oo Căn nhà có gác, ở lui vào phía trong một khu vườn nhỏ, trông ấm cúng
và dễ thương lạ. Thiếu phụ gõ cửa, một tỳ nữ bước ra mở cổng. Hai người
đàn bà nói nhỏ với nhau một hồi, thỉnh thoảng lại đưa mắt liếc về phía
Thạch Đạt Lang. Hắn đứng xa xa, đảo mắt nhìn quanh. Gốc tùng cổ thụ bên
hòn đá rêu phong, vài khóm cúc đầu mùa điểm hoa vàng lấm tấm bên hàng
giậu tre thưa, gây cho hắn một cảm tình quyến luyến đặc biệt.

Người tỳ nữ mời Thạch Đạt Lang vào nhà và đưa lên phòng trên gác. Căn
phòng đối với hắn thật quá sang trọng làm hắn hơi bối rối. Hắn thắc mắc
không hiểu sao một gia đình vào loại khá giả như thế này lại cho khách ở trọ, bèn hỏi thì người nữ tỳ chỉ cười mà không nói.

Thạch Đạt Lang đã ăn chiều, thay quần áo đi tắm rồi vào phòng nằm nghỉ.
Tuy nhiên, ý nghĩ này vẫn lởn vởn trong trí cho đến khi giấc ngủ đến nhẹ nhàng, ru hắn vào một thế giới bình yên không mộng mị.

Sáng hôm sau, Thạch Đạt Lang nói với ả nữ tỳ:

– Ta đang đợi một người nên muốn lưu lại đây một hai ngày, được không ?

– Xin quý khách tùy tiện. Chủ nhân đã đến kia !

Vừa hay một thiếu phụ trạc ba mươi tuổi bước vào, phong tư thanh nhã,
nét mặt như hoa, dung nhan thật diễm lệ. Thạch Đạt Lang cúi chào, nhân
thể hỏi lý do vì sao bà nhận khách trọ. Nữ lang che miệng cười chúm
chím:

– Chẳng giấu gì quý khách, tiện thiếp là góa phụ. Tiên phu trước đây
diễn tuồng Nô, khi còn sinh thời cũng có đôi chút danh tiếng. Thiếp sống một mình, nhiều phen sợ hãi, nhất là vào lúc này ở Nara, quân cường
khấu dòm dỏ khắp nơi nên e ngại lắm.

Ngừng một chút, nữ lang lại tiếp:

– Như quý khách thấy đấy, trong vùng thiếu gì hồng lâu và quán rượu,
nhưng bọn chúng vẫn chưa vừa lòng, thường tụ tập đến quấy nhiễu những tư gia lương thiện, nhất là những nhà không có đàn ông. Chúng gọi như thế
là “đi thăm quả phụ”.

Thạch Đạt Lang mỉm cười:

– Thế ra phu nhân nhận khách trọ vì cần người bảo vệ đấy !

Nữ lang cười theo, cúi đầu e lệ:

– Quả vậy ! Trong nhà không có đàn ông, quý khách cứ tùy tiện ở bao lâu cũng được.

– Cảm ơn phu nhân. Xin cứ yên tâm, tại hạ còn ở đây ngày nào, sẽ cố gắng giữ an toàn cho phu nhân ngày ấy. Duy có điều, tại hạ đang đợi người
thân, phiền phu nhân cho treo bảng ngoài cửa đề tên tại hạ để người quen dễ kiếm.

Nữ lang hớn hở sai nữ tỳ viết tên khách vào mảnh giấy dán ra cổng ngoài.

Thằng Giang cả ngày hôm đó không tới, nhưng trưa hôm sau có ba người ăn
mặc theo kiểu kiếm sĩ giang hồ đến thăm. Nữ tỳ ra mở cổng. Bọn này chẳng hỏi han gì, gạt phắt sang bên xăm xăm bước thẳng lên lầu. Thạch Đạt
Lang trông bọn họ phảng phất quen mặt, mãi sau mới nhớ ra là những người hắn đã gặp tại võ sảnh đền Quang Minh khi tỉ đấu với Cổ Bất Úy.

Phân ngôi chủ khách xong, ba kiếm sĩ tranh nhau tâng bốc Thạch Đạt Lang:

– Đại ca thật là vô địch ! Tiểu đệ chưa bao giờ thấy ai giỏi như thế !
Không phải nịnh đại ca, chứ chuyện vừa rồi lọt ra giang hồ thì Quang
Minh chỉ còn nước đeo mo vào mặt.

– Phải ! Phải ! Đại ca là khách phương xa mà chỉ một nhát kiếm đã hạ đệ nhất cao thủ của thất trụ Quang Minh hội. Chà chà …

Hắn vừa nói vừa múa tay diễn lại thế kiếm của Thạch Đạt Lang.

– Đại ca biểu diễn chiêu đó vô song, không tiền khoáng hậu.

– Đúng là thánh kiếm !

– Lại còn trẻ nữa chứ ! Nhất ! Nhất !

– Phái lạc thảo võ lâm chúng đệ mới được biết đến phương danh lần này là lần đầu, rất lấy làm bội phục !

Thạch Đạt Lang nghe mà đỏ mặt. Hắn ngượng nghịu không biết đáp ra sao và cũng không biết đáp vào lúc nào nữa vì cả ba người kia tranh nhau tán
tụng không ngớt miệng. Kẻ nói, người ăn bánh uống trà xì xụp, vụn bánh
vãi tung tóe quanh chỗ ngồi.

Chờ cho cả bọn nói đã chán, Thạch Đạt Lang mới từ tốn hỏi danh tính. Một người xem chừng là đàn anh trong đám vội lên tiếng:

– Ấy quên ! Tiểu đệ tên là Thang Mộc, phục thị dưới trướng quan đầu xứ Nhiễm Chúc. Tên này là Châu Toàn Thông.

Rồi hất hàm về phía người thứ ba – Còn tên kia là Hoàng Dung Am, ba đời lạc thảo, bây giờ vẫn đói rách. Anh em cả mà, đại ca !

Thạch Đạt Lang tự hỏi không biết bọn này có mục đích gì, sao không nói ra mà cứ quanh co mãi. Hắn hỏi thẳng:

– Tại hạ đoán các vị đến đây chắc phải có chủ ý. Vậy xin cho biết cao kiến.

– Cao kiến mẹ gì ! Muốn mời đại ca nhập đảng mà.

Nhưng người có dáng đàn anh tên Thang Mộc trừng mắt nhìn, gạt đi và nói:

– Thật ra bọn tiểu đệ phải có mục đích chứ ! Chả là anh em tiểu đệ có dự tính tổ chức một màn thí võ dưới chân đồi Kasuga để mời bách tính đến
coi, trước mua vui đánh cuộc, sau để tìm danh thủ võ lâm. Võ đài đã dựng xong rồi, nhưng bọn đệ tự thấy tài còn kém cỏi, nếu chẳng may bị thua
thì bao nhiêu tiền bạc thành nước lã ra sông hết.

Thấy Thạch Đạt Lang vẫn ngồi im, hắn tiếp tục:

– Bọn đệ muốn mời đại ca hợp tác. Nếu đại ca bằng lòng thì sẽ chia tiền
lời đánh cá, ngoài ra bao nhiêu phí khoản ăn uống, cư trú, bọn đệ sẵn
sàng bao biện hết. Đại ca thử nghĩ coi, với tài sức của đại ca thì có
lợi cho cả đôi bên, bọn đệ có tiền uống rượu mà đại ca cũng không phải
lo độ nhật.

Thạch Đạt Lang cười khẩy:

– Nếu đó là những điều các vị tính toán thì chẳng nên bàn thêm nữa làm gì. Tại hạ không lưu tâm.

– Sao vậy ?

Thang Mộc ngạc nhiên hỏi:

Sự phẫn nộ của Thạch Đạt Lang thình lình nổ tung ra như tiếng sét. Hào khí bừng bừng, hắn quát lớn:

– Tại sao hả ? Tại vì ta không phải là thảo khấu ! Ta ăn cơm bằng đũa chứ không phải bằng gươm !

Bọn kia ngạc nhiên há hốc mồm:

– Thế nghĩa là thế nào ?

– Chúng bay không hiểu ư, đồ ngu ! Ta là kiếm sĩ, suốt đời sẽ giữ danh
dự kiếm sĩ, dù có phải chết đói cũng không theo chúng bay, hiểu chưa ?
Bây giờ thì cút đi !

Một tên trong bọn nhép miệng định nói gì lại thôi. Thang Mộc mặt đỏ như gấc, lắp bắp:

– Được rồi ! Ngươi sẽ biết tay !

Chúng nhất tề đứng dậy nhưng biết dù cả ba hợp lực lại cũng khó mà địch
nổi Thạch Đạt Lang nên hỗn độn rút ra cửa. Rời khỏi phòng, rầm rập xuống lầu, chúng vẫn còn day tay mắm miệng làm ra vẻ đe dọa.

Tối hôm đó trời sáng trăng suông. Sương đêm mờ mờ, cả khu vườn như tắm
trong một màn khói mơ hồ trắng đục. Chủ nhân mời Thạch Đạt Lang xuống
dùng cơm chiều, đãi hắn một vài món đặc biệt do chính tay bà nấu và rượu sa-kê hảo hạng. Men rượu thấm dần vào da thịt, hắn say phơi phới.

Trở lên phòng trọ, ngồi dựa lưng bên kỷ, Thạch Đạt Lang nghĩ ngợi mông lung.

Hắn nhớ đến Ngộ Không, vị lão tăng kỳ dị, sự thua kém của mình rồi khẽ lắc đầu:

“Thật xấu hổ !”.

Những địch thủ trước đây hắn đã giết hoặc đánh bị thương trên bước đường giang hồ, chẳng bao giờ hắn nghĩ đến. Chúng như những bông tuyết tan đi khi ánh mặt trời chiếu tới, nhưng với Ngộ Không thì khác hẳn. Hình ảnh
vị sự già với đôi mắt sáng quắc, sâu thăm thẳm và đầy ma lực cùng với
những tràng cười hăng hắc theo đuổi hắn mãi không thôi. Một cảm giác
thua kém khó chịu làm hắn bực bội.

Hay kiếm đạo tự nó không phải là cứu cánh. Hắn tự học kiếm, không đủ
khách quan để lượng giá kỹ thuật của chính mình, nay gặp thất bại lại
càng nghi ngờ. Ngộ Không nói công lực hắn quá mạnh, cần kềm chế, hắn
thật không hiểu. Từ trước đến nay, hắn vẫn cho công lực là căn bản. Công lực mạnh đâu phải là khuyết điểm ! Ngày trước hắn không ưa suy nghĩ,
chỉ hành động theo bản năng. Sau khi ở thạch thất ra, qua nhiều năm đọc
sách và suy tư, hắn đã trở thành người khác:

việc gì làm cũng không khỏi qua nhận thức, phán đoán rồi mới chấp nhận
hay gạt bỏ. Không những đối với những thế kiếm hắn sáng tạo ra mà còn
trong mọi cách cư xử. Hay Ngộ Không muốn nói đến công lực tinh thần, sức mạnh nội tâm man rợ hắn chưa kềm chế được chứ không phải công lực thể
chất. Có thể vậy lắm. Vị sư già không biết đã nhận thức được như thế hay chỉ đoán mò …

Thạch Đạt Lang nhức đầu không nghĩ nữa. Để tự trấn an, hắn cho rằng sự
hiểu biết thuần túy sách vở chẳng ích lợi gì. Đối với một kiếm sĩ, chậm
một sát na có thể mất mạng. Nếu gặp đối thủ ngang tài thì liệu vị lão
tăng kia còn sống nổi không, nếu chỉ trong một thoáng, ông chớp mắt ?

Bước chân vội vã lên thang gác làm hắn tỉnh mộng. Nữ tỳ vào phòng, theo
sau là Giang. Da Giang vốn đen, bấy giờ trông càng sậm lại vì nắng gió
và bùn đất, tóc phủ đầy bụi như rắc một lượt phấn trắng. Thạch Đạt Lang
mừng rỡ đứng lên giơ hai tay đón tên học trò nhỏ. Giang ngồi bệt xuống
sàn thở dốc:

– Mệt quá !

– Con tìm ta có dễ không ?

– Dễ gì ! Con muốn bỏ cuộc luôn, chỗ nào cũng xông vào mà không thấy. Sao thầy lại ở đây ?

– Vậy con không hỏi đền Quang Minh à ?

– Có chứ, nhưng họ không biết thầy là ai.

– Vậy hả ?

Mắt Thạch Đạt Lang khép nhỏ lại:

– Ta đã nói rõ nhờ họ chỉ con đến khu này mà ! Nhưng thôi, gặp được con là mừng rồi. Đói không ?

Giang không trả lời, tháo ống quyển trên cổ đưa Thạch Đạt Lang:

– Đây là thư Hoa Sơn phúc đáp. Con không tìm được ông Mãn Hà Chí nhưng đã nhờ người nhắn tin cho ông ấy biết.

– Vậy tốt. Bây giờ đi tắm rồi xuống nhà ăn cơm.

Thạch Đạt Lang mở thư đọc. Sĩ Khánh nhận lời thách đấu, sẵn sàng gặp hắn vào mùa xuân năm sau, nếu không đến thì hắn bị coi như hèn nhát và phái Hoa Sơn sẽ yết cáo thị khắp nơi thông báo chuyện đó để giang hồ biết.
Nét chữ xiêu vẹo, lời thư huênh hoang, tuồng như không phải do chính
chưởng môn phái Hoa Sơn viết.

Đọc thư xong, Thạch Đạt Lang châm lửa đốt. Tàn tro bay cao lập lờ trên
không như những cánh bướm đen rồi chậm rãi rơi xuống sàn. Hắn lơ đãng
nhìn tàn tro, lòng buồn vời vợi. Sang năm, cuộc gặp gỡ xảy ra hiển nhiên không phải là cuộc gặp gỡ tầm thường, nhưng là một cuộc tỷ đấu sinh tử
giữa một môn phái đông người và hắn, một kiếm sĩ cô thế.

Thạch Đạt Lang chấp nhận cuộc sống giang hồ không có ngày mai. Sống bữa
nay chưa biết hoàng hôn hôm sau ra sao, mình hay Sĩ Khánh sẽ giống như
cánh bướm đen kia, âm thầm rã mục cùng cây cỏ ? Ý nghĩ ấy làm hắn thở
dài ảo não. Còn bao nhiêu việc phải làm, hắn muốn trở nên một kiếm sĩ
trừ gian khử bạo, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được điều gì theo sở nguyện. Lòng Thạch Đạt Lang lúc này còn vướng mắc nhiều ham muốn:

tiền bạc, ngựa xe, kẻ hầu người hạ, một căn nhà ấm cúng với vợ con quấn
quít. Đôi khi hắn mơ một mối tình nồng nàn, nhưng suốt trong những năm
theo đuổi kiếm học, chưa có lúc nào có hay không dám có một người tình.
Thạch Đạt Lang đã đi nhiều nơi, gặp nhiều phụ nữ khả ái, không phải chỉ
khuôn mặt kiều diễm của họ làm hắn ưa thích mà đôi khi lòng khao khát
xác thịt của tuổi dậy thì bừng bừng nổi dậy làm hắn khó chịu. Hắn phải
dẹp đi không nghĩ đến nữa.

Những ý tưởng lan man đưa hắn nhớ đến Oa Tử. Con người hiền dịu ấy, hắn
coi như cô em gái dễ thương, lần cuối cùng gặp mặt cách đây thế mà hơn
một năm rồi, nhưng mỗi khi nghĩ đến, hắn không khỏi bâng khuâng xúc
động.

Ngồi mơ mộng chẳng biết bao lâu, khi Giang ăn cơm xong lên phòng, hắn
mới bừng tỉnh. Thằng bé tắm sạch sẽ, đã thay áo mới, đến ngồi nghiêm túc bên kỷ trà. Nó hãnh diện làm xong nhiệm vụ thầy giao phó, nhưng mỏi mệt không còn liến thoắng nữa, một lúc sau ngủ gục ngay trên chiếu. Thạch
Đạt Lang cúi xuống bế nó lên giường.

oo Mặt trời vừa mọc, Giang đã tỉnh dậy cùng với tiếng chim sẻ ríu rít.
Thạch Đạt Lang cũng dậy sớm vì hắn có ý định rời Nara ngay ngày hôm đó.
Đương xếp hành trang thì bà chủ vào, hai tay ôm một hộp quần áo.

– Nghe nói quý khách ra đi, sao vội thế ?

– Phu nhân tha lỗi, tại hạ có chuyện cần.

– Qúy khách lưu lại nơi đây thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng cũng làm cho
cảnh nhà đỡ lạnh lẽo, nên có món quà mọn này tặng quý khách. Xin đừng từ chối.

Góa phụ mở hộp lấy ra một chiếc kimono lụa và một áo khoác ngoài bằng
gấm, nét vẽ đơn sơ nhưng trang nhã. Thạch Đạt Lang ngạc nhiên trố mắt
nhìn không hiểu.

– Những món này là của tiên phu, trong nhà còn nhiều lắm. Thiếp đã sửa
lại cho vừa, nếu quý khách không nhận, thiếp cũng chẳng biết làm gì. Để
vô dụng uổng lắm.

Trước sự thành tâm của thiếu phụ, Thạch Đạt Lang không tiện từ chối,
đành cảm ơn và líu ríu vâng lời như đứa trẻ khi mẹ bảo thử áo. Nữ lang
vòng ra phía sau, cầm áo cho hắn xỏ tay. Hắn bẽn lẽn, mặt đỏ rừ.

– Khéo như in, vừa lắm rồi !

Giang đứng bên, hai tay chắp sau lưng, ngắm nghía:

– Thế còn cháu, phu nhân cho cháu cái gì ?

Nữ lang cười vui vẻ:

– Cháu đi theo sư phụ tài ba này, đẹp trai này, còn đòi gì nữa ?

Nó dỗi:

– Áo cũ mèm, đẹp nỗi gì ?

– Thế cháu muốn thứ gì ?

Giang chạy ngay ra hành lang, gỡ chiếc mặt nạ tuồng Nô treo trên vách rồi nói:

– Cháu muốn cái này !

Giang đã để ý chiếc mặt nạ ngay từ sáng sớm, thích lắm. Nó cầm chiếc mặt nạ trong tay, áp vào má để thấy cảm giác mát rượi của thớ gỗ. Thạch Đạt Lang ngạc nhiên vì trình độ thẩm mỹ của thằng bé. Hắn cũng đã để ý đến
chiếc mặt nạ ngay từ khi mới đến trọ, khen công trình điêu khắc của
người làm ra nó tinh vi và sống động. Mặt nạ không biết làm từ thời nào
nhưng chắc là xưa và đã được dùng nhiều trong những màn vũ long trọng.
Không giống như những chiếc khác sơn vẽ lòe loẹt, mặt nạ này để mộc, có
những nét thanh nhã của gương mặt một thiếu nữ nhan sắc. Duy một điều
mép bên trái nhếch cao lên phô hàm răng trông dễ sợ với những sợi tóc
thưa rủ xuống dài và đỏ quạch. Không phải mặt một người thường mà là mặt của một thiếu nữ điên dại.

– Không được ! Cái đó không được đâu !

Nhưng Giang đã đeo mặt nạ lên đầu, tránh né bà chủ vừa cười vừa đuổi theo nó chạy quanh phòng.

– Phu nhân cho cháu ! Bây giờ phu nhân còn dùng cái này làm gì ?

Thạch Đạt Lang bối rối vì cử chỉ của tên đồ đệ, quát:

– Giang !

Rồi giơ tay định túm lấy nó. Giang nhanh nhẹn luồn qua tay sư phụ, chạy
xuống lầu. Nữ lang đuổi theo, tuy không tỏ vẻ gì phật ý, nhưng rõ ràng
không muốn để mất chiếc mặt nạ.

Thạch Đạt Lang thu dọn xong, ngồi trên bực gỗ định đợi tên tiểu đồ về sẽ trách mắng. Bỗng Giang ở đâu chạy ra “òa” một tiếng. Hắn giật bắn mình
đứng phắt dậy.

Trong cảnh tranh tối tranh sáng của căn phòng, thằng bé trông như con
quỷ, mép nhếch lên, tóc buông dài xõa ra sau gáy. Thì ra nó đeo cái mặt
nạ dữ tợn và sinh động đến nỗi Thạch Đạt Lang không ngăn nổi hồi hộp.

– Giang ! Sao chưa trả lại cho bà chủ ?

– Bà chủ cho con rồi mà !

– Nói bậy ! Cho lúc nào ?

– Mới đây, ở ngoài vườn. Con đã trả cho bà, nhưng bà nghĩ lại, lại cho
con. Bà bảo nếu con thích thì cứ giữ, nhưng phải giữ cẩn thận. Con đã
hứa với bà rồi !

– Thật cái thằng này ! Ta chẳng biết phải xử trí ra sao nữa !

Thạch Đạt Lang chưa giúp được nữ lang điều gì mà đã nhận áo, nay học trò lại lấy chiếc mặt nạ mà bà ưa thích. Hắn ngượng, muốn trả ơn nhưng thấy bà chẳng cần tiền, món tiền nhỏ của hắn chỉ tổ mua cười, mà trong hành
trang hắn chẳng có vật gì đáng giá.

Hắn xuống lầu gặp bà chủ, ngượng ngùng xin lỗi về hành động vô lễ của
học trò và cầm chiếc mặt nạ hoàn lại. Nhưng nữ lang cười, nói:

– Không ! Qúy khách chẳng nên quản ngại. Nghĩ cho cùng, thiếp chẳng dùng nó làm gì mà thằng bé có vẻ thích lắm. Cái đẹp nhất và đẹp mãi là cái
đẹp mình dành cho người khác thưởng ngoạn, có phải không quý khách ?

Thạch Đạt Lang cảm động cúi xuống buộc lại quai dép.

Từ giã căn nhà trọ, mới đi được vài bước, hai thầy trò thấy vợ người chủ quán bán bánh bao hớt hải chạy đến:

– Khách quan ! Khách quan ! Dừng lại đã …

Bà ta thở hổn hển, giọng lạc đi:

– Quang Minh hội biết tin khách quan ra đi nên cho người phục kích ngoài cách đồng Hannya. Đông lắm …

– …

– Có cả vị thủ tòa nữa. Trượng phu ta biết chuyện, bảo đến báo khách quan hay.

– Thật ư ? Sao lại có chuyện đó ?

– Không biết, nhưng rất nguy hiểm. Khách quan nghĩ lại, tránh voi chẳng
xấu mặt nào, hãy lưu lại đây vài ngày, chờ tối trời lẻn đi đừng để ai
biết …

Thạch Đạt Lang bình tĩnh:

– Phải chăng đại nương nói họ đợi tại hạ Ở đồng Hannya ?

– Không rõ địa điểm có đúng không nhưng thấy đi về hướng ấy. Ngoài chư
tăng ra còn nhiều tay kiếm giang hồ khác nữa. Khách quan có nói xấu gì
đền Quang Minh hay làm điều gì xúc phạm đến các vị ấy không ?

– Không.

– Hình như tăng chúng trong đền giận dữ về việc khách quan sai người yết bảng khắp nơi làm nhục họ, vẽ hình một vị tăng bị chém chết.

– Họ lầm. Tại hạ đâu có thuê ai yết bảng bao giờ.

– Vậy thì khách quan lại càng không nên chết vì việc người khác làm bậy.

Thạch Đạt Lang ngước nhìn trời, tư lự. Hắn nghĩ tới ba tên du đãng tới
thăm hắn bữa trước, có thể chính chúng đã đồn đại và phao vu cho hắn
thuê chúng làm nhục Quang Minh hội. Chí đã quyết, Thạch Đạt Lang nói:

– Tại hạ cám ơn, nhưng không thể lưu lại được.

Rồi xốc lại hành lý trên vai, hắn bảo Giang:

– Đi con !

Nữ lang chủ trọ thấy ồn ào ngoài cổng, chạy ra nghe chuyện, giữ hắn lại.

– Tại hạ phải đi. Còn lưu lại ngày nào chỉ gây thêm phiền phức cho phu nhân mà thôi !

Nước mắt chạy quanh, nữ lang khẩn khoản:

– Không sao, không phiền gì hết ! Qúy khách ở lại an toàn hơn.

– Không được ! Giang, con cám ơn phu nhân đi rồi lên đường.

Nghe lời sư phụ, Giang cúi chào cảm ơn hai người đàn bà. Nó cũng sụt
sịt, không phải vì tiếc phải từ giã một nơi êm ấm nhưng vì lo lắng. Nó
chưa rõ tài năng của người nó thờ làm sư phụ. Ở Kyoto, người ta vẫn cho
thầy nó là tên khiếp nhược. Nghĩ đến bao nhiêu cao thủ Quang Minh đang
chờ thầy trò nó để ra tay, Giang sợ hãi quá chừng.

Trong trái tim bé bỏng của nó, một nỗi lo âu dâng lên tràn ngập.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN