Thạch Kiếm - Chương 17: Nhành Mẫu đơn
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Thạch Kiếm


Chương 17: Nhành Mẫu đơn


Trúc Lâm cốc chạy dài dưới chân núi Kasagi, về phía đông bắc Nara. Gọi là cốc, nhưng thật ra là một thung
lũng hẹp, bốn bề vách đá hiểm trở bao vây, ban ngày chỉ thấy mặt trời từ giờ tị đến cuối giờ mùi. Những lúc khác, cả thung lũng chìm trong bóng
tối hoặc ẩn sau một màn sương mù dày đặc, nhất là vào những ngày u ám.

Vào đầu thế kỷ , một làng được lập ngay trong cốc. Dân làng khá đông,
chuyên nghề tầm tang và dệt lụa. Vì ít tiếp xúc với những thị trấn bên
ngoài, Trúc Lâm cốc vẫn giữ nguyên được nền nếp thanh bình như khi mới
lập. Giữa cốc là một tòa nhà lớn, dân làng thường gọi là Đại lâu, vừa
dùng để hội họp, vừa để gìn giữ những di sản văn hóa trong cốc. Một
tường đá kiên cố với lũy tre dầy bao bọc quanh làng, kín như rừng, nên
cốc có tên là Trúc Lâm.

Cảnh trí Trúc Lâm đẹp như tranh vẽ. Vách đá sừng sững cao đâm thấu trời
xanh, cổ thụ mọc trên vách đá không biết từ đời nào và chịu bao sương
tuyết mà thân cành vặn vẹo, nhưng không vì thế kém tươi tốt. Những chùm
lá xanh đen, cứ vào mỗi đầu xuân lại thi nhau đâm chồi nẩy lộc, tung ra
sức sống mãnh liệt tiềm ẩn trong thớ gỗ. Vào những ngày đẹp trời, ánh
dương mới mọc chênh chếch chiếu lên sườn núi làm ửng lên muôn ngàn sắc
độ của thảm rêu trên những mỏm đá cheo leo trông rất ngoạn mục. Nước
suối thì trong và mát, đem pha trà thật không gì sánh kịp. Vườn mai gần
đó nở trắng hoa, mỗi khi xuân đến rộn tiếng họa mi véo von, trong như
nước suối.

Xã trưởng Trúc Lâm là một tay kiếm sĩ tuổi trung niên. Tổ tiên ông đến
đây lập nghiệp đã lâu đời và đã góp phần rất lớn vào việc dựng nên cốc
này. Ông theo truyền thống tiền nhân, đem hết tâm lực bảo vệ cho cốc
không bị cường khấu quấy phá, lại giữ gìn hảo tục thuần phong, lo cho
dân làng có đủ đất đai cày cấy, thành ra mọi người đều yên vui no đủ
lắm. Trong cảnh hỗn loạn sứ quân của nước Nhật vào cuối thế kỷ mười sáu, Trúc Lâm cốc thật là một nơi lý tưởng để sinh sống và di dưỡng tính
tình.

“Địa linh sinh nhân kiệt”, người xưa nói quả không sai. Trúc Lâm là nơi
sinh trưởng của một đại kiếm sĩ, bốn mươi năm trước đây danh tiếng lừng
lẫy giang hồ tên Trúc Mộ Chính. Kiếm thuật của Trúc Mộ gia không huê
dạng nhưng nhanh và gọn vô cùng. Ông cho rằng kiếm không phải là một thứ đồ chơi, múa lấy đẹp mắt. Ông ít khi sử kiếm, vì cho rằng kiếm thuật
không phải là cứu cánh của kiếm đạo, nên chỉ dùng kiếm khi vạn bất đắc
dĩ và khi nội tâm thật bình tĩnh, không bị thất tình và ngoại cảnh chi
phối. Ông thường nói với môn sinh:

“Mục đích tối hậu của kiếm đạo là không dùng kiếm”. Quan niệm này của
Trúc Mộ Chính đã được nhiều danh kiếm đương thời đem ra thảo luận và
cũng chính là trọng tâm, nếu không nói là cốt tủy của trường phái Trúc
Mộ.

Trúc Mộ lão giờ tuổi đã cao, lui về ở ẩn trong một ngôi nhà cỏ cách Đại
lâu không xa. Ông không quan tâm gì đến thế sự nữa, mọi tiếng thị phi
đều gác bỏ ngoài tai. Con cháu Trúc Mộ là những người có khả năng, ông
thấy không có lý do gì mà không rửa tay treo kiếm.

oo Khi thầy trò Thạch Đạt Lang đến Trúc Lâm cốc, chuyện xảy ra tại đồng
cỏ Hannya đã qua được mười ngày. Trên đường đi, Thạch Đạt Lang có dịp
viếng thăm nhiều thắng tích, trong lòng rất lấy làm khoái hoạt. Hắn cùng tiểu đồ vào trọ trong quán Mãn Ý ngay đầu làng, với dự định nghỉ ngơi
ít bữa, đồng thời tìm cách liên lạc để được yết kiến Trúc Mộ tiên sinh.

Nhân lúc nhàn rỗi lại gặp tiết trời ấm áp, Thạch Đạt Lang mặc áo mỏng
cùng tiểu đồ đi dạo. Thầy trò đi một lúc, Thạch Đạt Lang quan sát cảnh
vật xung quanh, miệng lẩm bẩm:

– Lạ ! Lạ quá !

Hắn nhắc đi nhắc lại nhiều lần chữ “lạ quá” làm Giang chú ý, ngẩng lên nhìn sư phụ:

– Thầy nói cái gì lạ ?

Đối với Giang, làng này chẳng có gì lạ. Nó cũng như trăm nghìn làng khác mà thôi. Có điều thấy thầy nó lẩm bẩm một mình, nó cho rằng thầy nó lại sắp giở chứng. Ấn tượng một người tâm trí không bình thường vẫn chưa
thoát khỏi khối óc ngây thơ của nó.

– Hơn một năm nay ta đã đi nhiều nơi, Settsu, Kawachi, Izumi, Kyoto, Narạ..

nhưng chưa nơi nào ta thấy cảnh vật như ở đây.

– Cảnh vật ở đây thế nào, khác với nơi khác ra sao, thầy ?

– Ở đây nhiều cây hơn.

Giang cười như nắc nẻ:

– Nhiều cây hơn ? Cây thì chỗ nào gần rừng mà chả nhiều !

– Ờ, nhưng cây ở đây khác. Cây vùng này to, lại nhiều cổ thụ. Như vậy có nghĩa là từ lâu không ai đốt rừng, không có giặc giã, dân cũng không
đến nỗi nghèo phải chặt cây mang về làm củi sưởi.

Giang gật đầu, cho là sư phụ nói đúng.

– Đồng lúa xanh tốt, ruộng dâu mơn mởn, vậy là có người chăm sóc. Này !
Con có nghe tiếng xa quay tơ kêu cút kít không ? Hình như nhà nào cũng
có khung cửi thì phải !

Mọi người đều vui tươi, thấy khách lạ ăn mặc lành lặn đi qua không nhìn với đôi mắt ganh tị, vậy là tốt lắm !

– Dạ. Thầy còn thấy điều gì khác nữa không ?

– Có chứ ! Cứ thế mà suy ra thì dân vùng này phần nhiều đều no đủ. Ta
chắc xã trưởng phải là người sáng suốt, khôn khéo; hẳn ông ta có sẵn
dưới tay nhiều binh khí tốt, tráng đinh khỏe mạnh, giỏi chiến đấu …

– Chắc thế. Nhưng chuyện đó can dự gì đến ta ?

– Hừ ! Thằng này chẳng biết gì !

– Sao thầy bảo đi học kiếm ? Thầy đến đây để ngắm cảnh đấy à ?

– Con còn bé, chưa hiểu, nhưng ta cũng nói để con rõ, sau này biết đâu
con chẳng còn được gần ta nữa. Mang kiếm không phải để bon chen, tìm
miếng đỉnh chung. Kẻ nào chỉ biết ban ngày ăn cho nó, tối ngủ cho yên, ỷ có võ khí hăm dọa người khác, kẻ đó chỉ là phường cường khấu. Muốn theo kiếm đạo, con phải quyết tâm giữ cho lòng trong sạch, nghiêm khắc với
chính mình, quan sát và luôn học hỏi để thăng tiến, đồng thời nắm vững
kỹ thuật khi giao đấu. Cho nên con cần đi nhiều hiểu rộng để biết suy
xét mọi người mọi việc chung quanh, tìm hiểu các căn nguyên của sự việc
trước khi dùng kiếm.

Lưỡi kiếm của con sẽ là lưỡi kiếm để bảo vệ lẽ phải …

Nói đến đây Thạch Đạt Lang khựng lại. Trong cơn cao hứng, hắn đã đi quá
xa, nói những điều chắc thằng bé không thể hiểu được, nhưng hắn không
hối hận. Trong lúc nói, hắn đã thật lòng giải tỏ cả tâm can, phơi bày
những ước mong, chí hướng của mình.

Giang lắng nghe sư phụ, hỏi nhiều câu ngây ngô, Thạch Đạt Lang vẫn nhẫn
nại giải đáp bằng tất cả tấm lòng thành, chỗ nào không biết thì bảo là
không biết, tuyệt nhiên chẳng hề giấu diếm.

Hết cả ngày hôm ấy, hai thầy trò thơ thẩn rong chơi, vừa đi vừa trò chuyện, đến khi mặt trời xế bóng mới trở lại quán.

Một ả nữ tỳ trạc mười ba, mười bốn tuổi, thấy khách về đon đả chạy ra đón:

– Khách quan vãn cảnh có được đẹp ý không ?

– Cảnh trí làng này thật đẹp, ta rất ưa.

– Tiểu nữ đã sắp sẵn nước nóng, để mời khách quan vào tắm.

Thạch Đạt Lang theo ả nữ tỳ qua hàng hiên đến trước phòng tắm công cộng. Trên ghế dài có vài bộ quần áo gấp sẵn, hắn độ chừng trong phòng có
người, bèn cởi bỏ áo ngoài để lên ghế rồi mở cửa bước vào.

Hơi nước nóng cùng với tiếng cười nói theo cửa mở tỏa ra phà vào mặt.
Thấy khách lạ, ba người đàn ông đang tắm chung trong bồn gỗ vội quay mặt nhìn ra, bỏ dở chuyện đang nói.

Thạch Đạt Lang kín đáo đi đến góc phòng, bước vào bồn tắm. Vóc dáng to
lớn của hắn làm trào cả nước ra sàn gỗ. Những người kia đưa mắt nhìn
nhau, nhưng Thạch Đạt Lang không để ý, dựa lưng vào thành bồn khoan
khoái thở phào nhẹ nhõm và nhắm mắt lại, làm như chỉ chú tâm tận hưởng
lạc thú của làn nước ấm ôm ấp quanh mình.

Sau một lúc yên lặng, tiếng nói chuyện lại rì rầm nổi lên, nhỏ hơn, nhưng cũng đủ để Thạch Đạt Lang nghe rõ:

– Quản gia nhà Trúc Mộ tên là gì nhỉ ?

– Hình như là Sử Đà.

– Trúc Mộ cốc chủ phái hắn đến khước từ không tiếp chúng ta, chắc có điều gì e ngại.

– Biết đâu lão chỉ có hư danh, thực tài thì chưa chắc …

– Có thể lắm. Nghe Sử Đà nói bây giờ lão quy ẩn, chẳng biết hư thực ra sao !

– Hoa Sơn cho người đến lãnh giáo kiếm thuật mà lão làm như thế thì mười phần chắc bảy là sợ.

– Nhưng phái người đến tặng quà và đưa thiếp thì cũng tế nhị đấy chứ !

Đang lim dim, nghe nói đến Hoa Sơn, Thạch Đạt Lang lắng tai chú ý, mở hé mắt ra nhìn. Khi còn ở Kyoto, hắn được biết tay kiếm đệ nhất của Hoa
Sơn phái là Hoa Sơn Điền Chính, tính ưa du ngoạn, không mấy khi ở nhà.
Giờ đây, bốn tay này tự xưng là Hoa Sơn, chắc hẳn là Điền Chính và đàn
em chứ không sai. Nhưng trong ba người, không biết ai là Điền Chính ?
Thạch Đạt Lang nghĩ thầm:

“Mình thật chẳng may mắn, mấy lần tắm đều gặp bất trắc. Lần trước bà già Hồ Điểu đã lừa mình vào tròng, suýt nữa thì khốn đốn với quan quân, bây giờ lại bọn này. Nếu Điền Chính biết mình là Thạch Điền Đạt Lang ở
Miyamoto thì ngu gì mà chúng không ra lấy gươm vào tấn công mình trong
nháy mắt !”.

Nhưng cả ba người kia hình như không có ý nghi ngờ gì cả. Họ vẫn tiếp
tục chuyện vãn. Qua những mẩu đối thoại nghe lỏm được, Thạch Đạt Lang đã hiểu trước kia khi Hoa Sơn Khổ Bích còn sinh tiền, Trúc Mộ Chính nhiều
lần có giao thiệp với Hoa Sơn nên nay vì tình cố cựu, cho gia nhân mang
quà và thư đến phúc đáp. Thạch Đạt Lang tự nhủ:

“Bọn này như ếch ngồi đáy giếng, tầm mắt thiển cận, nhìn trời trên đầu
không to hơn cái vung úp. Trong những năm gần đây, thực lực nhà Trúc Mộ
ra sao ai cũng biết.

Trúc Mộ lão tuy ở ẩn nhưng bao nhiêu tinh hoa của nền kiếm học và những
kinh nghiệm ông thu thập được khi còn ngang dọc giang hồ đều đã truyền
lại cho hai con trai lớn và người cháu. Trúc Lâm cốc lại là nơi hiểm
trở, lương thảo tích trữ đầy đủ. Thế mà bọn này chẳng biết gì, có mắt
không biết nhìn, có tai không biết nghe, thật đáng thương hại”.

Thạch Đạt Lang bước ra khỏi bồn tắm, vào phòng kế, tháo khăn quấn tóc,
bốc một nắm đất sét để sẵn ở đó xoa lên đầu. Hắn kỳ cọ một lúc rồi gội
sạch. Đã lâu lắm, Thạch Đạt Lang mới gội đầu theo lối cổ truyền như thế
và nghĩ đến những lúc đi tắm sông hồi còn nhỏ. Hắn nhớ đến làng cũ, khẽ
thở dài.

Ba người kia cũng vừa tắm xong, trắng nhễ nhại từ bồn bước ra, cười nói oang oang không coi ai ra gì cả.

– Chà ! Khỏe quá.

– Dễ chịu hẳn ra. Nơi sơn cước mà có được quán như thế này, khá đấy chứ ! Ta gọi chủ quán bảo mang sa-kê và các em vào phòng hầu rượu, bằng hữu
nghĩ thế nào ?

– Tuyệt ! Ý kiến hay tuyệt !

– Vậy còn chờ gì nữa ?

Cả ba khoác vội áo ngoài đi ra hiên. Tiếng họ cười ha hả còn vọng đến tai Thạch Đạt Lang đang lau mình trong phòng kế.

oo Trúc Mộ Chính ngồi trên chiếu, trước bộ kỷ trà thấp, tóc bạc phơ rủ
xuống hai vai, phong thái siêu thoát như cánh hạc vẽ trên bức cổ họa
trên vách. Ông trạc ngoài bát tuần, người mảnh khảnh, nước da hồng hào,
đôi mắt sáng quắc chứng tỏ sức khỏe còn rất dồi dào. Trúc Mộ Chính vẫn
thường nói với gia nhân:

“Trong mình ta không có dấu hiệu gì suy yếu, chắc phải thọ đến trăm
tuổi”. Lời tiên đoán chẳng làm ai ngạc nhiên, trông ông vẫn quắc thước
và minh mẫn, vả lại chuyện thọ yểu một phần hình như cũng do gia truyền:

tổ tiên nhà Trúc Mộ, trừ những người tương đối chết trẻ vì xông pha chiến trận, hầu hết đều vượt mức bát tuần cả.

Riêng phần Trúc Mộ Chính, ông sống rất tiết độ. Năm gần sáu mươi, vì lý
do riêng, ông từ bỏ không tham dự vào những chuyện giang hồ thị phi, mặc dầu hai đảng tộc đương thời là Tôn Điền và Hòa Giả hết lòng chèo kéo.
Ông đã có chủ ý:

trong cảnh tương tàn phe phái thời bấy giờ, ông thấy cách khôn khéo nhất là đứng ngoài mọi sự tranh chấp.

Quyết định của Trúc Mộ Chính quả sáng suốt, nhờ vậy Trúc Lâm cốc và Trúc Mộ gia không những đã tránh được nạn binh đao mà còn phát triển mạnh
hơn nhiều địa phương khác. Ông có quyết định ấy, một phần vì đã thấu
hiểu thời cuộc bấy giờ, nhưng một phần cũng nhờ ở sức mạnh tinh thần và
căn bản đạo đức của mình. Ông không chạy theo vinh hoa phú quý như phần
đông các kiếm sĩ khác, chỉ vì món lợi nhỏ nhiều khi quên cả liêm sỉ.

Sư phụ Trúc Mộ Chính là Tiết Dung Am, một lãnh chúa và cũng là một danh
gia kiếm sĩ, trên dường bôn tẩu giang hồ, một hôm ghé ngang Trúc Lâm
cốc, khi Trúc Mộ Chính còn là một thanh niên nhiều nhiệt huyết và tham
vọng. Tiết Dung Am ba lần tỷ kiếm với Trúc Mộ Chính, ba lần đều thắng,
sau đó mến tài Trúc Mộ, thu nhận làm đồ đệ.

Tiết Dung Am lưu lại Trúc Lâm cốc một thời gian khá lâu, chỉ điểm cho
Trúc Mộ Chính về kiếm pháp. Trước khi lên đường, ông bảo đồ đệ:

“Đường ta còn dài, mà cõi nhân sinh thì hạn hẹp, không biết ta có đủ thì giờ theo đuổi đến cùng không ! Con còn trẻ, tư chất thông minh, hẳn có
cơ duyên, mong con hiểu và nối chí ta”. Ông trao cho Trúc Mộ Chính một
pho sách, nhan đề Vô kiếm kiếm phổ và ra đi biệt tích. Từ đó không ai
nghe nói đến Tiết Dung Am nữa.

Vô kiếm kiếm phổ gồm ba phần, một phần luận về đạo của người kiếm sĩ,
một phần về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, phần còn lại mới luận về
kiếm thuật chính thức. Trúc Mộ Chính ngày đêm nghiền ngẫm pho sách, sau
ba năm suy tư và khổ luyện vẫn không tìm ra chân lý. Về sau, nhân một
buổi ngồi thiền, Trúc Mộ Chính đột nhiên giác ngộ, thấu hiểu lẽ tương
dung của trời đất, đem suy diễn ra thấy lẽ đó bàng bạc khắp trong sách.
Bấy giờ đọc lại, không còn thấy chỗ nào tối nghĩa nữa, bèn đem áp dụng
vào kiếm thuật thì thấy những thế kiếm tự nhiên hơn, nhẹ nhàng và linh
động vô cùng, đem dùng làm căn bản cho thái độ của mình đối với thiên
nhiên và vạn vật thì thấy dễ dàng hòa đồng với mọi người, tránh được bao nhiêu là hệ lụy.

Từ đó, ông quý trọng bộ kiếm phổ như một bảo vật không gì thay thế được, lúc nào cũng để gần chỗ ngồi. Những lời luận trong sách giúp ông khắc
phục được bao nhiêu khó khăn về tinh thần, những khó khăn trước kia ông
tưởng không bao giờ qua nổi.

Những đồ hình vẽ trong kiếm phổ lại đầy đủ và chính xác đến độ nhiều khi ông không tin công phu ấy đã được thực hiện bởi một cá nhân trong thời
gian một kiếp. Ông nhớ ngày ra đi của sư phụ Tiết Dung Am, không năm nào không thành kính đốt hương tưởng niệm.

Vì bản tính ưa bình dị và khoáng đạt, Trúc Mộ Chính không thích ở trong Đại lâu.

Ông chọn gian nhà cỏ xuềnh xoàng bên rừng trúc để cư ngụ, có suối nước
trong thuận tiện cho ông pha trà hàng ngày và lấy biệt hiệu là Trúc Lâm
cư sĩ. Mặc dầu ưa cuộc sống đạm bạc, nhưng từ khi có Oa Tử đến ở, gian
nhà cỏ của ông cũng đỡ phần cô tịch. Trong tuần trà sớm, tiếng sáo của
nàng thêm đầm ấm, và buổi chiều, dáng nàng đi yểu điệu trong bộ y phục
màu nhạt tha thướt như điểm một nét tươi vui giữa màn sương mù xanh xám
bắt đầu tỏa xuống bao phủ căn thảo thất.

Sau khi cắm xong nhành mẫu đơn độc nhất vào chiếc bình sứ men gạo nếp sản xuất tại Iga, Trúc Mộ Chính quay sang hỏi Oa Tử:

– Sao ? Cô nương thấy được không ?

– Tiền bối quả thấu triệt nghệ thuật cắm hoa. Chắc tiền bối đã theo học kỹ thuật này từ khi còn trẻ ?

Trúc Mộ Chính cười:

– Cô nương lầm rồi ! Lão phu không phải xuất thân từ một gia đình quý
tộc, trong thời niên thiếu lại không có thì giờ học cách cắm hoa hay trà đạo.

– Thế mà trái lại, trông cách xếp đặt, ai bảo tiền bố không biết cắm hoa !

– Thế ư ! Lão phu đã cắm hoa như dùng kiếm vậy mà !

Oa Tử ngạc nhiên:

– Tiền bối nói thế là thế nào ?

– Lưỡi kiếm trong tay phải sinh động, nắm chặt quá tất không sử dụng
uyển chuyển được theo ý muốn, lơi quá nó bay đi mất. Cành hoa cũng thế,
khi ngắt khỏi thân, chớ làm cho hoa chết. Bất cứ ở vị thế nào, hoa cũng
phải sống động, hòa hợp với ngoại cảnh, thể hiện cảm xúc của mình. Cô
nương thấy bông mẫu đơn này có sống động không ?

Oa Tử khẽ gật đầu mỉm cười. Sau mấy tháng cư ngụ tại Trúc Lâm cốc, nàng
đã học được rất nhiều ở Trúc Mộ Chính và nhận thấy vị đại kiếm sĩ này
tuy sống khắc khổ nhưng có một nhân sinh quan rất phóng dật. Ông dạy
nàng làm thơ Đường tuy ông thích thơ hài cú hơn vì loại thơ này nhẹ
nhàng, không gò bó, gần với thiên nhiên. Ông dạy nàng những nghi lễ
phiền toái của trà đạo nhưng trong những buổi hầu trà, nàng hiểu rõ hơn
ai hết, ông không bao giờ câu nệ những nghi lễ ấy.

Cũng vì thế mà Oa Tử thoải mái ở cạnh Trúc Mộ lão, tiếng sáo của nàng tự do hơn, khi tha thiết, khi vui tươi, khi thương nhớ, nàng mặc cho lòng
mình phát hiện qua âm thanh, đôi lúc mê mãi quên cả ngoại cảnh làm Trúc
Mộ lão phải ngạc nhiên. Nàng đem tài khéo ra đan cho Trúc Mộ lão một
chiếc mũ lông cừu như mũ của những người ưa uống trà thường đội làm ông
rất thích thú.

Một già một trẻ ý hợp tâm đầu, nhiều khi Oa Tử quên cả những việc xảy ra bên ngoài thung lũng. Ngoài những lúc để lòng quay về dĩ vãng hoặc bâng khuâng tưởng nhớ mối tình vô vọng, nàng thấy nơi đây quả là thiên
đường, chỗ để nàng dung thân, yên tâm cả về tinh thần lẫn thể chất.

Có tiếng người gọi ở cổng ngoài. Oa Tử vội vàng chạy ra. Sử Đà Chu An
Môn đã đứng đó tươi cười thăm hỏi và nhờ nàng vào trình với Trúc Mộ cư
sĩ xin cho được tiếp kiến. Oa Tử vui vẻ:

– Đại huynh thật ngược đời ! Không thấy sao ?

– Chuyện gì mà ngược đời ?

– Trong nhà này, đại huynh là cánh tay phải của lão nhân gia, ra vào lúc nào mà chẳng được. Còn tiểu nữ chỉ là kẻ hầu thổi sáo, đại huynh nhờ
vậy chẳng hóa ra ngược đời lắm ư ?

Sử Đà mỉm cười gật đầu:

– Cô nương nói phải, nhưng địa vị cô nương trong nhà này rất đặc biệt.
Dù sao cũng cứ xin vào thưa trước với lão chủ cho, nói Sử Đà này muốn
được đến trình về việc gặp gỡ với đại diện Hoa Sơn.

Oa Tử lui gót. Sử Đà một mình đứng chờ bên cổng trúc, rất mãn ý vì đã
tiến dẫn Oa Tử. Con người mới xinh đẹp và khiêm cung làm sao ! Tài ấy,
đức ấy, chắc Trúc Mộ lão gia không thể không hài lòng được.

Oa Tử ra mời Sử Đà vào. Trúc Mộ Chính lên tiếng hỏi ngay, giọng sang sảng:

– Sử Đà đấy ư, sao về sớm thế ?

– Thừa lệnh lão tiền bối, vãn bối đã tới gặp họ, đưa thiếp và quà tặng.

– Thế họ đi cả rồi à ?

– Thưa chưa ! Họ có thư trình lên muốn xin được tham quan võ đường của
ta và mong được lão tiền bối chỉ giáo. Họ hiện ở nhà trọ đầu làng chờ ta phúc đáp.

Trúc Mộ Chính cau mặt:

– Hừ ! Phường vô hạnh ! Ta không muốn tiếp. Thế ngươi có nói rõ cho
chúng biết các con ta đều ở Edo, hiện nay trong cốc không còn ai không ?

– Dạ, vãn bối đã nói rõ.

– Thế mà chúng vẫn đòi đến ! Có phải chúng định ép ta chăng ?

Yên lặng một lúc, Trúc Mộ Chính tiếp:

– Hậu duệ phái Hoa Sơn xem ra toàn đồ vô dụng !

– Quả vậy ! Khi tiếp xúc, vãn bối thấy không có gì xuất sắc.

– Hừ ! Ta có biết Hoa Sơn Khổ Bích và trước đây đã uống rượu với ông một đôi lần.

Sinh thời, Khổ Bích là tay kiếm sĩ khôn ngoan, tính tình hào sảng, sao
từ khi ông ta chết đi, lũ con chẳng ra gì. Chúng tưởng cứ mang danh Hoa
Sơn phái là qua được cửa nhà ta sao ?

– Qua nhận xét của vãn bối, Hoa Sơn Điền Chính có dáng cao ngạo, coi
thường mọi người. Thiết tưởng hay cứ để hắn tới, vãn bối sẽ dạy cho hắn
một bài học !

Trúc Mộ Chính không nói gì, ông lặng lẽ nhấp trà, một lúc sau mới lên tiếng:

– Thôi, chẳng nên quan tâm. Lũ thanh niên ỷ vào tiền bạc và danh tiếng
ông cha để lại thường không có tại lại hay kiêu. Ngươi đánh chúng thua,
sẽ sinh ra thù oán, chúng lại tìm cách phao vu nói xấu, dây dưa tới giới quan lại tại kinh thành, phiền lắm !

– Vậy xin lão tiền bối chỉ bảo.

– Có cách này ta thấy tiện hơn cả. Chúng tự coi là con nhà đại gia thì
ta cứ xử với chúng như con nhà đại gia. Ngươi không khéo mồm miệng, cử
ngươi đi lần này sợ không được việc.

Quay nhìn Oa Tử, Trúc Mộ lão tiếp:

– Ta nghĩ đàn bà chắc là khéo léo hơn. Oa Tử, cô nương giúp ta việc này được chăng ?

– Tiền bối đã dạy, tiểu nữ đâu dám từ chối. Đi ngay bây giờ sao ?

– Chẳng vội gì ! Cứ thong thả. Ngày mai ta muốn nhờ cô nương mang giùm
cho một lá thư và một nhành mẫu đơn đến xem họ xử trí ra sao.

Sáng hôm sau, Oa Tử dậy sớm đến quán Mãn Ý. Nàng trùm tấm khăn dài mỏng.

Mặc dầu bấy giờ ở Kyoto, trùm khăn không còn hợp thời trang nữa, nhưng
những thiếu nữ trung lưu tại các thị trấn nhỏ vẫn còn giữ cách ăn mặc
như vậy mỗi khi có việc phải ra ngoài. Nàng đến chuồng ngựa dắt một con. Người mã phu già đương bận chải lông ngựa, ngưng tay hỏi:

– Cô nương đi đâu đấy ?

– Lão nhân gia sai tiểu nữ ra đầu làng có chút việc.

– Lão bộc có cần phải đi theo không ?

– Thôi chả cần. Tiểu nữ đi một mình cũng được.

– Cô nương phải cẩn thận. Con ngựa này hay giở chứng lắm !

Oa Tử cười:

– Không sao ! Tiểu nữ cưỡi ngựa đã quen. Hồi nhỏ, cưỡi voi còn được mà !

Nàng nhờ người mã phu thắng yên rồi vỗ khẽ vào lưng con vật, nhảy thoắt
lên, gọn gàng như một tay kỵ mã lành nghề. Buông cương để ngựa đi bước
một, Oa Tử hít một hơi dài làn không khí trong lành và tươi mát buổi
sáng, tấm khăn mỏng che mặt theo gió bay phơ phất. Những nông dân đi làm đồng sớm, thấy nàng, tránh sang một bên, vui vẻ chào hỏi. Lòng kính mến Trúc Mộ lão như lan cả sang Oa Tử, người thiếu nữ xinh đẹp và nhu hòa
họ biết đang được cốc chủ rất mực trọng đãi. Oa Tử cúi đầu đáp lễ từng
người, miệng cười tươi như hoa nở.

Đến trước quán Mãn Ý, Oa Tử buộc ngựa vào gốc hòe, khoan thai tiến qua cổng. Ả thị tỳ chạy ra đon đả:

– Kìa, cô nương ở Trúc Mộ thất ! Mời cô nương quá bộ vào nhà trong, Cô nương đi đâu sớm thế ?

Rồi không đợi trả lời, ả liến thoắng:

– Em đi lấy điểm tâm. Cô nương có định ở lại dùng bữa trưa không ?

– Không, cám ơn em. Ta có chút việc cần gặp một khách quan trọng trong
quán rồi phải về ngay. Em vào nói với chủ nhân cho ta hỏi câu chuyện.

– Vậy mời cô nương dùng trà, chờ em một lát.

Hai khách trọ, dáng cao lớn, mặc áo chàm vải thô, đang buộc quai dép và
sửa soạn hành tranh ở hiên ngoài, thấy Oa Tử vội ngẩng lên nhìn. Họ ngạc nhiên không ngờ ở chốn sơn dã hẻo lánh lại có người thanh tú đến thế,
đưa mắt nhìn nhau hỏi khẽ:

– Ai đấy nhỉ ?

– Chẳng biết tìm ai ? Hay là tìm chúng ta đấy ?

Người vừa nói câu ấy cho là có duyên lắm, phá lên cười ha hả.

Một lúc sau, chủ quán bước ra, lau tay ướt vào vạt áo. Oa Tử tỏ ý định
muốn gặp Hoa Sơn Điền Chính đến trọ Ở quán từ mấy bữa trước.

– Các vị đó không biết đã dậy chưa, hôm qua thấy uống rượu khuya lắm. Để thiểm quán vào báo.

Trong phòng, bọn Điền Chính cũng vừa dậy, nghe chủ quán trình tự sự, bèn cho mời khách vào. Cửa lùa vừa mở, bọn họ cùng ồ lên một lượt ngạc
nhiên. Ai cũng tưởng khách là vị đại hán tên Sử Đà ở Trúc Mộ thất trở
lại, không ngờ lại là một nữ lang xinh đẹp, tay cầm một phong thư buộc
lụa đỏ và một cành mẫu đơn trắng muốt. Vẻ bối rối hiện trên nét mặt, họ
luống cuống xếp dọn lại chăn gối, sửa áo buộc tóc, miệng không ngớt xin
lỗi:

– Tệ quá ! Tệ quá ! Chủ quán chẳng nói rõ khách là ai nên không kịp chuẩn bị nghênh tiếp, xin giai nhân tha lỗi !

Oa Tử cười thầm trong bụng. Nàng thấy những lời văn hoa ấy vừa sáo vừa
rẻ tiền nhưng cũng áy náy đã làm cho ba ông khách phải bối rối:

– Tiểu nữ thành thật xin lỗi đã làm phiền các vị sớm như thế này, nhưng
Trúc Mộ lão nhân gia có sai tiểu nữ đến trình các vị phong thư này và
một món quà nhỏ. Xin các vị vui lòng để mắt đến cho, tiểu nữ chờ phúc
đáp.

Điền Chính liếc nhìn cuốn thư và bông mẫu đơn để trên kỷ, đưa tay cầm
cởi giải lụa đỏ kéo ra đọc. Những hàng chữ nhỏ viết trên giấy hoa tiên
màu nước trà nhạt mang một vẻ thanh thoát tựa như những cánh bướm trên
thảm cỏ xanh non lúc xuân vừa chớm.

“Thâm tạ quý phái nghĩ tình cố cựu sai người thăm hỏi, nhưng rất tiếc
hiện nay lão phu trong mình không được khỏe nên không thể đích thân thù
tiếp được. Vả lại lão phu bây giờ không còn quan tâm đến thế sự, vậy có
chút quà mọn, một bông hoa trong tệ viên, lão phu cậy tay một bông hoa
mang tới, mong quý bằng hữu thu nhận. Dù sao cũng thích thú hơn là ngồi
nói chuyện với một ông già bệnh hoạn. Qúy bằng hữu thể tình lượng thứ
!”.

Điền Chính nhếch mép không dấu vẻ khinh mạn:

– Có thế thôi ư, cô nương ?

– Lão cốc chủ sai tiểu nữ trình với quý vị là người rất muốn dùng trà
với quý vị, ngặt vì trong cốc toàn kẻ võ biền không ai thấu hiểu lề luật trà đạo nên e làm trò cười cho quý vị là những bậc danh gia ở kinh
thành tới. Người nhờ tiểu nữ xin quý vị thứ lỗi và hẹn một dịp khác.

Một trong ba gã Hoa Sơn có vẻ hồ nghi, nói:

– Hừ ! Chúng ta đến đây đâu phải để bàn luận về trà đạo. Chúng ta là
kiếm sĩ, có quan tâm gì đến chuyện đó, chỉ muốn đích thân vấn an cốc chủ và xin người chỉ giáo.

Cốc chủ chắc phải biết rõ ý ấy chứ ?

Oa Tử vẫn mỉm cười, nhỏ nhẹ:

– Lão nhân gia biết lắm, nhưng bây giờ vì người ở ẩn nên đã dùng ngôn ngữ của một kẻ uống trà mà diễn đạt, mong quý vị hiểu cho.

Điền Chính đưa mắt nhìn hai người kia, một lúc sau mới đáp:

– Vậy chẳng nên ép lão làm gì. Cô nương về nói với cốc chủ là lần sau chúng ta đến, xin đừng từ chối.

Rồi với tay cầm nhành mẫu đơn đưa trả lại Oa Tử.

– Các vị không ưa mẫu đơn ư ? Mẫu đơn là hoa vương, mà mẫu đơn trắng
băng thanh ngọc khiết trên cả các hoa khác, tiểu nữ thật không hiểu …

Hoa Sơn Điền Chính cảm thấy như bị xúc phạm. Hắn gằn giọng:

– Cốc chủ tặng hoa cho ta là nghĩa gì ?

Rồi quay sang Oa Tử:

– Ta thấy khôi hài. Cô nương về nói với cốc chủ, ở Kyoto, chúng ta cũng trồng mẫu đơn, loại này không thiếu.

Oa Tử cúi đầu, kính cẩn cầm cành hoa lui ra, đáp khe khẽ:

– Các vị đã không vừa ý, tiểu nữ không dám tự tiện …

Nàng cảm thấy những người ngồi trước mặt như đang bị một vết thương,
không khéo buộc, vết thương to ra chẳng ích lợi gì mà chỉ di lụy.

Ra ngoài hành lang, Oa Tử nghĩ đến chuyện vừa rồi, cười thầm. Nhìn sàn
gỗ trơn bóng vì chân người đi lại, nàng thoáng thấy ở phía cuối một căn
phòng nhỏ cửa khép kín. Không biết đó là phòng Thạch Đạt Lang đương trọ, Oa Tử đi ngược chiều ra cửa. Ả nữ tỳ từ trong phòng vừa ra, thấy Oa Tử, vội chạy theo gọi với:

– Cô nương xong rồi à ?

– Xong rồi ! Ta phải về đây !

– Nhanh nhỉ !

Nhìn bông hoa trên tay Oa Tử, ả khen:

– Ô, bông hoa đẹp quá ! Có phải mẫu đơn không cô nương ?

– Phải – Em chưa thấy mẫu đơn trắng bao giờ. Bông này kép, lại tươi làm sao !

– Mới hái ngoài vườn đấy, em thích không ?

– Thích !

Oa Tử đưa bông mẫu đơn cho ả nữ tỳ:

– Vậy cho em đấy.

Ả thò tay ra định cầm, nhưng lại vội rụt ngay lại:

– Thật không cô nương ? Cho em thật à ?

– Thật. Oa Tử cười. Trong vườn ta còn nhiều, em thích ta cho.

– Cảm ơn cô nương.

Ả nữ tỳ sung sướng ngắm bông hoa rồi đưa lên mũi ngửi:

– Ứ ừ ! Chẳng thơm gì cả !

Nhưng vẫn vui vẻ cầm cành hoa chạy vào bếp khoe với mọi người.

Trong bếp bận rộn, chẳng ai lưu ý đến hoa. Thất vọng, ả trở lại phòng
ông khách trọ. Thạch Đạt Lang ngồi một mình đăm chiêu suy nghĩ. Tên học
trò nhỏ của hắn bỏ ra vườn chơi từ sớm. Hắn băn khoăn chưa tìm ra cách
gì để vào được Trúc Mộ thất yết kiến Trúc Mộ lão và sau đó thỉnh giáo
vài thế kiếm. Ả nữ tỳ bước vào phòng, hắn cũng không để ý, mãi đến khi
nghe hỏi mới ngẩng đầu lên nhìn.

– Khách quan có thích hoa không ?

– Hoa à ? Hoa gì thế ?

– Mẫu đơn, bạch mẫu đơn ! Đẹp mà tươi lắm !

Hắn nhìn bông hoa trên tay nữ tỳ rồi hất hàm bảo:

– Ừ, đẹp đấy. Em cắm vào lọ đằng kia đi !

– Khách quan cắm lấy, tiện nữ không biết cắm hoa, sợ xấu !

– Vẽ ! Ta cũng có biết cắm đâu ! Cứ để tự nhiên vào lọ là được.

– Vậy để hoa đây, tiện nữ đi lấy nước.

Thạch Đạt Lang lơ đãng nhìn bông mẫu đơn đặt trên kỷ. Đột nhiên, không
biết có cái gì khích động sự chú ý của hắn, Thạch Đạt Lang với tay cầm
bông hoa đưa lên ngắm nghía.

Bông hoa đẹp thật, nõn nà như tuyết, cánh mỏng và trong tựa những cánh
bướm rung rung trong ánh nắng ban mai. Không một tỳ vết. Nhụy hoa mới hé như còn e ấp sau những cánh nhỏ bên trong màu vàng nhạt. Hắn xoay đóa
hoa trên tay, nghiêng đầu nhìn kỹ nhưng vẫn không hiểu tại sao bông hoa
này lại gây cho hắn một cảm giác kỳ lạ như thế !

Ả thị tỳ mang nước vào, đỡ nhành hoa trong tay Thạch Đạt Lang cắm vào
lọ. Ả loay hoay mãi vẫn không sao giữ cho hoa được tự nhiên.

– Cuống dài quá, để ta cắt bớt.

Hoa vừa rút ra khỏi lọ, xoẹt một cái, cuống hoa đã bị cắt đứt một đoạn
chừng nửa tấc. Thạch Đạt Lang tra đoản kiếm vào vỏ. Rút kiếm, cắt hoa,
tra kiếm vào bao, thời gian chỉ trong nháy mắt. Ả thị tỳ đứng sững, há
hốc mồm không kịp kêu thành tiếng. Khi mọi việc đã xong, ả mới thấy sợ:

– Khách quan làm gì thế ?

Thạch Đạt Lang không đáp, cầm cành hoa trong tay người tỳ nữ, xem xét. Bây giờ hắn đã hiểu:

vết cắt của hắn trên cuống hoa và vết cắt trước trông khác nhau thấy rõ.

– Khách quan làm tiện nữ hết hồn ! Sao không bảo tiện nữ lấy dao ?

– Ta xin lỗi. Em hái bông mẫu đơn này ở đâu ?

– Người ta cho tiện nữ.

– Ai cho ?

– Một người ở Trúc Lâm thất.

– Một kiếm sĩ phải không ?

– Không ! Một cô còn trẻ lắm, người hầu của Trúc Mộ lão cốc chủ.

– Hừ ! Vậy người hái hoa này chắc ở trong Đại lâu.

– Tiện nữ không biết.

– Thôi, hoa cắt vừa khéo rồi đó, em cắm vào lọ đi !

Ả nữ tỳ ra khỏi phòng, Thạch Đạt Lang ngắm mãi bông hoa. Hắn rút hoa, so sánh hai vết cắt ở cuống, ngồi thừ người ra suy nghĩ. Hắn chắc đóa hoa
này đã được ngắt không phải bằng dao mà bằng kiếm. Mẫu đơn thân thảo,
cuống nó mềm và dai, phi một tay kiếm tuyệt luân dùng một lưỡi lưu cầu
cực mỏng chém thì không thể nào có được vết cắt ngọt và gọn như thế !
Bất kỳ ai ngắt bông hoa này cũng không phải là người tầm thường. Cầm
nhánh hoa trên tay, hắn rút kiếm đánh soạt. Kiếm quang vừa tắt, một đoạn cuống hoa lại rơi xuống. So sánh vết cắt mới với vết cắt trước thấy vẫn còn thua xa, như những nét khắc trên pho tượng Phật của một nghệ sỹ tài ba và điêu luyện bên nét chạm thô lậu của một pho tượng bán ở chợ.

“Nếu một điền tốt giữ vườn nhà Trúc Mộ mà còn làm được như thế này thì
quả thật Trúc Mộ kiếm danh bất hư truyền, ta không bì kịp”. Tự nhiên hắn không còn tự tin nữa.

“Vô ích ! Mình chưa sẵn sàng !”. Nhưng tuổi thanh niên và lòng quyết
thắng của hắn lại như một làn gió mạnh đánh tan mọi ý tưởng chán nản.
Thạch Đạt Lang hy vọng và tự nhủ:

“Nếu không thắng được, ta có thể bỏ mạng ở đây, nhưng biết đâu ! Ừ biết
đâu ta sẽ không học hỏi được nhiều điều chưa ai dạy ta nổi !”.

Nhìn bông mẫu đơn trắng cắm đơn độc trên bàn, Thạch Đạt Lang mường tượng đến bộ mặt một người. Vẻ thanh tao tươi mát của bông hoa gợi cho hắn
một niềm thoải mái nhưng cũng mang theo nỗi bâng khuâng tiếc nhơ vu vơ.

oo Trên đường trở lại thảo thất, Oa Tử ngồi trên lưng ngựa, khe khẽ hát
một khúc dân nhạc. Nàng còn trẻ, trong khung cảnh hiền hòa như cảnh Trúc Lâm cốc ngày hôm ấy, bản tính hồn nhiên của Oa Tử dễ dàng bộc lộ. Nàng
đong đưa theo bước chân ngựa trên đường đồi, vó ngựa đều đều đệm nhịp
cho giọng hát. Gần tới Trúc Mộ thất, đột nhiên tiếng động bên bờ suối
làm Oa Tử giật mình. Một đứa trẻ từ bụi rậm sau ghềnh đá nhảy ra chạy
theo ngựa. Nàng hơi ngạc nhiên vì trẻ con trong làng thường nhút nhát,
ít có đứa dám đến gần phụ nữ. Nàng dừng ngựa quay lại nhìn.

Giang trần như nhộng, tóc ướt sũng nước, hai tay ôm bọc áo trước bụng,
toét miệng cười. Nó thản nhiên như không để ý gì đến sự trần truồng của
mình, kêu lớn:

– Đúng rồi ! Cô là cô nương thổi sáo ! Cô nương ở đây đấy hả ?

Oa Tử nhìn Giang, ngượng ngùng quay đi chỗ khác, nói:

– Phải. Em là cậu nhỏ ta gặp đứng khóc ở ven đường Yamoto chứ gì !

– Khóc đâu ? Em đâu có khóc !

– Ờ thôi, thì không khóc. Em đến đây từ bao giờ ?

– Từ hôm kia.

– Một mình hả ?

– Không, với sư phụ.

– A, ta nhớ ra rồi. Em nói đi học kiếm. Thế em làm gì ở đây mà quần áo không mặc vậy ?

– Cô nương muốn em mặc cả quần áo nhảy xuống suối sao ?

– Trời ơi, mùa này nước còn lạnh lắm, ai lại đi bơi bao giờ !

– Em không bơi, em tắm. Sư phụ bảo hôi quá nên em đi tắm đấy chứ !

Oa Tử bật cười. Thằng bé vẫn chất phác và lém lỉnh như độ nào.

– Thế em ở đâu ?

– Ở quán Mãn Ý.

– Ô, ta cũng vừa ở đấy ra.

– Tiếc quá ! Thế mà cô nương chẳng đến thăm sư phụ em. Hay bây giờ cô nương trở lại đấy đi !

– Không được, ta phải về có việc.

– Vậy thôi, em cũng đi đây.

– Này em, khi nào rảnh vào cốc chơi nhé !

Nhưng nói xong Oa Tử lại hối. Nàng chưa biết rõ gốc gác Giang ra sao và sư phụ nó là ai …

– Nhưng nhớ phải mặc quần áo tề chỉnh đấy !

– Vậy em không đến đâu ! Em ghét tới những nơi kiểu cách lắm.

Giang bỏ đi rồi, Oa Tử cho ngựa thong dong bước một về thảo thất. Qua
cổng chính, nàng dẫn ngựa vào chuồng trao cho mã phu rồi đến ngay Trúc
Mộ thất trình bày tự sự.

Trúc Mộ lão cười đáp:

– Ta biết chuyện đó tất phải xảy ra. Tính họ như vậy, chẳng phải lỗi ở họ. Còn bông mẫu đơn, cô nương vất đi rồi chăng ?

– Tiểu nữ thấy có người trong quán thích nên đã cho họ.

– Cũng được, chẳng sao. Hoa Sơn Điền Chính có xem kỹ bông mẫu đơn không ?

– Dạ có. Khi Điền Chính đọc thư, cầm bông mẫu đơn ngắm rồi trả lại, ông
ta có vẻ giận, không hiểu vì sao tiền bối lại tặng hoa và nói tại Kyoto
nhà ông có trồng rất nhiều loại hoa ấy.

– Hắn không xem vết cắt ở cuống hoa sao ?

– Dạ, không thấy xem, mà cũng không đả động gì đến chuyện ấy.

Trúc Mộ lão nghiêm mặt:

– Ta không cho bọn hắn gặp là phải. Chúng không đáng để ta tiếp. Trúc Mộ gia từ nay không muốn liên quan gì với Hoa Sơn nữa.

oo Võ đường Trúc Mộ nằm ở phía tả Đại lâu, cách đại sảnh một cái sân
rộng. Võ đường thật đồ sộ, do chính tay Trúc Mộ Chính vẽ kiểu và đôn đốc xây cất khi ông còn trẻ, lúc khoảng tứ tuần. Bây giờ, sàn gỗ đã lên
nước bóng lộn và những cây cột lớn gỗ sồi đã đổi thành nâu sẫm, vân đen
nổi lên như gụ. Sau võ đường là hai dãy phòng lớn nhỏ nối với nhau ở hai mặt đông và tây. Khi hữu sự, những phòng này và cả võ đường có thể dùng làm nơi tạm trú cho tráng đinh họp lại bảo vệ cốc.

Sử Đà Chu An Môn ngồi ở một phòng lớn sau võ đường, chú ý giám sát hai
võ sinh đang tập luyện. Võ khí họ dùng không phải là thứ côn gỗ như
thường thấy, nhưng là một loại kiếm đặc biệt dài chừng sải tay, làm bằng nhiều thanh tre ghép lại và quấn da xung quanh. Kiếm không có lá chắn
cũng không có chuôi, trông tựa như cây gậy lúc thường thì cứng nhưng
đụng vào vật gì lại mềm. Tuy không nguy hiểm bằng kiếm gỗ, nhưng chém
trúng có thể gây thương tích trầm trọng.

Sử Đà chăm chú lược trận, thỉnh thoảng ghi điểm vào một cuốn sổ nhỏ đặt trên đùi hay nói vài câu khuyến khích hoặc chỉ dẫn.

– Nhẹ thôi ! Đừng chú mục vào mũi kiếm, giữ tâm cho ngay, tấn công bằng lòng mình chứ không phải chỉ bằng kiếm !

Hai võ sinh hăng say quần thảo, mồ hôi ướt đầm cả lưng áo. Bên trong mặt nạ, bốn mắt quắc lên như đổ lửa. Tiếng hét xung trận, tiếng kiếm tre
đập vào nhau chan chát cả võ sảnh.

Bỗng Sử Đà giơ tay làm hiệu:

– Ngưng !

Rồi nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy người lính tuần dẫn một đứa nhỏ vào, hắn cất cao giọng:

– Tuần vệ ! Đi đâu thế ?

Trông đứa nhỏ hơi quen, mới ngờ ngợ thằng bé đã nhanh nhảu:

– Kính chào đại hiệp, cháu là Giang.

Sử Đà sực nhớ ra, gật gù thấy thằng bé đã học được bài học trên đường Yamoto tháng trước. Hắn hỏi:

– Ngươi vào đây làm gì ?

– Cháu đã xin phép ông này.

Giang vừa nói vừa chỉ người lính.

Sử Đà quay sang tên túc vệ:

– Ngươi dẫn thằng bé này vào đây làm gì ?

– Thưa Sử quản gia, nó muốn xin gặp đại nhân.

– Xin gặp ta ? Ai muốn gặp ta, ngươi cũng dẫn vào hay sao ? Này bé con !

– Dạ.

– Đây không phải là chỗ chơi, đi nơi khác.

– Cháu có đến chơi đâu, cháu mang thư của sư phụ mà.

– Sư phụ ngươi là giang hồ lạc thảo đang tìm thầy học đạo như ngươi nói trước đây phải không ?

Nghe lời khinh miệt, Giang có ý giận. Nó đáp:

– Thì đại hiệp cứ đọc thư khắc biết.

– Ta không đọc.

– Sao vậy ? Đại hiệp không biết chữ à ? Chỉ có không biết chữ mới không đọc được thư.

– Thằng bé này lém miệng quá ! Ta không đọc không phải vì không biết chữ mà vì thấy vô ích.

– Đại hiệp cho là vô ích thì đừng trả lời. Nhưng ít nhất người có lễ độ cũng phải đọc thư người khác gửi cho mình chứ.

– Thời nay bọn lạc thảo nhiều như ruồi, nếu ta phải giữ lễ với tất cả
bọn đó thì thời giờ đâu ta làm việc khác ! Ta không cần đọc thư cũng
thừa biết trong đó nói cái gì, đại khái thầy ngươi ca tụng Trúc Mộ gia
là kiếm sĩ siêu phàm, muốn tiếp kiến để mở rộng tầm mắt hoặc xin tá túc
ít lâu chứ gì ! Có đúng thế không ?

Giang đỏ mặt:

– Cháu không biết.

– Theo tục lệ Ở đây, ai đến Trúc Mộ gia xin việc gì cũng đều được đãi ngộ tử tế.

Ngươi đi theo người lính này xuống nhà ngang, đưa thư cho ông đội
trưởng. Ông sẽ tìm một chỗ cho thầy trò ngươi ở tạm và khi nào đi sẽ
giúp thầy ngươi một số tiền nhỏ làm lộ phí.

Giang lắc đầu. Mặt nó trở nên nghiêm nghị:

– Đại hiệp đừng trông bề ngoài mà xét người. Cháu không phải ăn mày mà sư phụ cháu chắc cũng không xin xỏ gì đại hiệp.

Sử Đà hơi bẽ, hắn nhìn Giang, tuy tức nhưng thấy thằng bé có hào khí cũng nể.

– Vậy sao ? Ngươi muốn gì ?

– Cháu chỉ xin đại hiệp đọc thư. Sư phụ cháu không như những người khác. Mà đại hiệp đọc thư thì có ai cắt cổ đại hiệp đâu !

Sử Đà bật cười. Ừ, thằng bé nói có lý. Qua hàm râu quai nón rậm, tiếng
cười của hắn vang vang làm mọi người trong phòng cũng cười theo. Hắn giơ tay:

– Đưa đây. Ngươi thật là đứa bất trị.

Giang cầm cuốn thư đưa cho Sử Đà. Hắn cởi dây, bật niêm, yên lặng ngồi đọc.

Mặt hắn dần trở nên nghiêm trang. Khi đọc xong, Sử Đà ngẩng lên hỏi Giang:

– Ngươi có mang theo cái gì cùng với thư này không ?

– Ấy quên, có. Còn cái này nữa.

Và Giang lật đật lấy trong tay áo kimono ra một đoạn cuống hoa đưa cho Sử Đà.

Sử Đà ngồi đăm chiêu nhìn lá thư rồi lại nhìn đoạn cuống hoa. Hắn gãi râu không hiểu ý của người viết:

“Tại hạ không biết ai đã cắt nhành mẫu đơn này. Có một cái gì kỳ lạ làm
tại hạ vô cùng ngưỡng phục toát ra từ vết cắt, thúc đẩy tại hạ tìm hiểu
bậc cao nhân nào đã ra tay tinh mật đến thế. Chuyện không có gì, nhưng
nếu các hạ không cho đó là phiền, xin cho biết danh tính của bậc cao
nhân ấy, tại hạ hết lòng đa tạ”.

Thư không đả động gì đến chuyện xin tá túc hoặc muốn vào nhập môn nhà Trúc Mộ hay đòi tỷ kiếm với bất cứ ai trong cốc.

– Hừ, lạ thật !

Sử Đà lại cầm đoạn cuống hoa lên ngắm nghía thật kỹ, vẫn không phân biệt được sự khác nha giữa hai vết cắt.

– Mạnh Đạt ! Hắn gọi. Vào đây xem cái này. Lạ lắm !

Mạnh Đạt vào. Sử Đà đưa cho xem lá thư và cuống hoa, nhưng Mạnh Đạt cũng không phân biệt được.

– Theo trong thư thì vết cắt hai đầu có khác. Tiểu đệ không nhận ra. Thử hỏi Quách Mục xem !

Hai người bèn mang thư và cuống hoa lên văn phòng Quách Mục. Quách Mục
cũng là tay kiếm sĩ tinh thục, nhiều kinh nghiệm bôn tẩu giang hồ, hiện
giúp việc quản trị sổ sách và chi thu trong nhà Trúc Mộ. Sử Đà và Mạnh
Đạt đem thư đến thì Quách Mục cũng vừa định xuống võ sảnh.

Nghe chuyện, xem thư và cuống hoa, Quách Mục tỏ ra băn khoăn chẳng kém gì hai bạn đồng bối. Nhưng hắn nói:

– Hôm qua, đệ có thấy lão nhân gia cắm bông mẫu đơn trắng trong phòng
rồi sai Oa Tử mang một bông hoa y như thế ra quán Mãn Ý. Chắc chỉ có lão nhân gia cắt hoa chứ không ai ! Bấy giờ hình như có Sử huynh ở đó mà !

– Có, đệ có thấy nhưng không rõ có phải lão nhân gia cắt không !

Đột nhiên Sử Đà giật mình, lấy tay đập vào bức thư:

– Á ! Chúng ta có mắt mà như không ! Thật vô ý quá ! Tên người viết rành rành ra đây. Yết Mân Thạch Điền Đạt Lang. Có phải Thạch Điền, người đã
giúp Quang Minh hội trừ sạch bọn gian ác ở đồng cỏ Hannya không ?

Ba người truyền tay nhau lá thư đọc lại.

– Ừ, có thể lắm !

– Có thể lắm !

– Xem thư biết khẩu khí. Nếu quả vậy thì hắn có con mắt tinh đời hơn
chúng ta, trông vết cắt trên cuống hoa biết công phu nhà Trúc Mộ. Đồng
thanh tương ứng, tay này đáo để lắm, không coi thường được.

Quách Mục bàn:

– Nếu đúng là Thạch Điền Đạt Lang thì ta nên gặp. Để xem tài hắn đến đâu và hỏi cho ra cái lẽ ở đồng cỏ Hannya.

Sử Đà vội nói:

– Nhưng lão nhân gia đã có lệnh không tiếp ai. Ta không thể để hắn vào võ đường mà không trình lão nhân gia biết được.

– Hay là thế này. Bây giờ là mùa hoa tử thảo mà đỗ quyên cũng sắp đâm
bông. Ta tổ chức một bữa tiệc nhỏ, uống rượu ngắm hoa để lấy cớ mời hắn
đến. Hắn thì chắc không từ chối rồi, mà lão nhân gia có biết chắc cũng
chẳng quở, vì là chuyện riêng mà !

– Hay lắm ! Ý kiến ấy hay lắm ! Nhân thể có thằng nhỏ đợi, ta thảo thư phúc đáp ngay đi.

oo Giang chờ trong phòng, không biết nói chuyện với ai, buồn quá bỏ ra
hiên đứng nghênh trời nghênh đất. Vườn sau rộng thênh thang, cây rậm rạp rất hợp với ý nó. Giang len lén ra vườn, đi quanh quẩn. Một con chó đen lớn trông thấy Giang, ve vẩy đuôi. Nó dừng lại, để hai tay ra sau gáy,
gọi. Chó và người nhìn nhau một lúc rồi con vật đến gần ngửi áo và tay
chân Giang. Giang vuốt đầu con chó. Cả hai làm quen với nhau được một
lúc thì thân mật rõ ràng. Thằng bé ôm cổ con chó và con chó thè lưỡi
liếm mặt thằng bé.

Trong khi chơi đùa, Giang bỗng nảy ý nghĩ muốn giữ mõm con chó lại xem
nó có cắn được không, bèn đưa hai tay ghì chặt lấy mõm chó, miệng nói:

– Nào, xem mày làm sao nào !

Con vật kêu ư ử, vẫy đầu lia lịa cố gỡ ra. Giang càng giữ chặt. Nó lấy
chân quào Giang làm rách một miếng áo. Giang vội bỏ tay, chó thoát được
sủa ầm ĩ. Sợ mọi người nghe tiếng, Giang lấy thanh kiếm gỗ gõ mạnh lên
đầu chó khiến con vật nổi hung nhảy vào cắn tới tấp. Giang kinh hãi, hai tay che mặt, người và chó lăn lộn dưới đất. Tiếng Giang kêu cứu lẫn
tiếng chó sủa và tiếng chân người chạy rầm rập vang động cả khu vườn yên tĩnh.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN