Thạch Kiếm - Chương 3: Ngày hội hoa
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
136


Thạch Kiếm


Chương 3: Ngày hội hoa


Vào đầu thế kỷ thứ , con đường Mimasaka là một trục lộ giao thông lớn.

Khởi đầu từ Tatsimo thuộc tỉnh Harima, đường này chạy dài, uốn khúc như
bất tận, lên đèo xuống dốc, hun hút qua vùng Vạn Thiên Sơn đồi núi chập
chùng và song song với hàng cột mốc phân ranh hai tỉnh Mimasaka và
Harima.

Khách du đứng trên đèo cao, nhìn thấy thung lũng sông Aida dưới chân và ở triền sông, một ngôi làng. Đấy là làng Miyamoto.

Miyamoto thực ra chẳng phải là một làng mà chỉ là tên một khu tập hợp nhiều sơn thôn nhỏ rải rác:

mấy căn nhà cất dọc theo bờ sông, một hai cái chòi vắt vẻo trên sườn
đồi, vài trang trại cũ giữa cánh đồng bỏ hoang lâu ngày vì sỏi đá không
trồng cấy được.

Tuy vậy, dân cư cũng khá đông, đủ mang danh là một làng, theo tiêu chuẩn thời ấy.

Cho đến mãi mấy năm trước đây, đầu mục Yết Mân vẫn cư ngụ Ở vùng này
trong một tòa lâu đài ngay trên thượng lưu sông Aida, cách bờ sông
khoảng non một dặm. Phía bắc lại có mỏ bạc, bây giờ đã cạn, nhưng trước
kia trong những năm thịnh vượng, quy tụ rất nhiều công nhân từ phương xa tới.

Khách thương từ Totori đi Hemeji, muốn dùng sơn đạo đến Bizen, tất phải
theo đại lộ Mimasaka và nghỉ chân tại Miyamoto. Do đấy, Miyamoto là chỗ
giao lưu của hai sơn lộ chính thời đó và vì thế mang một sắc thái riêng
do dân từ nhiều nơi khác đem đến.

Làng có quán ăn, tiệm bán quần áo, và cả một trà thất nhỏ với mấy cô ca
kỹ ngực thoa phấn trắng theo thời trang quẩn quanh trước cửa như bầy dơi trắng quanh tổ.

Đấy là Miyamoto, nơi mà hai gã thanh niên nông phu Thạch Kinh Tử và Mãn Hà Chí đã từ biệt để lên đường theo đuổi công danh.

Oa Tử ngồi mơ mộng nhìn những nóc nhà rải rác dưới chân. Nước da tươi
mát, tóc đen mượt, chân tay nhỏ nhắn, dáng người thanh tú, Oa Tử có một
vẻ đẹp siêu thoát, khác với những thôn nữ hồng hào, vạm vỡ đang làm công việc đồng áng dưới kia. Ngồi đăm chiêu trên bậc đá cổng chùa Tiểu Sơn,
trông nàng như một pho tượng bằng sứ toàn mỹ.

Oa Tử bị bỏ rơi từ khi còn trứng nước, được chùa đem về nuôi nên có dáng cách khiêm cung ít thấy ở những thiếu nữ mười sáu. Ngay từ nhỏ, nàng đã không được tiếp xúc nhiều với những trẻ khác cùng trang lứa. Vì sống
cách biệt với thế giới bên ngoài nên trong ánh mắt nàng có một vẻ gì
trang nghiêm trầm mặc, làm cho những thanh niên ưa nếp sống phóng túng
ngại không dám gần. Năm trước, nghe lời sư cụ, nàng đã nhận lời cầu hôn
của Mãn Hà Chí. Nhưng ít lâu sau, vị hôn phu của nàng cùng với Thạch
Kinh Tử bỏ làng ra đi, cho đến nay vẫn bặt tin tức. Những tháng đầu xuân trôi qua trong chờ đợi. Bây giờ đã là tháng tư, nàng không còn dám hy
vọng nữa.

Oa Tử ngước nhìn trời, dõi những đám mây theo nhau bay đi, nghĩ vơ vẩn.
“Chẳng bao lâu nữa đã hết năm rồi, chị anh Kinh Tử cũng không nhận được
tin gì của hai người, sao ta lại điên cứ nghĩ rằng họ còn sống !”.

Đôi lúc tâm sự với người quen, qua ánh mắt cũng như giọng nói, nàng như
ngầm ý van lơn họ khuyên nàng rán chờ thêm ít lâu nữa, nhưng không ai để ý. Những nông dân thô lậu chất phác ấy thấy quan quân đã chiếm đóng lâu đài thì cho rằng hai người không lý gì còn sống. Gia nhân, thủ túc của
Yết Mân chẳng ai trở về, vì họ là kiếm sĩ, đã thua trận, còn mặt mũi nào gặp lại người quen ? Nhưng Thạch Kinh Tử và Mãn Hà Chí là lính trơn, có chuyện gì ngăn trở chúng đâu ? Chắc chết rồi, chứ không, sao đến nay
vẫn tuyệt vô âm tín ?

“Tại sao ? Ừ, tại sao ?” Oa Tử nhiều lần tự hỏi. Rồi suy nghĩ miên man,
nàng thấy đàn ông ưa chiến tranh quá, không như nàng. Sự khác biệt ấy
khiên Oa Tử buồn. Hôm nay, đã hàng giờ, ngồi cô đơn trên bậc đá trước
cổng chùa, Oa Tử vẫn chưa tìm được lời giải đáp.

– Oa Tử !

Tiếng gọi thình lình khiến Oa Tử giật mình tỉnh mộng. Từ phía giếng, một người đàn ông tuổi trung niên thong thả đi tới. Ông ta mặc vỏn vẹn một
miếng vải thô làm khố.

Màu da bánh mật ánh lên dưới trời chiều trong như nước sơn lâu ngày trên pho tượng cũ.

Đấy là một thiền sư ngụ tại chùa. Ông từ tỉnh Tajima đến bốn năm trước,
mến cảnh chùa Tiểu Sơn u tịch, xin với sư cụ lưu lại rồi không đi nữa.

– Oa Tử ! Ngươi nghĩ gì vậy ?

Oa Tử không đáp, mỉm cười chào nhà sư. Nàng có cảm tình với vị thiền sư
này vì sự hiểu biết uyên bác và vì tính tình phóng dật tuy hơi kỳ dị của ông, đôi khi ngây thơ như con trẻ, đôi khi lại hành động tựa người
điên, nhưng lúc nào cũng vô hại.

Thấy Oa Tử không nói gì, nhà sư lẩm bẩm:

– Xuân sắp qua rồi đấy. Mùa xuân đem phước lành tới, nhưng xem chừng
chẳng phải là chân phúc ! Chỉ thấy chấy rận bò ra, đông và khó trị.

Lúc sau lại nói:

– Chiếc áo mình giặt rồi chẳng biết phơi đâu ! Treo lên cành mận này
chắc không được ! Ai lại đi xúc phạm thiên nhiên, đem che đi những bông
hoa đẹp thế kia bao giờ ?

Hà hà … chùa thế này mà không tìm được chỗ phơi áo. Oa Tử ! Cho ta mượn sợi dây một chút !

Trông thấy nhà sư trần trùng trục, Oa Tử hơi ngượng:

– Thầy Đại Quán ! Thầy cởi trần như vậy đi dạo đợi áo khô hay sao ?

– Vậy ta đi ngủ được không ?

– Mô Phật ! Thầy thật quá quắt !

– Đáng lẽ ta nên để đến mai giặt áo mới phải.

Rồi Đại Quán một tay giơ lên trời, một tay chỉ xuống đất, bắt chước dáng điệu tượng Phật cởi trần Phật tử vẫn đem ra tắm nước trà đường hàng
năm, nói tiếp:

– Ngày mai Phật Đản, mồng tám tháng tư, nếu ta cứ đứng thế này đợi trà
dội lên đầu có phải được dịp liếm môi thưởng thức trà, nhưng chắc mọi
người bất bình lắm !

Rồi với giọng sùng kính, Đại Quán nhại lời Phật:

– Thiên thương địa hạ, duy ngã độc tôn !

Nhìn dáng điệu Đại Quán, Oa Tử cười như nắc nẻ:

– Thầy bắt chước giống quá !

– Dĩ nhiên, ta là hiện thân của thái tử Tất Đạt Đa mà !

– Vậy thầy cứ đứng yên, con đi lấy nước trà đổ lên đầu !

Một con ong vo ve bay quanh mình Đại Quán. Nhà sư sợ Ong đốt, lấy tay
xua lia lịa. Ong bị xua, chui vào khe vải khố. Nhà sư rối rít vừa nhảy
vừa khoa chân múa tay làm Oa Tử lại cười như phá.

Từ khi Đại Quán đến tá túc tại chùa, không mấy ngày là không có những
chuyện khôi hài như vậy, làm Oa Tử dù trang nghiêm đến đâu cũng không
thể không lây niềm vui của nhà sư tính tình kỳ dị. Một lúc sau nàng nói:

– Thôi, không đùa nữa. Con phải đi làm vài việc cần đây.

Oa Tử xỏ chân trắng muốt vào đôi dép, đứng dậy. Đại Quán ngây thơ hỏi:

– Việc gì vậy ?

– Thầy quên à ? Dáng điệu thầy lúc nãy làm con sực nhớ lời sư cụ sai con đi hái hoa treo trong chùa và sửa soạn buổi lễ tắm Phật ngày mai. Chiều nay con còn phải nấu trà nữa.

– Hái hoa ở đâu ?

– Ở bờ sông, gần cánh đồng.

– Ta đi với.

– Thầy cởi trần vậy mà đi à ?

– Ta không giúp thì hái không đủ hoa đâu. Vả lại người ta sinh ra đâu có quần áo gì. Vậy cứ để tự nhiên, đâu có sao !

– Thầy nói cũng có lý, nhưng con không thấy thế là tự nhiên. Thôi, để con đi một mình.

Oa Tử quày quả ra đi, vòng về phía sau chùa để tránh Đại Quán. Nàng đeo
giỏ sau lưng, tay cầm liềm, men theo cửa hông ra con đường nhỏ. Một lúc
sau quay lại, nàng đã thấy Đại Quán lặng lẽ đi theo, mình quấn một tấm
vải thô lớn, thứ vải vẫn thường được dùng để gói đồ, Đại Quán cười rất
tự nhiên:

– Mặc thế này coi được không ?

– Dĩ nhiên là không được. Trông thầy kỳ cục quá, như thằng khùng !

– Sao vậy ?

– Chẳng sao cả, nhưng thầy đừng đi cạnh con.

– Có phải đây là lần đầu tiên ngươi không muốn có đàn ông đi cạnh không ?

– Thầy Đại Quán, thầy thật bất trị !

Oa Tử chạy nhanh đi trước, Đại Quán theo sau, chân bước chững chạc như
những bước chân đức Phật hạ sơn, tấm vải thô quấn quanh mình theo gió
bay phần phật.

– Oa Tử ! Ngươi đừng giận, ta đùa đấy mà ! Nếu ngươi hay hờn giận như
vậy, những người yêu ngươi sẽ chán không theo đuổi ngươi nữa !

Dưới chân đồi, ở ven sông cách chùa khoảng non một dặm, hoa xuân nở đầy. Oa Tử để giỏ xuống. Giữa hàng ngàn vạn cánh bướm muôn màu sặc sỡ bay
lượn xung quanh, nàng bắt đầu đưa liềm cắt từng cụm hoa sát đến gốc.

Đại Quán ngồi yên một lúc rồi khẽ thở dài như vừa qua một cơn tư lự:

– Ở đây yên tĩnh quá nhỉ ! Niết bàn đầy hoa tươi đẹp thế này sao mọi
người không chịu ở, lại thích lao đầu vào chốn cuồng phong đầy dục vọng
để rồi mãn kiếp đau khổ, khóc than và phải chịu cực hình nơi địa ngục.
Oa Tử, ta ước mong ngươi đừng phải chịu cảnh ấy !

Oa Tử vẫn tiếp tục cắt hoa xếp vào giỏ. Đủ loại:

cúc dại trắng như bông, mào gà đỏ thắm, hoa cải vàng tươi mong manh như cánh bướm, hoa tử thảo tím ngắt.

– Thôi mà thầy, đừng thuyết pháp nữa. Cẩn thận kẻo ong đốt đấy !

– Ta sợ gì ong đốt. Ta chỉ muốn nhắc lại cho ngươi biết những lời dạy của đức Phật về thân phận phụ nữ như ngươi mà thôi.

– Thân phận những phụ nữ như con thầy để ý làm chi ?

– Mô Phật, ngươi lại vọng ngôn rồi ! Ta có bổn phận phải để ý đến chúng sinh chứ !

Tuy nghề của ta có hơi tò mò thật nhưng không đến nỗi vô ích hơn những
nghề khác như thợ may, thợ mộc, lái buôn hay kiếm sĩ. Nghề ta phải có là vì cần thiết.

Oa Tử dịu giọng:

– Có lẽ thầy nói đúng !

– Không ai lạ gì từ ba ngàn năm nay, phái tăng lữ vẫn kỵ phụ nữ. Kinh
Phật đã dạy đàn bà là ngạ quỷ xấu xa, từ ngục A Tỳ lên quấy nhiễu dương
thế. Ta đã nhiều năm dày công nghiên cứu kinh điển nên biết chẳng phải
ngẫu nhiên mà ta và ngươi hay có thái độ xung khắc.

– Thế theo kinh điển, tại sao đàn bà lại xấu xa ?

– Vì họ ưa lừa dối đàn ông.

– Thế đàn ông không lừa dối đàn bà bao giờ à ?

– Có chứ ! Nhưng tại … tại … đức Phật là đàn ông !

– Theo ý thầy thì nếu đức Phật là đàn bà, kinh điển sẽ dạy ngược lại à ?

– Đức Phật là đàn bà thế nào được ! Ngạ quỷ sao thành Phật được !

– Điều thầy nói phi lý lắm !

– Dĩ nhiên. Nếu những lời dạy trong kinh điển đều có lý cả thì đâu cần chư tăng đi hoằng pháp !

– Thầy chỉ ngụy biện để cầu lợi.

– Đúng là lập luận đàn bà ! Tại sao ngươi lại thích công kích riêng ta ?

Oa Tử ngưng tay liềm, chán nản:

– Thôi chẳng nói nữa. Hôm nay con không muốn nói thêm đâu !

– Nữ nhân đa ngôn quá !

– Chính thầy nói nhiều thì có !

Đại Quán nhắm mắt yên lặng như muốn thêm kiên nhẫn:

– Để ta giải thích thêm cho ngươi rõ. Lúc đức Phật ngồi tĩnh tọa dưới
gốc bồ đề, nhiều quỷ cái ngày đêm hiện ra cám dỗ nên ngài không có hảo
cảm với đàn bà. Nhưng Phật là đấng chí nhân nên lúc về già, ngài cũng
vẫn thu nhận nữ đệ tử.

– Vì ngài khôn hơn hay vì ngài già rồi ?

– Đừng có báng bổ ! Và ngươi cũng phải nhớ rằng đức Bồ Tát Na-già-giu-na tuy rất ghét, đúng hơn, rất sợ đàn bà như đức Phật vậy, cũng phải khen
bốn loại phụ nữ:

những cô em ngoan ngoãn, những người vợ hiền thục, những bà mẹ tốt và
những nữ tỳ biết chiều chuông. Ngài tán dương đức hạnh những người đó và khuyên đàn ông chỉ nên lấy những người đó làm vợ mà thôi.

– Em ngoan ngoãn, vợ hiền thục, mẹ tốt, nữ tỳ khéo chiều … con thấy chỉ có lợi cho đàn ông.

– Tự nhiên là thế. Xã hội Ấn độ thời đó trọng nam khinh nữ hơn xã hội
Nhật. Dù sao Na-già-giu-na đã khuyên phụ nữ một câu bất hủ …

– Khuyên sao thầy ?

– Ngài nói:

“ữ nhân ! Đừng phối ngẫu với đàn ông” …

– Sao kỳ vậy ?

– Khoan ! Ta chưa nói hết. Ngài nói:

“Đừng phối ngẫu với đàn ông, hãy phối ngẫu với chân lý”.

Oa Tử nhìn nhà sư, không hiểu.

– Ngươi không thấy ư ? Câu ấy có nghĩa là không nên mê một người thường mà nên tìm gửi thân cho một điều gì vĩnh cửu.

– Nhưng thưa thầy, thế nào là chân lý ?

Đại Quán bỏ thõng hai tay, mắt nhìn xuống đất, trầm mặc:

– Thực ra chính ta cũng không rõ nữa.

Oa Tử phì cười, nhưng Đại Quán không để ý.

– Nhưng có một điều ta biết chắc là đối với phụ nữ, điều đó có nghĩa
ngươi phải thủ tiết. Chớ nên ra thành thị để rồi sinh ra những đứa con
yếu đuối như gà chết. Hãy ở lại nông thôn, nơi đó hợp với ngươi, lập gia đình và sinh những đứa con lành mạnh.

Oa Tử bực mình không kiên nhẫn được, giơ liềm lên:

– Thầy đến đây giúp con hái hoa phải không ?

– Phải, ta có hứa.

– Vậy đừng thuyết lăng nhăng nữa, thầy cầm liềm cắt hoa đi !

– Nếu ngươi không muốn ta hướng dẫn tinh thần thì thôi, ta cũng không ép.

Nhà sư ra vẻ giận.

– Trong khi thầy cắt hoa, con chạy đến nhà Ô Nhiên xem chị ấy đã khâu xong thắt lưng chưa. Ngày mai con phải dùng.

– Ô Nhiên là chị Kinh Tử đã có lần ngươi dẫn lên chùa phải không ? Để ta đi với.

– Thầy ăn mặc như vậy à ?

Đại Quán làm như không nghe, tiếp tục:

– Chắc ta sẽ được mời uống trà. Khát quá !

Oa Tử không cách gì từ chối, đành gật đầu. Và cả hai men theo bờ sông cùng đi.

Ô Nhiên là một thiếu nữ trạc hai mươi lăm, tuy không còn ở tuổi trăng
tròn nữa nhưng cũng không xấu. Mặc dầu ai cũng sợ Thạch Kinh Tử, nhưng
không phải vì thế mà nàng thiếu người nhòm ngó. Ô Nhiên có dáng chững
chạc, cách cư xử mềm mỏng làm mọi người chú ý. Nàng chưa lấy chồng cũng
chỉ vì muốn có thêm thì giờ để săn sóc đến em mà thôi. Căn nhà nàng ngụ
hiện nay là do Mưu Ni Sai, cha nàng dựng lên từ lúc sinh thời, khi ông
còn coi việc quản giáo binh sĩ dưới trướng Yết Mân. Vì dốc lòng thờ chủ
nên ông được mang họ Yết Mân.

Căn nhà xây trên nền đá tảng dầy, tường đất cao vây quanh, đứng ngạo
nghễ trong ra sông, thật quá lớn đối với một kiếm sĩ thôn quê. Căn nhà
trước đồ sộ nhưng nay đã đổ nát, hoa dại mọc đầy trên mái. Nơi võ đường
xưa kia Mưu Ni Sai thường ra giảng võ bây giờ trắng những phân chim.
Cảnh điêu tàn trông thấy rõ. Mưu Ni Sai bị thất sủng, mất hết chức tước
và qua đời trong cảnh nghèo túng. Sau khi ông chết đi, gia nhân tán lạc, nhưng đôi khi vẫn lui tới thăm hỏi vì họ đều là người địa phương cả. Họ mang rau đậu đến làm quà, dọn dẹp phòng ốc hoang phế, khiêng nước đổ
đầy chum vại, quét tước cổng ngõ và tìm mọi cách giữ cho căn nhà không
đến nỗi tiêu điều quá.

Ô Nhiên đang khâu vá ở phòng trong, nghe tiếng mở cửa sau, tưởng là một
trong những gia nhân cũ tới thăm. Đột nhiên thấy Oa Tử, nàng giật mình:

– Ồ, Oa Tử đấy ư ? Em làm chị hết hồn ! Chị vừa khâu xong thắt lưng cho em đây.

Ngày mai em cần dùng phải không ?

– Vâng, cảm ơn chị. Đáng lẽ em phải làm lấy mới phải, nhưng vì bận nhiều việc ở chùa quá nên không có thì giờ.

– Thì giúp em chị cũng vui chứ ! Chẳng làm gì, chị thấy buồn và ngày dài quá !

Oa Tử ngửng lên. Trên bàn thờ hai ngọn nến cháy leo lét. Ánh sáng lờ mờ
chiếu không rõ đôi bài vị làm sơ sài bằng gỗ đặt sau chén nước và đĩa
hoa cúng. Trên mỗi bài vị là một tấm giấy viết nắn nón trang trọng những hàng chữ:

Chân linh Yết Mân Thạch Điền Kinh Tử, mười bảy tuổi.

Chân linh Hồ Điểu Mãn Hà Chí, mười bảy tuổi.

Oa Tử hoảng hốt:

– Chị Ô Nhiên ! Chị được tin họ chết cả rồi à ?

– Lạy Trời Phật, chưa em ạ. Nhưng còn mong gì nữa ! Chị tin là họ đã bỏ thây ở Sekigahara rồi. Đành chấp nhận vậy.

Oa Tử lắc đầu:

– Đừng nói vậy, chị Ơi ! Xui lắm ! Họ không chết đâu. Rồi nay mai họ lại trở về mà.

Ô Nhiên cúi xuống nhìn chiếc áo đang khâu dở, dịu dàng hỏi:

– Em có mơ thấy Hà Chí không ?

– Có, thường mơ thấy luôn. Có sao không chị ?

– Vậy phải rồi. Hắn đã chết thật. Chị không lúc nào là không mơ thấy Kinh Tử.

– Ô Nhiên, em van chị đừng nói thế !

Rồi Oa Tử chạy đến bàn thờ bóc hai mảnh giấy trên bài vị ra:

– Bỏ nó đi chị ạ ! Để làm gì, chỉ thêm xui xẻo !

Nước mắt rưng rưng, nàng với tay tắt nến, mang hoa và nước chạy sang
phòng bên vất hoa ra xa và tiện tay đổ nước qua thành cửa sổ. Nước dội
trúng đầu Đại Quán đang ngồi xổm bên ngoài.

– Ái chà ! Nước gì lạnh dữ !

Đại Quán vừa la vừa nhảy lên lấy vạt áo lau đầu.

– Ngươi làm gì vậy ? Ta đến đây để uống trà, đâu phải để tắm !

Oa Tử cười. Những giọt lệ sầu muộn đã trở thành những giọt lệ tươi vui.

– Xin lỗi, con không biết thầy ngồi đó !

Và nàng chạy vội đi lấy trà mang lại. Ô Nhiên nhìn ra hiên, hỏi:

– Ai thế em ?

– Sư bác trên chùa. Chắc chị nhớ cái ông sư dơ bẩn chị gặp hôm đi cùng
với em lên chùa đấy nhỉ, cái ông nằm sấp ở ngoài nắng, tay chống cằm
nhìn chăm chắm xuống đất xem rận chọi nhau đó !

– À ra ông ấy đó hả ?

– Vâng, tên thầy là Đại Quán.

– Thầy ta tính hơi kỳ dị phải không em ?

– Kỳ dị còn là ít đấy !

– Thầy ấy mặc áo gì thế ? Trông không phải áo người tu hành.

– Đâu phải áo. Miếng vải bố đấy chứ.

– Mặc áo bằng vải bố à ? Lạ nhỉ. Thầy ta bao nhiêu tuổi ?

– Thầy ấy bảo băm mốt, nhưng em tưởng em còn đáng làm chị thầy ta nữa đấy !

Thầy ngớ ngẩn lắm ! Thế mà các thầy trên chùa bảo trông bên ngoài như vậy nhưng Đại Quán là một nhà sư đáng trọng.

– Có thể lắm, chả nên trông mặt mà bắt hình dong. Thầy ta ở đâu đến thế ?

– Ở Tajima chị ạ. Quy y từ năm lên mười, bốn năm sau vào tu trong thiền
viện Tịnh Giác. Ở thiền viện ra, thầy ta là đệ tử của một hòa thượng tại Đại Từ cổ tự, cùng với thầy đi hành hương đến Kyoto và Nara rồi lại
theo học nhiều danh tăng khác. Thầy ta dành nhiều thì giờ nghiên cứu
kinh điển lắm.

– Có lẽ vì thế nên thầy ta hơi khác người.

– Vâng. Thầy Đại Quán trước đã là viện trưởng thiền viện Ngân Sơn và có
sắc phong trụ trì chùa Đại Từ, nhưng không hiểu sao mới được ba ngày đã
bỏ đi.

Ô Nhiên khẽ gật đầu. Oa Tử nói tiếp:

– Nghe nói hình như những danh tướng và những nhà quý tộc như Khải Mạng
Tăng và Tôn Điền Tùng Cương nhiều lần đã cố giữ thầy lại, xây chùa để
cầm chân thầy nhưng thầy không màng. Thầy thích cuộc đời phiêu lãng khất cái, đi đâu mang rận chấy đến đấy. Em cho là thầy ta hơi khùng.

– Có lẽ theo nhãn quan của Đại Quán, chúng ta mới là những người không bình thường.

– Thì thầy ta vẫn nói thế !

– Thầy Đại Quán định lưu lại chùa bao lâu ?

– Nào ai biết được. Nay đến mai đi là thường.

Đại Quán đứng ngoài hiên nói vọng vào:

– Hà hà … ta nghe hết rồi đấy nhé !

– Con có nói xấu gì thầy đâu ?

– Ngươi thích nói xấu thì cứ nói, ta không cần, nhưng ít ra phải cho ta cái bánh gì để uống trà chứ ?

– Đấy chị coi, thầy Đại Quán lúc nào cũng như vậy đó !

– Như vậy là thế nào ? Đại Quán nói vọng ra. Ngươi ngồi đó làm ra vẻ
hiền lành, không làm hại đến con ruồi con muỗi, nhưng thật ra tàn nhẫn
vô cùng !

– Đâu, con tàn nhẫn ra sao ?

– Thì bỏ ta một mình với chén trà nguội rồi ngồi đó mà than khóc mối tình dang dở là tàn nhẫn chứ sao !

oo Chuông trên hai chùa Đại và Tiểu Sơn thong thả buông từng tiếng ngân nga.

Những hồi chuông lễ bắt đầu từ sáng sớm, đến bây giờ đã quá ngọ rồi vẫn không dứt.

Suốt buổi sáng, thiện nam tín nữ nô nức lên chùa không lúc nào ngớt:

thiếu nữ thắt lứng đỏ tươi, vợ các thương gia và những người đứng tuổi mang thắt lưng màu trang nhã hơn.

Đây đó một vài bà già mặc kimono màu sẫm, tay dắt trẻ.

Đại sảnh chùa Tiểu Sơn chật ních những người. Thanh niên đông vô kể. Họ
đến hình như cốt để ngắm Oa Tử hơn là để lễ Phật. Một chàng khẽ rỉ tai
bạn:

– Nàng đấy !

– Ờ, đẹp thật !

Giữa đại sảnh là một cái kiệu làm theo hình ngôi chùa nhỏ, mái kết bằng
lá bồ đề, cột quấn từng tràng hoa tươi. Trong ngôi “chùa hoa” ấy có một
tượng Phật màu đen, cao chừng sáu tấc, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, đứng trong một cái bể cạn bằng sành. Thiện nam tín nữ xếp
hàng đi qua, dùng gáo tre múc nước trà đường dội lên đầu Phật.

Đại Quán túc trực cạnh kiệu, đổ nước cam lộ vào ống tre để phân phát cho Phật tử mang về lấy phước. Vừa phân phát, Đại Quán vừa quyên giáo:

– Chùa nghèo, xin quý thí chủ mở lòng đại lượng. Bần tăng biết quý vị dư giả, mặc áo lụa, mang thắt lưng thêu, nhưng đa tài tất đa nạn. Xin quý
thí chủ phát bồ đề tâm, công đức thật vô lượng.

Phía bên kia kiệu, Oa Tử ngồi sau chiếc bàn thấp sơn then. Mặt nàng rạng rỡ phớt hồng như những cánh hoa treo trên vách. Nàng mang chiếc thắt
lưng mới, tay thoăn thoắt viết bài kệ ngắn trên giấy ngũ sắc thỉnh
thoảng lại lăn đều ngọn bút trên nghiên mực dát vàng để cạnh:

Mồng tám tháng tư Ấy ngày đại cát Sâu độ bọ hoang Phá mùa hại tiết Mau mắn diệt tan Hăng hái trừ hết.

Từ ngàn xưa, dân vùng này vẫn có lệ lên chùa vào ngày Phật Đản, thỉnh
những câu kệ như trên về dán vách không những để trừ trùng, mà còn để
phòng bệnh và tránh vận xui. Oa Tử chép đi chép lại bài kệ hàng trăm
lần, đã thấy mỏi tay, nét chữ không còn sắc sảo như trước. Bỏ bút xuống
nghỉ, nàng nói vọng sang phía dưới:

– Thôi thầy ạ, chẳng nên đòi nhiều. Họ cũng không có.

– Ta quyên những nhà giàu đấy chứ ! Đa tài đa nạn. Tiền bạc nhiều thì
lắm khổ đau. Cất đỡ cho họ gánh nặng khổ đau là làm phúc đấy !

– Thầy nói như vậy thì ra những tên đạo chích lấy tiền bạc của người ta đều là phát tâm bồ đề cả sao ?

Đại Quán mãi nhận lễ cúng nên không đáp. Nhà sư bận ngăn đám đông đang chen lấn nhau đến gần tượng Phật.

– Mô Phật ! Xin quý thí chủ cứ thong thả. Ai cũng đến lượt được cầu phúc. Xin đừng chen lấn !

Một thanh niên gọi to:

– Này sư bác !

Đại Quán ngưng tay phát lộc, tự chỉ vào mũi, hỏi lại:

– Thí chủ gọi ta đấy à ?

– Phải, thầy nói chúng tôi cứ thong thả đợi đến lần, nhưng sao thầy luôn luôn phát cho phụ nữ trước vậy ?

– Vì ta thích phụ nữ hơn.

– Vậy ra thầy đây là một trong những thầy chùa hiếu sắc người ta thường nói tới trong vùng này đấy ư ?

– Anh ngốc này ! Anh tưởng ta không biết anh đến đây để làm gì hả ? Anh
đến chẳng phải để lễ Phật hay cầu phúc mà chỉ để nhìn Oa Tử cho sướng
mắt. Có đúng thế không ? Đừng chối. Này, ta nói thật, nếu anh kẹo quá
thì chẳng ăn thua gì đâu !

Oa Tử đỏ mặt:

– Thầy Đại Quán, thầy nói gì thế ?

Và nàng ngẩng lên nhìn ra cửa sổ để tránh những tia mắt tò mò của mọi người.

Bỗng thoáng thấy một bộ mặt quen hiện ra, Oa Tử ngạc nhiên hết sức, đánh rơi cây bút đang cầm trên tay, chạy vội ra cửa suýt làm đổ cả bàn viết.

Nhưng bộ mặt vừa thoáng hiện ra đã biến mất, như con cá lặn dưới nước sâu.

Quên tất cả mọi người chung quanh, Oa Tử lật đật chạy ra ngoài, vừa chạy vừa gọi rối rít:

– Thạch Kinh Tử ! Thạch Kinh Tử !

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN