Thạch Kiếm - Chương 5: Trí dũng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
140


Thạch Kiếm


Chương 5: Trí dũng


Thạch Kinh Tử bị truy nã gắt. Khắp
ngả đường và trước cổng nhà xã trưởng đều có treo cáo thị trọng thưởng
cho ai giết chết hay bắt sống được Thạch Kinh Tử hoặc chỉ chỗ hắn ẩn
nấp. Cáo thị mang triện son của Phổ Đà Mã Tử, tổng trấn lâu đài Himeji.

Dân trong làng lo lắng ra mặt, nhất là gia đình bà Hồ Điểu. Công việc
đồng áng bỏ bê, chẳng ai có thì giờ cày cấy hay tầm tang gì nữa. Đêm nào bà Hồ Điểu cũng thúc giục gia nhân chặn hết mọi lối ra vào trang trại,
khóa cửa cài then kỹ lưỡng đề phòng Thạch Kinh Tử trở về báo thù. Dân
quân họp nhau nhiều bận bàn kế lùng bắt phạm nhân mà vẫn không kết quả.

Hôm nay, mới tinh sương, đã có thanh niên hớt hải chạy về báo cáo:

– Lại một người nữa bị giết !

– Ở đâu ? Lần này ai vô phúc vậy ?

– Một kiếm sĩ không rõ tên. Xác còn nằm ở đường mòn chân núi.

Dân xóm tuy sợ nhưng không nén được tò mò, kéo nhau đi xem. Xác nạn nhân dựng ngược, đầu chúi vào bụi cây bên cạnh cái cọc treo bảng cáo thị còn dính máu. Nạn nhân bị vỡ sọ, có lẽ bị đánh bằng cọc này.

Ai ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Đọc cáo thị, mọi người không khỏi ngao ngán trước sự thật phũ phàng:

Thạch Kinh Tử mạnh quá. Nó ra tay tàn nhẫn như thế, ai còn lòng nào đi bắt nó hay dám chỉ chỗ nó trốn ?

Oa Tử cũng theo dân xóm đến coi xác chết. Rời khỏi đám đông, sắc mặt
nàng nhợt nhạt, hình ảnh kẻ bất hạnh còn lởn vởn trong trí. Trở về chùa, đến chân núi, nàng gặp viên đội trưởng dẫn năm sáu thuộc hạ đi tra xét. Oa Tử khép nép tránh sang vệ đường, không muốn cho gã trông thấy.

Nhưng đã muộn. Thấy thiếu nữ, gã cười toe toét:

– Oa Tử đi đâu về thế ?

– Đi mua đồ.

Oa Tử đáp cụt lủn, rồi không đợi gã nói thêm câu nào, vội vã trèo những
bậc đá để lên chùa. Nàng không có thiện cảm với viên đội trưởng, có lẽ
vì bộ ria lởm chởm như bàn chải của gã làm nàng gớm ghiếc và nhất là sau cái đêm hắn làm hỗn với nàng, nàng càng ghê sợ.

Đến cổng chùa, Oa Tử thấy Đại Quán đang đùa với một con chó hoang. Nàng
len lén tránh xa, ghê con vật bẩn thỉu, không ngờ nhà sư đã trông thấy,
gọi:

– Oa Tử ! Ngươi có thư đấy ?

Ngạc nhiên, nàng hỏi lại:

– Thư của con ư ? Ai gửi đến thế ?

– Không biết ! Nhưng vì ngươi không có ở chùa, ta giữ hộ cho đây.

Đoạn thò vào tay áo lấy ra một cuốn giấy trao cho thiếu nữ.

– Trông ngươi không vui. Có chuyện gì vậy ?

– Chuyện đau lòng, thầy ạ. Có người chết ở ven rừng, mắt còn mở và máu đọng …

– Hừ. Những cảnh ấy chẳng nên xem. Ít lâu nay ta cũng thường thấy xác
chết, cứ đà này đi đâu có lẽ phải nhắm mắt lại mất ! Vậy mà mình cứ
tưởng đất này là tiên cảnh…

– Sao Thạch Kinh Tử hạ sát nhiều người quá vậy thầy ?

– Thì để cho hắn khỏi bị giết chứ sao ! Nam mô a di đà Phật, lòng hiếu
sinh và hiếu sát của gã thiếu niên ấy thật ghê gớm. Họ đi tìm giết hắn
thì hắn phải tự vệ …

– Nếu hắn về làng này giết người thì thầy phải làm sao ?

Đại Quán ngồi yên không đáp. Mây đen đùn lên từng đám che khuất cả đỉnh núi.

Oa Tử mở cửa phòng, đặt cuộn thư lên chiếc bàn thấp, định ngồi xuống bồ
đoàn đọc cho yên tĩnh. Liếc nhìn khung cửi, một tấm lụa còn đang dệt dở. Từ năm ngoái, Oa Tử đã ươm tơ định dệt một tấm kimono cho Mãn Hà Chí,
với lòng thành khẩn mong mỗi đường tơ sẽ là một sợi dây ràng buộc nàng
với vị hôn phu thêm bền chặt. Và nàng thầm ước tấm áo đừng bao giờ hư
rách. Nhưng Mãn Hà Chí đã bỏ đi dự trận Sekigahara, và đến bây giờ vẫn
không tin tức.

Oa Tử đăm chiêu nhìn cuộn giấy trên bàn rồi băn khoăn tự hỏi:

“Chẳng biết thư của ai ?”.

Nàng đọc đi đọc lại địa chỉ nhiều lần, sợ nhầm lẫn. Nhưng rõ ràng thư đề tên nàng, địa chỉ là chùa Tiểu Sơn, làng Miyamoto. Giấy bọc ngoài sờn
rách nhem nhuốc nước mưa và vết tay chứng tỏ nó đã được chuyển qua nhiều trạm.

Oa Tử bật dấu niêm, thấy rơi ra hai mảnh giấy. Mảnh thứ nhất mang bút tự của một thiếu phụ nàng không quen và có lẽ nhiều tuổi hơn nàng:

“Thiểm nữ viết thư này để xác nhận những điều Mãn Hà Chí nêu trong thư kia là đúng nên không nói rõ chi tiết.

Xin thông cảm. Thiểm nữ đã thành hôn với Mãn Hà Chí và coi Mãn Hà Chí
như người nhà. Nhưng thấy anh ta còn áy này về cô nên phải gửi thư này.
Đường đời mỗi người một ngả, mong cô nương hãy quên người cũ. Vạn cảm.
Ôkô“.

Oa Tử tái mặt, tay run run mở mảnh giấy kia. Rõ ràng bút tích của Mãn Hà Chí, vị hôn phu nàng. Trong thư, Mãn Hà Chí kể lể tại sao hắn không về
làng được và xin rút lại lời hứa hôn để nàng có cơ hội đi lấy chồng
khác. Mãn Hà Chí còn nói thêm hắn không dám gửi thư cho mẹ vì khó viết
quá và nhờ Oa Tử chuyển lời nói với bà cụ hắn vẫn khỏe mạnh và hiện đang cư ngụ tại một tỉnh khác.

Đọc xong hai lá thư, Oa Tử bủn rủn cả chân tay, mắt đờ ra không chớp mà
cũng không khóc. Những ngón tay cầm thư trắng bệch tựa da người chết
nàng vừa thấy cách đây một lúc.

Thời gian trôi qua. Người làm trong bếp chẳng biết nàng đi đâu. Viên đội trưởng để thuộc hạ ngủ trong rừng, một mình trở về chùa đòi được cung
phụng những tiện nghi xứng với cấp bậc của hắn. Nào nước tắm phải vừa
nóng, món cá tươi mới bắt ở sông lên phải nấu cho khéo hợp với khẩu vị
và rượu sa-kê phải là thứ ngon nhất xóm. Hầu hạ đội trưởng công phu lắm, dĩ nhiên Oa Tử phải gánh một phần trách nhiệm, nhưng bây giờ chẳng biết nàng ở đâu thành ra bữa ăn tối của đội trưởng bị trễ.

Đại Quán đi tìm Oa Tử chẳng phải vì quan tâm gì đến bữa ăn sớm hay muộn
của viên đội trưởng nhưng vì lo cho Oa Tử. Chưa bao giờ Oa Tử đi đâu lâu mà không nói cho chùa biết. Đại Quán băng vườn sau, vừa đi vừa gọi.
Nhiều lần qua phòng dệt thấy cửa đóng, ông cũng sơ ý không nhìn vào.

Sư cụ lộ vẻ hoảng hốt:

– Mô Phật ! Không thấy nó trong chùa. Hay thầy sai người xuống chân núi xem sao.

Nếu không có nó đứng hầu, đội trưởng không chịu uống rượu.

Đại Quán sai người cầm đèn xuống núi nhưng đồng thời cũng tự đi lục soát khắp chùa một lần nữa. Lần này ông không quên mở cửa ngó vào phòng dệt. Cảnh tượng bên trong làm ông giật mình:

Oa Tử gục đầu trên khung cửi, bất động. Đại Quán rón rén bước vào phòng, đứng lặng nhìn hai phong thư nhàu nát vật dưới đất như bị giầy xéo lên
chẳng khác gì những hình nhân bằng giấy sau buổi cúng cháo thí. Nhà sư
nhặt những phong thư, dịu dàng bảo Oa Tử:

– Có phải thư sáng nay không con ? Sao không cất đi ?

Oa Tử lắc đầu mệt mỏi.

– Ai cũng lo không biết con đi đâu. Ta đã tìm khắp nơi mà không thấy.
Thôi, lên chùa đi. Ta biết con không thích nhưng con còn nhiều việc phải làm như hầu cơm đội trưởng chẳng hạn. Sư cụ đang cuống lên vì con đó !

– Con nhức đầu lắm … Thưa thầy con muốn được yên tĩnh … chỉ tối nay thôi.

Đại Quán thở dài:

– Thực ra ta nghĩ con chẳng có bổn phận gì phải hầu đội trưởng, dù tối
nay hay bất kỳ tối nào khác. Nhưng sư cụ không nghĩ vậy. Người phải lo
việc thế tục lại không đủ uy đức làm cho họ nể và giúp đỡ cho nên người
thấy có bổn phận phải chăm sóc đội trưởng.

Và Đại Quán nhẹ nhàng vỗ vai Oa Tử:

– Sư cụ là người đã cưu mang con, tất nhiên con phải đền đáp. Mọi người đang đợi… Thôi, con lên chùa đi.

Oa Tử bất đắc dĩ đứng dậy. Mắt còn ngân lệ, nàng ngập ngừng nói:

– Con sẽ đến đó, nhưng thầy phải ở lại với con.

– Ta không thấy trở ngại. Có điều thằng “râu bàn chải” ấy chẳng ưa gì
ta, mà mỗi khi thấy nó, ta chỉ muốn bảo thẳng vào mặt nó là bộ râu nó
làm ta phì cười. Thật trẻ con, nhưng có những người làm ta có cảm giác
như vậy !

– Con không muốn đến đó một mình.

– Sư cụ cũng ở đó mà !

– Vâng, nhưng mỗi khi con đến người lại bỏ đi.

– Hừ, vậy không tốt. Thôi để ta cùng đi với con. Bây giờ ra rửa mặt đi.

Khi Oa Tử lên đến chùa, viên đội trưởng đã ngà ngà say. Thấy nàng, nét
mặt hắn tươi hẳn lên. Hắn sửa lại vành mũ lệch và đòi chuốc thêm rượu.
Nhưng niềm vui của hắn không trọn vì có Đại Quán ngồi thu lu ở góc
phòng, đầu cúi xuống đọc mãi miết một cuốn sách đặt trên đùi.

Cho đó chỉ là một chú tiểu vô danh trong chùa, viên đội trưởng hất hàm, sẵng giọng:

– Này chú kia !

Đại Quán vẫn chăm chú đọc. Oa Tử phải lấy khuỷu tay hích làm hiệu, nhà sư mới chậm rãi nhướng mắt:

– Đội trưởng gọi bần tăng ?

– Ừ, ta không cần ngươi. Đi chỗ khác.

Đại Quán làm bộ ngớ ngẩn:

– Bần tăng ngồi đây không phiền gì mà !

– Vậy hả ? Ngươi không cho là phiền hà ?

– Không ! Không phiền gì ! Nói xong, Đại Quán lại cúi xuống đọc sách.

– Nhưng ta, ta thấy phiền ! Hắn cao giọng. Có người đọc sách ngồi bên, ta uống rượu mất ngon !

– Mô Phật ! Vậy xin gấp sách lại.

– Ta không muốn …

– Hay để Oa Tử cất sách đi.

– Ta không nói sách ! Đồ ngu, ta nói mày. Thấy mày ta khó chịu.

Đại Quán nghiêm giọng:

– Rất tiếc bần tăng không làm được như Trang Chu, hóa thành bướm đậu lên mâm rượu của đội trưởng.

Bị chế nhạo, viên đội trưởng căm giận, cổ bạnh ra đỏ gay, mắt lồi trông như con cá nóc:

– Cút ngay ! Cút khỏi đây tức khắc !

Đại Quán điềm nhiên cúi đầu:

– Xin tuân lệnh.

Rồi cầm tay Oa Tử, nhà sư nói:

– Qúy khách đây muốn độc ẩm. Bậc hiền giả vốn ưa tĩnh mịch, ta chẳng nên làm rộn.

– Sao ? Sao ? Mày định …

– Đội trưởng bất bình chuyện gì vậy ?

– Ai cho phép mày dẫn Oa Tử đi, thằng ăn xin khốn nạn kia ?

Khoanh tay trước ngực, Đại Quán nhìn hắn khinh bỉ.

– Càng sống lâu ta càng thấy phái tăng lữ chẳng mấy ai coi được. Phái kiếm sĩ thì lại tệ quá ! Như nhà ngươi chẳng hạn !

Mắt viên đội trưởng tóe lửa:

– Mày nói gì vậy ?

– Ngươi có soi gương bao giờ không ? Có tự hỏi xem bộ râu ngươi có trông được không ?

Viên đội trưởng với tay ra phía sau, cầm thanh kiếm dựa bên vách:

– Mày liệu hồn !

Đại Quán liếc mắt nhìn hắn chống tay đứng dậy:

– Liệu hồn sao ?

Viên đội trưởng nắm đốc kiếm, hét:

– Rồi mày biết !

Đại Quán cười ngất trước cơn cuồng nộ của tên vũ biền, thong thả đáp:

– Nhà ngươi định chặt đầu ta chứ gì ? Ha ha ! Thật vô ích !

– Hả ? Mày nói gì ?

– Ta nói:

Thật vô ích. Vì không có gì phi lý hơn là chém đầu thầy chùa. Nếu ta có
rơi đầu thì ta cũng vẫn cười, nhà ngươi chẳng giải quyết được gì mà võ
công ấy có gì là oanh liệt ? Thật vô ích !

– Ít ra ta cũng khóa được cái mõm hỗn láo của nhà ngươi lại.

Hắn cười khành khạch, đầy vẻ tự mãn và kiêu căng của hạng người ỷ có vũ
khí trong tay, lăm lăm cầm kiếm tiến đến trước mặt Đại Quán:

– Thôi chứ, đội trưởng !

Thái độ điềm tĩnh của nhà sư làm hắn càng uất, kiếm trên tay run lẩy
bẩy. Oa Tử sợ hắn không dằn được cơn giận, chạy vội ra đứng giữa hai
người mong dàn hòa và tìm cách che chở cho Đại Quán:

– Sao thầy lại nói với một kiếm sĩ như thế ? Nàng khẩn khoản. Thầy xin lỗi đội trưởng đi.

Nhưng Đại Quán vẫn tiếp tục:

– Tránh ra, Oa Tử, ta không hề gì đâu ! Ngươi tưởng cái thằng ngu xuẩn
này có thể chém đầu ta được hay sao ? Chỉ huy cả hàng mấy chục người có
vũ khí trong tay mà ròng rã gần tháng trời không bắt được tên phạm nhân
kiệt lực sắp chết đói thì làm sao gạt ta nổi !

– Thằng kia ! Có giỏi cứ đứng đó ! Oa Tử tránh ra để ta xả thằng to mồm này ra làm hai mảnh.

Oa Tử quỳ xuống chân viên đội trưởng, van lạy:

– Xin đội trưởng bớt nóng, tha cho thầy Đại Quán. Thầy tâm trí không
được bình thường, gặp ai cũng nói thế nhưng chẳng có tâm địa gì đâu !

Và nàng khóc nức nở.

Đại Quán vội chữa:

– Oa Tử lầm rồi. Ta hoàn toàn bình thường, ta chỉ nói sự thật mà sự thật thì khó làm cho người nghe lọt tai. Thằng này ngu thì ta gọi nó là đồ
ngu, sao có thể gọi khác được. Như vậy chẳng hóa ra ta dối trá à ?

– Mày nhắc lại câu nói ấy là ta giết ngay, đừng hỗn !

– Ta thích nói thì cứ nói, đâu sợ ! Đối với tụi lính tráng như ngươi,
bắt được Thạch Kinh Tử hay không cũng chẳng hề gì, nhưng đối với những
nông dân ở đây, chúng bây là một gánh nặng cho họ. Nếu cứ tiếp tục như
thế này, ta đoan chắc vụ mùa này sẽ thất thu và rồi đói cả làng ! Ngươi
là cấp chỉ huy mà không nghĩ gì đến chuyện họ phải bỏ tất cả công việc
để đi “săn vịt trời” cho nhà ngươi. Thật xấu hổ !

– Câm mồm lại ! Mày muốn phỉ báng chính quyền Tôn gia hả ?

– Ta không chỉ trích chính quyền Tôn gia, ta chỉ chê những tên vô dụng
như ngươi, ăn cơm của Tùng Tôn gia để bảo vệ dân mà làm không được việc. Ngươi không xứng đáng với đồng lương được lãnh. Thứ nhất, lấy danh
nghĩa gì mà ngươi la cà trong chùa, ăn ngon mặc đẹp, đòi phải có gái tơ
hầu rượu trong khi quân sĩ của ngươi vất vả ngoài rừng. Như vậy là phục
vụ chủ soái đó sao ?

Viên đội trưởng đứng yên lặng không nói.

– Bổn phận của một kiếm sĩ phải chăng là trung thành và tích cực phụng
sự chủ soái, lo bảo vệ dân đang khốn khổ nai lưng ra làm lụng để đón góp giữ vững quyền lực Tôn gia ? Ngươi bắt họ bỏ bê công việc, những công
việc mà nếu không làm họ sẽ không có ăn. Ngươi làm ngơ trước sự vật vả
của thuộc cấp, lợi dụng địa vị để có phì mã với khinh cừu, ở nhà tốt,
uống rượu ngon. Ta nói thẳng:

ngươi chỉ là hạng tồi bại, thối nát, vị kỷ, mượn danh thượng cấp để mưu cầu tư lợi mà thôi !

– …

– Bây giờ hãy chặt đầu ta đi ! Mang đầu ta đến trình cho Tùng Tôn gia
rõ. Ngài sẽ hỏi mình ta đâu, bấy giờ ngươi khó mà giải thích. Chắc ngươi không rõ ta đã nhiều lần uống trà với Tôn gia ở Mẫn Giác tự và là bạn
thân của người khi ta còn trụ trì tại chùa Đại Từ.

“Râu bàn chải” nghe Đại Quán nói, nửa tin nửa ngờ nhưng cũng hơi ngán, đứng im có ý sợ. Cơn say đã bớt đi nửa.

Đại Quán được thể, tấn công luôn:

– Bây giờ đội trưởng hãy ngồi xuống. Nếu không tin, ngày mai ta sẽ đích
thân đi với đội trưởng đến yết kiến Tôn gia và mang biếu Tôn gia một ít
nếp than ta biết người rất thích. Thực ra ta cũng chẳng muốn, nhưng nếu
gặp người, ta không thể nói dối. Nếu chuyện này đến tai Tôn gia, ta e
ngươi sẽ phải tự xử vì đã tỏ ra bất lực trước nhiệm vụ.

Ngay từ trước, ta đã khuyên ngươi chớ có dọa ta nhưng các ngươi có bao
giờ suy nghĩ sâu và lường hậu quả đâu. Nào, bỏ gươm xuống, ta có chuyện
khác muốn nói.

Như bị thôi miên, viên đội trưởng dựng kiếm vào vách rồi ngồi vào chỗ cũ.

– Chắc đội trưởng không lạ gì binh pháp của Tôn Tử, nhà chiến lược nổi
danh của Trung quốc. Binh gia cấp bậc như đội trưởng tất phải đọc qua.
Vì thế ta chỉ lưu ý đội trưởng về một nguyên tắc rất quan trọng trong
sách. Ta sẽ chỉ cách cho đội trưởng bắt Thạch Kinh Tử mà không tốn thêm
một người nào nữa và khỏi làm phiền đến dân làng.

Vì là nhiệm vụ của đội trưởng, hãy nghe cho kỹ.

Rồi quay sang Oa Tử, Đại Quán bảo:

– Oa Tử, rót cho đội trưởng chung rượu.

Viên đội trưởng trạc tứ tuần, hơn Đại Quán đến gần chục tuổi, nhưng
trông nét mặt hai người lúc bấy giờ thấy rõ sức mạnh tinh thân không đợi tuổi tác. Những lời đanh thép của Đại Quán làm cho viên đội trưởng cảm
thấy mình hèn mọn và tội lỗi. Bao nhiêu dáng điệu hung hăng trước tự
nhiên biến mất.

– Thôi, không uống nữa. Ta tin ngươi là bạn của Tôn gia. Tha lỗi cho ta tội lỗ mãng khi nãy, ta sợ đã quá chén.

Đại Quán không nói thêm, chỉ khẽ bảo:

– Bỏ chuyện ấy đi. Bây giờ hãy bàn cách bắt Thạch Kinh Tử, vì đó là chủ ý và cũng là cách bảo toàn danh dự cho đội trưởng, đúng thế không ?

– Đúng.

– Chắc đội trưởng không quan tâm mấy đến việc bắt Thạch Kinh Tử sớm hay
muộn. Muộn có lẽ tốt vì đội trưởng có thì giờ lưu lại chùa ăn uống thỏa
thuê và ngắm Oa Tử.

– Thiền sư đừng nhắc đến chuyện ấy nữa, nhất là trước mặt Tôn gia.

Viên đội trưởng có vẻ thành khẩn.

– Được rồi, ta sẵn sàng giữ kín chuyện. Nhưng nếu ngày nào ngươi cũng cứ trưng tập dân làng đi làm một việc thật vô ích thì tai hại lắm. Không
phải chỉ nông dân bị thiệt mà còn nhiều người khác nữa. Họ lo sợ không
còn lòng nào làm việc. Chỉ vì ngươi đã dùng sai chiến thuật hay chẳng
hiểu chiến thuật gì hết. Nếu ta không lầm thì có lẽ ngươi chưa đọc binh
pháp ?

– Quả vậy !

– Đáng thẹn ! Đáng thẹn ! Đội trưởng mà kiến thức nông cạn như thế thật
đáng thẹn. Vậy không nên bàn thêm nữa làm gì. Ta chỉ có một đề nghị:

ta sẽ thay ngươi bắt Thạch Kinh Tử trong vòng ba ngày !

– Thầy mà bắt được Thạch Kinh Tử ?

– Ngươi tưởng ta đùa chăng ?

– Không, nhưng …

– Nhưng sao ?

– Kể cả quân tiếp viện từ Hameji đến và dân làng luân phiên lùng kiếm có đến hàng trăm người suốt gần tháng nay mà không bắt được Thạch Kinh Tử

– Ta biết chuyện đó.

– Bây giờ mùa xuân, thức ăn trên núi không thiếu, Thạch Kinh Tử có thiên thời, khó lắm …

– Vậy ngươi đợi đến mùa tuyết hay sao ? Còn những tám tháng nữa …

– Không ! Làm sao đợi được !

– Dĩ nhiên ! Vì vậy ta mới đề nghị thay ngươi để bắt hắn. Ta không cần
ai giúp, một mình ta sẽ làm chuyện đó. Hay nghĩ cho cùng, có thể nhờ Oa
Tử một tay cũng được.

– Thầy không nói giỡn đấy chứ ?

– Đại Quán này không phải lúc nào cũng nói giỡn. Ta tin là ngươi đã thất bại thảm hại cũng chỉ vì không biết cách dụng binh. Ta tuy là thiền sư
nhưng cũng tự hào lý hội được phần nào ý của Tôn Tử. Nhưng với một điều
kiện, nếu ngươi không thuận, ta sẽ không làm, để tùy ngươi ngồi chờ ngày tuyết rơi và cái đầu ngươi cũng rụng luôn thể.

– Hừ … điều kiện gì ?

– Bắt được tên đó, phải để ta quyết định số phận hắn.

Viên đội trưởng lấy tay gãi râu, suy nghĩ:

– Thế là thế nào ?

Những ý tưởng hắn lộn xộn trong trí. Làm sao biết được nhà sư kia không gạt hắn ?

Y nói thì hùng biện lắm nhưng có thể là một thằng khùng hay bạn đồng lõa với Thạch Kinh Tử và biết chỗ ẩn nấp của nó. Nhưng dù sao, cứ để y thi
hành cái kế điên khùng ấy cũng chẳng hại gì. Biết đâu đến phút chót y
chẳng bỏ cuộc ?

Nghĩ vậy, viên đội trưởng gật đầu:

– Được ! Nếu bắt được, thầy cứ định đoạt số phận hắn. Nhưng trong ba ngày, nếu không bắt được thầy tính sao ?

– Ta nguyện sẽ chịu chết treo trên cành cây đại bách sau chùa.

Hôm sau, mới sáng sớm, chú tiểu đã hớt hải chạy xuống bếp báo tin:

– Hỏng rồi ! Thầy Đại Quán mất trí rồi ! Thầy hứa đi bắt Thạch Kinh Tử cho đội trưởng.

Mọi người trố mắt:

– Thật không ?

– Mô Phật. Vọng ngôn là phạm vào ngũ giới đấy, chú đừng nói bậy.

– Thầy Đại Quán làm sao mà bắt được Thạch Kinh Tử !

Đa số mỉm cười không tin, nhưng cũng có người thì thầm lo ngại. Sư cụ
lắc đầu, cho rằng miệng lưỡi chúng sinh quả là nhân duyên của nhiều
nghiệp chướng.

Nhưng Oa Tử bối rối hơn cả. Mới hôm qua thư Mãn Hà Chí đến đã làm nàng
đau xót hơn là tin hắn chết. Nàng tin tưởng vào mối tình chung thủy của
vị hôn phu và chấp nhận về làm dâu nhà Hồ Điểu, nhưng bây giờ …bây giờ nàng biết than thở cùng ai ?

Trong cơn thất vọng, nàng chỉ thấy còn Đại Quán là niềm an ủi duy nhất,
tia sáng cuối cùng mà nàng trông cậy. Hôm qua ở phòng dệt, Oa Tử đã khóc hết nước mắt và điên cuồng, cầm dao rạch nát tấm áo kimono mà trong
những tháng gần đây, nàng đã để hết tâm hồn tạo nên. Nàng đương có ý
định đâm cổ tự vẫn thì Đại Quán đến. Những lời an ủi và thương xót của
nhà sư làm nàng nguôi ngoai đôi chút, cánh tay trìu mến vỗ vai nàng
truyền một hơi ấm dễ chịu nàng tưởng như vừa được nghe những lời khuyên
bảo của đấng Từ Bi.

Thế mà bây giờ thầy Đại Quán lại hứa làm chuyện điên rồ ấy ! Oa Tử lo sợ mất người bạn độc nhất còn lại. Nàng cảm thấy bối rối vừa vì sự an nguy của nhà sư vừa vì sự an nguy của chính nàng. Người bình thường không ai tin được Đại Quán và nàng có thể bắt được Thạch Kinh Tử trong một thời
gian ngắn như thế.

Hơn nữa, Đại Quán còn dám đến miếu thần linh thề với “Râu bàn chải”
trước bàn thờ, cái đó mới thật liều lĩnh. Oa Tử trách Đại Quán quá táo
bạo nhưng nhà sư chỉ mỉm cười, nói rằng chẳng có gì đáng quan ngại.

Ông có ý muốn giải thoát cho dân làng khỏi một gánh nặng, để cho đường
xá an ninh hơn và nhất là chấm dứt những vụ giết người vô ích. So với số người khỏi bị Thạch Kinh Tử tàn sát, mạng nhà sư thật chẳng đáng gì.
Đại Quán muốn Oa Tử hiểu ý ấy, khuyên nàng đi nghỉ sớm để chiều hôm sau
lên đường và mong nàng hết lòng tin tưởng nơi ông.

Oa Tử quá xúc động, không phản đối. Nếu cứ ở lại chùa, nàng còn bối rối lo âu hơn, thà đi với Đại Quán.

Hôm sau đã quá ngọ, nhà sư vẫn còn ngủ say trong góc phòng với con mèo
nằm cạnh. Nét mặt tiều tụy, Oa Tử đi ra đi vào. Sư cụ và những người
giúp việc trong chùa, ai cũng can Đại Quán, khuyên nên trốn đi, nhưng Oa Tử không hiểu sao, đã không thêm ý kiến gì khác.

Bóng chiều xuống nhanh. Khe núi hai bên ven sông Aida bắt đầu đổi màu
đen sẫm. Con mèo nằm cạnh Đại Quán trở dậy vươn vai nhẩy ra khỏi cửa, và chẳng bao lâu sau, nhà sư cũng bước ra hiên ngoài.

– Oa Tử, ta sắp sửa đi thôi !

– Vâng. Con đã sửa soạn xong hết:

giầy cỏ, gậy, xà cạp, giấy dầu … đủ cả.

– Ngươi còn quên một thứ.

– Gì vậy ? Chắc thầy muốn mang thêm vũ khí, thanh gươm hay cây giáo …

– Không. Ta muốn mang thêm chút thức ăn. Ta đi bắt giặc mà ! Đâu phải đi du ngoạn !

– Ấy thế mà cần lắm đấy. Ta muốn con mang thêm gạo, đậu muối và chút
sa-kê nữa. Có cái gì ngon ngon cứ mang theo. Cả nồi niêu. Nhớ gói thành
gói lớn rồi kiếm cái gậy để ta với con khiêng.

Trời tối đã lâu. Những ngọn núi gần chùa đen như mực, cắt rõ trên nền
trời xám đục. Dãy núi xa nhạt màu hơn, lẩn trong sương đêm mờ ảo. Tiết
quý xuân, trời mát, gió thổi hiu hiu thoảng đưa mùi hương nồng ấm và
ngai ngái của đồng nội. Những lá tre đã bắt đầu thấm ướt sương đêm. Đại
Quán và Oa Tử càng đi sâu vào triền núi càng thấy quang cảnh như chìm
trong một màn mộ vũ, lá rừng loang loáng dưới mưa xuân.

Hai thầy trò kẻ trước người sau gánh chiếc đòn tre treo lủng lẳng một bọc lớn, khấp khểnh theo nhau trên con đường khúc khuỷu.

– Tối nay trời êm đi du ngoạn thật đẹp, phải không Oa Tử ?

– Cũng chẳng đẹp lắm, nhưng chúng ta đi đâu vậy thầy ?

Đại Quán dừng chân, suy nghĩ:

– Ta chưa có định kiến. Có lẽ tiến tới chút nữa tốt hơn.

– Không sao. Đi thêm nữa cũng được.

– Con không mỏi chân chứ ?

– Không.

Tuy nói thế nhưng Oa Tử thật không thoải mái. Cây đòn cứng và nặng làm nàng phải đổi vai luôn.

– Lính đâu cả ấy nhỉ ? Từ nãy đến giờ đã lâu mà chẳng gặp ma nào !

– Chắc “Râu bàn chải” gọi họ về hết rồi, để mặt ta rảnh tay trong ba
ngày. Thầy Đại Quán ! Thế kế bắt Thạch Kinh Tử của thầy ra sao ?

– Yên tâm, chớ ngại. Ta có cách làm Thạch Kinh Tử sớm muộn gì cũng phải ra mặt.

– Nếu hắn không ra thì sao ? Bị bao nhiêu người săn bắt bấy lâu nay, hắn tới đường cùng rồi ! Hắn chẳng nghe lời ai, thế nào cũng chống lại kịch liệt. Hắn còn khỏe lắm, cứ nghĩ đến con đã bủn rủn cả chân tay.

– Cẩn thận ! khéo ngã !

Tiếng Đại Quán đột nhiên làm Oa Tử giật mình khựng lại.

– Trời ơi, cái gì vậy ? Thầy làm con hết hồn !

– Không sao. Ta muốn lưu ý con đi cho cẩn thận. Thạch Kinh Tử chưa thò
mặt ra đâu, nhưng ở đây nhiều bẫy và bụi gai lắm, lỡ chân thì khốn.

– Lính giăng bẫy bắt Thạch Kinh Tử hay sao ?

– Ừ. Nếu không chú ý, không chừng chính chúng ta lại rơi vào bẫy của họ.

– Thôi thầy đừng nói nữa, con sợ chẳng dám bước đâu !

– Nói vậy chứ nếu có sập bẫy, ta sẽ rơi trước, ngươi đừng theo ta là được !

Và Đại Quán quay lại cười hì hì.

– Thật vô ích, phí sức mà chẳng được việc gì.

Hai người lại lầm lũi đi. Một lúc sau Đại Quán hỏi:

– Hình như đường hẹp hơn trước phải không Oa Tử ? Đây là đâu rồi ?

– Con không biết, nhưng đã quá đồi Sanumo lúc nãy. Đây chắc là Tsujinohara.

– Như vậy ta phải đi cả đêm chắc ?

– Con có biết thầy định đi đâu đâu ? Sao thầy lại hỏi con ?

– Hay ta đứng lại nghỉ chân chút đã ?

Để bọc vải và đòn tre xuống đất xong, Đại Quán men đến gần một ghềnh đá.

– Thầy đi đâu thế ?

– Tiểu.

Hàng chục trượng dưới chân nhà sư, giòng sông Aida cuồn cuộn chảy, nước
đổ như thác từ mỏm đá này đến mỏm đá khác. Đại Quán vừa đi tiểu vừa ngửa mặt lên trời đếm sao, thấy trong lòng lâng lâng khoái hoạt.

– Chà ! Thật dễ chịu ! Không biết ta đang hợp nhất với vũ trụ hay là vũ trụ đang hợp nhất với ta ?

– Thầy Đại Quán ! Sao lâu thế ?

Đại Quán trở ra, dáng trầm ngâm:

– Trong khi tiểu, ta ôn lại kinh Dịch. Bây giờ đã rõ đường đi, thật sáng như ban ngày.

– Thầy mang theo kinh đấy à ?

– Ngươi dốt quá ! Ta nói kinh Dịch trong lòng chứ đâu phải kinh sách !
Đứng ở ghềnh đá ngoài kia, xem kỹ thế đất, chỗ nước chảy và chiều trời,
ta đã biết chỗ nấp của Thạch Kinh Tử, và có thể khẳng định “đến chỗ ấy” !

Rồi Đại Quán lấy tay chỉ mỏm núi.

– Thầy muốn đến mỏm Takateru hả ?

– Ta không biết tên. Nhưng chỗ mỏm núi ở lưng chừng có đám rừng thưa ấy !

– Vâng. Chỗ đó là bãi hoang Itadori.

– Vậy hả ? Bãi đó cũng có tên ư ?

Khi hai người tới triền núi mới thấy rõ bãi hoang thực ra là một đồng cỏ trải dài thoai thoải về phía đông nam, từ đấy có thể bao quát cả vùng
lân cận. Các trại chủ quanh vùng hay thả bò, ngựa đến ăn cỏ, nhưng tối
hôm ấy chẳng thấy bóng một sinh vật nào, chỉ có gió đêm thổi nhẹ làm xào xạc rặng lau thưa.

– Ta hại trại ở đây thôi ! Chờ địch quân rơi vào tay ta như Khổng Minh tiên liệu Tào Tháo chạy vào đường hẻm Hoa Dung vậy !

Đặt gánh và xếp dọn xong, Oa Tử hỏi:

– Bây giờ phải làm gì, thầy ?

– Ngồi xuống đây chứ làm gì !

– Thầy nói lạ. Ngồi đây làm sao bắt được Thạch Kinh Tử ?

– Giăng lưới tất bắt được chim, cần gì bay mới bắt được !

– Thế lưới đâu ? Chắc thầy bị chồn hớp hồn rồi !

– Đốt lửa lên con ạ ! Nếu ta bị chồn hớp hồn thì có lửa, chắc nó sẽ chạy mất, không sao !

Hai thầy trò nhặt củi khô, chụm lại nhóm lửa. Có việc làm và nhìn ngọn lửa bốc cao, Oa Tử tự nhiên thấy phấn khởi:

– Ấm hơn phải không thầy ? Ở trong rừng mà cứ phải chui rúc chỗ tối tăm, chịu sao nổi ! Nhưng ngộ mưa thì sao ?

– Gần đây ta thấy có cái hang nhỏ có thể đến trú mưa được.

– Thầy nói đúng. Có lẽ Thạch Kinh Tử chọn chỗ này vì nhiều hang hốc, dễ trốn tránh.

– Dĩ nhiên rồi ! Nó không khôn lắm nhưng cũng biết cách đụt mưa chứ !

Oa Tử đăm chiêu:

– Không hiểu sao dân làng ghét hắn đến thế ?

– Một phần do giới cầm quyền đẩy họ. Dân quê vốn chất phác, quan trên
bảo sao thì làm vậy. Nếu ra chiếu chỉ bắt họ phải từ bỏ người thân trong nhà, chắc họ cũng làm.

– Như thế là họ chỉ nghĩ đến bản thân mình thôi hay sao ?

– Thực ra họ chẳng có tội gì. Họ thấp cổ bé miệng, không có quyền hành,
mình cũng phải rộng lượng cho đó là sự đương nhiên, một phương cách để
tự vệ. Họ chỉ ước có một điều:

được yên ổn làm ăn không bị ai quấy rầy.

– Thế binh gia kiếm sĩ làm gì mà phải náo động lên vì một chuyện nhỏ, không đáng kể như chuyện cá nhân Thạch Kinh Tử ?

– Thạch Kinh Tử tượng trưng cho sự hỗn loạn, phá hoại trật tự của phái
kiếm sĩ cầm quyền. Sau trận Sekigahara, hắn bị ám ảnh bởi mặc cảm bị
ruồng rẫy, bị săn đuổi như thú vật. Hắn đã phạm vào một lỗi lầm lớn là
phá hàng rào cản ở biên giới. Khôn ra thì nên tìm một kế gì đó mà lẩn
trốn, hoặc cải trang, hoặc lợi dụng bóng tối ban đêm, mưa gió … cách
gì cũng được, nhưng đừng dùng vũ lực. Thạch Kinh Tử không nghĩ thế, hắn
đánh tên lính gác rồi xuống tay giết thêm nhiều người nữa, thành ra
chuyện nọ kéo chuyện kia, bây giờ như cục tuyết lăn từ núi xuống, càng
ngày càng lớn. Mà hắn vẫn tưởng phải làm thế mới cứu được mạng sống của
hắn. Tựu trung cũng chỉ vì hắn cạn nghĩ.

– Thầy cũng ghét Thạch Kinh Tử à ?

– Ghét sự ngu xuẩn của hắn. Nếu ta nắm quyền chính, ta sẽ cho hắn nếm
mùi hình phạt nào nặng nhất. Hắn chẳng khác gì con thú dữ. Làm nhà cầm
quyền, phải biết duy trì trật tự xã hội, nếu không, sao bảo vệ được dân
lành, nhất là trong thời buổi tao loạn như thế này !

– Con tưởng thầy tốt, không quan tầm gì đến luật lệ, hóa ra trong thâm tâm, thầy khắc nghiệt quá lắm !

– Sao ta lại không quan tâm đến luật lệ ? Khuyến thiện trừng ác là cần, mà cũng vì lý do ấy chúng ta mới đến đây chứ !

Đột nhiên Oa Tử hạ giọng:

– Có tiếng chân bước sau gốc cây.

– Tiếng chân bước ?

Đại Quán ngạc nhiên, nghe ngóng rồi chạy ra phía gốc cây, lúc sau trở lại cười ha hả:

– Không phải người đâu ! Khỉ đấy !

Và lấy tay chỉ một con khỉ mẹ đương bế con đánh đu trên cành cây.

Oa Tử thở mạnh, ngồi xuống:

– Thế mà con tưởng … Sợ quá !

Rồi hai thầy trò lại ngồi yên, mắt đăm đăm nhìn lửa cháy bập bùng nhảy
nhót trên đám củi khô. Họ bỏ thêm củi vào cho lửa bốc to hơn.

– Con đương nghĩ gì thế, Oa Tử ?

– …

– Ta ít nói, nhưng thật ra cũng rất sợ phải độc thoại.

Khói củi làm Oa Tử cay mắt. Nàng ngửa mặt nhìn trời đầy sao lấp lánh, khẽ thở dài:

– Tạo vật thật kỳ diệu, thầy nhỉ ! Những vì sao trên kia, trong khoảng
không vô tận… Không, con lầm, không phải khoảng không. Vũ trụ thật
tròn đầy, ôm ấp ta, phải không thầy ? Trông những ngôi sao lấp lánh, con thấy chúng như đang chuyển động và vũ trụ cũng chuyển động theo. Và
thầy với con trong vũ trụ bao la này là hạt bụi, hạt bụi nhỏ nhoi do một đấng quyền năng nào điều khiển mà con không thấy được. Đúng lúc này,
ngồi đây, con cảm thấy số phận con như đang bị xoay vần từng chút, từng
chút. Ý nghĩ con bị quay cuồng không biết đâu là nhân đâu là quả nữa !

Đại Quán nghiêm nghị:

– Oa Tử, con không nói thật. Con tuy có những ý tưởng ấy nhưng ta biết con còn nghĩ đến một chuyện khác.

Oa Tử ngồi yên không đáp.

– Xin lỗi, ta hơi tò mò. Ta đã đọc hai lá thư của con.

– Ý ! Thầy đọc rồi à ? Hồi nào vậy ? Dấu niêm còn nguyên mà !

– Ta đọc sau khi ở phòng dệt ra. Vì con không muốn giữ nữa nên ta đã bỏ chúng vào tay áo để đọc chơi lúc rảnh.

– Xấu quá ! Sao thầy lại có thể làm việc ấy được, nhất là để đọc chơi lúc rảnh.

– Xấu hay không xấu, không quan hệ. Bây giờ ta đã biết tại sao con khóc đến thế.

Nhưng thôi, đó là may cho con, thà là chuyện xảy ra như vậy. Con thử nghĩ coi.

– Thầy bảo nghĩ gì ?

– Mãn Hà Chí là tên vô trách nhiệm. Nếu con lấy nó, thế nào cũng có ngày nó bỏ con, bấy giờ con phản ứng ra sao ? Đừng nói, ta biết. Con sẽ thất vọng nhảy xuống ghềnh đá mà chết. Bây giờ xong rồi, ta mừng rằng chuyện đó kết thúc như vậy.

– Đàn bà nghĩ khác, thầy ạ.

– Nghĩ thế nào ?

– Lúc bấy giờ con giận lắm, muốn hét to cho hả.

Nàng không dằn được cơn tức bực, nghiến răng cắn lấy áo cho khỏi khóc.

– Con đã thề thế nào cũng phải gặp Mãn Hà Chí. Con sẽ mắng vào mặt và
nói cho hắn biết con nghĩ sao về hắn. Cho đáng đời và đáng với dã tâm
của con mẹ Ôkô.

Oa Tử bật lên khóc nức nở. Đại Quán nhìn nàng thương hại, lẩm bẩm:

– Đã bắt đầu rồi đấy phải không ?

Mắt đăm đăm nhìn ngọn lửa, nhà sư thong thả nói:

– Oa Tử, ta thực tâm hằng mong con tránh được mọi nỗi đau thương và dối
trá, để bản chất ngây thơ và nhu hòa của con được nguyên vẹn trên những
bước đường con đi ở đời này. Nhưng cơn gió phũ phàng của định mệnh hình
như không muốn buông tha con và đã lay chuyển con như đã lay chuyển thân phận của nhiều người khác !

– Đại Quán ! Thầy Đại Quán, con khổ lắm !

Nàng gục đầu vào hai tay, thổn thức.

Sáng hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, hai thầy trò rút vào hang nằm nghỉ
sau một đêm canh thức. Oa Tử mệt mỏi vì khóc nhiều. Đêm thứ hai, họ lại
ra chỗ trống đốt lửa, rồi ban ngày lại trở về hang. Họ không thiếu thực
phẩm, nhưng Oa Tử tỏ vẻ băn khoăn không biết Đại Quán dùng cách gì để
bắt Thạch Kinh Tử. Đại Quán, trái lại, vẫn điềm nhiên, không nóng nảy
khi không thấy phạm nhân. Đêm thứ ba, hai thầy trò lại đốt lửa canh thức như những đêm trước.

Oa Tử không kiên nhẫn được nữa:

– Thầy Đại Quán, đêm nay là đêm chót. Mai hết hạn rồi đấy !

– Hừ … đến hạn rồi à ?

– Thầy định sao chứ ?

– Định gì ?

– Thì thầy biết đấy. Thầy hẹn đội trưởng ba ngày …

– Dĩ nhiên, dĩ nhiên …

– Nếu ta không dẫn được Thạch Kinh Tử về …

– Ta biết chứ. Ta sẽ tự treo cổ trên cây đại bách. Nhưng yên chí, ta chưa sẵn sàng chết đâu !

– Vậy sao thầy không đi tìm Thạch Kinh Tử ?

– Nếu ta đi tìm, biết có thấy hắn không ? Núi non trùng điệp thế kia …

– Con chẳng hiểu được thầy. Nàng cười. Nhưng con cũng cảm thấy vững tâm ngồi đây mặc cho chuyện ra sao thì ra.

Rồi cười to hơn:

– Có lẽ con cũng điên theo thầy mất !

– Ta đâu có điên. Ta chỉ cả gan một chút. Quan trọng là ở đó !

– Chỉ vì cả gan mà thấy dám làm chuyện này đấy ư ?

– Đúng vậy.

– Chỉ vì cả gan thôi ! Thật chẳng đáng khích lệ chút nào. Con lại tưởng thầy có kể gì hay lắm chứ !

Oa Tử thất vọng ra mặt. Nàng tin tưởng vào Đại Quán, không ngờ sự thể
lại xẩy ra như vậy. Hay là nhà sư này điên thật. Nhiều khi có những
người điên làm cho người khác tưởng họ là bậc kỳ tài. Đại Quán có thể
vào hạng này lắm. Và Oa Tử bắt đầu nghi hoặc, tìm cách tự cứu.

Trong khi đó, nhà sư vẫn điềm nhiên ngồi nhìn lửa cháy. Một lúc sau ông mới lẩm bẩm một mình:

– Khuya rồi nhỉ ?

– Vâng, khuya rồi. Chẳng bao lâu nữa thì sáng !

Oa Tử cay đắng thêm, và nàng tự trách sao lại ngu xuẩn đi tin ông sư điên khùng này.

– Kỳ thật !

– Thầy nói gì nữa thế ?

– Ta đột nhiên có cảm giác Thạch Kinh Tử sắp tới.

– Chắc hắn quên giờ hẹn với thầy đấy mà !

Không thấy Đại Quán mỉm cười, Oa Tử hối hận, dịu giọng:

– Thầy chắc hắn tới không ?

– Dĩ nhiên là cái chắc.

– Tại sao hắn ngu nhảy vào bẫy như vậy ?

– Không phải hắn ngu. Đó chỉ là bản chất con người. Lòng người vốn yếu
chứ không mạnh. Bản chất con người không chịu được cô đơn, nhất là khi
bị bao vây tứ phía. Có thể con cho là tự nhiên, nhưng ta sẽ lấy làm lạ
nếu hắn không mò đến sưởi ấm bên đống lửa này.

– Thầy mong thế thì tưởng thế chứ. Biết đâu hắn không ở cách xa đây hàng chục dặm.

– Không, không phải ta mong thế thì tưởng thế đâu. Đây không phải là ý kiến ta nhưng là ý kiến của một bậc thầy về chiến thuật.

Nghe Đại Quán nói một cách tin tưởng như thế, Oa Tử cũng đỡ lo lắng.

– Ta nghĩ rằng Thạch Kinh Tử cũng chỉ quanh quẩn đâu đây thôi, nhưng hắn chưa biết chúng ta là thù hay bạn. Hắn đang phân vân không biết nên
tiến hay lùi. Ta đoan chắc với con rằng giờ phút này, hắn đương nấp ở
đâu đó trong bóng tối để nhìn trộm chúng ta đấy. À, nghĩ ra rồi. Con đưa ta mượn cây sáo.

– Cây sáo trúc của con ?

– Ừ, cho ta mượn thổi một bài.

– Không được. Không bao giờ con cho ai mượn.

– Sao vậy ?

Oa Tử lắc đầu:

– Con không nói lý do được !

– Để ta thổi một bài, có sao đâu ? Sáo càng dùng nhiều càng tốt, ta không làm hỏng đâu !

– Không !

Và nàng đưa tay giữ chặt chiếc túi đựng cây sáo giắt ở thắt lưng.

Đại Quán ngạc nhiên. Ông biết Oa Tử quý cây sáo lắm, đi đâu cũng mang
theo, nhưng không ngờ nàng lại nhất định không cho ông mượn. Nhà sư phải năn nỉ:

– Ta không làm hỏng sáo của con đâu. Trước đây ta đã dùng qua hàng chục chiếc; ta chỉ mượn một lúc thôi.

– Không.

– Nhất định ?

– Nhất định.

– Cô này bướng quá !

– Thì con bướng thế đấy !

Đại Quán đành chịu thua:

– Vậy con thổi ta nghe một bản. Chỉ một bản thôi.

– Cũng không được.

– Tại sao thế ?

– Vì … vì cứ thổi sáo thì con lại xúc động phát khóc. Con không thể nào khóc mà thổi sáo được !

Đại Quán ngồi yên, dáng đăm chiêu suy nghĩ.

– Hừ …

Cảm thông sự trống trải vô cùng trong tâm hồn những đứa trẻ côi cút, nhà sư càng thêm thương xót Oa Tử. Những đứa con côi như thế suốt đời bị đà y đọa trong một ước mơ không bao giờ đạt:

tình yêu thương của cha mẹ chúng hằng thiếu thốn. Tuy không biết cha mẹ
là ai nhưng Oa Tử không lúc nào là không nghĩ đến. Cây sáo trúc là kỷ
vật độc nhất cha mẹ nàng để lại, hình ảnh của những người thân nàng chưa từng biết mặt.

Khi mới mở mắt chào đời, Oa Tử đã như con mèo hoang, bị bỏ rơi trước
thềm chùa Tiểu Sơn với một cây sáo trúc đặt nằm cạnh. Cây sáo là sợi dây liên lạc duy nhất giúp nàng nhận diện được người thân, hơn thế nữa,
nhận được tiếng của song thân mà nàng không hề biết.

“Thảo nào mỗi khi thổi sáo, Oa Tử lại khóc. Thảo nào nàng không cho ai mượn sáo!”. Và Đại Quán lại càng thêm thương cảm.

Đêm thứ ba trong rừng, lần đầu tiên, vầng trăng trong như ngọc hiện ra,
rực rỡ trên nền trời cao. Đàn ngỗng trời thiên di về phương nam trong
mùa thu, nay thấy tiết xuân ấm áp, đã bắt đầu trở lại, tiếng kêu đồng
vọng trên những tầng mây xa.

Đại Quán chợt tỉnh giấc mơ. Ông khẽ gọi Oa Tử:

– Lửa sắp tàn rồi, con bỏ thêm củi vào ! Kìa, con sao thế ?

Oa Tử không đáp.

– Con khóc đấy ư ?

Vẫn không có tiếng trả lời.

– Ta rất ân hận đã gợi lại quá khứ làm con đau lòng. Ta không có ý ấy.

– Không sao đâu thầy. Đáng lẽ con chẳng nên bướng như thế mới phải. Đây, thầy cầm lấy sáo mà thổi.

Nàng lấy cây sáo trong bọc ra, đưa cho Đại Quán. Cây sáo được gói trong
một cái bao gấm cũ, đường chỉ và dây đeo đã sờn nhiều chỗ, nhưng tất cả
vẫn còn mang một vẻ thanh lịch tàn tạ.

Đại Quán hỏi:

– Ta mở được không ?

– Vâng, thầy cứ mở. Bây giờ chẳng còn gì quan trọng nữa.

– Con thổi đi. Để con thổi ta ngồi đây nghe có lẽ hơn.

Nhà sư cúi đầu, tay bó gối, yên lặng. Oa Tử khiêm tốn:

– Con thổi không hay lắm, nhưng xin cố gắng, thầy đừng cười.

Nàng trịnh trọng quỳ xuống cỏ, xốc lại cổ áo, đặt cây sáo trước mặt rồi
kính cẩn cúi đầu. Đại Quán ngồi yên như tượng, tâm hồn ông để tận đâu
đâu, như tan biến vào không gian cô tịch. Trong cái hun hút của đêm sâu, hình ông ngồi đó mà thật chẳng khác gì phiến đá ở sườn non.

Đầu hơn nghiêng, Oa Tử đưa cây sáo trúc lên môi. Bây giờ nàng là hiện
thân của nghệ thuật, quyền uy và chững chạc. Nàng khẽ thấm ướt miệng sáo rồi quay lại Đại Quán nghiêng đầu xin lỗi một lần nữa. Nhà sư trang
trọng đáp lễ theo nghi thức.

Trong bầu không khí tĩnh mịch của đêm khuya, tiếng sáo bắt đầu nổi lên,
trong vắt. Những ngón tay búp măng thoăn thoắt nhẹ nhàng nhảy múa trên
ống trúc. Đại Quán thấy tâm hồn phiêu diêu theo điệu sáo bay vút tận
trời xanh, vương vấ n cùng mây ngàn trên những đỉnh cao sơn thanh khiết. Khi trầm, tiếng sáo tựa nước chảy qua khe, khoan như gió thoảng rừng
thông, mau như chim ca ríu rít, tiếng nọ theo tiếng kia cùng nhau hòa
hợp gây thành một âm hưởng mê hồn, vừa như ca ngợi niềm hoan lạc, vừa
như than thở nỗi phù du của cuộc sống.

Đại Quán ngồi yên nghe sáo, ngơ ngẩn xuất thần. Ông mường tượng sống
trong huyền thoại về hoàng tử Hiromasa đương thổi sáo dưới trăng trước
một cổng chùa ở Kyoto bỗng nghe tiếng địch đâu đâu họa lại. Hoàng tử lần theo điệu nhạc tìm đến thì thấy một người cũng đang say mê đắm chìm
trong tiếng nhạc. Hai người đổi sáo cho nhau và cùng hợp tấu đến khi
trời sáng. Sau biết ra thì tri âm của ông chính là một ngạ quỷ biến
thành người.

“Đến giống quỷ xấu xa còn cảm thông được với âm nhạc huống chi con người có thất tình, làm sao mà cưỡng lại được tiếng sáo của Oa Tử”. Ông muốn
khóc nhưng mắt vẫn khô.

Lửa lụi dần, chẳng ai để ý. Người thổi sáo cũng như người nghe đều thả
hồn theo âm thanh réo rắt, thể xác đó mà lòng tận đâu đâu, hòa đồng cùng với cỏ cây trời đất.

Đêm càng khuya, tiếng sáo càng tha thiết. Nàng gọi ai trong đêm tối ? Cha nàng ?

Mẹ nàng ? hay đã xen lẫn trong tiếng sao bi thương, nỗi lòng cay đắng của một thiếu nữ bị ruồng bỏ đương tuổi xuân thì ?

Oa Tử say sưa với âm nhạc, chìm ngập trong niềm xúc cảm của chính mình.
Mặt nàng ửng đỏ và mồ hôi rịn ra quanh chân tóc. Nước mắt chảy ròng
ròng, nàng cố nén để không bật ra tiếng nức nở.

Đột nhiên, có tiếng động trong bụi cây gần đó, chỉ cách đống lửa chừng
năm, sáu thước, nghe như tiếng chân thú. Đại Quán ngẩng đầu lên nhìn
chăm chú rồi giơ cao tay lên như chào đón.

– Này anh kia ! Trong rừng lạnh lắm, hãy đến đây sưởi ấm và trò chuyện cho vui.

Oa Tử giật mình, đặt sáo xuống:

– Thầy Đại Quán, thầy nói lảm nhảm gì thế ?

Đại Quán chỉ bóng người đang bò tới:

– Thạch Kinh Tử đến từ lâu ngồi nghe con thổi sáo, thấy không ?

Oa Tử quay lại, kêu một tiếng khẽ. Thạch Kinh Tử giật mình nhỏm dậy,
chạy biến vào trong rừng. Đại Quán có cảm tưởng màng lưới ông khổ công
xếp đặt vừa bị đứt, con cá sắp bắt được tuột khỏi tầm tay. Ông đứng bật
dậy, gọi lớn:

– Thạch Kinh Tử ! Đứng lại !

Giọng ông có một cái gì uy mãnh khiến Thạch Kinh Tử đang chạy phải dừng
ngay lại, ngơ ngác. Hắn nhìn ông, nghi hoặc. Nhà sư khoanh tay trước
ngực, lặng yên. Cả hai nhìn nhau không chớp, tưởng cùng hòa chung một
nhịp thở. Dần dần mắt Đại Quán dịu xuống, những nét nhăn trên mặt báo
hiệu nụ cười thân thiện. Ông dang hai tay ra, hiền từ gọi:

– Nào, đến đây, con !

Nghe tiếng gọi, Thạch Kinh Tử chớp mắt, vẻ ngạc nhiên còn như đọng trên khuôn mặt đen sạm và sợ sệt của hắn.

– Đến đây, chúng ta ngồi nói chuyện cho vui.

Yên lặng, phân vân.

– Có cơm đây, có thức ăn ngon lại cả rượu nữa. Chúng ta là bạn con mà ! Đến bên lửa này sưởi ấm đi con.

Vẫn im lặng.

– Thạch Kinh Tử ! Con đã phạm vào một điều lầm lẫn quan trọng. Ở làng có lửa ấm, có cơm, có rượu và tình người. Sao lại dại dột cứ khăng khăng
vất vưởng trong cõi u minh con tự tạo ra như vậy ! Con nhìn mọi người
xung quanh sai lạc cả rồi ! Nhưng thôi, ta chẳng bàn luận thêm nữa. Tình trạng con bây giờ thật không phải là lúc để nghe lời phải trái. Lại đây con, ngồi nghỉ cho đỡ mệt. Oa Tử bỏ thêm khoai vào nồi cháo đi, ta cũng đói rồi.

Oa Tử gây cho lửa bốc cao hơn, thêm khoai vào cháo, còn Đại Quán lấy vò
rượu hâm nóng. Cảnh êm đềm, ấm cúng làm Thạch Kinh Tử yên lòng. Hắn
nhích lại gần từng tấc, từng tấc. Khi đến bên đống lửa, hắn dừng lại,
rụt rè chưa quyết.

Đại Quán thúc giục:

– Ngồi xuống đây con !

Thạch Kinh Tử sợ hãi, nhưng cũng ngồi xuống. Oa Tử tránh không nhìn
người bạn cũ của vị hôn phu của mình ; nàng có cảm tưởng như ngồi bên
một con thú.

Đại Quán mở vung nồi cháo:

– Có lẽ được rồi đấy !

Rồi lấy đũa gắp khoai, thổi ngược bỏ vào miệng.

– Chà ! Ngon quá, vừa chín tới. Thạch Kinh Tử “làm” một miếng không ?

Thạch Kinh Tử gật đầu. Lần đầu tiên hắn cười, nhe hàm răng trắng nhởn.
Oa Tử múc khoai ra bát đưa hắn. Hắn vừa thổi vừa húp xì xụp, tay run
rẩy, răng đánh vào thành bát lập cập. Hắn đói quá rồi, không sao kềm chế được lòng ham muốn, trông thật tội nghiệp. Đại Quán để đũa xuống.

– Ngon đấy chứ, con ? Uống chút sa-kê nhé ?

– Không, không uống.

– Con không thích rượu à ?

– Có, nhưng bây giờ con chưa muốn uống.

Bao nhiêu lâu ở trong rừng, chịu đói khát, hắn sợ rượu làm hắn bệnh. Một lúc sau, hắn lễ phép hỏi:

– Cám ơn thầy và Oa Tử.

– Con ăn đủ chưa ?

– Thưa đủ.

Thạch Kinh Tử đưa trả bát cho Oa Tử và hỏi:

– Cô lên đây làm gì ? Đêm trước tôi cũng thấy cô đốt lửa.

Câu hỏi đột nhiên làm Oa Tử ngẩn người, chẳng biết đáp ra sao. Mau mắn, Đại Quán đỡ ngay:

– Thật ra bọn ta đến bắt ngươi đấy !

Thạch Kinh Tử không tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng hơi lo lắng, hết nhìn Đại
Quán lại nhìn Oa Tử. Nhà sư thấy đã đến lúc phải hành động. Ông nhìn
thẳng vào mặt Thạch Kinh Tử, nghiêm giọng:

– Con nghĩ cho kỹ, sớm muộn gì rồi con cũng bị bắt. Luật của Tôn gia là
luật, mà luật của Phật gia cũng là luật, nhưng Phật pháp nhân ái, từ bi

– Không, không … Thạch Kinh Tử lắc đầu.

Đại Quán vẫn dịu dàng tiếp tục:

– Con hãy nghe ta. Ta biết con nhất định kháng cự đến cùng, nhưng vấn đề là con có thắng được hay không …

– Thầy nói sao ?

– Ta muốn nói liệu con có kháng cự được luật lệ của cả làng, cả tỉnh, và điều này quan trọng, liệu có thắng được chính lòng con không ?

Nước mắt lưng tròng, Thạch Kinh Tử nhăn mặt, đau đớn:

– Con biết sẽ thua, sẽ bị giết như một con vật, nhưng con thề trước khi
chết, sẽ hạ cho bằng được con mẹ Hồ Điểu và tụi lính. Giết càng nhiều
càng tốt, con thù chúng nó.

– Thế còn chị con thì sao ?

– Ơ …a..a …

– Ô Nhiên đấy ! Chắc con biết chị con hiện giờ đang bị giam tại đồn Hinagura ?

Nghe nhắc đến Ô Nhiên, Thạch Kinh Tử thấy bao nhiêu hào khí như tiêu tan hết.

– Con phải biết Ô Nhiên đã hết lòng với con như thế nào ! Lại còn bổn
phận con phải giữ thanh danh và nối dõi giòng Yết Mân nữa chứ. Con quên
rằng con thuộc hệ phái Hirato trong đảng tộc Yết Mân, một đảng tộc danh
giá hay sao ?

Thạch Kinh Tử lấy tay che mặt, đầu gục xuống. Hắn khóc, hai vai gầy guộc rung động. Bị khích động vì quá khứ vinh hiển của giòng họ, hắn tự giận mình, nhưng không biết làm sao, chỉ khóc. Những giòng nước mắt cay đắng chảy dài trên má, hắn lắc đầu:

– Con biết, nhưng giờ phải làm sao ?

Đại Quán nắm tay đấm một quả như trời giáng vào mặt Thạch Kinh Tử làm hắn ngã ngửa.

– Đồ ngu ! Đồ phản bội ! Đồ vô ơn ! Mày không có bố mẹ để dạy mày, ta sẽ dạy mày ! Mày phải sống, tu tâm dưỡng tính để ra người xứng đáng với tổ tiên ! Này, hãy nhớ lời ta !

Và Đại Quán bồi thêm một quả đấm nữa. Thạch Kinh Tử không phản ứng, chỉ khóc.

– Có đau không con ?

– Đau !

– Nếu biết đau thì vẫn còn nhân tính đó. Oa Tử, đưa sợi dây đây, ta trói lại. Đây không phải là sợi dây của thế quyền mà là sợi dây trắc ẩn của
Phật pháp. Con đã hiểu ý ta. Còn con, Oa Tử, từ nay con không phải
thương xót và sợ hắn nữa.

Thạch Kinh Tử nằm yên dưới đất, mặc cho Đại Quán trói. Nếu muốn, hắn có
thể vùng dậy dễ dàng, hất Đại Quán bắn đi như một cọng rơm, nhưng không
hiểu một sức mạnh vô hình gì đã giữ hắn lại không cho phản ứng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN