Thám Tử Kỳ Duyên - Chương 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
133


Thám Tử Kỳ Duyên


Chương 10


Chương 10

Tụi em về đến đồi trà thì mưa đã nặng hạt.

Trong nền trời đen tối, sấm chớp nổ đùng đùng.

Mây đen kéo về dày đặc bao phủ trên đầu.

Em lo lắng nói với Khôi Nguyên:

– Chúng ta không nên cho xe chạy lên đâu anh Nguyên, phải tính cách khác thôi.

– Còn tính gì nữa, tốt nhất là bỏ chiếc xe lại dưới này, sau đó cuốc bộ.

– Lỡ mất xe thì làm sao?

– Thà mất xe còn hơn mất mạng.

Tiếng nói của Khôi Nguyên bị tiếng mưa lớn lấn át.

Anh ấy giấu chiếc xe vào một lùm cây gần đó.

– Đi thôi!

Khôi Nguyên nói, liền nắm lấy tay em.

Con đường tối sâu hun hút.

Những giọt mưa nặng như đá, tát vào da thịt; rát, lạnh khủng khiếp.

Gió rú lên từng cơn mang làn hơi nước bạc vào những bụi cây rậm rạp.

Đường trơn trượt rất khó đi. Khổ nỗi phải leo lên dốc mới thật khổ sở.

Khó khăn lắm tụi em mới đến được khúc quanh (nơi có cái am thờ màu đỏ gạch)

Một cảm giác rùng rợn xuyên qua người em. Em liếc nhìn cái am thờ, sau đó quay mặt đi chỗ khác.

Khôi Nguyên nắm tay em dắt qua cái am, chưa được mười bước thì(…)

Đúng là trời xui đất khiến, em ngoái đầu lại nhìn.

Một tia chớp giật, làm bầu trời bỗng chốc lóe sáng; thứ ánh sáng nhợt nhạt.

Em rùng mình, tóc gáy dựng đứng; em thấy rất rõ: một người con gái mặc áo dài trắng, mái tóc thường thượt u huyền chảy xuống đến tận chân đất. Người con gái ngồi trên cái am thờ, cô ấy đang chải tóc.

Em kinh hãi giật tay Khôi Nguyên liên tục.

Khôi Nguyên thấy lạ mới quay lại hỏi:

– Có chuyện gì thế?

– Tôi…tôi vừa thấy…thấy ma. – Em nói run rẩy.

– Ở đâu?

– Đằng sau lưng, chỗ cái am.

Em trả lời Khôi Nguyên nhưng mắt vẫn nhìn về phía trước, không dám ngoái đầu lại.

Khôi Nguyên ngoái đầu lại nhìn một chặp, không phát hiện thấy gì mới nói:

– Tôi có thấy gì đâu?

Lúc này, em mới dồn hết can đảm quay lại xem thử; nhưng hồn ma khi nãy đã biến mất. Em cố thuyết phục Khôi Nguyên tin em:

– Tôi không nói xạo đâu. Anh nhất định phải tin tôi… phải tin tôi…rõ ràng… rõ ràng tôi vừa thấy… là cô Hoàng Lan, chính là cô ấy.

Em rất sợ… rất sợ!

Khôi Nguyên nắm chặt hai tay em, trấn an tinh thần của em:

– Ngọc Diệp à! Tôi tin cô, chẳng phải tôi và cô từng cúng bái để xin cô Hoàng Lan phù hộ đó là gì. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa cô cũng phải can đảm lên; đừng hoảng sợ vì như thế sẽ không tốt cho bản thân cô trước tiên; sau đó là công việc điều tra của chúng ta. Nhất định chúng ta sẽ tìm ra sự thật, nhất định thế. Đã có tôi ở bên cạnh, cô không phải lo lắng gì cả…không phải lo lắng gì cả.

Khôi Nguyên cố gắng nói thật to để tiếng mưa không át đi lời của ảnh.

– Cám ơn anh, Khôi Nguyên.

Em đã lấy lại được tinh thần. Cám ơn thượng đế đã cho em gặp được Khôi Nguyên. Nhờ có anh ấy mà em mới có thể chống chọi được đến ngày hôm nay.

Dòng nước chảy ròng ròng trên lối đi, đất bị xói mòn nên rất trơn trợt. Em bị trượt chân vấp ngã, kéo theo Khôi Nguyên.

Cả người tụi em lấm lem, nào là bùn đất các kiểu. Vừa ướt, vừa lạnh, vừa sợ, lại vừa đau… em ngồi bệt dưới đất.

– Ngọc Diệp cô không bị làm sao chứ?

Khôi Nguyên hỏi. Nước mưa làm khuôn mặt ảnh ướt đẫm. Xui xẻo cho tụi em là không có đèn pin nên chỉ còn biết cách mò mẩn trong đêm tối, nếu có may mắn chút nào đó thì là nhờ trời có sớm chớp nên còn thấy thấp thoáng bóng dáng con đường.

– A, hình như tôi bị trật khớp gối rồi. – Em rên siết.

– Không phải vậy chứ! – Khôi Nguyên lo lắng.

– Tôi cũng không biết nữa.

– Cô có đi được nữa không?

– Tôi sẽ cố gắng. – Em nói gượng gạo.

– Thôi được rồi, cô ngồi lên để tôi cõng.

Khôi Nguyên nhanh chóng đỡ em dậy. Dìu em tựa vào lưng anh ấy, rồi cứ thế cõng em đi một chặng đường đầy gian khổ về đến căn nhà.

Khôi Nguyên đặt em ngồi dưới nền nhà ốp gạch men, tư thế dựa lưng vào tường. Ảnh nhanh chóng xắn ống quần em lên kiểm tra vết thương.

Khôi Nguyên nắn chân em, khám thử khớp gối xem có bị trặc hay không.

Quái lạ, lúc đó em chẳng thèm quan tâm đến bản thân mình nữa; em cứ ngồi lặng ngắm bộ dạng lo lắng của anh ấy vì một người con gái yếu đuối như em.

– Bị trật khớp rồi nhỉ?

– Hừ, chỉ bị trầy xướt nhẹ thôi.

Khôi Nguyên xắn ống quần em xuống, chắc anh ấy rất vui, mặc dù gương mặt không hề tỏ ra biểu hiện như vậy; nhưng em cảm nhận được.

– Vậy là tôi có thể đi lại được hay sao?

– Cô cứ thử xem sẽ biết.

Em liền đứng lên, không mấy khó khăn đã đi lại được bình thường; dù có hơi đau rát ở đầu gối nhưng xem ra mọi thứ đều ổn.

– Rõ ràng là cô chẳng bị gì nghiêm trọng cả, vậy mà cứ làm quá lên. Còn hành tôi phải vác theo cô nặng như bao xi măng vậy; đúng là kiếp trước tôi nợ cô thật rồi.

– Hi hi, anh nói đúng á. Vì nợ tôi cho nên lo mà phục vụ tôi cho tốt vào mà xóa nợ.

Em trêu anh ấy.

– Tôi có lời khuyên cho cô đấy!

– Nói xem nào?

Em nhướng mày hỏi ảnh.

– Giảm cân đi thôi. Đà này, không chóng thì chầy, cô sẽ thành heo đấy.

Khôi Nguyên nói. Gương mặt anh ấy tỉnh như ruồi.

– A, anh dám…

Em chau miệng bực bội.

– Đồ vô duyên, có biết nói chuyện với phụ nữ đó là điều tối kị không hả?

– Nhưng tôi lại không xem cô là phụ nữ mới chết chứ!

– Mặt dày, trơ trẽn. Tôi còn chưa tính sổ với anh chuyện khi chiều đâu.

Em nhắc lại chuyện bị té xe, Khôi Nguyên đã tận dụng cơ hội để hôn em.

– Cô làm như người cô được khảm bằng ngọc quý không bằng, cô phải tu ba mươi kiếp mới…

“Bụp”

Em đấm cho anh ấy một cái vào bụng.

“Sặc…sặc”

Khôi Nguyên ôm bụng, mặt ảnh đỏ phừng phừng lên vì phải chịu đựng cơn đau.

– Đó là bài học để anh chừa cái thói kiêu ngạo đi.

Em huýt mặt; rồi bỏ đi vào phòng tắm.

Em mặc trên người bộ đồ ngủ mát mẻ.

Ngoài trời mưa vẫn như trút nước.

Nằm trên giường, em vu vơ hồi tưởng lại những gì vừa xảy đến trong thời gian qua.

Đặc biệt là những hình ảnh về Khôi Nguyên.

Từ buổi đầu gặp anh ấy, lúc ảnh ôm chặt lấy em dưới gầm bàn để tránh động đất. Khi ảnh đan những ngón tay của mình vào tay em, dắt em đi trong buổi tối lần đầu tiên đến thắp nhang cho cô Hoàng Lan. Cảm động khi ảnh làm thức ăn để dành cho em, rồi buồn cười nhất là lúc ảnh bị té cây mận. Nét mặt lạnh như tiền của ảnh, trí thông minh, tính cách mạnh mẽ, quả quyết của Khôi Nguyên…tất cả đều làm em thích thú. Gần đây nhất là… phải vậy, mới chiều đây thôi, ảnh đã hôn em…hôn khá lâu. Cảm giác hai bờ môi khóa chặt lấy nhau thật là…khó mà diễn tả được… áp mặt trên lưng ảnh mới thật ấm áp, cảm thấy mình được bảo vệ, che chở. Nghĩ về ảnh em mỉm cười lúc nào chẳng biết; em chợt nhận ra mình đã bắt đầu thích ảnh mất rồi, thích mất rồi phải làm sao đây? Em không thể thổ lộ tình cảm của mình cho ảnh biết được. Làm như vậy cả phần em và ảnh sẽ rất khó xử; thôi thì cứ để mọi thứ tự nhiên.

Em đứng dậy, mở cửa phòng ra xem ảnh đã đi ngủ chưa. Thấy cửa phòng còn mở toang, thế chắc là chưa ngủ rồi.

Em đi xuống nhà bếp rót ly nước ấm uống cho dễ ngủ thì thấy chàng thám tử đẹp trai, đang nằm trên ghế sofa, hai mắt lim dim.

Khôi Nguyên đang nằm nghe nhạc. Anh ấy bị nghiện nhạc cổ điển, đặc biệt là những tác phẩm của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức: Richard Wagner.

Em biết ý, nên không làm phiền anh ấy, đi rón rén, nhẹ nhàng xuống bếp, rót nước uống; rồi khẽ khàng lên lại phòng mình.

Em trằn trọc không thể vào giấc ngủ được.

Trong ánh đèn mờ mờ, em nằm ở tư thế nghiêng người về bên trái; mắt nhìn qua ô cửa sổ có rèm che màu tím.

“Tách”

Em nghe thấy một âm thanh rất nhỏ.

Chỉ trong tích tắc, xung quanh em đen đặc một màu.

– “Vừa mới xảy ra sự cố mất điện”

Em tự trấn an mình.

Em vẫn giữ tư thế nằm nghiêng không dám chuyển động vì sợ.

Ô cửa sổ, cứ cách khoảng mười giây thì sáng lên do chớp giật.

Ngoài trời mưa vẫn rơi lộp bộp, kèm theo đó là tiếng gió rít ào ạt.

Tấm rèm che cửa bỗng dưng lay động như bị gió thổi. Em rùng mình nghĩ:

– “Quái lạ! Gió sao có thể thổi xuyên qua tấm kính được?”

Càng nghĩ em càng thấy kinh người. Em nín lặng không dám nhúc nhích.

Trong bóng đêm nặng nề, em nghe thấy tiếng mở cửa, và những bước chân rất nhẹ đang tiến lại chỗ nằm của mình.

Người em nóng bừng lên, mồ hôi lấm tấm trên trán. Cảm giác hồi hộp bóp nghẹt quả tim đang đập thình thịch.

Tấm rèm che màu tím bắt đầu chuyển động, giống như có một người vô hình đang đứng kéo rèm.

Mưa bạc vào ô cửa dồn dập, tấm rèm chuyển động đến sát khung bản lề.

Em nhìn thấy lờ mờ một vật gì đó ngoài ô cửa.

Khi ánh chớp lóe lên, em giật bắn mình.

Bộ mặt đó không thể lẫn đi đâu được, mái tóc uốn lọn, đôi môi đỏ dày cộm với hàm răng đen sì. Mái tóc huyền bóng mỡ chụp lên cái đầu thô kệch trắng bợt như người chết đuối.

– Á… á… á… á…

– Ngọc Diệp! Ngọc Diệp! Tỉnh lại đi! Tỉnh lại đi(…)

Em nghe tiếng gọi của Khôi Nguyên bên tai.

Em cố thoát ra khỏi cơn ác mộng nhưng không thể.

Có một sức mạnh nào đó níu em lại, không cho em tỉnh giấc.

Em ý thức được rất rõ mình đang bị bóng đè, nhưng không cách nào tỉnh dậy được.

Em cảm thấy khó thở, mệt mỏi vô cùng, tay chân bủn rủn, người em “lả” đi như thể vừa mất nhiều máu. Em kiệt sức! Bất lực.

Lần cuối cùng, em gắng sức, gồng mình, nghiến răng, vùng thật mạnh.

– “A. a a a(…)”

Em mở mắt, ngồi bật dậy thở lấy sức.

Khôi Nguyên nắm lấy vai em.

– Ngọc Diệp, cô bị làm sao vậy?

Ngay lập tức em ôm lấy Khôi Nguyên, áp mặt vào ngực anh ấy, run bần bật.

Khôi Nguyên vuốt tóc em, dỗ dành:

– Mọi chuyện đã qua rồi, đã qua rồi…hãy bình tĩnh nói cho tôi biết, chuyện gì vừa xảy ra với cô?

– Tôi nhìn thấy bà ta, chính là gương mặt đó anh Nguyên à! Là bà ta.

Em vẫn chưa hết kinh sợ.

– Bà ta?

– Bà Thùy Dung, bà ấy…bà ấy… không…không phải là… là người, đâu anh.

– Tôi biết rồi, tôi biết…tôi sẽ sớm điều tra ra chân tướng sự việc, chuyện này rồi sẽ kết thúc thôi, cô đừng sợ.

– Anh Nguyên, làm ơn đừng bỏ tôi lại trong căn phòng này.

Em ôm chặt lấy anh ấy không buông.

– Được rồi, được rồi cô Ngọc Diệp à. Tôi sẽ ở lại đây với cô, cô cứ nằm xuống và ngủ đi, tôi sẽ không rời đi đâu.

Khôi Nguyên ra sức trấn an em.

Tiếng chim sẻ ríu rít ngoài bậu cửa.

Tiếng chim cu gáy từ xa vọng về.

Nắng ấm chiếu qua rèm.

Đã qua một đêm bão tố.

Em tỉnh giấc, đầu nặng như chì và toàn thân ê ẩm.

Không biết em đã thiếp đi từ lúc nào. Có lẽ em đã ngủ say trong lòng Khôi Nguyên, để anh ấy phải đặt em nằm xuống giường, rồi kéo chăn đắp lại cho em.

Em nhìn trên giường ngủ của mình có hai tấm chăn và hai cái gối bông. Chứng tỏ đêm qua Khôi Nguyên đã ở cùng phòng để canh chừng giấc ngủ cho em.

Em uể oải bước xuống nhà dưới.

Khôi Nguyên đang ngồi trên ghế sofa loay hoay với cây bút và quyển sổ tay. Trên cái gạc tàn thuốc là điếu xì gà đang cháy.

Nghe tiếng động, Khôi Nguyên tạm ngừng viết, ảnh ngước mặt nhìn lên bậc thang; nơi em đang đứng dụi mắt.

– Ngọc Diệp, cô đã dậy rồi. Hãy đánh răng, rửa mặt, sau đó dùng buổi điểm tâm; tôi đã chuẩn bị tất cả cho cô rồi đấy.

– Anh dậy từ lúc nào vậy?

Em hỏi, bộ dạng em lúc đó rất mệt mỏi.

– Từ lúc sớm kia, tôi có thói quen thức dậy trước lúc mặt trời mọc.

– Ờ,

– Cô vẫn thấy mệt trong người à?

– Đêm qua xảy ra nhiều chuyện quá. Người tôi đuối kinh khủng.

– Không sao đâu, lát nữa khi đồng hồ sinh học đã ổn định lại, cô sẽ thấy thoải mái hơn.

– Cám ơn anh!

– Không có gì đâu, tôi làm việc tiếp đây, chúc cô buổi sáng tốt lành!

Biểu hiện vui vẻ của Khôi Nguyên làm em ngạc nhiên. Em lắc đầu, nói thầm trong bụng: “Anh ấy bị làm sao thế nhỉ? Chẳng giống anh ấy thường ngày chút nào.”

Em đi uể oải xuống nhà bếp, trước tiên là mở mâm thức ăn ra xem phán đoán của mình có đúng không.

Chính xác tuyệt đối!

– “Biết ngay mà. Ảnh chỉ có thể làm được mỗi món này thôi.”

Hai cái trứng gà ốp la bên trên có rắc mấy hột muối tiêu, hai ổ bánh mì nóng giòn. Hôm trước chỉ có một ổ bánh mì, hôm nay tăng lên. Có lẽ Khôi Nguyên “đã tinh ý”, biết em là đồ “tham ăn” nên đặc biệt thêm số lượng bánh mì cho em. “Chàng ngốc của em, cám ơn anh!”

Em mỉm cười, cảm thấy rất hạnh phúc.

Đánh răng xong, vào nhà vệ sinh lau mặt, em mới để ý thấy đống đồ hôm qua đi mưa đã không cánh mà bay.

Em vội chạy lên nhà hỏi Khôi Nguyên:

– Áo đồ ở trong thau, biến đâu mất rồi?

-Tôi đem đi giặt rồi.

Khôi Nguyên, đáp. Vẻ mặt ảnh đã trở lại như thường ngày, lạnh lùng, khô khốc.

– Trời ơi! – Em thốt lên.

– Cô bị làm sao vậy, lần đầu tiên thấy đàn ông giặt đồ à?

– Không phải.

– Thế sao lại la lên?

– Anh giặt hết luôn sao? Kể cả đồ của tôi anh cũng…

– Phải, tôi đã thanh toán xong hết không bỏ sót cái nào. Nói cho cô biết, giặt đồ cũng là một trong những cách giải trí khá thú vị, nó làm tôi bớt căng thẳng.

– Hả? Anh giặt bằng tay hết luôn ư?

– Đúng vậy, tôi không có thói quen dùng máy.

Mặt em đỏ bừng lên. Nếu đúng như ảnh nói thì… ôi, xấu hổ chết đi được. Chẳng lẽ cả đồ lót của em mà ảnh cũng động tay vào hay sao? Trời ơi, đúng là xúi quẩy mà, biết vậy tối qua giặt luôn đi.

Em tự trách mình bất cẩn để xảy ra cơ sự này.

Khôi Nguyên điềm nhiên nói:

– Ngọc Diệp à! Thời buổi nào rồi mà cô còn ngại mấy chuyện đó. Tôi nghĩ nó quá bình thường, nếu cô không muốn vậy thì lần sau tôi sẽ bỏ đồ của cô ra là được thôi mà.

– Không, ý tôi không phải như vậy, nói chung là… thôi, thôi… tôi không nói với anh nữa, tôi đi ăn sáng đây.

Em lo chuồng lẹ.

Ăn sáng xong, em và Khôi Nguyên bàn về kế hoạch sắp tới.

Em mở lời trước:

– Anh có tìm ra được manh mối nào nữa không?

– Theo như những gì bà Hiền kể thì ông Trịnh Vỹ có rất nhiều điểm khiến tôi đặt nghi vấn.

– Nghi vấn?

– Tôi luôn băn khoăn về động cơ thật sự ông ấy xây dựng căn nhà này. Rốt cuộc ông ấy muốn làm gì ở đây?

– Chẳng phải bà Hiền đã nói rồi sao. Căn nhà này ban đầu là xây cho “mụ yêu tinh” (ám chỉ bà Thùy Dung) kia ở.

– Nếu như vậy thì không hợp lý cho lắm! Cô thấy đó, căn nhà này rất rộng, riêng tầng hai đã có đến 5 phòng ngủ. Nếu xây cho mỗi một mình bà Thùy Dung ở thì có cần thiết phải nhiều phòng như vậy không hả?

Khôi Nguyên đặt vấn đề.

– Đúng rồi, điều này thật không bình thường chút nào.

Em tán thành với suy luận của Khôi Nguyên.

– Điểm thứ hai là những quyết định “kỳ quặc” của ông Trịnh Vỹ. Ông ta bỏ ra một số tiền lớn phải dành dụm cả đời mới có được, để thuê lại một ngọn đồi, với ý định trồng trà. Nhưng ông ta chỉ trồng có một vụ thì bỏ, mảnh đất bị bỏ hoang. Ông ta không tiếc tiền hay sao? Còn đám người Hoa không rõ lai lịch kia nữa, những người đó có quan hệ như thế nào với ông Trịnh Vỹ? Một tháng họ tìm đến ông Trịnh Vỹ một lần, lần nào về ông cũng vui vẻ, vậy ông ta đã đi đâu và làm gì? Có rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp cô Ngọc Diệp à!

– Ừm, anh nói rất có lý. Ngay từ đầu việc xây dựng căn nhà này đã không bình thường rồi. Còn một điều mà tôi thấy rất lạ nữa, đó là việc ông Trịnh Vỹ giao lại căn nhà mình đang ở cho bà Thùy Dung, còn cha con họ lại dời lên một địa điểm rất bất tiện; việc đi lại rất khó khăn trong khi cô Hoàng Lan đang ở độ tuổi ăn học, còn bản thân ông Trịnh Vỹ cũng phải đi làm hằng ngày. Anh thấy đó, con đường dẫn lên đồi trà nhất định phải cuốc bộ chứ không thể đi bằng phương tiện nào khác. Dù có thương em gái cách mấy, về mặt thực tế mà nói: ông Trịnh Vỹ không thể quá tốt bụng như vậy.

– Đúng, tôi đang băn khoăn và đặt ra rất nhiều giả thiết về động cơ thật sự ông Trịnh Vỹ xây dựng căn nhà; tôi cảm thấy có một sự liên hệ mật thiết, giữa bi kịch của hai cha con họ với căn nhà kỳ quái này. Và… tất nhiên rồi, không loại trừ khả năng đó…

Khôi Nguyên bỏ lửng câu nói, anh ấy lại ngồi khoanh tay trước ngực, còn tay kia thì bấm chóp mũi.

– Anh muốn nói đến khả năng nào vậy? – Em tò mò.

– Tôi chưa có đủ dữ kiện để đưa ra kết luận đáng tin cậy. Tất cả chỉ là suy đoán mơ hồ, đôi lúc những suy đoán kiểu đó sẽ tiêu hao rất nhiều công sức và thời gian của chúng ta; mà kết quả lại chẳng được gì. Tốt nhất, là chúng ta nên tập trung giải quyết những điểm mấu chốt trước đã.

– Theo anh, chúng ta sẽ làm gì tiếp theo đây? Lại đến nhà bà Hiền sao?

– Chúng ta sẽ đến nhà bà Hiền, chắc chắn rồi. Nhưng trước khi trở lại đó, đã đến lúc chúng ta phải thăm hỏi một người.

– Thăm hỏi một người ư?

Cũng đã khuya lắm rồi.

Chắc em phải dừng bút tại đây thôi.

Em hứa sẽ viết thư để kể tiếp câu chuyện này cho hai nghe.

Hai nhớ giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ và nhớ không được thức khuya quá! Nếu về nước mà sụt cân, ốm yếu là chết với em đấy!

Tạm biệt hai, chúc hai ngủ ngon!

Em gái:

Ngọc Diệp Nguồn: (Facebook: https://www.facebook.com/nhim.kute.50

Mail: [email protected])

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN