Thám Tử Kỳ Duyên - Chương 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
176


Thám Tử Kỳ Duyên


Chương 3


Lúc này, hai (anh trai) đang làm gì?

Hai có nghĩ đến em hàng ngày không? Nếu có thì hãy nghĩ ít thôi nhé!

Nhưng, không phải vì em không muốn hai thương em và nhớ em đâu. Thà bỏ đói em còn hơn bắt em thiếu tình thương của hai.

Nói vậy để hai thấy được em coi trọng sự quan tâm của hai dành cho em đến thế nào. Chẳng là, em không muốn hai vì em mà ảnh hưởng đến chuyện học hành.

Thương em, yêu em, lo lắng cho em nhiều quá trong hoàn cảnh lúc này là “không tốt” đâu nhé!

Nhớ lời em gái của hai căn dặn đó! Nếu không nghe lời, em sẽ giận hai, và “o xịt” hai luôn.

Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán, nghĩ lại chuyện quá khứ, lần nào em cũng khóc, khóc sướt mướt. Em nhớ ba mẹ lắm hai ơi! Nhớ lắm!

Hồi đó cả nhà mình đầm ấm biết bao nhiêu. Bữa cơm nào cũng đầy đủ những thành viên trong gia đình. Ba, mẹ, hai và út nhỏ, quây quần bên nhau.

Ba mình có tật xấu là khi ăn thường kể chuyện cười. Mỗi lần như vậy em và hai đều chăm chú lắng nghe.

Em hay bị sặc do vừa ăn vừa nghe ba kể chuyện.

Lúc em ho sặc sụa, hai là người đầu tiên vuốt ngực cho em, hai còn chạy đi lấy nước cho em uống nữa.

Mẹ trách ba mình, mẹ nói đang ăn cơm mà cười sẽ không tốt, lỡ bị sặc thì rất nguy hiểm.

Nhưng ba thì vẫn chứng nào tật nấy, ba đã nghĩ ra một cách rất vẹn toàn đó là, ba vẫn cứ kể chuyện cười nhưng trước khi nghe phải dừng ăn cơm và nuốt hết thức ăn trong miệng.

Mỗi khi ba ra hiệu cho biết, ba sắp kể chuyện là hai lập tức kiểm tra em.

Hai nói:

– Há miệng ra anh xem nào!.

– Hà… – Em há to miệng chứng minh cho hai thấy là em đã rất nghe lời ba.

Hai thường khen em giỏi, có khi lại chọc em:

– Hi hi, bé răng sún.

Em giận lẫy mách với ba mẹ:

– Ba ơi, mẹ ơi! Anh hai chọc con.

Thế là, cả nhà ta đầy ấp tiếng cười giòn vang.

Cứ tưởng cả nhà mình sẽ hạnh phúc, đầm ấm bên nhau mãi.

Hồi ấy em còn bé dại, ngây thơ.

Em hồn nhiên ngủ trong vòng tay mẹ, để ngày tháng cứ thế trôi đi với bao vui buồn tuổi mộng.

Em đâu biết rằng:

Hạnh phúc cũng giống mặt trăng, khi tròn vành tiếng cười, khi khuyết buồn nức nở.

Cái ngày u ám đó sẽ bấu víu em cho đến cuối cuộc đời.

Một chiều thu ảm đạm, em và hai đang chơi trò đuổi bắt trong nhà.

Em còn nhớ lúc đó mình bị hai bắt được, em vừa vui, vừa sợ, vừa la hét, rồi van xin hai:

– Thả em ra!

– Không, ta đã bắt được ngươi, đừng hòng trốn thoát. – Hai cười chọc em.

Bất ngờ điện thoại bàn reo lên. Em nói với hai lúc đó đang còn ôm em:

– Hai đi nghe điện thoại kìa, chắc ba mẹ gọi đó.

Hai buông em ra, chạy đi nghe máy. Em nói với theo:

– Hai ơi! Nhớ dặn mẹ…

– Rồi, hai biết rồi. Bánh da lợn chứ gì. – Hai đáp.

Nhưng kể từ ngày đó, em không bao giờ ăn được cái bánh da lợn nào từ chính tay ba mẹ mua cho nữa.

Người ta gọi đến báo tin dữ, ba mẹ mình bị tai nạn giao thông, đang cấp cứu ở bệnh viện đa khoa, trong tình trạng rất nguy kịch.

Nghe xong cuộc điện thoại khủng khiếp, hai bàng hoàng té ngã xuống nền nhà khóc hu hu, liên tục gọi:

– Ba ơi! Mẹ ơi!

– Hai! Hai bị làm sao vậy? – Em sững sờ, rồi đến sợ hãi… khi nhìn thấy bộ dạng thê thảm của hai.

Nước mắt hai chảy ròng ròng, hai ôm em rất chặt vào lòng.

– Không có chuyện gì đâu, em ở nhà đợi hai đi đón ba mẹ về, không được ra khỏi nhà đi đâu nghe chưa?

Nói rồi hai chạy đi.

Đó là lần đầu tiên hai gạt em. Hai bỏ lại đứa em gái 7 tuổi, chạy thẳng tới bệnh viện. Nhưng tại sao? Em biết hai thương em, sợ em không chịu được cú sốc khi chứng kiến thảm kịch. Nhưng, em… Ngọc Diệp muốn nhìn mặt ba mẹ mình lần cuối, chỉ vậy thôi mà cũng không được sao hai?

Sau này em mới biết, khi hai đến nơi thì ba mình đã tắt thở trước đó 1 tiếng rồi, mẹ thì đang hấp hối.

Hai được đưa vào gặp mẹ.

Em rất yêu mẹ, phục mẹ. Từ hồi nào đến giờ mẹ mình vẫn vậy hai nhỉ? Mẹ có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng bên trong là trái tim vô cùng ấm áp.

Lần cuối cùng hai được nắm tay mẹ, cũng là lần đầu tiên hai thấy trên má mẹ dòng nước mắt lăn dài.

Mẹ đã gắng gượng chịu đựng, dành chút hơi thở yếu ớt còn lại, để được nhìn mặt con trai mẹ lần cuối, được nói với con:

– Mẹ…yêu…các…con.

Khi điện tim đồ đã phẳng lì với những tiếng “tích” đều đều, cũng là lúc mẹ xuôi tay nhắm mắt, bỏ lại hai em mình mà ra đi vĩnh viễn.

Hai úp mặt trên ngực mẹ khóc nức nở, vừa khóc vừa gào thét, hai giống như con thú con bên mẹ vừa bị bọn thợ săn bắn hạ, ôm thật chặt lấy xác mẹ không cho ai đem đi đâu cả.

Càng lớn em mới càng thấu hiểu được nỗi đau mà ngày đó hai phải chịu đựng.

Nỗi đau đớn nhân đến tột cùng, khi hai mở túi xách của mẹ ra xem, một bịch nilon bên trong có bốn cái bánh da lợn, và hai gói chè chuối nướng đã lạnh ngắt.

Từ ngày ba mẹ mất đi, cuộc đời anh em mình bước sang một trang mới. Bốn cây nến, hai cây lớn đã tắt, còn lại hai cây nhỏ với ánh sáng yếu ớt. Những ngày tháng sống trong cảnh gà con mất mẹ, với đầy nỗi thương tiếc đớn đau, hai anh em ôm ấp che chở nương tựa trong căn nhà mái ngói đơn sơ, mà ba mẹ mình đã cật lực đắng cay, dành dụm, đánh đổi bằng mồ hôi xương máu.

Cũng từ buổi đó, hai thương yêu em bằng tất cả tình cảm của người anh trai dành cho đứa em gái bé bỏng.

Hai xem hạnh phúc của em là ý nghĩa cuộc đời mình. Vì vậy mà hai bỏ học đi làm kiếm tiền nuôi em ăn học, hai đi phụ hồ thế nào đó, bị chủ thầu đánh cho bầm tím mặt và lưng, hỏi hai thì hai nói:

– Do sơ ý nên ngã.

Hai đi làm sơn nước, ám bụi vào phổi, đêm về nằm ôm em ngủ ho sặc sụa. Đêm đó, hai sốt cao, cơ thể nóng hầm hầm như bếp lửa. Sợ em bị lây bệnh nên hai qua phòng ba mẹ mình lúc trước ngủ, nói gạt em là hai thích được yên tĩnh, ngủ với em hay đạp.

Vậy đó, hai đã có thói quen nói dối.

Ngày ấy, em suy nghĩ nhiều lắm chứ không trẻ con như hai tưởng đâu.

Em cảm nhận được sâu sắc tình cảm mà hai dành cho em.

Vì em, hai có thể làm mọi thứ, thậm chí là làm những việc xấu như: cướp của, giết người… nếu cần.

Vì đứa em gái tội nghiệp này, mà hai có thể trở thành một trong hai loại người. Một là, cực xấu; hai là, cực tốt.

Em muốn hai trở thành loại người thứ hai.

Cuối cùng em đã thành công, nhờ sự kiên trì. Mỗi tối, hai đi làm về, em đều dặn dò hai:

– Hai nhất định phải thành công, phải trở thành “con người cao quý” được mọi người kính trọng, hai phải đi học trở lại, phải vì ba mẹ, vì em gái mà trở thành một tiến sĩ lừng danh như ước mơ của hai. Có như vậy ba mẹ mình mới yên lòng nơi chín suối.

Vừa làm lụng vất vả nuôi em, vừa chuyên tâm học hành với hoài bão to lớn. Hoàn cảnh khó khăn cực khổ, đã tôi luyện hai của em trở thành một chiến binh với tinh thần thép và ý chí sắt đá.

Khó khăn là thế cũng vượt qua tất cả, mong ước của hai đã sắp thành hiện thực. Hiện tại, hai là người đàn ông chưa đến mức giàu có; nhưng về kinh tế mà nói, anh em mình sống thoải mái không bận tâm quá nhiều đến chuyện tiền nong như trước đây.

Hai đang tu nghiệp ở nước ngoài, đang làm luận án tiến sĩ. Một người đàn ông đầy bản lĩnh, đẹp trai phong độ, lại có tài năng xuất chúng nữa. Em thật may mắn! Vì có người anh trai như hai. Ba mẹ ở trên thiên đàng nhìn xuống chắc vui lắm!

Thôi, em không nhắc chuyện cũ nữa.

Chắc hai rất nóng lòng muốn biết tình tiết tiếp theo, của câu chuyện em đang kể.

Trở lại câu chuyện: “Bóng ma cô trên đồi trà”.

Điều thứ hai mà Khôi Nguyên nói với em là một yêu cầu sáng suốt.

Anh ấy muốn em, quay trở lại căn nhà ma trên đồi trà.

– Cái gì? Anh muốn tôi sống tiếp ở cái địa ngục đó sao?

– Phải.

– Anh không đùa với tôi đấy chứ? – Em sững sốt, trước yêu cầu của Khôi Nguyên, điều đó chẳng khác gì đẩy em vào chỗ chết.

– Nếu muốn đánh bại kẻ thù, cô tuyệt đối không được trốn tránh.

– Nhưng như vậy sẽ rất nguy hiểm. Hơn nữa, tránh voi chẳng xấu mặt nào. – Em vặn lại anh ấy.

– Nếu một mình cô thì có thể nói như vậy.

– Ý của anh là…

– Là tôi và cô Ngọc Diệp, chúng ta sẽ cùng ở trong căn nhà đó, để phục vụ công tác điều tra, và tôi sẽ luôn bên cạnh bảo vệ cho cô.

Đề nghị của anh ấy ban đầu có làm em sợ thật, nhưng sau khi nghe nói anh ấy sẽ dọn đến ở với em, thì em yên tâm phần nào.

Như em đã nói với anh, Khôi Nguyên tuy có vẻ ngoài lạnh lùng, nhưng ở gần anh ấy cảm giác rất an toàn, trực giác mách bảo em, phải tuyệt đối tin tưởng Khôi Nguyên.

– Như vậy cũng được, nhưng mà…

– Cô vẫn còn do dự? – Khôi Nguyên nhìn sâu vào mắt em.

– Không phải, chỉ là tôi băn khoăn không biết bằng cách nào anh biết được tôi đã rời khỏi căn nhà đó?

– Lại một lần nữa tôi phải nói với cô, nhờ vào “căn bệnh đãng trí” của cô mà tôi biết được, chẳng phải khi nãy lúc cô kể lại câu chuyện của mình, đã nói với tôi điều đó rồi sao. – Khôi Nguyên lắc đầu, chắc anh ấy đang rất ngao ngán vì sự lơ đễnh của em.

– Hì hì, xin lỗi anh nha! Tôi thật là ngớ ngẩn – Em cười trừ.

– Tôi đang nghi ngờ không biết cô có phải là một thiên tài còn sót lại của thế kỷ 21 không?

– Thiên tài? Tôi nghĩ mình là bệnh nhân Alzheimer thì đúng hơn.

– Cũng có khả năng đó. – Khôi Nguyên quả thực không lạnh lùng giống như vẻ bề ngoài của anh ấy, với em Khôi Nguyên là chàng thám tử đẹp trai, vô cùng thú vị.

– Anh tính khi nào chúng ta sẽ dời về căn nhà đó?

– Ngày h…

“Ầm… m… m… m (…)” – Một tiếng động lớn rung chuyển trời đất.

Em giật bắn mình, chưa kịp định thần lại, cái đồng hồ treo tường đột nhiên rơi xuống, tiếp sau đó là hàng loạt tiếng cửa kính nứt vỡ loảng xoảng.

Khôi Nguyên nhanh như chớp đứng bật dậy nắm lấy tay em.

– Nhanh lên, theo tôi!

Em hốt hoảng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ nghe thấy bên ngoài có rất nhiều tiếng người ồn ào, la hét.

– Chui vào, chui vào đi! – Anh ấy vừa hối thúc vừa đẩy người em, muốn em núp dưới gầm bàn làm việc của anh ấy.

Không có thời gian để suy nghĩ, em nhất nhất làm theo lời anh ấy. Khôi Nguyên cũng chui vào với em, liền đó ôm chặt lấy em.

Nguồn: (Facebook: https://www.facebook.com/nhim.kute.50

Mail: [email protected])

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN