Thám Tử Kỳ Duyên
Chương 33
—
Chúng tôi đã chuẩn bị xong tất cả mọi thứ. Tôi, Khôi Nguyên, anh Quốc Việt và thêm một nhóm gồm 5 người, với đầy đủ những dụng cụ cần thiết. Nhóm người này thuộc vào nhóm cộng tác với tổ trọng án quốc gia. Tôi và Khôi Nguyên vẫn dùng chiếc cào cào là phương tiện di chuyển, anh Quốc Việt và những người theo cùng trên một chiếc xe bảy chỗ, họ đến đón thêm Bà Hiền nữa là vừa đủ ghế.
(…)
Nghĩa trang Du Sinh, hoàng hôn 6h30’. Chúng tôi đi thẳng đến trạm gác của nghĩa trang. Hai người vệ sĩ thuộc công ty bảo vệ Hoàng Gia Danh Môn đang đánh cờ tướng với nhau. Chúng tôi đến gõ cửa bất ngờ phá tan sự tập trung khiến họ có vẻ hơi bực mình. Nhưng, sau khi biết được anh Quốc Việt là người của tổ trọng án, thì họ đã nhanh chóng thay đổi thái độ, họ cười niềm nở và ăn nói rất có phép tắc. Anh Quốc Việt nói cho họ biết về những gì mà chúng tôi sắp tiến hành, và hy vọng họ sẽ vui vẻ hợp tác.
– Ồ, về chuyện đó thì các đồng chí không phải lo lắng, hai chúng tôi rất kín mồm, kín miệng. Nhất định không để ai biết được chuyện này đâu.
– Nếu chuyện này mà lộ ra thì ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều tra của chúng tôi, các anh hãy ghi nhớ cho điều đó.
– Dạ! Đồng chí cứ tin tưởng ở anh em chúng tôi.
– Chúng ta vào việc thôi các đồng chí! – Anh Quốc Việt ra hiệu lệnh.
– “Các đồng chí đi thư thả, đi thư thả…” – Hai người bảo vệ cung kín tiễn đưa.
Bầu trời một màu đỏ thẫm như máu. Hoàng hôn buông xuống rất đậm, bóng đêm lan tràn với tốc độ rất nhanh. Không gian rộng thênh thang, chi chít những lăng mộ, và rừng cây thánh giá. Gió lùa hiu hắt, tiếng gió rít xơ xác, dễ làm người ta rùng rợn. Ở nghĩa trang này không khí đặc quánh lại, những làn khói trắng ẩn hiện, len lỏi dưới từng nấm mồ, xa xa tôi nhìn nhìn thấy một đụn khói bị hút vào chân thánh giá, của ngôi mộ nằm trơ trọi biệt lập về phía rừng thông. Thấp thoáng những cánh dơi bay qua đầu chúng tôi rồi mất hút trong màn trời âm u tĩnh mịt. Nghĩa trang Du Sinh bao quanh là những cánh rừng rậm rạp… chúng tôi bước đi theo một hàng dài, bóng đêm xuống rất nhanh, có một đám mây hắc ám rất lớn che phủ trên đầu chúng tôi. Mùi tử khí xông lên nồng nặc, gió cũng mang theo cái hơi muối mặn xát vào da thịt, buốt và rát lạnh khủng khiếp. Tôi cảm giác trong lưỡi mình đang ngậm một ngụm muối mặn chát. Và những tiếng hú nghe có vẻ rất xa xăm mất hút trong những cánh rừng sâu thẳm.
– Đó là mộ của cô ấy.
Bà Hiền chỉ cho chúng tôi ngôi mộ nằm trơ trọi lúc nãy mà tôi đã nhìn thấy một đụn khói bị hút vào. Ngôi mộ đất, cắm trên đó một cây thánh giá đã mục nát. Tôi rợn tóc gáy, lúc này tôi tin chắc cái đụn khói khi nãy là linh hồn của cô Hoàng Lan. Cô ấy định đến đồi trà thì phát hiện ra chúng tôi, nên đã quay lại. Mọi người nhanh chóng bắt tay vào việc, trước tiên thắp nhang làm nghi thức cúng bái, để xin phép oan hồn cho chúng tôi được khai quật phần mộ của cô. Những người phu mộ tiến hành công việc của họ, Khôi Nguyên và anh Quốc Việt giám sát, còn tôi và bà Hiền thì tránh ra xa một góc, hai bà cháu tôi thật không dám nhìn hài cốt của cô Hoàng Lan. Những ánh đèn pin công suất lớn hoạt động liên tục, tiếng cuốc xẻng, tiếng đào bới hì hục… Sau gần cả tiếng đồng hồ chúng tôi lấy được cái rương cổ bằng đồng lên. Bà Hiền đã xác nhận đó chính là cái rương chứa toàn bộ tư trang cá nhân và những vật dụng bất ly thân của cô Hoàng Lan lúc sinh thời. Sau khi, lấy được cái rương, chúng tôi an táng lại phần hài cốt cho cô Hoàng Lan, thắp nhang, cúng quả cho cô ấy đâu vào đó, rồi chúng tôi mới rời đi. Trên đường trở về, tôi đã ngoái đầu lại nhìn nấm mộ của cô nằm trơ trọi, tôi thấy đụn khói trắng xóa lại chui ra từ chân cây thánh giá, đụn khói đi vào rừng cây, rồi mất hút.
—
Chia tay anh Quốc Việt, và mọi người; tôi và Khôi Nguyên mang cái rương đồng về nhà. Đến nhà chúng tôi mới mở ra xem thử bên trong cái rương chứa những món đồ gì. Cái rương hình chữ nhật không lớn lắm! Ướt chừng chiều dài khoảng hai gan tay, chiều cao và chiều rộng thì khoản một gan. Vừa bung nắp rương ra, một mùi hương ma mị nhập vào khứu giác tôi, tôi cảm thấy hơi choáng váng, buồn nôn. Bên trong là tư trang cá nhân của phụ nữ bao gồm: gương, lược chải đầu, son môi, kem phấn, lọ sơn móng tay… bên cạnh những vật dụng đó là một quyển sổ có bìa màu đen, kích thướt cỡ quyển vở hai trăm trang. Những lá thư được xếp rất vuông vứt, giấy viết thư là loại giấy ngày xưa có màu như cà phê sữa. Tôi và Khôi Nguyên mở quyển sổ ra xem trước, đó là một quyển nhật ký nhưng lại không ghi ngày tháng. Hình như chủ nhân của nó – là cô Hoàng Lan – không thích thời gian cho lắm. Quyển nhật ký được viết đúng vào ngày đầu tiên cô Hoàng Lan chuyển lên đồi trà sống, hình như trước đó, cô ấy không có thói quen viết nhật ký. Những dòng mực tím được viết bằng ngòi bút máy, nét chữ nghiêng nghiêng rất đẹp đập vào mắt chúng tôi.
“Một ngày mệt mỏi vì phải chuyển một đống đồ linh tinh lên nhà mới. Tôi không hiểu vì sao ba mình lại quyết định như vậy nữa. Tại sao không để cô Thùy Dung sống ở đó? Một căn nhà lạnh lẽo, tẻ ngắt.”
Khôi Nguyên tiếp tục lật những trang nhật ký của cô Hoàng Lan, để tìm kiếm những thông tin mà anh ấy quan tâm.
“Nó thật là tôi nghiệp, có cha mẹ cũng như không. Hình như, nó sinh ra là để cho người ta ghét thì phải, số nó khổ quá! Nhưng nó thật đáng thương, tôi không ghét nó… tôi là dì của nó kia mà, có dì nào lại đi ghét cháu của mình kia chứ.”
(…)
– Đoạn này chắc nói về Hoài Phong.
– Phải đấy Ngọc Diệp. Những đoạn sau này rất khớp với những gì bà Hiền đã kể cho chúng ta.
– Anh lật qua xem tiếp nào!
Khôi Nguyên tiếp tục lật từng trang nhật ký. Đến chỗ có bông lan được ép khô vào trang giấy.
“Tôi phải làm sao đây? Chẳng lẽ lại đi nói với ảnh là tôi đã thích ảnh. Không được đâu, ảnh sẽ cười vào mặt tôi cho mà xem. Nhưng không nói thì lòng tôi rất khó chịu, chẳng lẽ tôi mãi giữ kín trong lòng tình cảm chân thật của mình. Tôi chợt nhận ra cuộc đời sẽ tẻ nhạt biết chừng nào nếu không được ở bên ảnh.”
“Anh ấy giống mẹ tôi đến lạ…” Đọc đến đoạn đó tự dưng mặt tôi đỏ lên. Khôi Nguyên bỗng dừng lại nhìn tôi. Tôi vội lấp liếm:
– Đọc tiếp đi chứ! Anh làm sao vậy? Nhanh lên!
“… giống mẹ tôi đến lạ, nhiều khi tôi tự hỏi mình, cũng một câu hỏi ngớ ngẩn, tôi có thật sự yêu ảnh hay không? Có khi nào tôi yêu mẹ mình, rồi thấy ảnh là hình ảnh phản chiếu của mẹ tôi nên tôi có cảm tình, rồi tôi lầm tưởng đó là tình yêu? Lúc này đầu óc của tôi rất rối rắm.”
“Nó rất ghét ảnh, tại sao nó lại ghét ảnh đến như vậy kia chứ? Trước đây nó làm tôi thấy thương cảm, tội nghiệp nó, nhưng càng ngày nó càng làm tôi ghét. Vậy là đã rõ rồi, đó là số phận của nó, nó sinh ra để bị người khác xa lánh đó mà.”
(…)
“Tại sao ông lại đối xử như vậy đối với tôi, tôi với ông là cha con kia mà. Tôi hận ông… hận ông… ông là con ác thú!”
Khôi Nguyên tỏ ra đặc biệt quan tâm đoạn nhật ký cô Hoàng Lan viết về ông Trịnh Vỹ.
Ảnh xem đi xem lại rất nhiều lần đoạn viết đó.
– Có một chút manh mối rồi đây.
– Manh mối ư? Sao tôi chẳng thấy gì cả.
– Cô không thấy cô ấy gọi cha mình là ác thú sao?
– Có thể do tức giận quá nên mới vậy. Ông ấy đã từng đánh đập hai người ấy tàn nhẫn còn gì.
Khôi Nguyên lật tiếp những trang nhật ký.
“Ảnh đi rồi… đi thật rồi… vậy là kết thúc rồi đó ư… nhanh quá! Tàn nhẫn quá…”
…
…
…
“Không, sẽ có một ngày tôi và ảnh gặp lại nhau. Chúng tôi sẽ bỏ trốn đến một nơi rất xa… nơi mà ba tôi không thể tìm được, nơi mà không có bộ mặt khốn kiếp của nó…”
“Thế là từ nay tôi lại có lý do để tồn tại.”
– Ồ, cái gì đây.
– “Từ nay tôi có lý do để tồn tại.” – Tôi nhắc lại dòng nhật ký.
– Dòng này rất đáng để quan tâm. – Nói rồi Khôi Nguyên mở quyển sổ tay của mình ra ghi lại phát hiện đó.
(…)
“Không còn là người nữa rồi, con người không đối xử với nhau như vậy. Khốn nạn!”
“Tại sao? Tại sao ông trời lại thích trêu ngươi và hành hạ tôi vậy? Tôi đã làm gì có lỗi, đã làm gì đắc tội với ông?”
Kết thúc quyển nhật ký.
– Quyển nhật ký lạ lùng nhất mà tôi từng đọc. – Khôi Nguyên nhận xét.
– Đây là những dòng tâm trạng thì đúng hơn. Tôi thật sự hơi thất vọng, vì hình như chúng ta chẳng tìm được manh mối nào có giá trị từ quyển nhật ký này cả.
– Quyển nhật ký có nhiều trang bị xé mất. Lạ thật!
– Lạ ư?
– Nếu chú ý cô sẽ thấy. Không có đoạn nào nhắc đến việc tự tử cả. Ít ra nếu cô ấy có ý định làm điều rồ dại cũng phải để lại những dòng tuyệt mệnh chứ. Đằng này…
– Như anh vừa nói đó, quyển nhật ký bị xé mất những trang viết đó rồi. Có lẽ khi đọc lại cô ấy thấy đó là những lời lẽ yếu đuối, ủy mị, nên đã xé bỏ đi.
– Người đã chẳng muốn sống nữa liệu có còn quan tâm tới mấy chuyện tiểu tiết đó không hả?
– Ai mà biết được, đầu óc con người phức tạp giống như vũ trụ, nên anh đừng có khẳng định vội vàng.
Khôi Nguyên không thèm đôi co với tôi, anh ấy chỉ tập trung vào việc chính. Anh ấy bắt đầu nói về những bức thư.
– Có 3 bức thư. Để xem thử nội dung bên trong là gì.
—
Bức thư thứ nhất viết:
“Cuối cùng thì kết cục của chúng ta cũng như bao chuyện tình bi kịch từ xưa cho đến nay. Ông trời thích trêu ngươi chúng ta, nên mới ném chúng ta vào một vòng dây oan trái. Em sẽ không khóc, vì có khóc cũng chẳng thể thay đổi được thực tế phũ phàng rằng chúng ta là nhưng kẻ bạc phước. Thế thì đã sao? Em đã hết nước mắt rồi, niềm hy vọng trong em cũng đã tắt ngúm giống như bếp than vừa bị xối lên thau nước lạnh. Những tưởng còn có thứ để níu kéo lại một cái xác như đã không hồn này, nhưng xem ra đó chỉ càng thêm đau khổ. Người ta cứ sợ cái chết, nhưng đến lúc người ta tuyệt vọng nhất thì cái chết lại là lối thoát duy nhất. Người ta cứ sợ rằng linh hồn sẽ bị hủy hoại nhưng thực ra linh hồn nên bị hủy hoại sau một lần đầu thai. Vì khi chết đi, con người sẽ không còn phải đau khổ do luân hồi nữa, một sự yên nghỉ nghìn thu, không còn mệt mỏi và khổ đau. Chúng ta còn có tương lai ư? Còn có những cánh cửa để thoát ra khỏi sự dằn vặt? Không. Tất cả đã khết thúc rồi. Tình yêu cũng đã chết theo sự tàn nhẫn của ông trời kia.
[Kiếp này là kiếp đoạn trường
Kiếp này là kiếp vô thường đảo điên
Phận này bạc quá tình duyên
Ngoài trời mưa gió ưu phiền… lệ rơi.]”
Bức thư thứ hai viết:
“T.A yêu dấu của em!
Tình yêu đã chín mùi, đơm hoa kết trái trong ngày đó. Ngày em đã dâng lên anh trọn vẹn tất cả. Ai đó đã nói đúng, khi yêu ai thực sự, người ta sẵn sàng hy sinh tất cả. Bản thân em cũng không ngoại lệ anh à! Em không hối hận, không bao giờ hối hận vì mình đã bất chấp giáo lý và sự răn dạy của người lớn, để trở thành một người lớn thực sự. Nhưng kể từ lần đó, chúng ta cũng đã vi phạm lời răn dạy của thượng đế. Chúng ta bị phạt phải xa nhau, phải chịu đớn đau dằn xé vì nhau. Sự chia cắt tàn nhẫn đó có khác gì lưỡi dao bén rọc vào trái tim non yếu của em. Mưa! Trời lại mưa… mang theo cả sự lạnh lùng vô hậu. Em ngồi lại với cô đơn, lục tìm những kỷ niệm dấu yêu của hai ta. Nhưng lục hoài mà vẫn chỉ thấy được sự bạc bẽo vô tình của số kiếp. Anh đã từng nói gì với em, em nhớ hết, nhớ hết. Anh là người rất ghét hai chữ số phận, bằng giá nào anh cũng đạp vào mặt số phận mà đứng lên, số phận do bàn tay của chúng ta tạo ra, anh không muốn ai làm chủ số phận của mình, kể cả đó là thượng đế. Một sự chọc tức và trêu ngươi ông ấy. Nhưng, chúng ta có thật sự chiến thắng. Hay chúng ta đang bị ông ấy chà đạp, ông ấy xem chúng ta như một trái bóng để đùa dỡn. Và dù đã cố tránh cái đau, nhưng em vẫn đau. Con người sao lại sống và đối xử với nhau tệ bạc như vậy hả anh? Người ta sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để mà sống. Một cái sống như vậy có ý nghĩa lắm ư? Em không xứng với anh đâu, ngàn lần, vạn lần, triệu lần không xứng. Em đáng bị như vậy lắm! Đáng lắm anh à! T.A yêu dấu của em. Mong cho anh cả cuộc đời này không phải hứng chịu nỗi đau hiện tại của em. Em sẽ hứng hết nó cho anh, đó cũng là lần đầu tiên em van xin ông ấy, van ông hãy buông tha cho anh.”
Bức thư thứ ba không có chữ viết, mà vẽ hình một cô gái ngồi khóc bên khung cửa sổ.
Bức vẽ nói lên tâm trạng buồn bã não nề của người họa. Tôi buồn rầu nói với Khôi Nguyên:
– Thê thảm quá! Anh thấy chưa, những lời tuyệt vọng mà anh muốn tìm nằm ở những lá thư này đây.
– Những lá thư này không được gửi đi. Có lẽ, cô Hoàng Lan đã viết nó cho riêng mình. Theo tôi, những lá thư này cũng giống như cuốn nhật ký. Nó đã bị mất đi rất nhiều tình tiết quan trọng.
– Nói như anh, tức là có người đã xé, và hủy những trang nhật ký và những lá thư?
– Rất có thể điều cô vừa nói là sự thật.
– Chúng ta tính sao với cái rương này đây?
– Ngày mai tôi và cô sẽ chôn nó ở chỗ am thờ cô Hoàng Lan. Những thứ này rất quan trọng đối với cô ấy.
– Anh nói phải đó. Ngày mai chúng ta sẽ chôn nó cho cô Hoàng Lan có cái mà dùng.
—
Tôi và Khôi Nguyên lại nói chuyện với nhau về những bộ hài cốt, và sự nghi ngờ của chúng tôi hướng về mụ Thùy Dung.
– Anh nghĩ xem, mụ ta có phải đang giả điên hay không?
– Mụ ta điên thật chứ không giả đâu.
– Nhưng, tôi lại thấy mụ rất đáng ngờ. Ánh mắt của mụ ta không đơn thuần là để hù dọa chúng ta đâu. Tôi sợ mụ đang rắc tâm làm điều gì đó hãm hại chúng ta. Tôi có linh cảm chẳng lành chút nào.
– Cô nói đúng. Đã đến lúc chúng ta phải cảnh giác với mụ rồi.
– Về cái chết của cô Hoàng Lan thì đích thị là tự tử rồi, anh có cùng kết luận như vậy với tôi không?
– Có. Nhưng không đơn giản như cô nghĩ.
– Anh nói vậy là sao?
– Tức là, khi còn sống cô ấy có điều gì đó oan khuất không thể giải bày được. Chính vì vậy mà chết rồi cô ấy không thể siêu sinh. Phần việc của chúng ta là tìm ra điều oan khuất đó. Mà muốn tìm ra sự thật, chúng ta buộc phải tiếp cận từ ngoại vi đi sâu vào. Những gì có liên quan đến cô ấy, chúng ta cũng phải làm sáng tỏ.
– Kể cả việc điều tra mụ Thùy Dung?
– Đúng vậy Ngọc Diệp. Mụ Thùy Dung đó là một trong những câu hỏi lớn mà chúng ta cần trả lời đấy. Bên trong cái vỏ bọc ma mị đó là gì? Chúng ta sẽ biết được thôi. Tôi sẽ lần mò theo từng đường mao mạch, và sẽ tìm ra đáp án cho bài toán chúng ta đang giải.
– Anh tự tin nhỉ?
– Chúng ta có nhiều lý do để tự tin, tôi thấy chúng ta đang đi rất đúng hướng. Hơn nữa, chúng ta còn có cô Hoàng Lan phù hộ, cộng thêm khả năng và kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi, sự giúp sức của Quốc Việt, cả cô nữa Ngọc Diệp à! Cô thấy đó, chúng ta có lý do gì mà không tự tin?
– Có cả tôi trong đó nữa sao?
– Tất nhiên rồi.
– Nhưng tôi có giúp được gì đâu?
– Cô chỉ cần ngày nào cũng cho tôi hôn cô, thế là giúp rồi đó.
– A, anh ma lắm nhé! Có mơ mà tôi cho anh hôn nữa, tôi đã biết cảnh giác anh rồi.
– Tôi chưa thấy ai có thể ngăn cản được tôi làm những gì mà tôi muốn cả, cô lại càng không thể.
– Tôi lại càng không thể? Anh có nhầm lẫn gì không?
– Ngọc Diệp à! Xin cô đấy, đừng có tỏ vẻ đó với tôi nữa. Tôi đang chờ đợi cô chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nói với tôi cái điều đó đây.
Mặt tôi theo phản xạ tự nhiên đỏ bừng lên. Tôi không biết nói gì nữa vì cảm thấy xấu hổ, Khôi Nguyên đã nói trúng tim đen tôi rồi. Anh ấy đi guốc trong bụng tôi mà, biết tôi cũng thích ảnh, yêu ảnh nên ảnh mới tự tin như vậy. Nhưng, Khôi Nguyên à! Anh còn nhiều điều chưa biết về tôi lắm. Anh thường khiến tôi phải bất ngờ đúng không? Được, rồi một ngày tôi sẽ bắt anh phải nếm cái cảnh “gậy ông đập lưng ông”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!