Thám Tử Sài Gòn - Chương 15: Snack, trà đá, thuốc lá - Chương thử trí 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
94


Thám Tử Sài Gòn


Chương 15: Snack, trà đá, thuốc lá - Chương thử trí 2


– Mời cô ngồi!

Theo đúng quy trình được quy định trong hoạt động lấy lời khai nhân chứng, Đại uý, đội phó đội cảnh sát hình sự Hàn Lương, chủ trì buổi lấy lời khai lịch sự mời nhân chứng đầu tiên ngồi vào chiếc đệm nhỏ có sẳn trong phòng. Lúc này thiếu uý Kỳ Nhân, cảnh sát viên trong đội, được đại uý Lương phân công cho vai trò thư ký. Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là ngồi (im lặng) cạnh bên mình và ghi lại chính xác toàn bộ những gì mà nhân chứng khai báo.

Sau khi giới thiệu về bản thân và người thư ký cùng lấy lời khai với mình, đại uý Lương bắt đầu đặt ra những câu hỏi cho nhân chứng. Bắt đầu từ những câu hỏi để làm rõ nhân thân của nhân chứng, cho tới những câu hỏi đào sâu, mở rộng về vụ án.

Theo như lời khai và giấy tờ tuỳ thân xuất trình, nhân chứng đang ngồi đối diện hai vị cảnh sát một trẻ một hơi già tên là Cao Huyền Thương, 24 tuổi, đang học chương trình thạc sĩ tại đại học luật thành phố. Đây là một cô gái có ngoại hình nhỏ nhắn, gương mặt đáng yêu, tóc màu hoe thắt bím cầu kỳ. Trang phục trên người gồm một chiếc áo sơ mi màu hồng nhúng bèo ở cổ, váy ngắn họa tiết ca rô xếp ly, giày búp bê có gót cao, chỗ eo của cô gái được thắt thêm nơ trông càng dễ thương. Tay phải cô gái cầm một bóp đầm màu đen, ngón áp út trên bàn tay có đeo một chiếc nhẫn bạc.

– Cô và nạn nhân có quan hệ như thế nào?

– Là bạn ạ, cũng được hơn 4 năm rồi thưa chú.

– Cả hai người kia cũng vậy?

– Vâng ạ. Tất cả chúng cháu đều là bạn từ thời đại học của nhau. Mặc dù không học cùng trường nhưng chúng cháu cùng từng sinh hoạt chung trong nhóm đồng hương của sinh viên Bình Phước.

– Cô hãy trình bày lại sự việc xảy ra hôm nay!

– Dạ vâng chú, khoảng 2 giờ, tụi cháu đang ca hát thì đột nhiên anh Điền…

– Yêu cầu cô trình bày lại sự việc từ khi bắt đầu gặp nạn nhân!

– Ồ, cháu hiểu rồi, cháu xin lỗi!

Sau khi đã nắm bắt được yêu cầu từ phía cảnh sát, nữ nhân chứng đầu tiên bắt đầu tường thuật lại toàn bộ sự việc, tỉ mỉ, rõ ràng.

– Vào lúc trước 1 giờ rưỡi cháu và chị Huyền đến quán, tụi cháu đi chung xe. Anh Hưng đi xe riêng cũng đến cùng lúc. Phòng thì cháu đã đặt từ trước rồi nên cả ba lập tức vào là hát. Được khoảng 10 phút thì anh Điền đến. Mọi việc sau đó diễn ra bình thường thì đột nhiên anh Điền ngã xuống sàn. Tụi cháu đến lay mãi mà không thấy ảnh tỉnh. Lúc đó chị Huyền mới kêu cháu ra ngoài tiếp tân tìm người giúp. Cháu vừa ra khỏi phòng thì gặp hai anh cảnh sát. Sau đó anh cảnh sát này (cô gái hướng mặt về Kỳ Nhân) bảo rằng anh Điền đã chết và phong tỏa hiện trường, rồi yêu cầu cháu cùng các anh chị ra ngoài hành lang ngồi chờ đến tận bây giờ.

– Tôi đính chính lại một điều, chỉ có tôi là cảnh sát, người đi cùng tôi mà cô gặp thì không phải. – Kỳ Nhân đã không giữ được im lặng, trong khi đáng lẽ nhiệm vụ của cậu ấy là giữ im lặng.

– Tức là cô không hề biết nạn nhân đã chết cho đến khi cảnh sát thông báo? – Đại uý Lương hỏi.

– Dạ vâng, cháu chỉ nghĩ anh Điền bị tụt canxi hoặc gì đó tương tự.

– Cô cho biết thời điểm chính xác khi nạn nhân ngã xuống sàn!

– Cháu không nhớ rõ, nhưng có lẽ sau khi vào phòng được nửa tiếng, khoảng gần 2 giờ.

– Từ lúc nạn nhân ngã xuống cho đến lúc cô ra khỏi phòng khoảng bao lâu?

– Chắc khoảng 5 phút. Vì cháu nhớ là màn hình chạy gần hết 2 bài “Bao giờ lấy chồng” và “Cả một trời thương nhớ”.

– Trong khoảng thời gian đó cô và những người kia làm gì nạn nhân?

– Lúc đầu thì mọi người có lay anh Điền, nhưng do ảnh không tỉnh nên sau đó chị Huyền xoa trán và cổ ảnh còn anh Hưng thì bóp tay và người. Cháu thì chỉ đứng nhìn thôi.

– Cô cho biết về những thứ mà cô, nạn nhân và các người khác đã ăn uống!

– Tụi cháu đều ăn snack và uống trà của quán.

– Chỉ ăn mỗi snack của quán?

– Dạ vâng, mà không… mà vâng… – Nữ nhân chứng trở nên khá lúng túng, dường như không thể xác định được đáp án cho câu hỏi có hay không?

– Cô cứ bình tĩnh nhớ cho rõ!

Lời trấn an của đại uý Lương quả thực đã phát huy tác dụng. Cô gái ngay tức thì giải tỏa được bộ mặt ấp úng. Câu trả lời cũng được nói ra một cách rành mạch, có điều nó mở rộng hơn phạm vi câu hỏi mà sếp Lương đã quy chụp.

– Dạ, tụi cháu chỉ ăn mỗi snack thôi, nhưng đó không phải snack của quán.

Thì ra đó là lý do khiến cô gái trở nên bối rối. Không phải vì không nhớ rõ về tình hình sự việc, mà bởi vùng giới hạn do câu hỏi của đại uý Lương đặt ra không đáp ứng được nội dung câu trả lời.

Cho thấy, việc đặt câu hỏi trong khi khai thác lời khai cũng là một yếu tố quan trọng, góp phần rất lớn vào việc giải quyết vụ án cũng như thể hiện năng lực, kinh nghiệm của cán bộ hỏi cung.

– Vậy gói snack đó của ai?

– Là của cháu. Là do cháu mua sẵn từ trước khi vào phòng.

– Cô có nhớ rõ về việc tất cả mọi người kể cả nạn nhân đều ăn gói snack và cùng uống trà đá?

– Vâng về điều này cháu chắc chắn!

– Vì sao cô lại mua rồi đem theo gói snack vào phòng?

– Vì đồ ăn trong quán rất đắt. Những lần đi hát trước đây cháu cũng đều mang theo snack như vậy mà.

– Gói snack được ăn từ khi nào? Có được chuyền ăn theo một thứ tự nào không?

– Vừa sau khi nhân viên mang trà đá vào thì cháu lấy snack ra để mọi người cùng ăn. Gói snack để trên bàn ai muốn thì tự bốc ăn thôi, không theo thứ tự nào cả.

– Vậy còn trà đá, ai là người gọi? Gọi khi nào? Khi nào thì mang vào?

– Cũng là cháu. Vừa vào phòng là cháu gọi ngay, khoảng 5 phút sau là nhân viên mang vào.

– Ngoài snack và trà đá mọi người có ăn uống riêng thứ gì khác không?

– Chắc là không có? Mà…

– Cô cứ nói!

– Hút thuốc lá có tính là ăn uống không chú? Lúc ở trong phòng anh Hưng và anh Điền có hút thuốc.

– Cô có nhớ rõ thời gian hai người đó hút thuốc không?

– Anh Hưng thì hút từ khi bắt đầu vào phòng. A Điền cũng vậy.

– Thuốc lá đó là của riêng mỗi người mua từ trước hay của quán?

– Là của anh Hưng! Cháu có nhìn thấy anh Điền xin thuốc của anh Hưng.

– Nạn nhân xin thuốc vào thời điểm nào?

– Là sau khi anh Điền vào phòng được một lúc. Cháu nhớ lúc đó anh Hưng vừa hát xong bài “Hoa nắng”. Ảnh về chỗ và đốt thuốc, anh Điền thấy nên mới hỏi xin.

– Nạn nhân hút bao nhiêu điếu?

– Chắc là một điếu? Cháu không chắc lắm, chắc anh Hưng biết rõ hơn.

***

– Mời anh ngồi!

Nhân chứng thứ hai đang ngồi trước hai viên cảnh sát tên là Trần Văn Hưng, 25 tuổi, đang học thạc sĩ ở đại học bách khoa. Một chàng trai không cao không thấp, không mập không ốm, không ưa nhìn mà cũng không đến mức xấu trai. Nói tóm lại là kiểu người có ngoại hình phổ thông, không có gì nổi bật. Phong cách ăn mặc của anh chàng này cũng khá đơn giản gồm áo thun trơn màu xanh biển, quần tây đen và dép quai hậu loại các chú bác lớn tuổi thường mang. Túi quần sau có một ví nam loại thường. Cổ tay trái của chàng trai, chỗ đáng lẽ phải đeo đồng hồ, chỉ có một vòng da không đều màu.

Đúng theo quy trình khi lấy lời khai nhiều nhân chứng, người chủ trì hỏi lại chàng trai về toàn bộ diễn biến sự việc. Sau khi nhận được sự khẳng định từ chàng trai về lời khai của nhân chứng đầu tiên, đại uý Lương đặt tiếp những câu hỏi nhằm bổ sung các điểm còn chưa rõ.

– Nạn nhân đã xin của anh bao nhiêu điếu thuốc?

– Xin một điếu.

– Điếu thuốc do nạn nhân đốt hay do anh đốt?

– Tôi ném cả bao thuốc và quẹt cho nạn nhân.

– Tức là nạn nhân tự chọn một điếu từ trong bao thuốc?

– Đúng rồi. Sau khi đốt thuốc xong thì Điền ném bao thuốc và quẹt lại cho tôi.

– Vì sao anh và nạn nhân lại ném đồ cho nhau?

– Vì chúng tôi không ngồi cạnh nhau. Tôi ngồi trong cùng, tới Huyền và Thương, Điền vào sau nên ngồi phía gần cửa hơn.

– Vị trí ngồi có luôn được giữ nguyên như vậy cho đến khi nạn nhân ngã xuống sàn không?

– Vị trí thay đổi liên tục, vì muốn chọn bài thì phải rời khỏi chỗ ngồi để đến màn hình máy tính. Chưa kể khi hát chúng tôi cũng thích đứng ra giữa phòng hơn là ngồi một chỗ.

– Anh có nhớ nạn nhân chọn bài vào lúc nào?

– Điền không chọn bài, nhưng Huyền có chọn cho Điền bài “Mùa ta đã yêu”.

– Nạn nhân có rời khỏi chỗ ngồi khi hát bài đó không?

– Không đâu. Điền chỉ ngồi tại chỗ hát thôi.

– Sau khi hát xong bài đó, nạn nhân có hát thêm bài nào nữa không?

– Điền nó chưa kịp hát hết bài thì…

– Đó là một bài song ca thưa sếp! – Kỳ Nhân lại một lần nữa không giữ được yên lặng.

Rõ ràng, trong quá trình lấy lời khai, việc nhận định được những vấn đề còn thiếu hoặc không được nói rõ cũng là một yếu tố quan trọng để người chủ tọa đưa ra những câu hỏi phù hợp, cũng như thể hiện sự am hiểu về lĩnh vực đang khai thác và tâm lý của đối tượng đang được lấy cung.

– Ai đã hát song ca cùng với nạn nhân? – Đại uý Lương hỏi người nhân chứng nam.

– Là Huyền.

– Nạn nhân hát được bao lâu thì mới ngã xuống nền nhà?

– Chắc là vài câu, tôi không chắc lắm… nhưng Huyền sẽ nhớ rõ hơn đấy.

***

– Mời cô ngồi!

Nhân chứng thứ ba đang ngồi đối diện hai viên cảnh sát là một cô gái có ngoại hình hơi mũm mĩm, gương mặt không thật xinh đẹp nhưng cho cảm giác dễ chịu. Cô có một mái tóc dài đen nhánh được cột gọn gàng. Trang phục giản dị, kín đáo gồm áo sơ mi dài tay, nhúng bèo ở cổ màu trắng và quần jeans xanh đậm. Vai trái đeo một túi chéo của nữ rộng gần một gang tay giả da màu đen, chân mang một đôi giày thể thao. Thông tin của cô gái dựa theo lời khai báo và giấy chứng mình thư là Lê Thị Huyền, 23 tuổi, đang học thạc sĩ ngành ngoại ngữ tại trường đại học mở.

– Cô và nạn nhân cùng song ca bài “Mùa ta đã yêu”?

– Đúng vậy ạ!

– Chưa hát hết bài thì nạn nhân ngã xuống nền nhà?

– Đúng vậy ạ!

– Cô có nhớ chính xác đó là lúc hát đến đoạn nào không?

– Hả? – Có hơi ngạc nhiên vì yêu cầu quá chi tiết từ người cảnh sát, nhưng ngay lập tức nữ nhân chứng cuối cùng vẫn trả lời câu hỏi. – À là đoạn trước khi Điền rap.

– Là khoảng gần 1/3 bài hát thưa sếp, đoạn trước “thần cupid đang đi la cà, anh thì…”. – Kỳ Nhân lên tiếng lần thứ ba. Lần này lại còn là đọc rap.

Ngay lập tức, đai uý Lương giơ bàn tay chắn trước mặt Kỳ Nhân, ra hiệu bảo cậu ấy dừng hát lại.

Đúng vậy, người chủ trì buổi lấy lời khai nhất định còn phải biết chắt lọc thông tin, bỏ qua những chi tiết thừa, không đào sâu vào những vấn đề không liên quan hoặc không quan trọng. Để tránh gây xao nhãng, mất tập trung vào các sự việc quan trọng cũng như không làm mất thời gian buổi lấy lời khai.

Tưởng gì chứ, bỏ sót thông tin, không đào sâu khai thác những vấn đề quan trọng và luôn tìm cách cắt giảm thời gian làm việc là những chuyện mà đội cảnh sát hình sự thành phố làm giỏi nhất.

– Vì sao cô lại chọn bài hát đó cho nạn nhân? Cô có quan hệ tình cảm đặc biệt với riêng nạn nhân?

– Không! Không phải như vậy! Đó chỉ đơn thuần là bài ngày trước Điền thường hay hát thôi. Tôi chỉ xem cậu ấy là một người bạn. Trong số chúng tôi chỉ có Thương là có quan hệ đặc biệt thân thiết với Điền thôi.

– Là quan hệ như thế nào?

– Chị họ của Thương là bạn gái của Điền.

– Chị họ của Thương tên gì? Sống ở đâu?

– Là Nguyệt Minh, nhưng Minh… đã mất cách đây 3 tháng vì bệnh.

– Là bệnh gì?

– Tôi không rõ, nhưng Thương sẽ biết rõ hơn tôi. Các anh hãy hỏi Thương ấy.

Đúng theo quy trình, trước khi kết thúc buổi lấy lời khai, vị cảnh sát lớn tuổi đáng kính duy nhất cả tập truyện này hỏi cô gái nhân chứng mũm mỉm ngồi trước mặt mình “còn điều gì khai báo thêm không?”. Và cũng giống như các nhân chứng trước, cô ấy cũng muốn biết nguyên nhân khiến nạn nhân Thanh Điền tử vong.

– Do ngộ độc chất kali xyanua. – Đại uý Lương trả lời câu hỏi chung của tất cả các nhân chứng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN