Thần Điêu Đại Hiệp - Chương 29: Nữ Lang Áo Đỏ Với Cặp Thần Điêu.
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
152


Thần Điêu Đại Hiệp


Chương 29: Nữ Lang Áo Đỏ Với Cặp Thần Điêu.



Tuy biết mình đã bị độc chưởng nhưng hai người vẫn chưa thấy đau đớn hay có gì khác lạ trong người. Đến khi nghe Lý-mạc-Thu nói giọng hăm dọa thì giựt mình, xem lại mu bàn tay thấy dấu đỏ càng lúc càng lan rộng thêm. Lúc bấy giờ cả hai mới bàng hoàng và không còn mơ hồ gì nữa. Độc thủ của Xích luyện thần chưởng đã nhiễm vào người đúng sự thật một trăm phần trăm rồi.

Thấy Lý-mạc-Thu hăm giết hàng trăm mạng để đổi cuốn sách ấy thì cả hai càng lo âu hơn nữa, nhắm phải về thưa lại Bang chủ ngày không còn trì hoãn được nữa.

Thế rồi họ ngầm đưa mắt láy nhau ra ám hiệu và chạy luôn ra ngoài không một lời bái biệt.

Nhìn theo hai người ăn mày khuất dạng ngoài đầu phố, Lý-mạc-Thu nghĩ bụng:

– Chúng bay đã trúng “ngũ độc thần chưởng” rồi thì không một danh sư nào có thể chữa nổi. Suốt gầm trời này, chỉ trừ một mình Nhất-Đăng Đại-Sư, không có một kẻ nào, hay một phương tiện nào có thể cứu chữa được nữa. Nếu Bang chủ bây muốn cứu mạng hai đứa, phải đem trả cuốn “Ngũ độc bí truyền” may ra ta sẽ ra ơn mới khỏi chết.

Nhưng bỗng nhiên nàng sạm mặt vì một ý nghĩ khác:

– Tất cả bí truyền của “ngũ độc thần chưởng” và phương pháp cứu cấp đều có ghi rõ trong cuốn “ngũ độc bí truyền”. Sách này hiện đang nằm trong tay ban Khất-Cái. Bọn chúng chỉ cần học theo đó mà giải cứu chứ cần gì nhờ đến mình nữa.

Nghĩ đến đây nàng toát mồ hôi ướt áo, vội vàng phi thân bay vút theo để bắt hai người ấy lại.

Trong phút chốc, nàng đã đuổi theo kịp và đưa tay nắm đầu lôi lại.

Hai người đang đi bỗng nghe gió lộng đàng sau, một ánh vàng thấp thoáng vừa đến thì một cánh tay của một người đã bị túm chặt kéo ngược trở lại.

Vì sức kéo quá mạnh, xương tay hắn gãy lìa răn rắt.

Người kia vội vàng xáp lại cố đánh để giải thoát cho bạn. Nhưng Lý-mạc-Thu khẽ lách qua một bên thoát khỏi đường quyền, vung bàn tay trái ra giả đập vào mặt. Người ấy cả sợ cúi đầu xuống tránh. Tức thì nàng xòe tay chém sả xuống một nhát gãy tiện xương vai.

Trong chớp mắt cả hai người đều bị trọng thương. Tuy cố gắng vùng vẫy nhưng vẫn không thoát khỏi và bị nàng lôi luôn về tiệm nước.

Đến nơi, Lý-mạc-Thu xô hai người trên mặt đất cười bảo:

– Hai ngươi tạm ở đây dưỡng bệnh. Chừng nào Bang chủ đem sách đến trả ta sẽ cho đổi mạng hai đứa mang về.

Nàng điềm nhiên kêu thêm rượu rồi ngồi xây lưng về phía hai người để uống.

Hai người dáo dát nhìn nhau rồi muốn tìm cách chạy thoát. Hình như Lý-mạc-Thu đã biết rõ thâm ý ấy nên quay lại cười lớn nói:

– Hai ngươi đã sả vai gẫy tay rồi. Nếu biết thân ở lại đây điều dưỡng thì được yên thân, tìm cách tẩu thoát sẽ gãy thêm chân nữa đấy nhé.

Nói xong nàng ngồi quay ra ngoài, ung dung rót rượu uống hình như không cần đếm xỉa gì đến kẻ khác.

Hồng-lăng-Ba động lòng bèn nói:

– Sư phụ, bọn chúng đã bị thương nặng. Sư phụ không tha cho khuất mặt để ở đây có ích gì đâu.

Lý-mạc-Thu hứ một tiếng đáp:

– Hôm nay sao cô giầu lòng nhân đạo vậy?

Nói rồi nàng đứng dậy xăm xăm bước đến gần hai người ăn mày.

Hai người này uất ức quá, đôi mắt trừng trừng nhìn thẳng vào mặt Lý-mạc-Thu, muốn ăn gan uống máu. Dẫu đã bị thương, nhưng nếu nàng còn ra tay hành hạ nữa, hai người sẽ thí mạng không tiếc.

Anh em Gia-luật-Tề nãy giờ ngồi ngoài nhìn xem sự việc xảy ra, ai nấy đều bất nhẫn và căm hờn thái độ kiêu căng, hành động quá ác của Xích-luyện Tiên-Tử.

Gia-luật-Tề bảo nhỏ em gái:

– Hiền muội hãy kiếm đường tạm lánh xa đi, con ác phụ này hung bạo lắm.

Gia-luật-Yên hỏi:

– Còn anh thì sao?

Chàng nói nhỏ:

– Chờ anh trừ được con ác phụ rồi sẽ ra sau. Thôi em đi đi để khỏi nguy hiểm.

Thật ra Gia-luật-Yên lúc nào cũng quý mến anh, đời nào nàng để Gia-luật-Tề ở lại với sự hiểm nghèo và lánh đi ra ngoài một mình cho yên thân được.

Vì vậy cho nên tuy không dám cãi, nàng vẫn bần dùn chưa biết nên ở hay đi.

Ngay lúc ấy Dương-Qua phi thân bay vút qua gần Gia-luật-Tề khẽ bảo:

– Đại huynh, chúng ta cùng ra tay một lượt thì hay hơn. Cứu nạn cho kẻ yếu đâu phải phần việc của riêng ai.

Gia-luật-Tề thấy người này ăn mặc y phục Mông-Cổ nhưng mặt mày quá ư xấu xí, có lẽ từ xưa đến nay chưa có một thanh niên nào xấu xa bằng. Chàng suy nghĩ:

– Người này là ai, bản lãnh như thế nào chưa rõ. Hắn ngồi chung bàn cùng Hoàng-nhan-Bình, chắc nàng biết rõ, tông tích, nhưng chẳng lẽ đi gạn hỏi bây giờ. Đành rằng việc cứu khốn phò nguy là nhiệm vụ của kẻ cầm gươm. Nhưng Xích-Luyện Tiên-Tử Lý-mạc-Thu đâu phải tay vừa. Ta làm sao chống cự nổi hắn. Người này dầu tài giỏi cũng chưa chắc hơn ta, nếu cả hai cùng nông nổi e mất mạng vô lối.

Trong khi ấy, Lý-mạc-Thu cũng nhận được tiếng quen quen của Dương-Qua. Nhìn mặt chàng quá xấu xa và hoàn toàn xa lạ nhưng nghe tiếng nói thì nhất định có tiếp xúc hay tranh tài nhiều bận tại một nơi nào rồi, nhưng nghĩ chưa ra.

Lúc đó Dương-Qua nói tiếp cùng Gia-luật-Tề:

– Đại huynh chờ tôi đi mượn gươm đã, vì tôi không có vũ khí.

Nói rồi chàng xoay mình bay sát bên Hồng-lăng-Ba đưa tay nắm gươm nàng và nói nhỏ:

– Nương-Tử xin vui lòng cho mượn tạm thanh kiếm nhé!

Hồng-lăng-Ba chưa kịp đối đáp ra sao thì gươm đã bị đoạt mất rồi.

Dương-Qua nắm gươm trong tay rồi xông ra đứng sừng sững giữa Lý-mạc-Thu và hai người ăn xin.

Thấy thân pháp người này vô cùng lanh lẹ, Lý-mạc-Thu cảm thấy chột dạ, để ý xem chừng. Riêng Gia-luật-Tề được biết tài năng của người bạn lạ thì lòng mừng vô hạn, cùng bước đến gần khẽ hỏi:

– Xin Đại-huynh vui lòng tỏ bày quý tánh cao danh để tiện bề xưng hô.

Dương-Qua đáp:

– Tôi họ Dương!

Nói rồi chàng vung gươm lên, nhưng bỗng hoảng hốt buột miệng nói:

– ấy chết, ta mượn lầm thanh gươm gãy rồi.

Vừa nghe được câu ấy, Hồng-lăng-Ba vụt nhớ ra và gọi lớn:

– Sư phụ, lại hắn nữa rồi. Chính thằng bé đấy sư phụ ạ!

Biết không tiện che đậy nữa, Dương-Qua đưa tay vuốt chiếc mặt nạ xuống và lễ phép nói:

– Đệ tử Dương-Qua xin kính chào Sư-bá. Xin chào mừng liệt vị.

Nghe lối xưng hô “Sư-bá” của Dương-Qua, Gia-luật-Tề hoảng kinh nghĩ bụng:

– ồ té ra họ cũng một phái với nhau cả, phen này quả thật mình đã sa chân vào cạm bẫy đầy chông gai và rắn độc.

Lục-vô-Song cũng lẩm bẩm:

– Nhất định là chú Ngốc rồi chứ ai nữa. Nếu không phải hắn thì sao xưng hô như vậy?

Lý-mạc-Thu cất tiếng rang rảng lảnh lót hỏi:

– Mi đó hả? Sư phụ mi mạnh giỏi chứ?

Nghe nhắc đến sư phụ, Dương-Qua thấy đau nhói trong tim, mắt đỏ ngầu ngấn lệ.

Lý-mạc-Thu nói thêm, nửa đùa nửa thật:

– Tiểu-long-Nữ cũng có mắt tinh đời, khéo chọn đệ tử lắm. Thày trò mi quả thật vừa lứa xứng đôi!

Dương-Qua bỡ ngỡ đứng yên chưa biết nói sao.

Nguyên từ khi gặp lại Dương-Qua lần thứ nhì, Lý-mạc-Thu hết sức ngạc nhiên thấy tài nghệ chàng tăng tiến rõ rệt vì vậy nên hôm nay thấy chàng cùng xuất hiện với nhiều người lạ cũng đem lòng e ngại. Nàng muốn tìm cách ly gián và nói chọc tức để thủ thắng.

Nàng chậm rãi nói tiếp:

– Mi đi đâu lại trôi dạt về xứ này?

Dương-Qua chưa hiểu dụng ý của hắn ra sao, chắp tay bái một cái và nói:

– Sư phụ tôi có lời kính chào Sư-bá!

Lý-mạc-Thu hỏi:

– Mấy lâu nay chị em ta không có dịp gặp nhau, nên đem lòng tưởng nhớ. Hiện nay Sư phụ mi ở đâu rồi.

Dương-Qua đáp:

– Sư phụ tôi cũng ở gần đây, lát nữa sẽ đến gặp Sư-bá đấy.

Dương-Qua cũng thừa rõ sức mình, ngay có cả anh em Gia-luật-Tề cũng chưa thế thủ thắng được ác phụ. Chàng cố đặt điều lấy oai cô nương để lòe cho Lý-mạc-Thu sợ đừng bức sách mình lắm, hoặt rút lui đi ra khỏi đánh nhau cho đỡ khổ.

Lý-mạc-Thu lạnh lùng đáp:

– Ta chỉ hỏi cho biết thầy trò mi làm gì, chứ đâu có cần gặp mặt.

Dương-Qua nói:

– Sư phụ tôi định gặp Sư-bá để cầu xin Sư-bá rộng lòng tha tội cho Lục-sư-muội. Chẳng lẽ Sư-bá còn giận hờn không chịu tiếp ư?

Lý-mạc-Thu cười lạt nói:

– Mày đã cùng Sư-phụ mày làm những chuyện loạn luân, quả tệ hơn loài cầm thú. Hôm nay trước mặt ta còn giả ơn giả nghĩa, thầy thầy trò trò quả không biết xấu hổ.

Nghe Lý-mạc-Thu nhục mạ, Dương-Qua tức muốn điên người. Xưa nay chàng tôn sùng kính mến Tiểu-long-Nữ hơn ai hết. Hôm nay Lý-mạc-Thu chẳng những vu khống cho mình mà còn trắng trợn bêu xấu Sư-phụ nữa, quả là một điều không thể chịu nổi. Chàng trợn mắt nhìn, rồi vung gươm xông vào chém loạn xạ.

Lý-mạc-Thu né sang một bên cười trêu nói thêm để chọc tức:

– Ta tưởng bọn thú vật đã có gan làm việc loạn luân như mi thì chẳng biết gì liêm sỉ nữa. Thế mà cũng biết giận hờn, xấu hổ sao?

Dương-Qua làm thinh không đáp nữa. Sử dụng thế “Liên hoàn kiếm” của Trùng-dương-Cung tấn công liên tiếp.

Thấy thế kiếm cực kỳ ác liệt, Lý-mạc-Thu chẳng dám xem thường vội múa phất trần chống cự.

Hai người cùng nhau tranh tài một chập lâu, Lý-mạc-Thu nhận thấy kiếm pháp của Dương-Qua vô cùng tinh thục, càng đánh càng hăng, càng múa càng dẻo, tất cả những thế của mình đều bị hắn đoán trước khắc chế được hết, giá mình không dày công rèn luyện khó bề cự địch nổi.

Càng nghĩ càng oán thầm Sư-phụ mình quá thiên vị, không truyền dạy cho mình tất cả những bí quyết của vũ thuật sư môn, để đến bây giờ một đệ tử của Sư-muội mình biết nhiều thế võ mà mình chưa được học.

Một chập sau, nàng thấy tay chân có phần lúng túng bèn hét lên một tiếng, nhảy vọt lên không trung là là sa xuống, đặt một chân trên miệng ly còn chân kia co lên không cử động. Nếu một kẻ khác thì cái ly phải bể tan dưới sức nặng của thân hình ngay. Lý-mạc-Thu triển khai khinh công tuyệt kỹ nhón ngón chân khẽ đứng trên mép ly mà vững như đinh đóng, toàn thân không xao động, rượu trong ly cũng không đổ ra một giọt nào.

Đứng yên nàng mỉm cười hỏi:

– Sao, tình nhân mi có dạy cho mi được khinh công như vậy chưa?

Dương-Qua trợn mắt chỉ mặt Lý-mạc-Thu hét:

– Mi chớ nói càng, ai là tình nhân của ta mà hỏi bậy như thế?

Lý-mạc-Thu cất tiếng cười vang rồi nói lớn:

– Long Sư-muội đã có lời phát thị, nếu Thủ-cung-Sa chưa mất, không bao giờ rời khỏi Cổ-Mộ đài. Hôm nay mi o bế quyến rũ như thế nào đến nỗi hắn thuận theo mi hạ san một cách ngoan ngoãn. Như thế không phải là tình nhân thì là gì nữa hử?

Dương-Qua nổi giận đến cực độ, nhưng chẳng biết lấy câu gì biện bạch cho tiện, chàng cũng phi thân nhảy lên và dùng khinh công đặt chân trên một miệng bát. Tuy mức khinh công của chàng cũng khá điêu luyện, cái bát lớn mười lần chiếc ly nhưng chàng vẫn bị loạng choạng mấy cái rồi mới giữ thăng bằng lại được.

Lý-mạc-Thu cười cười dùng cán phất trần điểm nhẹ vào sống kiếm và nói lớn:

– A, thế ra hắn cũng dạy cho mi khinh công khá lắm. Vậy mi phải cố ăn ở cho vẹn tình để đáp lại thâm ân sư phụ nhé.

Dương-Qua tức giận gần lộn ruột, đỏ mặt tía tai quát lớn:

– Hỡi con điếm Lý-mạc-Thu. Mi quả thật là thú vật nên mở miệng nói ra những lời bậy bạ như thế ấy.

Nói xong, lưỡi gươm đã vun vút chém tới, lấp loáng ánh hào quang.

Lý-mạc-Thu vẫn ung dung đỡ và chậm rãi nói với giọng kẻ cả:

– Muốn người ta đừng bêu xấu thì chính mình đừng làm điều tồi bại! Ta không ngờ phái Cổ-Mộ lại sanh ra hai đứa bay, đến nỗi làm thương luân bại lý, xấu hổ tông môn, thật đáng lấy mo che mặt để thiên hạ khỏi nhìn thấy mà chê cười.

Mỗi câu nói châm chọc của Lý-mạc-Thu như một mũi dao nhọn đâm vào tim của Dương-Qua, khiến chàng thấy tâm thần bấn loạn vì uất khí đang trào dâng ngùn ngụt.

Hai anh em họ Gia-Luật, Hoàng-nhan-Bình, Lục-vô-Song lặng thinh đứng nghe, không biết thật hay giả, chẳng nói một câu nào.

Ai nấy cũng đồng nghĩ bụng:

– Có tích mới dịch ra tuồng, nếu chẳng lửa thì làm sao có khói! Chuyện này nếu không hoàn toàn ắt cũng phải có mấy phần đúng. Và hành vi như vậy quả là một việc làm đáng khinh bỉ.

Thế là ai ai cũng đinh ninh Dương-Qua là một thanh niên thiếu tư cách.

Trong khi Dương-Qua dùng kế nghi binh đem Tiểu-Long-Nữ ra chọc Lý-mạc-Thu, trái lại Lý-mạc-Thu ngán tài nghệ của Dương-Qua lại sợ Tiểu-long-Nữ ra tiếp ứng không đủ sức đánh lại nên đem những chuyện xấu xa phóng đại thêm để bêu xấu. Nếu Tiểu-long-Nữ nấp đâu gần đây chắc sẽ xấu hổ mà cút luôn. Thật là vỏ quít dày gặp móng tay nhọn.

Dương-Qua bản chất ngay thật, xưa này sùng kính Sư-phụ như một vị thầy bất khả xâm phạm, thế mà hôm nay bị kẻ thù công nhiên phỉ báng không có lời bào chữa được nên uất khí xông lên, đầu óc bấn loạn, hét lên một tiếng té nhào xuống ngất xỉu luôn.

Lý-mạc-Thu cả mừng, huơ phất trần đập mạnh vào đầu Dương-Qua.

Gia-luật-Tề thấy tình trạng quá cấp bách, chẳng biết làm sao giải cứu kịp, vội cầm hai ly rượu trợn mắt lia mạnh vào Lý-mạc-Thu nhằm vào hai yếu huyệt “Chi Dương” và “Dương Quan” mà điểm.

Lý-mạc-Thu nghe có tiếng gió vù vù sau lưng đoán có ám khí, bèn vận dụng nội công bế tắc cả các huyệt đạo để chịu đựng, đồng thời dùng phất trần đập luôn vào sọ Dương-Qua để hạ sát cho rồi.

Nhưng nàng bỗng giật mình vì thấy hai ly chưa chạm vào người mà mùi rượu đã thấm vào hai huyệt đaọ “Dương-Quan” và “Chi Dương”. Như vậy kẻ ném ly phải là một tay cao thủ đáng ngại. Đó là cái vạ bên lưng cần phải trừ trước. Còn thằng ranh này sẽ giết sau cũng được.

Nghĩ rồi nàng quay phắt cây phất trần gạt mạnh đôi ly. Phất trầm chạm vào ly, chấn động cả cánh tay, Lý-mạc-Thu thất kinh suy nghĩ:

– Chà, nội lực ghê lắm! Hay là con A đầu Tiểu-long-Nữ đã đến rồi chăng?

Sau khi định thần nhìn lại thì không phải Tiểu-long-Nữ, mà là một thanh niên tuấn tú ăn mặc theo lối Mông-Cổ. Nàng ngạc nhiên lẩm bẩm:

– Bọn trẻ ranh sao lắm đứa lợi hại như vậy nhỉ?

Lúc đó Gia-luật-Tề tuốt trường kiếm, cất giọng sang sảng nói:

– Cô nương võ nghệ tuyệt luân, xin chỉ giáo cho tiểu sinh vài đòn.

Lý-mạc-Thu ngán tài ném ly của người này, nhưng thấy bước chân đi còn nặng nề thì biết rằng công phu chưa đáng kể mấy nên yên chí nạt rằng:

– Các hạ là người ở đâu, đệ tử của vị nào, tự nhiên lại xen chân vào công việc của kẻ khác như vậy?

Gia-luật-Tề đáp:

– Tiểu sinh là Gia-luật-Tề, đệ ử của Toàn-Chân giáo phái.

Ngay khi tấy Dương-Qua sực tỉnh lại. Chàng đang mơ hồ nhìn xung quanh để nhớ lại những việc vừa xảy ra, thình lình được nghe Gia-luật-Tề tự xưng môn đệ của Toàn-Chân phái thì giựt mình sợ hãi.

Lý-mạc-Thu hỏi tiếp:

– Tôn-Sư của ngươi là ai? Mã-Ngọc hay Khưu-xứ-Cơ?

Gia-luật-Tề đáp:

– Hai vị đó đều không phải là Sư-phụ của Tiểu-sinh.

Lý-mạc-Thu nói thêm:

– Có lẽ là Vương-Xứ-Nhất chăng?

Gia-luật-Tề đáp:

– Thưa, cũng không phải.

Lý-mạc-Thu cả cười rồi đưa tay chỉ về phía Dương-Qua nói lớn:

– Thằng bé kia cũng xưng là người của Toàn-Chân phái, đệ tử của Vương-Trùng-Dương đó! Vậy ngươi và hắn có quen biết nhau không?

Gia-luật-Tề đáp:

– Chính tôi đây và người ấy chưa hề quen biết. Nếu theo mức tuổi ấy thì làm sao có thể là đệ tử của Vương giáo chủ được.

Lý-mạc-Thu cầm phất trần điểm mặt chàng nói:

– Bọn đệ tử Toàn-Chân chúng bay đều là bọn man trá, ăn nói bậy bạ, chẳng có chút gì thành thật, làm sao mà tin nổi. Thôi chuẩn bị đỡ đây.

Nàng đưa phất trần đập luôn mấy nhát liên tiếp.

Gia-luật-Tề vũ lộng tay trái cầm kiếm gạt ngang, chân trái dang ra, tay mặt phóng ngầm một mũi “định phong châm” bay vung vút về phía Lý-mạc-Thu.

Nguyên thuật ném Định phong Châm vốn là môn bí tuyển chính tông của Toàn-Chân-Phái. Muốn ngọn châm phóng đi đúng đích phải tập trung đầy đủ “Thần hoàn, khế túc”, “với bốn tác kinh, công, lực, thức” dầu xa mấy cũng trúng, dày mấy cũng phủng.

Phàm đệ tử nào được bí truyền thuật này phải có thiên tư xuất chúng công lực siêu phàm chứ không phải bất cứ kẻ nào cũng học được.

Ngày còn ở Trùng-dương-Cung, Dương-Qua có hiểu hết sự huyền diệu của môn Định phong Châm. Sau này chàng cũng có học qua, nhưng vì phải trau luyện nhiều môn nên không được chu đáo và điêu luyện bằng kẻ đã chuyên tập riêng môn ấy nhiều năm như Gia-luật-Tề.

Nghe tiếng chân lao đi xé gió, Lý-mạc-Thu biết không phải tầm thường, hơn nữa trong lòng đã e dè tài nghệ của Gia-luật-Tề, nên vội vàng múa tít cây phất trần để chống đỡ bốn mặt.

Nhưng kỳ quặc thay cho mũi châm lúc nào cũng bám sát theo cây phất trần, lúc bên tả, lúc bên hữu, đảo lộn không ngừng, rít lên vo vo nghe rất dễ sợ, hở có một tý là bỏ mạng ngay!

Gia-luật-Tề còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu, xưa nay chưa gặp tay nào có lợi hại như thế này, vì vậy nên đem hết tài năng ra thi thố. Lý-mạc-Thu trái lại đã sành sỏi quá nhiều nên lúc đấu chí đành đỡ tránh né cầm chừng để nhận xét, tìm ra nhược điểm của đối phương để dễ bề hạ thủ.

Sau khi thu hồi “định phong châm” về Gia-luật-Tề vũ lộng thanh trường kiếm như muôn ánh sao sa, biến thành một vầng hào quang sáng trắng bao phủ khắp người, thỉnh thoảng lao ra những ngọn mạnh như vũ bão.

Lý-mạc-Thu vừa đánh vừa khen thầm:

– Phái Toàn-Chân sao có nhiều cao thủ lắm vậy. Cậu bé này tuy chưa có danh tiếng trên giang hồ nhưng xem tài nghệ cũng không kém gì những tay hữu hạng như Tôn-Bất-Nhị, Xích-Đại-Thông của Toàn-Chân phái.

Một chập sau, Lý-mạc-Thu đánh đỡ có vẻ uể oải, hình như đã đuối sức. Gia-luật-Tề mừng rỡ, vội xông lên chém xả vào người một kiếm thật hiểm ác. Nhưng chàng đâu có ngờ đó là nghi kế của địch. Vì vậy nên Lý-mạc-Thu đã lách qua một bên, tung cước đá trúng cánh tay một cái tưởng như gãy xương, lưỡi kiếm văng ra xa lắt.

Tuy vậy, Gia-luật-Tề vẫn không rối loạn, kiếm vừa mất đã lập thế nhập nội, dùng tay trái cướp lấy cây phất trần khiến Lý-mạc-Thu phải thối lui buột miệng khen lớn:

– ồ, khá lắm, khá lắm!

Khi ấy Dương-Qua đã tỉnh hẳn. Thấy Gia-luật-Tề đang lâm nguy chàng đã nạt lớn:

– Con tiện tỳ chớ lên mặt ỷ tài. Ta không còn xem mi là sư bá nữa đâu nhé.

Lý-mạc-Thu nhìn chàng cười nhạt và nói nữa:

– Phải rồi ngày nay mi là chồng của Sư phụ mi rồi thì ta đâu còn là Sư bá được nữa. Bây giờ cùng vai vế, mi có gọi ta Sư tỷ cũng được vậy.

Miệng nói tay vung phất trần phảy nhẹ một cái, thanh kiếm của Gia-luật-Tề hình như bị một mãnh lực vô hình phăng lên lao vút vào ngực giữa Dương-Qua.

Lục-vô-Song, Hoàng-nhan-Bình thất sắc cùng rú lên một tiếng vì sợ hãi.

Lý-mạc-Thu dùng thuật “phóng kiếm” để hạ Dương-Qua. Nhưng nàng đâu rõ trong khi còn ở trong Cổ-Mộ, Dương-Qua đã rèn luyện môn bắt kiếm và phóng kiếm cực kỳ tinh diệu, có lẽ còn cao siêu hơn Lý-mạc-Thu một bực nữa.

Vì vậy chàng khẽ đưa tay trái thu kiếm một cách rất nhẹ nhàng như trò chơi. Thế rồi tay kiếm tay gươm, cùng Gia-luật-Tề tấn công Lý-mạc-Thu không ngớt.

Quang cảnh tửu điếm thật là hỗn độn. Bàn ghế ngã nghiêng, chén bát đổ hết. Bao nhiêu thực khách hoảng sợ rút lui hết, ngay cả bọn tửu bảo và tên Chưởng-Quỳ cũng kiếm đường trốn tránh không dám đứng gần.

Từ ngày theo thầy học đạo và cũng xuất thân trên giang hồ Hồng-lăng-Ba thấy Sư phụ chưa bại một trận nào, vì vậy nên mặc dầu có hai người cùng tấn công Lý-mạc-Thu, nàng vẫn điềm nhiên đứng ngó, không vào tiếp ứng.

Thình lình Lý-mạc-Thu vận khí ép hơi thành gió tung ra một chưởng rất mãnh liệt. Gia-luật-Tề và Dương-Qua bị làn chưởng phong đẩy tới quá mạnh, lảo đảo đứng không vững nữa.

Hoàng-nhan-Bình và Gia-luật-Yên hè nhau nhảy vào tiếp chiến.

Nhưng tài nghệ của hai nàng chưa cao siêu lắm cho nên không thể cứu vãn tình thế. Loay hoay mấy đòn, Gia-luật-Yên đã lãnh một phất trần vào đùi ngã ngồi xuống đất ôm chân rên rỉ.

Gia-luật-Tề thấy em bị thương nóng ruột, hoang mang, tay chân luống cuống đỡ không kịp cũng bị một đòn khá mạnh té nhào ra đất.

Nữ lang áo xanh vội vàng nhún chân phi thân vào vòng chiến bồng Gia-luật-Yên mang ra.

Lý-mạc-Thu tuy bận đánh cùng nhiều người nhưng vẫn giữ bình tĩnh nhận xét đủ bốn phương tám hướng, chủ động tình hình. Vừa thấy lối nhảy của nữ lang áo xanh rất nhẹ nhàng thanh thoát nàng cũng chột dạ nghĩ thầm:

– Nàng này là ai nữa mà tài nghệ cũng rất cao siêu. Xem lối phi thân của nàng cũng đủ biết đã được chánh phái chân truyền không sai.

Nàng quay lại phía nàng áo xanh, khẽ vung phất trần hỏi lớn:

– Nàng là ai, sư phụ tên gì, bỗng dưng đến đây gây hấn cùng ta?

Hai người tuy đứng cách xa nhau gần hai trượng nhưng cái phẩy nhẹ của cây phất trần đã lộng một luồn gió mạnh, thổi tốc vào mặt nữ lang, khiến nàng phải bước qua một bên, và dung tay áo rút ra một món binh khí đối địch lại.

Lý-mạc-Thu nhìn thấy món binh khí ấy rất lạ lùng, giống như một ống tiêu, bề dài chừng ba thước, óng ánh như ngọc. Nàng rất ngạc nhiên không biết nàng thuộc chánh phái nào mà sử dụng loại vũ khí này.

Lý-mạc-Thu vũ lộng phất trần tấn công dồn dập, nàng áo xanh chống đỡ có phần yếu thế. Dương-Qua và Gia-luật-Tề thấy vậy cùng nhau xông vào đánh giúp.

Lý-mạc-Thu vẫn không nao núng, điềm nhiên múa cây phất trần đánh bốn mặt, thỉnh thoảng vận dụng chưởng lực đánh bồi vào khiến cả ba người đã dần dần lâm thế hạ phong rõ rệt.

Dương-Qua vừa đánh đỡ cầm chừng vừa nghĩ bụng:

– Nếu cứ để đánh kéo dài mãi, thế nào cũng có người tán mạng.

Vì vậy chàng bỗng gọi lớn:

– Con nữ tặc này lợi hại và ác độc vô cùng, xin bốn chị em hãy tìm đường rút lui gấp, đừng chần chờ nữa mà mất mạng đấy.

Bốn nàng nghe nói cũng nhận thấy tình thế quá nguy cấp, tuy nhiên không ai nỡ bỏ ra đi. Nhưng mỗi lúc Lý-mạc-Thu càng tăng gia áp lực, thấy không thể nào nấn ná được nữa nên Lục-vô-Song băng mình chạy xuống lầu trước tiên.

Hoàng-nhan-Bình phụ lực cùng nữ lang áo xanh dìu Gia-luật-Yên đi theo.

Hai người ăn mày thấy hai thanh niên xinh đẹp kịch đấu cùng Lý-mạc-Thu một trận vô cùng ác liệt, muốn xông lên giúp sức, nhưng hiềm nỗi kẻ bị gãy tay, người bị gãy vai, thương tích trầm trọng nên không thể nào đánh nhau được. Tuy nhiên cả hai cũng quyết tâm cùng ở lại, quyết không chịu bỏ đi nơi khác lánh thân.

Gia-luật-Tề, Dương-Qua cố đem hết tâm lực đánh cầm chừng cùng Lý-mạc-Thu, chờ các cô chạy trốn được xa rồi sẽ thừa dịp tẩu thoát.

Lý-mạc-Thu tuy chiếm phần ưu thế nhưng trong lòng vô cùng phiền muộn vì nghĩ rằng:

– Xưa nay được một cây phất trần tung hoành trên thiên hạ không nhượng một kẻ nào, muốn giết ai thì giết, hễ đánh đâu là thắng đó. Không ngờ hôm nay chỉ có hai thằng nhãi con, miệng còn hôi sữa mà đánh nhau cả buổi không thắng được, để cho Lục-vô-Song tự do trốn thoát. Như vậy còn đâu là oai danh lừng lẫy của “Xích Luyện Tiên Tử” nữa?

Trận đấu vẫn tiếp diễn vô cùng khốc liệt, đôi bên dồn hết sức, đem hết ngón ruột ra để tranh thắng lợi về mình.

Từ trong tiệm ăn, họ đưa nhau dần dần ra sân rồi kéo luôn ra lộ để đánh nữa. Cứ đuổi tới, chạy lui quần nhau một hồi, cả ba đã kéo nhau ra giữa đường, đánh vùi không ngớt.

Dương-Qua vừa đánh vừa lớn tiếng hò la thúc các cô tẩu thoát. Gia-luật-Tề cứ bặm môi đánh mãi không hé miệng nói một lời nào.

Dương-Qua lẹ như cheo, vừa đánh vừa nhảy tung tăng thoạt trước thoạt sau luôn luôn thay đổi thế đánh. Gia-luật-Tề lúc nào cũng giữ nét mặt uy nghiêm trầm tĩnh đánh ra nhiều đòn thật mãnh liệt khiến Lý-mạc-Thu đôi khi cũng thấy lúng túng.

Đánh mãi nhưng không thấy Tiểu-long-Nữ ra mặt giúp sức, lúc bấy giờ Lý-mạc-Thu mới yên chí và phấn khởi tinh thần tấn công gắt hơn trước. Hai chàng thanh niên dần dần thấm mệt, trán đẫm mồ hôi, hơi thở đã dồn dập.

Lý-mạc-Thu mừng lắm và đinh ninh thế nào cũng bắt sống được cả hai trong phút chốc.

Bỗng nhiên từ giữa chín từng mây vọng xuống tiếng chim kêu lảnh lót như tiếng hạt reo, mỗi lúc lớn dần. Rõ ràng là tiếng chim điêu.

Hai con chim điêu xuất hiện giữa lưng trời, cánh xòe ra như bốn chiếc buồm, lông trắng xóa như tuyết, dáng điệu đẹp đẽ và hùng mạnh không tả xiết.

Vừa trông thấy, Dương-Qua đã nhận ra đây là cặp thần điêu của Quách-Tỉnh nuôi từ lâu, mà chàng đã từng quen thuộc khi còn sống trên Đào-Hoa-Đảo.

Nhận ra đôi chim điêu, Dương-Qua thoạt nghĩ:

– Hễ có chim tất nhiên sẽ có người. Thế nào Quách-Tỉnh cũng ở gần đâu đây. Ta đã phụ lòng ủy thác của ông, náo loạn Trùng-dương-Cung, cũng không nên để ông ấy gặp mặt lại thêm rắc rối.

Nghĩ thế chàng lấy chiếc mặt nạ mang vào mặt.

Đôi thần ưng bay xuống là là gần đất, đôi cánh vĩ đại quạt mát cả một vùng làm cho cát bụi bay lên mù mịt. Chúng đảo lên, sà xuống lượn mấy vòng rồi mỗi con một bên cùng xông vào mổ mắt Lý-mạc-Thu.

Thì ra đôi thần ưng còn nhớ và nhận ra con người đã phóng “Băng phánh châm” làm chúng nhiễm độc gần chết, nhờ Quách-Tỉnh tận tình cứu chữa rất lâu mới khỏi. Hôm nay vừa thấy Lý-mạc-Thu, chúng đã nổi lòng căm phẫn sà xuống tấn công trả thù.

Chúng cũng thừa biết Lý-mạc-Thu có băng châm vô cùng lợi hại cho nên luôn luôn để ý đề phòng. Hễ Lý-mạc-Thu đưa tay phất ra là chúng đã vút tận mây xanh để tránh né. Một chặp sau lại bay xuống tấn công vào đầu hay cổ.

Gia-luật-Tề thấy đôi thần điêu quá ư to lớn và khôn ngoan thì rất lạ lùng trong lòng có ý mến cảm, nhưng chàng cũng đoán rằng chúng không thể nào thắng nổi Lý-mạc-Thu.

Nghĩ rồi, chàng gọi Dương-Qua nói:

– Dương huynh, bây giờ chúng mình cùng xông vào, tấn công luôn bốn phía, xem con ác phụ chống đỡ cách nào!

Dương-Qua gật đầu. Hai người sửa soạn xông ra, bỗng nhiên có tiếng vó câu dồn dập từ xa vọng lại mỗi lúc một gần.

Một con ngựa vừa hiện ra, mình thon cẳng cao, màu lông đỏ như lửa phi đi rất mau. Vừa thoáng nghe tiếng nhạc reo mà nháy mắt ngựa đã đến ngay trước mặt.

Mọi người hết sức thán phục tài chạy mau của con thần mã và càng ngạc nhiên hơn nữa là một thiếu nữ cũng mặc toàn màu đỏ ngồi trên mình ngựa. Cả người và ngựa cùng màu, đàng xa không phân biệt được. Lúc đến gần mới nhận ra nàng có một khuôn mặt trắng như tuyết lồ lộ như tiên nga.

Nữ lang ghì cương. Con hồng mã đang phi như bay biến, bỗng đứng dừng lại toàn thân không nhúc nhích, bốn chân không xao động, nữ lang ngồi êm ru như trên phản gỗ, quả là điều hiếm có của một con ngựa quý.

Gia-luật-Tề vốn người Mông-Cổ, một xứ chuyên nuôi và cỡi ngựa. Chàng đã cỡi và thấy không biết bao nhiêu là ngựa quý, nhưng lúc nhìn con ngựa đỏ của nữ lang Hồng-y, chàng phải phục là con ngựa vô cùng quý báu, xưa nay chưa từng thấy con nào đẹp và hay như vậy.

Con ngựa hồng này vốn là con thần mã do Quách-Tỉnh bắt được trên sa mạc Mông-Cổ ngày trước, thuộc giống “Hàn huyết bảo câu”, thứ ngựa thần rất hiếm có trên thiên hạ.

Con thần mã này chỉ chịu để cho vợ chồng Quách-Tỉnh và con gái là Quách-Phù cỡi được mà thôi.

Nữ lang hồng y quả là Quách-Phù, ái nữ của Quách đại hiệp.

Đã lâu lắm không gặp Quách-Phù, hôm nay vừa thấy mặt, Dương-Qua bỗng nhớ lại những cử chỉ kiêu căng ngang ngạnh của nàng đối với mình ngày còn thơ ấu, bất giác thở dài suy nghĩ:

– ờ chóng quá! Thật mới ngày nào mà nàng đã lớn lên và xinh đẹp như thế này rồi! Trông nàng chẳng khác gì một đóa hoa hồng mới nở giữa mùa xuân!

Quách-Phù dừng ngựa, trán lốm đốm mồ hôi, đôi má phấn phản chiếu màu đỏ của y phục càng tăng vẻ hồng hào trông thật lộng lẫy.

Nàng đưa mắt nhìn theo đôi thần ưng rồi quay lại ngó qua Gia-luật-Tề và Dương-Qua.

Thấy mặt mày Dương-Qua xấu xa cổ quái lại mặc y phục Mông-Cổ nên nàng bĩu môi khinh bỉ cho là giống man di mọi rợ.

Ngày còn thơ ấu giữa Dương-Qua và Quách-Phù có nhiều sự xung đột do tánh ý khác nhau, hôm nay vừa gặp lại nàng có thái độ kiêu căng khinh khỉnh, làm cho Dương-Qua bực mình thấy lòng tự ái dâng trào bồng bột. Chàng ngẫm nghĩ:

– Tại sao mi có thái độ khinh bạc hợm đời như vậy? Mi xem thường ta thì ta đâu có trọng mi. Mi đã quá ỷ lại vào cha mi là một trang đại hiệp võ nghệ trùm đời, mẹ mi là vị Bang chủ nữ hiệp, ông ngoại mi là một tiền bối trong võ lâm ngũ bá, suốt mấy đời nhà mi được thiên hạ nể vì tôn trọng! Ta đây trái lại đã gặp mọi cảnh trái ngang điêu đứng. Cha chết từ ngày còn trong bào thai, mẹ làm nghề bắt rắn rồi bỏ mạng vì rắn độc. Song thân ta đã như thế nên ta bị người đời xem rẻ. Như vậy chưa đủ sao mà mi còn muốn khinh miệt và sỉ nhục ta thêm nữa. ở đời nếu đừng kể đến ảnh hưởng của gia phong thì há dễ ai lại hơn ai, đối với mi ta đâu chịu thua sút. Thực chất của điều vinh nhục phải do chính mình tạo nên mới đáng quý chứ!

Càng ngẫm nghĩ, Dương-Qua càng đau lòng cho thân thế hẩm hiu và nghĩ thêm:

– Thiên hạ mông mênh, đất trời lồng lộng, chưa có một kẻ nào hiểu mình và thật tình thương yêu mình.

Đời ta chỉ có một người duy nhất đã tỏ lòng mến ta thật tình. Người ấy là Tiểu-long-Nữ. Nhưng ngày nay nàng lại bỏ ta ra đi không biết phiêu dạt phương nào, ngày hội ngộ thật là mơ hồ khó đoán.

Chàng đang vẩn vơ suy nghĩ, than cho mình, trách cho người lại nghe có tiếng ngựa phi mau tới nữa. Kế đó có hai người cỡi hai con ngựa vàng và xanh, đàng xa phi nhanh lại. Hai ngựa này cũng cao lớn, xinh đẹp thuộc loại báu câu hiếm có.

Lại gần, Dương-Qua thấy đó là hai chàng thiếu niên mặc áo màu vàng.

Quách-Phù đưa tay ngoắc hai người, liến thoắn nói lớn:

– Võ ca, anh có nhận ra con ác phụ chưa?

Hai thiếu niên áo vàng vừa cỡi ngựa đến sau không ai khác là hai anh em ruột Võ-đôn-Nhu và Võ-tu-Văn. Lý-mạc-Thu đã sát hại cả nhà họ Võ thì đối với hai anh em này quả là kẻ thù số một.

Bao năm qua hai anh em họ Võ lúc nào cũng nhớ đến mối thù của song thân, hằng nuôi ý chí phục thù rửa hận, nhưng chưa gặp dịp, không ngờ tình cờ hôm nay lại gặp oan gia. Lập tức cả hai đều nhảy xuống ngựa vung gươm đồng xông vào tấn công Lý-mạc-Thu.

Quách-Phù cũng la lớn:

– Tôi cũng xin giúp hai anh một tay nhé!

Nàng vừa nói vừa rút một thanh gươm đang cài bên yên ngựa, tung người nhẹ nhàng nhảy xuống đất rồi lăn sà vào vòng chiến.

Lý-mạc-Thu rất ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao kẻ thù mình mỗi lúc một đông. Nàng nhìn sắc diện hai chàng thiếu niên này, mặt mày hùng hổ, miệng mím, mắt trợn như nẩy lửa, cố tâm ăn thua đủ với mình, mà võ công của người vào cũng có vẻ vô cùng điêu luyện quả là đệ tử của danh môn chính phái.

Kế đến cô gái áo đỏ, mặt đẹp như hoa, múa thanh gươm báu hào quang chói mắt, ánh sáng lập lòe, mặc dầu lối đánh đỡ còn thô sơ nhưng lối sử dụng kiếm pháp thì vô cùng vững chắc, đúng quy tắc nghề võ, chứng tỏ có một căn bản tập luyện rất công phu.

Lý-mạc-Thu nhìn nàng một chập bỗng nhớ lại và buột miệng gọi lớn:

– à, Cô nương họ Quách đây rồi!

Quách-Phù loan gươm một vòng, phi thân nhảy vụt lên cao rồi cả cười nói lớn:

– Té ra mi cũng nhận ra ta sao?

Nói xong nàng sà xuống, chân vừa chấm đất đã vung gươm đâm luôn hai nhát liên tiếp.

Lý mạc Thu cầm phất trần gạt phăng đi và nghĩ bụng:

– Con bé hãy còn nhỏ tuổi mà đã kiêu căng , thật ra mi có tài cán gì bao nhiêu mà hợm mình như vậy . Nếu ta không nể mặt cha mi thì đã cho nếm một cây phát trần cho bỏ xác .

Nghĩ xong , Lý mạc Thu muốn thừa cơ chiém đoạt thanh gươm báu nhưng ngay lúc đó anh em họ Võ đã nhất tề vung kiếm tấn công một lượt , mạnh như vũ bão .

Anh em họ Võ cùng Quách Tỉnh truyền phép đánh kiếm từ khi còn ở trên Đào Hoa Đảo . Cả ba cùng nau luyện tập sớm chiều , biết dùng phép phối hợp rất chặt chẽ . Cứ một người lui thì hai người tiến , kẻ thủ thế người tấn công , tới lui qua lại rất quy củ mạch lạc . Vì vậy tuy không phải là một trận pháp nhưng nhờ lối đánh ấy đã tăng lên áp lực rất nhiều cho đối phương . Huống chi lối múa cũng như cách đánh phối hợp lại do một đại võ sư là QuáchTỉnh chân truyền nên mỗi thế đánh ra vô cùng lợi hại .

Ba người một gái hai trau và thêm hai con thần điêu cùng nhau vây đánh một mình Lý mạc Thu rất kịch liệt .

Cả ba tuy có bảnh lãnh khá nhưng dù sao cũng chỉ là những tay mới , công phu còn non nớt , kinh nghiệm chiến đấu chưa bao nhiêu còn Lý mạc Thu thì võ công đã già dặn , công lực dồi dào , hơn nữa nếu nàng chú tâm hạ được một người thì tự nhiên hai người còn lại sẽ bại ngay .

Tuy nhiên Lý mạc Thu thấy phía địch ngày càng đông thêm , bọn Dương Qua , Gia luật Tề cũng lăm le xông đến . Hơn nữa ,chưa biết vợ chồng Quách Tỉnh sẽ xuất hiện lúc nào . Nếu y cũng đến đây thì làm sao cự cho lại , chi bằng cách chuồn sớm thì hay hơn .

Suy nghĩ xong , Lý mạc Thu múa tit cây phất trần cười ha hả nói lớn :

– Ta cho các người thưởng thức ngón ” Võ hầu múa bông ” nhé !

Thế là cây phất trần vũ lộng lên vo vo ,xé gió vùn vụt , đập tung bốn bề khiến ba người bị dồn lần ra xa , không thể nào đánh đỡ nổi . Anh em họ Võ bị áp lực của cây phất rần đánh dạt ra , lảo đảo đứng không vững nữa . Do đó thế liền hoàn phối hợp của ba thanh kiếm cũng mất hết hiệu lực , không còn thi thố được nữa .

Lý mạc Thu co một chân , đứng một chân , nhìn xa giống như một con vượn đang múa cành bông , quay cuồng như chong chóng .

Trong lúc đối phương đang chăm chú nhìn xem lối múa của mình , Lý mạc Thu khẽ bảo Hồng lăng Ba :

– Lăng Ba , chúng ta đi thôi !

Hai thầy trò dắt nhau chạy như tên bắn về phía Tây Bắc .

Quách Phù hét lớn :

– Đừng để hắn tẩu thoát . Hãy cố đuổi theo mau lên Võ ca .

Nói xong , cả ba cùng vung kiếm phi thân đuổi theo vùn vụt .

Lý mạc Thu triển khai khinh công dắt Hồng lăng Ba chạy mau như gió thoảng .

Vì sức khinh công của thầy trò Lý mạc Thu lẹ gấp đôi ba người cho nên phút chốc đã bỏ rơi khá xa , chỉ còn đôi thần điêu vỗ cánh tung bay theo và thỉnh thoảng sà xuống để mổ hay đưa vuốt ra chộp.

Thấy khinh công của mình còn sút kém , anh em họ Võ than rằng :

– Thôi đành bỏ dở dịp này vậy .

Than rồi huýt còi gọi đôi chim điêu ba trở lại .

Bọn Gia luật Tề ngại ba người lầm kế Lý mạc Thu nên vội vàng phi thân chạy theo đề phòng tiếp sức nếu cần .

Chạy một đỗi gặp ba người trở lại , đôi bên chào hỏi thân mật và vui vẻ lắm . Cùng là tuổi trẻ đang háo thắng , hơn nữa ai cũng tự hào vừa đánh bại được Xích luyện Tiên tử Lý mạc Thu cho nên câu nói tiếng cươì dòn dã , không tiéc lời ca tụng lẫn nhau .

Bỗng nhiên Gia luật Tề hoảng hốt hỏi :

– ủa , còn Dương huynh đâu rồi .

Hoàng nhan Bình đáp :

– Cách đây hơn một giờ tôi thấy anh ấy chạy đi một lối khác , tôi có hỏi đi đâu nhưng anh ấy chẳng trả lời và cứ đi mãi .

Nói xong nàng rầu rầu nhìn xuống đất , nét mạt suy tư như tiếc một cái gì quý báu đã mất .

Gia luật Tề vội chạy thẳng lên ngọn đồi cao , phóng mắt nhìn khắp nơi chỉ thấy đồng nội xanh rì , cỏ cây man mác , ngoài Lục vô Song và nữ lang Thanh Y đang nắm tay nhau đi đi lại lại trò chuyện , không thấy hình bóng Dương Qua đâu cra .

xa xa chân trời trắng đục , rừng núi bao la , chim ngàn tung cánh lẫn trong mấy xám . Gia luật Tè buồn rầu đưa mắt nhìn khắp cánh đồng bao la bắt ngát mà cố nhân đã vắng bóng biền biệt nơi nào ? Chàng cảm thây một nỗi u buồn xâm chiếm cõi lòng như mới mất đi một người bạn tri kỷ .

Tuy mới gặp Dương-Qua chưa được bao lâu, nhưng tình đã thắm thiết, ý hiệp tâm đầu, hình như đã quen biết từ mười năm trước.

Chàng bồi hồi suy nghĩ:

– Dương-Qua tuy tuổi trẻ mà tài cao, tánh tình vô cùng hào hiệp mới gặp nhau mà ta đã thấy mến ngay. Mặc dầu Lý-mạc-Thu xỉ vả y về câu chuyện bậy bạ cùng nữ sư-phụ, nhưng đó là một vấn đề hoàn toàn riêng tư đâu có liên hệ chi đến tình bè bạn. Không kết bạn được cùng chàng thật quả một điều đáng ân hận. Trên đời này dễ gì tìm được một thanh niên như chàng. Nếu chàng còn ở đây, chung sống cùng nhau, ta sẽ giúp chàng được nhiều ý kiến hay để trở nên con người chính đáng, gọt rửa hết những chuyện không hay đã xảy ra.

Nhất định một người như Dương-Qua sẽ trở thành một trang hảo hán đầy nghĩa khí. Chẳng hiểu vì sao Dương-huynh lại dứt áo ra đi không lời từ biệt. Thật tiếc cho ta đã mất một người bạn tốt.

Nhắc lại Dương-Qua, khi trông thấy bản lãnh của anh em họ Võ và Quách-Phù cũng đủ sức cầm cự được với Lý-mạc-Thu nên đã yên bụng được phần nào. Hơn nữa, chàng thừa biết Lý-mạc-Thu kiên oai Quách-Tỉnh chắc không khi nào dám hạ thủ bọn này, và có lẽ hắn sẽ tìm cách lánh đi để khỏi mua oán chuốt thù cùng gia đình Quách Đại-Hiệp.

Nghĩ đến đây chàng lại liên tưởng đến phận mình. Từ ngày được Quách-Tỉnh đem lên ký thác cho các bạn trên Chung-Nam-Sơn, đã thấy Quách-Tỉnh đánh bại hết mấy trăm đạo sĩ của Toàn-Chân phái, sau bao năm qua chắc võ nghệ của ông phải tăng tiến gấp mấy lần khi trước.

Chàng bỗng nhớ lại khi ở Đào-Hoa-Đảo, bị anh em họ Võ ỷ thế hà hiếp đánh đập, vết thương trên mình nay còn đó, đến nỗi phải chạy trốn suốt đêm trong hang đá. Chàng nhớ thêm việc Hoàng-Dung chỉ đem sách vở bắt chàng học mà không chịu dạy võ công, đến sau, Quách-Tỉnh lại đem mình giao cho bọn đạo sĩ độc ác của Trùng-dương-Cung hành hạ đủ điều. Càng nhớ, Dương-Qua càng thấy căm hờn cực điểm.

Lòng dạ đang chất đầy thù hận, bỗng thấy các người đẹp Hoàng-nhan-Bình, Lục-vô-Song, Gia-luật-Tề và Nữ-Lang thanh y cứ len lén nhìn mình có ý khinh bỉ về câu chuyện loạn luân mà Lý-mạc-Thu đã vu khống, khiến chàng không chịu đựng được nổi và suy nghĩ:

– Bọn bay đã khinh miệt ta, ta đâu thèm sống chung cùng bay nữa. Thôi, đi xa cho khuất mắt.

Thế rồi chàng băng mình ra đi, không lời từ biệt, cứ nhắm mắt chạy bừa, qua rừng qua núi, chẳng kể đường sá gì hết.

Chàng cứ thất thểu chạy hoài, tâm hồn như nổi sóng, miệng lúc nào cũng lẩm bẩm:

– Ta đi mãi, xem gầm trời này có kẻ nào hiểu thấu được lòng ta!

Chàng cố ý tìm những chốn hoang vu hẻo lánh để ẩn mình không muốn gặp gỡ một “con người” nào, vì theo chàng nghĩ, loài người chứa đựng toàn sự xấu xa ác độc. Sống với chúng sẽ chịu đựng tất cả những điều vu không và khinh khi mà thôi.

Trí não hoang mang, tâm hồn bất định, Dương-Qua cứ xuyên qua rừng không kể phương hướng, suốt một tháng trường, hễ đói ăn trái cây, khát uống nước suối, mệt nằm ngủ trong hang đá hay trên cành cây, mình mẩy ốm tong, áo quần như xơ mít.

Một ngày kia Dương-Qua đến một dãy núi cao sừng sững, cây lá um tùm, đỉnh khuất trong mây xanh, vô cùng hiểm trở.

Thấy núi cao trước mặt, Dương-Qua đưa mắt nhìn lên rồi than nhỏ:

– Dương-Qua đâu có ngại núi cao sông lớn. Dẫu núi này có hiểm trở đến đâu cũng không sờn lòng, quyết vượt qua cho được.

Đây là núi Hoa-Sơn thuộc dãy Ngũ-Nhạc.

Thế rồi chàng cứ thẳng lên núi vượt càng. Mặc dầu có khinh công cao điệu, nhưng vì dãy Sơn-Hoa vô cùng hiểm trở, đá dựng chập chồng cho nên đã trèo liên tiếp mấy ngày, Dương-Qua cũng chỉ mới đến lưng chừng núi.

Đến đây, khí trời lạnh buốt, suốt ngày mây đen bủa vây vần vũ, gió lốc ào ào, từng trận mưa tuyết rơi xuống trắng xóa, bao phủ tất cả đá, cây, mọi vật!

Trước cảnh hoang vu kinh khủng, trước sức mạnh vô biên của tạo hóa, Dương-Qua vẫn không chút sờn lòng, chẳng thèm tìm hang hóc để tránh tuyết, hay trốn gió, cứ ngang nhiên níu đá túm cành, thoăn thoắt leo lên đường dốc dựng đứng, tuyết phủ trơn như mỡ. Chỉ một cái sẩy tay hay trượt chân thì nhất định sẽ té nhào xuống vực sâu thăm thẳm.

Chàng cứ leo, leo hoài lên quên cả mưa tuyết, mệt nhọc, hiểm nguy.

Đang cặm cụi leo, Dương-Qua bỗng nghe phía sau có tiếng kêu “kìn kịt” như có tiếng chân người hay chân thú bước trên tuyết giá.

Lúc quay đầu nhìn lại, không thấy gì hết.

Dương-Qua nhìn nhiều lần không gặp thứ gì cả mà tiếng động vẫn còn vang lên nho nhỏ. Chàng để ý nhìn xuống dưới, thấy bên cạnh dấu chân mình, có lờ mờ dấu chân một kẻ nào nhẹ in trên nền tuyết.

Chàng ngạc nhiên cúi xuống xem kỹ thì rõ ràng là vết chân người, nhưng nhìn ra sau lại không thấy gì hết.

Bực tức quá, không biết đây là quỷ hay người lại đi trêu chọc mình như vậy.

Lẩm bẩm chưởi thề vài tiếng, Dương-Qua cặm cụi leo nữa.

Leo thêm chừng vài bước lại nghe tiếng “kìn kịt” y như hồi nãy, rõ ràng bước chân người nghiến trên mặt tuyết, thế mà ngoảnh lại vẫn không thấy hình bóng một kẻ nào hết.

Giữa chốn rừng hoang tuyết lạnh tịch mịch như hư vô, cảnh tượng này có thể làm khiếp đảm những người to gan lớn mật. Thế mà Dương-Qua vẫn lầm lì không chút hoảng sợ, cố tìm cách khám phá cho ra.

Vì tánh tò mò giúp chàng quên cả sợ hãi và suy nghĩ tính toán:

– Nơi đây không bụi cây, tư bề toàn là tuyết phủ. Phía trong là vách đá sững tận mây xanh, bên ngoài là hố sâu thăm thẳm, không chỗ nào ẩn nấp được. Nếu bền gan rình rập ắt cũng phải tìm ra kẻ này. Chỉ trừ khi nào họ có cánh như chim, hay có phép tàng hình mới không bắt gặp.

Nghĩ rồi chàng tiếp tục leo lên, nhưng mặt cứ thỉnh thoảng ngoảnh lại sau xem thử.

Một chập sau lại có tiếng động nữa. Dương-Qua nghĩ:

– Kẻ này chắc là một tay khinh công thượng đẳng nên ẩn hiện như bóng ma, ta phải làm thế nào chứ hễ quay lưng lại ắt không nào thấy nổi. Ta đã có cách, không cần xoay mặt mà vẫn trông thấy xem hắn có lánh được hay không.

Liệu tính xong chàng khom lưng trèo lên, đầu hạ thấp xuống, vừa đi vừa nhìn qua hai chân mình ngó ra phía sau. Phương pháp này áp dụng theo phép luyện công của Âu-dương-Phong đã dạy chàng lúc trước cùng một dịp với tư thế đi ngược đầu. Hôm nay đem ra áp dụng thật là phải lúc.

Bỗng thoáng qua một cái, có một bóng người vừa hiện ra đã biến mất lanh như điện chớp, ngay vào phía hang núi cạnh vách đá dựng.

Dương-Qua mừng quá, nhưng lòng cũng kinh hãi vì thấy tài khinh công của người này mau lẹ ngoài mức tưởng tượng.

Chàng chú mục nhìn ngay vào hang đá, bỗng thấy thoáng một người, bụng rất phập phồng không biết người ấy có ác ý muốn hãm hại mình chăng.

Chỉ thấy người này đưa tay vẽ một hình tròn trước mặt, tự nhiên cả thân hình nhẹ hàng bốc lên như làn khói, cách mặt đất có mấy trượng cao.

Chàng suy nghĩ:

– Vừa rồi có lẽ người này đã áp dụng lối ấy để đùa mình đấy mà!

Nhìn thấy người ấy chỉ khoanh một vòng tròn mà toàn thân bốc tung lên như chiếc pháo thăng thiên, muốn bay đi đâu cũng được, Dương-Qua đoán chắc bản lĩnh của y phải thuộc vào hạng siêu nhân, khinh công đã biết vào hạng thượng thừa.

Trí nghĩ, bụng mừng, lòng bỗng cảm phục hết sức, tự nhiên chàng quỳ xuống, chắp tay phủ phục sát đất thưa rằng:

– Kẻ đệ tử hành tâm ngưỡng mộ, xin cao nhân hiện ra cho đệ tử được hân hạnh bái yết.

Người đó cất tiếng cười vang. Tiếng cười rung động cả núi rừng, làm những tảng tuyết bám trên vách đá phải rớt xuống ào ào như động đất.

Người ấy đưa tay vòng một cái nữa, thân hình bay lên, nhẹ nhàng rơi đến trước mặt Dương-Qua như một tàu lá rụng.

Người ấy nhìn Dương-Qua đang quỳ mọp dưới đất vừa cười vừa mắng lớn:

– Mi là ai, có phải là bè đảng của bọn “ngũ quỷ” ác ôn ở nơi này cứ thừa dịp đêm hôm tăm tối đi phá làng hại dân hay không?

Giờ này mi đến đây để giở trò ma quái gì nữa đây?

Dương-Qua sửng sốt, chẳng hiểu vì sao lại bị trách mắng. Nghĩ mình vô duyên xấu số, suốt tháng nay vất vả lầm than không gặp một bóng người. Hôm nay mới gặp một kẻ đầu tiên là bị lời nặng nề oan uổng. Nghĩ tủi cho số phận vô duyên chàng bỗng mủi lòng ôm mặt khóc ngất.

Càng khóc càng chạnh lòng cho cái mạng mình xấu số hẩm hiu, một đời gặp toàn những chuyện đớn đau để cho mọi người khinh khi đày đọa. Ngay như Tiểu-long-Nữ là người được mình kính mến nhất đời cũng hiểu lầm đến nỗi chán ghét mình, bỏ đi biền biệt như lá lìa rừng. Bây giờ tứ cố vô thân, hễ gặp một cái gì cũng toàn là sự bẽ bàng uất hận. Phải chăng hóa công đã sanh ra mình để chịu đựng tất cả những cái gì đớn đau buồn thảm nhất! Càng nghĩ càng thấm thía, chàng càng khóc rống lên, khóc nức nở, thật thiết tha thảm não.

Có lẽ chàng muốn khóc một lần để trút sạch những cái gì đau khổ nhất đang tàng ẩn trong tim cho neen càng lúc khóc càng to, khóc như mưa như gió.

Lúc chàng mới khóc người này hình như không quan tâm mấy, nhưng một lát sau thấy khóc thảm thiết quá, nghe muốn khô héo cả ruột gan. Người ấy bỗng ngửa mặt cười dài.

Một người khóc như đưa ma, một người cười như sấm động, cười đến nỗi vang chuyển cả núi rừng! Khóc cười lẫn lộn tạo thành một hòa âm kỳ quái làm huyên náo cả một sườn núi Hoa-Sơn tuyết phủ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN