Thần Điêu Đại Hiệp - Chương 44: Nạng Sắt Mà Trừ Được Thần Chưởng-dương Qua Lại Tặng Áo Cho Kẻ Thù
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
73


Thần Điêu Đại Hiệp


Chương 44: Nạng Sắt Mà Trừ Được Thần Chưởng-dương Qua Lại Tặng Áo Cho Kẻ Thù



Lý Mạc Thu cười khanh khách, nói:

– Con Lý Mạc Thu nầy đã từng ngang dọc thiên hạ bao lâu nay, đánh biết bao nhiêu trận, chưa hề thấy một người nào tàn phế như nhà ngươi mà dám chống ta. Nay Phùng Mạc Phong, ông chưa hề giao đấu với ai thật ư?

Phùng Mạc Phong đáp:

– Ta có trêu chọc ai đâu, nên có người nào ganh ghét gì mà phải đấu với ta?

Lý Mạc Thu nheo mày nhìn Phùng lão cười lớn:

– ôi chao! Đệ tử của chúa đảo Đào Hoa toàn là những kẻ mang hư danh, chết một cách rẻ mạt, làm trò cười cho thiên hạ mà thôi! Ta đây đã thừa hiểu rồi!

Phùng Mạc Phong nghiêm giọng nói:

– Này Lý đạo trưởng, đừng có nói động đến ân sư của ta!

– Ai là người nhận chú làm đệ tử, mà chú bô bô nói mãi, hết ân sư đến sư phụ, không sợ người ta cười sao?

Phùng Mạc Phong cầm cây nạng sắt từ từ đứng lên, rồi nói:

– Suốt đời ta chỉ chịu khổ sở điêu linh, chỉ có một mình Hoàng Dược Sư là vị ân sư duy nhất của đời ta. Không kính trọng ngài, thì còn kính trọng ai?

Nói xong Phùng lão quay qua hỏi Trình Anh:

– Sư muội, lâu nay ân sư vẫn được mạnh khoẻ luôn chứ?

Trình Anh lễ phép đáp:

– Thưa sư huynh, gia sư cũng được bình yên luôn!

Câu nói của Trình Anh làm cho Phùng Mạc Phong nét vui mừng hiện rõ trên nét mặt.

Lý Mạc Thu thấy Phùng lão có lòng chân thành đối với Hoàng Dược Sư, thầm khen: “Hoàng Dược Sư cũng đáng bậc tôn sư, mà thiên hạ cũng ít ai bì kịp. Đánh học trò đến què chân, nhưng học trò vẫn một lòng tôn kính khi vắng mặt!”

Hoàng Dược Sư hành động quái đản, nhưng lương tâm của ông rất trung trực, rất ghét kẻ tà gian, nịnh bợ. Cho nên Lục Thừa Phong, Khúc Linh Phong và Phùng Mạc Phong tuy bị hình phạt như vậy, vẫn ghi ơn ông chứ không oán trách. Đến kẻ đại gian ác như Mai Siêu Phong, mà khi gặp việc gian nan cũng quên mình để cứu ông; ai cũng nghĩ rằng miễn sao báo nghĩa được với ân sư, là họ thoả mãn rồi.

Phùng Mạc Phong ngồi xuống đưa nạng sắt vào lò nung lên.

Lý Mạc Thu cười rồi hỏi tiếp:

– Thế nào? Phùng Mạc Phong nghĩ ân nghĩa của sư phụ thế nào mà chân tay đến rời rạc vậy?

Phùng lão không trả lời, chỉ chăm chú vào ngọn lửa, hai tay lo trăn trở thanh sắt và cây nạng cho đỏ lên.

Dương Qua, Lục Vô Song và Trình Anh thấy thế đều lo sợ, kêu lên:

– Sao lão lại nung cả cây nạng như vậy, lấy gì đi lại?

Nhưng Phùng Mạc Phong không đáp một lời nào, chỉ chăm chú nhìn vào ngọn lửa ngùn ngụt như đang nung nấu bầu căm tức trong lòng.

Đến lúc thấy cây nạng đã đỏ như than lửa hồng, ba người kia sợ hãi, tưởng cây nạng ấy sẽ cháy ra, không còn dùng được. Ngờ đâu, Phùng Mạc Phong vẫn điềm nhiên đưa tay nắm lấy cây nạng nung đỏ, như không biết nóng là gì.

Lý Mạc Thu trông thấy thất kinh, thầm nghĩ:

– ôi chao! Nếu thế bản lĩnh người nầy không phải vừa. Ta liệu cách ra tay sớm thì hơn.

Nàng liền bước lui ra khỏi cửa, mồm gọi Phùng lão:

– Lão già kia! Có giỏi ra đây!

Phùng Mạc Phong mặt đầy giận dữ, đứng dậy. Một tay chống nạng, một tay cầm búa, phóng mình ra lanh như chớp chẳng có chút gì gọi là tàn phế cả.

Lão nói:

– Xin đạo trưởng chớ mắng nhiếc sư phụ tôi, đừng làm khó dễ sư muội tôi, và tha cho kẻ tàn phế này thì hay biết bao.

Lý Mạc Thu không ngờ Phùng lão đã đem thân ứng chiến, còn nói câu khiêm tốn có vẻ xin xỏ, nàng ngạo nghễ bảo:

– A! Ra ngươi đã biết sợ ư? Này lão thợ rèn! Nếu thế mi phải quỳ xuống xin lỗi ta mới được.

Phùng Mạc Phong quắc mắt nhìn Lý Mạc Thu rồi quát lớn:

– Con ma cái kia, thế là mi đã trêu chọc ta phải không? Ta sợ mi mà ra đây à?

Lý Mạc Thu liền vung phất trần vụt ngang qua đầu Phùng lão.

Phùng Mạc Phong tuy có một cẳng, nhưng nhảy qua nhảy lại nhanh như chớp. Lý Mạc Thu dương phất trần đánh tiếp ba cái đều trật cả.

Phùng Mạc Phong tuy né lanh như vậy, nhưng tuyệt nhiên không đánh trả.

Dương Qua, Trình Anh, Lục Vô Song đứng ngoài hết lòng lo ngại, bảo nhau:

– Chúng mình phải giúp lão một tay.

Dương Qua thấy Phùng lão càng đánh càng hăng sức. Chàng quá thích chí, nên tìm lời chọc Lý Mạc Thu:

– Lý Mạc Thu ơi! Bữa nọ mi vừa đánh vừa cười. Sao nay lại im bặt như thế?

Lý Mạc Thu thở hổn hển hét lớn:

– Im đi, thằng ranh con kia! Mày thích lắm sao?

Dương Qua được dịp nói tiếp:

– Lý Mạc Thu, mi còn dám nhắc những lời buộc tội đảo chúa Đào Hoa là đồ bất trung bất hiếu, vô nhân đạo, cướp vợ người, bắt cóc con nhỏ nhà khác nữa chăng? Mi nói toàn là những việc không bằng chứng gì cả.

Lý Mạc Thu nghĩ bụng:

– Ta mắng như thế bao giờ mà mày dám đặt điều nói vậy?

Nàng vừa cãi lại Dương Qua, nàng vừa đánh với Phùng lão những đòn quá nguy hiểm.

Lục Vô Song và Trình Anh, không hiểu tại sao Dương Qua lại bịa chuyện như vậy!

Phùng Mạc Phong nghe Dương Qua bịa chuyện mắng Lý Mạc Thu, lòng bốc giận, vì nghĩ rằng Lý Mạc Thu là kẻ hậu sanh lại dám mắng sư phụ mình. ông dùng thế “Kim kê độc lập” vững vàng, tay búa tay nạng vung lên đánh vun vút vào Lý Mạc Thu.

Lý Mạc Thu lúc nầy chỉ lo lui, né, chờ khi Phùng lão sơ hở mới dám đánh trả vài đòn.

Dương Qua cười ha hả, nói rang rảng:

– Lý Mạc Thu! Mày là đứa láo khoét, mày bảo Hoàng Dược Sư là kẻ bất nhân vô liêm sỉ, nhưng ta thấy mày còn bất nhân và vô liêm sỉ hơn ông ta nhiều.

Giọng nói của Dương Qua như mũi dùi nhoi nhói vào tai. Dương Qua càng nhắc đến, càng châm biếm Lý Mạc Thu bao nhiêu thì Phùng lão càng nổi giận bấy nhiêu, đánh ra toàn những đòn ác hiểm.

Do đó ban đầu Lý Mạc Thu còn chống trả được, nhưng sau nàng chỉ còn có cách thủ thế, miệng thở hổn hển, không biết đường nào phản công.

Luận về võ công thì hai bên chỉ suýt soát nhau một chín một mười. Nhưng nói về kinh nghiệm chiến đấu thì Lý Mạc Thu là tay từng trải giang hồ, một mình đã dự chiến hàng mấy trăm trận. Vì vậy, tuy có hơi kém sức, nhưng nàng không bị bối rối và còn nghĩ:

– Lão chỉ có một chân, sức mạnh bình thường đã giảm mất nhiều. Nếu lão hăng sức chẳng qua vì nóng giận nhất thời. Ta chờ lão mệt sức sẽ phản công thì thế nào cũng thắng.

Quả vậy, qua một hồi giao đấu, Phùng lão đánh một lúc một yếu dần, và các chiêu thế rời rạc, không ác liệt như lúc đầu.

Lý Mạc Thu mừng rỡ vội vung phất trần đánh tạt một đòn vào ngực lão.

Phùng lão giơ nạng ra đỡ, thì Lý Mạc Thu đã lẹ như chớp, vung cây phất trần vụt tới, định quấn cây sắt của Phùng lão thu về. Đây là một tư thế đặc biệt của Lý Mạc Thu đã thường dùng để đoạt vũ khí của đối phương. Không ngờ nàng vừa vung cây phất trần đã nghe tiếng “xèo xèo”. Một làn khói toả ra khét lẹt. Cây phất trần bị cháy trụi lông, chỉ còn trơ cái cán.

Bấy giờ Lý Mạc Thu mới biết cây nạng của lão còn đang nóng đỏ.

Lý Mạc Thu đã không thu được vũ khí của đối phương, mà binh khí của nàng bây giờ cũng thành vô dụng. Nàng vẫn bình tĩnh giơ “Ngũ độc thần chưởng” ra tấn công tiếp.

Thần chưởng là đòn lợi hại, nhưng phải đứng gần đối phương thì mới hiệu quả được.

Phùng Mạc Phong thừa thắng, tay búa tay nạng đánh đỡ không ngớt. Với đòn ác liệt “Ngũ độc thần chưởng” của Lý Mạc Thu, lúc nầy chỉ còn nghe tiếng vo vo như sáo diều gặp gió.

Dương Qua, Trình Anh và Lục Vô Song sửng sốt nhìn Lý Mạc Thu và Phùng Mạc Phong đang giáp chiến hăng say, và Dương Qua cũng quên không còn châm biếm Lý Mạc Thu nữa!

Bỗng có lằn khói trắng xanh ở chỗ trận chiến ác liệt tung ra, khét lẹt như mùi đốt giẻ.

Lý Mạc Thu quyết dùng “Ngũ độc thần chưởng” đánh Phùng Mạc Phong nhưng không ngờ cây nạng của Phùng lão còn nóng đỏ, đánh vào đâu cháy đến đó, nên “Ngũ độc thần chưởng” của Lý Mạc Thu trở nên vô hiệu, hai bàn tay của nàng suýt bị cháy cả, nếu không lanh lẹ tránh đòn.

Lý Mạc Thu đang căm giận vì nạng ác ôn của lão thợ rèn, chưa biết tìm đòn gì để phá, chợt nghe Phùng Mạc Phong kêu lên:

– Ta không thèm đánh nữa. Người mi loã lồ thế kia, thì còn đánh đấm gì!

Lý Mạc Thu quá hăng say chiến đấu, nghe Phùng lão kêu lên như vậy, nàng không hiểu duyên cớ gì cả. Chợt nghe gió thổi lành lạnh, nàng nhìn xuống thân mình từ ngực đến chân, áo quần rách hở để lộ da thịt.

Nàng thẹn thùng không thể tả, vội vã quay đầu chạy trốn.

Vừa quay mình chạy nàng nghe lạnh toát cả người, không biết chạy trốn nơi nào, chỉ có cách độn thổ mới che được cặp mắt người đời. Nhưng nàng đâu biết độn thổ mà nghĩ đến chuyện ấy.

Nguyên vì cây gậy của Phùng Mạc Phong đang nóng đỏ, nhưng Lý Mạc Thu quyết xông sát vào để đánh “Ngũ độc thần chưởng” nên áo quần bị cháy hết, sanh ra tai nạn ấy.

Dương Qua thấy Lý Mạc Thu đang luống cuống và xấu hổ, vội vã cởi áo dài ra, vận nội công ném vào người Mạc Thu.

Lý Mạc Thu như người sắp chết đuối vớ được cọc, vội đưa tay hớt lấy cái áo của Dương Qua vừa ném đến mặc vội vào. Nàng thấy sợ, vì từ trước đến nay chưa bị người nào dùng đòn phép đánh đến trần truồng như vậy!

Mặc áo xong nàng toan xông vào đánh nữa để chữa thẹn, nhưng lại nghĩ:

– May có cái áo Dương Qua cho mượn mới che được thân, nếu đánh nữa, rủi bị cháy thì lấy gì mặc.

Lý Mạc Thu cố nén giận, nhìn Dương Qua có ý cảm ơn. Đoạn nàng quay sang nói với Phùng Mạc Phong:

– Khí giới kỳ quái của ngươi vừa dùng, ta nhận cũng là của lão “Đông Tà” Hoàng Dược Sư ban truyền. Nếu ngươi dùng thuật chân chính đánh với ta, thì không bao giờ có thể thắng ta được.

Phùng Mạc Phong thản nhiên đáp:

– Tại cô rủi cháy khí giới, nếu không cháy là lão thua từ lâu rồi.

Lý Mạc Thu ngạo nghễ nói:

– Như thế lão xem ta viết câu “Đào Hoa chúa đảo, năm người đánh một” như vậy có đúng không?

Phùng lão đáp:

– Không đúng, nếu chỉ có một người trong bốn sư huynh của ta có mặt ở đây là Lý Mạc Thu không còn xác.

Lý Mạc Thu cười ha hả, nói:

– Mấy người đó còn sống hay đã chết cũng chẳng ăn nhằm gì, ngươi đừng nói tới làm chi. Ngay như lão “Đông Tà” ta cũng chưa phục. Ta muốn đấu ngay với Hoàng Dung, con gái của “Đông Tà” đó, nhưng chưa gặp.

Dứt lời, Lý Mạc Thu toan nhảy đi thì Dương Qua kéo lại:

– Lý Mạc Thu ơi, thong thả đã chứ, đi đâu mà vội thế?

Nàng liền quay lại nhìn Dương Qua hỏi:

– Có chuyện gì không?

Dương Qua nói:

– Cô chê đảo chúa Đào Hoa võ công không đáng kể, như vậy là sai lầm. Thế mà cô cứ ngạo nghễ mãi. Tôi đã được Hoàng Dược Sư dạy về “Ngọc Tiêu kiếm pháp”. Ngài có dặn tôi rằng “Ngọc Tiêu kiếm pháp” có thể phá tan được cây phát trần của Lý Mạc Thu. Vậy cô ở nán lại, để tôi vạch đồ hình trên mặt đất giảng giải cho cô nghe.

Lý Mạc Thu nghe Dương Qua có “Ngọc Tiêu kiếm pháp” liền bước lại đứng trước mặt Dương Qua, bảo:

– Được, ngươi cứ vẽ đi cho ta xem thử.

Dương Qua liền đưa tay vẽ, miệng giảng cách đánh ngang, đánh dọc rồi điểm vào yếu huyệt, tiếp theo quay thế “cọp nhổm vồ nai” để cướp ngang cây phất trần.

Miệng chàng nói thao thao không vấp một điểm nào.

Lý Mạc Thu quá kinh ngạc. Nàng thầm nhìn nhận “”Ngọc Tiêu kiếm pháp” quá nguy hiểm, cây phất trần không đủ tác dụng để chống đối.

Được thế, Dương Qua nói tiếp:

– Còn “Ngũ độc thần chưởng” của cô cũng chưa đi đến đâu. Hoàng Dược Sư cũng dạy tôi công phu “bắn đạn bằng ngón tay” chống lại “Ngũ độc thần chưởng” của cô một cách dễ dàng. Dẫu cô có khôn lanh tài giỏi đến đâu cũng không thoát khỏi được.

Tiếp đó chàng lại vẽ và giảng rất ăn khớp với các bí quyết của “Ngũ độc thần chưởng”.

Lý Mạc Thu mặt xám đen, thầm nghĩ:

– Nó đã biết hai môn đó, nếu ta giao chiến tất bị bại, không thể tránh thoát được.

Dương Qua đoán được nét mặt kinh sợ của Lý Mạc Thu, chàng liền nói:

– Đảo chúa có dặn tôi “thế nào con Lý Mạc Thu nó cũng nói vô lễ với ta, nhưng ta đường đường một đấng tôn sư, không lẽ lại so tài với nó.” Cho nên ngài dạy cho tôi thuật pháp và dặn “con phải thay ta để bắt sống nó”, nhưng tôi nghĩ: cũng chả ai đâu đó, giữa cô và sư phụ tôi chỉ là tình đồng môn, nên tôi nói riêng cho cô hay. Để mai mốt nếu có gặp học trò của đảo chúa, cô phải nên tẩu thoát đi là hơn.”

Lý Mạc Thu tái mặt, đứng ngẫm nghĩ hồi lâu mới nói:

– Được rồi… Được rồi…

Miệng nói, chân nàng chạy như tên bay, trong chớp mắt bóng hình Lý Mạc Thu đã biến vào sau đồi núi hướng Tây.

Phùng Mạc Phong thấy thế, thầm khen Dương Qua:

– Lý Mạc Thu đúng là một tay lợi hại. Nhưng thật ra hai thuật trên, sư phụ ta có truyền cho Dương Qua thì ít nhất cũng phải luyện tập hai năm mới sử dụng được với địch thủ.

Thế mà Dương Qua chỉ thuộc có lời giảng dạy, đã làm cho Lý Mạc Thu kinh sợ, không dám khinh thường học trò của Hoàng Dược Sư nữa. Thật là một lối “đánh giặc miệng” tài tình.

Lục Vô Song và Trình Anh đứng phập phồng lo sợ, vì biết Dương Qua lập kế hăm doạ Lý Mạc Thu. Đến khi thấy Lý Mạc Thu bỏ chạy, Lục Vô Song và Trình Anh mới hồi tâm như vừa trải qua một cơn ác mộng. Lục Vô Song vỗ tay reo lên:

– Anh Ngốc khéo mồm mép quá, khuếch trương thanh danh của sư phụ tài tình ghê!

Cả bốn cùng vui vẻ cười cười nói nói không ngớt tiếng.

Trình Anh sực nhớ đến cô Ngốc, liền nói với Phùng lão:

– Thưa sư huynh, bây giờ chúng ta vào tiếp tục mở trói cho cô Ngốc chứ.

Bốn người quay bước về nhà. Trình Anh vừa đi vừa nghĩ:

– Tại sao Dương Qua lại cởi áo mình may cho chàng để trao cho Lý Mạc Thu? Tại sao chàng không cởi chiếc áo của Tiểu Long Nữ tặng cho chàng trước kia? Chiếc áo ấy đã cũ rồi kia mà! Chẳng biết trong lúc hối hả có phải chàng đã vô tình quý món kỷ niệm của Tiểu Long Nữ hơn tặng vật của mình. Nếu quả như vậy thì chàng không phải là người “mới chuộng cũ vong” rồi.

Càng nghĩ Trình Anh càng buồn. Nàng nói theo mọi người. Trong lúc ba người đi trước chuyện trò vui vẻ, nhưng nàng vẫn làm thinh.

Cả bọn vừa đến sân, bỗng nghe có tiếng vó ngựa dồn dập ở sau núi, ai cũng ngơ ngác không biết việc gì xảy đến.

Dương Qua nói:

– Để tôi ra đó xem có việc gì.

Dương Qua nhảy lên lưng ngựa, rẽ cương chạy quanh sang mỏm núi thì thấy trên đại lộ hướng Đông bụi bay mù mịt, cờ xí rợp trời, quân lính reo hò lẫn với tiếng ngựa hý vang rền. Đó là một cánh quân hùng hậu của Mông Cổ đang kéo đến xâm lược phương Nam.

Dương Qua từ trước đến nay chưa bao giờ được thấy quân mã đông đảo như thế, nên chàng cho ngựa tiến qua lề đường để xem cho rõ. Chàng đang say sưa nhìn đoàn người ngựa oai hùng, gươm giáo sáng choang, chợt thấy hai tên lính tiền phong phóng ngựa đến gần hét lớn:

– Thằng kia mi đứng đây làm gì?

Dương Qua thất kinh, nhìn thấy hai ngọn giáo đang chỉ thẳng vào mặt. Chàng biết thế nguy liền quay ngựa bỏ chạy.

Hai tên lính Mông Cổ liền phóng ngựa đuổi theo, tay giương cung bắn vào lưng Dương Qua và gọi lớn:

– Thằng khốn kia đứng lại.

Tiếng gọi vừa dứt, tiếp theo hai lằn tên bay tới vèo vèo. Dương Qua liền quay lại hớt trọn hai mũi tên.

Nếu Dương Qua không có võ nghệ siêu quần thì không tài nào hớt được hai mũi tên ác độc này.

Hai chú lính thấy Dương Qua hớt hai mũi tên quá dễ dàng, kinh hãi không dám đuổi theo nữa.

Dương Qua cho ngựa chạy đế nhà Phùng Mạc Phong và kể chuyện đoàn quân Mông Cổ đã đến phương Nam.

Phùng Mạc Phong thở dài than:

– Thôi, từ nay sinh linh Trung Quốc sẽ điêu đứng, thống khổ biết chừng nào! Trời ơi! Dưới bàn tay khát máu của quân Mông Cổ thì còn gì nữa!

Dương Qua nói:

– Thuật cưỡi ngựa bắn tên của quân Mông Cổ hay lắm, sợ quân nhà Tống không thể chống nổi. Thật là một tai hại lớn cho triều đình nhà Tống.

Phùng Mạc Phong nói:

– Dương công tử đang tuổi thanh niên, lại có tài nghệ siêu quần, sao không về Giang Nam đầu quân để chống giặc giúp nước?

Dương Qua ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

– Không, tôi không đầu quân đầu quan gì cả. Tôi chỉ định lên phương Bắc tìm cô nương của tôi. Vả lại, hiện giờ thanh thế quân Mông Cổ đang mạnh lắm, mà có một mình tôi thì làm được việc gì!

Phùng Mạc Phong lắc đầu có ý chê trách, nói:

– Vẫn biết sức mình không thấm vào đâu, nhưng cũng nhờ sức mọi người họp lại mới thành đông người được chứ! Nếu mọi người đều có ý nghĩ như Dương công tử thì còn có ai là kẻ ra chống ngoại xâm? Thử nghĩ người ta sinh ra ở đời, điểm cao quý nhất là lòng yêu nước thương dân. Làm người hơn nhau là do cái chí khí, nhờ đó mới tạo được hai chữ “anh hùng”. Nếu con người sống mà không biết đến tổ quốc thì khác nào cây cỏ? Còn hiện giờ nước nhà đang lúc hiểm nguy, sao Dương công tử lại chỉ mong tìm “cô nương”? Trong sử chỉ ghi chép những bậc anh hùng, đâu có ghi những người đi tìm “cô nương”?

Dương Qua nghe những lời Phùng lão phân trần, liền nói:

– Lão dạy đúng lắm! Nhưng muốn chống xâm lăng, phải có một tiêu chuẩn đúng đắn cho dân chúng biết. Sự xâm lăng của ngoại bang sẽ làm cơ cực như thế nào. Rồi những người đem thân ra giúp nước phải được quyền lợi công bằng như thế nào. Chứ còn vua quan chỉ biết vơ vét đầy túi tham, gặp giặc thì đầu hàng xu nịnh. Dẫu người dân đem thân hy sinh để cứu nước, đến khi hết giặc xâm lăng, lại phải làm nô lệ cho bọn nịnh thần nữa à? Còn những người có lòng trung thực, ngay thẳng, lại bị bọn quan ô, tham lại dèm pha kết tội để dâng lên vua cho được công trạng. Do đó, người dân phải thủ phận theo câu “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Bắt dân hy sinh chỉ cho bọn vua quan hưởng cái sung sướng là nghĩa làm sao?

Phùng Mạc Phong nghe Dương Qua lý luận nhiều quá, liền nói:

– Bây giờ, theo ý công tử định thế nào?

Dương Qua cười nói:

– Lão đã phải ẩn thân vào nơi rừng sâu núi thẳm này, mà còn muốn tặng cho tôi hai tiếng “công tử” là có ý định gì vậy? Tôi là con nhà nghèo, lúc nhỏ phải lưu lạc ở Giang Nam, đã cơ cực biết chừng nào với bọn quan ô tham lại, nên nay tôi nghĩ bọn xâm lăng Mông Cổ may ra còn có lòng nhân đạo hơn bọn quan lại nhà Tống. Vả lại Hoàng đế nhà Đại Tống lại cũng không tốt gì, nên tôi không thể đầu quân được.

Thấy Dương Qua đã có ý định dứt khoát như vậy, Phùng Mạc Phong không nói nữa. ông thu xếp đồ đạc vào một cái bị, mang lên vai rồi nói với Trình Anh:

– Sư muội! Nếu mai sau có gặp sư phụ, nhờ sư muội nói lại giùm với ngài là Phùng Mạc Phong đệ tử của ngài không bao giờ quên lời dạy dỗ. Lúc này tôi phải trà trộn vào trong quân Mông Cổ để tìm cách may giết được tên nào, sẽ trừ bớt hại cho dân. Đến lúc hết giặc Mông Cổ trên đất Giang Nam, tôi mới trở về.

Lão liền cầm nạng sắt bứt ra đi, không hề nói đến Dương Qua một lời nào nữa.

Dương Qua nói với Lục Vô Song và Trình Anh:

– Chúng ta không ngờ lại gặp được một vĩ nhân ở nơi nầy, nhưng chưa kịp tỏ lời tạ ơn thì lão đã ra đi rồi.

Lục Vô Song cười nói:

– Uổng quá hả anh Dương Qua! Nếu khi sáng mà không có lão thì anh đã có dịp trổ tài với Lý Mạc Thu rồi, chứ đâu phải mất công giảng giải khổ sở như vậy!

Dương Qua cười ha hả đáp:

– Đúng rồi, nếu không có lão là ba đứa mình bây giờ đã được về thế giới mới rồi, chớ đâu còn khổ thế nầy!

Trình Anh nói:

– Lão đi mất rồi, vui gì mà pha trò! Như thế này là chúng ta đã quá vô tình với lão rồi. Thôi bây giờ chúng ta vào nhà lo cho cô Ngốc chứ.

Ba người đi vào nhà. Vào đến nơi ai cũng đều ngơ ngác vì không còn thấy cô Ngốc đâu cả. Trình Anh chạy kiếm khắp nhà, chợt thấy cô Ngốc nằm còng queo sau xó cửa, vôi kêu lên:

– Cô Ngốc! Sao nằm trong xó cửa vậy?

Dương Qua và Lục Vô Song vội vã chạy lại, thấy cô Ngốc đã mê man, tay đút vào bọc. Cả ba người đều kinh ngạc, xúm nhau khiêng cô Ngốc lên giường.

Mặt cô Ngốc lúc này đỏ bầm, đôi mắt trợn ngược lên. Trình Anh lấy thuốc xoa, Dương Qua lo giải huyệt đạo chính cho huyết mạch lưu thông.

Trong giây lát cô Ngốc đã tỉnh lại, mắt nhắm mắt mở nhìn mọi người.

Thình lình cô Ngốc lại tái mặt, kêu lên:

– Trời ơi! Anh Dương… anh đừng hiện lên bắt tôi. Không phải tôi giết anh mà!

Trình Anh liền nhỏ nhẹ nói:

– Chị ơi, đừng có sợ mà nói lầm lộn như vậy. Đâu có anh ấy ở đây?

Dương Qua định ý:

– Phải rồi, trong lúc tâm hồn nó mê sảng, mình doạ nó, may ra nó mới nói sự thật được.

Chàng liền nắm tay cô Ngốc, đôi mắt trợn lên la lớn:

– Bữa nọ đứa nào giết ta, mày nói mau lên không ta giết mày bây giờ.

Cô Ngốc khóc mếu máo, run rẩy nói:

– Anh Dương… Tôi đâu có giết, tôi đâu dám giết anh…

Dương Qua nóng lòng quá quát lớn:

– Mày có nói hay không? Tao giết mày!

Vừa nói tay chàng vừa bóp cổ cô Ngốc nghe ằng ặc. Cô Ngốc giãy dụa kêu không ra tiếng.

Trình Anh và Lục Vô Song biết Dương Qua định doạ để biết sự thật, nhưng chàng lại quá nóng, bóp cổ cô Ngốc hơi chặt. Trình Anh nói:

– Anh Dương nhẹ tay một chút.

Lục Vô Song nói:

– Cô Ngốc ơi, biết sao cứ nói thật hết đi.

Dương Qua trợn mắt, mặt cau lại, răng nghiến chặt, hỏi:

– Ta đã hiện hồn ma về đây để hỏi mày là ai đã giết tao. Mày phải nói thật ra thì ta tha cho, nếu mày không nói thật thì tao vặn cổ mày chết!

Miệng nói tay chàng hơi nới cổ cô Ngốc.

Cô Ngốc thở khò khè nói:

– Tôi biết anh chết… Hồi anh chết… nhiều quạ lắm! Nó ăn thịt anh.

Nghe đến đấy, Dương Qua lòng đau như cắt, đoán biết cha chàng đã bị chết về dao búa của một kẻ bạo tàn rồi. Nhưng sau khi chết, tại sao không được vùi thân tử tế, mà để quạ phân thây thảm thương như vậy! Mặt chàng xám ngắt, nghiến răng hét lớn:

– Đứa nào giết ta, nói mau lên!

Cô Ngốc ú ớ run sợ, đáp:

– Tại hồi anh đánh cô nương, nên trúng phải kim thuốc độc trong người cô nương mà anh chết.

Cô Ngốc có hiểu được sự thật khi Dương Khang bị trúng độc chết. Trước kia Âu Dương Phong đã dùng nọc rắn ám hại Nam Hi Nhân trên đảo Đào Hoa. Nam Hi Nhân gần chết đã mê man, không còn biết gì nữa, nên đánh một đòn vào vai Hoàng Dung, máu độc trong người Nam Hi Nhân dính vào chiếc áo lông nhím của Hoàng Dung mà Hoàng Dung vô tình đâu có biết được, nên cứ để như vậy. Đến khi gặp Dương Khang ở trong miếu, Dương Khang đưa tay đánh vào vai Hoàng Dung trúng vào chỗ có chất độc, nên bị chất độc nhiễm vào mà chết. Lúc đó Hoàng Dung vẫn tưởng Âu Dương Phong giết Dương Khang, nàng đâu có ngờ cái chuyện nọc rắn sang chuyển liên miên như vậy.

Đương nóng lòng, nhưng không hiểu được tên người giết cha mình, Dương Qua liền la lớn:

– Cô nương là ai?

Cô Ngốc bị nghẹt thở vì chàng vừa hỏi vừa bóp cổ, nên chỉ khò khè được mấy tiếng:

– Cô nương… là cô nương.

Dương Qua gằn giọng hỏi:

– Tên cô nương là gì?

Cô Ngốc èn ẹt rồi im bặt như hết thở.

Lục Vô Song thấy cô Ngốc không nói được, vội bước lại gỡ tay Dương Qua ra. Dương Qua liền túm hai tay Lục Vô Song đẩy mạnh một cái, Lục Vô Song thất thế té nhào xuống đất, văng xa hơn ba trượng. Nàng đau quá, nằm khóc sướt mướt.

Trình Anh tái mặt, bủn rủn cả tay chân, không dám nói năng gì, vội bước lại đỡ Lục Vô Song và nói:

– Dương Qua thường ngày rất hiền lành ôn hoà, sao nay lại dữ hơn cọp, chắc anh ấy đang tức bực lắm đấy!

Lục Vô Song đôi mắt đẫm lệ, thút thít nói:

– Tôi có chuyện gì đâu mà anh ấy giận tôi! Con người gì khi tỉnh khi say như vậy.

Dương Qua thầm nghĩ: “Nếu hôm nay mình không tìm được tên kẻ giết cha mình thì ức chết đi được.” Chàng luôn mồm hỏi tiếp:

– Cô nương ấy họ Khúc hay họ Mai gì đó phải không?

Chàng hỏi như vậy là có ý nghi ngờ cho Mai Siêu Phong, còn Hoàng Dung coi chàng như con cháu trong nhà, chàng không hề nghĩ rằng Hoàng Dung đã động thủ.

Cô Ngốc giãy dụa mãi định gỡ tay ra chạy, nhưng bị Dương Qua nắm trúng huyệt đạo không tung dậy được, chỉ “a á” lên mấy tiếng rồi nói:

– Anh đến trước mặt cô nương mà đòi mạng chứ, tôi có giết anh đâu mà anh định giết tôi?

Dương Qua liền hỏi:

– Cô nương ấy ở đâu? Chỉ mau lên!

Cô Ngốc phều phào đáp:

– Bữa nọ tôi theo sư phụ đến, thấy cô nương và chồng cô ở trên đảo đó.

Dương Qua vừa mừng vừa chậm rãi hỏi:

– Cô nương kêu sư phụ cô là gì?

Cô Ngốc khò khè đáp:

– Là cha chứ còn là gì nữa.

Trình Anh và Lục Vô Song nghe cô Ngốc nói, cả hai đều kinh ngạc, ngơ ngác nhìn Dương Qua và cô Ngốc.

Dương Qua luôn miệng hỏi tiếp:

– Có phải chồng cô nương là Quách Tỉnh không?

Cô Ngốc run rẩy đáp:

– Đúng đấy, chớ anh không biết sao?

Dương Qua biết rõ Hoàng Dung là thủ phạm giết cha chàng. Lòng chàng lúc này như tơ vò, nên hai tay không còn nắm chặt cô Ngốc nữa.

Dương Qua ngồi sững sờ, đầu óc cố suy nghĩ lại cuộc đời từ thuở nhỏ đến nay:

– Lúc ta còn nhỏ phải chịu biết bao nhiêu cơ cực, mấy mươi phen bị đời hắt hủi tàn nhẫn. Hoàn cảnh đó chưa phai mờ trước mắt. Nay ta lại biết được người đã giết cha ta. Nừu cha ta không bị người giết, thì mẹ ta đâu có phải sống bằng cái nghề bắt rắn, và bị rắn độc cắn chết như thế! Để đời ta phải chịu cảnh cô đơn không cha không mẹ, đi ăn nhờ ở đợ đổi bát mồ hôi mới được chén cơm thừa cá cặn. Thế mà vẫn bị đời khinh rẻ như kiếp trâu ngựa.

Nghĩ đến đó, chàng hồi tưởng lại lúc chàng còn ở với vợ chồng Quách Tỉnh trên đảo Đào Hoa. Phải rồi, lúc đó Hoàng Dung rất nuông chiều anh em họ Võ, hai đứa nó muốn gì cũng được, còn mình bà mắng chửi bất cứ lúc nào. Tuy bà cũng có vẻ hiền từ, nhân hậu thật, nhưng cái hiền từ nhân hậu đó chỉ là cái lúc hối hận đã nhẫn tâm giết người. Chàng nói lớn như để hả giận:

– Ta không ngờ hai vợ chồng con người, bề ngoài có vẻ hiền từ như Quách Tỉnh và Hoàng Dung mà lại manh tâm giết cha ta!

Cô Ngốc nghe Dương Qua la to tiếng, liền vùng dậy nhảy xuống giường kêu thất thanh:

– Cứu giùm tôi… các người ơi!

Trình Anh bước lại đứng gần Dương Qua nhỏ nhẹ nói:

– Anh Dương Qua, anh đừng giận, cô Ngốc có tánh lừng khừng nói không đâu vào đâu cả. Mà nhất là lúc cô Ngốc lên cơn, lại càng nói bậy bạ lắm! Anh đừng tin cô Ngốc làm gì!

Dương Qua vẫn giữ vẻ mặt căm hờn không thèm trả lời. Chàng chỉ ngồi thừ trên giường, nét mặt luôn luôn thay đổi qua nhiều trạng thái buồn đau lẫn lộn.

Chàng đăm chiêu suy nghĩ một hồi lâu, bỗng đứng phắt dậy bước ra cửa nhảy lên lưng ngựa chạy như bay. Nháy mắt chàng đã cách xa hơn hai mươi trượng, nhưng đằng sau, chàng còn nghe tiếng Trình Anh gọi nheo nhéo:

– Anh Dương! Anh Dương ơi! Trở lại cho em nói chuyện cần đã.

Dương Qua nghe còn rõ, nhưng chàng không thèm đáp một tiếng. Chàng chỉ hậm hực là “Ta phải trả thù cho cha… Ta phải trả thù cho cha ta bằng được.”

Chàng đưa tay dùng roi quật ngựa không ngớt. Chẳng bao lâu chàng đã đi quá một trăm dặm. Cảm thấy trên môi hơi đau, chàng đưa bàn tay xoa thử, thấy máu tươi dính cả bàn tay. Thật ra khi chàng quá giận, đã cắn môi nghiến lại, làm máu chảy mà không hay.

Dương Qua lúc nầy càng nghĩ nhiều càng thấy chán ghét cõi đời. Chàng cho rằng dưới bầu trời này, không có người nào tốt cả, toàn là hạng người điêu ngoa xảo quyệt mà thôi.

Nhưng đến khi cơn giận đã lắng xuống, chàng lại có vẻ hối hận thầm nhủ:

– Ta vì quá nóng mà quên cả ân nghĩa sao? Quách bá mẫu tuy đối với ta không tốt, nhưng Quách bá bá vẫn coi ta như con như cháu, và ta cũng một lòng sùng bái kính trọng người “võ nghệ siêu phàm, đức hạnh quán thế”.

Nghĩ đến đấy, chàng quá thương tâm, đầu óc nghe choáng váng, đôi mắt hoa lên, không thể nào đi được nữa. Chàng xuống ngựa ngồi nghỉ ở bên lề đường.

Dương Qua ôm đầu khóc! Khóc vì thương cha bị giết tàn nhẫn, khóc vì thương mẹ bạc mệnh phải chịu cảnh cơ hàn, khóc vì thân chàng bị bạc đãi lừa dối.

Lúc nầy trời đất đối với chàng chỉ là một bức tranh sầu thảm, xã hội đối với chàng chỉ là những ảo ảnh. Nhưng cái đau khổ nhất, là khi ra đời chàng đã mất cha, người cha với cái tên “Dương Khang”. Chàng nghĩ sao mà tốt đủ điều. Chàng tưởng với cái tên ấy, trên đời này không có ai tốt được như cha chàng cả.

Dương Qua đâu có biết Dương Khang , thân phụ chàng, là người bán nước để cầu danh, nhận giặc làm cha, cậy thế sát hại dân lành của xứ sở, phụ thầy phản bạn, lừa tình. Biết bao nhiêu điều bỉ ổi. Do cái ngang tàng bạo ngược đó mà tự hại lấy thân.

Chàng đang ngồi khóc nức nở, chợt nghe có tiếng vó ngựa dồn dập từ phương Bắc chạy đến. Chàng vội đứng lên nhìn ra xa thì thấy bốn tên kỵ mã, trên tay lăm lăm những cây đoản đao sáng lập loè theo nhịp ngựa, phi đến phía chàng. Hai tên đi đầu trước mũi giáo có găm hai đứa trẻ chưa chết hẳn, còn giãy dụa cất tiếng khóc vang.

Chúng là những tên lính Mông Cổ. Vừa thấy Dương Qua một mình đứng bên đường, một tên trong bọn quát hỏi:

– Thằng nghịch nầy, mày muốn chặn đầu ngựa chúng ông hả?

Miệng nói tay hắn đã đâm đoản đao vào ngực chàng.

Đang trong lúc buồn chán, lại bị người đâm một cách vô cớ, Dương Qua giơ tay nắm chặt lấy đoản đao giật mạnh một cái, tên Mông Cổ té nhào xuống chân chàng. Chàng luôn tiện bồi thêm một đá, tên lính văng ra hơn năm trượng, gãy xương, bể óc chết tốt nằm trên mặt đất.

Cả bọn võ sĩ Mông Cổ thấy chàng có sức mạnh như thần, không tên nào dám chống cự, vất cả khí giới rồi chạy mất hết.

Chàng nghe tiếng khóc oe oe trên mặt đường, liền chạy đến xem, thì ra đó là hai đứa trẻ Trung Quốc bị Mông Cổ đâm vào bụng nhưng chưa chết hẳn. Miệng chúng còn mấp máy như cố kêu “Mẹ ơi!… Mẹ!”

Dương Qua trong lòng đang đau khổ, lại còn gặp chuyện thảm thiết xảy ra trước mắt. Chàng bùi ngùi nhìn hai đứa trẻ bị quân Mông Cổ hành hạ một cách tàn nhẫn, giở sống giở chết như vậy thật quá dã tâm, nên đôi mày chàng cau lại.

Đôi mắt đẫm lệ, chàng biết hai đứa trẻ không thể nào sống được, nếu để lâu chỉ thêm đau khổ, nên nén lòng khẽ dùng chưởng lực giải thoát cho hai bé.

Đoạn, chàng dùng đoản đao của tên lính Mông Cổ đào hầm chôn hai đứa trẻ.

Chàng mới đào được nửa chừng, chợt nghe tiếng ngựa hí và quân hò reo chuyển đất, cát bụi mù trời, gươm giáo lập loè tung lên tứ phía. Đoàn quân Mông Cổ đang rầm rập kéo đến.

Dương Qua chưa kịp chôn, vội vã cầm đoản đao phi lên lưng ngựa và gói xác hai đứa trẻ mang theo.

Con ngựa của chàng đã quen xông pha xa trường, nên khi chàng vừa nhảy lên lưng, nó đã tung vó xông vào trận địa quân Mông Cổ, rồi hí lên những tiếng rùng rợn trợ oai cho chủ.

Dương Qua cầm đoản đao múa tít lên, vừa gạt vừa đâm, trong chốc lát chàng đã giết chết mấy chục tên Mông Cổ. Nhưng quân Mông Cổ lúc bấy giờ càng lúc càng đông. Chàng thấy chúng như một rừng người, liệu không thể nào chống nổi với chúng nên phải quay ngựa chạy.

Phía sau quân Mông Cổ ồ ạt đuổi theo nghe như vũ bão. Chúng giương cung bắn tên theo như mưa. Chàng dùng đao múa tít sau lưng để gạt tên. Lằn tên bị cản lại rớt sau ngựa nghe rào rào như trận mưa lớn rơi trên đá.

Con ngựa của chàng tuy đi nhiều, nhưng chạy rất dài và hay tuyệt đỉnh, nên chẳng bao lâu chàng đã bỏ rơi đám quân Mông Cổ.

Dương Qua lúc này một mình một ngựa lạc loài giữa rừng hoang bát ngát, mà mặt trời đã khuất về phía Tây trong cảnh đìu hiu, u tối. Chàng trông tứ phía đều là cây cối um tùm không có lối bước, lại thêm những núi cao chọc trời, sương chiều đã buông xuống, khí núi như khói bay, chàng lắng tai nghe không còn nơi nào có tiếng người, cả đến tiếng chim chóc cũng vắng! Thật là cảnh hãi hùng của rừng sâu, trong lúc hoàng hôn cô tịch.

Dương Qua xuống ngựa, mở tấm vải lấy thi hài hai đứa bé ra coi, thấy mặt mũi chúng vẫn tươi tỉnh như lúc còn sống, nhưng nét đau khổ của hai đứa bé vẫn còn hiện rõ trên hai khuôn mặt non tơ của chúng.

Nhìn xác hai đứa trẻ, Dương Qua buồn buồn:

– Chắc cha mẹ hai em nuông chiều hai em lắm đây. Nay hai em lại bị quân Mông Cổ tàn bạo đâm lủng bụng. Hai em chết là hết, nhưng cha mẹ phải đứt ruột héo gan, biết bao giờ hết sầu hận

Nhìn hai đứa trẻ chàng lo lắng:

– Xem tình thế lúc này, chắc quân Mông Cổ sẽ kéo xuống xâm lăng miền Nam, thì biết bao nhiêu trẻ nít vô tội sẽ bị chết thảm thương như thế này nữa!

Chàng sầu liên miên, rồi đào một huyệt dưới bóng cây to mai táng hai đứa hài nhi.

Mai táng xong, chàng nhớ đến cử chỉ sợ hãi của cô Ngốc khi kể lại cái chết của cha chàng nên chép miệng than:

– Hai đứa trẻ này chết được ta chôn như thế này, thế mà khi cha ta chết lại phải phơi thây cho quạ rúc thịt rỉa xương! Trời ơi! Bọn tàn ác vô kể, mi đã giết người, sao còn nỡ tàn nhẫn đến thế! Bọn mi đành để xác người ta làm mồi cho quạ như thế?

Chàng buồn bã thả ngựa cho đi ăn cỏ, còn chàng thì đi tìm chỗ nghỉ ngơi.

Con ngựa của Dương Qua đã mấy ngày liền phải rong ruổi đường rừng, nó cũng nhọc mệt, nên chỉ ăn quanh quẩn gần đấy, chứ không đi ăn xa như mọi ngày.

Dương Qua thẫn thờ đi lại dưới gốc cây, định nằm dưới đất nghỉ, nhưng lại sợ rắn độc cắn lúc ngủ quên. Chàng bèn thò tay vào túi lấy cuộn dây tơ, đem dăng hai đầu dây vào hai cây to, theo đúng cách Tiểu Long Nữ đã dạy, gọi là phép “ngủ dây khi băng qua rừng”.

Chàng liên tiếp mấy ngày lo nghĩ, lại phải khó nhọc nên mệt mỏi. Vừa nằm xuống chàng đã chìm vào một giấc ngủ ngon lành.

Khoảng nửa đêm chàng thức giấc, chợt ngửi có mùi hôi tanh nồng nặc theo luồng gió đưa đến, thỉnh thoảng có tiếng gầm gừ và những tiếng rào rào như thứ gì đang rẽ cỏ mà đi.

Dương Qua biết có chuyện lạ, chàng ngồi dậy nhìn về phía có tiếng gầm gừ.

Đêm cuối tháng, không trăng, bốn bề tối đen như mực, nhưng Dương Qua sống trong Cổ Mộ đã quen, nên trong đêm tối mà cặp mắt chàng vẫn trông rõ được mọi vật.

Chàng thấy hình thù như bốn cây đèn lắc lư từ xa tiến đến.

Dương Qua định thần nhìn kỹ thì thấy đúng là hai con cọp, lông đen từ đầu đến chân. Cặp mãnh hổ này vừa cao vừa dài, từ trước đến nay chàng cũng đã từng thấy cọp, nhưng không có con nào to như hai con hổ đen này.

Hai mãnh hổ vừa đi vừa đánh hơi, tiến dần đến chỗ chàng chôn thi hài hai đứa bé lúc chiều. Khi đến mộ hai đứa bé, con nào cũng khì khịt và giương nanh vuốt chực đào bới.

Dương Qua nóng lòng, định nhảy xuống đánh hai con hổ nhưng ác nghiệt thay, lúc nầy chàng không có vũ khí trong tay. Cả đến ngọn đoản đao của tên Mông Cổ chàng cũng để dưới đất.

Chàng thấy hai con cọp nanh vuốt quá dị thường, nếu chàng dùng chân tay không mà đánh với nó thì chắc không nổi, mà sẽ còn bị thương là khác.

Chàng đang lưỡng lự, chợt nghe phía Tây có tiếng “lịch kịch… lịch kịch” vọng lại. Trong chốc lát, tiếng “lịch kịch” tiến đến gần gốc cây chỗ chàng ngồi.

Dương Qua thấy chuyện quái dị liền chăm chú nhìn, thì thấy một cỗ quan tài từ đâu lù lù tiến đến phía chàng.

Chàng cố nhìn xem có người đẩy đi không. Nhưng không thấy một bóng người nào. Tại sao có chuyện lạ lùng, cỗ quan tài tự động biết di chuyển ư? Từ xưa đến nay chưa bao giờ có, mà chàng cũng chưa nghe ai kể đến chuyện lạ như thế này.

Dương Qua lúc nầy ngồi trên dây vừa sợ vừa thắc mắc. Chàng không dám cả thở mạnh.

Nháy mắt, cỗ quan tài đã đến dưới gốc cây trước mặt chàng và đứng yên tại đây.

Hai con cọp thấy thế liền chạy đến rồi lượn quanh cỗ quan tài, dí mũi vào ngửi, nghe rõ tiếng phì phò phì phò… Ngửi một lúc, cả hai đưa chân cào nắp cỗ quan tài.

Bỗng nghe “binh” một tiếng, nắp quan tài tung lên, văng ra xa hơn ba trượng, liền đó có một thây ma nhảy vọt ra, đá con cọp bên phía trái lộn nhào. Con cọp bên hữu phóng ngang qua, vồ trên đầu thây ma. Thây ma lanh như chớp, lách sang một bên, giương tay nắm chặt lấy gáy con cọp, rồi ấn mạnh xuống đất như ta đè đầu con mèo vậy.

Dương Qua kinh sợ nhìn thấy bóng ma ấy ốm nhom, cao lêu nghêu mà có sức mạnh như thần. Chàng sợ quá, mồ hôi ra ướt cả người.

Hai con cọp đen đau quá không dám làm dữ nữa, con nào cũng nằm bẹp xuống đất như đầu phục.

Chợt nghe có tiếng eng éc như tiếng chim mèo từ trong hang núi vọng ra. Dương Qua ngẩng đầu nhìn vào phía núi thấy vô số đom đóm nhấp nháy tiến ra chỗ cỗ quan tài. Hai con cọp đen thấy thế vội nằm mọp, xoãi chân trước kê mõm lên, còn đuôi phe phẩy như chào đón.

Sau đàn đom đóm có một bóng đen. Dương Qua tưởng mình quá sợ nên hoa mắt, chứ không phải sự thật. Chàng bậm gan lấy lại bình tĩnh, thò tay vào túi lấy khăn lau mặt cho kỹ lưỡng.

Chàng từ trên cây chăm chú nhìn về hướng rừng thấy đàn đom đóm rọi sáng cả một góc rừng, và người đi sau đàn đom đóm là một lão già, da mặt đen bóng, râu tóc đen kịt, mặc quần áo đen, đầu đội mũ đen, trên vai trái có một con chim cú đen ngời ngợi đậu, thỉnh thoảng kêu lên như báo hiệu gì.

Bây giờ ánh sáng của đàn đom đóm đã tiến đến chỗ quan tài, nên chàng nhìn đôi cọp đen, chiếc quan tài và thây ma rõ mồn một như dưới bóng trăng tỏ. Tiếp đến lão già lùn cất tiếng hỏi thây ma:

– Cha chả, không nhớ câu “đánh chó phải ngó chủ nhà” sao? Tiểu Tương Tử dám vô lễ thế nầy? Đánh hai con mèo của ta à?

Người lùn, cao không được một thước hai mà tiếng nói nghe như sấm sét, làm cho Dương Qua hai lỗ tai ù ù, nhức cả óc.

Thây ma cười nói:

– Ni Ma Tinh nhân huynh, tôi vô ý đụng phải hai con mèo của nhân huynh, để tôi xin tạ tội vậy.

Thây ma nói rồi chấp hai tay vái trước mặt người lùn một cái.

Dương Qua nhìn kỹ thấy thây ma cao lêu nghêu đó chính là người thật chứ không phải thây ma.

Chàng mỉm cười, thầm bảo:

– Mặt mũi trắng trẻo, vận y phục trắng phau, lại ở trong một cỗ quan tài chui ra, ai không cho đó là một thây ma xuất hiện.

Suy luận một lúc, Dương Qua lẩm bẩm nói:

– Dùng hai tay không mà đánh bại hai con cọp to như thế nầy, phải là một tay cao thủ nhất nhì trong võ phái nào mới được. Con người quê kệch kỳ dị thế kia sao lại có cái hiệu “Tiểu Tương Tử”, thế đã kỳ cục rồi, mà cả hai người lại gọi cọp dữ là mèo, thật là một việc lạ lùng ngoài sức tưởng tượng của người đời.

Chàng đang suy nghĩ và cũng chưa biết phải xử trí thế nào, bỗng giật mình khi nghe người lùn nói:

– Tiểu Tương Tử, công việc của Kim Luân Pháp Vương thế nào?

Bốn tiếng “Kim Luân Pháp Vương” làm cho Dương Qua nghe nhởn cả người.

Tiểu Tương Tử cười nhạt, rồi ngồi trên quan tài đáp:

– Thôi, nhân huynh ơi! Nói đến ông ta thêm làm trò cười cho nhân huynh chứ ích gì?

Ni Ma Tinh nói:

– Tiểu Tương Tử nói cho ta nghe với.

Tương Tử nói:

– ông ta đã ỷ tài đơn thương độc mã, chịu tranh hùng với cả tụi võ sư ở Trung nguyên, nên bị thảm bại. Thực đáng buồn cười.

Lão lùn cất tiếng cười hô hố, vang cả khu rừng. Con chim mèo đậu trên vai lão cũng cất tiếng kêu ríu rít.

Lão lùn vừa cười xong, đắc ý nói:

– Thằng Ni Ma Tinh nầy đã lặn lội muôn dặn đèo, băng suối từ Thiên Trúc đến đây. Ngờ đâu bị Kim Luân Pháp Vương lẹ chân hơn, để được lãnh chức “đệ nhất võ sư” do Vương gia Mông Cổ phong cho. Chà chà! Võ công như vậy đã đáng vào đâu mà đòi đệ nhất với đệ nhị chứ!

Tiểu Tương Tử đáp:

– Đúng thế, thiên hạ hiện nay trừ Ni Ma Tinh nhân huynh ra nào ai dám nhận chức ấy!

Ma Tinh có vẻ đắc ý lắm, bèn cất tiếng cười khá khá.

Tiểu Tương Tử cũng cười theo rất tương đắc.

Rừng núi lúc nầy nghe như lung linh, sập đổ trước hai giọng cười như gió thổi mưa sa đó.

Dương Qua nghe chát tai, liền cúi đầu lấy hai tay bụm chặt tai lại.

Lão lùn không cười nữa, hỏi:

– Tiểu Tương Tử! Gần đây nghe tin anh ở Tây Sơn, sao không ra tranh tài với Kim Luân?

Tiểu Tương Tử đáp:

– Mông Cổ Vương gia Hốt Tất Liệt có đem thư lại mời, nhưng lúc đó tiểu đệ còn đang luyện phép “Thọ mộc trường sanh” không thể bỏ đi được. Vì thế, đành chịu để ông ta xưng hùng xưng bá một mình.

Ni Ma Tinh hỏi:

– Hiện nay anh luyện xong rồi, sao không sang đó để tranh tài với ông ta? Hay anh cũng sợ hoà thượng Kim Luân là tay lợi hại mà không dám?

Tương Tử khiêm nhường nói:

– Đúng vậy, tiểu đệ tài hèn đâu dám tranh tài với hoà thượng Kim Luân.

Lão lùn nghe thích chí, nên ngửa mặt lên trời cười một hồi dài, rồi lão lại gằn giọng nói:

– Tiểu Tương Tử, anh có ý cho tôi là sợ hoà thượng Kim Luân đó hả? Như vậy tôi và anh ngay bây giờ thử sức xem sao? Để tôi coi công trình luyện tập “Thọ mộc trường sanh” của anh đã đến đâu rồi, có gì đáng kể không.

Tương Tử liền đáp:

– Muốn thử thì thử, ngại gì.

Tương Tử nói dứt câu, liền phả ra một làn khói đen nghịt bay về phía đối phương. Ni Ma Tinh không còn thấy gì nữa.

Tương Tử nhanh như chớp đẩy nắp quan tài, nhảy vào trong rồi dùng tay kéo nắp đậy kín lại, rồi dùng cả chiếc quan tài đánh vào Ni Ma Tinh.

Lão lùn thấy làn khói đen liền ngồi xuống. Con chim mèo bay lên kêu “chao cháo”. Tức thì có những đàn đom đóm từ trong rừng tua tủa bay ra soi sáng, đánh tan luồng khói đen đi mất. Hai con cọp đen quật mạnh đuôi xuống đất rồi phóng mình về sau lưng lão lùn, đứng trụ bốn chân thủ thế.

Lão lùn mới ngồi xuống, đã thấy chiếc quan tài phóng mạnh đè lên đầu. Lão liền dùng thuật “Thích Ca xua voi” ngửa mình ra tung mạnh hai chân và hai tay lên một lượt. Chiếc quan tài bị sức cản của lão lùn quá mạnh, bay bổng lên cao, văng lùi lại hai trượng. Nhưng chiếc quan tài vẫn nguyên vẹn và vẫn tiếp tục phóng lại đánh vào người lão lùn. Cứ như thế, chiếc quan tài phóng qua phóng lại, không khác gì một người đánh trái banh đập vào tường thối ra dội lại.

Hai bên đang đấu nhau hăng hái như thế, bỗng không ai bảo ai, cả hai đều lui ra hơn hai trượng.

Lúc này hai con cọp đen và con chim mèo đều gầm gừ hét lên.

Thử tài đến đó, cả hai đều biết rõ bản lĩnh của nhau. Ni Ma Tinh cất tiếng nói:

– Tiểu Tương Tử tu luyện khá lắm đấy! Hơn ta nhiều lắm!

Tiểu Tương Tử cười khá khá, đáp:

– Tiểu đệ xin bái phục tài nghệ pháp thuật của sư huynh, mới thụ lãnh mấy đòn đã lĩnh hội được thuật huyền ảo tuyệt chúng.

Ni Ma Tinh bình tĩnh nói:

– Đây mới cho sư đệ thấy sơ qua thuật pháp “Thích Ca xua voi” đó, còn có nhiều đòn lạ hơn nữa kia.!

Tiểu Tương Tử luôn miệng khen:

– Nhân huynh qua bên nước của lão Ta Đạt Ma, hèn chi học được nhiều pháp thuật thần thông như vậy.

Ni Ma Tinh quay người, trong nháy mắt đã mất dạng. Hai con cọp đen cũng tung chân nhảy theo như tên bay.

Tiểu Tương Tử cũng chui vào quan tài, lịch kịch biến về phía Tây.

Dương Qua tình cờ, như một người mạo hiểm, được chứng kiến một màn kịch như ảo ảnh, quá quái gở rùng rợn như vậy. Vừa khiếp sợ vừa khâm phục, chàng phải yên lặng một hồi lâu mới hồi phục được tâm trí.

Dương Qua chờ cho hai người đi thật xa, chàng mới tự nhủ:

– Thật là thất phách hồn kinh! Bầu trời bao la, thiên hạ khắp nơi, đâu đâu cũng có những bậc vĩ nhân lạ thường. May phước nếu ta không nằm trên đây như vầy thì mạng ta cũng đi đời rồi.

Tất cả những ảo thuật kỳ quái kia bây giờ đang chen lẫn nhau, chờn quờn mãi trong đầu óc Dương Qua. Chàng cứ thao thức mãi không tài nào ngủ lại được nữa. Chàng lúc này đã hết phần lo sợ, suy nghĩ về võ công của hai kỳ nhân vừa rồi:

– Tuy hai người mới đấu sơ vài đòn, nhưng ta xem cũng được rành rẽ. Những đòn mà lão Ni Ma Tinh gọi là “Thích Ca xua voi” trong đó có cương lẫn nhu, gặp cứng rắn, to lớn thế nào xô cũng được, đến lúc gặp mềm mỏng có thể quấn được như dây. Nhưng không biết tại sao thân hình lão vừa lùn vừa nhỏ mà được một thần bí gì có thể chứa đựng được một nguồn nội công mạnh đến thế.

Còn như Tiểu Tương Tử luyện được thuật “Thọ mộc trường sanh” cũng thật là kỳ quái! Người gì mà lại chịu chui vào trong quan tài rồi dùng cái quan tài ấy để làm thành trì ẩn núp, đến khi giao đấu lại dùng làm khí giới. Thật là tự cổ chí kim chưa thấy ai có thuật kỳ lạ như vậy.

Nằm suy tư, nghĩ ngợi đã quá nửa đêm nhưng Dương Qua không tài nào ngủ được. Chàng cố nhắm mắt để quên bớt sự suy nghĩ. Bỗng nghe có tiếng ngựa hý vang lên, chàng đoán:

– Chắc lại có sự gì đây!

Con ngựa của Dương Qua là một ngựa khôn hết sức. Khi nó nghe hơi hai con cọp đen tiến đến, liền chạy sang khu rừng cách xa đó để tránh. Lúc nầy, khi hai cọp đã đi rồi, nó lại trở về tìm chủ.

Dương Qua thấy trời chưa sáng mà ngựa lại hý, chàng liền nhảy xuống xem có chuyện gì xảy ra. Chàng cúi xuống đất lượm cây đoản đao bỏ dưới gốc cây chiều hôm qua rồi lo vạch bụi rẽ cỏ một lúc mới thấy ngựa chạy lại. Bấy giờ trời đã tảng sáng.

Chàng liền lên ngựa đi về hướng Đông. Chưa đầy một dặm đường, chợt thấy xa xa về phía trước một người nhảy lên hái trái cây, chàng nghĩ:

– Trong rừng hoang núi vắng nầy, sao lại có người giờ nầy vô đây hái trái cây? Mình đến xem thử người đó là ai.

Khi đến gần, chàng thấy đó không phải là ai xa lạ mà chính là đệ tử của Kim Luân Pháp Vương là Đạt Nhĩ Ma đang hái táo. Đạt Nhĩ Ma mỗi lần nhảy lên chỉ hái được ba trái, nên hắn không nhảy nữa mà đưa tay quất ngang một cái, cây táo đứt làm hai, ngọn cành ngã xuống đất, Nhĩ Ma lo hái bỏ vào túi. Dương Qua thấy thế, thầm nghĩ có lẽ Kim Luân Pháp Vương ở gần đâu đây. Chàng nghĩ:

– Mình đối với Kim Luân Pháp Vương không có thù oán gì cả. Chỉ vì Hoàng Dung mà mình cãi vã với ông ta. Hiện nay mình đã biết được Hoàng Dung và Quách Tỉnh là kẻ giết cha mình, thì nay mình đâu có gây sự với ông ta để giúp Hoàng Dung nữa.

Chàng bước lại định làm quen với Đạt Nhĩ Ma. Nhưng lúc này Đạt Nhĩ Ma hái táo đã đầy túi, chạy như bay về hang núi ở phía Tây. Dương Qua thấy Đạt Nhĩ Ma cũng là tay võ công có hạng nên không dám chạy theo sát, sợ Nhĩ Ma tưởng mình khiêu khích. Chàng lẽo đẽo theo sau cầm chừng.

Chợt thấy Nhĩ Ma quay sang nẻo rừng rậm mà đường đi càng lúc càng cao như lên dốc. Dương Qua vẫn cố lòng rượt theo. Sau mãi đến ngọn núi cao nhất, trên đỉnh núi có một túp lều cỏ, bốn bề không phên vách. Trong lều Kim Luân Pháp Vương đang ngồi nhắm nghiền đôi mắt như một vị pháp sư tịnh niệm trên nệm cỏ.

Đạt Nhĩ Ma bày túi táo lên, niệm xong, xoay ra thì nhìn thấy Dương Qua đang leo dốc tiến đến. Nhĩ Ma tái mặt, lo sợ kẻ thù đến ám hại sư phụ mình.

Hắn gọi lớn:

– Đại sư huynh! Sư huynh cố đến đây để hại sư phụ tôi chăng?

Dương Qua trầm tĩnh tỏ ý cho Đạt Nhĩ Ma biết chàng đến đây để giao hảo chứ không gây sự.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN