Thần Kiếm Kim Thoa
Chương 6: Một chiếc đầu lâu
Thôi Mẫn đứng bên cạnh Võ Công Vọng, mắt không nhìn Mai Tam công tử nhưng vẫn cảm thấy ánh mắt chàng chiếu vào mình.
Có lẽ vì nàng đóng giả nam nhân nên vị công tử đó mới bạo dạn nhìn mình như thế chăng?
Trong bộ y phục nam nhân. Thôi Mẫn thường ngày tỏ ra rất ung dung tự tại, bây giờ bỗng trở nên bối rối.
Mai Nam công tử hướng sang Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng, ôm quyền hoàn lễ nói :
– Lão anh hùng xin chớ nặng lời! Chút việc nhỏ đó có gì đáng phải nói tớ?
Dừng một lúc lại tiếp :
– Tiểu sinh họ Mai, tên Quân Bích, tổ hương tại Thiên Đài ở Triết Giang, vì đi thăm người thân mà ghé qua đây.
Chàng trả lời xong nhã nhặn hỏi lại danh tính từng người.
Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng giới thiệu tên họ cả bốn người rồi bảo điệt nữ Thượng Quan Yến ra tham kiến công tử.
Mọi người chào hỏi xong, Mai Quân Bích cười nói :
– Nếu Võ lão anh hùng và Thôi huynh không chê tiện thể tiểu sinh có chiếc thuyền đỗ gần đây, mời các vị lên thuyền du ngoạn một chuyến!
Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng thấy vị công tử chân tình hào sảng nên có ý kết thân liền cười đáp :
– Sợ bây giờ đã khuya có phiền gì công tử không?
Đương nhiên đó là lời đồng ý.
Thôi Mẫn, Thôi Huệ chỉ cười không đáp, như vậy là đồng ý.
Thế là mọi người rời khỏi Long Vương miếu đi theo Mai Quân Bích ra bến sông đã thấy một chiếc du thuyền rất tao nhã đậu ở đó.
Cả bọn leo lên thuyền an tọa xong, Mai Quân Bích ra lệnh nhổ neo.
Cầm Nhi, Kiếm Nhi bỏ cầm kiếm xuống đi pha trà đãi khách rồi tới đứng phái sau chủ nhân hầu trà.
Trà quá tam tuần, Mai Quân Bích hỏi :
– Võ lão anh hùng có ân oán gì với Động Đình tam nghĩa mà xảy ra xung đột như vậy?
Võ Công Vọng thở dái đáp :
– Việc nảy sinh từ con rể lão hủ mà ra. Nó tên là Thượng Quan Nghĩa, nguyên là truyền nhân duy nhất của lão Giáo chủ Thiên Lý giáo Tri Cơ Tử. Một tháng trước, Tri Cơ tử đột nhiên tạ thế sau đó có tin đồn rằng tiểu tế Thượng Quan Nghĩa thất tích. Lão hủ nghĩ rằng bên trong tất có nguyên nhân khác.
Mặc dù năm năm trước sau khi tiểu nữ qua đời để lại Yến Nhi, tiểu tế rất ít khi về nhà thăm nhạc phụ và nhi nữ, nhưng Thượng Quan Yến là cốt nhục của nó, nếu xảy ra chuyện bất trắc với tiểu tế, khó tránh khỏi việc nhổ cỏ tận gốc, vì thế lão hủ lập tức bỏ nhà đi về phía nam.
Lão hủ đã tính không sai.
Quả nhiên Giáo chủ tân nhiệm của Thiên Lý giáo Từ Bạch Thạch không chịu buông tha phái người truy theo sát gót.
Tam Nghĩa hội chẳng qua chỉ là con tốt trong bàn cờ đó, làm theo chỉ thị của Từ Bạch thạch mà thôi.
Tiếp đó lão còn kể tường tận sự việc từ lúc Động Đình tam nghĩa sai thủ hạ đến Nhạc Dương lâu mời đến Long Vương miếu cho đến khi mình bị vây hãm trong Hồng Đăng Hương Vũ trận ngất đi…
Mai Quân Bích vừa nghe vừa gật đầu, sau đó kể lại cho bốn người nghe sự việc diễn ra từ sau khi họ ngất đi.
Xong câu chuyện, năm người cảm thấy đã gần gũi nhau hơn, chuyện trò càng lúc càng sôi nổi thân mật.
Đặc biệt là Thôi Mẫn không cảm thấy hổ thẹn khó xử nữa, thái độ dần dần trở nên tự nhiên thoải mái.
Tuổi trẻ thường dễ cởi mở với nhau. Mai Quân Bích làm sao biết được Thôi Mẫn là thiếu nữ?
Vì thế chàng thường bắt chuyện với Thôi Mẫn, một tiếng “Thôi huynh” hai tiếng “Thôi huynh” khiến nàng thắc thỏm không yên.
Ai bảo nàng sinh sự đóng giả nam nhân làm chi để sinh phiền phức?
Ban đầu nói ít, sau đề tài mở rộng thêm khiến nàng bối rối, chỉ sợ giấu đầu hở đuôi thì bẽ mặt quá!
Thôi Huệ ngồi cạnh Mẫn Tỷ thấy vậy bấm bụng cười thầm.
Thuyền về tới Nhạc Dương thì đã canh tư.
Mọi người không tiện nán lại nữa từ biệt nhau trở về phòng trọ.
Mai Quân Bích trú ở Thông Thương khách điếm, còn ông cháu Võ Công Vọng và tỷ muội Thôi Mẫn trú ở Nghênh Tân khách điếm cách đó không xa.
Sáng hôm sau.
Vì tối qua thức đến canh tư nên mãi đến lúc mặt trời lên ba con sào Mai Quân Bích mới thức dậy.
Chàng chưa kịp rửa mặt, chợt thấy điếm gia dẫn theo một người đứng thập thò ngoài cửa phòng.
Chừng như điếm tiểu nhị muốn tìm Cầm Nhi hoặc Kiếm Nhi nhưng không thấy nên mới dẫn khách tới đây.
Người sau lưng tiểu nhị vừa trông thấy Mai Quân Bích liền chạy qua mặt tên tiểu nhị đâm bổ vào phòng quỳ trước mặt Mai Quân Bích nghẹn ngào nói :
– Công tử gia! Xin hãy mau đi cứu giúp ngoại công!
Mai Quan Bích mắt nhắm mắt mở, nghe tiếng kêu khẩn thiết mới định thần nhìn lại, nhận ra người đó chính là Thượng Quan Yến, tôn nữ của Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng.
Khuôn mặt kiều diễm của nàng đẫm lệ, đôi mắt long lanh nhìn đăm đăm vào mặt Mai Quân Bích với ánh mắt cầu khẩn và hy vọng.
Cuối cùng không nén được nàng khóc nấc lên.
Trông nàng thật đáng thương!
Mai Quân Bích vội nói :
– Yến Muội! Mau đứng lên đi! Võ lão anh hùng xảy ra chuyện gì mau nói cho tiểu huynh nghe xem nào!
Nói xong kéo nàng đứng dậy.
Thượng Quan Yến đưa tay áo quệt nước mắt nhưng vẫn còn khóc tấm tức chưa trả lời.
Mai Quân Bích đỡ nàng đến ngồi xuống ghế nhẹ giọng :
– Yến muội đừng khóc nữa, nói xem đã xảy ra chuyện gì?
Bấy giờ Cầm Nhi và Kiếm Nhi cũng bước vào phòng.
Mai Quân Bích bảo :
– Cầm Nhi! Mau lấy cho Thượng Quan cô nương một chiếc khăn nóng!
Cầm Nhi dạ một tiếng rồi chạy tới cửa sổ.
Trong phòng đã có sẵn một chậu nước nóng, Cầm Nhi giặt khăn xong chỉ chốc lát đã mang tới.
Thượng Quan Yến đành cầm lấy khăn lau qua mặt mũi rồi vắt lên lưng ghế.
Mai Quân Bích lại hỏi :
– Yến muội nói đi! Võ lão anh hùng gặp chuyện gì vậy?
Thượng Quan Yến hít sâu vào một hơi cho bình tĩnh lại rồi mới bắt đầu kể :
– Tối qua về đến phòng trọ thì đã khuya, tiểu muội và ngoại công chia tay nhau về phòng nghỉ. Sáng nay muội dậy rất sớm đi sang phòng ngoại công thì thấy cửa chốt kín bên trong. Thường ngày, dù thức khuya đến bao nhiêu, trời vừa mờ sáng lão nhân gia đã dậy rồi. Nhưng lúc đó tiểu muội vẫn chưa nghi ngờ gì, cho rằng vì hôm qua động thủ quá nhiều với bọn tặc nhân nên bị nhức nhối mà nằm rốn thêm một lúc. Tiểu muội chờ hồi lâu mà vẫn không nghe động tĩnh gì mới sinh nghi, vì ngoại công chưa bao giờ như thế cả. Muội gõ cửa nhưng bên trong vẫn im lặng điều đó càng khó hiểu. Bởi vì ngoại công tai rất thính, cho dù ngủ say, chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng thức dậy rồi, huống chi tiếng gõ cửa? Tiểu muội liền đẩy cửa bước vào nhưng trên giường trống không…
Mai Quân Bích chăm chú nghe, tới đó mới ngắt lời hỏi :
– Võ lão anh hùng có lưu lại giấy hay để lại dấu vết gì không?
Thượng Quan Yến lắc đầu đáp :
– Không có gì cả! Muội tìm xem có dấu vết của một trận đấu hay không nhưng không có. Hơn nữa nếu có đánh nhau thì tiểu muội ở phòng bên đã nghe được. Cửa lớn và cửa sổ phía trước đóng chặt, chỉ có cửa sau là hở ra một cánh chỉ khép lại…
Mai Quân Bích chợt hỏi :
– Yến muội có để ý trên giường có người ngủ qua hay không?
Thượng Quan Yến đáp :
– Muội đã xem kỹ, ngoại công đang ngủ thì thức dậy bỏ đi, chăn nệm dồn sang một bên nhưng chưa kịp gấp lại.
Mai Quân Bích lại hỏi :
– Còn y phục dạ hành và binh khí? Lệnh tổ có cầm theo không?
– Bình thường cây Cù Long tiên ngoại công cuốn ở dải thắt lưng ít khi tháo ra, còn bộ dạ hành y thì vẫn để trong túi, nhưng lão nhân gia ít khi mặc đến nó, cả khi có việc phải đi ban đêm cũng không mặc.
Nàng dừng một lúc lại kể tiếp :
– Tiểu muội tìm hồi lâu trong phòng nhưng không có vết tích gì liền đến phòng của Thôi tỷ tỷ…
Mai Quân Bích liền hỏi :
– Ý của Thôi huynh thế nào?
Thượng Quan Yến ngơ ngác nhìn Mai Quân Bích một lúc, chợt hiểu ra chàng vẫn cứ tưởng lầm Thôi Mẫn là nam!
Nhưng người ta đã không tiết lộ, nàng thấy mình cũng không tiện nói ra, chỉ mỉm cười kể tiếp :
– Theo ý của Thôi tỷ tỷ thì ngoại công có nhiều khả năng bị Hồng Đăng phu nhân bắt đi.
Mai Quân Bích ngạc nhiên hỏi :
– Hồng Đăng phu nhân ư? Đó là ai vậy?
Thượng Quan Yến đáp :
– Hồng Đăng phu nhân chính là người tối qua ngồi trong kiệu đó! Theo lời Thôi tỷ tỷ thì mụ ta là một nữ ma đầu cực kỳ lợi hại trong giang hồ.
Mai Quân Bích “À” một tiếng lại hỏi :
– Không biết Hồng Đăng phu nhân ở đâu Yến muội biết không?
Thượng Quan Yến trả lời :
– Thôi tỷ tỷ nói rằng cứu người như cứu hỏa. Sào huyệt của Hồng Đăng phu nhân khả năng ở Tương Tây, còn cụ thể ở đâu thì chị ấy cũng không biết. Nhưng vừa rồi họ cũng đã truy về hướng đó rồi. Tiểu muội khẩn cầu công tử vì nghĩa mà cứu giúp…
Mai Quân Bích ngắt lời :
– Yến muội đừng nói câu khách khí như thế nữa. Võ lão anh hùng đã bị bọn tặc nhân bắt đi, đương nhiên Mai Quân Bích này vì nghĩa quyết không dám từ nan, đâu thể khoanh tay đứng nhìn?
Chàng dừng lại một lát lại nói :
– Bây giờ thế này. Thôi gia huynh muội đã đi rồi, Yế muội hãy cùng đi với ta một đường để khỏi xảy ra chuyện bất trắc.
Lời chàng như là một mệnh lệnh khiến Thượng Quan Yến không dám từ chối và cũng không có lý do gì phản đối.
Mai Quân Bích sai Cầm nhi, Kiếm nhi thanh toán tiền trọ và chuẩn bị ngựa sẵn sang lên đường.
Lát sau một đoàn người ngựa đã phi ra khỏi khách điếm.
Mai Quân Bích mình bận bạch y, cưỡi trên lưng con bạch mã đi đầu. Kế đến là Thượng Quan Yến cưỡi con ngựa Tứ Xuyên thuần chủng loại thần câu thiên lý mã, sau cùng là Cầm Nhi, Kiếm Nhi ôm đàn ôm kiếm cưỡi chung một con tuấn mã.
Ra khỏi thành môn, bốn người lập tức ra roi phi nước đại.
Trưa hôm đó họ dừng lại ở Tương Âm lót dạ rồi tiếp tục hành trình, tới hoàng hôn thì đến Ninh Hương.
Dọc đường họ không phát hiện được điều gì khả nghi, cũng không thấy Thôi Mẫn, Thôi Huệ đâu, trong lòng ai cũng đều thắc thỏm không yên.
Có thể họ đi sai đường rồi chăng?
Mai Quân Bích cho tìm một ngôi khách điếm lớn trọ lại.
Hai tên điếm tiểu nhị ra tận cửa nghênh đón, một tên dắt ngựa vào tàu chăm sóc, tên kia dẫn đường bốn người vào một biệt viện phía sau nghỉ ngơi.
Khách điếm này vào loại lớn và sang trọng nhất nhì trong trấn nên khách nhân ra vào tấp nập.
Bây giờ trời vừa tối nên quang cảnh lại càng tấp nập.
Nhưng biệt viện ở hậu tấn thì rất yên tĩnh, trước hiên để mấy chậu hoa tỏa hương dìu dịu càng tăng phần u nhã.
Biệt viện có tới năm phòng với hai chái đông tây, có hành lang thông với nhau.
Mai Quân Bích nói với điếm gia thuê bao toàn bộ biệt viện.
Điếm gia gặp được trang công tử hào phóng thì mừng rơn, vội sai bọn tiểu nhị lăng xăng bưng trà mời khách.
Sau một ngày hành trình vất vả, mọi người tắm rửa nghỉ ngơi, tinh thần sảng khoái thêm rất nhiều.
Duy Thượng Quan Yến lo lắng cho ngoại công nên vẻ mặt rầu rầu không vui.
Khi mọi người tắm rửa xong thì Cầm Nhi đã kịp đặt một mâm đồ nhắm thịnh soạn và một bình rượu Hàng Châu để sẵn trên bàn.
Mới vừa ngồi xuống chưa kịp nhấp chén nào thì chợt nghe trước viện, tiếng tên điếm tiểu nhị nói to :
– Tướng công! Biệt viện này đã có người bao hết rồi! Xin theo tiểu nhân sang phòng khác cũng được! Sẽ có thượng phòng đàng hoàng chu tất!
Tiếng khách nhân hỏi :
– Vị nào bao vậy?
Tên tiểu nhị đáp :
– Một vị công tử gia.
Khách nhân nói :
– À… ở đây tịch mịch u nhã, thật là nên thơ. Vậy thì vị công tử gia kia tất cũng là văn nhân. Tao nhân mặc khách gặp nhau quả là thú vị.
Tiểu nhị kêu lên :
– Tướng công sao thế? Tiểu nhân đã nói rằng vị công tử gia thuê bao hết biệt viện này rồi, sao tướng công còn vào làm chi? Nếu vị công tử gia trách mắng thì tội vạ tiểu nhân đảm đương thế nào được? Hơn nữa các vị đâu có quen biết gì nhau chứ?
Khách nhân cười hô hô đáp :
– Nhân sinh hà xứ bất tương phùng? Đã thế thì cần gì phải quen biết nhau từ trước? Mà thôi! Nói gì ngươi cũng không hiểu đâu!
Nghe khẩu khí, vị khách đó ắt hẳn là một bậc phong lưu.
Kiếm Nhi đã biết có người muốn vào đây gây sự, đời nào cam tâm ngồi yên trong phòng?
Hắn liền nhảy ra cửa tới trước mặt người kia bặm môi hỏi :
– Ngươi là ai?
Thân pháp hắn rất nhanh vừa loáng cái đã tới khiến vị khách bất ngờ “A” lên một tiếng lùi lại hai bước nói :
– Tiểu ca chạy thật nhanh, suýt nữa va vào người học trò ta thì hỏng!
Y ho khan một tiếng, cười nói tiếp :
– Học trò ta vừa nói quý thượng vào đây trọ lại, vì mộ danh mà tới bái phỏng. Phiền tiểu ca vào báo giúp một tiếng.
Mai Quân Bích đặt chén trà xuống quay nhìn ra cửa.
Chỉ thấy giữa viện đứng một vị công tử chừng hai mươi tuổi, mình bận lam y, tay phất chiết phiến, mày cong mắt sáng, dung mạo tuấn mỹ, dáng vẻ phong nhã thanh thoát.
Mai Quân Bích thấy vị công tử hào sảng dễ gần như vậy liền gật đầu xin lỗi Thượng Quan Yến rồi bước ra đến trước lam y thiếu niên chắp tay nói :
– Huynh đài muốn gặp tại hạ, không biết có gì chỉ giáo?
Vị công tử mới đến, thấy Mai Quân Bích, mặt tươi lên, ôm quyền hoàn lễ cười đáp :
– Huynh đài quả là trang anh văn phong nhã, một bậc kỳ tài! Lời đồn của thiên hạ không sai, tiểu sinh vô cùng hân hạnh được làm quen.
Mai Quân Bích khiêm tốn nói :
– Huynh đệ quá khen! Xin mời vào phòng đàm đạo!
Nói xong chỉ tay mời khách.
Lam y công tử vừa đi vừa nói :
– Hôm nay hạnh ngộ, coi là hữu duyên. Nếu huynh đài không chê, chúng ta hãy uống rượu bình thơ một bữa, thế nào?
Rồi không chờ Mai Quân Bích trả lời, quay lại bảo tên tiểu nhị :
– Ta và vị công tử này bình thơ luận văn, ngươi hãy ra ngoài chăm sóc con ngựa ta cho tử tế, sẽ có trọng thưởng!
Tên tiểu nhị thấy hai người có vẻ như bằng hữu trùng phùng, không nói gì nữa “Dạ” một tiếng rồi lui ra.
Tuy nhiên hắn cảm thấy có điều kỳ quái, vừa đi vừa nghĩ bụng :
– Vị công tử này ăn mặc sang trọng, hào sảng khí phái, hiển nhiên xuất thân từ nhà hào phú, tại sao ngoài con ngựa ra chỉ đơn độc một mình không có thư đồng theo hầu như những người khác?
Bấy giờ Mai Bích Quân đã dẫn khách vào khách sảnh đàm đạo.
Lam y công tử tự giới thiệu mình là Chu Thiên Hiền, đi du học ngang qua Ninh Hương này.
Hai người càng chuyện trò càng trở nên tâm đắc, từ kinh sử, văn chương đến cầm kỳ thi họa, cả hai đều thông thạo, chuyện ran như pháo nổ, thao thao bất tuyệt.
Mai Quân Bích không những khâm phục đối phương học vấn uyên thâm, trong lòng còn thầm mến mộ vẻ phong lưu thoát tục của vị công tử mới quen này.
Đang đàm đạo đột nhiên Chu Thiên Hiền dừng lại nhìn Mai Quân Bích cười nói :
– Chúng ta mới gặp mà như đã thân thiết từ lâu. Người xưa nói “Tứ hải giao huynh đệ”, tiểu huynh lớn hơn mấy tuổi, xin mạo muội gọi một tiếng “lão đệ” được không?
Mai Quân Bích tuy cũng cảm mến Chu Thiên Hiền nhưng mới gặp nhau lần đầu mà đã xưng huynh gọi đệ, nghĩ trong lòng không khỏi cảm thấy buồn cười.
– Mình hành khứ giang hồ, tự coi là hiệp nghĩa, thế mà chưa được hào sảng như vị thư sinh này, há chẳng đáng thẹn?
Nghĩ đoạn cười đáp :
– Đại ca đã bảo thế, tiểu đệ đâu dám không tuân lệnh?
Chu Thiên Hiền tỏ ra rất cao hứng, cười gật đầu :
– Thế mới là hiền đệ…
Như sực nghĩ ra điều gì, chợt hỏi :
– Hiền đệ đi cùng vị nào tới đây thế?
Mai Quân Bích đáp :
– Một vị cô nương tên là Thượng Quan Yến.
Chu Thiên Hiền nói :
– Hiền đệ, gần đây có một ngôi tửu lâu rượu ngon nổi tiếng cả vùng phương nam này, tiểu huynh muốn khoản đãi ngươi một bữa, mời luôn cả vị tiểu cô nương kia nữa!
Mai Quân Bích gật đầu quay lại bảo Cầm Nhi :
– Ngươi vào mời Thượng Quan cô nương tới đây.
Cầm Nhi cúi mình “Dạ” một tiếng rồi bước ra.
Lát sau Thượng Quan Yến uyển chuyển bước vào khách sảnh.
Mai Quân Bích cười giới thiệu :
– Yến muội! Đây là vị Chu đại ca mà ta mới quen…
Thượng Quan Yến cúi đầu chào.
Chu Thiên Hiền thốt lên :
– Ui chao! Vị cô nương này dễ thương quá! Hai vị là an em ruột ư?
Mai Quân Bích không tiện giải thích chỉ đáp ậm ừ cho qua chuyện.
Chào hỏi xong ba người rời khỏi khách điếm đi theo Chu Thiên Hiền.
Ngôi tửu lâu nằm ở cuối phố rộng tới bảy gian, vừa sang trọng nhưng cũng vừa rất thanh nhã.
Thấy Chu Thiên Hiền, Mai Quân Bích, Thượng Quan Yến và hai tên thư đồng tay ôm đàn ôm kiếm bước vào, đã có ngay ba bốn tên tửu bảo lăng xăng chạy ra đón, miệng chào hỏi rối rít.
Chu Thiên Hiền chẳng để ý gì đến chúng, cứ cầm tay Mai Quân Bích đi thẳng lên lầu.
Mai Quân Bích lấy làm lạ, nghĩ thầm :
– “Tay của Chu đại ca sao lại mềm và mát rượi giống như tay nữ nhân thế này? Một nam nhân, cho dù là thư sinh không làm bất cứ việc gì ngoài đọc sách chăng nữa thì bàn tay phải rắn rỏi hơn chứ…”
Đương nhiên chàng chỉ nghĩ thầm mà không nói.
Trên lầu đèn đuốc sang trưng nhưng không có một khách nhân nào, chỉ bên cạnh bàn cửa sổ đặt ba bộ bát đũa mà không có người ngồi, giống như điếm gia để sẵn chờ họ vậy!
Mai Quân Bích ngạc nhiên thầm nghĩ :
– “Chu đại ca mới cùng mình tới đây mà sao mọi thứ giống như đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón mình vậy? Hay vị công tử hào hoa này bao luôn cả tửu lâu?”
Chu Thiên Hiền không để ý đến mối bận tâm của Mai Quân Bích, chỉ tay vào bàn đã có sẵn đũa bát nói :
– Mời hiền đệ và tiểu muội ngồi!
Ba người ngồi xuống bàn.
Cầm Nhi lấy trong hộp mang theo ra ba đôi đũa bằng san hô và ba cái chén bằng bạch ngọc đổi bát đũa của tửu điếm.
Mọi người bắt đầu cất chén.
Chu Thiên Hiền và Mai Quân Bích gặp được bạn hiền, lại có cảnh đẹp nên mặc sức say sưa, vừa uống vừa nói chuyện râm ran.
Thượng Quan Yến là một tiểu cô nương nên chỉ nhấp môi vài ngụm, ăn cũng rất ít chỉ đụng đũa gọi là.
Trong lòng nàng lại lo lắng không biết tình cảnh của ngoại công lành dữ ra sao nên chẳng có lòng nào mà tham gia vào câu chuyện.
Chợt có tiếng bước chân lên lầu.
Nhưng bước chân ở đây nghe rất lạ, nghe “Chịch!” “Chịch” từng tiếng nặng nề, giống như là người đi cụt chân đi nạng vậy!
Tiếp đó là tên một tiếng tửu bảo nói to :
– Trên lầu đã được một vị công tử bao hết rồi, người đừng lên đó gây sự.
Tiếng một lão nhân trả lời :
– Công tử thì sao chứ? Chỉ sợ hắn mời ta cũng không thêm tới nữa ấy!
Tiếng bước chân đó lại tiếp tục đi lên.
Mai Quân Bích quay lại, thấy người đang bước lên lầu là một lão hóa tử đầu bù tóc rối, mặt mũi cáu bẩn, râu ria xồm xoàm, mặc áo kết trăm mảnh và chẳng còn nhận ra màu gì nữa.
Lão hóa tử bị cụt mất chân phải lên tới gối nên phải chống một cây thiết trượng, do vậy mà có âm thanh “Chịch!” “Chịch!” quái lạ vừa nghe.
Trên vai phải lão ta ngồi chồm hổm một con khỉ nhỏ long vàng, mắt đỏ như lửa, chân tay múa gãi loạn lên.
Hai tên tửu bảo đuổi theo để chặn lại nhưng lão vẫn làm như không cứ bước thẳng lên lầu, quét mắt nhìn ba người ngồi ở bàn rượu, cười hô hố nói :
– Số của lão hóa tử ta thật hên quá! Gặp phải hai vị công tử hào phóng này, lo gì thiếu rượu ngon thịt béo?
Nói xong một chân một nạng bước tới gần.
Mai Quân Bích thấy lão hóa tử đầu thần quang sang quắc, trong lòng chấn động nghĩ thầm :
– “Lão này tất phải có nội công hết sức thâm hậu!”
Hai tên tửu bảo vội đuổi theo nói :
– Lão ăn mày kia đừng lộn xộn! Hai vị công tử đó đã tới trước bao cả tửu lâu rồi, ngươi hãy đi đi!
Lão hóa tử trừng mắt nói :
– Các ngươi sẽ thấy hai vị công tử đó mời ta cùng uống cho mà xem, đâu có như loại chó mù các ngươi không biết nhìn người?
Chu Thiên Hiền đã uống nhiều rượu nên mắt đã lờ đờ, hai má đỏ bừng lên như hai đóa hoa hồng.
Nhưng vừa trông thấy lão hóa tử, mặt y chợt biến sắc, đôi mắt phát ra tia sáng rất khác thường.
Sau khi nghe lão hóa tử nói câu đó, Chu Thiên Hiền trấn tĩnh lại rất nhanh, đứng lên cười nói :
– Lão trượng quả là người rất thú vị! Nhân sinh hà xứ bất tương phùng? Nếu lão trượng không chê thì xin ngồi nhập tiệc, tiểu sinh sẽ uống cùng lão trượng ba bát to!
Lão hóa tử nhìn hai tên tửu bảo với ánh mắt đắc ý như muốn nói rằng :
– Các ngươi thấy chưa? Công tử đó mời ta thật đấy thôi!
Nhưng miệng chỉ cười khìn khịt đáp :
– Vị công tử này quả là có đôi mắt tinh đời!
Nói xong ung dung ngồi xuống.
Hai tên tiểu bảo thấy vị công tử quả nhiên mời lão ăn mày lôi thôi bẩn thỉu kia, trong lòng rất kinh dị nhưng vẫn phải đi lấy thêm một bộ bát đũa mang tới.
Lão hóa tử chẳng cần đợi mời, tự động bưng chén rót rượu rồi chẳng nói năng gì bắt đầu ăn uống.
Hai tên tửu bảo đứng ngây ra nhìn.
Chỉ thấy tay lão hoạt động liên tục, rượu vừa rót đã khô, đôi đũa múa lên như bay, chỉ loáng một cái đã hết hơn nửa bàn thịt!
Mai Quân Bích tự nhủ :
– “Lão hóa tử này đương nhiên là một dị nhân phong trần, tính rất ưa vui nhộn! Mặt khác Chu đại ca tuy là một cuồng sĩ nhưng có nhãn quan tinh tế như vậy, thật là hiếm có!”
Chàng định nói mấy câu nhưng thấy lão hóa tử chỉ chăm chăm vào mâm rượu thịt chẳng chú ý gì đến mình, và nhất là cái miệng không rảnh để tiếp chuyện nên đành thôi, chỉ bấm bụng cười thầm!
Một lúc, dường như nhu cầu ăn uống đã tương đối thỏa mãn, lão hóa tử vỗ bụng đứng lên cười hô hố nói :
– Khoái quá! Thích quá! Cám ơn hai vị công tử!
Không chờ ai trả lời, lão liếc mắt nhìn sang Thượng Quan Yến, nhíu mày, tay vớ lấy cây thiết trượng bước xuống lầu.
Mai Quân Bích nhìn theo lão hóa tử đến thất thần.
Chừng như hiểu ra tâm ý chàng, Chu Thiên Hiền cười nói :
– Hiền đệ! Trong thiên hạ chẳng thiếu gì điều kỳ quái. Loại người như vậy nên ít tiếp xúc thì hơn!
Mai Quân Bích đáp :
– Đại ca đương nhiên nói không sai. Nhưng theo tiểu đệ thấy thì lão hóa tử này là một dị nhân phong trần và hài hước, hơn nữa còn có nhất thân võ học chẳng tầm thường đâu!
Chu Thiên Hiền chớp chớp mắt, làm ra vẻ ngạc nhiên nói :
– Thế ư? Hiển đệ cho rằng lão ta còn biết võ công nữa ư?
Y chợt thấp giọng tiếp :
– Thế mà ta cứ nghĩ hắn là một tên lưu manh có hạng! Tiểu huynh trong người không có vật gì đáng giá, nhưng hiền đệ thì nên cẩn thận mới được!
Mai Quân Bích chỉ cười không đáp.
Cuộc rượu tới đó cũng kết thúc.
Bọn tửu bảo đến dọn bàn và bưng trà tới.
Lát sau cả bọn xuống lầu.
Vừa ra tới cửa, bên ngoài có một nhân ảnh nấp trong xó tối lén lút nhìn họ, dáng rất khả nghi.
Thấy năm người ra cửa, hắn ẩn sâu vào trong con hẻm.
Nhưng hành động đó làm sao thoát khỏi thần mục của Mai Quân Bích? Hơn nữa chàng còn nhận ra kẻ khả nghi đó là một tên hán tử bị cắt mất lỗ tai bên trái.
Tiếc rằng Thượng Quan Yến không thấy, nếu không có lẽ nàng đã nhận ra hắn là ai.
Chu Thiên Hiền hình như cũng phát hiện ra được tên hán tử, chỉ thấy y nhíu mày vẻ khó chịu.
Đi một quãng, Mai Quân Bích bất ngờ quay lại, quả nhiên trông thấy tên hán tử khuyết tai bám theo.
Về tới khách điếm, Chu Thiên Hiền chừng như đã quá say, bước đi chếnh choáng không vững.
Mai Quân Bích sai Cầm Nhi dìu Chu đại ca sang phòng phía đông nghỉ ngơi, mình cũng về phòng nghỉ.
Cầm Nhi dìu Chu Thiên Hiền nằm lên giường xong lui ra đóng cửa lại, nhưng vừa quay người chợt có cảm giác rằng hình như trên bức tường đối diện có một bóng người.
Hắn dụi mắt nhìn lại thì không thấy gì nữa cả.
Ánh trăng chiếu xuống cả biệt viện sáng ngời, nhưng không có bóng người nào. Xung quanh tĩnh lặng như tờ không có gì khác lạ.
Cầm Nhi tự cười thầm :
– Chắc là mình hoa mắt mất rồi! Đêm nay trăng sang thế này, kẻ trộm nào lại đi hoạt động chứ?
Thế là hắn liền quên ngay chuyện đó.
Nào ngờ mời đi được hai bước, Cầm Nhi chợt nghe tiếng gió, giống như ám khí bắn tới mình.
Hắn phản ứng rất nhanh, lập tức xoay người đưa tay chộp lấy nhìn xem, nguyên đó là một viên đá nhỏ.
Một ý nghĩ lóe lên :
– Quả nhiên có ác tặc!
Đồng thời nhún chân, chỉ ba bước đã nhảy lên bờ tường mà trước đây nghi ngờ có bóng người.
Thế nhưng đưa mắt nhìn quanh lại chẳng thấy một nhân ảnh nào!
Đứng ngẩn ra một lúc, Cầm Nhi chợt phát hiện có một bóng người tầm vóc nhỏ bé lao ra phố.
Không nghĩ ngợi gì thêm, hắn lập tức đuổi theo.
Thân pháp người đó tỏ ra rất tinh diệu, Cầm Nhi cố hết sức nhưng không sao rút ngắn được cự ly.
Không lâu đã ra khỏi trấn, bóng người phía trước lao vào một khu rừng rồi mất hút!
Cầm Nhi đời nào chịu bỏ? Liền thi triển hết khinh công đuổi theo.
Mới vào rừng độ chừng mười trượng, chợt phía sau vang lên tiếng nói :
– Ta tưởng ngươi thân pháp tuyệt luân gì lắm, thì ra cũng chẳng cao cường gì!
Cầm Nhi kinh hãi quay lại, đưa tay lên ngực vận công phòng bị, đồng thời đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm.
Rừng ở đó rất thưa thớt chỉ lác đác vài cây, ánh trăng sáng ngời chiếu rõ mồn một, vậy người kia trốn ở đâu?
Nhưng rõ ràng hắn nghe tiếng người nói sau lưng rất gần, giống như chỉ cách năm bảy bước mà thôi, sai bây giờ không thấy?
Chẳng lẽ có ma thật?
Đứng ngơ ngác một hồi, Cầm nhi chợt thấy trên một cành cây bên tả không xa hình như có vật gì lay động!
Hắn tự nhủ :
– “Để xem lần này ngươi chạy đi đâu?”
Nghĩ đoạn mắt không rời vật đó, chân bước nhanh tới.
Quả nhiên có một vật màu trắng đang chao động!
Nhưng khi phát hiện rõ vật, Cầm Nhi chợt mở to mắt đầy vẻ kinh hoàng!
Thì ra đó là mộ chiếc đầu lâu được treo lên cành cây!
Bên cạnh đó có một tấm vải trắng rộng gấp đôi bàn tay ghim lên cành, chắc là được xé ra từ y phục kẻ xấu số.
Rõ ràng người kia mới bị giết chết chưa lâu, vì máu vẫn tiếp tục nhỏ xuống đất từng giọt từng giọt…
Khắp người nổi gai, Cầm Nhi đứng chôn chân xuống đất hồi lâu mới dần dần trấn tĩnh lại, ngước lên nhìn.
Hình như trên tấm vải có viết chữ.
Cầm Nhi đến gần hơn, vận mục lực nhìn kỹ thấy trên tấm vải có mấy chữ viết bằng máu :
“Kẻ phạm tiên giá phải bị bêu đầu thị uy”.
Hắn ngạc nhiên tự hỏi :
– “Tiên giá là gì mà kẻ nào phạm tới thì bị xử trí thảm khốc đến thế?”
Cầm Nhi chợt cúi nhìn xuống, thấy ngay bên dưới chiếc đầu lâu, ngoài vũng máu ra còn một bãi nước màu vàng nhầy nhụa, mùi hôi thối bốc lên lộn mửa.
Cầm Nhi sợ hãi nghĩ thầm :
– “Thì ra sát nhân còn dùng “Hóa Cốt đạn” hủy luôn cả xác, tàn bạo đến thế là cùng!”
Tuy biết rằng kẻ bí ẩn kia cố tình lôi kéo mình tới đây để chứng kiến cảnh tượng rùng rợn này, nhưng Cầm Nhi chẳng còn can đảm đâu mà truy tìm nữa quay lại chạy thục mạng về trấn.
Về tới khách điếm, thấy phòng công tử còn sáng đèn, tuy biết rằng chủ nhân chưa ngủ nhưng vì không phát ra động tĩnh gì nên Cầm Nhi đứng tần ngần một lúc rồi quay đi.
Nhưng mới được vài bước, chợt nghe công tử gọi :
– Cầm nhi! Vào đi!
Hắn quay lại đẩy cửa bước vào.
Mai Quân Bích tay cầm cuốn sách, thấy Cầm Nhi bước vào liền đặt sách xuống bàn hỏi :
– Ngươi vừa đi đâu về?
Cầm Nhi kể lại những gì vừa diễn ra khỏi phòng Chu Thiên Hiền phát hiện được nhân ảnh đuổi theo vào rừng và trông thấy chiếc đầu lâu…
Mai Quân Bích nghe xong trầm ngâm một lúc rồi chợt hỏi :
– Trên đầu lâu có gì khác thường không?
Cầm Nhi nghĩ ngợi một lúc rồi gật đầu đáp :
– Có có! Trên đầu lâu đã bị cắt mất lỗ tai bên trái từ trước.
Mai Quân Bích gật đầu lại nói :
– Ngươi hãy đến xem Chu công tử đã tỉnh rượu chưa?
Cầm Nhi y lệnh lật đật chạy sang gian chái phòng phía đông, thấy cửa vẫn khép, giống y như vừa rồi ra khỏi phòng.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!