Thần Thoại Hy Lạp - Quyển 1 - Chương 36: Dionysos thoát khỏi tay bọn cướp biển
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
59


Thần Thoại Hy Lạp


Quyển 1 - Chương 36: Dionysos thoát khỏi tay bọn cướp biển


Trên chặng đường trở về quê hương, có một lần Dionysos bị rơi vào tay bọn cướp biển. Người ta kể lại rằng lần ấy Dionysos xuống một con thuyền để từ đất Tiểu Á đi về đảo Naxos. Nhưng thủy thủ trên thuyền toàn là lũ cướp biển đã bắt Dionysos. Chúng mưu toan đem vị thần Rượu nho bán ở chợ nô lệ. Nhưng có người kể trường hợp Dionysos bị bắt có hơi khác: Chuyện kể rằng, một hôm có một chiếc thuyền của bọn cướp biển Tyrrhe133 rẽ sóng đi ở gần bờ biển đất Hy Lạp. Bọn cướp biển trông thấy, đứng trên một mỏm đất xa xa, một chàng trai khỏe mạnh và xinh đẹp. Mái tóc của chàng xõa tung trong gió biển để lộ ra một vừng trán cao cao, đẹp đẽ, khôi ngô. Tấm áo khoác màu đỏ thẫm bám vào vai chàng, tung tà áo ra phía sau nô giỡn với gió biển. Nhìn thấy chàng, tên tướng cướp bụng bảo dạ: “Hẳn anh chàng này là con một vị vua. Ta sẽ vớ được một món của chuộc thật lớn đây, món này hẳn là béo bở”. Và hắn nháy mắt ra hiệu cho bộ hạ lái thuyền áp vào bờ. Bọn cướp chẳng gặp khó khăn gì trong việc bắt một con người tay không như vậy. Dionysos bị vứt xuống thuyền. Một tên cướp lấy xích sắt xiềng tay chân Dionysos lại. Nhưng lạ thay, vòng xích vừa quấn khóa vào tay vào chân Dionysos xong thì lại tuột ra. Dionysos vẫn không hề bị cùm bị trói. Tên cướp lại đến xiềng một lần nữa. Nhưng hắn vừa buông tay thì đâu lại vào đấy. Gã lái thuyền thấy sự lạ như vậy bèn kêu lên sợ hãi:

– Anh em ơi! Thôi, thôi, nguy to rồi! Không xiềng xích nào trói buộc, cùm khóa được con người này đâu! Không khéo chúng ta đang giam giữ một vị thần rồi. Hãy mau thả con người này ra không thì tai họa giáng xuống đầu chúng ta lúc nào không biết. Có thể đây là một vị thần Olympe, Zeus đấng tối cao, hay Apollon, người con của Zeus có cây cung bạc và những mũi tên vàng, hay lại là vị thần Poséidon lay chuyển mặt biển bằng cây đinh ba khủng khiếp? Nhưng các bạn ơi, dù sao con người này cũng không phải là người thường. Xin các bạn hãy trả lại tự do cho anh ta.

Tên tướng cướp, thuyền trưởng, nghe nói, nổi giận quát:

– Thằng kia chỉ nói nhảm. Im ngay! Chừng nào mà tên này còn ngồi trong chiếc thuyền của chúng ta thì mày chỉ biết có một việc là cầm lái cho vững. Chúng tao sẽ đưa tên này đến Ai Cập, hay đến đảo Chypre bán cho bọn lái buôn nô lệ và sẽ chia cho mày một phần tiền xứng đáng. Chẳng có thần thánh nào làm gì được hết!

Và con thuyền theo lệnh của tên tướng cướp, giương buồm ra khơi. Thuyền chạy chưa được bao lâu thì bỗng nhiên xảy ra một hiện tượng kỳ lạ. Từ đâu không rõ những dòng rượu nho thơm ngát tuôn chảy ra tràn ngập trong thuyền: Lũ cướp hết thảy đều kinh ngạc. Khắp thuyền đều sực nức mùi rượu. Chúng chưa kịp hoàn hồn thì lại thấy một sự kỳ lạ nữa. Cũng không rõ từ đâu mọc lên những dây nho xanh tốt với những chùm quả chín mọng. Dây nho leo từ dưới cột buồm lên quấn quanh cột, trùm lên tấm buồm, rủ những chùm nho lủng lẳng trên đầu lũ cướp. Rồi thì cả đến những mái chèo, cọc chèo, tay lái, đâu đâu cũng có dây nho leo dày đặc quấn chặt lấy, vươn ngọn, xòe lá ra xanh tốt như dàn nho trồng ở cánh đồng. Những tên cướp biển kêu thét lên, giục người lái thuyền quay mũi thuyền vào bờ. Quá muộn rồi! Chàng thanh niên mà chúng bắt, vụt đứng lên biến mình thành một con sư tử. Con sư tử – Dionysos – gầm lên một tiếng rồi nhảy phắt tới sàn thuyền, chỗ tay lái vả một cái vào mặt tên tướng cướp. Tên này ngã lăn xuống biển chết. Lại xuất hiện ở giữa thuyền một con gấu cao lễnh khênh đi nghênh ngang. Lũ cướp biển nhìn thấy con vật nhe nanh, giơ móng giơ vuốt ra, sợ quá, chạy dúm lại với nhau. Và trong phút quẫn bách chúng chỉ còn cách nhảy xuống biển, hy vọng bơi thoát được vào bờ. Nhưng Dionysos đã biến ngay lũ chúng thành đàn cá heo. Sau đó vị thần Rượu nho hiện lại nguyên hình chàng thanh niên tuấn tú, quay lái nói với người lái thuyền:

– Ngươi hãy bình tâm! Đừng sợ hãi! Ta sẽ ban thưởng cho nhà ngươi xứng đáng vì lòng tôn kính thánh thần. Ta là thần Rượu nho-Dionysos, con của đấng phụ vương Zeus và nàng Sémélé, người con gái xinh đẹp của nhà vua danh tiếng Cadmos. Người sẽ được chứng kiến những chiến công hiển hách của ta trên đất Hy Lạp thần thánh này.

[133] Bọn cướp biển ở vùng biển Tyrrhénienne, phía tây bán đảo Ý. Chúng thuộc tộc người Étrusques sống trên đất Étrurie, ngày nay là Toscane, nước Ý.

Dionysos trọng thưởng Icarios

Dionysos đến vùng đồng bằng Attique. Nhiều người biết tiếng vị thần nhân đức đã không quản ngại khó khăn, vất vả đến tận nơi để nghênh tiếp thần. Trong số những người đến để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thành kính đối với Dionysos có bác nông dân Icarios. Sự chân thành và sùng kính của bác đã làm cho thần Dionysos xúc động. Thần trao tặng bác một chùm nho, truyền dạy cho bác nghề trồng nho và nghề ép rượu.

Vườn nho của Icarios, tặng phẩm quý giá mà thần Dionysos đã trao cho bác, tuy vậy, vẫn thường bị xúc phạm, phá hoại. Nhưng may thay không phải ai thù ghét bác mà rắp tâm phá hoại. Đó chỉ là loài dê rừng, loài dê rừng thèm khát lá non trái chín. Bác nông dân Icarios quyết không để cho tài sản thiêng liêng của mình bị tiếp tục phá hoại. Bác rình mò, đặt bẫy để giết bằng được lũ dê rừng tham ăn, tai quái. Và một hôm bác đã bắt giết được một con dê. Bác gọi mọi người đến chứng kiến chiến công của bác. Và mọi người đều đồng thanh nhất trí với bác nhân dịp này mở lễ hiến tế thần Rượu nho-Dionysos để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với vị phúc thần, cũng như biểu lộ lòng mong ước được vị thần bảo hộ cho mùa nho khỏi bị tai họa làm thiệt hại. Từ đô trở đi trong những ngày tế thần, người ta thường giết một con dê. Căn cứ vào huyền thoại này, người ta giải thích ngọn nguồn của từ “bi kịch”. Tiếng Hy Lạp, bi kịch là “tragodia” cấu tạo do hai từ “tragos”: con dê và “ode”: bài ca. Vậy những bài ca trong lễ hiến tế thần Rượu nho-Dionysos, trong đó có bài ca về con dê, là nguồn gốc của bi kịch. Tất nhiên đây chỉ là một cách giải thích, thật ra quanh chuyện “bài ca về con dê”, “bài ca dê” còn có nhiều cách giải thích khác nhau với nhiều bằng chứng khá thú vị về mối liên quan hữu cơ giữa rượu nho – con dê – thần Dionysos – đội đồng ca hóa trang dê – bi kịch.

Nhưng số phận bác Icarios thật chẳng may chút nào. Bác gặp phải một sự hiểu lầm tai hại. Một hôm, khi đó sản phẩm Rượu nho của thần Dionysos chưa được mấy ai biết đến, bác mời những người chăn chiên, mục đồng thưởng thức thứ nước tuyệt diệu của bác. Mọi người đều tấm tắc khen thứ nước uống lạ và ngon chưa từng thấy và bày tỏ lòng cảm ơn bác. Thế nhưng một lúc sau họ thấy trong người choáng váng đầu óc nặng chình chịch, cảnh vật trông một hóa hai, có khi lại quay cuồng, lộn ngược. Có người hoa chân múa tay, ăn nói huyên thuyên, cái đầu không bảo được cái lưỡi, không sai khiến được cái tay, không điều khiển được cái chân. Họ nghĩ rằng Icarios mưu toan đầu độc họ, giết họ để cướp đàn súc vật. Thế là họ túm lấy bác đánh cho đến chết rồi đem xác vào chôn trong núi dưới một gốc cây. Con gái của Icarios là Érigoné thấy cha không về nhà liền bổ đi tìm. Nàng đi tìm hết nơi này đến nơi khác nhưng không thấy. Sau nhờ có con chó Méra dẫn đường Érigoné tìm thấy mộ cha. Đau xót quá đối với cái chết thê thảm của người cha thân yêu, Érigoné treo cổ tự sát. Thần Dionysos vô cùng tức giận về hành động hung bạo của người dân Attique, liền giáng xuống vùng đồng bằng này một tai họa khủng khiếp để trừng phạt: bệnh dịch hạch. Thần lại còn làm cho những thiếu nữ Athènes bỗng dưng nổi một cơn điên, kéo nhau đi treo cổ lên cây, tự sát, gây ra biết bao nỗi đau thương cho gia đình.

Để thưởng công cho Icarios và Érigoné, thần Dionysos ban truyền cho nhân dân Attique phải thờ phụng họ như những người anh hùng. Thần còn biến Icarios thành ngôi sao Mục đồng (Bunvier), Érigoné thành ngôi sao Trinh nữ (Vierge) và con chó Méra thành ngôi sao Con Chó lớn (Thiên Lang tinh, Le Grand Chien).

Thần Dionysos và tên vua Midas tham vàng

Trong một cuộc hành trình qua xứ Phrygie ở phương Đông, đoàn xa giá của Dionysos bỗng nhiên thấy thiếu mất ông lão Silène. Thì ra ông lão say rượu, đi đứng ngả nghiêng, lảo đảo đã tụt lại phía sau mà không ai biết. Mọi người dừng lại, bảo nhau đi tìm.

Lại nói về ông lão Silène say rượu. Hũ rượu buộc kè kè bên hông, chân đi lảo đảo, tay cầm cái cốc vại cứ vừa đi vừa khoa khoa, múa múa trước mặt. Lão chẳng biết lão đã bị rớt lại phía sau, lạc khỏi đoàn xa giá. Lão cứ thế đi đứng chập choạng trên đường, rồi ngã xuống ruộng ngủ thiếp đi. Những người làm ruộng thấy một lão già say rượu ngủ say mê mệt, biết là Silène, người thầy của Dionysos, bèn đem hoa đến phủ kín lên người lão. Sau đó, họ đánh thức lão dậy, đội lên đầu lão một vòng hoa hồng rồi dẫn lão về trình vua Midas. Vua xứ Phrygie là Midas coi đây là một vinh dự lớn cho xứ sở của mình: được đón tiếp người thầy đã từng khai tâm, mở trí cho Dionysos. Lập tức nhà vua thét vang, ra lệnh cho gia nhân mau mau dọn tiệc khoản đãi người thầy của Dionysos vĩ đại. Tiệc mở suốt chín ngày ròng rã. Mọi người dự tiệc đều lấy làm vinh dự vì đã được nâng cốc chúc mừng thầy của vị thần Rượu nho. Đến ngày thứ mười, Midas đích thân đưa dẫn ông lão Silène đến tận đoàn xa giá của Dionysos. Cảm kích trước tấm lòng nhiệt thành của nhà vua, Dionysos nói:

– Hỡi vua Midas! Người trị vì trên xứ Phrygie giàu có! Để đền đáp lại tấm lòng hiếu khách và quý trọng đối với ta, ta sẽ cho phép nhà ngươi được ước muốn một điều. Ngươi hãy suy nghĩ đi. Ngươi ước điều gì ta sẽ cho người được thỏa mãn.

Vua Midas như mở cờ trong bụng. Chẳng suy nghĩ gì, nhà vua tâu lại với thần Dionysos như sau:

– Hỡi thần Dionysos tối linh thiêng, tối vĩ đại! Kẻ hèn mọn này chẳng có ước muốn gì cao xa chỉ xin đấng chí tôn, chí kính ban cho… ban cho kẻ này, hễ động đến vật gì thì vật đó hóa thành vàng. Vâng… thành vàng ngay tức khắc.

Dionysos gật đầu ưng thuận. Và đoàn xa giá tưng bừng nhộn nhạo của vị thần Rượu nho lại lên đường với hơi rượu thơm phức bao quanh.

Còn vua Midas, thật khó mà nói được hết nỗi vui sướng. Nhà vua trên đường trở về cung điện thử xem lời thần ứng nghiệm ra sao. Midas đưa tay bẻ một cành sồi xanh tươi. Lập tức cành sồi biến thành một cành vàng. Nhà vua sướng quá. Ông lại đưa tay ngắt một bông lúa. Lập tức bông lúa biến thành bông lúa vàng. Ông lại đến một cây táo hái một quả. Lập tức trong tay ông có một quả táo vàng chẳng khác gì quả táo vàng ở chiếc cây thần do ba chị em nàng Hespérides canh giữ. Lời thần đã ứng nghiệm rành rõ chẳng hề đơn sai chút nào. Midas sung sướng ngây ngất, như người vừa được chất men của thứ rượu nho thần thánh kích thích. Ông sờ vào thứ nọ, ông đụng vào thứ kia và khi thấy thứ đó biến thành vàng là ông cười vang lên ha hả, khoái trá, cười như một người điên.

Tiệc đã dọn sẵn trong cung đình. Một người hầu dội nước cho Midas rửa tay. Những giọt nước qua tay ông biến thành những giọt vàng khiến ông lại càng sướng vui, hí hửng. Nhưng than ôi! Chỉ đến lúc ngồi vào bàn ăn, Midas mới thấy ân huệ của thần Dionysos ban cho mình tai hại như thế nào! Và mình đã ngu ngốc đến như thế nào! Midas cầm đến thứ gì là thứ ấy biến thành vàng. Nhà vua cầm lấy cốc rượu đưa lên miệng, lập tức cốc rượu biến thành vàng. Không một giọt rượu nào thấm được vào môi nhà vua. Nhà vua đưa một miếng thịt rán thơm phức lên miệng nhưng đụng vào lưỡi chỉ là một cảm giác khô cứng, không mùi, không vị. Nhà vua vừa cầm lấy miếng bánh, miếng bánh lập tức biến thành vàng. Midas như muốn phát điên. Mới lúc trước đây ông ta tưởng điên lên vì sung sướng thì giờ đây ông ta điên lên vì đói, vì khát, vì sự ngu ngốc của mình. Đói lả cả người, ông ta không biết làm gì ngoài cách quỳ xuống khấn thần Dionysos giải trừ cho tai họa:

– Hỡi thần Dionysos vĩ đại! Xin Người hãy rủ lòng thương kẻ hèn mọn ngu ngốc này! Xin Người hãy thu hồi lại phép lạ mà Người đã ban cho con, nếu không, con đến chết trong đói, khát. Xin Người hãy thu hồi lại phép lạ nếu không, con sẽ biến vợ con con và những người thân thích thành vàng cả! Xin Người hãy xá tội cho con!

Nghe lời cầu khẩn của Midas, thần Dionysos tức thời hiện ra và truyền phán cho tên vua ngu ngốc đó như sau:

– Nghe đây, hỡi tên vua khốn khổ vì lòng tham của, hám vàng. Hãy đến ngay sông Pactole tắm mình nhiều lần trong dòng nước của nó. Hãy tắm rửa kỳ cọ cho sạch cái thói ngu ngốc và tham lam của nhà ngươi đi. Phép lạ sẽ biến mất. Mọi việc sẽ trở lại bình thường như cũ.

Midas làm theo lời phán truyền của Dionysos. Nhưng cũng từ đó trở đi con sông Pactole trở thành con sông có vàng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN