Thăng Long Nổi Giận
Chương 05
Sẩm tối, nhà công quán sáng choang ánh đèn. Cỗ bàn sắp đặt linh đình. Các quan tiếp sứ luôn đến vấn an Sài Thung, nhưng y vẫn nằm quay mặt vào tường không nói một lời. Trần Quang Khải khẽ kéo ghế ngồi xế phía đầu giường Sài Thung, tìm hết lời nói nhún để y nguôi giận. Sự thật, quan Thái sư không lạ gì lối làm phách của lũ “con trời” này. Bọn chúng luôn kiếm cớ gây bất hòa. Và nếu ta càng lui, y càng lấn.
S
Quang Khải phải nén lòng để lấy lại sự ôn nhu, ông nói:
– Đại nhân đến nước chúng tôi. Quốc vương tôi phải cử tướng quốc lên tận biên ải tiếp rước. Nay đã tới quốc đô, thế nào quốc vương tôi cũng làm lễ tiếp kiến đại nhân. Việc gì đại nhân phải nóng vội. Đám quan quân của chúng tôi ngu dại, đã phạm phải oai ngài. Nhưng thực tình, chúng không có lỗi. Luật lệ của nước chúng tôi như thế. Cửa Dương Minh này cũng như cửa Ngọ môn bên quý quốc, chỉ có kiệu của nhà vua và thượng hoàng qua lại. Ấy là sự phân biệt trên dưới của một nước có kỷ cương. Tôi chắc bên thượng quốc cũng không thể làm khác được. Đại nhân không nên đòi cái mà ngài không thể đòi được.
Vừa nghe Trần Quang Khải khích, Sài Thung nộ khí xung thiên, bèn ngồi nhổm dậy quát:
– Các ngươi lớn mật, dám phạm tới oai trời. Phải biết rằng, thiên triều muốn là được. Nếu các ngươi thích cãi lý, thích ngang đầu cứng cổ thì không cần tiếp sứ nữa, cứ việc sửa sang thành quách cho vững, mài dũa khí giới cho bén để mà cãi lý với đại quân thiên triều.
– Sài Trang khanh đại nhân! Theo chỗ tôi được biết, ngài vốn xuất thân khoa bảng, lại thấu hiểu nhẽ đời, và đã trải đủ bước thăng trầm của thời thế. Hiện giữ chức lễ bộ thượng thư. – Quang Khải biết tên Hán gian này xuất thân nho sĩ, đã phản bội Tổ quốc làm chó săn cho bọn xâm lược Hốt-tất-liệt. Vả lại trong thù tiếp, ông cũng biết y có tính háo danh, háo thắng, nên ông đang tìm cách lấy lòng hắn – Đại nhân là người kiến văn thâm viễn, hiểu thấu được cả nhẽ huyền vi của trời đất (Quang Khải cũng biết Sài Thung rất mê bói Dịch), nhẽ nào đại nhân lại không thương đến dân tôi, trước sau vẫn một lòng thờ thượng quốc. Nay đại nhân đã tới nước chúng tôi, nếu có điều gì chưa được như ý, xin đại xá cho.
– Ta muốn gặp quốc vương An Nam, nhưng phải xây cầu vồng qua cửa Dương Minh để ta đi vào đại điện. Chừng nào chưa xây xong cầu cho ta đi, các ngươi chớ đến quấy rầy ta.
Sài Thung nói xong quay ngoắt, y nằm xuống giường, mặt úp vào tường.
Quang Khải giận lắm, bỏ ra về. Từ hôm sau, Sài Thung hạch sách các thứ ăn uống thật là quá quắt. Những món ăn cực hiếm như chân gấu hầm hoài sơn. Nầm sữa lợn rừng. Cò lửa, chim cuốc, rắn hổ mang gầm, cho vào hầm cách thủy bằng rượu với một số vị thuốc, và nhiều các món ăn kỳ quái khác. Ngay việc phục dịch được đầy đủ thực đơn hàng ngày của y, cũng là cả một khó khăn đối với triều đình. Những món ăn cầu kỳ đến mức bệnh hoạn ấy, vua tôi nhà Trần, cho đó là những đòi hỏi ngoài nghi lễ bang giao và sự ăn uống. Đây chính là nguyên cớ để sứ giả bất bình mà tuyệt đường giao hiếu. Và sau đấy là quân xâm lược ào vào. Vì vậy, cả triều đình đã cắn răng nhẫn nhịn để chiều sứ giả, cốt giữ cho hòa bình được ngày nào hay ngày ấy.
Sài Thung đã nhúc nhích đi lại dò xét các nơi trong kinh thành, nhưng không tiếp một đại thần nào của ta, cũng không ngỏ ý yết kiến quốc vương ta. Tuyệt nhiên y không lộ một yêu sách nào của Hốt-tất-liệt.
Để tận mắt thấy tên sứ giả nhà Nguyên – một tên đại Hán gian phách lối thế nào, Trần Hưng Đạo bèn tới nhà công quán. Ông vận một bộ đồ vải nâu, đầu trần. Đến sứ quán, ông vào thẳng phòng trong. Sài Thung đang nằm đọc sách, thấy Hưng Đạo tới, vội đứng dậy vái chào, mời ngồi. Trong khi ngồi uống nước thù tiếp, tên người hầu của Sài Thung cầm cái tên nhọn giấu trong tay áo, chọc vào đầu Hưng Đạo tóe máu ra.
Sài Thung là một tay mê bói Dịch, lại ham thích khoa nhân tướng. Y cứ ngắm nhìn mãi khuôn mặt của Quốc Tuấn. Từ vầng trán cao vuông vức, đến cặp mày lưỡi mác xanh đen, và đôi mắt sáng long lanh, tựa như nơi hai đồng tử luôn tỏa ánh hào quang. Có lúc y nhìn thẳng vào gương mặt Quốc Tuấn, bắt gặp ánh mắt của ông chiếu vào, y không chịu nổi, đành phải quay di, hay vờ cúi xuống. Y có cảm giác, con người này khí lực sung mãn tới dư thừa. Mà oai phong lại nảy sinh từ cặp mắt và giọng nói. Toàn bộ khuôn mặt ông ta từ tam đình, ngũ nhạc đều toát lên vẻ đắc cách thượng thừa, có uy nghi đế vương thần thánh. Chỉ mới qua tướng mạo bề ngoài của Quốc Tuấn, đã làm Sài Thung đâm nể kính. Y nói năng tỏ ra lễ độ và có phần hơi lúng túng. Sau vài ba tuần trà, Quốc Tuấn nói:
– Thấy nói có đại nhân từ thượng quốc sang, ta ghé thăm sức khỏe. Rồi ông cáo biệt.
Sài Thung theo tiễn ra mãi tới cổng ngoài còn cung kính vái theo. Vào nhà, tên hầu mới thuật chuyện, khi đứng mời nước phía sau vị khách, y đã lấy mũi tên chọc chảy máu đầu ông ta. Sài Thung lấy làm kinh sợ, vì y không nhận thấy một nét gì biến đổi trên gương mặt khách.
Mấy năm sau, khi được biết con người đã có lần y thù tiếp và ngờ ngợ là một hòa thượng, chính là người thống lĩnh đội quân nhà Trần, đã đánh tan nửa triệu thiên binh của nhà Nguyên với các đệ nhất danh tướng của Hốt-tất-liệt, thì Sài Thung lại càng kinh ngạc và thầm kính phục con người ấy.
Độ năm bảy ngày sau khi Sài Thung tới quốc đô nước Nam, đám quân trong sứ đoàn đi thu thập tin tức về báo. Tại Thăng Long có hai nhà buôn người Hồi-hột, được thiên tử nhà Nguyên cấp vốn cho vào đây buôn bán. Mấy năm đầu, do tính nết thuần phác, lại không có ý dòm ngó gì vào nội tình của nước Nam, thì sự nghiệp phát đạt lắm. Chỉ ba năm sau từ Yên Kinh tới đây, bọn chúng đã có số vốn nhiều gấp mười lần. Nhưng mấy năm sau, bọn này ráo riết dò xét công việc cua người Nam lộ liễu quá. Triều đình nhà Trần cấm dân chúng của họ không được mua bán giao thiệp gì với đám thương nhân Hồi-hột. Bọn này không những không thu thập được tình hình mà còn bị phá sản. Và hiện thời chúng lưu tán ở đâu cũng chưa dò được tung tích.
Đi sâu vào các miền quê, thấy dân tình của họ no ấm. Mới vụ mùa vừa rồi lúa tốt bội thu. Có nơi mỗi chiếc đòng trổ ra hai bông lúa to như những chiếc đuôi trâu. Đi về nẻo nào cũng thấy dân binh luyện tập chăm chỉ lắm. Quốc đô của họ, ngoài quân cấm vệ ra, không thấy động tĩnh gì. Không biết họ giấu quân ở đâu. Còn như chiếc cầu vồng, quan chánh sứ ta đòi họ phải xây vắt qua cửa Dương Minh, cũng không thấy họ đả động gì tới…
Nghe xong mọi việc của bọn người được nhà Nguyên gài lại Thăng Long do thám, cũng như các việc mà bọn trong sứ đoàn đi thu thập, Sài Thung tự nghĩ: “Vậy là những gì ta làm, vua tôi nhà Trần đều biết và ngăn chặn. Những gì ta đòi, nếu không phạm vào quốc thể của họ, họ đều đáp ứng. Rõ ràng vua tôi nhà Trần thần phục vờ, và đang ngấm ngầm rèn quân tích lương đón đợi cuộc chinh phạt của thiên triều”.
Qua những gì thu nhận dược, Sài Thung định bụng phải thay đổi kế sách. Y mỉm cười, ngồi vào án thư thảo điệp văn gửi vua Trần: “Ta bằng lòng diện kiến quốc vương An Nam theo nghi lễ của quý quốc”.
Một tờ khác y gửi tới Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc, lời lẽ rất khiêm nhã. “Từ lâu tôi đã được nghe danh vương, trong lòng rất lấy làm kính trọng. Vẫn thầm mơ ước có ngày được diện kiến. Lần trước cầm đầu sứ đoàn tới Thăng Long, tôi đã có ý đến thăm vương. Song vì công việc thiên tử giao cho chưa làm trọn, nên chưa dám nghĩ đến việc riêng. Kíp đến khi hoàn tất thì vương đã đi trọng nhậm tại vùng Tam Đái Giang. Thế là Thung này đành ngậm ngùi trở lại Đại đô. Mới hay: quý nhân nan kiến diện. Nay nhân lúc rảnh rỗi chờ hội kiến với quý quốc vương, nên gửi tờ thư này mong được vương nhận lời thù tiếp tại quí vương phủ. Ngày giờ do vương liệu định. Thư nói chẳng hết lời”.
Cuối thư, Sài Thung hé lộ một cách kín đáo chức tước mà y vừa được Hốt-tất-liệt sách phong. Y viết hết sức nắn nót, khiến nét chữ mất đi phần hồn nhiên sắc sảo vốn có: “An Nam phó đô nguyên súy Sài Trang khanh kính báo”.
Triều đình được thiếp báo của Sài Thung, bèn hẹn ngày tiếp sứ để nhận chiếu của Hốt-tất-liệt. Sớm ấy, đám quân khiêng kiệu đón Sài Thung vừa tới chân cửa Dương Minh thì hạ đòn. Đúng lúc, Trần Quang Khải dẫn đầu đoàn các quan của triều đình ra đón sứ. Sài Thung với vẻ mặt không tỏ ra giận dữ, cũng không lộ vẻ thân tình, đi theo các quan vào triều. Khi Sài Thung tới giữa sân rồng thì nhạc quốc thiều tấu lên và đích thân Trần Nhân tôn bước xuống bậc tam cấp đón y.
Nhang án bày sẵn, đỉnh trầm đốt từ sớm, mùi hương sạ bay thơm ngào ngạt. Sài Thung bóc niêm phong chiếc hộp sơn son thếp vàng, rồi mở nắp lấy ra một tờ chiếu của nhà Nguyên trao cho vua Trần. Trần Nhân tôn đưa hai tay đỡ một cách kính cẩn. Nhà vua không lạy chiếu thư mà chỉ nói một lời chúc xã giao đối với nhà Nguyên: “Thiên tử vạn tuế!”.
Rồi nhà vua đặt tờ chiếu lên hương án. Lễ tiếp chiếu thư xong, Nhân tôn mời trà sứ đoàn. Và sau đó là đưa thiếp mời Sài Thung đến dự dạ yến.
Tiễn sứ đoàn về nhà công quán xong, vua Nhân tôn bèn triệu các quan văn võ vào nghị bàn về các yêu sách của nhà Nguyên.
Đại khái trong chiếu, vua nhà Nguyên trách quân trưởng của ta trải ba đời chưa vào chầu. Hốt-tất-liệt nhắc lại các việc từ trước nhà Nguyên vẫn đòi:
– Quân trưởng phải vào chầu.
– Con em phải sang làm con tin.
– Kê biên dân số.
– Phải chịu quân dịch.
– Phải nộp tô thuế.
– Vẫn đặt chức Đạt-lỗ-hoa-xích (toàn quyền) để cai trị.
Cuối chiếu, Hốt-tất-liệt nhấn thêm: “Đây là tuân theo thánh chỉ của đức thái tổ cao hoàng đế (tức Thành-cát-tư- hãn) thi ân cho các nước quy phụ. Mấy việc trên là để tỏ lòng thành của kẻ thuần phục. Khanh làm được đủ các điều đó, há sao trẫm còn nghi ngờ gì nữa mà không tin yêu?”.
Đọc xong, Nhân tôn nói:
– Các yêu sách trên đây của nhà Nguyên không có gì mới. Từ thời thái thượng hoàng, họ đã đòi ta như vậy. Tiên đế cũng như thượng hoàng, chưa bao giờ chấp nhận được một điều gì của họ. Bởi nếu vậy, ta sẽ là đất quận huyện của nhà Nguyên, chớ còn chi là chủ quyền của một quốc gia.
Các quan đều tỏ ra bất bình. Nhất là sự vô lễ và ngạo mạn của Sài Thung, khiến nhiều vị đại thần đòi phải trị cho hắn một trận, như xưa kia tiên đế đã trừng trị Trương Đình Trân.
Thấy các quan phẫn nộ, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải bèn nói:
– Vâng thánh chỉ, tôi lên tận biên ải đón Sài Thung. Thực quả y là một kẻ kiêu ngạo. Nhưng nghĩ cũng thương tình, vì rằng các vương tử phủ Hưng Đạo đã đánh một trận hết sức ngoạn mục, khiến y đau mà không kêu vào đâu được. Thành thử y tìm mọi cách trả thù. Đây là một tiểu tâm thù vặt có tính truyền thống lâu đời, từ thiên tử tới các bậc đại quan bên thượng quốc đối với các lân bang, mà họ thường gọi một cách xách mé là tứ di. Bệnh này đã ăn sâu vào tới cao hoang từ đời Hán, Đường, Tống tới nay không thuốc nào chữa trị được đâu Ngoại trừ ta có sức mạnh như thời Lý Nhân tông, dùng Lý Thường Kiệt với kế “Tiên chế phát nhân” (tiến công để phòng thủ).
Thái úy Trần Quang Khải vừa dứt lời thì thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện tiếp ngay. Kiện là con của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Khang là con nhận của thái thượng hoàng, về ngôi thứ là anh Thánh tông, là bác của Nhân tông. Vì thế Kiện là anh em thúc bá với nhà vua.
(Trần Quốc Khang, nguyên là con của Thuận Thiên với Trần Liễu. Khi Thuận Thiên đã có mang với Trần Liễu được ba tháng, theo ý của Thiên Cực công chúa với Trần Thủ Độ ép Trần Liễu phải nhường Thuận Thiên cho Trần Thái tôn. Vậy là nhà vua buộc phải lấy chị dâu mình làm vợ.)
Kiện nói:
– Liệu nước ta so với nước Tống ai yếu ai mạnh? Đất nước ta so với đất nước Tống ai lớn ai nhỏ?
Kiện đặt ra hai câu hỏi, lại tự trả lời:
– Lực của ta so với lực Tống như con kiến so với con voi. Đất ta so với đất Tống như chiếc khuy so với cả chiếc áo. Ấy vậy mà nước Tống bị vó ngựa Thát-đát đạp đổ thành trì, vua tôi khốn đốn, nhà Tống diệt vong.
Nước ta, hồi còn tiên đế quả có đánh thắng quân Thát-đát khi chúng đem binh vào cõi. Nhưng lực của Thát-đát năm Đinh tỵ (1257) so với lực nhà Nguyên hiện nay, thật là một trời một vực. Xin bệ hạ hãy cân nhắc cho thận trọng. Tôn miếu, xã tắc, số phận mất hay còn của hàng triệu sinh linh, đều nằm trong tay bệ hạ; không thể xem như là việc dốc túi đánh một nước bạc cuối cùng, rồi muốn ra sao thì ra.
Nói xong, Kiện ngồi xuống cứ xoay đi xoay lại chiếc mũ bình thiên ở trên dầu. Kiện có thói quen nghịch mũ. Và đó là cử chỉ tự hài lòng.
Vua Nhân tôn đưa mắt nhìn khắp lượt xem triều thần còn có ai muốn nói nữa.
Nhà vua thấy Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đang nhúc nhắc xem lại chỗ ngồi. Quả là Ích Tắc xin được nói.
Nhà vua vẫy tay khích lệ. Ích Tắc là con thứ ba của thái thượng hoàng, là em kế của thượng hoàng Trần Thánh tông, và thái úy Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, tức là chú ruột nhà vua. Ông có một đầu óc thông tuệ khác thường. Ông cũng là người tài hoa bậc nhất kinh thành: cầm, kì, thi, họa ngón nào cũng tinh thông. ông có mở trường dạy học tại nhà. Học trò của ông thuần những tay thần đồng cự phách, như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Phóng… được ông tuyển lựa và gom về nuôi, dạy. Gần đây ông mới được nhà vua tấn phong thượng tướng trấn trị lộ Tam Đái Giang. Có thể nói, sau Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, ông là người được cả triều đình kính nể, trước hết bởi học vấn uyên bác hơn đời.
Nhẹ dưa hai bàn tay sửa lại chiếc mũ đội đầu, xốc lại cổ áo sau đó e hèm hắng giọng, Trần ích Tắc nhìn khắp cử tọa, rồi ông dừng cặp mắt phượng nơi Trần Kiện, nửa như đồng tình, nửa như răn dạy, ông nói:
– Không hẳn như thượng vị Chương Hiến hầu đã nói, Đại Việt ta vua tôi đều dốc lòng vì nước, sức mạnh đó không thể hình dung hết được đâu. Các bậc minh quân và tướng giỏi xưa nay đều xem sức mạnh lòng người như là một đội quân bất khả chiến thắng. Vả lại đã gọi là binh, thì không nên đem ra tranh cường. Bất đắc dĩ có phải sử dụng đến, chỉ nên dùng vào việc cứu dân, trừ bạo nghịch – Dừng một lát, ông lại nói: – Tuy nhiên, ta cũng đã đọc nhiều sách, tham bác việc dùng binh các đời, chưa từng thấy có thời nào, nước nào, người nào lại dùng binh một cách tuyệt luân như người Thát-đát. Đưa ngựa vào việc binh, thì từ thời thượng cổ, người Trung Hoa cũng đã có dùng vào việc kéo xe. Nó chỉ là một phương tiện cho con người. Hoặc để đi xa, đi nhanh, giúp cho con người đỡ mệt. Nhưng ngựa trong tay người Thát-đát, nó không chỉ là phương tiện, mà còn là mục đích của việc binh. Bản thân nó được xem như là một tân vũ khí lợi hại, nhân loại chưa từng biết. Vì vậy, người Thát-đát đã tung hoành hầu khắp gầm trời này, gần như không có đối thủ. Trung Nguyên đất rộng, người đông, của cải, tài trí đâu có thiếu. Trí như Văn Thiên Tường, dũng như Vương Công Kiên không phải là ít. Ấy vậy mà các vua Tống từ Tống Cung đế Triệu Hiển đến Tống Tường Hưng kẻ bị bắt đưa về Đại đô, kẻ nhảy xuống biển mà chết. Nhà Tống tuyệt diệt. Các việc sờ sờ ra đó, Đại Việt ta không thể không tham bác cho cạn nhẽ, kẻo lỡ mất cơ hội tốt. Bởi vậy, việc tiếp sứ là một việc tế vi không thể khinh mạn người ta được. Là nước bề tôi, ta phải khu xử khôn khéo. Sao cho giữ được quốc thể, lại không mếch lòng sứ. Nếu sứ thần bất mãn, thời chẳng mấy chốc lại dẫn tới can qua.
Chiêu Quốc vương nói chưa dứt lời thì có điệp văn của Sài Thung từ nhà công quán gửi tới.
Vua Nhân tôn trao cho hàn lâm thị độc, tuyên đọc cho cả triều đình cùng nghe. Quan hàn lâm cao giọng:
– …Bữa trước, tiếp chiếu của thiên tử nhà Đại Nguyên, quốc vương An Nam đã không chịu lạy chiếu. Nay thết yến sứ giả thiên triều, lại định bày ngoài hành lang đại điện. Thật là một sự khinh mạn. Sứ giả nhà Đại nguyên báo cho nhà vua được biết, nếu dạ yến không được đặt tại điện Tập Hiền thì sứ đoàn chúng tôi xin cáo thoái…
Việc này không phải bàn bạc gì. Vua Nhân tôn chấp thuận yêu sách của Sài Thung. Các đại thần cũng cho là phải. Bởi lẽ việc đó không có gì phương hại đến quốc thể. Song ai cũng lấy làm ngạc nhiên và tự hỏi: – “Tại sao Sài Thung lại trở nên ôn hòa đến như vậy?”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!