Thăng Long Nổi Giận
Chương 21
Sớm ngày mùng một tết (Tết ất dậu, tức ngày 6-2-1285), Thăng Long vắng ngắt. Hai cha con Trần Thánh tông, Trần Nhân tông cùng một vài quan đại thần vào dâng hương trong nhà thái miếu. Lễ vật do phủ Tông chinh dâng biện rất sơ sài, chỉ có hương đăng, sớ điệp. Hai vua làm lễ xong rồi trở về cung làm việc. Trần Nhân tông tự đốc thúc đội thiên tử binh, phối thuộc có Chiêu Thành vương đứng đầu các đội cấm vệ quân. Thượng tướng Trần Quang Khải cũng đã lo xong việc phòng thủ kinh thành; lại có thêm cả đội quân của tráng sĩ thiếu niên Trần Quốc Toản phụ trấn. Cũng từ hôm nay, nhà vua không dùng mũ áo hoàng đế như thời bình nữa, mà dùng y phục thường dân để đi lại cho tiện. Một lần nữa nhà vua lại cùng đi với quan đại an phủ sứ của kinh sư để úy lạo dân binh. Qua các phố phường, chỗ nào cũng thấy san sát các chữ “SÁT THÁT” to tướng viết lên các tường vôi, hoặc viết vào giấy dán lên tường. Nhà vua dừng lại xem hơi lâu trong một đám độ năm sáu cụ già, đang hý hoáy viết những dòng chữ: “Tất cả các quận, huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến phải liều chết mà đánh. Nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng…”. Các cụ vừa viết xong thì nhà vua tiến lại hỏi:
S
– Sao các cụ không đi lánh giặc?
Các cụ cùng cười trơ cả hai hàng lợi móm, đáp:
– Chúng tôi ở lại đánh giặc với con cháu. Một cụ chỉ vào những dòng chữ viết còn chưa ráo mực nói:
– Viết ra những lời kia, không phải để trốn chạy.
Đúng là các cụ không biết rằng mình đang nói chuyện với đức vua và quan đại an phủ sứ. Tới một quãng có bức tường vôi trắng của nhà quan ngự sử, các cụ dừng lại viết tiếp. Những bảng treo, những chữ viết như “SÁT THÁT”, “THANH DÔ… đã nhan nhản khắp phố phường Thăng Long; nhan nhản khắp nước.
Vua Trần Nhân tông rất đẹp lòng về thần dân của mình.
Quãng gần trưa ngày mùng một Tết, thì quan thiện trung đại phu Nguyễn Đức Dư, đi sứ đã về tới Thăng Long. Thấy cảnh kinh thành hoang vắng, trong bụng ông hơi lo. Nguyễn Đức Dư đi thẳng vào cung Thánh từ, nhưng phải trở ra cung Quan triều mới gặp được thượng hoàng Trần Thánh tông. Trước hết, ông trình vua việc Thoát-hoan giữ quan triều thỉnh lang Nguyễn Văn Hàn; rồi dâng bức thư của Thoát- hoan gửi vua Trần, nói lại các việc mắt thấy tai nghe trên đường đi về, và tất cả những điều lượm lặt được trong trướng hổ của Thoát-hoan. Riêng việc một mỹ nữ đến báo cho các điều quan yếu, và xưng mình là “Nghĩa nữ của Thăng Long” thì tới nay ông vẫn chưa hiểu được người đó là ai. Còn viên tổng bả A-li, chỉ đưa sứ ta hết địa phận quân Thát-đát chiếm giữ, rồi y quay lại. Đức vua suy ngẫm giây lâu cũng không giải đoán được. Bỗng nhà vua “à” lên một tiếng rồi bảo:
– Hay hỏi bên phủ Chiêu Minh có đặt ngoại gián ở bên đó không? Nhà vua cho người đi triệu cả quan gia và thượng tướng Trần Quang Khải cùng tới nghị bàn.
Khi vua Nhân tông và thượng tướng Trần Quang Khải đã tới chầu, thượng hoàng mới cho mở thư của Thoát-hoan ra đọc. Trần Thánh tông giận dữ ném thư đi và mắng:
– Quân lang sói. Đem năm mươi vạn binh mã đánh tràn vào đất người ta, lại còn cứ nhai nhải đòi quốc vương người ta phải ra đón. Bỗng nhà vua cười ngất, rồi tiếp – Đến lúc này mà thằng nhãi ranh Thoát-hoan vẫn cứ mở mồm nói là: “Mượn đường đi đánh Chiêm Thành chớ không có ý dòm dỏ An Nam” – Khanh có biết tên nào thảo dụ này không? – Trần Thánh tông quay ra hỏi Nguyễn Đức Dư – Lý Hằng hay Ô-mã-nhi?
– Dạ, muôn tâu, dụ này do tên A-lí Hải-nha viết. Người tự xưng là “Nghĩa nữ của Thăng Long” đã nói với thần như vậy.
Bỗng Trần Quang Khải reo lên:
– Thánh thật! – Tâu bệ hạ, chính anh Quốc Tuấn đã đoán chắc có tên A-lí Hải-nha đang ở dưới trướng Thoát-hoan, nhưng y giấu mặt. Còn việc nàng nghĩa nữ của Thăng Long, gửi lời chào hoàng muội An Tư thần cũng chẳng biết là ai. Tiếc rằng hoàng muội vừa về Long Hưng lánh nạn hôm qua. Có nhẽ lại phải phiền quan thiện trung đại phu về Vạn Kiếp cho một chuyến, may ra sự việc mới được tỏ sáng.
Thánh tông cũng quyết: Tạm chấm dứt công việc bang giao với nhà Nguyên.
Lại nói về Thoát-hoan sau khi chiếm được ải Nội Bàng, bèn hội tả hữu lại bàn. Y nói phủ đầu:
– Vậy là ngọn cờ nhà Đại Nguyên trỏ về đâu thì ở đó phải thành tro bụi. Ta tiếc các ngươi tiến binh quá nhanh để cho Hưng Đạo trốn thoát. Nhân thừa thắng, ta định đưa đại quân đánh thẳng vào Vạn Kiếp bắt sống Hưng Đạo, rồi vào Thăng Long bắt cha con Nhật Huyên trị tội luôn thể. Ý các ông thế nào? – Thoát-hoan gặng hỏi.
Ô-mã-nhi bèn thưa:
– Cao ý của Trấn Nam vương dạy rất phải. Nếu kẻ địch đã thua chạy, ta phải truy đuổi đến cùng, không cho chúng ngưng nghỉ một giây nào để chúng không có thời cơ tụ quân hồi sức.
– Phải, ông nói rất hợp ý ta – Thoát-hoan ngắt lời Ô-mã-nhi và hỏi tiếp – Vậy chớ thuyền bè hiện có trong tay ông là bao nhiêu? Thủy binh ta đã sẵn sàng khai chiến được chưa?
– Dạ bẩm, thần hiện có trong tay non bốn trăm chiếc thuyền. Đấy là thuyền quân đi thu gom, phần nhiều là các thuyền chài lưới nhỏ bé, thuyền buôn mỏng mảnh mà dân quê đã chọc thủng hoặc đốt cháy dở dang. Quân đang ngày đêm sửa chữa, gia cố để dùng tạm. Dù có sửa xong thì cũng chỉ dùng để chở quân chứ không thể làm thuyền chiến được Một số khác đang cho quân vào rừng xẻ gỗ đóng, nhưng phải vài tháng công việc mới hoàn tất. Bẩm Trấn Nam vương, quân đi do thám về nói rằng, chu sư của Hưng Đạo có trên một ngàn thuyền chiến; chiếc nhỏ cũng chở được một đô quân. Lại người Nam quen thuộc sông nước thạo nghề đánh thủy, cho nên ta không thể coi thường chúng được.
Ô-mã-nhi vừa dứt lời thì viên vạn hộ Bột-la-cáp-đáp-nhĩ (Bolquadar) tiếp luôn:
– Tâu Trấn Nam vương, tiểu tướng đánh với giặc trên ải Lão Thử, do viên tướng Trần là Phạm Ngũ Lão trấn giữ, tuy có đuổi được giặc đi, nhưng không phải thắng được chúng dễ dàng đâu. Viên tướng này ranh ma lắm, và quân An Nam cũng không phải loại giặc cỏ như ta thường nói về chúng.
Nghe Bột-la-cáp-đáp-nhĩ nói trái tai, Thoát-hoan đưa mắt lườm y và vẫy tay cho y an tọa.
Vạn hộ Lý Bang Hiến ngồi cạnh vạn hộ Nghê Nhuận cũng ghé tai nhau thì thầm: “Ông ta nói đúng. Thắng được quân An Nam không dễ đâu”. Ấy là hai viên tướng người Hán nói nhỏ với nhau vậy thôi, chứ không dám hở môi trước người Mông Cổ.
Tả hữu im phăng phắc. Các tướng đều sợ nói hết sự thật về các thiệt hại trong quân, và tinh thần chiến đấu bền bỉ của người An Nam sẽ làm Trấn Nam vương nổi giận. Mà không nói, cứ để tiến quân hồ đồ, chắc không tránh khỏi tai họa. Biết dưới trướng chỉ có hai người mà Thoát-hoan tin nể là A- lí Hải-nha và Lý Hằng, nên các tướng đều dồn mắt nhìn về phía họ.
A-lí Hải-nha và Lý Hằng đều biết vị thế của mình lắm. Không phải bọn họ không có chủ kiến trong thế trận mới này, mà họ muốn nghe các tướng đã đương đầu với quân Đại Việt nói về các chỗ mạnh yếu của đôi bên, để từ đó định ra kế sách tiến binh cho đắc lợi.
Sợ để lâu bầu không khí căng thẳng này sẽ khiến cho Thoát-hoan nổi nóng, Lý Hằng lên tiếng:
– Cái chí của Trấn Nam vương là phải bắt Hưng Đạo trưowsc, bắt cha con Nhật Huyên sau là vô cùng anh minh. Thật ra, nếu bắt được Hưng Đạo thời cha con Nhật Huyên phải tự trói mình đến lạy trước trướng, chứ vương cũng không cần phải tiến binh nữa. Tuy vậy, muốn bắt được con mãnh hổ này, ta phải tinh tuyển phường săn cho thật tốt, kẻo lại vồ hụt như trận Nội Bàng vừa qua thì phí sức. Vừa rồi, tướng Ô-mã-nhi nói đang đốc thúc thuyền bè dùng cho thủy binh. Chắc không thể hoàn tất từng ấy con thuyền cùng dây buộc, buồm, lái mà chỉ trong một vài ngày. Lại nữa, ta cũng phải đợi một một vài ngày nữa cho quân từ Tư Minh còn sang kịp. Trận này xin vương cho quân đã tham chiến được tạm nghỉ, chỉ lấy thuần quân mạnh khỏe mới từ bên nước đưa sang để vào trận.
Thật ra, Lý Hằng cũng không thể nói hết các điều mà y nghĩ. Qua đấu tài đọ sức với Hưng Đạo và quân sĩ nhà Trần y tự biết cần phải làm gì trước khi đối đầu trở lại với ông. Chính vì thế y muốn Thoát-hoan lui ngày tiến binh lại ít bữa để còn soạn sửa công việc cho thật chu đáo, kín nhẹm thì mới có cơ may đánh bại vương. Nếu đánh bại được Hưng Đạo, thì công việc còn lại chỉ là sắp đặt các chức quan cai trị trong toàn cõi Đại Việt mà thôi.
A-lí Hải-nha cũng nói:
– Trong quân có quá nửa là người Hán, người Miêu, phong tục của họ không có gì thiêng liêng bằng ngày tết, mà bữa nay đã là ngày hai mươi chín, xin Trấn Nam vương gia ân cho họ hưu chiến ba ngày để họ vừa ăn tết, vừa lo nốt các việc quân đụng. Lại xét kỹ các nguồn tin do thám, thời số quân của Hưng Đạo đã điều về Vạn Kiếp ước khoảng hơn hai mươi vạn, nhất là thủy binh và tượng binh của họ không thể coi thường được.
Các điều do Lý Hằng, A-lí Hải-nha tâu xin, Thoát-hoan đều ưng ý cả.
Riêng A-lí Hải-nha thấy còn một việc nữa nên làm, ấy là dụ bảo vua Trần ra hàng. Y biết trụ cột của nước này là Hưng Đạo. Nếu Hưng Đạo bị vây khốn, vua Trần sẽ hốt hoảng mà ra hàng. Nhật Huyên đã hàng rồi thì lòng quân sinh biến, lúc ấy Trấn Nam vương không dụ, Hưng Đạo cũng về hàng. Nhưng vây bủa được viên tướng này cũng không phải là việc dễ. Vả lại, nếu khinh xuất, lỡ để xảy ra điều gì thời ân hận suốt đời. A-lí Hải-nha nhớ, trước giờ xuất chinh, hoàng đế Hốt-tất-liệt còn tới thăm quân và gọi riêng y với Lý Hằng vào trong trướng để ủy thác. Thiên tủ phán: “ Nay thái tử lĩnh ấn Nam chinh, vũ dũng tuy có thừa mà cơ mưu còn nông cạn, khiếm khuyết lắm. Hai ngươi là chân tay thân tín của ta cùng phò thái tử, sao cho cuộc chinh phục đại thành tựu, thời công các ngươi lớn lắm. Các ngươi nên nhớ, năm Đinh tị, Ngột-lương-hợp-thai đã thua trận ở xứ này. Vậy ta ủy thác hai ngươi phải trợ giúp thái tử cho viên mãn. Vạn nhất xảy ra điều gì rủi ro, thời tội của hai ngươi cũng lớn lắm… “.
Lời ủy thác nghiêm cẩn ấy như còn văng vẳng bên tai khiến A-lí Hải-nha lại càng phải cẩn trọng.
Thấy các tướng đều nói về sức mạnh của quân Đại Việt cùng với sự nể trọng trước tài cầm quân của Hưng Đạo, đã làm cho Thoát-hoan phải nghĩ lại. Bởi y không thể coi thường lời bàn của các tướng tài lỗi lạc, mà vua cha đã ưu ái cho theo để giúp rập trong quân. Thoát-hoan bèn cho tả hữu lui hết, chỉ lưu A-lí Hải-nha và Lý Hằng dưới trướng.
– Ta hỏi thật các ông, có phải quân ta sợ quân An Nam không?
– Tâu đại vương, làm gì có chuyện ấy – Lý Hằng đáp.
– Sao ta thấy tướng nào cũng nói bọn chúng ghê gớm thế. Lại còn chuyện đám sĩ tốt An Nam dám hỗn xược thích hai chữ “Sát Thát” vào cánh tay. Ta hẹn, vào Thăng Long, ta sẽ cho quân chặt đủ một vạn cánh tay có chữ ấy, xếp chật đến nóc điện Thiên An, rồi nhốt cha con Nhật Huyên cùng Hưng Đạo vào đó.
– Tâu đại vương – A-lí Hải-nha điềm đạm nói – Các tướng chỉ muốn lưu ý: quân Đại Việt không phải là đám giặc cỏ, mà chúng là những binh sĩ đã được huấn luyện đầy đủ, chớ coi thường chúng.
Thoát-hoan dằn giọng hỏi tiếp:
– Ta thấy các tướng có vẻ kính nể Hưng Đạo, điều ấy có đúng không? Hai ông cho Hưng Đạo là người như thế nào?
– Tâu đại vương, Hưng Đạo là một tướng biết đánh trận, biết thua trận – A-lí Hải-nha đáp.
– Bẩm đại vương, Hưng Đạo là một tướng quỷ quyệt – Lý Hằng nói.
– Thế nào là biết đánh trận, biết thua trận?
– Tâu đại vương – A-lí Hải-nha nói – Cứ xem cách bày trận, cách phòng chống của quân An Nam đủ biết Hưng Đạo là người có kiến thức hơn đời nhiều lắm. Trận bày lộ mà kín như bưng. Thế trận tưởng như dễ phá, nhưng thực biến ảo khôn lường. Lại lấy quân ít chống quân nhiều mà quân không rối. Như thế gọi là tướng biết đánh trận. Nhưng biết thua trận mới thực là tướng giỏi. Tâu đại vương, đại quân ta tràn qua biên thùy, phá vỡ các ải, tiến sâu vào trong cõi họ, như thế là họ đã thua. Tuy chưa thua hẳn, nhưng vẫn là thua. Họ thua nhưng vẫn bảo tồn được binh lực, vẫn lập lại được trận tuyến tức thời để chống lại ta. Thế quân họ vẫn vững. Như thế gọi là tướng biết thua trận.
– Còn ông? – Thoát-hoan hất hàm hỏi Lý Hằng – ông bảo Hưng Đạo là một tướng quỷ quyệt. Vậy thế nào là một tướng qủy quyệt?
– Bẩm đại vương, Lý Hằng đáp – Khi đại quân ta đang ở Kinh Hồ, Hưng Đạo đã cho quân củng cố các đồn ải vững chắc, lại cử các tướng lão luyện lên trấn chẹn các nơi hiểm yếu. Tưởng như họ phải quyết giữ ải đến người cuối cùng, nhưng họ đã bất ngờ rút đi thực là kín nhẹm. Khi quân ta chợt nhận ra truy đuổi, lập tức thế trận lửa lại đột ngột nổi lên. Cứ ngỡ họ đang tạo thế phản công, nhưng thực ra là họ lui hẳn. Tướng mà cơ mưu quyền biến khiến đối phương không dò đoán được ý đồ, như vậy là tướng sảo lắm chứ.
Khi Lý Hằng nói dứt lời, Thoát-hoan có vẻ tư lự. Con người này như đang có gì lao lung suy ngẫm. Chợt Thoát-hoan ngửng phắt đầu lên nói với giọng quả quyết:
– Ta sẽ xin thiên tử cấp thêm hai mươi vạn binh nữa. Ta thề phải bắt bằng được Hưng Đạo đưa về dưới trướng.
A-lí Hải-nha thầm nghĩ: “Ta với Lý Hằng chỉ răn đe, cho thái tử bớt nóng nẩy hồ đồ, ai dè chính ông ta lại đâm nể sợ Hưng Đạo. Đến nỗi quân chưa vào trận lớn đã vội xin thêm viện binh, chắc gì thiên tử y cho. Dù thiên tử có cho thêm quân, thì cũng phải nửa năm nữa mới tới nơi được. Từ nay đến lúc đó, thế cuộc chắc đã đổi thay nhiều lắm”.
Lý Hằng không nghĩ gì về việc Thoát-hoan đòi xin thêm viện binh, mà ông ta thực sự lo phải đối đầu với một tướng dầy dạn như Hưng Đạo, lại thêm tinh thần binh sĩ đã được phấn khích tới tức giận thích cả chữ vào người; đánh bại được đội quân ấy thực không dễ. Nghĩ vậy, nhưng Lý Hằng không dám tỏ lộ ra ngoài.
Sau khi đã bàn bạc việc sắp xếp tướng lĩnh chỉ huy, điều thêm binh lực, lương thảo, khí giới, thuyền bè và định ngày tiến binh, A-lí Hải-nha còn xin thêm một việc nữa. Y nói:
– Tâu đại vương, bữa trước ta giữ tên Nguyễn Văn Hàn lại trong quân, có nhẽ đã đến lúc phải đem dùng.
Thoát-hoan chưa hiểu ý của A-lí Hải-nha, bèn hỏi:
– Ý ông muốn nói đến khai đao tế cờ trước lúc xuất quân?
– Bẩm đâu có chuyện ấy, chỉ phiền đại vương cho thêm một đạo dụ, vời cha con Nhật Huyên đến dưới trướng. Ta dùng Nguyễn Văn Hàn vào việc này.
– Lại dụ nữa à? – Thoát-hoan nhắc lại – Dụ mãi rồi, nó có đến đâu mà dụ. Theo ta, cứ đánh thật dữ vào, tới khi cha con vua tôi nó không còn đất dung thân, thời chẳng cần dụ, vời gì chúng cũng phải đến dưới trướng ta quỳ lạy.
A-lí Hải-nha mỉm cười:
– Tâu chủ tướng, “dụ” tức là đánh giặc bằng lý lẽ, bằng đe dọa, nhàn sức quân lắm. Xưa kia Hàn Tín chỉ gửi một bức thư mà lấy được cả nước Yên. Sao ta không theo kế ấy?
Thoát-hoan phẩy tay:
– Ừ thì dụ. Ông đem sao lại bản lưu hôm trước mà gửi đi cũng được.
– Xin Trấn Nam vương cho phép, thần thảo một dụ khác. Bởi tình thế lúc này đã khác trước nhiều lắm, không thể dùng lại đạo dụ cũ được.
– Vậy ông cứ thảo đi, ta ký.
Lại nói về Trần Hưng Đạo từ bữa lui quân về Vạn Kiếp, điểm lại quân mã từ khắp các cửa ải chỉ mất có vài trăm. Thi hài tướng Tần Sầm tử trận được đưa về quàn làm lễ cầu siêu tại một ngôi chùa, gần đại bản doanh của quốc công rồi hỏa táng. Trước đông đảo tướng lĩnh và sĩ tốt, Hưng Đạo nói lời vĩnh biệt thống thiết, khiến mọi người xúc động. Tướng sĩ đồng lòng hứa giết nhiều giặc Thát để trả thù cho người anh hùng vừa ngã xuống. Mọi người đều giơ cánh tay trần lên trời hô lớn: Sát Thát! Sát Thát! S… á.. t T.. h.. á… t!
Tiếng hô rung chuyển cả núi rừng. Trong hàng ngàn hàng vạn cánh tay giơ lên kia, không một cánh tay nào không lóa xanh hai chữ “SÁT THÁT”.
Sau ba ngày từ Nội Bàng về, quốc công tiết chế đã điều xong quân các ngả tới Vạn Kiếp, và cắt cử đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Vua Nhân tông cũng vừa gửi đến quốc công một đạo dụ vấn an tướng sĩ. Nhà vua hứa: “Đích thân trẫm sẽ đem đại đội thuỷ bộ tiếp ứng cho Vạn Kiếp”.
Hưng Đạo cho thư nhi sao thành nhiều bản, gửi tới tận các đô để khích lệ tinh thần binh sĩ.
Đúng mười ngày sau khi đánh vào Nội Bàng, Thoát-hoan lại nhất loạt đánh vào Vạn Kiếp. Quân chia làm sáu ngả cùng tiến. Vạn Kiếp, Bình Than, Phả Lại là những nơi giặc liều chết đánh lấy. Quân ta đánh trả vô cùng mãnh liệt, giặc chết như rạ. Sau một ngày giao chiến, giặc bốn lần tiến lên là bốn lần bị đánh bật trở lại. Thế trận quân ta vững như bàn thạch. Ngay đêm đó Trần Nhân tông tự dẫn non một nghìn thuyền chiến và gần hai vạn quân đến tiếp ứng cho Hưng Đạo. Được tin nhà vua tới đốc chiến, không khí mặt trận phấn khích hẳn lên. Tới chiều ngày thứ hai của trận đánh, tướng giặc là vạn hộ Nghê Nhuận đang cố sống cố chết để chiếm lấy đất Phả Lại. Quân ta lừa suýt bắt được y. Y liều chết đánh để thoát thân lại rơi vào ổ phục kích. Trời sẩm tối, quân ta dùng nỏ liên châu bắn như mưa vào quân giặc. Nghê Nhuận trúng tên tẩm độc chết ngay. Giặc bỏ cả khí giới cướp lấy xác Nghê Nhuận mà chạy. Ta thắng mấy ngày liền, nhưng Hưng Đạo không cho thế là giặc đã suy yếu. Ngay đêm ấy quốc công tiết chế bàn với vua Nhân tông:
– Cứ xem cách đánh của bọn A-lí Hải-nha thì thế quân của giặc vẫn còn nhàn lắm. Vì sao vậy? Là vì chúng ra khỏi cõi chưa được bao xa. Và với số quân đông dường ấy, mà chỉ tập trung vào một địa thế không lớn lắm, thời chúng sẽ có ưu thế về sức mạnh. Thêm nữa, sức quân nó còn đang hăng, lại binh khí lương thảo còn đầy đủ. Ta tuy có làm kế thanh dã, nhưng giặc chưa thiếu lương. Ta tuy có giết được quân chúng, nhưng chưa nhiều, chưa đến mức thiếu thốn, khốn đốn. Lại thời khí đang là mùa đông, rất hợp với người phương bắc. Quân ta tuy mạnh, nhưng lấy cái mạnh ít, áp chế cái mạnh nhiều, vị tất đã thắng. Cho nên phải để cho quân nó vào sâu trong cõi ta, lực lượng nó phải tản ra để giữ các vùng đất vừa chiếm được. Rồi mùa hè đến nóng nực, mưa ẩm, các bệnh thời khí sẽ phát. Lúc ấy lực nó khác nào một bó đũa đã ném tung tóe ra mỗi nơi một chiếc, ta sẽ dùng kế đua ngựa của Điền Kỵ, chắc chỉ vài trận là trừ xong giặc dữ, xin bệ hạ xét kỹ.
(Điền Kỵ- tướng quốc nước Tề thời Chiến quốc (Trung Hoa cổ đại) đã dám nhận đua ngựa với vua Tề. ông cho ngựa loại ba của mình đua với ngựa loại nhất của nhà vua; lại cho ngựa loại nhất của mình đua với ngựa loại thứ hai của nhà vua, cuối cùng là ngựa loại hai của ông đua với ngựa loại ba của vua. Kết quả, đàn ngựa thường của ông đã thắng ngựa đua nổi tiếng của vua với tỷ số 2/1.)
Trần Nhân tông khi vừa nghe Hưng Đạo nói về sức mạnh của giặc có vẻ không vui, sắc mặt ngài chợt ửng đỏ. Nhà vua hiểu ý Hưng Đạo muốn lui quân. Việc ấy thật khó chấp nhận. Vì chính nhà vua đã chỉ huy chiến thuyền đánh với nguyên súy Ô-mã-nhi và chiêu thảo Nạp-hải (Naquai) suốt một ngày bất phân thắng phụ, khí thế ba quân đang hăng, sao phải thoái? Nhưng tới khi nghe hết các điều phải quấy, cái mạnh yếu của mỗi bên, vua thấy rõ năng lực, quyền biến tới mức quán thông của quốc công tiết chế, liền phán:
– Ngày hội quân, trẫm đã trao cho quốc công cờ tiết cùng thanh bảo kiếm, cũng tựa như đời xưa các bậc thánh đế trao cái việt, cái phủ cho tướng khi ra trận. Tình thế như thế nào quốc công cứ tùy tiện. Sự có mặt của trẫm ở đây cũng ví như là một sự thanh viện để khích lệ tinh thần quân sĩ, chứ không có nghĩa là ép quốc công phải liều đánh.
(Đời cổ khi sai tướng ra trận làm lễ ở nhà Thái miếu, vua thân cầm cái việt, nâng đầu trao chuôi nói: Từ đây trở lên trời là thuộc quyền tướng quân coi trị; lại cầm cái phủ, nâng chuôi trao lưỡi nói: Từ đây trở xuống là thuộc quyền tướng quân coi trị- ở đây vua Nhân tông muốn khẳng định lại quyền tối hậu quyết định cho Trần Hưng Đạo).
Hưng Đạo thấy ý nhà vua đã thuận, liền hạ lệnh lui binh về đóng giữ tại sông Thiên Đức. Nhiều tướng rút quân mà lòng vẫn còn hậm hực, bởi cuộc giao tranh còn chưa phân thắng phụ, sao đã vội rút, khiến giặc coi thường quân ta. Nhất là Trần Quốc Toản theo đánh trong thủy đội của quan gia, đã hai ba lần suýt vây được Ô-mã-nhi, nhưng rồi viên trấn phủ Tôn Lâm Đức tung quân vào cứu nên chúng đều thoát. Cứ như sở nguyện của Trần Quốc Toản, thì hôm sau quyết bắt Ô-mã-nhi tại trận, để lập chút công mọn dâng vua.
Rạng sáng, Thoát-hoan cho quân hò reo dậy đất. Khắp một dải dài từ Phả Lại về Bình Than, Vạn Kiếp, quân giặc hùng hổ bắn pháo, bắn tên ào ào. Hàng chục vạn quân dàn hàng ngang cứ tiến một đoạn lại dừng, lại nghe ngóng. Bặt không có một tiếng pháo, một mũi tên bắn trả, chỉ thấy cờ, phướn hàng hàng nghiêm chỉnh và tiếng trống đồng thúc hối đến mê man. Quân ngơ ngác cho ngựa lưu tinh chạy về trung quân bẩm với Thoát-hoan. Thoát-hoan đưa mắt hỏi A-lí Hải-nha. A-lí Hải-nha nói:
– Coi chừng đây là kế của Hưng Đạo.
– Kế gì? – Thoát-hoan hỏi.
– Kế hư hư thực thực. Lấy thực làm hư, lấy hư làm thực để dụ địch.
Thoát-hoan ngửa mặt cười sằng sặc:
– Ông bình chương ơi, sao mà ông nhát vậy? Hưng Đạo sợ oai ta chạy trốn rồi. Phải bủa vây bắt lấy!
A-lí Hải-nha mặt biến sắc, can:
– Xin chủ tướng bình tâm. Chiến trận mới qua vài ngày. Quân thiên triều tuy có thắng nhưng giặc chưa thua. Đất nó, ta lấn bất quá chỉ nhích được non vài dặm. Quân nó, ta giết nhiều ít bao nhiêu chưa rõ. Thiệt hại hai bên chưa có gì đáng kể. Chưa có gì làm cho nó phải sợ ta mà chạy trốn. Xin chủ tướng hãy phòng bị kẻo bị mắc mưu giặc.
– Vậy ta phải làm gì bây giờ? Tiến hay lui? Thoát-hoan hỏi dồn.
A-lí Hải-nha thưa:
– Không tiến cũng không lui.
– Không tiến, không lui tức là cho quân đứng làm bia đỡ đạn?
– Không phải cho quân đứng hứng đạn, mà cho quân reo hò thách đánh. Chúng không ra, cho quân mạ lị Hưng Đạo, mạ lị cha con Nhật Huyên, mạ lị cả nước nó.
Thoát-hoan lại hỏi:
– Thách đánh nó không ra, mạ lị nó không ra thì làm gì nó? Kế này Khổng Minh đã dùng với Tư Mã Ý. Thậm chí Khổng Minh còn đưa khăn, yếm đàn bà làm nhục. Tư Mã Ý nhận khăn chứ không ra đánh. Nếu Hưng Đạo biết ta dùng kế của Khổng Minh, y lại dùng kế của Tư Mã Ý thì sao?
– Nếu nó nhất định không chịu ra, tiền quân ta hạ trại trước trại nó. Nghe ngóng thực hư thế nào rồi sẽ liệu.
Quân Thoát-hoan hết bắn pháo lại hò la chửi bới rồi thách đánh, rồi cắm trại nhổ trại, tới quá nửa chiều mới biết Hưng Đạo đã lui binh.
A-lí Hải-nha bị Thoát-hoan làm cho bẽ mặt.
Trong khi bọn Thoát-hoan còn đang tranh cãi nhau, thì tiền quân của Hưng Đạo đã đồn trú tại bờ nam sông Thiên Đức lập phòng tuyến, và hậu quân đi thẳng về phía bắc sông Cái lập thế trận cản giặc.
Đúng ngày giặc đánh vào Vạn Kiếp (ngày mùng sáu tháng giêng năm Ất Dậu (11-2-1285), triều thỉnh lang Nguyễn Văn Hàn thất thểu từ trại giặc về ra mắt thượng hoàng Trần Thánh tông và dâng thư của Thoát-hoan. Nhà vua hỏi cặn kẽ về nội tình giặc, cả việc chúng đối xử với ông và với Nguyễn Đức Dư trước đây.
Nguyễn Văn Hàn kể không sót một điều gì. Nhà vua lặng đi vì xúc động khi nghe mô tả việc Thoát-hoan hành hung quan thiện trung đại phu Nguyễn Đức Dư. Và rất hài lòng về khí phách Đại Việt đã được thể hiện qua lời lẽ cứng cỏi của Dư.
Ai ngờ Nguyễn Văn Hàn lại là người khiêm nhường quá mức, ông ta không kể những gì bản thân mình phải chịu đựng.
Thánh tông mở thư Thoát-hoan đọc. Vẫn là những lời lẽ láo xược, yêu sách quá đáng. Nào lừa phỉnh, chia rẽ: “… Thiên triều đem quân đánh Chiêm Thành, nhiều lần đưa thư
cho thế tử bảo mở đường đưa lương, không ngờ trái mệnh, để bọn Hưng Đạo vương đem quân chống lại, bắn quân ta bị thương..”. Nào dụ dỗ đe dọa: “… Thế tử hãy ra đón Trấn Nam vương cùng bàn việc quân, nếu không, đại quân sẽ đóng lại ở An Nam để mở phủ. “.
Chưa hẳn đoạn tuyệt với nhà Nguyên, nhưng Trần Thánh tông không cử sứ vào trại giặc nữa.
Lại nói khi Thoát-hoan chiếm được vùng Vạn Kiếp xốc tới Bình Than, Phả Lại – Suốt một dải đất mênh mông ấy, quân giặc đi tới đâu cũng chỉ thấy toàn đồng không, nhà trống, và các khẩu hiệu chống lại chúng. Giặc tức lắm, đập phá đồ đạc, đốt cháy nhà cửa nhiều vô kể, lại cho lừa ngựa quần nát vườn tược, lúa má. Giận hơn nữa là chúng chẳng kiếm được thứ gì quý hiếm trong dân. Ngay đến trâu bò, gà lợn, hoa quả chín là những thứ ăn ngay được mà bọn lính ưa thích sục sạo cũng không tìm ra.
Kể từ mắc kế của Hưng Đạo, A-lí Hải-nha tức uất như bò đá. Uất vì biết Hưng Đạo dùng kế “hư, thực”; nhưng không đoán nổi đó là thực hay là hư, đến nỗi thằng nhãi ranh Thoát-hoan cũng lỡm được. A-lí Hải-nha nhớ đến những ngày tung hoành trên đất Tống. An Nam chỉ bằng cái mắt voi so với cả con voi Tống mênh mông không giới hạn. Người An Nam lèo tèo thưa thớt, quân sĩ được là bao mà dám ngông nghênh. Tướng An Nam chỉ vài chục tên ỏe ọe, sao so được với hàng vạn tên tướng Tống tài ba. Vậy mà ta đã hạ không biết bao thành trì Tống. Ta đoạt Phàn Thành, hạ Tương Dương, Ngạc Châu, cướp Giang Lăng dễ như trở bàn tay. Vó ngựa quân ta trỏ về nam Trung Hoa, úp liền một dải hơn hai mươi châu quận từ Tần, Dung, Khâm, Hoành, Ung, tới tận Hải Nam. Ta đã chôn sống hoặc chém rụng hàng chục vạn thủ cấp quân Tống, dân Tống ở hai thành Đàm Châu, Tĩnh Giang vì đã hỗn hào dám chống lại ta. Ta đã uống rượu bằng óc hai viên tướng Tống như óc khỉ. Ta đã lấp sông, phá cầu, tháo nước… Ta đã tung hoành dọc ngang trời bể không sức nào cản nổi ta. Ta – Hốt-tất-liệt cũng phải kính nể. Vậy mà Hưng Đạo kia, mi lại dám chống ta; cả gan lừa ta! Ta thề sẽ lột da mi thay áo giáp, sẽ chém đầu mi lấy óc nhắm rượu trong đại điện Thiên An giữa Thăng Long. Ta sẽ… ta sẽ… Chỉ còn thiếu chút nữa là A-lí Hải-nha gầm lên, điên lên.
Thoát-hoan, bề ngoài có vẻ giận A-lí Hải-nha, nhưng thực y cũng biết nỗi lòng của con sư tử này. Vì vậy y sai Lý Hằng gom quân tức tốc đuổi theo Hưng Đạo đánh ập vào Thăng Long. Thế là lại một lần nữa, Hưng Đạo gọi được Thoát-hoan đem năm mươi vạn quân lật đật theo vết chân ông.
Hưng Đạo đem quân về tới Thăng Long liền cùng với Quang Khải xem xét lại việc phòng vệ hai bên bờ bắc, nam sông Cái. Hai ông cùng bàn tới việc phải đưa thêm quân về trấn tại Trường Yên, Thiên Trường cùng với những điểm xung yếu dọc sông Cái tới cửa bể. Khi hai ông ra tới bến Đông thì gặp một chiếc thuyền đinh vừa cập bến. Năm bô lão bước lên bờ râu tóc trắng phau. Mười hai dân binh đang neo chặt thuyền vào bến và dõi theo các bô lão. Quốc công và thượng tướng cùng đi về phía các cụ, và hỏi xem các cụ vào thành có việc gì. Vì hiện nay đang có lệnh cấm thuyền dân không được qua lại bến này, cớ sao thuyền các cụ lại lọt vào được.
Các cụ bèn xuất trình giấy tờ và vẫy đám dân binh khiêng lên một sọt đậy kín rơm rạ, nặng lắm.
Thì ra đây là quan công bộ Nguyễn Hiền tự sáng chế ra mẫu chông, đặt cho dân phường gốm Bát Tràng làm. Hưng Đạo liền mở sọt lấy ra một vài chiếc xem. Ông giật mình nhận ra đây là một loại vũ khí rất lợi hại. Hưng Đạo quay ra nói nhỏ với Quang Khải:
– Vương đệ thấy không, chế tác cực khéo. Mỗi hòn gồm ba mũi, vứt thế nào cũng có một mũi tên đứng thẳng. Nói rồi ông lẳng viên đất nung xuống đất. Quả có một mũi ngồi thẳng đứng.
Quang Khải lại cầm lên xem. Thì ra quan công bộ đã chế theo khối tam giác, mỗi mặt có một mũi tên bằng gốm tráng men không nhọn lắm, chiều dài mũi chông bất quá chỉ bằng một đốt ngón tay.
Xem xét giây lâu, Hưng Đạo vốc hẳn một vốc chông ném vội xuống đất. Lập tức các hòn chông đều “ngồi” xổm, và có một mũi nhọn chĩa lên trời nom như các chú ếch cốm đang rình mồi. Hưng Đạo cười phá lên:
– Hay lắm, chú Chiêu Minh! Những con ễnh ương này sẽ đón tiếp đám ngựa Hồ thiện chiến của Thoát-hoan.
Mấy ông lão sốt ruột giục:
– Hai ông đã xem giấy tờ. Xin trả lại cho chúng tôi đi, kẻo trễ.
Quang Khải hỏi:
– Các cụ đi đâu bây giờ?
– Chúng tôi phải đem những vật này đến phủ Thái sư, như lời quan công bộ dạy.
– Các cụ nung được nhiều chưa? Có mấy loại? Có màu gì khác không hay chỉ có màu xanh? – Hưng Đạo hỏi.
Các cụ hết nhìn hai vị lại nhìn nhau với vẻ ngần ngừ, rồi đáp:
– Nếu hai ông đã xem xét xong để chúng tôi đi. Các điều ông hỏi, tôi chỉ có nghĩa vụ bẩm với quan thái sư thôi. Nói rồi các cụ thu nhặt hết các hòn chông nằm rải rác trên mặt đất. Lại lấy luôn cả hòn chông Quang Khải đang cầm.
Quang Khải bèn rút túi đưa cho các cụ xem tín bài có ghi: “Thái sư, thượng tướng Chiêu Minh vương”. Trong đám các cụ có người biết chữ liền đọc cho cả năm người cùng nghe. Các cụ sửng sốt, miệng há tròn xoe mà không nói được. Giây lát bớt hồi hộp, cả năm cụ cùng sụp lạy.
Thượng tướng đỡ các cụ dậy và nói:
– Để các cụ phải khó nhọc thế này, triều đình thật có lỗi. Vậy chớ quan công bộ đã chi trả tiền công cho dân phường chưa? Các cụ đã làm được bao nhiêu lò rồi? Ngoài màu xanh lá cây này có làm được màu gì khác không? Thấy thái sư vỗ về hỏi han cặn kẽ, các cụ vui vẻ lắm. Một cụ đáp:
– Bẩm quan thái sư, quan công bộ cũng nói triều đình sẽ chi viện tất cả mọi khoản. Nhưng dân phường Bát Tràng chúng tôi xin được cung hiến sản phẩm của nghề cho quân đánh giặc. Chúng tôi mới đốt được năm lò, chừng sáu vạn chiếc. Lại đang vào tiếp năm lò. Số chờ khô để nhúng men cũng còn được dăm bảy lò nữa. Nếu quân dùng bằng ấy chưa đủ, chúng tôi sẽ dừng bát đĩa, ấm, chén lại để làm chông trong vài tháng.
Thái sư gật đầu tỏ ý bằng lòng.
Một cụ khác nói tiếp:
– Bẩm thái sư, dân chúng tôi làm cả thảy được bốn màu: – xanh lá cây – màu nâu đất – màu đen bùn – màu mốc như màu lá mục. Dạ theo như quan công bộ thì bốn màu ấy, mỗi màu hợp với một loại địa hình. Dạ thưa tất cả chỉ có một loại. Chúng tôi có xin quan công bộ cho làm một loại dài hơn để bẫy trong các khu đồng lầy thụt. Quan ông nói: không cần. Vì lầy thụt ngựa cũng không dám đi, hà cớ gì mà bẫy.
– Bao giờ thì triều đình có thể cho người đến lấy chông được – thượng tướng hỏi.
– Bẩm đức ông, để quân giữ sức đánh giặc, đinh tráng làng tôi tự chở đến nội trong đêm nay, xin đức ông cử người tới bến nhận.
Trong khi lò gốm Bát Tràng làm chông thì lò gốm Đông Sơn cũng làm chông để chu cấp cho quân hai lộ Hoan, Diễn. Các lò còn định sau khi chu cấp đủ cho quân triều đình sẽ làm gấp rút để phân phát cho dân binh các trấn, lộ đánh giặc.
Bởi việc đánh chông này cực kì đơn giản, bất cứ một người nào cũng có thể đánh được, chỉ cần chọn màu chông cho hợp với địa hình để quân giặc không có thể nhìn thấy từ xa.
Nhưng cũng khó nhìn thấy được, bởi bọn kỵ sĩ mắt híp đã nhảy lên mình ngựa là phóng như bay.
Sau khi ở bến Đông Bộ Đầu, Hưng Đạo xuống thuyền đi kiểm xét mạn thượng lưu. Ở đấy quân đang cắm cọc kè sông, ngăn không cho thuyền giặc xuôi về mạn Thăng Long. Quân còn đóng cọc ngầm và đặt pháo trên triền sông phía nam. Quốc công rất bằng lòng vì quân sĩ làm việc thật tận tình. Trời lạnh giá mà quân xoay trần ngâm mình trong nước, vẫn cười nói vui vẻ. Quốc công còn nhận thấy mấy đám dân chúng gánh gồng các thứ quà bánh đem úy lạo binh sĩ. Cứ mỗi nhóm như thế lại có một hai cụ già râu tóc bạc phơ dẫn đầu. Từ bữa trở lại Thăng Long, thấy khắp phố phường la liệt các biển do dân tự viết những lời hiệu triệu của triều đình, cũng như dân chúng tự nguyện làm các việc phục dịch trong quân, lòng ông như cũng được phấn khích thêm lên. Lại mục kích cảnh dân phường Bát Tràng làm chông bẫy ngựa; dân Chèm, Vẽ và các làng lân cận đi úy lạo quân binh. Lại nữa, các chiến sĩ đã trải qua mấy trận đánh từ biên ải đến Nội Bàng, Vạn Kiếp đều tỏ rõ chí ngoan cường Đại Việt, khiến ông có cảm nghĩ hào hùng: tinh thần binh sĩ như vậy, lòng dân như vậy, thì không một kẻ thù nào có thể khuất phục nổi. Và ông yên tâm vào trận.
Đúng hai ngày sau khi quân ta rút khỏi Vạn Kiếp, giặc lại tràn từ biên ải về chiếm lấy vùng đất Bắc Giang. Một mặt quân từ Vạn Kiếp cũng dồn về đánh Thăng Long. Nhưng tới sông Thiên Đức, chúng bị cản lại. Cuộc đánh nhau ở đây không lớn như ở Vạn Kiếp. Hai bên thiệt hại không nhiều. Nhưng dọc đường từ bờ nam sông Thiên Đức tới Bồ Đề, quân ta nghi binh đoạn thì cờ xí nghiêm trang, đoạn thì đốt lửa, khói mù trời, đoạn thì trống chiêng khua inh ỏi. Đoạn thì có quân phục, đoạn thì không có một bóng người nào. Thế trận cứ hư thực kỳ ảo, khiến cho quân giặc không biết làm thế nào mà đoán được. Nhưng có một tiểu trận làm cho giặc kinh hồn. ấy là sau khi quân ta đã rút khỏi bờ bắc sông Thiên Đức, phá cầu phao và chỉ trấn sơ sài bên bờ nam. Giặc bắn tên như mưa sang rồi cho quân ghép bè làm cầu vượt sông. Quân ta ở bên bờ nam hò hét thách đánh. Toán kỵ binh đầu tiên sang sông bèn thúc ngựa đuổi quân ta. Ngựa vừa chạy được vài trăm bước, con nào con nấy thét rống lên, chồm lên quật ngã kỵ sĩ rồi đổ lăn ra như một cây đại thụ vừa bị đốn. Cứ thế, ngựa giẫm lên ngựa, đạp lên người trong tiếng rống gầm, tiếng kêu thét thất thanh. Và xác người, xác ngựa ngổn ngang trong tiếng rên la giẫy đạp khủng khiếp. Tướng giặc Ô-mã-nhi từ dưới thúc ngựa lên xem. Ngựa không dám bước. Dường như những tiếng gầm rống của đồng loại đã làm cho các chiến mã phía sau khiếp sợ. Và cả một đống xác người, xác ngựa đang ngắc ngoải rên la cũng làm cho đám ngựa Hồ dạn dày chiến trận này chùn bước.
Ô-mã-nhi càng thúc, con chiến mã can trường vào bậc nhất của y càng lui bước, và đầu nó gục xuống không dám nhìn lũ đồng loại đang nằm ngửa, bốn vó đạp lên trời mà rên rỉ. Viên tướng bực tức xuống ngựa, sai bọn đô úy dẫn quân đổ bộ sục sạo vào hai mé rừng rậm bên đường. Quân về bẩm, không tìm thấy dấu vết có quân phục. Xem lại người ngựa bị chết cũng chẳng có một mũi tên nào. Chúng chết là do hoảng hốt lồng lên, giầy xéo lẫn nhau – “Vậy cái gì đã gây ra hỗn loạn?” Ô-mã-nhi gầm lên. Rồi cuối cùng cũng có kẻ nhặt lên được dăm bẩy hòn chông lẩn vào cỏ. Và chúng lại tìm thấy các mũi chông xuyên vào khe móng chân ngựa, hoặc cắm phập vào bàn chân những con ngựa quỵ ngã nằm kia.
Ô-mã-nhi cầm hòn chông ba mũi trong tay, mồm méo xệch đi vì tức giận. Y lại thúc quân tiến lên. Lần này thì quân bộ đi trước quân kỵ. Vì thế, có một đoạn đường ngắn từ bờ nam sông Thiên Đức về tới Bồ Đề, chúng phải đi suốt một ngày vẫn chưa tới. Ấy là chưa nói đến thỉnh thoảng chúng lại phải đánh trả các toán quân phục của ta.
Giặc gặp phải sức kháng cự mãnh hệt của quân triều đình ngay từ ngoại vi bờ bắc sông Cái. Nhưng rồi quân triều đình cũng lui qua phía bờ nam.
Thoát-hoan dẫn đại quân đến án ngữ dầy đặc trên bờ bắc sông Cái. Thăng Long đã đối mặt với quân thù. Chiến lũy dựng suốt một dải dài trên bờ nam để che chắn kinh thành. Khu bến Đông, các ụ pháo ken dầy.
Trước giờ lâm trận, quốc công tiết chế Hưng Đạo vương gọi viên hổ tướng thiếu niên Trần Quốc Toản vào nội trướng căn dặn:
– Ta rất hài lòng vì cháu đã trưởng thành. Cháu đã có phong độ một vị tướng, tuy tuổi cháu còn quá trẻ. Trận thủy chiến ở Lục Đầu Giang vừa rồi, cháu đánh với Ô-mã-nhi quả là dũng lược. Khi viên trấn phủ Tôn Lâm Đức đến giải vây Ô-mã-nhi, trong đánh ra, ngoài đánh vào mà quân cháu không bị rối. Quân không bị rối khi lâm nguy, ấy là tài của người làm tướng.
Được Hưng Đạo khen, Quốc Toản thích lắm. Đôi má chàng ửng đỏ, cặp môi thắm như môi con gái khẽ mấp máy.
Hưng Đạo thong thả tiếp:
– Hôm nay ta lại cho cháu đi tháp tùng quan gia trong thủy đội. Nhưng cháu phải nghe ta, không được ham lập công quá để mắc mưu giặc. Cứ xem cách đánh hôm trước, ta biết cháu định bắt sống Ô-mã-nhi. Việc ấy thật không dễ. Bọn này lão luyện lắm, không thể coi thường. Tôn Lâm Đức hơi hấp tấp, chứ nếu y cũng cáo già như Ô-mã-nhi, chắc ta phải tung Yết Kiêu vào tiếp ứng.
Sáng sớm, quân ta đã khai pháo vào trại giặc, rồi hò reo thách đánh. Lần đầu tiên quân ta dùng song sảo, ngũ sảo pháo, cự thạch pháo, và cả hỏa pháo bắn như mưa vào trại giặc, khiến chúng kinh hoàng.
Tại trung quân, Thoát-hoan, A-lí Hải-nha, Lý Hằng đang lên đài cao xem quân xung trận. Vào giờ này quân chúng nó đang giao chiến với quân ta ở thượng lưu. Chúng lại cho một đạo binh đánh vòng phía Tây Kết để quặp lên. Rồi cho bắc cầu phao để quân kỵ tấn sang. Thế trận này là đòn phục thù của A-lí Hải-nha. Ba mặt cùng tiến đánh dữ dội, y chắc mẩm sẽ bắt sống cả triều đình nhà Trần trong mảnh đất hẹp Thăng Long.
Chủ tớ đang hí hửng thì có ngựa lưu tinh vào bẩm báo:
– Quân Trần hò reo thách đánh. Chúng bắn đại thạch pháo, làm gẫy lá đại kỳ trong đại trại của đại quân. Lại bắn hỏa pháo gây nhiều đám cháy. Tiền quân đang đóng bè sang sông cũng bị pháo bắn tan tác.
Thoát hoan sửng sốt, A-lí Hải-nha, Lý Hằng cau mày giận dữ.
A-lí Hải-nha bực giận ra mặt. Y thầm nghĩ: Mới hôm trước ta mắc lừa Hưng Đạo đế y chạy thoát, đã là một bất ngờ đáng tiếc Lại vừa đây, chúng đánh chông, làm quân kỵ của ta bại hoại trên bờ sông Thiên Đức. Còn bây giờ thì hỏa pháo, thạch pháo. Lạ thật, cái bọn man di này sao cũng lắm mưu thuật, sao cũng chế tác được các loại binh khí không kém binh khí thiên triều!”.
Sau một giây đắn đo, A-lí Hải-nha bàn, nhưng thực là y ra lệnh:
– Xin chủ tướng cử tả thừa Lý tướng quân đốc thúc cánh quân đánh qua Tây Kết. Tôi xin đốc chiến việc bắc cầu phao đưa quân qua sông. Mời chủ tướng cứ lên đài cao xem chúng tôi phá giặc.
Thoát-hoan gật đầu. Hai viên tả thừa, hữu thừa vội vã xuống đài, lên ngựa đi liền.
A-lí Hải-nha nhìn dòng sông mùa nước cạn, hẹp lại khá nhiều. Phía bên kia, thuyền quân đi lại san sát. Những chiếc thuyền đóng theo kiểu của người La-mã vừa thon dài, vừa có hai tầng thật thuận tiện. Tầng dưới tùy loại to nhỏ mà có từ hai mươi, bốn mươi hoặc tới sáu mươi mái chèo. Thuyền bưng kín, chỉ trổ ra từng ô để lắp mái chèo. Người chèo thuyền ngồi vào một bậc thang thấp hơn mép ô cửa, để tránh tên của đối phương bắn vào. Tầng trên dành cho binh sĩ chiến đấu. Tầng này không trổ các ô cửa mà trổ các loại lỗ vuông hoặc tròn để cho quân bắn tên, phóng lao, hoặc thổi ống sùy đồng. Mỗi chiến binh trên thuyền đều sử dụng thành thạo nhiều loại binh khí như cung, nỏ, giáo dài, dao, câu liêm, dây thòng lọng… Và người nào cũng bơi lặn giỏi như rái cá.
Suốt từ sáng sớm đến quá nửa chiều, giặc nhiều lần lắp bè qua sông, cố tránh những nơi trong tầm pháo ta, nhưng vẫn không qua được. Bởi nơi nào ngoài tầm pháo đã lại có các chiến thuyền dùng nỏ liên châu, tên tẩm nhựa độc bắn như mưa rào, khiến quân giặc chết lăn xuống sông như sung rụng. Thế là gần hết một ngày, giặc từ thượng lưu không thông xuống được, từ hạ lưu không vòng lên được, mà từ bên kia sông cũng không sang được tên nào. Chúng bị tử thương tới hàng ngàn tên, vẫn xua quân xốc tới. Đêm xuống, hai bên tạm hưu chiến, nhưng đều canh phòng cẩn mật.
Thoát-hoan hỏi A-lí Hải-nha:
– Đêm nay có cho quân tập kích qua sông không?
– Không.
– Sao vậy? Nay là đầu tháng, trăng thượng huyền lặn sớm. Đêm nước xuống cạn, sông hẹp. Canh ba nhất tề cho quân sang sông, giặc trở tay không kịp.
A-lí Hải-nha cười:
– Mẹo ấy không lừa được Hưng Đạo. Xin chủ tướng cho quân nghỉ lấy sức, mai liệu đánh. Cũng xin đề phòng giặc tới cướp trại ta.
Đêm ấy, trại quân ta cũng như quân giặc đều yên ngủ an toàn, bởi các tay kỳ phùng địch thủ dã quá hiểu nhau, nên không thể dùng ngón đòn đánh úp.
Sau khi đích thân đi kiểm xét việc tuần phòng các nơi hiểm yếu và căn dặn các tướng, Trần Hưng Đạo đi thẳng vào ngự doanh. Từ mấy hôm nay, hai vua đều ở trong quân doanh chứ không về cung nữa. Quốc công xin phép hai vua được bàn quốc sự và xin cho mời cả tướng quốc Trần Quang Khải cùng bàn. Khi đã đông đủ, Hưng Đạo nói:
– Từ biên ải đến Nội Bàng – Vạn Kiếp – Thăng Long, giặc chạy theo ta như đèn cù. Khắp các mặt trận, quân ta đều tự chủ được, nên thiệt hại không đáng kể. Tinh thần binh sĩ đều đáng khích lệ. Tuy vậy, ta cũng chưa gây cho giặc thiệt hại nhiều lắm. Nếu ta quyết đấu với giặc tại Thăng Long thì có hai điều bất lợi. Một là địa thế quá chật hẹp, không đủ cho hai mươi vạn quân ta và khoảng ba mươi vạn quân giặc dàn trận. Hai là sức giặc đang cường, ta đánh không chắc thắng. Xin thượng hoàng, xin bệ hạ cùng quan tướng quốc cứu xét.
Nghe Hưng Đạo phân trần, cả hai vua cùng quan tướng quốc đều hiểu ý Quốc Tuấn, là phải bắt Thoát-hoan dàn mỏng quân ra, để cho lực chúng yếu rồi ta mới đánh, mà đã đánh là chắc thắng.
Trần Thánh tông hỏi:
– Ý anh Quốc Tuấn lại muốn lui binh?
– Dạ, xin thượng hoàng gia ân.
– Bao giờ thì lui?
– Ngay đêm nay.
Khi nghe Hưng Đạo nói: “Ngay đêm nay” thì cả ba người đều kinh ngạc. Bởi trận này quân ta đang thủ lợi. Phải nhân cơ hội mà diệt cho thật nhiều quân nó, sao lại lui binh quá sớm?
Biết mọi người đang muốn đánh, Hưng Đạo nói tiếp:
– Không phải đêm nay ta rút hết. Mà bắt đầu từ đêm nay ta rút bớt lực lượng, chuyển dần về Trường Yên, về Thiên Trưowfng, Long Hưng thủ hiểm – Tâu thượng hoàng, Quốc Tuấn nói và nhìn thẳng vào gương mặt ba người thăm dò. Thấy vua Nhân tông và Quang Khải có ánh mắt vui vui như là một sự hưởng ứng, Hưng Đạo nói tiếp – việc lui quân cũng phải kín nhẹm như tiến quân. Ngay cả các tướng dưới quyền cũng chỉ được biết như là tiến quân theo một hướng khác, nếu không, lòng quân sinh rối. Việc rút chuyển cả một đạo quân lớn như thế này ngay trước mắt giặc, thấp mưu, thua trí sẽ là một đại họa.
Trần Thánh tông đã thấy êm tai. Nhà vua nói:
– Việc binh, triều đình đã trao toàn quyền cho quốc công, xin cứ tùy tiện.
Hưng Đạo nói thêm:
– Ngày mai xin thượng hoàng và quan gia vẫn cứ tham chiến như thường, nếu không, giặc sẽ ngờ, đêm mai khó mà rút êm được.
Thật tình trong khi Hưng Đạo đang xin ý chỉ của nhà vua về việc lui quân, thì nhiều đội quân đã lần lượt lên đường về các địa điểm mới, kể cả quân thủy, quân bộ, quân kỵ. Nhưng các tướng cũng chỉ biết phải đưa quân thật nhanh về nơi mà giặc đang định tới. Quân đi không phải lo đoạn hậu, người ngậm tăm, ngựa bỏ nhạc, không gây tiếng động lớn; thuyền thì xuôi nước xuôi gió, không cần phải chèo cũng trôi băng băng như ngựa chạy. Cuối canh tư, quân đã vào trú trong các lán trại êm ru, đến dân trong vùng cũng không biết là có quân mới tới.
Trong khi đó, các binh đội đã tham chiến ngày hôm trước, vẫn giữ nguyên vị trí, để hôm sau lại tiếp tục đối đầu.
Quang Khải hỏi:
– Vậy là ta bỏ trống kinh thành?
Vua Nhân tông:
– Thì ta cho giặc ở trọ ít ngày, có phải không, thưa bá phụ, thưa thúc phụ?
Cả bốn người cùng cười vui vẻ về câu nói khôi hài của nhà vua. Hưng Đạo chợt nhận ra đó không phải là lời nói vui, mà là một tiên đoán nghiêm chỉnh. Ông nói:
– Tâu, việc ấy sẽ diễn ra đúng như quan gia nói. Hiện Lý Bang Hiến và Lưu Thế Anh đã lập ra nhiều trại, trạm. Từ biên ải về các vùng đất giặc vừa chiếm được, cứ ba mươi dặm chúng lập một trại, cứ sáu mươi dặm chúng lập một trạm ngựa. Mỗi trại, trạm như thế có ba trăm quân đóng giữ và tuần tra từ trại nọ tới trạm kia. Ngoài ra, chúng còn xây thêm đồn lũy tại các nơi hiểm yếu và cắt quân ở lại. Cho nên, nếu ta căng nó ra trên một miền đất rộng thì quân nó càng phải dàn mỏng. Khi ấy dân binh của ta khắp nơi cũng đủ sức đánh tỉa các đồn quân nhỏ lẻ vài ba trăm tên ấy. Rồi chúng sẽ khốn đốn về lương thảo, sẽ khốn đốn về thế trận dân binh của ta. Lúc ấy ta muốn đuổi chúng ra khỏi nhà trọ sớm tối gì mà không được.
Mờ sáng hôm sau quân ta lại khai pháo, thách đánh. Trại giặc náo động hẳn lên. Khi trời sáng rõ, hai bên đánh nhau quyết hệt, nhưng giặc vẫn không sang được sông. Hôm nay giặc cũng bắn pháo ráo riết sang trận địa của quân ta. Pháo của chúng bắn vào các chiến lũy, trong ken dầy tre gai, ngoài đắp đất bãi dẻo, các viên đạn đá dắt đầy lũy, nom tựa như đám trẻ con chơi trò ném sỏi vào các bức tường đất ướt. Thấy pháo của giặc không bõ bèn gì, quân ta cười tưởng đến vỡ cả chiến hào, đồng thanh nói lời tục tĩu mạ lị Thoát-hoan. Đồng thanh hô: “Sát Thát!”. Rồi tiếng trống đồng, trống đại lược, chuông, khánh, chiêng, cồng, tất cả đều dồn thúc hối hả át tất cả các thứ tiếng kèn, tiếng pháo của quân giặc phía bên kia bờ bắc.
Cũng sớm nay, quan đại an phủ sứ cho dân binh đi từng nhà, kiểm xét xem còn ai chưa kịp đi lánh nạn, thời phải lập tức rời kinh thành trong buổi sáng. Thăng Long quang vợi hẳn. Thăng Long “thanh dã”.
Tới nửa chiều, quân thủy vừa đánh vừa xuôi thuyền về hạ lưu và rút dần. Trên bộ, hậu quân cũng lục tục rút đi. Ngay cả điều ấy, giặc cung không biết. Bởi lúc quá nửa chiều Đỗ Khắc Chung còn một mình sang sông bằng chiếc thuyền nan, với lá cờ sứ cắm chon von nơi đầu mũi. Đỗ Khắc Chung vào thẳng trại Ô-mã-nhi đưa thư của vua Trần, xin hòa. Ông ngủ qua đêm trong trại giặc. Chính điều đó càng làm cho giặc không ngờ Hưng Đạo lui binh.
Sớm tinh sương ngày hôm sau, Khắc Chung mới từ trại giặc vượt sông về còn kịp rút đi với đạo quân cuối cùng. Hôm ấy là ngày mười ba tháng giêng (18-2-1285), Thăng Long ngỏ cửa.
Sáng bạch thì bên trại quân Thoát-hoan khai pháo. Rồi lại đúng lệ bộ như ngày hôm trước. Nhưng điều lạ là không thấy bên bờ nam có động tĩnh gì. Cờ phướn cũng không; khói lửa cũng không; trống đồng trống cái cũng không. Không có một biểu hiện gì. Vì thế quân Thoát-hoan ra đến nửa sông rồi lại có kèn hối thúc trở về. Trong trướng, Thoát-hoan, A-lí Hải- nha, Lý Hằng, Ô-mã-nhi, Khoan-triệt (Koncăk), Mang-cổ-đải (Mangqudai)… ngơ ngác nhìn nhau không còn biết thực hư ra sao nữa.
Các tướng đều hướng về phía A-lí Hải-nha và Lý Hằng. Thoát- hoan nhìn trân trân vào mặt A-lí Hải-nha chờ y khai khẩu.
Thực tình A-lí Hải-nha cũng đang bối rối, không biết Hưng Đạo giở ngón đòn gì. Y điểm nhanh lại các trận giao chiến với viên tướng Trần này, không một trận nào y không bị bất ngờ. A-lí Hải-nha không bực tức, vẫn nghĩ rằng vua tôi nhà Trần thủ hiểm ở Thăng Long để quyết chiến. Cho nên họ đã tạo ra một trận thế dày đặc, phòng thủ vững vàng. Quân ta đánh rát thế mà hai cửa thượng, hạ lưu đều chưa phá vỡ được. Đang định làm cho vua tôi nó khốn đốn phải vào lạy trước cửa quân. Ai ngờ nó lại bày ra thế trận gì đây. Xem như là kế “không thành”. Nhưng quân nó chạy đằng nào cho hết mấy chục vạn, mà mới tối hôm qua hai bên còn giáp chiến?
Thuần những chuyện rắc rối đến đau đầu. Chợt nhớ mọi người đang trông đợi ở mình, A-lí Hải-nha nói:
– Sợ oai Trấn Nam vương, vua tôi nó chạy hết rồi. Nhưng đề phòng người Nam tráo trở, xin chủ tướng cho tiền quân nhổ trại tạm lánh vào trong rừng. Toàn quân án binh bất động. Tới giờ ngọ, quân tuần thám về báo hư thực thế nào rồi hãy tiến binh cũng chưa muộn.
Qua giờ mùi thì Ô-mã-nhi cho quân bắc cầu phao, hoặc đóng bè chở quân qua sông. Thấy các cánh cổng thành đều ngỏ cửa, Thoát-hoan hạ lệnh cho quân lập trại dưới chân thành. Mãi đến trưa ngày hôm sau, Thoát-hoan cùng tả hữu mới dám tiến vào cung thất. Thoát-hoan bắt được mấy người khách trú ngoài phường Hà Khẩu (phố Hàng Buồm ngày nay, xưa là cửa sông) dẫn đường. Bọn này đưa Thoát-hoan vào cửa Đại Hưng rồi vào điện Thiên An.
Bước lên thềm điện, Thoát-hoan thấy ngộp choáng trước cảnh vàng son lộng lẫy, kiến trúc nguy nga, tinh tế, y thầm nghĩ: đến Yên Kinh cũng không hơn được. Thoát-hoan rất bằng lòng với việc vua cha cắt cho mảnh đất phương nam này. Y tự nhủ: “Dẹp xong đám vua tôi An Nam, ta sẽ xin với thiên tử ở lại mở phủ – mà thực ra là định đô. Mong sao vua cha không đổi ý”.
Sau khi cho quân tuần thám: nội ngoại thành Thăng Long đều yên tĩnh. Thoát-hoan cho mở dạ yến để khao thưởng các tướng tùy tòng. Lại cho quân nghỉ ngơi một ngày và ăn uống no say, Thoát-hoan đã cảm mến mảnh đất xa xôi này, mà vì nó y phải nhọc sức đi suốt từ Yên Kinh tới chinh phục. Nhưng để tới được đây Thoát-hoan cùng bộ tướng đã phải trù liệu tới năm năm. Còn Hốt-tất-liệt đã phải khó nhọc gần ba chục năm.
Điều Thoát-hoan bực nhất là đi tới đâu, từ kinh thành đến thôn dã đều thấy các biển, biểu với hàng chữ đáng ghét: SÁT THÁT, THANH DÃ hoặc các lời kêu gọi dân chúng chống lại quân lính thiên triều. Bữa trước tại Nội Bàng, Vạn Kiếp, Thoát-hoan đã tự hẹn phải chặt đủ một vạn cánh tay có chữ Sát Thát đem chất đầy điện Thiên An, và nhốt Hưng Đạo cùng cha con Nhật Huyên vào đó. Điều ấy tới nay vẫn chưa làm được. Vua tôi nhà Trần đã chạy khỏi Thăng Long. Còn cánh tay sĩ tốt cũng mới chỉ chém được vài chục chiếc, mà hôm trước Ô-mã-nhi đã đem hù dọa Đỗ Khắc Chung.
Sau khi ăn lễ thượng nguyên tại Thăng Long, Thoát- hoan muốn tiến binh ngay để truy quét vua tôi nhà Trần. Nhưng y vẫn chưa thấy dấu hiệu là đội quân Toa-đô chọc thủng được chiến lũy phòng thủ của Đại Việt, nơi tiếp giáp với Champa để hai mặt bắc, nam cùng ép. Thoát-hoan không hiểu điều gì cản trở Toa-đô, mặc dù y đã được Yên Kinh gửi thêm hai vạn quân tiếp ứng từ lâu.
Chợt nhớ đã mấy ngày yến ẩm, nghỉ ngơi, Thoát-hoan bèn triệu tả hữu lại thương nghị, và đòi các tướng phải chia nhau truy đuổi gấp gáp quân Trần.
Lý Hằng dẫn Ô-mã-nhi đuổi theo đường thủy. Hữu thừa Khoan-triệt dẫn vạn hộ Mang-cổ-đải, vạn hộ Bột-la-cáp-đáp- nhĩ đuổi theo đường bộ.
Trong khi thầy tớ Thoát-hoan đang say sưa yến ẩm ở Thăng Long, thì Hưng Đạo đã hoàn tất cuộc lui binh. Cả hoàng gia, hoàng tộc, cả Thăng Long đã di chuyển an toàn. Trần Nhật Duật sau khi đánh nhau dữ dội với giặc trên mạn Đà Giang, cũng đã lui quân, và về Thiên Trường sau Hưng Đạo chỉ có một ngày. Trần Ích Tắc, Trần Lộng chống nhau kịch liệt với giặc trên vùng Tam Đái Giang cũng đã đưa quân về hội.
Ngay đêm ấy, Hưng Đạo cho gọi tướng quân Trần Quốc Toản và cả viên đô tổng quản Lê Như Hổ đến trại quân Trần Nhật Duật nhận lệnh.
Sau khi hỏi han sức khỏe Trần Nhật Duật và quân sĩ cùng các việc xảy ra trong thế trận Đà Giang, Hưng Đạo cũng nói diễn biến trong các trận từ biên ải đến Nội Bàng, Vạn Kiếp, Thăng Long. Nói về tình thế giữa ta và giặc cùng các việc cần làm để Chiêu Văn vương nắm được.
Chuyện trò thăm hỏi xong xuôi, Hưng Đạo ngỏ lời:
– Phiền vương đệ đi cho một chuyến. Việc này phi vương đệ không ai làm nổi.
Trần Nhật Duật cười phá lên. ông vẫn giữ được vẻ khả ái của một vị tướng tài hoa. Ông nói:
– Quốc công cho em vào hợp trấn với Tĩnh Quốc đại vương có đúng không?
Hưng Đạo xúc động đến chảy nước mắt vì sự đồng điệu của người em thúc bá. Ông gật đầu.
– Vương đệ quả là một tướng thần đồng. Toa-đô đang đánh ráo riết. Y có trong tay khoảng bảy vạn quân tinh nhuệ. Nhưng vì ở vùng đất chết đã hơn ba năm, nên trong quân nó uể oải. Song nếu nó được tin Thoát-hoan đang vùng vẫy ở mặt bắc, thời sức quân nó tự khỏe lên nhiều lắm. Ta lại nghe Thoát-hoan dâng thư về xin Hốt-tất-liệt viện thêm binh cho Toa-đô, và thúc y tiến nhanh vào mạn sườn nam Đại Việt. Vì vậy, giữ vững được vùng Diễn Châu không cho Toa-đô hội quân với Thoát-hoan thời chúng ta thủ thắng.
Trần Nhật Duật cúi lạy:
– Em xin lĩnh mệnh. Vậy chớ bao giờ thời xuất quân?
– Ngay đêm nay! Hưng Đạo đáp – Vương đệ phải đi gấp, nếu không Toa-đô sẽ phá vỡ quân ta trước khi vương tới kịp.
Từ nãy, Trần Quốc Toản vẫn ngồi nghe cuộc đối đáp của các bậc bề trên, mà không thấy đả động gì tới mình, đã toan hỏi. Chợt Trần Nhật Duật định đứng lên thì Hưng Đạo gọi lại:
– Còn một việc nữa- Ông vừa nói vừa chỉ vào Quốc Toản. – Mấy trận vừa qua, Hoài Văn hầu tỏ lộ một tương lai kiệt xuất. Ta cho tiểu tướng quân cùng trợ giúp dưới trướng của vương. Vị đô tổng quản này – Hưng Đạo chỉ vào Lê Như Hổ ngồi cạnh đó – là phụ tá của Hoài Văn.
– Quốc công cho em bao nhiêu binh?
– Tất cả binh sĩ dưới trướng vương, dưới trướng Hoài Văn đều đi hết.
– Đa tạ.
Trước lúc chia biệt, Hưng Đạo nắm lấy tay viên đô tổng quản nói:
– Tiểu tướng quân là người dũng lược có thừa, ngặt vì tuổi trẻ chưa từng trải, đã phải gánh vác việc lớn quốc gia; phải xông vào nơi tên đạn để cứu nước. Ta dặn ngươi: Toa-đô và bè lũ rất giảo quyệt, chúng đã trải dư trăm trận, dạn dày nơi máu lửa, ngươi theo dưới trướng phải hết sức đề phòng mưu giặc chớ để lỡ ra điều gì sơ xuất làm ta phải ân hận.
Đô tổng quản và Quốc Toàn cùng vái lạy.
Lại nói Trần Bình Trọng cùng Nguyễn Khoái trấn cửa Tây Kết, có phận sự chặn không cho giặc tràn vào sông Cái. Bữa quân ta rút khỏi Thăng Long, khi thuyền quân xuôi gần hết thì Trần Bình Trọng phái Nguyễn Khoái đi đoạn hậu, còn ông cùng với một phần ba thủy đội ở lại phục kích trong khe lạch, chờ hễ có giặc là đổ quân ra đánh. Bởi thế khi thấy thuyền giặc lấp ló từ xa, ông đã đem quân từ bến Tây Kết ra ngã ba sông phục kích. Và khi thuyền chúng đi được quá nửa, Trần Bình Trọng cho phát pháo hiệu, rồi quân từ ba mặt nhất tề xông vào thuyền giặc đánh xáp lá cà. Thuyền của quân ta lớn hơn thuyền giặc, chắc khỏe hơn thuyền giặc, cứ thế lao thẳng, khiến chúng mất đà xô nhau đắm hàng loạt. Giặc hét lên man rợ, kêu khóc như ri. Quân ta thừa thắng quây tròn giặc lại mà đánh. Quân giặc vốn người phương bắc không thạo nghề sông nước, mỗi khi vật lộn nhau trên thuyền, quân ta cố ghì níu rồi đẩy mạnh để cả hai cùng lăn ùm xuống nước; và dìm chết giặc xong mới chịu ngoi lên. Trận đánh lúc đầu quân ta ưu thắng, khiến cho thuyền giặc dạt xô về một góc sông như lá tre bị bão. Nhưng rồi Lý Hằng ở phía sau cứ dồn mãi quân lên, Ô-mã-nhi ở phía trước cũng quay binh đội trở lại. Thuyền giặc vây thuyền ta kín tới mấy vòng. Chúng hí hửng nổi kèn trận lên vang cả một khúc sông, và hăm hở xông vào định bắt sống. Quân ta nổi trống đồng át cả tiếng kèn giặc, rồi nhất loạt dùng thòng lọng, câu liêm, kéo không biết bao nhiêu tên giặc ném xuống sông. Giặc hốt hoảng giãn ra. Trần Bình Trọng dẫn binh đội phá vây, cho thuyền chạy thẳng vào khe lạch bãi Màn Trò. Quân ta bỏ thuyền lên bộ. Giặc bổ vây, hai bên đánh nhau kịch liệt. Trần Bình Trọng cùng ba quân tả xung hữu đột, giặc chết nhiều vô kể. Nhưng vì quân chúng đông, giết mỏi tay vẫn không hết. Gãy giáo, mẻ đao, quân ta dùng tay bóp cổ giặc. Nhưng số quân quá ít, lại sức người có hạn, cuối cùng đều bị giặc bắt.
Giặc biết tiếng Trần Bình Trọng nên rất nể ông. Chúng đưa thết ông rượu ngon cùng các đồ ăn quý bổ, ông ngoảnh mặt không nhìn. Dường như ông tự giận mình sơ hở nên bị giặc bắt. Bị giặc bắt trong khi ơn vua chưa báo, giặc nước chưa trừ xong, thật là điều thậm vô lý. Vì thế suốt ba ngày giặc dụ dỗ, ông không thèm nói một câu, không thèm đụng đến một hạt cơm, một giọt nước của chúng.
Trần Bình Trọng vốn dòng dõi Lê Đại Hành, nối đời ăn lộc nhà Trần. ông tính trung hậu. Sinh thời Thái tôn rất yêu qúi. Nhà vua đem công chúa Thụy Bảo gả cho, lại ban quốc tính. Giặc cố tình dụ dỗ, Bình Trọng chửi rủa chúng không tiếc lời. Chúng vẫn nhẫn nhục mua chuộc: “Hay ta đưa ông về làm vương bên đất Bắc?”. Ông thét: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc “.
Giặc giết ông.
Nghe tin ông mất, người trong nước ai cũng xót xa, thương tiếc.
Trần Thánh tông được tin ông mất, thương khóc mãi. Vua truy tặng ông tước Bảo nghĩa vương, lại cho vẽ hình ông lưu lại.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!