Thanh Triều Ngoại Sử - Chương 1-2: Đại thích khách (hạ)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
164


Thanh Triều Ngoại Sử


Chương 1-2: Đại thích khách (hạ)


Đông đã về đây một hình hài

Chỉ còn vương vấn chút thu phai

Từng cơn gió lạnh lên quằn quại

Nỗi nhớ tình ta, nỗi nhớ ai!

Phiên chợ đầu xuân ở Sơn Đông thường mở vào ngày mùng tám tháng hai hằng năm. Thông lệ này không rõ có tự bao giờ, nhưng cứ đúng ngày, thương lái khắp các tỉnh Tây Bắc và Tây Vực lại đổ xô về mảnh đất trống ở ngoại thành Sơn Đông, cùng làm nên phiên chợ náo nhiệt nhất trong năm. Nhưng năm nay vì Hoàng Hà vỡ đê liên tục, khắp cả vùng Sơn Đông chìm trong biển nước trắng xóa, chợ buộc phải hoãn lại mãi cho đến tận đầu thu và dự định kéo dài khoảng một tháng. 

Trong dịp này, người ta có thể mua bán vô vàn chủng loại hàng hóa từ Nam chí Bắc. Song do điều kiện địa lý, thời tiết nên mặt hàng chính vẫn là tơ lụa, gấm vóc, trà và ngựa – sản phẩm chủ yếu của vùng Sơn Đông. Dĩ nhiên càng không thiếu những lái buôn bày bán lông thú, nhân sâm, thảm len, dược liệu của Tây Vực và thổ cẩm Tây Bắc. 

Trên khoảng đất trống kế bên quan đạo, các sạp hàng, cửa hàng dựng lên san sát như nấm sau mưa, chia thành từng khu riêng biệt. Ngoài nơi bày sản vật địa phương, có một khu vực riêng chuyên kinh doanh trang sức quý giá như nhẫn, vòng, ngọc bội… và đồ thủ công mỹ nghệ gồm tranh ảnh, vải vóc, thảm, chiếu… Nhỏ hơn và lộn xộn là khu vực tập trung các gánh hàng chuyên bán rau dưa, thịt, trái cây và các loại đồ ăn vặt đã được chế biến sẵn…  

Bình thường đường đi lối lại trong chợ khá rộng, cánh lái buôn có thể cưỡi ngựa hay mang xe kéo tới từng sạp hàng. Song có ngày cao điểm, thúng mẹt bày la liệt trên mặt đất, người bán chễm chệ trên đòn kê, kẻ đứng người ngồi chồm hổm xúm xít coi và mua hàng. Khi ấy đường chỉ còn đủ cho ba bốn người tránh nhau. Hai bên rìa, tiếng ngựa hý, gà trong lồng kêu quang quác, lợn trong rọ kêu eng éc cùng hàng trăm cái miệng thi nhau rao hàng, kỳ kèo trả giá bằng đủ các loại ngôn ngữ Hán, Mông, Mãn, Hồi, Tạng. Một mớ âm thanh hỗn tạp trộn với nhau thành bản hợp xướng ồn ào náo nhiệt. 

Bấy giờ là bình minh, mặt trời mới đương le lói đằng Đông, đã không ít người dạo chợ sớm rồi.

Trong đám đông đang ngắm nghía hàng hóa, bỗng đâu xuất hiện một thằng bé. Nom nó chỉ độ mười, mười một tuổi, gương mặt sáng sủa thông minh. Cứ nhìn đôi mắt lanh lợi, pha chút lém lỉnh dưới vầng trán rộng kia, chẳng một ai hoài nghi điều đó. 

Trên người thằng bé là bộ đồ nâu, không giấu nổi thân hình gầy ốm khẳng khiu. Tay nó cầm một gậy tre, quẩy trên vai một bọc hành lý vắt vẻo, hờ hững như mời gọi đám trộm cắp vặt. Bất quá nhìn bộ y phục tầm thường, cũ kỹ thế kia, lũ đạo tặc chẳng thèm động đến.

Thằng bé cứ một mình một đường, nhẩn nha dạo qua các gian hàng. Nó hờ hững nhìn lũ nhỏ đang xúm xít quanh các gian hàng bán chong chóng và đồ chơi xanh đỏ bắt mắt.

Đến chỗ mấy gánh bánh bao, đập vào mắt thằng bé là một đứa con gái cũng trạc tuổi nó. Đứa bé gương mặt đầy những nhọ và bụi bẩn, y phục tả tơi hệt đứa ăn mày, mắt hau háu nhìn những chiếc bánh trắng phau nghi ngút khói mà nuốt nước bọt ừng ực. Chẳng suy nghĩ lâu, nó liền tấp vào.

Ngồi bên lồng hấp là một bà trung niên béo tròn. Mới sáng sớm đã có con bé rách rưới ám quẻ, bà ta đã chẳng vui nổi rồi, giờ lại đến thằng nhóc không hơn ăn mày là mấy. Mặt bà ta đanh lại, một tràng chửi mắng chuẩn bị tung ra. Nhưng chỉ trong chớp mắt, bão tố lạnh lẽo thoắt chuyển tiết xuân ấm áp hết sức thần kỳ, khi thằng bé thò tay vào lưng quần, thản nhiên lấy ra một đồng xu.

Khỏi phải nói, hai cái bánh lập tức được trao, kèm nụ cười niềm nở cực kỳ tiêu chuẩn.  Nhận bọc giấy dầu, thằng bé đưa luôn cho con bé. Sau thoáng ngỡ ngàng nó liền chụp lấy, cắn từng miếng nhai ngon lành, có vẻ đã nhịn đói lâu ngày lắm rồi. Thằng bé chỉ mỉm cười độ lượng, thích thú ngắm con bé vừa ngồm ngoàm vừa lúng búng gì đó trong miệng. Thoáng chốc, cái bánh được xử lý xong. Khi cơn đói đã được xoa dịu, con bé mới sực nhớ ra. Nó ngượng ngùng chìa ra chiếc còn lại, có điều vẻ tiếc nuối hiện rõ trong mắt.

– Cứ cầm đi, ca không đói! – Thằng bé lắc đầu cười. 

Thấy con bé ngần ngại, nó bèn gợi chuyện hỏi han. Từ ánh mắt, cử chỉ, lời nói đều toát lên nét chững chạc, chẳng có vẻ nhút nhát và non nớt của những đứa con nít cùng trang lứa. Vì thế con bé vừa khóc vừa kể lể như thể gặp lại người thân. Hóa ra nhà nó ở tỉnh Cam Túc, đúng vùng tâm lũ, nên người thân đã thất lạc cả, chỉ còn bà nội già yếu. Hai bà cháu lếch thếch theo đám dân chạy lụt tới huyện thành thì bà nó ngã bệnh, giờ đang nằm ở cái miếu rách ngoài thành, mấy ngày rồi chưa có gì vào bụng.

Thằng bé động lòng trắc ẩn, lại lấy ra đồng xu nữa cho nó. Sau mấy lời an ủi san sẻ muộn phiền hai đứa mới chia tay. Dõi theo bóng hình liêu xiêu của con bé dần xa, thằng bé khẽ lắc đầu như thể một ông cụ non chán ngán nhân tình thế thái. Tay xoa xoa cái bụng đang réo lên òng ọc, nó vừa đi vừa thở dài lẩm bẩm “Người tốt bao giờ cũng lận đận…”

Loanh quanh một lúc, nó bỗng chú ý một đám xúm đông đằng trước.  Từ tiếng chiêng trống ồn ào mà đoán hẳn là một đoàn mãi võ. Lòng hiếu kỳ nổi lên, nó liền chen vào xem bản lĩnh của họ thế nào. 

Năm xưa, thời Tống Huy Tông có Tống Giang cùng ba mươi sáu hào kiệt phất cờ ở Lương Sơn chống lại triều đình hủ bại. Khởi nghĩa tuy không thành, nhưng đã khơi lên tinh thần hiệp nghĩa trừ gian diệt bạo trong trái tim người Sơn Đông. Nên có một thời, tập luyện võ nghệ là chuyện rất thịnh hành. Dĩ nhiên trong quá trình tập luyện hay hành tẩu giang hồ, không tránh khỏi vài lần ngộ thương. Vì thế phải giắt lưng một phương thuốc hoặc bí dược trị nội ngoại thương là điều bắt buộc. Dần dà, có người lại đem nó ra làm kế sinh nhai, trước khi bán thuốc liền biểu diễn vài màn công phu lòe thiên hạ. Danh xưng “mãi võ Sơn Đông” trở nên quen thuộc từ đó.

Giữa mảnh đất trống rộng chừng ba trượng, bày một giá vũ khí và mấy thứ đạo cụ. Một đôi nam nữ đang múa gươm đấu kiếm, người đàn ông tuổi đã trung niên, cô gái thì còn rất trẻ.  Khi thằng bé len vào, đang đến đoạn người trung niên chúi đầu xuống đất trồng cây chuối, cô gái sau khi lộn nhào vài vòng liền tung mình đứng chuẩn trên hai bàn chân ông ta. Hít một hơi ổn định thân hình, cô liền làm động tác nuốt thanh kiếm vào bụng. Đám đông tức thì ồ lên khen hay.

Song có kẻ lại không nghĩ vậy, một đại hán lưng giắt thanh đại đao bĩu môi cất tiếng ồm ồm:

– Công phu cũng chỉ tầm thường thế thôi.

Đương lúc huyên náo, lời bình phẩm ấy chỉ mấy người quanh đó nghe được, lập tức ném cho gã ánh mắt khó chịu. Riêng thằng bé lại gật gù biểu thị tán đồng, trong mắt nó mấy trò này đúng là tầm thường quá. Một gã mặt dơi có vẻ là đồng bạn với đại hán lên tiếng:

– Trương huynh, đệ thấy để giữ được thăng bằng như vậy, đôi song trảo kia không tầm thường đâu.

Họ Trương lắc đầu không tán đồng:

– Người anh em, nếu huynh đã từng thấy một người, sẽ thấy đây chỉ là trò trẻ con. Một trảo của vị ấy sấm rung chớp giật, vỡ đá tan bia.

– Trương huynh, nhân vật nào lợi hại vậy? – Mặt dơi hiếu kỳ hỏi.

– Trang huynh đã nghe tới cái tên Tần Thiên Nhân chưa?

– Có phải Nam hiệp thần quyền Tần Thiên Nhân? – Họ Trang thốt lên kinh ngạc.

– Chính là người ấy!

– Nhưng đệ nghe nói, Tần đại hiệp nổi danh nhờ đôi thần quyền đánh không địch thủ suốt một dải Giang Nam mà.

Đại hán khẽ gật lại lắc đầu kể:

– Huynh đệ biết một không biết hai, đôi song trảo của họ Tần cũng cực kỳ lợi hại. Chắc huynh vẫn nhớ Thiết Bi Tặc Thủ, tay đại đạo khét tiếng hoành hành ở Tế Nam nhờ môn công phu Thiết Bố Sam đã luyện đến mức lô hỏa thuần thanh chứ. Bao người muốn trừ y mà không được, bởi ngoài da thịt như sắt thép, y còn bận thêm một lớp hộ giáp dày. Vậy mà gặp Tần đại hiệp, chỉ một chiêu cả người lẫn giáp thủng mười lỗ lớn. Chuyện này chính tôi tận mắt chứng kiến đấy…

Đại hán càng nói càng hăng, đồng thời không giấu nổi vẻ hả hê khi thấy đồng bạn le lưỡi, xuýt xoa sợ hãi.

Không chỉ họ Trang, nãy giờ khi ba tiếng Tần Thiên Nhân lọt vào tai, thằng bé lập tức chú ý rồi. Nó dỏng tai lắng nghe. Nhất thời cảnh tượng kinh tâm động phách ấy như hiện ra trước mắt khiến tim nó đập thình thịch, song phần nhiều là vui sướng.

– Có điều đã lâu, ta không còn nghe tin tức gì về Tần Thiên Nhân nữa – Đại hán họ Trương bỗng trầm ngâm.

– Sao thế Trương huynh?

– Ừm, chính xác thì từ khi Tần đại hiệp gia nhập Đại Minh Triều, trở thành nhị đương gia của bang hội này, ít người thấy huynh ấy đi lại trên giang hồ. 

Nghe vậy họ Trang không khỏi kinh hô:

– Đại Minh Triều! Thứ cho tiểu đệ kiến thức hạn hẹp, xin hỏi Trương huynh đây là bang phái gì? Nghe tên đã thấy liên quan đến tiền triều, lẽ nào…

Thoáng nhìn xung quanh, đại hán họ Trương gật đầu, giọng nhỏ xuống vài phần:

– Trang huynh đoán đúng rồi. Đại Minh đã không còn, nhưng một số người không chịu nổi cái nhục Trung nguyên nằm dưới sự cai trị của người Mãn, bèn tụ lại lập ra bang phái này. Đại Minh Triều tuy là một bang phái giang hồ nhưng tôn chỉ hoạt động của nó là “phản Thanh phục Minh”, chuyên nhằm vào quan lại binh lính theo triều đình. Nghe nói bang này có tám “Đường,” lại chia thành Tiền tứ phòng bốn đường, Hậu tứ phòng bốn đường. Mỗi Đường hoạt động tại một tỉnh ở Giang Nam, do một vị đương gia bí mật lãnh đạo. Dựa vào võ công Tần Thiên Nhân ngồi ghế nhị đương gia, ta đoán mấy vị kia bản lĩnh cũng không hề kém đâu.

“Hứ, đâu chỉ không hề kém, nếu nghe tên tuổi họ chắc ông phải trợn mắt kinh ngạc ấy chứ. Nhất là sư phụ ta” – Thằng bé dương dương đắc ý nghĩ thầm.

–  Huynh không biết bọn họ là ai ư?

–  Trang huynh đề cao tôi quá rồi. Nếu không phải chú ý nghe ngóng về Tần Thiên Nhân, tôi cũng không biết đại hiệp đã gia nhập Đại Minh Triều.

– Đúng vậy, bọn họ khác nào thần long thấy đầu không thấy đuôi chứ.

Một tiếng cảm thán vang lên khiến đại hán và họ Trang không khỏi giật mình. Hóa ra có không ít người bị câu chuyện của họ thu hút. Thằng bé ngó sang, thấy người vừa lên tiếng là một trung niên trạc tứ tuần, gương mặt góc cạnh, đường nét đoan chính. Nhận ra sự cảnh giác của hai người, ông ta mỉm cười chắp tay: 

-Hai vị, tại hạ là Thanh Sam Thiết Câu Hoành Lập ở Trịnh Châu. Nghe chuyện của Trương huynh đây hấp dẫn quá, không kìm được xen vào, có phần mạo muội rồi.

– Hoành huynh khách sáo, bọn tôi là Hắc Đao Trương Thiết, Bức Diện Trang Kình. Ngưỡng mộ đã lâu! 

Hai người sau thoáng nhìn nhau, cũng đáp lễ. Thực ra bọn họ lần đầu nghe cái tên này, nói vậy là lịch sự mà thôi.

Người hành tẩu giang hồ là thế, sau phen chào hỏi, tự nhiên thân thiết hơn vài phần, bất giác lại trở về câu chuyện dang dở ban nãy. Họ Hoành hạ giọng làm bộ thần bí:

-Ngoài Nam hiệp thần quyền, trong bảy vị đương gia Đại Minh Triều, ít nhất tôi còn biết thêm một người.

– Là ai? Mong Hoành huynh chỉ giáo cho! 

– Hai vị hẳn nghe danh một người trí kế siêu quần, tính toán quỷ thần, như Gia Cát Lượng tái thế chứ?

Cả hai nghe vậy sửng sốt kinh hô:

-Phải chăng là Cửu Dương tiên sinh ở Hàng Châu?

“Đến rồi, đến rồi!” – Thằng bé cũng thầm hô hoán, trong lòng dậy sóng. Bởi với nó đây là người quan trọng nhất trên đời.

-Đúng vậy, vị kỳ nhân này cũng đã ngồi vào ghế thứ bảy, được gọi là thất đương gia của Đại Minh Triều rồi.  

Bọn họ lặng người trầm ngâm, lát sau đại hán họ Trương chắt lưỡi:

-Không rõ hội chủ là ai, lại có thể tụ tập hào kiệt một phương dưới cờ như vậy?

– Người này tôi cũng biết một chút – Trung niên họ Hoành đắc ý nói tiếp.

– Hoành huynh, mong huynh giải đáp cho. Lát nữa nhất định bọn tôi mời huynh một chén! – Trang Kình hiếu kỳ thốt lên.

– Ha ha, được được tôi nhớ lời này của Trang huynh – Hoành Lập cười lớn, thoáng dừng như sắp xếp lại suy nghĩ rồi nói tiếp –  Nói đến càng kỳ lạ, người này là nữ nhân, hơn nữa là một ni cô, người ta hay gọi là Cửu Nạn sư thái.  Bà ta chính là Tổng đà chủ, tức người đứng đầu Đại Minh Triều đó. 

– Một ni cô ư? 

Trương Thiết trợn mắt ngạc nhiên.

-Sao tôi chưa bao giờ nghe cái tên này nhỉ?

– Người ta là người xuất gia tu hành, quanh năm tụng kinh gõ mõ trong am thờ, Trương huynh biết mới lạ đó.

Trang Kình cười giễu.

– Hẳn bản lãnh bà ta phải kinh khiếp quỷ thần lắm, mới khiến đám cao thủ nhất phương như Tần Thiên Nhân quy phục.

Họ Trương chưa hết kinh ngạc hít hà.

-Bản lãnh vị sư thái ấy tôi không rõ đến đâu. Nhưng Trương huynh nghĩ mà xem, nếu bà ta có thân phận công chúa tiền triều, chẳng phải sức hiệu triệu gấp mấy lần Tần Thiên Nhân rồi ư? – Trung niên họ Hoành tung ra tin tức kinh người.

Quả nhiên Trương Thiết và Trang Kình chấn động.  Hồi lâu, họ Trương thở dài cảm khái:

-Quả nhiên những người trong Đại Minh Triều đều là bậc hào kiệt hiếm có, đáng để Trương mỗ này ngưỡng mộ.

Cả bọn gật đầu xưng phải.

Nghe lén nãy giờ, thẳng bé mũi càng nở hết cỡ, hiển nhiên tự xếp bản thân vào số hào kiệt đó rồi.

Bất chợt có kẻ lên tiếng đề tỉnh:

– Ba vị huynh đệ, ngoài cửa thành dán đầy cáo thị truy nã người Đại Minh Triều kia kìa. Còn chưa kịp ngưỡng mộ không khéo đã đầu một nơi thân một nẻo.

Đại hán đang nhíu mày trầm ngâm nghe vậy trợn mắt tức giận quát:

– Hắc Đao Trương Thiết này tự thẹn bất tài. Tuy chẳng có đảm lược đứng lên rửa nỗi nhục phải mang đuôi sam này sau đầu, nhưng nói vài lời thật lòng Trương mỗ đâu có sợ!

Tức thì kẻ đó lắc đầu bỏ đi, đám người xung quanh sợ tai bay vạ gió cũng tản dần.

Họ Trang e ngại nhìn quanh, kéo tay Trương Thiết và Hoành Lập nói:

– Thôi không nói chuyện dễ mất đầu này nữa. Chúng ta đi uống rượu thôi, tôi mời hai vị!

Thằng bé nhìn theo ba người, không khỏi nghĩ thầm: “Vị Trương thúc này cũng là người đáng mến, đang lúc khát nhân tài. Nếu mình dẫn tiến vào Hội có khi được sư phụ khen ngợi không chừng. Còn người kia chắc hẳn chưa đến ngay đâu.”

Nghĩ là làm, nó vừa dợm bước bỗng nghe đâu có tiếng nói rất nhỏ như tiếng muỗi kêu vo ve: 

– Địa chấn cao cương thiên cổ tại. 

Công phu Tụ Lý Truyền Âm này chẳng phải điều lạ với nó, nên thằng bé giật nảy mình. Song bề ngoài nó tỉnh bơ, khịt mũi làm bộ ngó lơ vài vòng. Quanh đấy lác đác vài người, khả nghi nhất là một thanh niên sau lưng nó, đầu đội nón tơi sùm sụp không rõ bao tuổi, mặc chiếc áo dài màu xanh lá cây và chiếc quần đen, tay dắt theo con ngựa trắng. Nó ngờ ngợ đi lướt qua, hạ giọng nói khe khẽ qua kẽ răng:

– Tam hợp hà thủy vạn niên lưu.

Các câu ám hiệu nó biết có rất nhiều loại, nhưng câu nói được phổ biến rộng rãi nhất là hai câu trên. Khi người trong hội cần gặp nhau, một người sẽ đọc nửa vế đầu “địa chấn cao cương thiên cổ tại.”  Người kia sẽ đọc vế còn lại “tam hợp hà thủy vạn niên lưu.” Chỉ thấy người thanh niên kia kín đáo làm một thủ thế đã qui ước trước, thằng bé liền đi thẳng một mạch ra khỏi chợ.

Lòng vòng suốt một khắc, tới một con lộ đất chạy dài dẫn tới một rừng tre xanh nằm phía xa xa, xung quanh không một bóng người, thằng bé đứng lại đợi người thanh niên tới gần. Lúc này nó mới nhìn kỹ hơn, dù không rõ dung mạo nhưng còn khá trẻ chỉ ngoài hai mươi là cùng. Y mỉm cười chào:

-Anh bạn nhỏ, làm phiền đệ rồi!

– Huynh là người đưa thư? – Đáp lại thằng bé nghiêm mặt hỏi. 

-Đúng vậy, thư đến từ Hắc Viện.

Mắt nó sáng rỡ, hô lên:

-Phải chăng người nhận là một cô gái?

– Đúng vậy, sao đệ đoán hay thế? – Người thanh niên tấm tắc khen.

Thằng bé cười toét miệng, song nó bĩu môi đáp:

-Thư tín từ Hắc Viện tới đây, trước nay chỉ gửi cho người đó thôi. Có gì giỏi chứ! Để Hiểu Lạc dẫn huynh đi!

– Hóa ra đệ chính là Hiểu Lạc mà Cửu Dương tiên sinh hay nhắc đến. Nhạc Tam Nguyên ngưỡng mộ đã lâu!

Chẳng người lớn nào đi nói ngưỡng mộ một thằng nhóc mười một tuổi cả, nhưng có thể thấy người thanh niên này rất giỏi pha trò làm vui lòng người khác. Thằng bé Hiểu Lạc cười tít mắt, nhất là khi nghe được điều mong ước bấy lâu: “Hóa ra sư phụ hay nhắc tới mình,” liền thấy họ Nhạc này thân thiết hơn vài phần. Hai người cất bước hướng về rừng tre xanh mướt phía xa.

Vừa đi vừa trò chuyện, thoáng chốc cả hai như thân quen đã lâu. Bỗng người thanh niên nghiêm nét mặt:

-Thực ra huynh đã đứng ở đám mãi võ một lúc. Không định gặp đệ ở chốn đông người đó đâu nhưng vẫn phải lên tiếng. Đệ biết vì sao không?

Vốn thông minh hơn người, thằng bé thoáng suy nghĩ rồi đáp:

-Chẳng lẽ huynh biết đệ định đi theo người tên Trương Thiết kia?

– Đúng vậy. Đệ nên biết chúng ta đang bị triều đình Mãn Thanh truy nã gắt gao, có rất nhiều thám tử triều đình giả trang làm khách giang hồ lưu lạc trong dân gian. Để lần ra chúng ta, chúng sử dụng đủ mọi âm mưu quỷ kế, thậm chí khổ nhục kế nhằm tìm cơ hội trà trộn vào Hội. Đệ có thấy kẻ nào ngu ngốc đến mức công khai đứng giữa chốn đông người, nói lời ủng hộ chúng ta như vậy không? Đệ có nghĩ tới sinh mạng của các huynh đệ tỷ muội trong Hội, thậm chí sự nghiệp to lớn khôi phục Thiên triều sẽ thế nào nếu có kẻ gian lọt vào không?

Mấy lời chất vấn nghiêm khắc của người nọ như thùng nước đá dội lên Hiểu Lạc, khiến nó giật mình, lạnh buốt toàn thân. Ngẫm kỹ lại nó thấy mình đúng là khinh suất tự mãn, quá kích động trước mấy lời nhiệt huyết của họ Trương rồi. Thằng bé ủ rũ nói như mếu:

-Hiểu Lạc biết lỗi rồi.

Thấy trách mắng đã đủ, họ Nhạc siết nhẹ vai thằng bé an ủi:

-Cũng không trách được đệ. Dù ta biết đệ rất thông minh, Cửu Dương tiên sinh khen đệ nhiều. Nhưng có một số việc, ở tuổi đệ khó lòng suy xét được, từ nay đệ phải thực sự cẩn trọng trong hành động!

Như suy ngẫm điều gì, y thở dài nói tiếp:

– Cũng có thể huynh quá đa nghi. Nhưng đệ hiểu không, đã đi lên con đường này, chỉ một sai lầm nhỏ tất cả chúng ta sẽ rơi vào cảnh vạn kiếp bất phục.

– Đệ hiểu. Đệ nhất định không tái phạm đâu!

Hiểu Lạc gật mạnh đầu, chợt nhỏ giọng năn nỉ:

– Huynh đừng nói chuyện này với sư phụ nhé!

– Được, huynh sẽ không nói. 

Họ Nhạc mỉm cười đáp.

Là đứa khôn ngoan trước tuổi, Hiểu Lạc không hề giận dỗi hay tủi thân vì bị trách mắng như đám trẻ cùng lứa. Nó chỉ thấy vị đại ca này bản lĩnh suy xét rất lợi hại, không hổ là người đến từ Hắc Viện, được sư phụ nó tin tưởng nhờ cậy. 

“Người sư phụ nhìn trúng nào phải tầm thường” – Nó đắc ý thầm nhủ.

Đi chừng một khắc nữa, hai người dừng chân trước một hàng rào dây leo bao bọc một gian nhà tranh, nằm giữa khu rừng tre hoang sơ. Đừng nhìn rừng tre xanh rì nom rất yên bình này mà lầm, nơi này có rất nhiều rắn độc đấy, một ít vốn ở đây từ trước, phần còn lại chúng được thả vào, nên từ lâu nơi đây đã không có  ai dám vào rừng bẻ măng.  Nghe đồn có loại rắn tới hai ba đầu, sống từng bầy từng đàn nhiều như cỏ dại, với nọc độc cực mạnh cắn một phát là cả con bò trưởng thành chết ngay tấp lự. Thế nên ngoại trừ những người trong hội đã được uống thuốc giải bách độc mới dám bước vào, những người khác không ai biết trong rừng có một căn nhà. 

Trẻ con thoắt vui thoắt buồn, thằng bé mở cổng hàng rào, nhảy chân sáo đi trước, chưa tới cửa nhà nó đã la lớn: 

– Sư mẫu, sư mẫu, có khách đến!

– Hứ! Ai thèm làm sư mẫu của đệ! 

Có tiếng hứ dài, giọng nói tuy đang giận lẫy mà trong trẻo như tiếng ngọc chạm vào nhau, vang lên từ bên trong căn nhà tranh:

-Đã nói với đệ bao lần rồi mà cũng không chịu sửa lại dùm cho tỷ một cái, đừng gọi vậy nữa được không?

Tiếng vừa dứt, người lập tức xuất hiện. Thiếu nữ mặc bộ đồ màu hồng phấn, gương mặt khả ái như một đóa hoa hải đường, song đôi mắt có phần u buồn. Thân hình nàng rất đẹp, ngực nở eo thon hết sức cân đối, xứng đáng gọi là tuyệt sắc giai nhân.  Tay bưng niêu thuốc còn đang nghi ngút khói, mùi thuốc bắc đăng đắng lan tỏa khắp gian nhà tranh. 

Ngôi nhà này được dựng theo hình một cây nấm rơm, có đường kính năm trượng, cao hai trượng, chia làm hai gian, được ghép lại từ hai ngàn thân tre. Trong nhà ngoại trừ cô gái thì vắng tanh vắng ngắt, đồ vật trang trí cũng rất sơ sài. Gian trước là chổ để chẩn mạch và chứa thuốc. Xung quanh ba mặt vách đóng nhiều kệ bằng tre, trên đặt các hủ chứa các loại thảo dược đã được phơi khô.  Giữa nhà có một cái bàn và năm cái ghế gỗ cũng được đóng bằng tre nốt.  Gian trong có hai cái giường ngủ, phía sân sau nhà còn có một cái bếp nhỏ nữa để nấu ăn và mấy cái sào để phơi áo quần.  

Thằng bé che miệng làm bộ lở lời, giơ tay gãi gãi đầu, cười hì hì nói:

– Xin lỗi sư mẫu… à quên sư tỷ, Hiểu Lạc gấp quá nên quên mất. 

Cô gái nhìn thoáng ra cửa hỏi:

– Đệ đưa ai đến vậy?

Hiểu Lạc chưa kịp trả lời, họ Nhạc đã bước vô nhà, y tháo hẳn chiếc nón xuống, để lộ gương mặt nho nhã như một văn sĩ. Trong giây lát có phần ngây ngất trước sắc đẹp của nàng, nhưng rất nhanh y chỉnh lại sắc mặt, nghiêm túc chắp tay chào:

– Tại hạ Nhạc Tam Nguyên, xin có lễ cô nương!

– Nhạc huynh khách khí rồi – Cô gái mỉm cười đáp lễ, hỏi lại – Không biết huynh từ đâu tới?

– Từ An Huy, Hàng Châu.

Bình thường thư tín vẫn được gửi từ Hàng Châu bằng đường bồ câu tới nội thành, rồi có người mang tới đây. Bữa nay người đưa thư lại trực tiếp chạy tới, đủ thấy có sự bất thường rồi. Cô gái lộ vẻ khẩn trương:

– Hẳn là chuyện rất quan trọng?

– Đúng vậy, chuyện này liên quan trực tiếp tới cô nương. Thất đương gia gởi thư này cho cô.

Cô gái nghe vậy bất giác cau đôi mày liễu, trống ngực đập thình thịch. Nàng lo lắng hồi hộp đến nỗi quên luôn phép lịch sự mời khách ngồi nghỉ chân uống trà, lòng thầm suy đoán. Đưa luôn niêu thuốc cho Hiểu Lạc bảo nó cầm giúp, nàng hấp tấp mở thư ra đọc. 

Chỉ thấy trên tờ giấy Tuyên Thành, viết nắn nót bốn chữ “Gả cho huynh nha,” bên dưới có vẽ đôi hồ điệp quấn quýt trông rất sinh động đẹp mắt.

Đôi mắt đen láy nhất thời trợn tròn, hàng mi cong chớp chớp liền mấy lượt. Cô gái như không tin vào mắt mình, môi hồng hé ra lắp bắp:

– Thế này, thế này…là…là…

Trước khi mở thư nàng đã chuẩn bị tâm lý đối mặt với chuyện xấu nhất rồi. Nhưng không bao giờ nghĩ tới có màn trêu chọc này.

Nhìn đôi hồ điệp quấn lấy nhau không rời, mặt ngọc phủ lên ráng hồng, càng lúc càng đậm. Nhưng chỉ giây lát, cảm giác xấu hổ liền nhường chỗ cho một nỗi bực dọc. Nàng tức giận thầm nhủ: “Đây mà cũng là thư quan trọng sao? Thực uổng công mình lo lắng vô ích.”

Đã vậy phải nhờ một vị tú tài ngựa không dừng vó ngàn dặm đến trao cho nàng. Mà tới từ An Huy Hàng Châu thì đích thị là người trong học đường Hắc Viện rồi. Những tú tài nơi này làm văn đệ thơ đều xuất chúng, nổi tiếng cả vùng sông nước miền Nam. 

Thiếu nữ hoa dung sa sầm, gương mặt xinh xắn như trăng rằm vụt hóa trăng úa, nàng liền vo tròn tờ “đệ thư cầu thân” đó ném luôn xuống đất.

Hai gã trai một lớn một nhỏ chứng kiến sắc mặt giai nhân thoắt hồng thoắt tối, trong giây lát cảm xúc đã biến ảo mấy lần liền, đã tò mò lắm rồi. Giờ lại thấy nàng ta quăng bức thư quan trọng ấy đi thì ngạc nhiên há hốc miệng.

Khéo thay, lá thư vo tròn lăn đến chân hai người. Nhạc Tam Nguyên vì phép lịch sự phải cố nén, thằng bé Hiểu Lạc đâu nghĩ nhiều như vậy. Nó chỉ biết sắp có trò hay, liền cúi xuống đặt niêu thuốc sang bên, tay nhặt tờ giấy lên phủi phủi bụi mở ra xem.

– Không được coi! Trả cho tỷ!

Cô gái muốn giành lại mà không kịp, chỉ biết dậm chân giận dỗi. Nhạc Tam Nguyên không dằn nổi hiếu kỳ, cũng nhón chân liếc mắt đọc ké. Bốn chữ rơi vào mắt, y liền lắc đầu cười khổ:

– Đúng là chỉ có thất đương gia, đến nước này mà còn giỡn chơi được.

Nhưng Hiểu Lạc không biết lịch sự như thế, nó cười gập cả bụng, thậm chí ngã lăn ra đất, cứ khanh khách hoài.

Cô gái vì quá ngượng, không làm gì được thằng nhóc nên mím môi, trút giận vào kẻ đưa thư:

– Nhạc huynh, huynh cũng rảnh rỗi quá ha, vâng lời huynh ấy quá ha, lại phi ngựa đến tận đây giúp người ta trêu chọc tôi?

– Ấy, Tam Nguyên đâu dám, đó là lời dặn của thất đương gia đấy. Tam Nguyên chỉ có nhiệm vụ làm theo thôi, thực sự không biết nội dung thư lại như vậy. 

Họ Nhạc cuống quít phân trần, lại lấy ra một phong thư.

– Huynh ấy dặn đi dặn lại phải đưa lần lượt. Đây là cái thứ hai, mong cô nương nhận lấy cho.

Nàng áo hồng chần chừ chưa chịu cầm lấy phong thư, nghi ngại săm soi cái phong bì màu vàng nhạt, như thể trong đó có con quái thú chỉ chực bay ra hù nàng chết khiếp. Hồi lâu nàng mới nhận thư xé ra đọc. 

Lần này là mấy dòng ngắn gọn: “Chuyến đi lần này thập phần nguy hiểm, có nguy cơ thất thủ rất cao. Cho nên đọc được thư này hãy mau chóng rời khỏi Sơn Đông, để cho an toàn, tốt nhất là đến Hồi Cương, đừng đi Hàng Châu …”

– Tỷ à – Thằng bé Hiểu Lạc đã mon men tới sau nàng từ khi nào, đọc ké tới đoạn này lo lắng hỏi – Lần này chuyện lớn rồi đó. Tính sao đây tỷ?

– Tỷ không biết.

Nhìn kỹ lại lần nữa, nàng lật thư thấy phía sau có vẽ nguệch ngoạc bằng tay một tấm địa đồ liền đưa cho Nhạc Tam Nguyên:

– Đây là địa đồ gì vậy, Nhạc huynh biết chăng?

Y đón lấy đọc lướt qua, nghiên cứu kỹ tấm địa đồ, đoạn nói:

– Đây hẳn là địa đồ Cửu Dương tiên sinh vẽ ra khi suy tính kế hoạch, liên quan đến một việc kinh tâm động phách.

– Là việc gì mà huynh ấy vội đến mức không kịp lấy tờ giấy khác, viết thư lên đó luôn chứ? 

Cô gái thấp thỏm hỏi.

– Việc này rất bí mật, chỉ giới hạn trong mấy vị đương gia được biết. Nhưng có lần Tam Nguyên được thất gia tin tưởng, đem ra thảo luận cùng nên tôi có biết một hai. Nghe nói họ lên kế hoạch định hành thích Khang Hy tiểu hoàng đế.

-A!

Hai tỷ đệ cùng thốt lên kinh hãi. Trong đầu thằng bé Hiểu Lạc chợt văng vẳng câu hát: 

“Gió hiu hiu hề, nước sông Dịch lạnh ghê 

Tráng sĩ một đi không trở về.”

Trước mắt nó như mường tượng ra hình ảnh đầy nhiệt huyết năm xưa tráng sĩ Kinh Kha đi ám sát vua Tần. Hình ảnh ấy nhòe dần nhòe dần, rồi biến ảo thành bóng hình hiên ngang của sư phụ nó cùng mấy vị đương gia. Chỉ nghĩ tới cảnh mấy con người đơn bạc vượt trùng vây thiên quân vạn mã để thích sát hoàng đế, máu trong người nó như sôi lên vì kích động. Song lại sợ hãi thắt ruột, dường như lần cuối nó gặp sư phụ đã lâu lắm rồi… 

Còn cô gái là lo cho an nguy của tất cả mọi người, hoa dung thất sắc cùng dáng vóc yêu kiều khiến họ Nhạc không khỏi sững sờ. Thực ra nàng chỉ thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên đó thôi, thường ngày trước thằng bé Hiểu Lạc thế nào thì bây giờ trước Nhạc Tam Nguyên vẫn vậy. Song nàng đâu biết, một trang giai nhân tuyệt sắc như nàng mọi cử chỉ đều lộ vẻ quyến rũ chết người, nhất là với nam nhân trưởng thành.

Họ Nhạc thừa nhận đây là người con gái đẹp nhất y từng gặp song lập tức tự đề tỉnh bản thân, trong lòng xấu hổ thầm hô: “Nhạc Tam Nguyên hỡi Nhạc Tam Nguyên, mi sao lại luống cuống như vậy chứ?”  Bởi y biết rõ vị trí của cô gái này trong tim Cửu Dương tiên sinh quan trọng đến mức nào, mà y, lại là người vô cùng kính trọng tiên sinh. 

Hít một hơi thật sâu lấy lại trấn tĩnh, Nhạc Tam Nguyên trải bức thư ra bàn. Hai chị em xúm lại, nhìn theo ngón tay y khoanh một vòng tròn trên địa đồ, vừa khoanh vừa giảng giải:

– Mời cô nương xem qua. Nhìn vào địa hình đây hẳn là Quan Âm Tự ở Sơn Tây. Nơi này khá nổi tiếng, giới văn nhân như tại hạ rất thích đến chỗ này ngắm cảnh vịnh thơ. Đó là một ngôi chùa được xây ở lưng chừng triền núi, cạnh bên chùa có một khu rừng. Nếu có phục binh, ắt sẽ ẩn nấp trong khu rừng thông sát ngôi chùa này. Muốn tới Chính điện để bái lễ chỉ có duy nhất con đường mòn này, nên binh lính canh gác càng nghiêm ngặt. Cho nên họ dự định chọn vực thẳm cao nhất, dùng lăng ba vi bộ thi triển khinh công vượt qua…

Chỉ chưa đầy một khắc mà cô gái trải qua một lượt đến mấy loại cảm xúc khác nhau, nào là hồi hộp, mắc cỡ, tức giận, sợ sệt, rồi giờ lại đến phiên lo âu, nàng run giọng hỏi:

– Lần đi này, ngoài mấy vị đương gia còn có những ai?

Nhạc Tam Nguyên trầm giọng đáp:

– Theo lời Cửu Dương tiên sinh, Cửu Nạn sư thái vì muốn chắc chắn hoàn thành nhiệm vụ nên đích thân lâm trận…

– A, nguy hiểm vậy sao sư thái cũng đi! 

Hiểu Lạc la lên:

– Lỡ có… thì Hội chúng ta phải làm sao? 

Từ câu chuyện nghe được ở chợ hôm nay, thằng bé đã hiểu Cửu Nạn sư thái quan trọng với Đại Minh Triều nhường nào. Thân phận của bà có sức mạnh hơn bất cứ thứ võ công vô địch nào.

Thực ra, họ Hoành nọ đoán chẳng sai. Cửu Nạn sư thái cũng chính là Trường Bình công chúa của tiền triều Đại Minh – triều đại cuối cùng của người Hán trước khi bị thôn tính bởi nhà Thanh tộc Mãn Châu. Năm xưa, bà là vị công chúa vô cùng đặc biệt. Do ghét cuộc sống tù túng trong lầu vàng điện ngọc, Trường Bình công chúa trốn đi lưu lạc giang hồ, để tiện hành tẩu bèn lấy biệt danh là A Cửu. 

Khi nước nhà lâm nguy, như bao trang nam nhi, bà cũng rút kiếm xung trận. Rốt cuộc sức người chẳng chống nổi mệnh trời. Nước mất nhà tan, lại bị mất một cánh tay trong một trận huyết chiến kịch liệt, A Cửu xuất gia đầu phật, lấy pháp danh là Cửu Nạn. Điều đó lý giải vì sao hiện nay ít người trên giang hồ biết đến cái tên Cửu Nạn sư thái.

Nhạc Tam Nguyên nhìn Hiểu Lạc tán thưởng rồi đáp:

– Hai người an tâm. Với võ công của sư thái cùng bảy vị đương gia, dù không thành công song rút lui vẫn thừa sức.  

Cô gái nhíu mày suy nghĩ, nhẹ gật đầu. Nhạc Tam Nguyên nói chẳng sai, bảy vị đương gia này nàng có lòng tin tuyệt đối. 

Thật ra vị thất đương gia Cửu Dương này, người được giang hồ xưng tụng Gia Cát Lượng tái thế chính là sư phụ của thằng bé Hiểu Lạc. Ngoài ra y còn một thân phận khác là viện trưởng của Hắc Viện, một học đường nổi tiếng vùng Giang Nam. Một điều nữa giang hồ càng ít biết, y và Tần Thiên Nhân cùng chung một huyết thống, tên thật của y là Tần Thiên Văn.  

(còn tiếp)

—oo0oo— 

Chiều dần buông, vầng thái dương chênh chếch gác về ngọn núi phía Tây, đã mất đi vẻ chói rực ban ngày.  

Sau một hồi suy tính, cô gái áo hồng quyết định trở về An Huy Hàng Châu thay vì đi Hồi Cương theo lời khuyên trong thư. Nàng cùng với Hiểu Lạc và Nhạc Tam Nguyên, ba người ba ngựa lập tức lên đường.Vì quá gấp rút nên cô gái và Hiểu Lạc không thu dọn được hành lý nhiều.  Chỉ đem theo vài ba bộ áo quần, mấy lọ thuốc trị thương và lương khô. Tất cả xếp vào một tấm vải hình vuông rồi cuộn lại, cột thành cái nút đeo lên lưng là được. Riêng cô gái không quên mang theo một bộ kim châm được đúc từ vàng ròng, là di vật sư phụ nàng để lại. Có khách giang hồ kể rằng, sư phụ nàng từng dùng chúng cứu sống được cả người vừa tắt thở. Thực hư thế nào không rõ, song với nàng đó là vật bất ly thân.

Cũng vì lo xa nên ba người chọn những con đường mòn hoang vắng mà đi, chưa được bao xa thì trời đã nhá nhem tối. Ở vùng hoang dã này ngay cả một hộ nông gia cũng không sao tìm thấy, huống chi quán trọ. Nhưng ba người từ nhỏ đã quen sống cảnh thanh bần nên không kén cá chọn canh gì, liền tìm một tảng đá lớn để ngả lưng là xong. 

Màn đêm buông xuống, bóng tối mờ nhạt dần dần bao trùm khắp nơi. Những ngôi sao một khắc trước còn mờ ảo, giờ cũng đã rõ dần. Chẳng bao lâu mặt trăng đã bắt đầu ló dạng, to tròn như chiếc mâm bạc trong vắt, lơ lửng trên bầu trời thăm thẳm.  Ánh trăng bàng bạc nhuộm khắp cây cối, núi đồi.  Tứ bề cảnh vật im lặng, gió nhè nhẹ lay động tán cây như nâng niu vẻ đẹp ánh trăng đêm nay.

Nhưng cô gái chẳng có tâm trạng nào mà thưởng thức, nàng chỉ đứng bần thần dõi mắt về phương trời xa xăm, lòng dạ rối bời lo lắng.

Nhạc Tam Nguyên đã cho ngựa đi ăn cỏ. Hiểu Lạc sục sạo quanh đó một lúc, hái về mấy trái táo rừng rồi đi cắt một ít cỏ. Sau khi quét dọn sạch sẽ nó liền phủ xuống đất làm chỗ nằm nghỉ.

– Tỷ à, đệ làm được cái giường cỏ rồi đấy. Tỷ có mệt thì ngả lưng nghỉ ngơi, ngủ một giấc lại sức rồi đi tiếp.

Nó vừa nói vừa kéo tay nàng ngồi xuống “cái giường.”

Song cô gái lắc đầu đáp:

– Tỷ không muốn ở đây mất thời gian, hay là chúng ta tiếp tục đi? 

Vừa lúc Nhạc Tam Nguyên dẫn ngựa trở về, nghe được liền lắc đầu: 

– Trời tối như vầy họa chăng có thánh mới thấy đường mà đi. Đành chịu thôi, chờ đến sáng hẳn chúng ta tiếp tục khởi hành. 

Nói đoạn, Nhạc Tam Nguyên lấy bình nước và gói giấy dầu bọc mấy chiếc bánh bao trong túi hành lý treo trên lưng ngựa, rồi đến ngồi xuống cạnh đệm cỏ, mở bọc giấy trải trên tảng đá.

-Hai tỷ đệ ăn tạm cho đỡ đói nhé!

-Cảm ơn Nhạc huynh, tôi không đói!  – Cô gái tựa lưng vào tảng đá lắc đầu, giọng buồn buồn.

Hiểu Lạc tưởng nàng không muốn ăn bánh, bèn cầm mấy quả táo đưa nàng.  Cô gái tiếp tục lắc đầu.

Nhạc Tam Nguyên và Hiểu Lạc đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn lại dung nhan u sầu ảm đạm trước mặt họ, không biết mở lời an ủi thế nào.

Nhạc Tam Nguyên đương nhiên biết nàng đang lo cho sư thái và mấy vị đương gia, bây giờ trước mặt dẫu có sơn hào hải vị cũng không nuốt trôi được.  Thực ra y chẳng khác chi, trong lòng cũng như nàng thôi, lo âu lắm, nuốt miếng bánh mà thấy nghèn nghẹn, bèn đẩy cả sang cho Hiểu Lạc.  

Nhạc Tam Nguyên lại nhìn cô gái, mấy lần định lên tiếng mà không biết nói gì bây giờ?  Lời trấn an thì lúc ban sáng đã có nói với nàng rồi, đành bất lực quay qua Hiểu Lạc cười khổ, giấu tiếng thở dài.

Có người nói nếu trong lòng trùng trùng tâm sự thì dù trời quang mây tạnh, nắng vàng rực rỡ cũng thấy u ám khôn nguôi.  Ngược lại, tâm thái quang đãng thì dù đang mưa rào rào vẫn thấy bầu trời sáng sủa vô cùng. Thực đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

Cứ như thằng bé Hiểu Lạc, dẫu sao vẫn chỉ là đứa trẻ mười tuổi. Mà trẻ con thì bản tính vô tư vô lo, buồn đấy nhưng thoáng cái bay mất tiêu. Đi đường suốt mấy canh giờ nó sớm mệt mỏi lắm rồi, liền ngồi xếp bằng trên cỏ hết nhai bánh ngồm ngoàm đến cắn táo sần sật, rồi uống nước ừng ực một cách ngon lành.  

Chỉ nhoáng cái đã xử lý hết mấy phần bánh bao, Hiểu Lạc xoa xoa cái bụng căng tròn, ngáp một cái thật dài, vô tư buông mình nằm xuống đệm cỏ êm ái. Nó ngẩng đầu lên nhìn Nhạc Tam Nguyên, cười hỏi: 

– Nhạc sư huynh à, người ta nói buồn ngủ mà gặp chiếu manh nghĩa là như vầy đó hả? 

Nhạc Tam Nguyên bật cười gật đầu, đưa tay xoa đầu Hiểu Lạc. Thằng bé khoái chí cười khanh khách rồi lim dim nhắm mắt, thoáng cái đã chìm vào giấc ngủ thật ngon. 

-Hay là cô nương cũng nằm xuống đi, nhắm mắt lại vỗ giấc ngủ một tý? 

Cũng như ban nãy, lời đề nghị của Nhạc Tam Nguyên chỉ nhận được cái lắc đầu.   

Một cơn gió ùa qua thổi tung tà áo, từng lọn tóc mây đen huyền óng ả mượt mà bay lòa xòa qua vai nàng.  Ngồi giữa rừng cây gió lộng, dưới suối trăng bàng bạc trông nàng sáng bừng lên, diễm lệ thánh khiết như tiên nữ giáng trần. Y thoáng sững sờ, bất giác lẩm nhẩm đôi câu:

Bóng trăng nhạt nhòa, xiêm y phấp phới

Mỹ nhân như ngọc, lạc hạ nhân gian.

Cô gái dường như không nghe thấy, lấy một chiếc vòng cỏ cất trong tay áo ra, đeo vô cổ tay trắng ngà, mịn màng không tì vết của nàng.  Lúc trước Nhạc Tam Nguyên từng có một khoảng thời gian du ngoạn qua tây bắc, nên biết theo phong tục vùng Hồi cương đeo vòng cỏ là tượng trưng cho sự cầu may. 

Trời càng khuya, sương trắng mờ mặt đất.  

Dầu có lạnh nhưng Nhạc Tam Nguyên không dám đốt lửa để sưởi ấm cho ba người họ, ánh lửa trong đêm tối rất dễ gây chú ý. Nhất là giữa nơi hoang vu hẻo lánh thế này, binh lính công sai thì chưa chắc song giặc cướp lại rất nhiều. Ngộ nhỡ có kẻ bất lương tìm đến, xui nhất là cả một đám thì phiền phức to. Không dưng có ba người, một nam một nữ một trẻ con lang thang giữa rừng sâu hoang vu vào đêm hôm khuya khoắt thế này. Của cải nhiều ít chưa cần biết, nhưng cô gái sắc nước hương trời thế kia kẻ bất lương nào cầm lòng cho đặng. Họ Nhạc y dẫu dũng mãnh đến mấy cũng rơi vào cảnh “mãnh hổ nan địch quần hồ” mà thôi. Cứ cẩn tắc vô áy náy cho chắc. 

Nhạc Tam Nguyên ngần ngừ mãi đành cởi áo khoác đang mặc trên người xuống đưa cô gái, không khỏi phân trần:

– Tam Nguyên tôi không có ý gì đâu, nhưng chúng ta ngộ biến tòng quyền. Cô nương thông cảm cho.

Là người thông minh, nàng gật đầu tỏ ý đã hiểu, liền cầm lấy nhưng không mặc vào mà đắp lên mình Hiểu Lạc. Thằng nhóc ngủ ngáy o o không biết trời trăng mây nước gì hết.

Cô gái áo hồng dường như định trắng đêm không ngủ, ngồi bó gối thẫn thờ. Không rõ nàng đang hồi tưởng chuyện gì mà kiềm lòng không được, lệ bỗng tuôn không ngớt trên gương mặt khả ái.  Nhạc Tam Nguyên chỉ biết liên tục đưa tay ngắt mấy cọng cỏ mọc xung quanh tảng đá, bối rối theo từng tiếng rưng rức của nàng, thầm ảo não: “Nhạc Tam Nguyên ta thường ngày tuy không phải là một chuyên gia văn chương thư pháp hay tuyệt như Cửu Dương tiên sinh, nhưng dầu gì cũng là tú tài, cũng biết đệ mấy câu thơ chọc ghẹo các cô gái giặt giũ bên bờ Tây hồ trơn tru tự nhiên lắm chứ, đâu có phải tay chân thừa thãi chẳng biết làm gì như lúc này? ” 

Bởi vậy mới hay, cười cười nói nói thốt lời trêu chọc mấy nàng liễu yếu đào tơ thì dễ, chứ nói mấy lời đàng hoàng, an ủi lúc người ta sầu khổ rơi nước mắt mới thực sự khó. Hữu hiệu nhất lúc này là một bờ vai giúp mỹ nhân tựa vào, nhưng Nhạc Tam Nguyên y dám hay sao?

Nguyên đêm Nhạc Tam Nguyên cũng thức trắng như cô gái áo hồng. Một mặt y lo có thú rừng tấn công bất chợt, mặt khác y không nỡ… để một cô gái ngồi đó cô đơn khóc thút thít một mình. Vả lại, y hết lo lắng cho an nguy của Cửu Nạn sư thái và bảy người đương gia, lại trăn trở cho vận mệnh hội Đại Minh Triều sau này.

Cứ thế cho đến tờ mờ sáng, cô gái đánh thức Hiểu Lạc dậy, kêu nó chuẩn bị lên đường. Thằng bé ngơ ngác, đưa tay lên dụi dụi mắt, con nhắm con mở như mắt bồ câu con bay con đậu.  Rồi nó ngó thấy mắt nàng đỏ quạch, sưng húp như hai quả nhót, ái ngại hỏi han:  

– Cả đêm tỷ không ngủ được á? 

Nàng lắc đầu. Nó chẹp chẹp miệng, khoát tay nói: 

– Sư phụ có võ công cao cường lắm, nhất định sẽ không sao đâu, tỷ đừng lo.

Nàng thoáng ửng hồng gò má, nguýt nó: 

– Hứ, linh tinh!  Ai nói với đệ tỷ khóc huynh ấy? 

Dứt lời nàng mặc xác thằng nhóc, leo lên yên ngựa giật cương phi đi trước. Nhạc Tam Nguyên tức tốc giục ngựa chạy theo nàng. Họ hướng tới trường học Hắc Viện ở An Huy. 

Hiểu Lạc sau cái vò đầu, cũng nhảy tót lên ngựa đuổi theo hai người, còn hô với theo: 

– Chứ còn ai vào đây nữa hả tỷ?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN