Thanh Triều Ngoại Sử - Chương 3: Ngự biển
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
139


Thanh Triều Ngoại Sử


Chương 3: Ngự biển


Múa bút nghiêng vai họa mấy dòng

Nắn na nắn nót một đường cong

Xướng trăng chói rọi nhành lan tím

Lập lòe bướm lượn thế là xong

Cửa sau Hắc Viện học xá tỉnh Hàng Châu, một ông lão đầu tóc bạc trắng đang đứng xuôi tay, ánh mắt chăm chăm như muốn xuyên qua cánh cửa đang đóng im ỉm, thi thoảng buông từng tiếng thở dài thườn thượt.  Gần đó là Nhạc Tam Nguyên đi tới đi lui trên hành lang, hai tay đấm vào nhau vẻ nôn nóng.  

– Đã mấy ngày rồi, sao chẳng có chút tin tức là sao…- Chàng ta liên tục lẩm bẩm.

Chừng như cũng sốt ruột, ông lão quay qua cằn nhằn:

– Tam Nguyên à, cậu đứng yên một chút có được không? Lão chóng hết cả mặt rồi đây!

– Nhưng Trần thúc, cháu… – Chưa nói hết câu, Nhạc Tam Nguyên buồn bực đấm mạnh một cái vào tường.

– Lão biết chứ! Lão cũng đang cồn cào hết cả ruột gan khác gì cậu đâu. Nếu mọi người có mệnh hệ gì, Đại Minh Triều hội chúng ta… Ài, thôi không nói nữa! – Ông thở dài đánh thượt một cái.

Đã mươi ngày nay, từ khi Giang Nam thất hiệp đi hành thích Khang Hi ở Quan Âm tự, hai người họ không đêm nào ngủ được tròn giấc, cứ hễ đặt lưng nằm xuống thiếp đi một hai canh giờ là lại giật mình ngồi bật dậy, ra ngoài cửa này ngóng đợi.

Nhạc Tam Nguyên ngồi phịch xuống bậc thềm gần đó, sầu não nói:

– Cháu thấy mình thật vô dụng, sư thái và các vị đương gia đang cơn gian nguy, sinh tử chưa rõ. Còn cháu chỉ biết ngồi đây bất lực chờ đợi!

Nghe vậy ông lão cười khổ, tiến đến vỗ nhẹ lên vai chàng ta:

– Đừng coi nhẹ bản thân như vậy chứ, không tham gia hành động lần này thì còn lần khác. Tam Nguyên cậu tuổi còn trẻ, tương lai ắt còn nhiều cơ hội ra sức cho Hội. Như lão đây…

Thoáng trầm mặc, ông cảm khái thốt:

– Nắm xương già này chả biết có sống được tới ngày nhìn chúng ta hoàn thành đại nghiệp phục quốc hay không?

Nhạc Tam Nguyên giật mình, biết mình vô tình khơi lên tâm sự của ông lão bèn nói lảng đi:

– Thúc lại cả nghĩ rồi. Hay là thúc đi nghỉ chút đi. Có tuổi rồi, đêm nào cũng thức như vầy hại sức khỏe lắm. Để mình cháu chờ cửa được rồi!

– À được lắm, lão chỉ an ủi mà Tam Nguyên cậu tưởng thật, lại chê ta già hả. Có tin trong mười chiêu lão Trần này gõ bàn tính u đầu cậu không? – Ông lão bật cười mắng.

– Hậu sinh nào dám, ai chẳng biết “Bàn tính gia” ngài xuất quỷ nhập thần chuyên trị đám giang hồ đại đạo, khiến chúng nghe tên là khiếp vía chứ!

Ông lão chỉ lắc đầu cười cười:

– Tam Nguyên cậu học ai không học, lại đi học bản lĩnh mồm mép của thằng nhóc Hiểu Lạc. Thật là…

Hai thúc cháu đều cười xòa khiến không khí nặng nề vơi bớt phần nào. Tuy Nhạc Tam Nguyên có pha trò đôi chút nhưng quả thực chàng ta không hề nói quá. Vốn ông lão này tên họ Trần Tôn, năm nay đã gần lục tuần, râu tóc bạc phơ cả rồi song năm xưa cũng là một hiệp khách cao thủ từng tung hoành ngang dọc ở Giang Nam. Nhờ thứ vũ khí độc đáo là một bộ bàn tính bằng sắt, ông được đồng đạo giang hồ khâm phục tặng cho ngoại hiệu là “Bàn tính gia.”  Sau này vì cảm phục đức độ của Mã Lương phu tử, ông mới xin theo bảo vệ kiêm luôn việc sổ sách.

Cũng phải nhắc lại rằng, đó là khi Mã Lương phu tử cùng hai người bạn tâm giao Tần Nhị, Lâm Vĩ cùng nhất trí đứng ra mở một ngôi trường dạy học miễn phí cho những người nghèo khó nhưng ham học, đặt tên là Hắc Viện học xá. Sau này, khi biết thật ra ba người họ còn cùng với Cửu Nạn sư thái và Giác Viễn đại sư liên kết lập ra một hội kín chống lại triều đình nhà Thanh từ thời Hoàng Thái Cực, Trần Tôn vui mừng thấy đúng với lý tưởng “phản Thanh phục Minh” luôn nung nấu trong lòng, liền trở thành một thành viên tích cực trong hội từ ngày đó.

Những năm đầu triều đại Hoàng Thái Cực, Bang hội Đại Minh Triều có thanh thế rất lớn. Ngoài hai tổng đà chính, một nằm ở phía Nam tức Hắc Viện học xá của trấn An Huy và một ở Tây Bắc, hội còn xây dựng được vô số các phân đà nằm rải rác khắp các miền đại giang Nam Bắc. Sau này tới triều Thuận Trị thì bị trấn áp dữ dội, hội phải lui vào hoạt động âm thầm và kín đáo hơn.

Song thời kỳ khó khăn nhất của Hội là vào năm thứ mười lăm đời Thuận Trị. Cùng một năm, bốn vị lãnh tụ Tần Nhị, Lâm Vĩ, Giác Viễn và Mã Lương lần lượt qua đời. Đặc biệt sự ra đi của Mã Lương phu tử tưởng đâu khiến Hắc viện học xá phải giải tán. Nhưng đám học sinh cho rằng đạo lý từ xưa tới nay “cha truyền con nối, sư phụ mất thì trò lên thay” bèn nhất loạt bầu người học trò tâm đắc của Mã Lương lúc bấy giờ làm viện trưởng.

Tần Thiên Văn, tức Cửu Dương khi đó nghĩ mình tuổi tác còn trẻ, vả lại tài cán chẳng được bao nhiêu bèn từ chối mãi. Cuối cùng chẳng biết kẻ nào nghĩ ra một ý, lại thêm sự nài nỉ thuyết phục của học sinh, Tần Thiên Văn đành đứng ra thử giảng vài ba buổi. Ngỡ chẳng ai nghe, nào ngờ cách giảng bài mới mẻ của chàng ta không những khiến học đường càng lúc càng đông mà học trò nơi khác nghe danh cũng đến đăng ký theo học.  

Bấy giờ cổng trước cổng sau Hắc Viện học xá đều đóng im ỉm, đã qua canh ba một khắc nên bên ngoài tối đen như mực. Trong trường chỉ còn chút ánh sáng hắt ra từ những ngọn đèn lồng treo rải rác trên hành lang. Hai thúc cháu ngồi lặng lẽ, thầm nghĩ đêm nay lại một phen chờ đợi vô ích rồi thì đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa. Hai tiếng nhanh, cách quãng lại một tiếng chậm vang lên khe khẽ song không khác nào tiếng sấm bên tai họ. Đấy chính là ám hiệu các thành viên Đại Minh Triều quy ước với nhau.

Cạch một tiếng, ông lão nhanh tay rút then cài cửa.  Nhạc Tam Nguyên cũng mừng như bắt được vàng, vội tiến đến.

– Cảm tạ ông Trời!  Viện trưởng, cuối cùng ngài cũng bình an trở về!

Trần lão vui mừng thốt lên khi thấy Cửu Dương lảo đảo lách vào từ màn đêm.

Có thể nói ở trấn An Huy phía tây tỉnh Hàng Châu, Hắc Viện là một trong những học đường nổi bật nhất. Trường được xây cất khá bề thế và khang trang trên mảnh đất hình chữ nhật, tất cả diện tích khoảng ba mẫu. Xung quanh trường được bao bọc bởi một bức tường đá vôi cao hai thước hơn. Toàn Hắc Viện có tất cả ba cổng ra vào, một cổng chính là Tinh Thái và hai cổng hậu nằm ở hai bên hông trường học, lần lượt là Nam Hải và Bắc Sơn. Cửu Dương đi vào là từ cổng Nam Hải bên mé trái.

Trần Tôn liếc qua thấy đầu và cổ Cửu Dương lấm lem đất cát, trên lưng còn cõng thêm một người đang ngất lịm, nằm nghẹo cổ sang bên thì trong lòng hồi hộp. Trời thì tối mà ông lão tuổi già mắt kém, nheo mắt mãi vẫn không rõ là ai đành hỏi:

– Viện trưởng, là ai bị thương vậy?

– Dạ là Tam ca!

Cửu Dương mệt nhọc đáp.  Phía sau, Nhạc Tam Nguyên định chốt cửa lại thì lão Tôn vội cản:

-Gượm đã!

Đoạn ông lão ghé mắt nhìn quanh quất một hồi ngoài cổng Nam Hải song nào thấy còn ai ngoài đó nữa. Ánh mắt lo âu nhìn theo bộ y phục tả tơi của Cửu Dương, ông không khỏi sợ hãi nhủ thầm “Trời ạ, chỉ có hai người trở về là sao?” 

Vừa nghĩ đã cảm thấy không rét mà run, lão Trần bèn lật đật chạy theo Cửu Dương hỏi:

– Viện trưởng, viện trưởng… còn sư thái và mấy vị kia đâu?

-Dạ, cháu cũng đang lo lắm đây. Nhưng chuyện rất dài,… tóm lại lần này kế hoạch của chúng ta đã thất bại rồi!

Cửu Dương thở hổn hển, vừa trả lời vừa bước nhanh trên hàng lang tiến tới một khoảng sân rộng. Nhạc Tam Nguyên sau khi chốt cửa cẩn thận cũng vội vã chạy theo Cửu Dương và lão Tôn.

Ba người đi trong sân xuyên qua hai dãy nhà ký túc xá được cất song song ở mặt sau của Hắc Viện, mái đều lợp bằng ngói đồng ngói ống.  Đông Phong tư thất và Tây Phong tư thất là tên của hai dãy nhà này. Đó là tập hợp những căn phòng rộng rãi lại có hành lang thoáng mát trước cửa với lan can bằng chấn song gỗ nối liền thành một hàng. Ngoài ra nhà bếp, kho chứa thuốc, nhà chứa củi và nhà vệ sinh cũng đều có đủ.

Lúc này đã quá canh ba từ lâu, là lúc đám học sinh đương say giấc nồng. Tất cả đèn phòng đều tắt ngấm, ngoài tiếng chân của ba người bọn Cửu Dương thì tứ bề lặng ngắt như tờ.

Nhạc Tam Nguyên thấy Cửu Dương bước có phần loạng choạng như sắp ngã xuống, vội nói:

– Để học trò cõng Tam gia giúp tiên sinh!

-Không sao, ta còn gắng được!

Cửu Dương gượng cười đáp, hai chân không hề chậm lại bởi lúc này chàng chỉ muốn đi qua khoảng sân này thật mau để đến được Tâm Thiền thư viện, song nghĩ thế nào lại quay sang nói tiếp:

– Tam gia bị một vết thương nơi tâm mạch, nếu khinh suất di chuyển chẳng may vỡ ra ta chỉ e lành ít dữ nhiều!

– Vâng, học trò hiểu! – Nhạc Tam Nguyên đáp, ánh mắt ảm đạm lại sáng lên.

Ba người chân không ngừng bước đi như chạy, vậy mà hồi sau mới tới được chỗ giếng nước Tụ Nguyệt.

Đây là một cái giếng có dạng hình thoi, đường kính miệng giếng ước độ xấp xỉ năm mét. Chiều sâu từ miệng giếng đến đáy giếng là mười lăm mét. Chung quanh ba mặt giếng được trồng một hàng rào hoa giấy cao chừng hai mét. Mặt còn lại dĩ nhiên để trống nhằm thuận tiện cho việc lấy nước. Bên trong hàng rào hoa giấy người ta lại lát một con đường nhỏ bằng gạch nung vòng quanh giếng. Theo quan niệm của người xưa, họ cho rằng giếng hình thoi tượng trưng cho mặt đất, tinh hoa trời mây khi chiếu vào nước sẽ mang đến điều may mắn. Bởi thế mục đích của việc đào giếng này, ngoài cung cấp nước sinh hoạt còn để tạo phúc từ phong thủy.

Về phần cái tên Tụ Nguyệt, lại do chính sư phụ Cửu Dương là Mã Lương phu tử đặt, với mong muốn các học sinh của Hắc Viện học xá như giếng này hấp thu nguyên khí tinh hoa từ mặt trăng, đất trời và vũ trụ, đem ánh sáng tri thức tiếp thu được trau dồi trí tuệ và phẩm chất của bản thân, để trở thành những kỳ tài tô đẹp thêm cho nền văn hóa nước nhà.

Lúc này Cửu Dương cảm thấy mệt mỏi lắm rồi, bước chân nặng như đeo đá, vừa đi chàng vừa rủa thầm:

– Khỉ thật, cái trường này, đêm nay hình như nó giỡn mặt mình dài thêm ra hay sao ấy!  Chứ hằng ngày mình đi từ mặt trước ra mặt sau nhoáng một cái là tới. Thế mà tối nay… phù… thật đúng y câu càng gấp càng thấy lâu, quan tâm tất loạn mà…phù…phù…

Thật ra giếng Tụ Nguyệt vừa khéo là giao điểm giữa mặt trước và mặt sau Hắc Viện học xá.  Mặt trước dĩ nhiên dùng làm học đường, bao gồm hai dãy giảng đường và Tâm Thiền thư viện. Hai dãy này lại chia thành giảng đường phía Đông và phía Tây, mỗi dãy ba mươi gian có thể chứa năm mươi học sinh, chủ yếu để giảng dạy.  Tâm Thiền thư viện được xây ngay chính giữa hai giảng đường này.  Rất nhiều bộ sách nổi tiếng thời bấy giờ, gồm cả chính bản và lưu bản đều được tập hợp lưu giữ ở biểu tượng văn hóa tôn nghiêm này.

Lầu bầu một hồi thì rốt cuộc Cửu Dương cũng thấy tấm bảng của Tâm Thiền thư viện hiện ra trước mắt. Nhạc Tam Nguyên bèn lật đật chạy lên trước đẩy cửa.  Quả thực vừa trải qua một trận chiến sinh tử, lại vừa phải bôn ba chạy trốn tận từ Sơn Tây về Giang Nam, Cửu Dương đuối sức quá rồi. Chàng chỉ kịp gật đầu mỉm cười một cái thay lời cám ơn. 

Cửu Dương cõng Trương Quốc Khải trên lưng đi tới cuối thư viện, nơi có một cái tủ thờ, trên đặt bài vị ba anh em Lưu, Quan, Trương.  Chiều cao phải hơn Cửu Dương khoảng gần một cái đầu.

– Trần thúc, phiền chú mở hộ cháu!

– Ôi, xem lão này, lo lắng đến mụ cả người rồi!

Khẽ vỗ trán, Lão Tôn lập cập chen lên trước, nhanh nhẹn mở cửa tủ, lại kéo cái kệ sách ra, bên trong liền xuất hiện bậc thang để đi xuống một địa đạo. 

Ba người cẩn thận đi xuống. Hết bậc thang liền bước vào một căn phòng rộng có treo vài cây đuốc chỉ đủ để soi sáng hai lối đi sâu hun hút ngay trước mặt. Đã quá quen thuộc, Cửu Dương lập tức rẽ sang lối bên phải. Sau khi bước vào căn phòng đầu tiên nằm bên phải, chàng cẩn thận đặt thân thể xụi lơ mềm oặt của Trương Quốc Khải lên chiếc giường trong góc.

Có thể nói, nhìn bề ngoài Hắc Viện chẳng khác gì những trường học bình thường khác. Nhưng bên trong, chỉ những thành viên cốt cán mới biết nơi này ẩn chứa cả một tá bí mật.  

Chẳng hạn như ngay bên dưới Tâm Thiền thư viện có xây một địa đạo, nơi những thành viên của Đại Minh Triều sử dụng như một hệ thống phòng thủ trong lòng đất, được các thành viên bắt đầu đào vào cuối thời điểm trị vì của Hoàng Thái Cực và mãi cho đến cuối đời của hoàng đế Thuận Trị mới chính thức hoàn tất.

Họ chọn ở An Huy vì qua khảo sát khu vực này được gọi là “đất thép,” tức loại đất sét hòa với đá ong nên có độ bền cao và rắn chắc. Bởi vì địa đạo không chỉ đơn giản là địa điểm bí mật để thành viên họp mặt bàn thảo kế hoạch mà còn là nơi ẩn trú của các đương gia và một số thành viên Đại Minh Triều tại Giang Nam mỗi khi nguy cấp.  Ngoài ra, hệ thống này cũng là chỗ cất giấu tài liệu tình báo, trạm cứu thương, kho lưu trữ binh khí, gạo, vàng bạc và lương khô cướp được trước khi đem đi phân phát cho những bá tánh nghèo khổ. Căn cứ bí mật này đã được sử dụng trong một thời gian dài chống phá triều đình nhà Thanh.  

Trở lại chuyện Cửu Dương, trong phòng lúc này ngoài ba người Cửu Dương còn có thêm hai huynh đệ nhà họ Lữ, vốn là con trai của học giả Lữ Lưu Lương vừa hay tin chạy đến. Mấy năm trước, nhờ được sư thái thuyết phục, ông đã đưa toàn bộ Lữ gia cùng tham gia phong trào phản Thanh phục Minh.

Hai anh em lần lượt tên là Lữ Nghị Trung và Lữ Nghị Chánh, cũng là một đôi huynh đệ song sinh, năm nay tròn hai mươi tuổi. Thoạt nhìn dáng dấp hai người này hết sức thư sinh, lại thêm hình dung sáng sủa, gò má cao, cái mũi thanh tú và nhất là môi đỏ hồng như con gái, khiến không ít người lần đầu gặp họ chợt nảy sinh suy đoán linh tinh.

Chẳng hạn như thằng nhóc Hiểu Lạc lần đầu thấy họ ở Tây hồ gần Hắc Viện học xá. Khi đó cặp Lữ thị huynh đệ đang ngồi chơi cờ vây trên một chiếc ghe bên dưới gầm cầu Tây Lâm. Thực là non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình hòa quyện cùng một cặp nam tử như ngọc. Ấy vậy mà thằng bé cứ níu tay cô gái áo hồng cười hí hí.

Chỗ hai chị em đứng cách đó một quãng ngay dưới hàng liễu, nàng ta sau khi ngó qua cũng cười nói:

-Ầy!  Tuy họ… “mình hạc xương mai” là vậy nhưng bản lãnh không vừa đâu. Tỷ nghe nói không ít kẻ chỉ xem mặt mà bắt hình dong, lỡ xem thường họ đã phải ôm hận khóc ròng đấy. Bọn họ ngoài giờ học thì thích du ngoạn khắp nơi hành hiệp trượng nghĩa. Hơn nữa lại coi tiền tài vật chất như là mây khói, nên rất hợp khẩu vị khách giang hồ, được tặng cho ngoại hiệu Vô Thường Song Hiệp đó biết chưa!

Hiểu Lạc lộ vẻ ngạc nhiên, song vừa nghe hết câu thằng bé liền ngoác miệng cười ha ha:

– Danh hiệu thật là kêu! Rốt cuộc vẫn là một cặp… không bình thường tỷ ơi!

Cô gái áo hồng cũng bật cười, song cốc đầu nó một cái răn dạy:

-Là con nít thì không được nói bóng gió xúc phạm bừa bãi đàn anh rõ chưa?

Hiểu Lạc bĩu môi không phục, nó lia mắt “quýnh giá” hai người kia từ đầu tới chân, không khỏi thầm so sánh với sư phụ Cửu Dương. Nhìn tới nhìn lui nó vẫn cho ra kết luận: “Rõ là ngữ trói gà không chặt,” thế là trề môi hỏi vặn:

– Tỷ có biết tý xíu võ công nào đâu, làm sao biết họ đánh đấm giỏi thế nào?

Nghe vậy nàng ta ngớ người ra một lúc rồi đáp:

– Thật ra thì… tỉ cũng chưa được thấy họ so đấu với ai bao giờ. Nhưng nghe nói họ là đệ tử của Giác Tĩnh đại sư, sư đệ của Võ thánh. Từ khi Giác Tĩnh đại sư viên tịch, trong giang hồ không còn ai được chân truyền công phu Mai Hoa Quyền như họ nữa. Vả lại mỗi người bản thân võ công rất khá, lại thêm từ nhỏ không bao giờ rời nhau, cứ như bóng với hình nên phối hợp càng thêm ăn ý. Ở Hàng Châu này nổi tiếng là cặp hiệp đạo trứ danh đấy!

Hiểu Lạc lại thấy hai người một bận áo đen một áo trắng, buột miệng kêu:

– Người gì mà da dẻ trắng bệch như con gái, y một đôi quỷ đòi mạng!

Cô gái áo hồng khúc khích:

– Ủa, đúng là có lời đồn huynh đệ họ thề không lấy vợ, mơ ước trở thành một cặp du hiệp oai danh lừng lẫy. Nên có kẻ ghen ghét gọi họ là Hắc Bạch… Bất Thường thật.

-Đó đó thấy chưa! – Hiểu Lạc được thể khoái chí – Đâu phải chỉ mình đệ bảo họ bất thường!

Hi hi ha ha một hồi, nó bỗng ớ người:

– Ủa, nói nãy giờ mà đệ vẫn chưa biết ai là anh, ai là em đó tỷ!

-Thất ca bảo – Cô gái áo hồng mỉm cười giải thích – Người anh tên Lữ Nghị Trung chuyên mặc áo màu trắng, còn người em tên Lữ Nghị Chánh lại thích mặc áo đen. 

Nàng nói tới đó bỗng nhớ có lần Cửu Dương kể rằng cặp Lữ huynh đệ này từng học chung với chàng, nhưng chàng chơi thân với Lữ Nghị Chánh hơn vì tánh tình hợp nhau.

Hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, cứ có dịp không đi cùng anh trai là Nghị Chánh sáp vô Cửu Dương ngay. Hai người hay túm tụm nói chuyện trên trời dưới đất không thiếu thứ gì. Những khi chép bài xong không có chuyện chi làm, buồn chán quá họ bèn trốn Mã Lương phu tử, bá vai bá cổ đi mua rượu rồi học theo mấy vị lãng tử giang hồ, ngửa cổ tu ừng ực. Đi chán mỏi chân lại ngồi nấp trên cành cây bên hồ chén chú chén anh, mắt đong đưa ngắm nữ nhân qua lại, đời thế là vui ngay. 

Lại nói thực ra anh em họ Lữ cũng không hề hay biết sự kiện hành thích này. Chẳng qua hôm trước cả hai tình cờ ngang qua chợ Đông, bỗng thấy một đám đông xúm đen xúm đỏ quanh bảng cáo thị. Vốn tính hiếu sự họ bèn len lỏi xông vào đọc. Chỉ thấy trên tờ giấy lù lù mấy chữ rất to, nào là “Giang Nam thất phỉ hoành hành ngang ngược, độc ác vô đạo,” rồi thì “cả gan phạm thượng hành thích hoàng đế nhưng bất thành…”  Còn bên dưới là lệnh truy nã phản tặc.

Hai anh em đọc mà trợn mắt há mồm, sững sờ hồi lâu trước tin tức kinh người này. Rốt cuộc Nghị Chánh phản ứng trước, bực tức siết chặt nắm đấm vừa nghiến răng trèo trẹo vừa lầm rầm trong miệng:

-Thật là tức quá! Bao nhiêu người võ công trác tuyệt, vậy mà cũng không giết được hắn!

Lữ Nghị Trung đứng sát bên Nghị Chánh, nghe vậy giật đánh thót bèn e hèm một tiếng. Nghị Chánh vẫn tỉnh bơ chắt lưỡi than thở:

– Chậc chậc! Quanh năm suốt tháng hắn trốn trong Cấm thành như con rùa rúc trong mai, chỉ có dịp này mới rời kinh lên chùa cầu siêu cho cha hắn. Biết vậy nên bảy vị đương gia cùng với tổng đà chủ mới đích thân ra tay. Vậy mà…Một cơ hội tốt như vậy.., thật là tiếc quá đi thôi!

Nghị Trung toát mồ hôi lạnh, mắt liếc chung quanh một vòng. Cũng may hai anh em họ vẫn đứng phía ngoài vòng người đang tò mò xem cáo thị. Hơn nữa ai cũng đương mải mê bàn tán, tiếng ồn ào đã át đi phần nào. Bực mình Nghị Trung thúc chõ vào lưng đệ đệ một cái rõ đau, rồi hất đầu ra hiệu bảo Nghị Chánh đi về, tránh bị binh lính trong chợ nghe được câu nói “đại nghịch bất đạo” vừa rồi. 

Từ lúc đó hai anh em liền âm thầm để ý động tĩnh trong Hắc Viện. Vừa hay đêm nay Cửu Dương cõng Trương Quốc Khải trở về. Thế là chẳng đợi trời sáng, cả hai sốt ruột bèn xông vào mật đạo thăm hỏi tình hình. Báo hại ba người Cửu Dương được một phen giật mình thót tim.

—oo0oo—

Cửu Dương đắp tấm chăn lên mình Trương Quốc Khải xong, sắc mặt chàng chợt tái đi. Cả người vẫn lấm lem vấy máu, chàng cố gắng bước tới một cái ghế, lảo đảo vịn tay ghế mà không xong bỗng trượt tay ngồi phệt xuống đất.  

Cửu Dương ảo não nhìn mọi người nói:

– Cũng tại ta đây bất tài, cảm thấy thật xấu hổ…  

Hai anh em Lữ thị bước đến đỡ lấy Cửu Dương. Người anh Nghị Trung nói:

-Viện trưởng à, hoàng thiên bất phụ hảo nhân tâm, đệ tin tưởng sớm muộn gì cũng đến ngày “Thiên địa phục Minh, nhật nguyệt trùng quang” mà!

Nhạc Tam Nguyên thì rót trà, ân cần mang tới cho Cửu Dương. Lão Tôn đang lấy khăn ướt lau qua mặt cho Trương Quốc Khải, nghe vậy liền an ủi:

– Đúng rồi đó viện trưởng, thật ra thì ngài không nên tự trách bản thân quá. Chúng tôi ở Giang Nam cũng có biết phong phanh vài tin tức. Như lần xuất cung này tên nhóc hoàng đế đó mang theo tới hai ba vạn binh mã chứ đâu có ít, hơn nữa toàn là binh lính tinh nhuệ của tộc Mãn Châu. Nghe đâu có tên thống lĩnh thị vệ vỗ ngực kêu rằng, dù cả ngàn thích khách đến đây liều mạng cũng đừng hòng tiến được quá mười thước.

Nói tới đó lão cao giọng khoái trá:

– Nhưng nhìn xem, chúng ta vẻn vẹn chỉ tám người, chẳng phải đã khiến bọn chúng một phen thất kinh hồn vía đó sao?

Cửu Dương nghe mấy câu an ủi này, cố nặn một nụ cười cảm khái, rồi nhìn Nhạc Tam Nguyên chàng sực nhớ ra, ngẩn người hỏi:

– Tam Nguyên ở đây, vậy…

– Vâng, Nữ thần y cô nương cũng ở đây! – Nhạc Tam Nguyên mỉm cười đáp.

– May quá…

Cửu Dương hô lên mừng rỡ, phải hít sâu một hơi để điều khí dưỡng thần, lại uống một ngụm trà rồi mới đánh mắt về hướng Trương Quốc Khải đang nằm bất tỉnh, vội nói:

– Tam gia bị trúng độc không đơn giản, ta đã gắng hết sức dùng nội công nhưng chỉ ép được ít máu độc ra ngoài…

Đang nói Cửu Dương đột nhiên nghe tiếng động vang lên chỗ cánh cửa thông lên trên tầng trệt, rồi có tiếng chân người vội vã đi xuống cầu thang. Chàng ta không khỏi thầm cười khổ:

– “Thế quái nào mà ai cũng biết chạy đến là sao? Giờ tới ai nữa ta?”

Có lần “đột kích” bất ngờ lúc trước của hai anh em họ Lữ, năm người không còn quá mức giật mình nữa, ánh mắt đồng loạt lia về phía cửa, lập tức thấy ba cái bóng xuất hiện.  Bốn đôi mắt cùng sáng lên khi thấy ba người đi vào.

Bởi đi trước là một cô gái dung mạo tuyệt thế như thiên tiên trên trời, làm người ta phải chú ý ngay từ cái nhìn đầu tiên.  Nàng ta mặc một bộ y phục màu tím than, tóc dài óng ả thả ngang lưng, toàn thân toát ra vẻ vừa phong trần vừa mỹ lệ.  Người đi giữa cũng là một mỹ nhân mặc đồ hồng phấn, tóc đen mượt mà vén qua một bên vai. Gương mặt trái xoan thanh tú trắng hồng, dáng hình thon nhỏ, yểu điệu như liễu trước gió khiến bất cứ nam nhân nào chỉ nhìn qua một cái liền nảy sinh cảm xúc muốn bao bọc che chở.  Đi sau cùng là một thằng bé, không ai khác chính là nhóc Hiểu Lạc.

-A!  Sư phụ!

Vừa thấy Cửu Dương, thằng bé liền reo lên vui sướng. Nhảy bổ lại gần nó mới la lên oai oái:

– Trời ơi, sao sư phụ máu me lấm lem thế này, người có làm sao không?

Thế rồi cuống quít lăng xăng kiểm tra khắp người chàng.

– Không sao, chẳng phải sư phụ vẫn đủ hai tay hai chân đây ư! – Cửu Dương xoa đầu nó cười.

-Lâm tiểu thư – Trần Tôn thấy cô gái áo tím, khẽ nhíu mày trách – Mấy ngày nay tiểu thư đi đâu vậy? Không thấy cô trong Học xá, hại cái thân già này của lão hủ chạy ngược chạy xuôi tìm cực quá!

Lâm tiểu thư này là chỉ cô gái áo tím. Tên đầy đủ của nàng ta là Lâm Tố Đình, ái nữ duy nhất của Lâm Vĩ. Biết lão Trần đang mắng khéo bản tính hiếu sự của nàng, hẳn ông lão lại sợ nàng chạy ra ngoài gây chuyện đây. Lâm tiểu thư bèn sà tới, vừa như đứa cháu làm nũng trưởng bối trong nhà vừa cười cười trấn an:

– Có chi đâu thúc thúc, cháu chỉ đi đây đi đó dạo chơi chút chút thôi mà!

Bộ dạng đó làm Trần lão chỉ biết lắc đầu cười khổ. Thấy vậy nàng ta le lưỡi một cái, đoạn quay sang Cửu Dương hỏi:

– Thế nào rồi thất ca, có thành công không?  Đang đêm mà muội phải dẫn nữ thần y đến xem cái đầu của Mãn Châu hoàng đế đó, coi có khác đầu người bình thường không?

Lần này đến phiên Nhạc Tam Nguyên và anh em họ Lữ lé mắt nhìn nhau. Một mỹ nhân như hoa như ngọc mà thốt lời rùng rợn cứ tỉnh như không. Không ai bảo ai, ba chàng bất giác lùi lại một bước.

Cửu Dương chưa trả lời Lâm Tố Đình do còn bận nhìn cô gái áo hồng. Sau phen thập tử nhất sinh tưởng như vĩnh viễn không còn được thấy nàng, giờ gặp lại “nữ thần y,” trong lòng chàng kích động vô cùng, chỉ muốn đứng bật dậy giơ tay ôm tấm thân thon thả của sư muội vào lòng.

Thực ra “Nữ thần y” không phải tên thật của nàng, mà cũng chẳng ai biết tên nàng là gì. Bởi năm đó, khi còn là đứa trẻ sơ sinh mới một ngày tuổi thì nàng đã được danh y Bảo Chi Lâm nhặt ở chùa Phật Sơn mang về nuôi rồi. Nói đến Bảo Chi Lâm, cả vùng Giang Nam không ai không biết tiếng bà là một lang y đức độ, từng nguyện cả đời hành y cứu dân nghèo. Hơn nữa để tiện việc chữa bệnh, bà còn gom góp tài sản mở được rất nhiều tiệm thuốc rải rác khắp nơi nhưng tiệm thuốc chính vẫn là ở Phật Sơn, Quảng Đông.

Dù bận rộn là thế song việc chăm bẵm Nữ thần y vẫn do bà tự tay làm lấy tất cả. Nghe kể rằng lúc còn ẵm ngửa, cứ hễ được đặt cạnh Bảo Chi Lâm khi bà đang làm thuốc là cô bé không hề quấy khóc một tiếng, chỉ giương đôi mắt đen láy chăm chú quan sát. Mã Lương phu tử mấy dịp ghé qua, thấy thế cho là điềm lạ bèn âu yếm gọi cô bé là “Nữ thần y bé nhỏ.” Danh xưng “Nữ thần y” quen thuộc từ ngày đó.

Quả nhiên càng lớn cô bé càng lộ rõ thiên phú về y học. Đến năm sáu tuổi, Bảo Chi Lâm chính thức nhận Nữ Thần Y làm đệ tử chân truyền, đích thân tự mình chỉ dạy. Nàng nổi tiếng thông minh, không những vậy chỉ cần nhìn qua bất cứ nội dung nào liên quan đến y thuật là nhớ ngay. Người ta đồn khi vừa thạo mặt chữ, chỉ mất hơn ba canh giờ Nữ thần y đã đọc thuộc toàn bộ những ghi chép tâm đắc về y thuật của thầy!

Thậm chí trong quá trình học tập, để giúp Nữ thần y nắm chắc kỹ thuật. Bảo Chi Lâm còn tự bẻ cổ tay, lại đem xương chân, xương đùi trực tiếp đánh gãy, sau đó để cho Nữ thần y tự mình thực hành nối xương. Dưới sự chỉ bảo hết lòng và nghiêm khắc như thế, tay nghề Nữ thần y ngày càng vững chắc, chẳng mấy chốc được người Phật Sơn xưng tụng là kỳ tài mới về y thuật.

Mấy năm trước triều đình nghe nói ở Quảng Đông có một thầy thuốc y thuật rất cao minh. Sau khi tìm hiểu lai lịch bèn tuyên triệu Bảo Chi Lâm vào cung chữa bệnh hậu sản cho Đổng Ngạc Phi nhưng bà từ chối.  Triều đình tức giận xuống chiếu bức tử, trong đêm khuya hành quyết cả nhà họ Bảo, chỉ một mình nữ thần y khi đó đi lấy thuốc ở phương xa nên may mắn sống sót.

Từ đó nàng tiếp nối tâm nguyện của sư phụ, đem y thuật ra giúp đời. Thấm thoắt đã mấy năm, đến giờ trong Đại Minh Triều Hội ai cũng ví nàng như Hoa Đà tái thế, thậm chí cho rằng tài trị bệnh của nàng đã nổi trội hơn sư phụ rồi.

Lại nói Nữ thần y lúc này cũng trông thấy Cửu Dương, chợt nhớ bức thư hôm bữa chàng bảo Nhạc Tam Nguyên trao cho nàng, gương mặt trắng mịn liền đỏ như gấc chín, nàng cụp mắt xuống như tránh tia nhìn dịu dàng của chàng. Đột nhiên liếc thấy có người nằm bất động trên giường, nhìn kỹ hóa ra Trương Quốc Khải, Nữ thần y giật mình chạy đến kêu lên hoảng hốt:

-Tam ca!  Huynh bị sao thế này?

—oo0oo—

Chiều hôm sau Cửu Dương làm theo lời Nữ thần y, đặt tay lên lưng Trương Quốc Khải, truyền nội công chân khí của chàng vô thân thể Trương Quốc Khải để ép chất độc ra ngoài.  Cùng lúc Nữ thần y cũng dùng kim châm đả các huyệt Thái Dương, Bách Hội, Nhân Trung, Nhĩ Môn và Giáp Xa điều khí chạy khắp cơ thể Trương Quốc Khải giúp bài tiết một số chất độc thông qua các lỗ chân lông.

Đang lúc chân khí từ Cửu Dương không ngừng được truyền sang Trương Quốc Khải thì bỗng nghe tiếng chân người dồn dập chạy xuống cầu thang.  Trần Tôn tưởng Nhạc Tam Nguyên trở về với tin mừng, đôi mắt già nua đầy nếp nhăn của ông lão sáng lên.

Chả là đêm qua Nữ Thần Y nói chất độc đang hoành hành trong mình Trương Quốc Khải có tên là Kinh Phủ, đã tới giai đoạn công tâm, tính mạng Trương Quốc Khải vì vậy đang bị đe dọa.  Nàng lại nói chỉ có ở vùng Sơn Thạch Môn cách đây hai mươi dặm mới tìm ra loại thảo dược gọi là Kim Sơn Tử, có thể dùng làm thuốc giải độc.  Cho nên tối qua Nhạc Tam Nguyên mới rời Hàng Châu, lãnh nhiệm vụ đi tìm Kim Sơn Tử.

Vì vậy mà Trần Tôn nghe tiếng chân vội vã, người chưa tới đã vội hỏi:

-Có lấy được Kim Sơn Tử không?

Ngờ đâu đập vô mắt ông lão là Hiểu Lạc chứ không phải Nhạc Tam Nguyên. Thằng bé với gương mặt trắng nhợt, rõ ràng là đang hoảng sợ thất sắc.

-Không … – Hiểu Lạc lắc đầu hổn hển trả lời.

Rồi nó lật đật xua tay đính chính:

– À không… ý cháu không phải vậy. Cháu không biết…

Nghe vậy Trần lão cáu lên gắt:

– Cái thằng bé này, sao nói năng lộn xộn vậy chứ? Rốt cuộc có chuyện gì?

Hiểu Lạc hít sâu một hơi, giọng vẫn còn hoảng loạn:

– Ý cháu là có lão quan huyện dẫn một đám quân binh đang đập cửa bình bình ở ngoài cổng chính ấy. Chắc tới muốn bắt sư phụ cháu và tam gia đó!

Rầm một tiếng.  Trần Tôn nghe Hiểu Lạc thông báo vậy tưởng chừng như sét đánh ngang tai.  Hai anh em nhà họ Lữ đứng gần đấy cũng thất kinh hồn vía.

Lữ Nghị Chánh kinh hãi thốt:

– Chết rồi!  Phải làm sao bây giờ?

Lữ Nghị Trung suỵt một tiếng ra hiệu mọi người bình tĩnh song trong lòng cũng rối như tơ vò. Có điều nhất định không được để Cửu Dương nghe thấy lời này, chẳng may phân tâm mà dẫn đến tẩu hỏa nhập ma, lúc ấy e không tránh khỏi chất độc từ kinh mạch Trương Quốc Khải lại chạy ngược vào cơ thể Cửu Dương.  

Nghị Trung sau khi suỵt khẽ mọi người thì dặn Hiểu Lạc ở lại giúp Nữ Thần Y hong nóng những cây kim châm.  Còn bản thân y thì cùng với đệ đệ và Trần Tôn ra ngoài tìm cách ứng phó.

Đám người Lữ Nghị Trung vừa đi khỏi, Cửu Dương mở bừng mắt nhìn về phía Hiểu Lạc, nói nhỏ một câu:

-Khóa cửa địa đạo từ bên trong lại mau, đừng lên tiếng! – Rồi nhắm mắt lại tập trung tinh thần bức chất độc, không nói năng gì nữa.

Dù gì Hiểu Lạc cũng sớm lăn lộn, lại là con nhà võ ít nhiều đã trải qua sóng gió, tuy đang sợ mất hồn nhưng nó răm rắp nghe lời Cửu Dương, đi khóa chặt cửa lại.

Lúc nó trở vào, đúng lúc trông thấy Cửu Dương thổ ra một vũng máu, ôm ngực ngã xuống giường chừng như đau đớn lắm rồi ngất hẳn đi.

– Thất ca, thất ca…

Nữ Thần Y kêu lên thảng thốt…

Đương khi đó, bên ngoài cổng Tinh Thái của Hắc Viện, quan Tri huyện An Huy dẫn quân lính tới đập cửa ầm ĩ. Trần Tôn, Lữ Nghị Trung và Lữ Nghị Chánh dẫn toàn thể học sinh trong trường ra làm lễ bái chào.

Mọi người đồng loạt xá một cái, hô lớn:  

-Bái kiến tri huyện đại nhân!

-Tần viện trưởng của các người đâu? – Quan huyện lù lù đứng đó, khoanh tay hỏi lão Tôn.

Bụng Trần Tôn giật thon thót, bất giác khẽ đưa mắt về phía thư viện, nơi Cửu Dương đang giúp Trương Quốc Khải trấn áp chất độc Kinh Phủ.  Ông lão còn chưa biết phải đáp lời thế nào, may là Lữ Nghị Trung đã nhanh trí bước ra. Xét tư cách nói chuyện, Lữ Nghị Trung khá phù hợp vì y là con trai của học giả Lữ Lưu Lương. Người ta thường nói con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, ngoài bản lĩnh võ công đương nhiên họ Lữ cũng là một bậc túc nho khá nổi tiếng ở Hàng Châu.

– Dạ thưa tri huyện đại nhân, viện trưởng của chúng tôi đi Hà Nam khảo cứu cổ văn rồi ạ!

Trông thấy chàng ta, Quan huyện sáng mắt lên buột miệng hỏi:

– Đây là…

– Thưa huyện tôn, học trò tên là Lữ Nghị Trung!

– Ủa… đàn ông à?

Mọi người nghe vậy không khỏi bấm bụng cười thầm, riêng Nghị Trung tức muốn bể ruột nhưng vẫn phải nhịn xuống đáp:

– Vâng, nam nhi đại trượng phu trăm phần trăm đấy ạ!

Quan huyện liền bĩu môi lầm bầm:

– Nam chả ra nam nữ chả ra nữ!

Chừng như nhớ ra việc chính, gã giật mình buông thõng hai tay, trố mắt hỏi:

– Cái gì? Không phải nói hôm nay là ngày bản quan đem biển đến sao?

Bấy giờ Lữ Nghị Trung và mọi người mới ngớ người vỡ lẽ, nhớ ra hôm nay là ngày đặc biệt gì. Biết lý do quan huyện dẫn quân binh đến đây rồi, trái tim Nghị Trung nhẹ bẫng, chứ một khắc trước nó còn đập thình thịch trong lồng ngực.

– Thật không còn thể thống phép tắc gì nữa! Mấy thứ sách vở rách nát đó đem so với ân điển của Thánh thượng được sao? – Tri huyện bực bội quát tháo.

– Dạ, không dám thưa tri huyện đại nhân – Nghị Trung vẫn chắp tay cung kính đáp – Thực ra Viện trưởng có nói rằng ngài ấy vô đức bất tài, không dám thọ ân sủng bực này… 

-Láo toét!

Quan huyện chưa nghe hết câu đã đùng đùng nổi giận, chỉ tay vô tấm ván gỗ đang được hai tên lính bưng ở phía sau lưng, nói như quát:

– Tần Thiên Văn hắn nói vậy là ý gì đây hả? Hả! Tiên đế ban ngự biển là phúc tổ bảy mươi đời nhà hắn, đã không biết ơn thì chớ lại dám viện cớ này nọ là sao?

Dứt lời gã hất mặt, phẩy tay sai binh lính:

– Mau khiêng ngự biển vô.

– Dạ.

Không những vậy còn vung tay hất Lữ Nghị Trung sang một bên khiến chàng ta phải giả bộ như suýt ngã, lảo đảo lui ra sau mấy bước làm hai tú tài phía sau phải vội đưa tay ra đỡ.

Quan huyện khệnh khạng đi trước, lũ công sai thì rồng rắn theo sau. Vừa bước qua cổng Tinh Thái của Hắc Viện, gã ta nhìn tấm biễn cũ bĩu môi lớn tiếng:

– Hắc Viện, cái tên có ý tứ lắm. Thế nào mà bản quan có cảm giác như chui vô ổ trộm cướp à nha!

Các học sinh của Hắc Viện đa phần là người Hán có gia cảnh nghèo khó. Hằng ngày gia đình họ đều ăn không no ngủ không yên, ít nhiều từng bị bọn quan binh quyền quý bức hiếp nên trong lòng rất căm phẫn triều đình Mãn Thanh, đương nhiên càng không có cảm tình với tay tri huyện này. Giờ lại nghe gã buông lời xúc phạm như vậy ai nấy tức giận biến sắc. Nhìn đám học sinh mặt mũi hầm hầm, quan huyện càng hả hê la lối:

– Hừ tức cái gì, chẳng phải sao? Trông có khác gì danh xưng của đám Hắc đạo với Hắc Bang không? Thế mà Tiên hoàng ban cho cái tên mỹ miều như vậy còn bày đặt chê ỏng chê eo, rõ là ăn mày còn kén chiếu hoa!

Lão Trần cũng tức lắm, thầm nghĩ tên tham quan này chắc không được “đấm mõm” chút vàng bạc nên kiếm cớ gây sự đây. Mà nghĩ lại thấy buồn cười, trước nay chỉ có người Đại Minh Triều Hội đi cướp của tham quan, không ngờ bữa nay lại có một tên đến tận cửa vòi tiền. Có điều tình hình đang nguy nan, lúc này lại càng phải nhẫn nhịn, ông bèn lừ mắt nhắc nhở đám học sinh không được kích động làm bừa, đoạn cười khà khà từ tốn nói:

– Đại nhân dạy phải lắm. Nhưng chắc ngài mới đến trấn An Huy này nên có điều không rõ đó thôi. Cái tên Hắc Viện của chúng tôi không phải vô cớ đặt bừa đâu mà đằng sau nó là cả một câu chuyện đấy ạ!

– Ồ, vậy sao! Nói bản quan nghe thử! – Bị khơi lên lòng hiếu kì, quan huyện vểnh râu mép giục.

– Vâng, chuyện vốn là thế này…

Trần lão vuốt chòm râu bạc, ánh mắt bất chợt xa xăm:

– Chắc đại nhân cũng đã biết Hắc viện do Mã Lương phu tử cùng hai vị tri kỷ tâm giao Tần Nhị và Lâm Vĩ tiên sinh lập ra. Từ lâu ba vị ấy đã nảy ra ý định lập một trường học cho con em nhà nghèo. Song khổ nỗi ba người tuy một bụng kinh luân, tài học đầy mình nhưng tài sản ngoài mấy hòm sách vở thì đâu còn gì khác. Cho nên sau khi bán hết gia sản, gom góp được hai nghìn lượng bạc mua lấy mảnh đất này thì chẳng còn dư bao nhiêu, chỉ đủ dựng vài ba dãy nhà tranh vách nứa làm chỗ ở và phòng học cùng bàn ghế cho học sinh thôi ạ!

– Ồ, rách nát thế kia à? – Quan huyện kinh ngạc thốt.

– Vâng, lão hủ dạo đó đã đi theo Mã phu tử nên tận mắt chứng kiến, thiếu thốn vậy đấy ạ!- Lão Trần cảm khái nói tiếp – Vì vậy mùa hè còn đỡ chứ mùa đông lạnh giá, gió cứ lùa qua kẽ liếp khiến cả thầy lẫn trò rét buốt khổ sở không sao kể xiết!

– Sau rồi thế nào? – Quan huyện tò mò hỏi.

– Về sau không biết ai nghĩ ra một ý, lấy nhựa thông đốt trộn cùng gỗ than thành một thứ keo trông như hắc ín, đem phết kín lên mặt ngoài các bức vách. Đơn giản vậy thôi mà không ngờ lại ngăn gió rất tốt…

Nghe tới đây gã tri huyện bật cười:

– Bản quan hiểu rồi. Chính vì nhìn các dãy nhà đen thùi lùi một đống như vậy, nên mới có cái tên Hắc Viện đó hả?

– Vâng, bình dân bá tánh nghèo khổ đa phần thất học, đâu biết ăn nói văn hoa chữ nghĩa, thành thử họ trông thấy thế nào liền gọi thế ấy cho tiện, lâu dần thành quen không sửa được nữa!

– Há há, ra là vậy. Ta cứ tưởng Hắc Viện danh tiếng thì cái tên phải ẩn chứa ý nghĩa thâm sâu thế nào. Ai dè há há…

Gã cười to giễu cợt, đám lính tốt cũng phụ họa cười theo. Phần lớn lứa học sinh này còn rất trẻ, cũng lần đầu được nghe câu chuyện này nên không khỏi trầm mặc xúc động, tưởng tượng về một thời gian khổ của Hắc Viện. Vì thế giữa không khí tĩnh lặng, tiếng cười của gã tri huyện và lũ tay chân nghe lại càng chói tai.

Bỗng Lữ Nghị Chánh hắng giọng e hèm một tiếng khiến quan huyện nhíu mày quay sang, liền đó sửng sốt chắt lưỡi xưng kỳ:

– Ồ, bản quan sớm nghe nói huyện này có đôi mỹ nam song sinh giống nhau như hai giọt nước. Hóa ra là hai ngươi à!

– Đại nhân quá khen! – Nghị Chánh mỉm cười làm lễ.

– Sao? Ngươi cắt lời bản quan là ý gì đây? Ta cười chê Hắc Viện các ngươi là sai sao?

– Học trò đâu dám! Chỉ là nghe đại nhân nói mà thấy đồng cảm quá, muốn chia sẻ chút suy nghĩ thôi ạ!

– Ờ, chứ còn gì nữa! Nói nghe xem! – Gã vênh vênh đắc ý.

Nghị Chánh thở dài một cái, lắc đầu bắt đầu than thở:

– Đại nhân không biết đó thôi, chính vì cái tên này mà khi đi giao lưu ở tỉnh khác, hễ xướng tên trường lên là người ta nhìn chúng tôi chằm chằm đến phát ngượng. Lắm lúc phải phân trần giải thích mỏi mồm đấy ạ!

– Ha ha, ta có thể hình dung được vẻ mặt các ngươi lúc ấy! – Gã nhếch mép cười.

Thành viên của Hắc Viện thì tất thảy sững sờ kinh ngạc, nhìn nhau ngơ ngác không hiểu vì sao Nghị Chánh lại “trở cờ,” vào hùa miệt thị trường mình như vậy. Riêng Nghị Trung nhíu mày lo lắng, bởi chàng ta quá hiểu tính cách ngay thẳng, đôi khi liều lĩnh bồng bột chẳng sợ trời sợ đất của đệ đệ mình, trái ngược với vẻ ngoài nhu hòa kia. Còn chưa kịp nhắc nhở thì Nghị Chánh đã nói tiếp:

– Vì thế có một lần học trò đem nỗi ấm ức này kể với gia phụ. Gia phụ mới cười bảo rằng, thực ra trước đây đã có không ít tiên sinh dạy học và học sinh cùng đề nghị phu tử đổi lại tên trường đấy. Nhưng sau khi nghe phu tử nói một hồi thì tất cả tâm phục khẩu phục, chẳng còn bất kỳ ý kiến nào nữa!

– Ông ta nói gì? – Quan huyện hứng thú hỏi.

– Phu tử nói…

Nghị Chánh liền thẳng lưng ưỡn ngực, một tay chắp sau lưng, tay kia giả bộ vuốt râu bày ra vẻ ung dung tự tại, chính khí lẫm liệt:

– Chúng ta là Hắc Viện thì sao? Cái tên xấu xa bất tường thì thế nào? Các vị thử ra ngoài kia, hỏi bất kỳ một bình dân bá tánh nào đó xem! Và hãy nhìn vào ánh mắt ấm áp, hãy nghe giọng nói trìu mến của họ khi nhắc đến Hắc Viện này. Đó chẳng phải là tình cảm chân thành, là sự kính trọng xuất phát từ con tim sao? Ta tin đó cũng là khát vọng mà những kẻ đọc sách thánh hiền chúng ta hằng theo đuổi, là niềm tự hào mà Mã Lương ta cùng các vị nhất định phải gìn giữ…

Hít sâu một hơi, giọng Nghị Chánh bỗng cao lên mấy phần:

– Như thế chẳng gấp vạn lần những kẻ danh xưng mỹ miều, bề ngoài trang phục đẹp đẽ quý phái nhưng tham lam độc ác. Chúng nhân danh công lý và lẽ phải lại công khai cướp bóc tàn hại bá tánh, thậm chí còn vô nhân tính hơn lũ thảo khấu cường đạo. Nhắc đến chúng, nào thấy một câu tốt đẹp mà chỉ rặt những lời nguyền rủa thóa mạ trăm ngàn lần cũng chưa hết tội! Như thế thử hỏi, cái tên Hắc Viện có đẹp hay không?

Đám học sinh như ngừng cả thở lắng nghe đến xuất thần, trong ngực bừng bừng phấn khích khó tả. Lại nghe tiếp vế sau thì đồng loạt lia ánh mắt nhìn Tri huyện An Huy, vẻ mặt hả hê thích thú, lập tức người hô “Đẹp” kẻ kêu “Hay” ầm ĩ cả lên.

Quan huyện không phải kẻ ngốc, lại thêm “có tật giật mình,” lập tức hiểu đã bị Nghị Chánh chơi xỏ chửi thẳng vào mặt mà chẳng thể làm gì được, lên tiếng thì khác nào thừa nhận gã cũng là một trong số đó. Cái mặt nung núc tím bầm lại vì căm tức, gã đánh bài lảng lớn tiếng quát học sinh đang đứng quanh đó:

– Quỳ xuống, quỳ xuống, tụi bây còn không quỳ xuống cho mau!  Đứng đó trố mắt nhìn tao cái gì hả? Uổng cho tụi bây mang tiếng là dân ăn học, đầy bụng sách vở lễ nghĩa, nay thấy ngự biển như thấy vua mà cứ ớ người ra đấy, còn không chịu quỳ hử!

Trần Tôn lắc đầu cười khổ, đành nghiêm mặt nháy mắt ra hiệu vài cái học sinh mới mặt nhăn mày nhó, miễn cưỡng lục tục quỳ xuống.

Quan huyện hằm hằm đi thẳng vô nơi uy nghiêm nhất của trường là Tâm Thiền thư viện, Trần Tôn và hai anh em họ Lữ cũng phải lật đật chạy theo. Nghị Trung nhân đó nhỏ giọng trách cứ đệ đệ:

– Đây là lúc nào rồi mà đệ còn tranh cường háo thắng hả!

– Đệ cũng muốn nhịn rồi, nhưng nghe hắn cạnh khóe tên trường chúng ta, tức không chịu nổi!

– Ôi, ta đã nói bao lần rồi. Đại trượng phu không chấp cái thiệt trước mắt, không nhịn cái nhỏ sao làm được việc lớn. Thật đau đầu với đệ…

Đáp lại Nghị Chánh chỉ trề môi tỏ vẻ không phục. Lại nghe Nghị Trung ủa một tiếng thì thầm:

– Giờ mới nhớ, đệ lúc nào cũng kè kè bên huynh như hình với bóng. Sao cha kể với đệ lúc nào mà ta không biết nhỉ? Hay là đệ bịa ra đấy!

– Bịa là thế nào, đoạn sau đệ thừa nhận có thay đổi chút cho hợp cảnh nhưng toàn bộ chính Viện trưởng từng nói đó!

– Mã phu tử nói lúc nào sao huynh không hề biết? – Nghị Trung thắc mắc.

– Hà hà, huynh quên còn một vị Viện trưởng à? Chuyện này là huynh ấy kể lại đấy!

– À ra vậy!

Nghị Trung gật đầu vỡ lẽ, dừng một thoáng chàng ta chợt tấm tắc:

– Cơ mà đúng là phu tử, nói quá hay!

Trong lúc đó gã Tri huyện đi một vòng thư viện, đột nhiên dừng chân ngắm nghía chỗ tủ thờ có đặt bài vị Lưu – Quan – Trương, bên trong tủ này chính là cánh cửa dẫn xuống địa đạo.

“Quỷ thật!” Trần lão vẫn luôn theo sát, thấy vậy giật mình lo lắng, trong bụng như có kiến bò.

– Ở đây đã thờ mấy vị Khổng phu tử, lại còn dựng cả bài vị ba người này, lạ nhỉ! – Gã lẩm bẩm.

Ông lão còn chưa biết đối đáp thế nào, may thay vẫn là Lữ Nghị Trung nhanh trí bước lên cười nói:

– Đây lại là ý tưởng của Viện trưởng chúng tôi. Chắc đại nhân cũng biết câu chuyện về ba anh em Lưu – Quan – Trương rồi. Ba người họ gặp gỡ kết nghĩa kim lan khi còn nghèo hèn thấp kém, người dệt chiếu kẻ bán thịt. Vậy mà từ đó cho đến lúc thành vương hầu một cõi, địa vị cao vời nhưng tình anh em vẫn khăng khít bền chặt không hề thay đổi…

– Rồi sao? – Gã tri huyện sốt ruột ngắt lời.

– Hắc Viện học xá cũng vậy, đa phần đều con em bình dân có gia cảnh nghèo khổ theo học. Cho nên Viện trưởng thờ ba vị này là có ý nhắc nhở học sinh lấy họ làm gương, dù phấn đấu lập nên công danh sự nghiệp to lớn đến đâu thì càng không được quên đi tình đồng môn thuở hàn vi.

– Hừ, Viện trưởng các ngươi rõ là vẽ chuyện!

Quan huyện cười khẩy một cái, đứng sờ mép một hồi rồi đi lên tầng trệt.  Tâm Thiền thư viện có hai tầng lầu, phía trên là nơi dành cho các phu tử hội họp và nghỉ ngơi giữa các buổi dạy học, cũng là nơi mỗi tháng một lần, đích thân viện trưởng giảng bài cho các tú tài.  Quan huyện chỉ tay vào bàn thờ Khổng Tử nói:

-Chỗ này coi bộ sáng sủa nhất ở đây, nom có vẻ được đó. Mấy đứa tụi bây, treo biển lên bức tường phía sau bàn thờ này đi.

Binh lính dạ một tiếng, tức tốc khiêng tấm biển treo lên.

Trong thư viện không có thang, hai tên lính Thanh mới phải quỳ xuống, cho hai tên lính khác đạp lên vai lấy thế mà leo lên trên bàn thờ Khổng Tử mà đứng, rồi hai tên lính khác nữa chuyền tấm biển lên, chúng xê qua dịch lại thế nào mà làm rớt tấm bài vị xuống sàn.

Trần Tôn và anh em họ Lữ thấy tấm bài vị của nhà khai sáng Nho giáo bị gãy đôi không khỏi cau mày. Nghị Chánh bực mình dợm bước lên thì lập tức bị ông lão kéo lại, nghiêm mặt lắc đầu. Những học sinh đứng dưới sân ngẩn cổ ngó lên để xem chuyện đang xảy ra trên lầu lại càng bất bình xôn xao.  

—oo0oo—  

Đúng lúc đinh sắp sửa được đóng vào biển rồi thì Lâm Tố Đình xuất hiện lặng lẽ như một bóng ma. Nàng đưa mắt nhìn tấm ván gỗ màu đen bóng, được thợ mộc đẽo từ gỗ huỳnh đàn rất quý hiếm, trên biển có khắc bốn chữ mạ vàng lớn nom như rồng bay phượng múa: “Tây Hồ Thư viện.”  Phía dưới còn bốn chữ nhỏ mạ bạc nữa, đệ là “Đồng Lăng An Huy.”

Lâm Tố Đình nhẩm đọc, thầm nhủ hoàng đế Mãn Thanh muốn Hắc Viện phải đổi tên đây mà, thật là ép người quá đáng!  

Tiện thể nàng cũng liếc xéo quan huyện một cú, lòng thầm đánh giá. Tri huyện gì mà mặt gãy, mắt híp, nom vừa bần tiện vừa tham lam hệt mấy tên gian thương lưu manh ngoài chợ. Hèn gì mà gã leo lên được tới chức đó!

“Bản cô nương còn khuya mới cho bọn bây treo tấm ván này lên …”

Nghĩ là làm, nàng ngó qua những học sinh đang thập thò ngoài cửa, chợt thấy một gương mặt quen biết thì mừng rỡ ngoắc tay gọi lại, đoạn kề tai thì thào một hồi…

Xong đâu đó Lâm Tố Đình mới thướt tha bước đến nhún chân làm động tác thỉnh chào gã Tri huyện, giọng như oanh vàng thỏ thẻ:

– Kính bẩm tri huyện đại nhân, ngự biển này chúng tôi không dám nhận đâu, xin ngài làm ơn lấy về giúp cho?

Đang buồn bực thì nghe lời dịu dàng bên tai, Quan huyện giật mình ngoảnh sang. Ngay từ hồi mới đến An Huy nhậm chức, gã đã chú ý nghe ngóng ở đâu có mỹ nữ rồi, nên không lạ gì danh tiếng ái nữ của Lâm tiên sinh trong Hắc Viện. Người trong trấn ai cũng ca ngợi, đồn thổi về vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng nhưng gã chưa có dịp thấy mặt, thành ra lúc nãy còn suýt lầm tưởng Lữ Nghị Trung là nàng ta. Giờ có diễm phúc được nhìn tận mắt, quả nhiên dung mạo xinh đẹp như hoa như ngọc. Hơn nữa dáng người nàng ta càng chuẩn, sau vểnh trước nhô khiến quan huyện trong lòng ngứa ngáy, cười hềnh hệch:

– Đây hẳn là Lâm tiểu thư nức tiếng xa gần đi! Tiểu thư à, cô nói cái gì nghe lạ quá chừng vậy?  Ngự biển này là của tiên hoàng khâm thí cho các người đó nha, không treo lên trên đó, không lẽ đem tiểu thư cô treo lên hay sao?

Lâm Tố Đình chưa kịp trả lời thì thấy quan huyện cho tay vào túi áo gã lấy ra một tấm lệnh bài.  Nàng tò mò hỏi:

– Đại nhân lấy gì đó?

Quan huyện cười hề hề đáp:

– Đây là lệnh câu nã…

– Đại nhân ngài muốn bắt ai vậy?

Tố Đình giật mình thốt.

Nhìn mỹ nhân hoa dung thất sắc, càng tô điểm vẻ mỹ lệ đến nao lòng, gã đâm mê mẩn bèn đưa đẩy:

– Đương nhiên là… Lâm tiểu thư cô rồi!

Lâm Tố Đình nghe rõ mồn một lời cợt nhả của gã, song không tỏ ra ngại ngùng gì hết, chỉ giương cặp mắt tròn đen láy như mắt chim khuyên hỏi:

– Dân nữ có tội gì mà bị bắt?

– Thì…– Quan huyện tặc tặc lưỡi, giọng xuýt soa tiếc hận – Tại cô xinh đẹp như hoa ấy mà lại ở cái nơi xấu xí quá chừng. Hơn nữa ngày ngày sống chung với một đám nam nhân hôi thúi, còn gì là danh tiếng nữa. Tôi thấy xót cho cô quá, mới có ý muốn rước cô vào lầu hồng gác tía đó!

Quả thực Lâm Tố Đình rất xinh đẹp. Nàng không sở hửu vẻ e ấp kín đáo, thùy mị như những thiếu nữ tuổi trăng rằm khác mà lại có nét sắc sảo cá tính khiến ai chợt thấy cũng phải ngẩn ngơ.

Hơn nữa, nàng còn được trời phú giọng hát êm mượt như nhung, trong trẻo như nước. Mỗi khi tâm trạng vui vẻ, tiếng hát ấy cất lên ngọt lịm làm những ai may mắn được nghe không khỏi mê say. Xem ra những gì tốt đẹp nhất ơn trên đã gửi gắm hết cả vào nàng, giúp nàng bừng sáng lộng lẫy như bông hoa rực rỡ nhất trong một rừng hoa đẹp.

Cho nên cũng dễ hiểu khi có vị công tử si tình từng ca ngợi Lâm Tố Đình đẹp như đóa lan rừng! Mà quả thật nếu phải chọn, thì nàng xứng đáng là nữ hoàng phong lan, một nữ hoàng kiêu sa ẩn mình ở trấn miền Nam khỉ ho cò gáy này.

“Lan hỡi lan ơi, uẩn ức chi mà lan ẩn trong rừng vậy chứ? “- Nhớ đến giai thoại này gã quan huyện lại nghe lòng thổn thức.

Chết nữa là Lâm Tố Đình rất ưa cười. Có lẽ nàng tự biết mình có hai cái lúm đồng tiền rất duyên nên càng thích cười để khoe nó ra.  Như lúc này đây, nụ hàm tiếu ấy làm điên đảo gã quan huyện, khiến gã không kiềm được phải thốt lên:

-Lâm tiểu thư này, à mà không, phải gọi nàng là tiên nữ hạ phàm mới đúng. Ôi chao, một nàng tiên nữ với giọng hát thật dịu dàng và đắm say…  

Nom bản mặt đến là hãm tài còn nghênh lên học theo bộ dạng mấy chàng thi sĩ đa tình, Lâm Tố Đinh suýt phá lên cười. May mà nàng kìm được, khóe môi khẽ nhếch lên. Dè đâu khiến gã quan huyện tưởng rằng vừa khiến người đẹp vui lòng, gã sung sướng lâng lâng cất giọng vịt đực tỉ tê:

– Lần trước Hắc Viện có diễn một màn kịch để quyên góp từ thiện gì gì đó do nàng đảm vai chính. Ta nghe nói người tới xem đông nườm nượp, sau có kẻ kháo nhau rằng họ xem mà nghe giọng hát của nàng đến quên cả thở, cảm thán chưa từng thấy ở đâu hay hơn thế. Lâm tiểu thư hỡi, nàng có biết từ lúc ấy đã có trái tim thổn thức vì nàng hay không? Hé hé!

Lâm Tố Đình nghe mấy lời này thầm bĩu môi, biết tỏng gã mơ mộng rước nàng về dinh thật rồi đây. Nhưng tên tri huyện này háo sắc thành tính, xú danh cưỡng đoạt con gái nhà lành lan xa cả vùng, giờ rước nàng về cũng chỉ nạp làm thiếp mà thôi. Có điều nàng vẫn giả vờ nặn ra nét mặt hết sức ngây thơ mà hỏi:

– Ủa, không biết đại nhân định làm mai cho người nào đó?

Quan tri huyện như đợi câu này, sung sướng cười hề hề:

– Thì làm mai cho… ta nè chứ còn ai vào đây nữa?

Trong đầu Lâm Tố Đình bỗng lóe lên một ý nghĩ, bèn nở một nụ cười rất chi là quyến rũ:

– Vậy không biết đại nhân định dùng quà lễ gì rước tiểu nữ đây?

Quan huyện mừng quýnh, nói quíu cả lưỡi:

– Của cải ta vơ vét được, à không… làm lụng được có thiếu cha gì! Mà… mà tiểu thư đồng ý lấy ta thiệt hả?

-Ây da – Lâm Tố Đình phụng phịu làm bộ giận dỗi – Tiểu nữ không phải là mấy cô con gái trong tửu lầu đâu nha. Sao đại nhân lại mang chuyện vàng bạc ra đây!

– Ôi chao ta xin lỗi, lỡ lời. Vậy chớ tiểu thư thích cái chi chi?

– À thì… hay là đại nhân này, ngài hãy tìm cho ra một trăm cân Kim Sơn Tử đi, mang tới đây làm vật… ra mắt. Lúc ấy tiểu nữ mới coi là… xem xét nha! – Lâm Tố Đình khúc khích cười nói.

Vểnh tai chú ý nãy giờ, Lữ Nghị Trung đang thắc mắc không hiểu sao bữa nay Tố Đình lại dịu dàng thế, nghe đến đây thì vỡ lẽ liền hiểu ra dụng ý của nàng. Song chàng ta không khỏi lo lắng, mạo muội như vậy chỉ e gã tri huyện sinh nghi.

Cũng may tên quan này có vẻ rất… chậm tiêu.

-Tiểu thư không có nói chơi chứ? – Quan huyện đang mờ mắt vì trúng lá bùa yêu, vừa nghe vậy mừng muốn rụng tim.

Nghị Trung thầm thở phào, còn chưa hết hồi hộp bỗng nghe tiếng Nghị Chánh truyền âm nhập mật thì thào bên tai:

-“Đại ca, có người núp trên xà nhà!”

Chàng ta giật mình liếc nhanh một cái, quả nhiên thoáng thấy có bóng người lấp ló sau mấy thanh xà ngay phía trên kệ thờ. Bắt gặp ánh mắt Nghị Trung quét qua, người đó bèn đặt ngón trỏ lên môi ra dấu im lặng. Chàng ta liền hiểu kẻ này hẳn là người quen biết với Hắc viện rồi.

– “Ôi, ai lại bày trò phá rối chi đây?”

Nghị Trung than thầm, đưa mắt dò hỏi Trần Tôn thì ông lão lắc đầu cười khổ, đoạn đánh mắt sang Lâm Tố Đình. Chỉ thấy nàng ta chớp hàng mi cong vút, ánh mắt ướt rượt đang đong đưa gã Tri huyện. Nếu có thể lấy đó làm vũ khí giết người, hẳn quan huyện đã chết lâu rồi bởi hồn vía gã đang chìm nghỉm trong đôi mắt long lanh, trong vắt như sóng nước hồ thu của Lâm Tố Đình.

– Thế nào? – Lâm Tố Đình chớp chớp đôi mắt to, tròn xoe như hai hạt nhãn, liếc xéo một cái hỏi – Ngài nghĩ có tìm được không?

Quan huyện nhìn thân hình nảy nở của ái nữ vị Lâm Vĩ tiên sinh danh tiếng, nuốt nước bọt đánh ực một cái, định gật đầu rồi. Nhưng làm quan một thời gian, ít nhiều gã cũng học được tính thận trọng. Bấy giờ mới nhủ bụng, Kim Sơn Tử là cái giống quỷ gì gã chưa từng nghe qua, thành ra không dám hứa bừa. Có điều không thể mất mặt trước người đẹp, gã vẫn vênh mặt cao giọng:

– À…gì chứ cả núi vàng ta cũng đem đến cho nàng được, sá gì mấy cái Kim Sơn bé tẹo teo này! – Song lại hạ giọng cười hề hề – Nhưng mà để lần tới bàn đi, bữa nay làm cho xong việc chính đã!

Sau khi e hèm một tiếng, gã nói tiếp:

– Thực ra thì hôm nay bản quan đến chính là tìm Tần viện trưởng của các vị đó. Ngày thường ta tới đây hắn luôn vắng mặt, thế hôm nay có nhà không đấy?

– Ủa, không ai nói cho đại nhân là Viện Trưởng đi khảo cứu cổ văn chưa về sao?

Lâm Tố Đình kinh ngạc thốt, vẻ tự nhiên như thật khiến Quan tri huyện lập tức sầm mặt la:

– Ngự biển khâm thứ biết bao kẻ ao ước mà không được, nay trường học này nhận được là phước đức cho các người! Vậy mà họ Tần chẳng biết quý trọng, thật là…

Rồi gã phất tay áo vẻ mặc kệ:

– Mà thôi đi, ngự biển cũng treo lên rồi, thế là bản quan hết phận sự. Giờ tất cả hãy quỳ trước ngự biển cho ta!

Dứt lời, gã bước tới quỳ trước tủ thờ, hô lớn:

– Tam khấu cửu bái!

Nhìn lại sau lưng, ngoài tụi binh lính không thấy ai muốn hưởng ứng nghi lễ này, gã tức giận nạt:

– Khi quân phạm thượng, muốn chết sao? Quỳ xuống, quỳ xuống mau!

Mọi người nhìn nhau, bắt gặp cái gật đầu của Trần lão, đành miễn cưỡng lục tục quỳ cho xong chuyện.

Quan huyện hô to:

– Nhất khấu đầu! Vạn tuế!

Mọi người cúi đầu qua quít ba cái.

– Nhị khấu đầu! Vạn.. vạn tuế!

Lại lạy cho xong ba cái nữa.

– Tam khấu đầu! Vạn…

– Ui chao!

Đúng lúc đó có tiếng la thất thanh. Tất cả giật mình quay sang đã thấy Lâm Tố Đình ngã sõng xoài ra đất, tay ôm đầu gối nhăn nhó.

– Nàng làm sao thế Lâm tiểu thư? – Quan tri huyện hớt hải.

Lâm Tố Đình xuýt xoa đáp:

– Tiểu nữ bữa trước không may bị ngã, đến giờ đầu gối vẫn còn đau. Vừa nãy quỳ xuống lại động tới vết thương nên…

– Ây da, nàng thật là! Bị đau thì cứ nói ra, bản quan đâu nỡ bắt nàng quỳ chứ! – Gã chậc lưỡi xót xa.

– Tiểu nữ…, tiểu nữ cũng định nói nhưng thấy đại nhân tức giận đâm sợ hãi…

Nhìn mỹ nhân mày liễu nhíu chặt, môi hồng chu lên phụng phịu đáng yêu khôn tả, quan tri huyện hận không thể ôm nàng vào lòng nựng nịu. Cả quan lẫn lính ngơ ngẩn ngắm người đẹp đến xuất thần. Ngược lại hai anh em họ Lữ và lão Trần thì trố mắt, thiếu điều chắp tay bái phục tài đóng kịch của nàng ta.

Sau giây lát luống cuống, gã tri huyện hắng giọng nói:

– Thôi được rồi, Lâm tiểu thư bị đau thì miễn đi. Còn lại tất cả theo bản quan hành lễ cho chu toàn!

Tiếp đó gã lại hô:

– Tam khấu đầu! Vạn tuế, vạn tuế…vạn vạn tuế!

Hành đại lễ xong xuôi đâu đó, quan huyện đứng dậy mỉm cười hài lòng, nhìn lại tấm ngự biển trên tường lần cuối. Bỗng gã trố mắt đơ người như không tin vào mắt mình, phải chớp chớp vài ba lượt. Sau khi rõ ràng không nhìn lầm, gã hoảng vía giơ hai tay ôm đầu, kinh hãi lắp bắp:

– Biển… biển, ngự biển… ngự biển đâu rồi?

Cả đám binh lính nháo nhác đứng bật dậy cũng há hốc miệng, ai cũng cảm giác như có luồng khí lạnh đang lan dần ra khắp châu thân.

– “Phen này rắc rối to rồi…” – Lão Trần thầm than, trong lòng vừa bực vừa thấy buồn cười.

Bởi chính cái lúc cả bọn còn đang lóp ngóp lạy lục, ông lão chợt nghe loáng thoáng tiếng xé gió rất nhẹ vụt qua trên đầu. Giật mình lén ngẩng lên nhìn, ông chỉ kịp thấy bóng một vật xoay tít liệng ra phía cửa, liền đó có người nhảy lên bắt gọn rồi chạy mất dạng.

Hai anh em Lữ gia dĩ nhiên cũng biết. Nghị Trung thì mày nhăn tít, vẻ đăm chiêu. Nghị Chánh cũng mặt nhăn mày nhó hết sức khổ sở, rõ là bộ dạng muốn cười mà không dám.

– Úi trời ơi! Cái quái gì đang xảy ra thế này? Chết tui rồi!

Quan huyện hai bàn tay đập vô đầu rền rĩ. Giá như bàn giao xong xuôi hết thảy, ngự biển có mất gã liền phủi tay coi như không liên quan. Đằng này sờ sờ ngay trước mặt, mắt trước mắt sau tấm biển đã mất tăm hơi bảo sao quan huyện không bấn loạn. Chỉ nghĩ tới chuyện làm mất vật khâm thứ, mắc trọng tội với triều đình, gã ta kinh hãi quá chừng, bất giác mồ hôi lạnh đầy người.  Rồi như nghĩ ra gì đó, gã bất thần quay phắt sang, nhìn lom lom Lữ Nghị Chánh quát lớn:

– Ngươi, ngươi đứng gần tủ thờ nhất! Có phải nhà ngươi đã lấy không?

Chàng ta giật bắn người, bộ dạng hốt hoảng không biết phải làm sao khiến Lâm Tố Đình thầm cười trộm, xem ra anh chàng này cũng có khiếu đóng kịch ghê. Nghĩ vậy nhưng nàng giãy nảy lên, vội bênh:

– Úy!  Đại nhân đừng có nói bậy nha, ngự biển hồi nãy phải mấy người đàn ông lực lưỡng mới treo lên nổi. Một mình Lữ nhị công tử sao có thể thần không biết quỷ không hay khiêng xuống được? Lại nữa chỗ đó cao như vậy, Lữ công tử càng không có cánh, làm sao lên đó chứ?  

Nhìn lại thì Nghị Chánh ốm tong teo như một que nhang, so vai rụt cổ gật lấy gật để, nhìn gã bằng ánh mắt oan ức hết sức tội nghiệp, Quan huyện bỗng thấy nàng ta nói… có lý.

– Nhưng mà ngự biển mới vừa ở đây– Quan huyện thần trí rối tựa bòng bong, lẩm bẩm như tự nói với chính mình- Chớp mắt một cái bỗng dưng biến mất, sao lại có thể như vậy được?

Thấy gã lo sợ muốn xỉu, Lâm Tố Đình trong bụng khoái lắm. Chợt nghĩ ra một ý, nàng lộ vẻ căng thẳng, thấp giọng nói:

– Thật ra…, Hắc viện dạo này kỳ lạ lắm đó đại nhân!

– Ý nàng là sao?

– Tiểu nữ muốn nói… – Lâm Tố Đình thì thào hết sức thần bí – Chuyện như thế này đã xảy ra đôi ba lần rồi!

– Úi trời ơi ghê quá! – Một kẻ sợ hãi thốt.

– Hay là… có ma? – Kẻ khác xì xào.

– Thảo nào, lúc chúng ta làm lễ khấu đầu tiểu nhân cảm giác có một luồng khí lạnh thoáng qua trên đầu! – Lại có kẻ la khẽ.

Quan huyện bực mình nạt đám lính:

– Ma! Ma cái đầu tụi bay!  Có Lâm tiên nữ ở đây trấn tà, ma cỏ gì!

Lâm Tố Đình bĩu môi, quay sang binh lính và học sinh, bảo họ:

– Nào, nào, đi tìm, các vị mau đi tìm giúp đại nhân đi!

Nửa khắc sau binh lính và học sinh trở lại báo cáo tìm mãi trong thư viện mà không tìm được ngự biển. Lâm Tố Đình nghiêm mặt nói:

– Vậy chỉ còn một khả năng!

– Khả năng gì?

– Bị gió cuốn bay đi rồi!

– Bị gió cuốn! – Quan huyện mặt thộn ra, liền đó trầm giọng thốt – Lâm tiểu thư coi bản quan là trẻ lên ba chắc?

Lâm Tố Đình lắc đầu, vẻ nghiêm túc hỏi:

– Đại nhân, ngài nghĩ mà xem Hoàng thượng là ai? Là thiên tử, con của ngọc hoàng đại đế, đúng không? Mà Ngọc hoàng đại đế là ai? Là chúa tể chư tiên trên thiên đình, đúng không?

– Cái này… cũng đúng. Nhưng liên quan gì? – Quan huyện ngơ ngác.

– Vậy thì đúng rồi. Vì thế nên tấm ngự biển do hoàng thượng viết ra ít nhiều phải dính chút tiên khí, nào phải vật phàm. Còn Hắc viện của bọn tiểu nữ, chỉ là chốn trần tục toàn bình dân bá tánh nghèo khổ. Tấm biển cao quý như vậy dĩ nhiên không ở nổi chỗ này bèn cưỡi gió bay mất tiêu rồi. Cái này chính là ứng với câu…

– Câu gì? – Quan huyện nghệt mặt.

– Câu… câu gì mà có chữ miếu ấy nhỉ?

– Miếu… miếu nhỏ không chứa nổi Bồ tát lớn! – Nghị Chánh nghe nàng ta luyên thuyên bát nháo nãy giờ, thực chỉ muốn ôm bụng cười phá lên, kiềm nén mãi mới thốt ra được.

– Đúng, chính câu đó! – Lâm Tố Đình vỗ tay reo lên.

– Lẽ nào lại như vậy?

– Có khi là thật đó đại nhân!

Vài tên lính thấp giọng lao xao.

Lâm Tố Đình gật đầu an ủi:

– Thế nên đại nhân đừng quá lo lắng, hẳn là ngự biển chỉ cưỡi gió bay đâu đó quanh trấn An Huy này thôi!

Quan huyện nghe mà đầu váng mắt hoa, cảm thấy chuyện rất không bình thường mà không rõ là ở chỗ nào. Thế là suốt buổi chiều hôm đó ở trong trường học, dáo dác sai lính tìm khắp mọi nơi mà vẫn công cốc, khiến gã ta mặt xanh như tàu lá, tưởng bị gió cuốn đi thật, lại kêu binh sĩ tản ra khắp thị trấn tiếp tục tìm.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN