Thất Dạ Đàm - Chương 7
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
113


Thất Dạ Đàm


Chương 7


Đêm Thứ Tư

Chiếc áo

Trên sa trường một giọt nước thành băng, một manh áo cũng là ơn, đủ khiến ta ghi nhớ ngàn năm.

Nhưng ai biết, thì ra ta từng gặp nàng, lúc ta vinh hiển nhất và lúc ta đau buồn nhất.

***

1.

Khi gặp lại Cửu hoàng tử lần nữa là lúc tôi mười sáu tuổi.

Lúc này chiến tranh đã kết thúc, chàng từ biên ải trở về, dân chúng đổ ra đường chen chúc nhau, chỉ để chiêm ngưỡng dung mạo tuấn tú, uy nghi của vị tướng trẻ bách chiến bách thắng. Nhưng đáng tiếc họ chỉ nhìn thấy một người sắp chết.

Chàng bị trọng thương trên chiến trường, vết thương lại để quá lâu không chữa trị kịp thời khiến cho thần y Ôn Túc người nước Tần vốn được tôn vinh là Hoa Đà, Biển Thước[1] tái thế cũng đành bó tay.

[1]Hoa Đà, Biển Thước: Hai danh y thời cổ đại, được mệnh danh là thần y.

Mà Ôn Túc lại là thúc phụ tôi.

Lần này tôi được kiệu của hoàng gia rước vào cung với danh nghĩa là đệ tử của thần y, được gặp vị hoàng tử thứ chín là cửu hoàng tử Tần Nhiễm (người được truyền tụng là danh tướng bách chiến bách thắng.)

Năm nay tuổi chàng mới mười chín, trên mình lại có tới một trăm linh bảy vết thương, mỗi vết thương đều như một chiến tích về chiến công hiển hách của chàng trên sa trường. Nhưng lúc này chàng ngồi trước điện mình khoác trường bào, ho mãi không dứt, trong đờm đã có lẫn máu đen.

Cơ thể chàng đã bị huỷ hoại nghiêm trọng trong những ngày triền miên trên các chiến trường, mọi thần y linh dược đều vô hiệu. Thúc phụ đã dốc hết tâm lực cũng chỉ có thể giúp chàng sống thêm được mấy tháng, chỉ là kéo dài sức tàn mà thôi.

Tôi nhìn chàng ngồi dưới gốc cây ngô đồng, gầy gò nhợt nhạt. Mắt bỗng cay sè, mọi sự liên quan đến chàng, bỗng chốc tái hiện trong tâm trí tôi rõ ràng như những bức hoạ nối tiếp nhau.

Lần đầu tiên tôi gặp Cửu hoàng tử là sáu năm về trước, tôi mới lên mười chàng mười ba.

Nước Càn đột nhiên dấy binh chinh phạt nước Tần, Tần vương treo soái ấn trước triều đường hỏi quần thần ai có thể xuất chiến, đám quan văn võ đáng thương tất thảy đều ấp úng không dám ngẩng đầu. Chính lúc đó Cửu hoàng tử bước lên trước điện cầm soái ấn cao giọng, dõng dạc: “Nhi thần tình nguyện xuất chinh!”

Quần thần ai nấy đều kinh ngạc.

Vì vậy khi chàng dẫn đại thần xuất chiến, toàn thể dân chúng kinh thành đổ ra đường đưa tiễn. Tôi chen lấn trong đám người đông nghịt, cùng với tỷ tỷ cố nhìn bằng được dung nhan hoàng tử.

Tôi vốn tưởng chàng uy nghi dũng mãnh như la hán Kim Cương trong miếu, ai ngờ lại nhìn thấy một thiếu niên rất nho nhã, mảnh khảnh.

Tôi mãi mãi ghi nhớ hôm đó là một ngày hè nóng nực, ánh mặt trời chiếu lên chiến giáp màu xám bạc lóng lánh. Còn chàng ngồi ngay ngắn trên mình ngựa, mái tóc đen nhánh, khuôn mặt trắng ngần, ngũ quan thanh tú như nữ nhi, đôi mắt điềm tĩnh nhìn về phía trước, lại khiến tôi cảm thấy nỗi buồn vô cớ.

Sau khi về nhà, tỷ tỷ tôi lau nước mắt vừa khóc vừa nói: “Đáng thương cho một nước Tần, đường hoàng là thế lại phải cần đến một thiếu niên mảnh khảnh như vậy chống lại trăm vạn địa quân địch quốc!”

Tỷ tỷ không tin chàng, văn võ bá quan không tin chàng, dân quốc cũng không tin chàng. Cửu hoàng tử vẫn còn trẻ tuổi dẫn hai mươi vạn binh ra trận trong những tiếng nhỏ to hoài nghi, như thế, đơn phương dấn thân vào bão táp sặc mùi máu tanh ở biên ải phía Bắc.

Tám tháng sau, khi tuyết vừa tan, mảnh đất khô cằn trước hiên nhà xuất hiện ngọn cỏ xanh đầu tiên, tỷ tỷ từ đâu xông vào nhà, chưa kịp cởi áo choàng, ôm lấy tôi nhảy lên hò reo: “Thắng rồi! Thắng rồi! Thắng rồi!”

Mũi tỷ tỷ đỏ ửng vì lạnh, mắt mờ ướt, những giọt nước mắt sung sướng tuôn trào, nghe đồn Tần Nhiễm dùng một cây thương dài, kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc với đại thắng thuộc về nước Tần.

Vị tướng quân mười bốn tuổi cưỡi ngựa hồi tiều, cả kinh thành tiếng hoan hô hò reo như sấm dậy.

Tỷ tỷ tôi đã bỏ ra ba ngày đêm đi hái những bông hoa quỳnh bày sắc tết thành vòng nguyệt quế ném về phía chàng, do tay tỷ tỷ chưa đủ khoẻ, vòng nguyệt quế rơi xuống đất ngay cạnh chân ngựa của chàng, nhưng tỷ tỷ không hề buồn, vẫn cười sung sướng, “không sao, lần này không trúng, về sau vẫn còn cơ hội, nhất định có lần ném trúng.”

Bắt đầu từ hôm đó, tỷ tỷ lao vào luyện tập cung tên, tuy nhiên cung tên còn chưa kịp luyện thành công, tiếng trống bào động lại dồn vang. Dị tộc đến xâm phạm bờ cõi, Cửu hoàng tử vừa cởi chiến giáp lại vội vàng khoác lên người, móng sắt ngựa vừa tháo lại tra vào, binh sỹ chưa kịp hồi sức lại ra trận.

Tỷ tỷ suốt đêm không ngủ, nhìn trời ngoài cửa sổ, nhìn mãi cho đến khi màu đen bên ngoài chuyển thành màu trắng, tỷ tỷ nói với tôi: “Đại Đại, tỷ sợ lắm!”

“Tỷ sợ nếu lần này Cửu hoàng tử thua trận. Dị tộc tiến vào, chúng ta sẽ không có cơm ăn à?” Mười một tuổi, ý nghĩ duy nhất của tôi về chiến tranh chỉ giới hạn ở chỗ nếu triều đình thua trận sẽ không có cơm ăn.

Tỷ tỷ lắc đầu, buồn bã nói rất chậm: “Không, tỷ sợ ngàn vạn dân trăm họ, tám phương quốc thổ, người đông, đất rộng như vậy, gánh nặng lớn thế đè lên vai một người, tỷ sợ chàng không gánh nổi.”

Tôi nửa hiểu nửa không, lờ mờ cảm thấy điều tỷ tỷ nghĩ khác hẳn mọi người. Đối với tỷ, Tần Nhiễm quan trọng hơn cả nước Tần.

Bốn tháng sau, Tần Nhiễm tái lập công, bắt sống ba vạn địch quân, đuổi địch ra ngoài quốc trăm dặm. Khi đại quân đại thắng, tướng soái trở về, Tần vương đích thân nghênh đón, vị tướng trẻ Tần Nhiễm vinh hiển phong quang, thiên hạ vô song.

Tỷ tỷ tôi lại ném vòng nguyệt quế về phía chàng, lần này cuối cùng đã ném trúng, thậm chí quàng trúng đầu ngựa của Tần Nhiễm. Chàng nhìn theo hướng vòng nguyệt quế, ánh mắt hai người gặp nhau trên không, Cửu hoàng tử gật đầu với tỷ, tỷ vội vàng cúi đầu hai má ngượng ngùng ửng đỏ.

Ban đêm, tỷ ngồi trầm tư dưới ánh đèn, tôi gọi mấy lần, tỷ không trả lời, đành chơi một mình, đúng lúc thím dạy tôi học thêu, tỷ nhìn thấy, mặt sáng bừng, nhảy lên reo: “Có.”

“Có gì cơ?”

Tỷ nháy mắt với tôi, cười bí hiểm: “Tỷ phải chuẩn bị một món quà lớn.”

“Tặng ai?”

“Chàng!”

Tỷ cụp mắt, rồi lại nhẹ nhàng ngẩng lên, ánh mắt long lanh, vô cùng dịu dàng, tôi mới kinh ngạc reo lên: “Tỷ tỷ, tỷ thích Cửu hoàng tử hay sao?”

Tỷ mím môi, bẽn lẽn gật đầu.

“Nhưng…” Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng tôi vẫn biết phân biệt giàu nghèo, “Chàng là hoàng tử, còn chúng ta là thường dân, huống hồ sau này chàng sẽ kế vị ngôi báu, trở thành vua sẽ có vô số cung tần, như vậy tỷ cũng chấp nhận à?”

Mắt tỷ sáng bừng, vẻ mặt kiên định: “Thiên hạ nhìn chàng, họ chỉ nhìn thấy ngôi vị cao quý tột đỉnh, tài sản vô vàn của chàng. Còn tỷ nhìn chàng, lại nhìn thấy trí tuệ, lòng dũng cảm và nỗi cô đơn của chàng.” Nói đến đây, mắt tỷ chợt tối, khẽ nói: “Nhiễm quân thật đáng thương. Tỷ rất muốn nắm tay chàng. Nhìn vào mắt chàng nói với chàng, chàng sẽ không cô đơn, tỷ sẽ luôn ở bên chàng.”

Tình cảm sao có thể một phía là được? Tôi thầm nghĩ: Tần Nhiễm thân là hoàng tử, có biết bao người ở bên, phụ mẫu, huynh đệ, bằng hữu, thuộc hạ, sao chàng có thể cô đơn? Sao có thể thiếu người kề cận? Huống hồ chàng là tướng quân bách chiến bách thắng, được mọi thiếu nữ kinh thành ngưỡng mộ, mơ ước, trong khi tỷ chỉ là con nhà bình dân, thậm chí còn không xinh đẹp.

Nhưng tỷ có đôi bàn tay tuyệt vời khéo léo. Đôi bàn tay độc nhất vô nhị!

Tỷ đã dùng đôi bàn tay độc nhất vô nhị đó thêu một bức hoạ độc đáo nhất thiên hạ. Bức hoạ đó khi mở ra chính là bức “Tần quân xuất chinh đồ” mô tả cảnh Tần Nhiễm dẫn đại quân rời khỏi kinh thành, chống lại quân nước Càn, màu sắc tuyệt vời, thần thái sống động. Nhưng gập lại chính là một chiếc chiến bào mà cổ áo là cổng thành có khuy luồn bằng đồng, gió vừa thổi nhân vật trong bực hoạ chuyển động dường như từ trong tấm áo đi ra. Khi được mang vào cung cả triều đình đều trầm trồ khen ngợi.

Tần vương lập tức triệu kiến cô gái đã thêu bức tranh. Tỷ tỷ trang điểm đeo đầy đồ trang sức quỳ phục trước điện, hoàng thượng hỏi muốn được ban thưởng gì? Tỷ ngẩng đầu dõng dạc trả lời: “Muốn được làm vợ Cửu hoàng tử.”

2.

Nhớ đến đây, tôi bịt mắt, không muốn nhớ tiếp.

Chuyện cũ như mây tụ lại tan, tan lại tụ. Người kia cố nhiên đã trở về với đất người này sao có thể hạnh phúc? Cũng là người đáng thương như ngọn đèn cạn dầu đang đi đến đoạn cuối cuộc đời mà thôi.

Tôi đổ thuốc đã sắc ra bát, bê đến dâng lên trước mặt chàng: “Cửu hoàng tử xin mời dùng thuốc!”

Cung nữ bên cạnh giơ tay định đón lấy, nếm thử xem có độc, đó vốn là thông lệ của hoàng cung. Nhưng chàng xua tay bưng lên miệng từng ngụm uống cạn, chàng là người bệnh bình tĩnh nhất tôi từng gặp.

Trong mấy năm đi theo thúc phụ học y, tôi đã gặp bao nhiêu bệnh nhân sắp chết, bọn họ, người hoảng sợ đến nỗi không thể ngủ được, người giận dữ nóng nảy, đều tỏ ra sợ chết và nuối tiếc cuộc sống.

Chỉ có Tần Nhiễm điềm tĩnh như lần đầu tôi gặp: Cặp mày hơi nhíu, ánh mắt xa xăm, sắc mặt xanh xao, không để lộ cảm xúc.

Thúc phụ châm cứu cho chàng, chàng không hề kêu rên, luôn dùng thuốc đúng thời gian, chưa từng tỏ ra khó chịu hay thoái thác, về mặt này, chàng là một người bệnh rất dễ bảo nhưng mặt khác chàng lại không chịu nằm yên tĩnh dưỡng. Hằng ngày vẫn đến binh trường luyện quân, đi tuần tra quân doanh, không chỉ có thế, gần đây trời chuyển lạnh mùa đông sắp đến chàng còn đích thân đến các khu dân nghèo phát quần áo ấm.

Thúc phụ thấy vậy rất đau lòng, đã nhiều lần khuyên giải, cuối cùng Tần Nhiễm hỏi lại: “Nếu ta nằm một chỗ dưỡng bệnh có thể sống bao lâu?”

“Một năm.”

“Nằm trên giường bệnh vô dụng một năm và cúc cung tận tuỵ sống có ích mấy tháng nên lựa chọn bên nào? Trong lòng tiên sinh chắc đã rõ câu trả lời?” Khi chàng nói vậy, sắc mặt vẫn lạnh ánh mắt mông lung, mơ hồ đến nỗi có cảm giác chàng sẽ biến mất.

Thúc phụ không biết nói sao, cũng không dám ngăn cản. Nhưng lần sau chàng ra ngoài, ông bảo tôi đi theo đề phòng bất trắc.

Cũng bắt đầu từ đó, vị hoàng tử kiêu ngạo nhất thiên hạ mà tôi từng gặp sáu năm trước, dần trở nên phong phú trong ấn tượng của tôi, không chỉ là hình ảnh chàng kị mã đơn thuần ngày trước.

Đầu tiên, Tần Nhiễm không biết cười.

Tôi vốn tưởng chàng muốn giữ tôn nghiêm của hoàng gia nên cố tình không cười với dân chúng, đến giờ khi được kề cận phụng hầu mới biết với ai chàng cũng thế.

Hàng lông mày của chàng luôn khẽ nhíu, ánh mắt luôn dửng dưng khiến người ta cảm thấy khó gần. Nhưng chàng chưa bao giờ trách mách kẻ dưới, có thể nói là một chủ nhân không khó hầu hạ.

Có lần, một cung nữ đánh vỡ nghiên mực quý của chàng, bị nhũ mẫu trách phạt, chàng biết chỉ nhẹ nhàng nói một câu: “Thôi!” Vậy là cung nữ được tha tội. Lại có lần, một thái giám ngủ gật vô tình để nến rơi, làm cháy bức bình phong khiến Tần Nhiễm thức giấc, chàng liền đích thân đi lấy nước cứu hoả, sự việc xong xuôi chưa kịp trách phạt thái giám nọ, đã vội lên triều. Trên đường đi thấy mặt chàng tái xám tôi liền khuyên không nên lên triều nữa, chàng nhìn tôi lắc đầu, tôi lại khuyên lần nữa, cuối cùng chàng nói: “Nếu ta không đi phụ hoàng sẽ lo lắng.”

Ánh đèn lồng trong xe ngựa chập chờn lúc tối, lúc sáng, chàng nhìn ánh đèn lắc lư khẽ nói: “nếu ta có thể sống thêm ít nữa thì tốt quá.”

Tôi phụng hầu chàng lâu như vậy đây là lần đầu tiên thấy chàng nhắc tới bệnh tật của mình, lòng vừa kinh ngạc vừa xót xa, đâu đó trong tôi như bị khoét rỗng một mảng không thể nào khoả lập.

Có lẽ điều đó đã thể hiện trên mặt, cho nên khi ánh mắt chàng dừng lại trên mặt tôi liền hỏi: “Cô nương đang buồn thay cho ta ư?” Tôi chưa kịp trả lời, chàng lại tiếp, “không cần đầu, cuộc đời ta đã vinh quang tột đỉnh, bách chiến bách thắng trong sạch không tỳ vết, cho dù bây giờ phải chết cũng không hổ thẹn với đất trời, có gì phải hối hận.”

Tôi chăm chú nhìn chàng, trong lòng có tiếng thở than chính là người tỷ tỷ từng yêu, từng suốt đời ái mộ.

Đương nhiên như chàng nói, cuộc đời chàng huy hoàng thanh cao không hổ thẹn với đất trời nhưng chàng lại nợ một người.

Đó chính là tỷ tỷ của tôi.

Tần Nhiễm, chàng vẫn nợ tỷ tỷ tôi, nhưng chàng không hay biết.

3.

Ngày hôm sau, tôi theo chàng ra ngoại ô phát chăn.

Bầu trời u ám gió ù ù tiết trời rất xấu, thị vệ đã sắp đặt đâu vào đấy, dân chúng nghe nói được phát quần áo ấm kéo nhau đến xếp hàng rất đông. Tần Nhiễm đích thân trao từng chiếc áo ấm đến tận tay họ.

Gió to cát bụi mù mịt tôi không mở được mắt, xoa hai bàn tay lạnh cóng vào nhau, không nén nổi phàn nàn: “Những việc này cứ sai người dưới làm là được, Điện hạ hà tất phải đích thân đi trong khi thân mang trọng bệnh như vậy?”

Tần Nhiễm lắc đầu không trở lời.

Vậy là suốt từ giờ mùi đến giờ dậu, sau khi chiếc áo bông cuối cùng được trao cho người dân, chàng mới chịu lên xe ra về.

Tôi buồn bã đi theo nhưng chính lúc đó chàng lại nói: “Vẫn còn thiếu ba trăm bảy mươi sáu chiếc nữa.”

“Sao? Nô tỳ không hiểu.”

Chàng lại trầm ngâm, dường như câu đó chàng tự nói với mình, không liên quan đến ai. Tôi chưa từng thấy ai kiệm lời như vậy, lòng hơi thất vọng, hơi chán nản, cũng hơi không cam tâm bèn nói: “Vừa rồi đã phát hơn bốn trăm chiếc áo bông, nhưng theo nô tỳ những người thực sự cần áo không đến một phần mười.”

Chàng quả nhiên chú ý, ngoảnh nhìn tôi, tôi mỉm cười giải thích: “Theo nô tỳ quan sát những người đến lĩnh áo ấm phân thành ba loại: Loại thứ nhất là người thích chiếm của hời, nghe nói được phát không áo ấm, liền lập tức chạy đến nhận. Loại thứ hai, bị ép đến, nhất định là trưởng thôn, đã nói với họ là Cửu hoàng tử đến phát áo bông, mỗi hộ cử hai người ra nghênh đón, nếu không hoàng tử mang áo đến lại chẳng có ai lĩnh thì quá mất mặt.” Nói đến đây tôi chú ý quan sát thái độ của chàng, quả nhiên có chút thay đổi. Ái chà, tức giận rồi sao?

“Loại thứ ba mới là những người thực sự cần chiếc áo ấm đó. Chỉ có điều, do hai loại người trên đã quá đông, chiếm hết chỗ, có đến lượt họ hay không còn chưa biết?”

Tôi nhìn chàng, thầm mong chàng nổi giận, thật sự muốn biết con người này rút cuộc liệu có thể giận dữ không. Nhưng ánh mắt chàng sau mỗi lần loé lên lại trở về bình thường, “không hề gì!”

“Sao?”

“Từ thượng cổ đến nay nói đến việc phát chẩn, hầu như đều có lãng phí và thiếu công bằng. Bạc bị tham ô, ngũ cốc bị bán trộm, y phục bị thất thoát, cuối cùng thực sự đồ phát chẩn đến được tay người cần chỉ có một phần mười.”

Chàng giơ bàn tay gầy như que củi nhẹ nhàng vuốt chiếc áo choàng của mình, không biết có phải là ảo giác, cơ hồ tôi nhìn thấy ánh mắt chàng ánh lên một nét dịu dàng, “đối với ta mục đích thực sự chính là một phần mười đó, trong mười người chỉ cần có một người cần là ta tình nguyện chuẩn bị mười chiếc áo bông.”

Tôi không biết nói sao.

Tôi không biết mình còn có thể nói được gì.

Vị hoàng tử này khoan dung hơn nhiều so với thói đời tôi quen thuộc. Ở chàng, không thể tìm ra một khuyết điểm nào của người quyền quý, mặc dù có chút lạnh lùng nhưng trái tim rất mực dịu dàng.

Chàng là một người hoàn hảo.

Chỉ đáng tiếc con người hoàn hảo hiếm hoi như vậy lại sắp chết.

Vừa nghĩ đến điều đó, tôi lại thấy đau đớn xót xa. Tôi mong ông trời rủ lòng từ bi để bệnh tình chàng biến chuyển, để chàng được sống, nếu có thể tôi sẵn sàng gánh chịu bệnh tật thay chàng.

Đáng tiếc ông trời không chiều lòng người.

Từ hôm đó trở về, chàng rơi vào hôn mê, sốt cao liên miên. Tôi khôn rời khỏi đầu giường chàng một bước, tay cầm khăn bông liên tục lau mồ hôi cho chàng, cặp mày chàng không ngừng nhăn nhúm tựa hồ đang rơi vào ác mộng, bỗng chàng quờ tay túm tay áo tôi, tôi vội gọi: “Cửu hoàng tử… Cửu hoàng tử…”

“Vẫn còn thiếu… vẫn còn thiếu…”

“Cái gì?”

Giọng chàng rất nhỏ rất khàn tôi phải ghé sát tai mới nghe được chàng nói là “còn thiếu ba trăm bảy mươi sáu chiếc”. Đến bây giờ vẫn nghĩ đến chuyện áo bông. Sống mũi cay cay tôi vội nói: “Nô tỳ sẽ cho người đi phát, ba trăm bảy mươi sáu chiếc áo bông phải không? Điện hạ yên tâm nhất định không sót một cái nào.”

Chàng cứ lắc đầu chân tay run run, không biết, liệu có thể nghe được lời tôi nói? Cứ như vậy qua một đêm, tôi mệt quá thiếp đi, khi tỉnh dậy, phát hiện Tần Nhiễm đã tỉnh, chàng nằm yên, mắt lặng lẽ nhìn lên xà ngang tư lự.

Tôi vừa mừng vừa kinh ngạc vội vàng chạy đi báo thúc phụ, thúc phụ lập tức tới bắt mạch cho chàng. Tôi tưởng chàng đã vượt qua cơn nguy cấp là có thể bình phục, không ngờ, sắc mặt thúc phụ càng căng thẳng, vậy là lòng tôi lại đau thắt.

Tần Nhiễm hỏi: “Có phải ta đã đến lúc rồi?”

Thúc phụ bối rối, buông tay chàng.

Tần Nhiễm lại nói: “Thực ra ta đã biết bây giờ ta chỉ là tàn quang cuối cùng!”

Thúc phụ quỳ sụp xuống nền liên tiếp dập đầu.

Tần Nhiễm nắm cánh tay ông ra lệnh đứng lên, thong thả nói: “Ta có một ước nguyện cuối cùng mong thần y đi gặp phụ hoàng nói giúp.”

Thúc phụ gạt nước mắt: “Lão phu thề chết để Điện hạ được toại nguyện.”

Vậy là Tần Nhiễm nói ra ước nguyện của chàng, một ước nguyện chấn động thiên hạ, chàng muốn trở về biên ải phía Bắc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN