Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm - Chương 227: Ngoại truyện 6: Khoá đàn hương (2)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
110


Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm


Chương 227: Ngoại truyện 6: Khoá đàn hương (2)


ng nội bình tĩnh đồng ý.

Chẳng qua những người khác trong phủ lại không bình tĩnh được thế.

Chuyện này tựa như sấm sét nổ trên đất bằng, làm tất cả mọi người ngạc nhiên ngã ngửa ra, trừ ông bà nội, ai nấy đều nhìn ta bằng ánh mắt kinh dị.

So gia thế, dù lão quốc công không có thế mạnh trên triều đình như ông nội, nhưng cũng không kém là mấy, hơn nữa người ta dù sao có tước vị truyền đời, tổng hợp lại xem thì còn ưu tú hơn.

So gia tài, người mẹ Bình Ninh quận chúa của lão quốc công cơ hồ để lại một nửa tiền tài của Tương Dương hầu cho con trai, người cha của lão quốc công theo nghiệp buôn muối mười mấy năm, lão quốc công lại ra ngoài làm quan mười mấy năm, đấy là còn chưa kể tới của cải tích luỹ mấy đời của phủ quốc công.

Họ Thịnh dĩ nhiên cũng được coi là trú phù, nhưng đương nhiên thua kém. Con trai họ Thịnh tràn đầy, còn lão quốc công tổng cộng chỉ có hai con trai, ba cháu trai, dù phân chia thế nào thì đều giàu có.

So nhân phẩm, chú rể tròn mười sáu, là Tú tài, cha ruột là con trai thứ của lão quốc công, hiện giờ là quan to giữ chức tam phẩm, còn cha ta…

Khỏi cần so sánh nữa, công tử phủ quốc công cao quý như thế, chỉ có chị Năm, con gái dòng chính nhà bác Ba, hoặc chị Tư, con gái dòng chính của bác Hai mới miễn cưỡng xứng đôi, kể cả chị Ba là con thứ của bác Cả cũng còn xứng hơn ta.

Trong cơn hoảng hốt ngỡ ngàng của mọi người trong phủ, bà nội và bác gái Cả tiến hành chuẩn bị lễ đính hôn đâu vào đấy.

Tiếp đến, cuộc sống của ta trở nên hết sức kỳ lạ.

Các chị họ trong bụng nghĩ thế nào ta không biết, nhưng ngoài mặt vẫn phải khách khí nhã nhặn như cũ, các bác gái thì trước sau đều kinh ngạc, vô cùng khó hiểu, ông bà nội vẻ mặt bí hiểm, chẳng ai dám đi hỏi, mọi người vui sướng hân hoan, đồng loạt tới chúc mừng mẹ cả của ta (may mà em Tám đã đính hôn, không thì ta thật không dám nhìn sắc mặt mẹ cả).

Đây là cách làm của người thông minh, còn kẻ ngốc thì đặc sắc hơn nhiều. Em Bảy gườm ta bằng ánh mắt ăn sống nuốt tươi, nếu ánh mắt có thể biến thành kiếm sắc thì e rằng người ta đã bị thủng lỗ chỗ.

Trước lễ đính hôn chính thức của ta một tháng, cuộc chiến lâu năm giữa dì của ta và dì Khâu cuối cùng phân định thắng bại. Vì việc đính hôn của ta mà dì hoàn toàn ngớ ngẩn, xao nhãng việc tận tâm tận sức nịnh nọt cha ta, thế là dì Khâu dẫn đầu sinh ra con trai trước.

Cha ta được cây già nở hoa, ôm em trai thích thú vô ngần, dì Khâu thừa dịp cha ta vui sướng, đưa ra đề nghị viển vông, để con út tương lai có chỗ cậy nhờ, kiểu gì cũng phải tìm cho chị ruột nó một hôn sự tốt, như vậy đi, nếu Tề lão quốc công đã không ghét bỏ thân phận của cái Sáu, vậy cũng sẽ không ghét bỏ cái Bảy, hay là đến xin ông nội tặng lại hôn sự này cho cái Bảy vậy.

Không thể không nói, dì Khâu và dì của ta quả nhiên ngang sức ngang tài, thảo nào lằng nhằng với nhau tận mười mấy năm.

Người cha vui quên trời đất của ta còn thật sự ngớ ngẩn đến nói chuyện với ông nội, cuối cùng vui quá hoá buồn.

Không có cụ nội ngăn cản, ông nội rất hả giận lấy gia pháp đánh cho cha ta một trận nhừ tử, cha ta không thể xuống giường tận nửa tháng, ngay cả lễ đính hôn của ta đều do bác Cả đỡ ông lộ diện, coi như đủ lễ.

“Anh cho rằng Tề lão công gia coi trọng anh, còn bằng lòng lấy con gái anh làm cháu dâu hả?! Sao không soi gương xem bộ dạng mình thế nào đi, tôi xấu hổ giùm anh đấy!”

Đây là lời ông nội mắng trong khi ra sức đánh cha ta, kỳ thực cũng là nói cho sáu bác trai bác gái nghe.

Hôn sự này vô cùng kỳ quái, ba bác gái đều thông minh, tất nhiên sẽ không tùy tiện hành xử, chỉ có người cha xui xẻo của ta và dì Khâu càng xui xẻo mới ngốc như thế.

Cụ nội qua đời, ông nội có đại tang ở nhà, rảnh rỗi nhàm chán, vốn ủ mưu xử lý cha ta, vậy mà cha ta lại chẳng hay biết gì, lại còn tự dâng lên cửa, đúng là tự muốn ăn đòn.

Vốn dĩ ông nội dự định tôi luyện cha bằng cách cử đến nơi thâm sơn cùng cốc làm thư lại, sửa tính nhà giàu, không mong cha ta hiểu biết tình đời, ít nhất không thể làm gia đình xuống dốc. Nhưng sau chuyện này, ông nội phát hiện cha ta ngu xuẩn vượt quá dự tính, thế là đãi ngộ tăng tiến, cha ta vừa lành vết thương liền bị đưa tới một thành nhỏ nơi hoang mạc Tây Bắc làm giáo dụ biên thuỳ.

Cha ta liền mềm oặt người ra, la hét inh ỏi, bị áp giải lên xe, trước khi đi, tâm tình mẹ cả của ta tốt lắm, bèn triệu tập một đống phụ nữ của cha ta, thăm dò “lão gia ra ngoài nhiều năm không thể không có người hầu hạ, có ai muốn tự nguyện đi theo không?”

Lời vừa thốt ra, các bà vợ bé im phăng phắc, sau đó đồng loạt lùi ra sau một bước, chỉ có dì Lý thường ngày được cha ta yêu chiều nhất không biết bị ai đẩy lên trước, xoay người không kịp, nổi bật trước mọi người.

Mẹ cả vỗ tay cười: “Tốt tốt tốt, tôi biết lão gia thương cô là đúng mà, người đâu, thu xếp hành lý cho dì Lý nhanh lên! Đưa thằng Mười vào phòng tôi, cẩn thận chút kẻo làm nó sợ.”

Dì Lý chán nản quỳ xuống đất, mặt mày sợ hãi.

Cha đi được vài ngày, dì Khâu liền im hơi lặng tiếng biến mất, ông nội hận nhất là phận hầu nhúng tay vào hôn sự của cô cậu chủ.

Có người nói bà ấy bị bán đi, có người nói bà ấy bị trầm sông, em Mười Hai cũng được mẹ cả nuôi dưỡng. Đến giờ phút này, ba người con trai một chính hai thứ của cha đều nằm trong lòng bàn tay mẹ cả.

Dì run rẩy hồi lâu, thốt lên: “Phu nhân quả nhiên ghê gớm.”

“Dì còn muốn sinh con trai không?” Ta hỏi.

Dì than thở: “Thôi được rồi, lùi một bước biển rộng trời cao.”

Mẹ cả cũng không phải người xấu, đến năm em Bảy gần hai mươi tuổi, mẹ cả quả nhiên chuẩn bị ba lựa chọn thành hôn cho em ấy, một là tú tài gia cảnh bần hàn, một là vợ kế nhà quan xuất thân gia tộc lớn, một là thương nhân kinh doanh vải vóc giàu có vùng Giang Nam.

Nghe nói, cuối cùng em Bảy tung xúc xắc quyết định thương nhân Giang Nam.

Năm thứ hai sau khi ta cập kê, dáng người hoàn toàn mảnh mai, thịt mỡ biến mất, biến thành thiếu nữ xinh đẹp đáng yêu, dì thở phào nhẹ nhõm. Vài tháng sau, ông nội trở lại làm quan, hai nhà Tề Thịnh lặng lẽ làm hôn sự.

Đẩy khăn voan đỏ thắm ra, ta nhìn thấy chồng mình, là chàng thiếu niên tuấn tú nghiêm túc, uống xong rượu hợp cẩn, chàng ngồi yên trên giường không nhúc nhích, ta nghĩ, có thể chàng ghét ta không xứng với chàng.

Nhìn giọt nến long phượng nhỏ xuống như giọt lệ, ta tủi thân muốn khóc. Hôn sự này đâu phải ta cầu xin, ta đã chuẩn bị làm phú bà hoặc vợ tú tài mà, chàng không thích ta, cần gì ngoan ngoãn thành hôn.

Ta nhỏ nhẹ: “…Chàng, chàng có phải không thích ta…”

Chồng cứng nhắc xoay cổ, bất giác gật đầu, ta tức khắc tuôn lệ như mưa, chàng luống cuống hoảng hốt, vội vã lắc đầu rồi lại gật đầu: “Không, không, không, ta thích em, không phải không thích…”

Ta nín khóc bật cười.

Kế đến chồng kể cho ta nghe, trước khi thành hôn lão quốc công từng đe doạ cháu trai, nhất định phải đối xử tốt với ta, nếu không sẽ cho chàng một trận. Chồng ngồi trên giường căng thẳng, trầm tư suy nghĩ xem nên làm thế nào mới có thể khiến lão quốc công hài lòng.

Đêm đó, chàng hết sức cố gắng “đối xử tốt” với ta.

Chồng là người chững chạc đoan chính, không biết thế nào mới là niềm vui chốn khuê phòng, lại càng không biết dỗ dành con gái vui vẻ, ta thì lại thích trêu đùa chàng, hai người hợp lại tăng thêm sức mạnh, lâu ngày, chàng càng ngày càng thích nghiêm nghị trước mặt người ngoài, sau lưng vui đùa ầm ĩ với ta.

Cha chồng có lẽ không mấy hài lòng hôn sự này, nhưng vẫn đối xử theo lễ với ta, bà nội không còn, phiền phức duy nhất là mẹ chồng ta, bà không thích ta, nhưng chỉ có một con trai một con dâu, trừ ta ra bà cũng chẳng còn đứa nào mà thích, hơn nữa trừ việc lập quy củ, chẳng còn cách nào gây khó dễ cho ta.

Vào phủ Tề ta mới biết lão quốc công lập ra một quy củ kỳ quái, mẹ chồng không được nhúng tay vào việc của con dâu, biểu hiện cụ thể là không được nhét người vào phòng con trai, lấy vợ bé hay không là việc của vợ chồng nhỏ.

Năm đó Tề Đại phu nhân từng định ra oai phủ đầu cho dâu Cả mới vào cửa, kết quả bị lão quốc công trách mắng ngay trước mặt mọi người trong phủ, mẹ chồng ta xuất thân còn không bằng chị dâu Cả, càng không dám lỗ mãng.

Nhờ gia quy thần kỳ này, ta thuận lợi sinh hạ con trưởng, con thứ, con gái Cả và con trai thứ ba.

Mắt thấy con cháu cuốn gối, trong ngày càng ngày càng ồn ào, mẹ chồng dù không thích ta thì cũng chỉ còn cách dần dần mềm mỏng, trái ôm một đứa, phải ôm một đứa, trong lòng ngồi một đứa, trên cổ treo một đứa, cũng chẳng còn lạnh nhạt với ta được nữa.

Đặc biệt trong tình huống phòng thứ nhất neo người, mình ta sinh con đã đủ vượt qua chị dâu Cả và em dâu Ba cộng lại, mẹ chồng đứng trước chị dâu Đại Tề phu nhân càng ngày càng vẻ vang, mặt mày rạng rỡ.

Năm đó, mẹ chồng cảm lạnh, bệnh mãi không khỏi, ta ngủ bên giường bà, ngày ngày phụng dưỡng thuốc thang, tắm cho bà, thay y phục, bón cơm, chải tóc, thậm chí hầu hạ đi vệ sinh, cứ như thế, tròn hai tháng, mẹ chồng lành bệnh, ta lại gầy rộc một vòng, may mà từ nhỏ luôn khoẻ mạnh nên không bị bệnh.

Dù cho lòng người là đá rắn, ủ lâu ngày cũng phải ấm, mẹ chồng rốt cuộc từ bỏ gương mặt lạnh lùng, kéo tay ta nói: “Con là đứa bé ngoan, trước kia… là ta làm con ấm ức, ta luôn cảm thấy, cảm thấy con không xứng với con ta…”

Bà ấy rớm nước mắt kêu: “Bây giờ xem ra là ta lỗ mãng, lão công gia thật có mắt nhìn, chọn được cháu dâu như con cực kỳ đúng.”

Bỏ lòng phòng bị, mẹ chồng liền đối xử thật lòng với ta, coi ta như con gái ruột, chồng thấy thế còn vờ ghen tuông vài lần.

Nghe nói hai người con dâu đều do lão quốc công đích thân chọn lựa, cũng phải, lão công gia tinh nhạy như thế, làm sao lại chọn phụ nữ lòng dạ độc ác được?

“Cuộc đời cha chồng quả thật gập ghềnh.” Mẹ chồng thở dài, tâm sự với ta.

Có câu mỹ nam thì khắc vợ, câu này chuẩn trăm phần trăm đối với lão công gia.

Lão công gia tổng cộng lấy ba người vợ, vị đầu là Gia Thành huyện chủ, tân hôn không lâu chết vì “loạn Thân Thìn”, nghe nói cách chết rất hổ thẹn. Vị thứ hai là con gái Cả dòng chính nhà họ Thân ở Tấn Nam, trong nhà liên tục có quan to, từng sinh một đôi long phượng thai, đáng tiếc năm đó đi theo lão công gia đến Mân Nam nhậm chức, chẳng may gặp phải bệnh dịch, ba mẹ con đều mất mạng. Vị thứ ba là con gái của cháu đích tôn nhà Khánh Ninh Đại trưởng công cháu, hai vợ chồng vừa kết hôn thì kế thừa tước vị phủ quốc công, phu nhân sinh được hai cậu con trai thì qua đời, tuổi đời chưa được ba mươi.

Năm tiếp theo, vợ chồng Bình Ninh quận chúa cũng qua đời, lão công gia không tái giá nữa, chỉ để lại hai vợ bé chăm lo cuộc sống hàng ngày, tự mình nuôi dưỡng hai con trai nên người.

“Bác Cả và lão gia đều kính trọng cha chồng lắm, cũng rất hiếu thảo, không bao giờ dám trái ý, cha chồng thật sự cũng vất vả, vừa phải lo bên trong vừa phải lo bên ngoài, vừa làm cha vừa làm mẹ.” Mẹ chồng than vãn.

“Thực ra hồi ta còn ở nhà mẹ đẻ nghe người ta kể, năm đó cha chồng đến Mân Nam nhậm chức, tất cả mọi người đều khuyên phu nhân Thân thị chớ đi theo, nơi đó khí hậu nóng nực, ẩm ướt, người phương Bắc không hợp thuỷ thổ, hai đứa con cũng còn nhỏ… Ôi, nào ngờ vị Thân phu nhân này nằng nặc đòi theo, không chịu tách khỏi cha chồng một khắc, cuối cùng gây ra thảm hoạ, người nhà họ Thân cũng chẳng thể oán trách…”

“A, chắc là bà ấy và ông nội tình sâu nghĩa nặng.” Ta không hứng thú với bát quái cho lắm, nhưng mẹ chồng rõ ràng đang hào hứng, ta đành tỏ ra nhiệt tình hàn huyên.

Mẹ chồng thần bí lắc đầu: “Ta thấy không phải.”

Trong lòng ta rất cảm kích lão công gia, chính vì ông hiền từ tử tế mà ta mới có cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay, ta quyết tâm phải hiếu thảo với ông, nhưng lại không biết phải biểu hiện thế nào.

Cuộc sống hàng ngày của lão công gia cực kỳ đơn giản, thường thích buông câu bên hồ nước, hễ ngồi là mất cả nửa ngày, câu được cá hay không cũng chẳng quan tâm, rảnh rỗi không có việc gì thì không phải đọc sách thì chính là nghe bé con của ta lanh lảnh đọc sách.

Ông bảo chắt gái đọc phần Tiểu Nhã trong “Kinh Thi”, đọc “Đào Hoa Nguyên Ký”, đọc du ký mà cậu Tư nhà ta viết, cô bé nho nhỏ ngồi xếp bằng trên giường ngúng nguẩy cái đầu, giọng trẻ con non nớt lanh lảnh vang vọng trong thư phòng ngập nắng.

Lão nhân gia ngồi tựa cửa sổ, quay đầu chống tay vọng lại, mỉm cười, thần thái hiền từ hòa nhã, trong mắt vương vẻ u sầu cực nhạt, giống như tầng lụa mỏng giữa sương mù, vừa xa lại vừa gần.

Dường như ông luôn luôn đeo vẻ mặt này, dịu dàng ôn hòa, như gió xuân lướt qua mặt, kể cả ông nội ta đều có mấy đối thủ, nhưng lão công gia tựa như ai đều khen ngợi.

Chỉ có một lần, ta từng thấy ông biến sắc.

Năm đó, cậu Ba trông giống lão công gia nhất đến tuổi thành hôn, song có rắc rối.

Bác gái Cả chọn một cô gái nhà họ Hàn làm dâu, cậu Ba không ưng, cậu ấy thích cô gái nhà họ Cừu, đáng tiếc gia thế họ Cừu tầm thường, khó mà trợ lực cho cậu ấy.

Chuyện đến tai lão công gia. “Để nó tự quyết định.” Lão công gia chỉ lên tiếng nhẹ nhàng.

Mấy ngày đó, bác gái Cả liên tục khóc lóc kể lể, khẩn cầu cậu Ba, bác ấy nói thế nào ta cũng đoán được.

Bác Cả sức khoẻ kém, anh Cả cũng yếu, đến nay lại chưa có con, phòng thứ nhất chỉ trông cậy vào một mình cậu Ba.

Còn phòng thứ hai chúng ta, cha con chẳng những trẻ trung khoẻ mạnh, còn có số làm quan, công danh trôi chảy, dưới gối con cháu sum suê, tương lai nếu lỡ như… trước kia lão công gia cũng là con trai phòng thứ hai đấy.

Sau cùng, cậu Ba bị thuyết phục, chán nản đến trước mặt lão công gia, chính miệng nói “con mong được lấy cô gái nhà họ Hàn”.

Lão công gia bình thản mỉm cười: “Được, ông nội nhờ người cầu hôn giúp con.”

Mọi người nuối đuôi rời khỏi, ta đi sau cùng, vốn định ôm bé con đang ngủ say ở cách vách ra ngoài, trước khi ra cửa, ta chợt nghe thấy một tiếng cười bất đắc dĩ cực kỳ khẽ khàng, tiếng thở dài cực kỳ nhẹ nhàng: “Lại là vậy… lại là như vậy…”

Ta vội vàng ngoái lại, chỉ thấy lão công gia nắm chặt tay thành nắm đấm đứng bên cửa sổ, dõi mắt ra khung cảnh ngoài cửa sổ, gương mặt bình tĩnh xưa nay chợt toát vẻ đau buồn, dường như đánh mất sự tốt đẹp không thể lấy lại được.

Qua rất nhiều năm, đến khi con trưởng của ta có thể đính hôn, bốn bà cô, hai ông cậu, bà nội lục tục qua đời, ông nội cuối cùng cũng nhắm mắt xuôi tay.

Trụ cột chống đỡ nhà họ Thịnh sụp đổ, lão công gia đứng rất lâu trong linh đường, nét mặt tịch mịch trống vắng, song không hẳn đau buồn, dường như không phải đang thương tiếc cho người bạn tốt, mà là thời thanh xuân trai tráng của chính mình.

Vì ông nội công huân lớn lao, thánh thượng chỉ thị cho hai vị hoàng tử đỡ quan tài đưa ma, quả là cực kỳ vinh dự.

Tang lễ long trọng làm kiệt quệ sức khoẻ của cả nhà, ta về nhà thăm hỏi mẹ cả ốm đau, đôi ta theo thường lệ chẳng có mấy lời hàn huyên.

Đúng lúc ta định cáo từ, mẹ cả đột nhiên lên tiếng: “Con biết không? Thực ra tết Nguyên Tiêu năm đó, Tề lão công gia vừa nhìn thấy con liền muốn xin con làm cháu dâu, nhưng lão thái gia không chịu, nói nếu đứa bé không tốt lại làm ảnh hưởng tới nhà bạn thân. Mấy năm sau đó, lão thái gia vẫn luôn âm thầm theo dõi con, thấy con bản tính trung hậu mới đồng ý hôn sự.”

Ta kinh ngạc.

Trên đường về nhà, ta luôn chăm chú suy nghĩ đến vấn đề này.

Tại sao lão công gia lại thích ta như thế? Ta lúc thì hơi hơi hiểu, lúc lại chẳng hiểu nổi, vô cùng nhức đầu. Được rồi, đừng nghĩ nữa, nghĩ nhiều quá lại ăn không ngon.

Bạn tốt qua đời, lão công gia cũng dần dần già đi, đến cuối năm đó, thái y nói thẳng: “Cần chuẩn bị hậu sự.”

Bác Cả và cha chồng đều hết sức khó chịu, nghẹn ngào bật khóc, bất kể anh em họ từng lục đục thế nào thì vẫn luôn vô cùng kính yêu người cha già.

“Ta đã bảo anh Cả, đợi cha… đi…” Cha chồng khó nhọc tiếp lời: “Chúng ta ở riêng. Con trai nên ra ngoài học hỏi kinh nghiệm, ta sẽ tìm cho nó làm quan một nơi nào đó, bảo con dâu đi theo. Chúng ta ở kinh thành nuôi nấng các cháu.”

Mẹ chồng đã già, hoà nhã dịu dàng, nghe vậy chẳng hề bất mãn, cười nhẹ: “Như thế rất tốt. Để tôi bảo chị dâu, sau này chúng ta ở gần nhau chút, dễ dàng giúp đỡ lẫn nhau.”

Ta hiểu rõ. Cha chồng và mẹ chồng hoàn toàn từ bỏ, từ bỏ tước vị phủ quốc công, đổi lấy cả nhà yên vui, anh em hoà thuận.

Chồng thong thả dắt ta về phòng, dịu dàng: “Mấy năm nay vất vả cho em. Trong nhà nhiều quy tắc, lại lắm việc phiền hà. Đợi ra ngoài, chúng ta có thể ra ngoài đạp thanh, du hồ chơi thuyền…”

Chàng dán môi lên tai ta, phả hơi thở nóng hầm hập: “Còn thêm một con khỉ nhỏ nữa.”

Ta xấu hổ đỏ mặt, khẽ cười, mắng: “Vô lại.”

Trước giường bệnh lão công gia, bác Cả và cha chồng cùng nhau thông báo quyết định cho cha già.

Lão công gia hiểu hết, gật đầu mỉm cười yếu ớt: “…Tốt… Anh em các con tự hiểu ra như thế… rất tốt…”

Cánh tay già nua chầm chậm buông xuống, cánh tay từng thanh tú thon dài, giờ đây mềm mại già yếu.

Trừ sản nghiệp tổ tiên, ruộng công huân, ruộng tế, gia sản còn lại chia thành hai, các vị dì già cũng đều được phụng dưỡng, cả quá trình không ai dị nghị.

Tang sự xong xuôi, dì Đinh cầm một cái hộp nhỏ giao cho ta, mỉm cười bi thương:”Đây là lão công gia dặn dò tôi đưa cho Nhị phu nhân, không phải đồ quý giá gì, giữ lại làm kỷ niệm.”

Bà ấy ngừng lại, không nén nổi nói thêm một câu, giọng rưng rưng: “Lão công gia vốn từng tặng người, đáng tiếc bị trả về.” Nói rồi bà ấy tự biết nhiều lời, bèn vội vã cáo lui.

Đây là một chiếc hộp gỗ nhỏ, khoá đồng nhỏ nhắn cũ kỹ, chiếc hộp xinh xắn khảm ngọc trai, từng đường vân đều làm từ gỗ tử đàn thơm, cho dù cách trở hơn sáu mươi năm vẫn sáng ngời như trước, vương vấn hương thơm.

Ta chầm chậm mở, bên trong là một đôi búp bê sứ.

Thứ này ta rất quen thuộc, là búp bê sứ A Phúc Vô Tích, hồi bé ta còn có mấy bộ, nhưng không được xinh đẹp như thế này, quần áo điệu bộ đều được làm riêng.

Một bé trai, một bé gái, mặc quần áo đỏ thắm vui mừng, béo tròn đôn hậu hiền lành, đáng tiếc vì đã lâu, màu sắc tươi tắn lúc trước phai nhạt đi nhiều, dường như hay được vuốt ve trong lòng bàn tay, nét mặt và vóc dáng sứt mẻ đi nhiều. Ngắm nghía, ta lật hai con búp bê lên, phát hiện dưới đáy ghi chữ, bé gái là “Tiểu Lục”, bé trai là “Tiểu Nhị”.

Nét mực nhạt nhoà, chắc là viết từ vài chục năm trước, mơ hồ nhận ra nét chữ thanh tú đẹp đẽ.

Ta chợt nghẹn lòng, tự nhủ, người từng được tặng bộ búp bê này, liệu từng thấy bốn chữ này hay không?

Ta đặt bộ búp bê vào hộp, lẳng lặng đi tới thư phòng, ôm lấy chồng từ sau lưng, quẹt má lên gáy chàng. Chồng đặt hồ sơ trong tay xuống, ngoái lại ôm ta vào lòng, mỉm cười: “Sao thế, lại định nghịch ngợm cái gì.”

Ta ngơ ngẩn ngắm chàng rất lâu, bỗng dưng lên tiếng: “Này, Tề Tiểu Nhị.”

Chồng ngẩn ra, bật cười: “Em lại đến quấy rối.”

Đây là biệt danh mà hồi mới cưới vợ chồng họ trêu đùa nhau, chồng cũng nghịch ngợm búng vào mũi vợ: “Này, Thịnh Tiểu Lục.”

Ta bỗng đau buồn, nước mắt tràn bờ mi, ta ôm chặt lấy chồng, nhẹ nhàng đáp “ừ”.

Tề Tiểu Nhị và Thịnh Tiểu Lục, cả đời này vĩnh viễn ở bên nhau.

Kết thúc

Câu chuyện này bắt đầu với một cô Sáu họ Thịnh, kết thúc cũng ở một cô Sáu họ Thịnh, cuối cùng các nàng đều rất hạnh phúc.

Tất cả rối loạn tình cảm đều bắt đầu với một chàng thiếu niên họ Tề vén rèm bước vào buổi chiều hôm ấy, cũng kết thúc tại thời điểm chàng thiếu niên qua đời, cuối cùng hắn có hạnh phúc hay không, chẳng ai biết được.

Chúng ta hoài niệm bắt đầu với một gia tộc trên đà hưng thịnh, cũng kết thúc khi gia tộc này cực kỳ hưng thịnh, chuẩn bị suy thoái.

Hoa nở hoa tàn, vòng đi vòng lại.

Quốc gia của chúng ta, máu thịt của chúng ta, văn minh của chúng ta đều là như thế.

Tôi muốn miêu tả một thời kỳ thịnh thế phồn hoa, có quân chủ anh minh, có tướng quân quả cảm, có người xảo quyệt, có người giỏi mưu lược, có máu tươi, có thảm thiết, càng có tương lai huy hoàng.

Tôi muốn miêu tả một gia tộc đang leo dốc, có phụ huynh suy nghĩ cặn kẽ, có đàn ông quang minh lỗi lạc, có phụ nữ rắn rỏi xinh tươi, có nước mắt, có tổn thương, càng có đoàn tụ khổ tận cam lai.

Trong bộ truyện “Hồng Phai Xanh Thắm, tất cả những nhân vật chủ chốt từng xuất hiện, bất kể họ từng khóc, từng cười, từng vui vẻ, từng đau buồn, bất kể họ mạnh mẽ, hèn mọn, lương thiện, độc ác, thành công hay thất bại, câu chuyện về bọn họ đã kết thúc rồi.

Sau này, tôi sẽ không viết về bọn họ nữa.

Cảm ơn mọi người, vô cùng cảm ơn.

Đây là một giai đoạn khó quên, rất vui vì được làm quen với mọi người, viết đến đây, tôi thật sự muốn khóc.

Bốn giờ sáng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN