Thiên Long Bát Bộ - Hồi 308
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
48


Thiên Long Bát Bộ


Hồi 308



Triệu Hú cau mày nói:

– Tuyển tướng luyện binh, tích trữ lương thảo cùng người Liêu một trận thư hùng thì có thể thắng nhưng bảo là nhất định là thắng thì chưa chắc.

Thái hoàng thái hậu nói:

– Cháu cũng biết rằng hai bên ra trận không có cái gì gọi là “tất thắng chi lý.” Thế nhưng người Tống chúng ta còn biết phép không cần đánh mà vẫn khuất phục được người.

Triệu Hú đáp:

– Cho dân nghỉ ngơi, thi hành nhân chính, ấy là không cần đánh mà vẫn khuất phục người, có phải thế không? Bà ơi, đó là kiến thức hủ nát của bọn thư sinh Tư Mã Quang, làm sao nên nổi đại sự cho được?

Thái hoàng thái hậu thở dài một tiếng, chậm rãi nói:

– Tư Mã tướng công kiến thức trác việt, sao cháu lại bảo là kiến thức hủ nát của bọn thư sinh? Ngươi là chủ của một nước, phải luôn luôn chịu khó đọc Tư Trị Thông Giám của Tư Mã tướng công soạn ra. Hơn nghìn năm qua, những triều đại sở dĩ hưng suy bại vong ra sao, trong sách đều có viết rõ ràng. Đất nước Đại Tống chúng ta đất đai màu mỡ, dân số đông đảo, gấp mười nước Liêu, nếu không có chiến tranh, chỉ trong mười, hai mươi năm chúng ta càng thêm phú túc. Người Liêu dũng mãnh hiếu chiến, chúng ta chỉ cần nghiêm thủ biên cảnh, các bộ lạc của chúng ắt sẽ tàn sát lẫn nhau, giao tranh qua lại, khi đó nguyên khí sẽ cực kỳ thương tổn. Cái loạn Sở vương năm trước, bao nhiêu tinh binh nhuệ tốt của nước Liêu chết không phải là ít…

Triệu Hú vỗ đùi nói:

– Đúng đó, lúc đó hài nhi đã tính xua quân lên miền Bắc, để nội ngoại giáp công, người Liêu đang có mối lo trong gan ruột không dễ gì ứng phó. Ôi, tiếc thay lại để mất một dịp may nghìn năm một thuở.

Thái hoàng thái hậu gắt lên:

– Ngươi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện đánh nhau với nước Liêu, ngươi… ngươi… ngươi…

Đột nhiên bà ngồi nhỏm dậy, ngón tay phải giơ ra chỉ thẳng vào Triệu Hú. Thái hoàng thái hậu tích uy đã lâu, Triệu Hú sợ quá lùi lại ba bước, chân lập cập tưởng như ngã đến nơi, tay để lên đốc kiếm, tim đập thình thình, kêu lên:

– Mau lên, các ngươi mau vào đây.

Bọn thái giám nghe thấy hoàng thượng gọi, vội vàng chạy vào điện. Triệu Hú run rẩy nói:

– Bà… bà ấy… các ngươi xem bà ấy ra sao rồi?

Y mới rồi hùng tâm đại chí, muốn cùng người Khất Đan một trận tử chiến, thế nhưng một bà lão sắp chết vừa phát uy, thì đã sợ đến hồn bất phụ thể, chân tay luống cuống. Một tên thái giám tiến lên mấy bước, chăm chăm nhìn thái hoàng thái hậu một hồi, thu hết can đảm, giơ tay cầm mạch bà ta rồi nói:

– Khải tấu hoàng thượng, thái hoàng thái hậu đã thừa long qui thiên.

Triệu Hú mừng rỡ, cười ha hả, thở phào:

– Hay lắm! Hay lắm! Ta là hoàng đế rồi! Ta là hoàng đế rồi!

Y tuy đã làm vua chín năm nhưng thực ra chỉ hữu danh vô thực, đại quyền nằm trong tay thái hoàng thái hậu, cho đến lúc này mới thực là được làm vua.

Triệu Hú thân lý chính vụ, việc đầu tiên là cách chức Lễ Bộ thượng thư Tô Thức,(49.4) biếm xuất ra làm tri phủ Định Châu. Tô Thức văn chương nổi danh thiên hạ, người đương thời ai ai cũng trọng vọng. Ông là kẻ đối đầu số một của Vương An Thạch, xưa nay luôn luôn phản đối tân pháp. Thời Nguyên Hựu, thái hoàng thái hậu thùy liêm thính chính, trọng dụng Tư Mã Quang, và hai anh em Tô Thức, Tô Triệt. Bây giờ thái hoàng thái hậu chết rồi, hoàng đế liến biếm trục Tô Thức, trong triều cho chí dân gian ai nấy đều lo sợ, bụng bảo dạ: “Hoàng đế chắc lại định thi hành tân chính, làm khổ trăm họ lần nữa.” Thế nhưng cũng có những kẻ trong bụng mừng thầm, hoàng đế thi hành chính sách mới thì họ lại có dịp thăng quan phát tài.

Vào thời đó chấp chính trong triều đều là cựu thần của thái hoàng thái hậu. Hàn Lâm học sĩ Phạm Tổ Vũ(49.5) tâu lên:

“Tiên thái hoàng thái hậu lấy tấm lòng đại công chí chính, bãi bỏ tân pháp của bọn Vương An Thạch, Lã Huệ Khanh mà thi hành chính sách cũ của tổ tông khiến cho xã tắc đang nguy trở lại thành an, lòng người đang ly trở về thành hợp. Đến ngay cả Liêu chúa cũng bàn với tể tướng rằng: “Nam triều tuân hành chính sự của Nhân Tông, giữ vững Yên Kinh, ước thúc quân lính đóng ở biên giới, không sinh sự.” Bệ hạ quan sát tình hình nước địch như thế ắt cũng biết được lòng dân Trung quốc như thế nào rồi.

Đến nay bệ hạ trông coi triều chính, kẻ tiểu nhân ắt mong có thay đổi, kẻ tham lợi ắt cũng ngóng trông. Thần mong mỏi bệ hạ nghĩ đến công lao gian khổ của tổ tông và tiên thái hoàng thái hậu, đau lòng nhức óc, ghi lòng tạc dạ rằng phải làm sao hết sức tránh xa kẻ tiểu nhân, tuân thủ phép nước đời Thiên Hựu, một lòng vững chãi như kim thạch, nặng như sơn nhạc, để trong triều ngoài nội ai ai một lòng, quay về đường ngay nẻo chính, thế thì quả là cái may cho thiên hạ.”

Triệu Hú càng coi càng tức tối, vứt tấu chương xuống bàn nói:

– “Đau lòng nhức óc, ghi lòng tạc dạ rằng phải làm sao hết sức tránh xa kẻ tiểu nhân,” câu này đúng lắm. Thế nhưng biết ai là quân tử, ai là tiểu nhân?

Nói xong mặt hầm hầm nhìn Phạm Tổ Vũ. Phạm Tổ Vũ khấu đầu đáp:

– Bệ hạ minh sát, Khi thái hoàng thái hậu vừa mới thính chính, trong triều ngoài nội quan dân dâng biểu vô số, ai ai cũng nói rằng chính lệnh không hợp lòng người, khổ hại cho dân đen. Thái hoàng thái hậu thuận theo dân tâm thiên hạ, thay đổi chính sách, những ai có tội thì đuổi đi, bệ hạ và thái hoàng thái hậu đều theo ý dân mà làm, những người bị biếm trục ắt phải là kẻ tiểu nhân.

Triệu Hú cười nhạt, lớn tiếng nói:

– Chuyện thái hoàng thái hậu trách phạt đuổi về nào có liên can gì đến ta?

Y liền phất tay áo bãi triều. Tuy Triệu Hú căm ghét quần thần nhưng vì mới thân chính chưa lâu, không tiện đuổi hết bao nhiêu đại thần nên mới hạ chiếu thăng cho nội thị Nhạc Sĩ Tuyên, Lưu Duy Giản, Lương Tòng Chính… lên làm quan, tưởng thưởng công lao phò tá mình, rồi thác bệnh lâu ngày không nhập triều.

Thái giám đưa vào một phong tấu chương, nét chữ mập mạp cứng cỏi, thự danh Tô Thức. Triệu Hú nói:

– Gã râu rậm họ Tô này viết chữ đẹp nhỉ, không biết lại nói lăng nhăng gì đây?

Thấy trên sớ viết: Nguồn tại http://[.c]om

“Thần hầu hạ trong trướng bệ hạ đã lâu, nay được sai ra nơi biên cảnh, mong sao được diện kiến long nhan trước khi lên đường. Tiểu thần nay phải xa bệ hạ, trong lòng bịn rịn, quả là khó thay.”

Triệu Hú nói:

– Ta không muốn gặp cái lão râu rậm này, suốt đời không muốn gặp lại y.

Y tiếp lấy tờ sớ đọc xuống dưới thấy viết:

“Thế nhưng thần không dám vì cái lòng ngu trung mà không ra sức. Thánh nhân thời cổ đã từng làm tướng, ắt trước hết phải ở nơi chỗ tối mà quan sát chỗ sáng, ở vào chỗ tĩnh mà quan sát chỗ động, ắt là mọi vật trước mắt đều rõ ràng. Bệ hạ thánh trí hơn người, tuổi đang lúc thanh niên…”

Triệu Hú mỉm cười, nghĩ thầm: “Gã râu rậm này quả là giảo hoạt, cũng biết giở trò bợ đỡ, nói ta là thánh trí tuyệt nhân. Thế nhưng y lại thêm tuổi đang thanh niên chẳng phải bảo ta còn nhỏ, mà tuổi trẻ thì chẳng biết gì hay sao?” Đọc tiếp xuống viết:

“Thần nguyện sẽ để lòng trống không để xem xét cho rõ lý lẽ, mọi việc để nguyên chưa làm gì vội, cố gắng quan sát chỗ chính tà của bề dưới, xem chỗ lợi, chỗ hại, ba năm sau rõ ràng mọi chuyện, lúc đó mới tùy theo tình hình mà làm, có như thế thiên hạ mới không oán hận, bệ hạ không phải hối tiếc. Xem như thế thì cũng rõ ràng những việc bệ hạ cần làm, chỉ sợ quá sớm chứ không sợ trễ. Thần chỉ sợ những kẻ ham điều lợi muốn tiến nhanh, chưa tính toán kỹ đã giục bệ hạ cải biến nên phải nói ra, chỉ mong bệ hạ lưu tâm thì đó là điều đại hạnh của thiên hạ, đại phúc cho tông miếu xã tắc.”

Triệu Hú đọc xong tấu chương nghĩ thầm: “Người người ai cũng bảo gã râu rậm họ Tô thông minh tuyệt đỉnh, quả nhiên danh bất hư truyền. Y biết ta nhất quyết đi theo tiên đế khôi phục lại tân pháp nên không dám đến ngăn cản, chỉ khuyên ta tạm hoãn ba năm. Ôi, cái gì mà “đến lúc thi hành thiên hạ mới không oán giận, bệ hạ không phải hối tiếc.” Y nói quanh nói co nhưng ý thì cũng vậy thôi chứ có khác gì? Y bảo ta nếu như mong cái lợi gấp gáp, nóng nảy muốn làm chuyện lớn ắt thiên hạ sẽ oán hận, rồi sau ta sẽ hối hận mà thôi.” Triệu Hú giận dữ, cầm bản tấu chương xé tan nát.

Mấy ngày sau vào triều, Phạm Tổ Vũ lại dâng sớ tâu lên:

“Đầu thời Hi Ninh, Vương An Thạch, Lã Huệ Khanh đặt ra ba tân pháp, thay đổi chính sách của tổ tông dẫn đến kẻ tiểu nhân làm hỏng việc quốc gia. Nếu những người ủng hộ đường lối cũ không được dùng, những kẻ sĩ trung chính bị đẩy đi xa. Kế đó lại dùng binh nơi biên cảnh, kết oán với ngoại di, thiên hạ sầu khổ, bách tính bỏ đi.”

Triệu Hú đọc đến đây hết sức tức tối nghĩ thầm: “Ngươi chê trách Vương An Thạch, Lã Huệ Khanh nhưng kỳ thực chẳng là chê phụ hoàng hay sao?” Y đọc xuống dưới thấy viết:

“Sái Xác liên tiếp xây thêm nhà ngục, Vương Thiều thu phục Hi Hà, Chương Đôn(49.6) khơi năm khe nước, Thẩm Khởi làm phiền đất Giao,(49.7) Thẩm Quát(49.8) hưng binh Tây sự, dân binh chết không dưới hai chục vạn người. Tiên đế lâm triều khi đó mới hối hận, chỉ dụ triều đình từ nay không được phạm vào những sai lầm đó nữa…”

Triệu Hú càng đọc càng thêm giận dữ, bỏ qua mấy hàng, bên dưới tiếp:

“…dân chúng ai nấy buồn đau, nhà nhà chỉ mong làm loạn, may được bệ hạ và thái hoàng thái hậu cứu cho, người trong thiên hạ, tưởng chừng trút được…”

Triệu Hú đọc đến đây không còn nhẫn nại thêm được nữa, vỗ long án đứng phắt dậy. Y lúc này vừa mười tám tuổi, trong vai hoàng đế tôn quí lại càng thêm oai nghi, ở giữa triều nổi nóng, triều thần không ai là không kinh hãi, nghe y gay gắt nói:

– Phạm Tổ Vũ, tấu chương của ngươi như thế này chẳng là phỉ báng tiên đế hay sao?

Phạm Tổ Vũ liên tiếp khấu đầu tâu:

– Bệ hạ minh giám, vi thần vạn lần không dám.

Triệu Hú vừa mới nắm đại quyền thấy quần thần ai nấy run sợ, cực kỳ đắc ý, nộ khí giảm dần nhưng mặt vẫn làm ra vẻ hung dữ, lớn tiếng nói:

– Tiên đế thiên tính tài ba, hùng tâm đại chí có ý dẹp giống man di, thống nhất thiên hạ, rủi thay đương lúc thịnh niên bất hạnh băng hà, trẫm kế thừa di chí của tiên đế, có gì là không phải? Vậy mà các ngươi lèm bèm nói mãi, dám bảo biến pháp của tiên đế là sai lầm.

Trong đám quần thần một người bước ra, tướng mạo thanh tú thoạt trông đã có uy, chính là Tể Tướng Tô Triệt. Triệu Hú trong lòng không vui, nghĩ thầm: “Gã này là em của lão râu rậm họ Tô, hai anh em hung hăng kết đảng, thứ miệng chó làm sao mọc ngà voi được.” Chỉ nghe Tô Triệt tâu lên:

– Bệ hạ minh sát, tiên đế đã thi hành rất nhiều việc, quả là vượt xa tiền nhân. Chẳng hạn như tiên đế tại vị mười hai năm, vậy mà suốt đời không đặt tôn hiệu, bọn thần dâng tấu chương ca tụng công đức, tiên đế khiêm tốn không nhận. Còn như chính sự có điều không phải, thì có triều đại nào lại không có chỗ sơ sót? Đời cha làm, đời con chữa, ấy là đức hiếu của người xưa.

Triệu Hú hừ một tiếng, lạnh nhạt hỏi lại:

– Cái gì mà bảo là “đời cha làm, đời con chữa?”

Tô Triệt tâu:

– Đó là lời của Tỉ Phương nói về chuyện Hán Võ Đế. Hán Võ Đế bên ngoài gây chuyện với tứ di, bên trong xây cất cung điện, quốc khố trống rỗng, thành thử phải đặt ra thuế muối, thuế sắt, độc quyền rượu, quân du,(49.9) chiếm đoạt tài nguyên lợi vật của bách tính khiến cho mấy lần dân nổi loạn lớn. Sau khi Võ Đế băng hà, Chiêu Đế nối ngôi, trọng dụng Hoắc Quang, bãi bỏ những chính sách hà khắc nên cơ nghiệp nhà Hán mới an định được.

Triệu Hú lại hừ một tiếng nghĩ thầm: “Ngươi dám ví phụ hoàng với Hán Võ Đế.” Tô Triệt thấy hoàng đế vẻ mặt không vui, sự tình có chiều hung hiểm, nghĩ thầm: “Nếu còn nói thêm, hoàng thượng nổi giận, ta sẽ mất mạng không chừng, nhưng nếu cứ hùa theo thì thiên hạ lại trở nên khốn khó. Hàng nghìn hàng vạn người sẽ đói rét lầm than, lưu vong thất thổ, đương quốc đại thần như ta lẽ nào lại ngồi yên? Hôm nay chính là lúc ta lấy cái tính mạng nhỏ bé báo đáp thâm ân của thái hoàng thái hậu.” Ông bèn tiếp:

– Thời Hậu Hán, vua Minh Đế để ý từng li từng tí, lấy việc bói toán để quyết đoán mọi sự, lại tin những lời huyền hoặc quái lạ, tra xét ngôn ngữ cử chỉ các bầy tôi, chuyện gì cũng xét nét, thiên hạ ai ai đều sợ hãi, bụng dạ phập phồng. Chương Đế nối ngôi, hiểu rõ những thất bại của đời trước nên dùng chính sách nhân hậu khoan thứ, lòng người vui vẻ, thiên hạ đại trị, ấy cũng là con mà chống đỡ được cái sai sót của cha, thi hành cái đại hiếu của thánh nhân.

Tô Triệt đoán chừng Triệu Hú tức vị khi mới lên mười, chín năm qua mọi việc đều nghe lời thái hoàng thái hậu, trong bụng thể nào cũng oán hận, quyết ý hủy chính sự của thái hoàng thái hậu mà khôi phục biến pháp đời Thần Tông để tỏ lòng hiếu đối với cha, thành thử mới nhắc đến “thánh nhân chi đại hiếu” để khuyên nhủ hoàng đế.

Triệu Hú lớn tiếng nói:

– Hán Minh Đế tôn sùng nho thuật, có gì bảo là không hay đâu? Ngươi dám đem Hán Võ Đế để đem so sánh với tiên đế, ấy là có dụng ý gì? Không phải là công nhiên phỉ báng hay sao? Hán Võ Đế hiếu chiến làm khổ dân, hành vi hoang tàn bị đời sau cười chê, cuối đời phải tự hạ chiếu trách cứ mình thật là thống thiết, sao lại sánh với tiên đế được?

Y càng nói càng lớn tiếng, giọng điệu cực kỳ gay gắt. Tô Triệt liên tiếp khấu đầu, lui xuống giữa sân quì xuống chịu tội, không còn dám nói thêm câu nào nữa. Nhiều người trong đám đại thần nghĩ thầm: “Biến pháp của tiên đế làm cho dân khốn khổ, buổi sớm không biết có sống được đến chiều không, Hán Võ Đế còn khá hơn ông ta nhiều.” Thế nhưng có ai dám nói ra, lại cũng có ai dám phân trần biện giải cho Tô Triệt?

Một vị đại thần râu bạc tiến ra, chính là Phạm Thuần Nhân, ung dung nói:

– Xin bệ hạ bớt giận. Tô Triệt nói năng tuy có điều thất thố nhưng cũng chỉ vì có ý tốt tỏ bụng ái quốc trung quân. Bệ hạ mới vừa thân chính, đối với đại thần cũng nên lễ mạo, không thể coi như đầy tớ. Huống chi Hán Võ Đế cuối đời hối hận về việc sai lầm đã qua, tri quá năng cải, cũng không phải là một ông vua tồi bại.

Triệu Hú nói:

– Người đời ai ai cũng bảo “Tần Hoàng, Hán Võ,” Hán Võ Đế đứng ngang với Tần Thủy Hoàng bạo ngược, không phải là kẻ cực kỳ vô đạo thì là gì?

Phạm Thuần Nhân đáp:

– Lời luận của Tô Triệt ấy là nói về thời thế và sự tình chứ không phải nói về người.

Triệu Hú thấy Phạm Thuần Nhân bẻ lại mình, lại càng giận hơn nữa không sao dằn nổi, quát lên:

– Tô Triệt vào đây!

Tô Triệt từ sân đình tiến vào trong điện, không dám đứng vào vị trí cũ, quì xuống cuối hàng nói:

– Vi thần đắc tội với bệ hạ, xin được bãi chức.

Hôm sau có chiếu, giáng Tô Triệt xuống làm Đoan Minh Điện học sĩ, đưa ra trấn nhậm tri châu Nhữ Châu, đường đường một vị tể tướng nay xuống làm một chức quan nhỏ bé.

Động tĩnh ở Nam Triều lập tức có tế tác báo về Thượng Kinh. Liêu chúa Gia Luật Hồng Cơ được tin thái hoàng thái hậu băng hà, thiếu quân Triệu Hú cách chức đại thần, hiển nhiên muốn trở lại thi hành tân chính, trong bụng mừng lắm nói:

– Ta phải xuống Nam Kinh ngay, cùng Tiêu đại vương nghị sự.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN