Thiên Long Bát Bộ
Hồi 316
Huyền Độ lặng thinh, qua một lúc mới niệm:
– A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!
Đoàn Dự giục ngựa chạy đến, chỉ nghe được phần sau của câu chuyện giữa hai người bèn ngâm nga:
Lửa hồng kia chửa tắt,
Chinh chiến hẳn chưa nguôi.
Tráng sĩ giờ đây đã thác rồi,
Ngửng đầu tiếng ngựa hí bi ai.
Sĩ tốt phơi thây ngọn cỏ,
Tướng quân trơ trọi một người.
Kên kên rỉa xác nơi đồng nội,
Cành khô vất vưởng ruột tanh hôi.
Than ôi!
Xưa nay binh lửa là hung khí,
Thánh nhân chẳng đặng mới dùng thôi.(50.3)
Tiêu Phong khen ngợi:
– “Xưa nay binh lửa là hung khí, Thánh nhân chẳng đặng mới dùng thôi.” Hiền đệ, ngươi làm thơ hay thật.
Đoàn Dự đáp:
– Không phải thơ đệ làm đâu, đó là của đại thi nhân Lý Bạch đời Đường đó.
Tiêu Phong nói:
– Ta ở đây cũng nghe người trong bộ tộc hát một khúc như vầy.
Nói xong ông cao giọng hát:
Núi Kỳ Liên đã mất rồi,
Trâu bò gia súc mệt nhoài kiếm ăn.
Gò Yên Chi cũng mất tăm,
Đàn bà con gái hom hem gầy mòn.(50.4)
Ông trung khí sung túc, tiếng hát vang vang mãi tận xa nhưng giọng đầy vẻ thê lương. Đoàn Dự gật đầu:
– Đó là điệu hát của người Hung Nô. Năm xưa Hán Võ Đế chinh phạt Hung Nô, cướp mất một phần lớn đất đai của họ, người Hung Nô khốn khổ đáng thương, chắc hẳn tiếng hát vẫn còn truyền đến tận ngày nay.
Tiêu Phong đáp:
– Tổ tiên người Khất Đan chúng ta thời đó cũng khổ chẳng khác gì người Hung Nô.
Huyền Độ thở dài một tiếng nói:
– Chỉ khi nào tất cả vua chúa tướng lãnh trong thiên hạ đều sùng tín Phật pháp, giữ lòng từ bi thì lúc đó mới hết được cái thảm cảnh chiến tranh.
Tiêu Phong đáp:
– Không biết đến năm nào tháng nào mới có được một thế giới thái bình như thế.
Cả đoàn người tiếp tục đi về hướng tây, thấy ba phía đông nam bắc chỗ nào cũng lửa đỏ rực, suốt đêm chưa tắt, quân Liêu vẫn đốt phá chém giết đuổi theo. Quần hùng trong dạ ai ai cũng phẫn nộ, luôn mồm chửi rủa, nguyện cùng quân địch một trận tử chiến. Phạm Hoa nói:
– Quân Liêu càng đuổi càng gần, cuối cùng rồi mình sẽ vào cảnh lui cũng không xong. Theo ý kiến của huynh đệ, chi bằng chúng ta phân tán ra khắp nơi khiến bọn chúng không biết hướng nào mà đuổi.
Ngô Trường Phong lớn tiếng nói:
– Thế thì có khác gì chịu thua? Phạm tư mã, ông chớ có làm tăng khí thế địch mà làm giảm uy phong mình, thắng cũng được mà thua cũng được, nhất quyết phải cùng bọn Liêu cẩu kia một mất một còn. Bạn đang xem truyện được sao chép tại: t.r.u.y.e.n.y.y chấm c.o.m
Còn đang nói chuyện đột nhiên nghe vút một tiếng, một mũi vũ tiễn từ góc đông nam bắn tới, một bang chúng Cái Bang trúng tên ngã xuống, kế đó từ sau núi một đội Liêu binh hò hét xông ra. Toán quân đột kích đó chừng độ năm trăm tên, vượt qua những người đoạn hậu, chạy một mạch theo đường tắt tấn công ngang hông. Ngô Trường Phong gào lên:
– Giết!
Y xông lên trước tiên. Quần hùng nén giận đã lâu, ai nấy hết sức chiến đấu, người đã đông hơn lại ai nấy võ nghệ cao cường, vừa la hét vừa chém giết thế như chặt dưa tàn sát quân Liêu, chỉ chừng nửa giờ hơn năm trăm lính Liêu đã bị giết không còn một mống. Độ hơn chục tên trèo núi bỏ trốn nhưng đều bị những hào kiệt khinh công cao cường đuổi theo giết nốt.
Quần hào đánh thắng một trận, reo hò vang dội, tinh thần phấn chấn. Phạm Hoa len lén thương nghị với Huyền Độ, Hư Trúc, Đoàn Dự:
– Chúng ta chỉ mới thắng được một đội nhỏ quân Liêu, một trận đánh rồi, đại quân Liêu sẽ đến ngay, mình mau chạy về hướng tây.
Nói chưa dứt lời đã nghe phía đông có tiếng ầm ầm vọng đến. Quần hào cùng quay sang thấy bụi bay mù mịt như một đám mây đang bốc lên che cả bầu trời. Chỉ trong khoảnh khắc, ai nấy mặt mày bần thần, không nói năng gì nữa, nghe tiếng rầm rầm chẳng khác gì sấm động truyền từ xa, hiển nhiên đại đội binh mã đang kéo tới, không biết bao nhiêu vạn người.
Quần hào đã từng chứng kiến chém giết nhiều lần nhưng đại quân tiến như thế này thì chưa từng nghe, so với cuộc chiến ngoài thành Nam Kinh quân Liêu đông không biết gấp bao nhiêu lần. Ai nấy tuy đều là những tráng sĩ lớn mật nhưng thấy quân uy chấn động đất trời đều không khỏi khiếp vía, toát mồ hôi lạnh.
Phạm Hoa kêu lớn:
– Chúng vị huynh đệ, địch nhân thế lớn, chết chỉ uổng mạng. Núi xanh vẫn còn đó, Không sợ thiếu củi đun. Hôm nay chúng ta tạm nhường chúng rồi tìm cách phản kích sau.
Quần hào lập tức lên ngựa, chạy về hướng tây nhưng tiếng rầm rầm vẫn đuổi theo không ngớt. Tối hôm đó mọi người không nghỉ ngơi, mỗi lúc thấy một gần Nhạn Môn Quan nên càng ra roi, biết rằng nếu qua được cửa ải rồi, cố găng thủ ngự, quân địch tuy đông nhưng phá được cửa quan cũng không phải dễ.
Trên đường ngựa liên tiếp ngã lăn ra chết, người thì thi triển khinh công, kẻ thì hai người cưỡi chung một con. Chạy đến khi trời sáng thì chỉ còn cách Nhạn Môn Quan chừng mươi dặm, ai nấy lúc ấy mới yên tâm, xuống ngựa cầm cương chậm rãi đi bộ để cho con vật lấy lại sức. Thế nhưng tiếng rầm rầm của binh mã đuổi theo đằng sau thì vẫn còn, mỗi lúc một thêm vang dội.
Tiêu Phong từ sơn lãnh trở xuống sườn núi bất chợt thấy một tảng đá lớn không khỏi giật mình nghĩ thầm: Năm xưa Huyền Từ phương trượng, Uông bang chủ đã thống lãnh quần hào Trung Nguyên, phục kích cha ta, giết chết mẹ ta cùng không ít võ sĩ Khất Đan cũng là ở chỗ này. Ông nghiêng đầu nhìn thấy tên vách núi vẫn còn dấu búa bạt chữ đi, chính là nơi Huyền Từ xóa bỏ tự tích của Tiêu Viễn Sơn.
Tiêu Phong chậm rãi quay đầu lại, thấy bên cạnh thạch bích có một cây hoa, tai còn văng vẳng nghe tiếng A Châu nấp sau cây này nói:
– Kiều đại gia, ông còn đánh nữa, chắc ngọn núi này cũng sẽ đổ mất thôi.
Ông ngơ ngẩn, mấy câu nói nhu mì của A Châu vẫn còn vang vang trong đầu:
– Thiếp… thiếp… ở đây chờ đại gia đã năm ngày năm đêm, chỉ sợ ông không đến. Ông… ông quả nhiên đến rồi, nhờ trời phù hộ nên ông vẫn khỏe mạnh bình thường.
Tiêu Phong nước mắt ròng ròng, đi đến bên cạnh, giơ tay xoa xoa thân cây thấy nay đã cao hơn khi ông gặp lại A Châu nhiều, nhất thời trong lòng thương cảm quên hết cả mọi sự chung quanh. Bỗng nghe có tiếng lảnh lót gọi:
– Tỉ phu! Mau chạy thôi! Chạy thôi!
A Tử chạy đến nắm áo Tiêu Phong. Tiêu Phong ngẩng đầu nhìn thấy ở xa xa đông nam bắc ba mặt trường mâu quân Liêu chĩa lên trời tua tủa như rừng, hiển nhiên đang vây mình lại. Tiêu Phong gật đầu nói:
– Được, mình lui vào trong Nhạn Môn Quan rồi tính sau.
Khi đó quần hào đã tụ tập ở trước cửa ải rồi. Tiêu Phong và A Tử cưỡi ngựa song song chạy đến nhưng cửa vẫn đóng chặt. Trên cửa quan một viên quan người Tống đứng trên đầu thành, lớn tiếng nói:
– Phụng mệnh Trương tướng quân chỉ huy sứ trấn thủ Nhạn Môn Quan có ra lệnh rằng: Các ngươi nếu là bách tính Trung Nguyên thì được nhập quan nhưng không biết có cấu kết với quân Liêu làm gian tế hay không, thành thử các ngươi vứt binh khí xuống để tra xét từng người. Nếu trên người không có dấu quân khí, Trương tướng quân sẽ khai ân, để cho các ngươi vào trong ải.
Câu nói vừa dứt, quần hào liền nhao nhao lên. Có người nói:
– Bọn ta nghìn dặm bôn ba, hết sức chống với quân Liêu, sao lại nghi làm gian tế là thế nào?
Có người nói:
– Bọn ta mang theo binh khí là để giúp tướng quân kháng Liêu. Nếu như không có binh khí trong tay thì làm sao đánh với quân Liêu được?
Gặp người tính tình nóng nảy táo tợn liền chửi ngay:
– Mẹ ngươi chứ, không mở cho ông vào hả? Tất cả tấn công vào bây giờ.
Huyền Độ vội vàng ngăn lại, quay sang gã quan quân nói:
– Phiền các hạ bẩm lại với Trương tướng quân. Chúng tôi đều là bách tính trung nghĩa của Đại Tống. Địch quân chớp mắt sẽ đến ngay, nếu còn tra xét thì sẽ mất thời giờ, khi đó cửa mở ra sẽ rất nguy hiểm.
Gã quan quân đã nghe có tiếng người chửi rủa, lại thấy quần hào không hiếm những người ăn mặc quái lạ, không giống nhân sĩ Trung Thổ bèn nói:
– Lão hòa thượng, ông bảo tất cả đều là lương dân Trung Thổ, ta xem nhiều người đâu phải dân Trung Quốc? Được rồi, ta mở cho một mặt lưới, người Đại Tống thì được vào ải, còn không phải dân Đại Tống thì không được vào.
Quần hào ngơ ngẩn nhìn nhau, ai nấy phẫn nộ. Bộ thuộc của Đoàn Dự là thần dân nước Đại Lý, còn bộ thuộc của Hư Trúc thì có đủ các bộ tộc, Tây Vực có, Tây Hạ có, Thổ Phồn có, Cao Ly có, nếu chỉ người Đại Tống mới được vào thì đại bộ phận của nước Đại Lý và cung Linh Thứu sẽ bị chặn lại. Huyền Độ nói:
– Tướng quân minh giám, chúng tôi ở đây có rất nhiều đồng bạn, có kẻ là người Đại Lý, có kẻ là người Tây Hạ, tất cả liên thủ chống lại quân Liêu, đều là anh em cả, chứ đâu có phân biệt ai là người Tống, ai không?
Lần này Đoàn Dự dẫn bộ thuộc lên phương bắc giữ gìn cực kỳ bí mật, không tiết lộ mình là chủ một nước, để phòng đại thần Tống triều gia hại hay bắt giữ làm con tin, vả lại Đại Lý và Liêu quốc hai bên cách nhau xa thật nhưng cũng không muốn công khai đối địch nên Huyền Độ không đề cập đến việc Đại Lý có một nhân vật cực trọng yếu nơi đây.
Gãn quan quân kia khinh khỉnh nói:
– Nhạn Môn Quan là yết hầu của Đại Tống, quan trọng là dường nào? Đại đội binh mã quân Liêu sẽ tới ngay, nếu như ta tùy tiện mở cửa quan, Liêu binh thừa cơ xông vào, cái tội tày trời đó rồi sau này ai chịu cho?
Ngô Trường Phong không còn nhịn nổi nữa, lớn tiếng quát nạt:
– Ngươi bớt la lối một câu, mau sớm mở cửa, có phải mọi sự xong xuôi hay không?
Gã quan quân cáu tiết quát lại:
– Thằng ăn mày già kia, trước mặt bản quan, ai cho ngươi được mở mồm?
Y phất tay một cái, trên thành lập tức xuất hiện hơn nghìn cung thủ, cung tên giương sẵn, nhắm thẳng xuống dưới. Gã quan quân lại hét:
– Mau mau lui ra, các ngươi còn ở đây nói lời xằng bậy mê hoặc lòng người, nhiễu loạn lòng quân thì ta sẽ ra lệnh phát tiễn đó.
Huyền Độ thở dài một tiếng, không biết phải tính sao. Nhạn Môn Quan hai bên núi cao vút tận mây, cửa ải này có tên là Nhạn Môn, ý nói hồng nhạn khi bay về phương nam, cũng phải theo khe giữa hai ngọn núi mà bay đủ biết địa thế hiểm yếu dường nào. Quần hào tuy không hiếm kẻ khinh công cao cường có thể trèo non vượt lãnh nhưng phần đông không thể nào chạy được ắt sẽ bị quân Liêu giết chết.
Chỉ thấy quân Liêu đi theo đường núi từ hai mặt đông tây càng lúc càng khép lại dần cùng theo chính diện tiến tới. Thế nhưng ngoài tiếng vó ngựa, tiếng giáp sắt, tiếng gió thổi không nghe một tiếng hò reo nào, quân kỷ quả thực nghiêm minh, đúng là một quân lữ tinh nhuệ. Từng đội quân Liêu xếp thành trận thế ép tới cửa ải, tới khi trong tầm bắn tên rồi liền dừng lại. Nhìn ra ba phía đông tây bắc chỗ nào cũng cờ quạt phất phới, nhân mã không biết là bao nhiêu mà kể.
Tiêu Phong lớn tiếng nói:
– Các vị ở đâu tại đó không nên di động, chờ tại hạ phân giải với Liêu đế.
Ông không đợi Đoàn Dự, A Tử ngăn trở, đã một mình một ngựa chạy lên. Hai tay ông giơ cao khỏi đầu, ý cho biết không có binh khí cung tên, sang sảng cất tiếng:
– Tiêu Phong có vài lời muốn tâu lên Đại Liêu hoàng đế, xin bệ hạ ra mặt.
Mấy câu đó ông dùng nội lực truyền ra, thanh âm vang vọng tận xa, mấy vạn quân Liêu ai nấy đều nghe rõ ràng không khỏi biến sắc. Một hồi sau, từ trong quân Liêu tiếng tù và vang dậy, thiên quân vạn mã tựa như sóng bể dạt sang hai bên, tám lá cờ vàng do tám kỵ sĩ từ trong trận cầm chạy ra phần phật tung bay trước gió. Sau tám lá hoàng kỳ là những đội quân cầm trường thương, đao phủ, cung tên, thuẫn bài chia thành hai đội, cuối cùng mới đến mười đại tướng mặc giáp sắt bảo vệ Gia Luật Hồng Cơ tiến ra khỏi trận.
Quân Liêu liền hô to:
– Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Tiếng hô vang dậy chấn động cả sơn cốc. Quân Tống trên ải thấy uy thế Liêu binh không khỏi bàng hoàng. Gia Luật Hồng Cơ tay cầm bảo đao giơ cao, quân Liêu lập tức im bặt, trừ tiếng ngựa hí, không còn một tiếng nào khác. Gia Luật Hồng Cơ hạ bảo đao xuống, cười ha hả nói:
– Tiêu đại vương, ngươi bảo sẽ dẫn quân Liêu nhập quan, sao cửa ải chưa thấy mở?
Lời vừa nói ra, trên ải lập tức có người thông dịch lại cho viên quan trấn thủ nghe. Quan quân giữ thành lập tức huyên náo, chỉ mặt Tiêu Phong chửi bới ầm ĩ. Tiêu Phong biết là Gia Luật Hồng Cơ tính dùng kế ly gián, để quân Tống không mở cửa cho bên mình vào, trong lòng chua xót, lập tức nhảy xuống ngựa tiến lên mấy bước nói:
– Bệ hạ, Tiêu Phong này phụ bạc ân điển thâm hậu khiến cho hoàng thượng phải ngự giá thân chinh, quả là đáng chết.
Còn đang nói bỗng có hai bóng người lao vụt tới nhanh như ánh chớp, xông thẳng vào Gia Luật Hồng Cơ, chính là Hư Trúc và Đoàn Dự. Hai người thấy tình thế có chiều bất lợi, biết rằng việc ngày hôm nay chỉ còn cách bắt lấy Liêu đế để uy hiếp thì mới mong bảo trì được đại cục, ra dấu cho nhau rồi chia hai bên tiến vào.
Khi Gia Luật Hồng Cơ ra trận đã hờm trước đề phòng Tiêu Phong lại giở lối cũ bắt sống cha con Sở vương năm nào. Chỉ huy sứ đội thân binh liền quát lên một tiếng, hơn ba trăm tên lính cầm khiên lập tức tụ lại xếp thành một bức tường, chắn ngay trước mặt vua Liêu. Lính cầm trường mâu, lính cầm đao phủ cũng đứng xếp hàng khít khao ngay trước mặt đội thuẫn bài.
Thế nhưng Hư Trúc không phải còn như ngày trước, nay đã được chân truyền của Thiên Sơn Đồng Mỗ, lại từng nghiên cứu tất cả các võ học bí áo trên vách đá Linh Thứu Cung, võ công cao siêu tới mức tùy tâm sở dục. Đoàn Dự thì sau khi hút được trọn vẹn công lực một đời của Cưu Ma Trí, nội lực thâm hậu, cũng vào loại chấn cổ thước kim, thi triển Lăng Ba Vi Bộ thì làm sao quân sĩ nước Liêu ngăn nổi?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!