Thiên Long Bát Bộ
Hồi 63
Bảo Định Đế y theo đó vận chân khí, ra đến đầu ngón tay vô danh nghe tiếng vèo vèo theo huyệt Quan Xung vọt ra. Khô Vinh đại sư vui mừng nói:
– Nhà ngươi nội lực tu luyện không phải tầm thường. Pho kiếm pháp này tuy biến hóa phức tạp thật nhưng nếu kiếm khí đã thành rồi thì có thể tùy ý mà vận dụng.
Bản Nhân nói:
– Cứ theo bản ý của Lục Mạch Thần Kiếm thì phải do một người cùng sử dụng cả sáu mạch kiếm khí. Có điều bây giờ là thời mạt thế, võ học suy vi, không có ai nội lực đủ hùng hậu để làm chuyện đó, chúng ta đành phải sáu người chia ra sử dụng sáu mạch kiếm khí. Sư thúc chuyên luyện Thiếu Thương Kiếm ở ngón tay phải, ta chuyên luyện Thương Dương Kiếm ở ngón tay trỏ, Bản Quan sư huynh luyện Trung Xung Kiếm ở ngón tay giữa, Bản Trần sư đệ luyện Quan Xung Kiếm ở ngón tay vô danh, Bản Tướng sư huynh luyện Thiếu Xung Kiếm ở ngón tay út, Bản Tham sư đệ luyện Thiếu Trạch Kiếm ở ngón út tay trái. Việc không thể chậm trễ, chúng ta nên bắt đầu ngay là vừa.
Ông ta lấy ra sáu bức đồ hình, treo lên bốn bức tường, hình vẽ Thiếu Thương Kiếm ngay trước mặt Khô Vinh đại sư. Mỗi bức vẽ đầy những đường ngang dọc giao thoa, hình tròn cũng như hình cánh cung. Sáu người ai nấy chăm chú luyện kiếm khí đồ của mình, giơ ngón tay ra điểm hờ, vẽ hờ lên trên không.
Đoàn Dự len lén ngồi lên thấy chân khí trong người dâng tràn, so với khi trước còn khó chịu hơn nhiều. Thì ra Bảo Định Đế, cùng sư huynh đệ của phương trượng Bản Nhân đã đem một số lượng nội lực đáng kể truyền vào người chàng. Đoàn Dự thấy bá phụ và những người khác tập trung tinh thần vận công nên không dám lên tiếng quấy nhiễu, ngồi ngơ ngẩn một lúc thấy thật rảnh rỗi, vô ý đưa mắt nhìn vào bức hình kinh mạch huyệt đạo treo trước mặt Khô Vinh đại sư. Chàng coi một hồi bỗng thấy cánh tay phải của mình giật giật liên tiếp, tưởng như có con gì ở trong da thịt muốn chui ra ngoài. Nơi con vật muốn chui ra đó chính là huyệt Khổng Tối ghi trên đồ hình.
Đường kinh mạch Thủ Thái Am Phế Kinh chàng đã từng luyện qua, những huyệt đạo trên tường giống hệt những huyệt ghi trên hình người đàn bà khỏa thân nhưng đường đi thì hoàn toàn khác hẳn. Chàng nhìn theo một đường dây đỏ trên bức vẽ, từ huyệt Khổng Tối đến huyệt Đại Uyên rồi nhảy trở về Xích Trạch, rồi chạy xuống dưới tới huyệt Ngư Tế, tuy chạy ngược chạy xuôi nhưng luồng chân khí tả xung hữu đột trong cơ thể vẫn thuận theo tâm ý, chạy ngược lên đến khuỷu tay rồi chạy thẳng lên cánh tay. Chân khí thuận theo kinh mạch mà vận hành, bao nhiêu nhộn nhạo khó chịu trong người liền tiêu giảm, chàng chuyên tâm ngưng chí đem luồng chân khí chuyển vào huyệt Đãn Trung.
Thế nhưng kinh mạch vận hành không giống như theo người đàn bà khỏa thân trên bức trục gấm nên luồng chân khí này không dễ dàng chạy vào huyệt Đãn Trung. Một hồi sau chàng liền phải suýt soa kêu lên mấy tiếng, Bảo Định Đế vội quay lại hỏi:
– Cháu thấy trong người ra sao?
Đoàn Dự đáp:
– Trong người cháu có vô số khí chạy nhảy lung tung, khó chịu quá. Cháu theo các sợi đỏ trên bức hình của thái sư bá để đưa khí về huyệt Đãn Trung, nhưng chao ôi, huyệt Đãn Trung càng lúc càng đầy ứ, không đưa thêm vào được. Cháu… cháu… huyệt Đãn Trung của cháu muốn nổ tung ra.
Cái cảm giác đó chỉ có người trong cuộc mới biết, chàng thấy ngực căng phồng lên tưởng như sắp vỡ đến nơi còn người ngoài không thấy gì khác thường. Bảo Định Đế biết rằng tu tập nội công ắt sẽ có những huyễn tượng, nhưng nếu huyệt Đãn Trung căng phồng muốn vỡ tung ra thì ít nhất cũng phải tu tập hai chục năm, nội lực hồn hậu vô cùng mới có cảm giác đó được, còn Đoàn Dự chưa từng học qua nội công, huyễn tượng đó hẳn là vì bị trúng tà độc mà thành.
Bảo Định Đế thầm kinh hoảng biết rằng nếu như chàng không thể đạo khí qui hư(10.11) thân thể sẽ bị tê liệt, thế nhưng nếu đem luồng tà độc ấy đưa vào tạng phủ thì sau này trục được ra còn khó khăn vạn lần. Bình thời mỗi khi gặp chuyện nguy nan đại sự ông luôn luôn sáng suốt quả cảm, chỉ một lời là quyết định xong nhưng trước mặt việc quan hệ đến cả đời Đoàn Dự, chỉ sai sẩy một chút lập tức có thể nguy đến tính mạng. Ông thấy Đoàn Dự hai mắt thần quang tán loạn xem ra có vẻ điên cuồng, không còn chần chờ gì nữa lập tức quyết định: “Thôi thì chỉ còn có nước “ẩm chậm chỉ khát”(10.12) đành vậy biết làm sao hơn.” Ông bèn nói:
– Dự nhi, để ta dạy cháu pháp môn đạo khí qui hư.
Ông liền đem phương pháp chỉ dẫn cho Đoàn Dự. Đoàn Dự không đợi ông nói xong, nghe câu nào lập tức áp dụng ngay câu ấy. Pháp yếu về nội công của họ Đoàn nước Đại Lý quả thực tinh diệu tuyệt luân, chàng vừa theo đó mà làm, bốn luồng chân khí đang cuồn cuộn ở bên ngoài liền thu vào trong tạng phủ. Y thư Trung Quốc gọi các bộ phận trong con người là tạng phủ, tạng đồng nghĩa với tàng trữ còn phủ chính là kho lẫm nên đã hàm ý tụ tập tích súc. Đoàn Dự đầu tiên hút được toàn bộ nội lực của bảy tên đệ tử Vô Lượng Kiếm, sau lại hút một phần nội lực của các cao thủ Đoàn Diên Khánh, Hoàng Mi tăng, Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần, Vân Trung Hạc, Chung Vạn Cừu, Thôi Bách Tuyền, hôm nay lại được thêm một ít của năm đại cao thủ là Bảo Định Đế, Bản Quan, Bản Tướng, Bản Tham, Bản Nhân nên chân khí trong người rất dồi dào, nội lực mạnh mẽ có thể nói là trên đời không ai bì kịp. Bây giờ chàng được bá phụ chỉ điểm, đem các luồng chân khí này tàng trữ nơi tạng phủ, toàn thân càng lúc càng khoan khoái, thấy người nhẹ nhàng tưởng chừng có thể bay lên không.
Bảo Định Đế thấy chàng mặt tươi như hoa cực kỳ vui sướng lại tưởng chàng bị rơi vào ma chướng đã sâu, e rằng tà độc từ này sẽ đeo đuổi không thôi càng khó trừ hơn nữa, không khỏi di lụy suốt đời, trong bụng thầm chua chát.
Khô Vinh đại sư thấy Bảo Định Đế đã truyền dạy công phu xong liền bảo:
– Bản Trần, duyên nghiệp của con người ai làm nấy chịu, họa phúc đúng sai đều do tâm mà sinh ra. Con cũng chẳng nên quá lo lắng cho người khác, mau luyện Thiếu Dương Kiếm đi.
Bảo Định Đế đáp:
– Vâng!
Ông cố gắng thu nhiếp tâm thần, tiếp tục nghiên cứu kiếm pháp. Chân khí trong người Đoàn Dự cực kỳ sung mãn, một buổi một lúc không thể nào đưa hết về tàng trữ trong tạng phủ được, nhưng có điều pháp môn này càng thực hành càng thuần thục, về sau cùng thu càng nhanh. Trong tăng xá bảy người ai cũng lo hành công không để ý phương đông trời đã hưng hửng sáng.
Bỗng nghe tiếng gà gáy vọng lại, Đoàn Dự thấy trong khắp người mình không còn chút chân khí nào ở ngoài nữa nên đứng lên vận động cho dãn gân cốt, thấy bá phụ và năm vị cao tăng vẫn chuyên tâm nghiên luyện kiếm pháp. Chàng không dám mở cửa bước ra ngoài tản bộ, cũng không dám lên tiếng làm rộn sáu người đang hành công, không có việc gì làm, tiện thể nhìn lên hình vẽ kinh mạch của bá phụ xem thử, rồi quay sang nhìn kiếm pháp đồ hình Thiếu Dương Kiếm, tuy đã nghe thái sư bá nói là Lục Mạch Thần Kiếm không truyền cho tục gia tử đệ, nhưng nghĩ thầm loại kiếm pháp cao thâm thế này chàng làm sao học nổi có xem cũng chỉ xem chơi cho biết.
Chàng coi đến lúc tâm thần chuyên chú, đột nhiên cảm thấy một luồng chân khí từ đan điền xông lên đến cánh tay thuận theo đường chỉ đỏ đến huyệt Quan xung ở ngón tay vô danh. Chàng không biết cách vận khí phóng ra chỉ thấy đầu ngón tay vô danh căng phồng thật khó chịu nghĩ thầm: “Thôi ta phải đem luồng khí này trở về mới được.” Chàng nghĩ vậy lập tức luồng chân khí đi theo kinh mạch chạy trở về đan điền.
Đoàn Dự có biết đâu mình vô ý học được một phương pháp nội công thượng thừa, chỉ cảm thấy luồng chân khí chạy tới chạy lui trên cánh tay, muốn sao được vậy, thật là thích thú. Trong ba nhà sư ở Mâu Ni Đường chàng thấy hòa thượng Bản Tướng vui vẻ dễ thân cận nhất nên quay sang nhìn Thủ Thiếu Am Tâm Kinh Mạch Đồ của ông ta. Kinh mạch này chạy từ huyệt Cực Tuyền ở dưới nách đi đến huyệt Thanh Linh ở trên khuỷu tay ba tấc, đến huyệt Thiếu Hải ở chỗ lõm dưới cùi chỏ, đi qua các huyệt Linh Đạo, Thông Lý, Thần Môn, Thiếu Phủ tận cùng ở huyệt Thiếu Xung nơi ngón tay út. Chàng ngẫm nghĩ tự nhiên thấy một luồng chân khí đi theo lộ tuyến kinh mạch mà vận hành, có điều nhanh chậm rộng hẹp thì chưa được như ý, có khi thì được, có lúc lại không đi, nghĩ tại mình công lực chưa được bao nhiêu nên cũng không để ý tới nữa.
Chỉ trong nửa ngày Đoàn Dự đã thông qua tất cả các huyệt đạo trên sáu bức đồ hình. Chàng thấy tinh thần sảng khoái, cũng chẳng có việc gì làm nên lại quay qua xem hình vẽ của Thiếu Thương, Thương Dương, Trung Xung, Quan Xung, Thiếu Xung, Thiếu Trạch sáu đường kiếm pháp. Chỉ thấy chỉ đen chỉ đỏ, ngang dọc giao thoa đầu mối thật khó mà dò nghĩ thầm: “Các kiếm chiêu phiền toái thế này, việc gì phải nhớ làm chi? Huống chi thái sư bá đã bảo rằng, tục gia tử đệ không được học kia mà.”
Chàng bèn không xem nữa, trong bụng thấy đói nghĩ bụng: “Sao mấy chú tiểu không ai mang cơm chay hay mì gì cả? Thôi mình len lén chui ra ngoài kiếm gì ăn mới được.” Ngay lúc đó chàng ngửi thấy một mùi đàn hương thơm ngát, tiếp theo là tiếng Phạn tụng niệm văng vẳng tiếng được tiếng mất từ xa truyền tới.
Khô Vinh đại sư nói:
– Thiện tai! Thiện tai! Đại Luân Minh Vương đã đến rồi đây. Các ngươi luyện được đến đâu rồi?
Bản Tham đáp:
– Tuy chưa thuần thục, nhưng xem chừng cũng đủ để nghinh địch rồi.
Khô Vinh đại sư nói:
– Hay lắm! Bản Nhân, ta không muốn đi ra vậy ngươi ra mời Minh Vương vào trong Mâu Ni Đường để gặp nhau.
Bản Nhân phương trượng đáp lời:
– Vâng!
Rồi đi ra ngoài. Bản Quan nhặt năm chiếc bồ đoàn lên xếp thành một hàng ở phía đông, bên phía tây để một cái bồ đoàn khác. Ông ta ngồi vào chiếc đệm thứ nhất, Bản Tướng thứ hai, Bản Tham thứ tư để trống chiếc thứ ba cho Bản Nhân phương trượng. Bảo Định Đế ngồi ở chiếc đệm thứ năm còn Đoàn Dự không có chỗ ngồi nên đứng sau lưng Bảo Định Đế.
Cả Khô Vinh lẫn những người khác ôn lại đồ hình một lần cuối rồi mới cuộn các hình vẽ đó lại, để ở trước mặt Khô Vinh đại sư. Bảo Định Đế nói:
– Dự nhi, tới khi kịch chiến trong phòng kiếm khí tung hoành rất là hung hiểm, bá phụ không thể nào phân tâm bảo hộ cho cháu được. Cháu đi ra ngoài chơi thì hơn.
Đoàn Dự trong lòng đau đớn: “Nghe lời của mọi người thì gã Đại Luân Minh Vương này võ công cực kỳ lợi hại, Quan Xung kiếm pháp bá phụ mới luyện đây, không biết có địch lại y không, nếu sơ sẩy thì biết làm sao?” Chàng bèn nói:
– Bá bá, cháu… cháu ở đây với bác, bác đấu kiếm với người ta cháu không yên tâm…
Chàng nói đến mấy tiếng sau cùng, thanh âm nghẹn ngào. Bảo Định Đế trong lòng rung động: “Thằng bé này quả là có hiếu.”
Khô Vinh đại sư nói:
– Dự nhi, cháu ngồi trước mặt ta đây, Đại Luân Minh Vương kia dẫu có lợi hại đến đâu cũng không động đến một sợi lông của cháu được.
Giọng nói của ông ta tuy lạnh như băng nhưng ngữ khí có vẻ như ngạo nghễ. Đoàn Dự đáp:
– Vâng!
Chàng khom lưng đi vào trước mặt Khô Vinh đại sư nhưng không dám ngẩng lên nhìn mặt ông ta, chỉ xếp bằng ngồi xuống. Thân hình Khô Vinh đại sư cao hơn Đoàn Dự nhiều nên che hết người chàng. Bảo Định Đế trong lòng cảm kích lại cũng yên tâm, mới rồi Khô Vinh đại sư dùng Khô Thiền Công cạo đầu cho ông, thần công đó có thể nói là trên đời không ai bì kịp, muốn bảo vệ Đoàn Dự thật quả có thừa.
Sau đó Mâu Ni Đường thật lặng thinh hoàn toàn không một tiếng động. Một lúc sau có tiếng Bản Nhân phương trượng:
– Minh Vương pháp giá xin mời quá bộ lại Mâu Ni Đường.
Kế đó có tiếng người nói:
– Cảm phiền phương trượng dẫn đường cho.
Đoàn Dự nghe giọng nói thật là thân thiết hòa hoãn rất là lễ độ không phải là kẻ hung ác áp bức người khác. Nghe tiếng chân có đến mươi người rồi tiếng Bản Nhân phương trượng mở cửa nói:
– Xin mời Minh Vương.
Đại Luân Minh Vương cất bước tiến vào Phật đường nói:
– Xin phép.
Ông ta hướng về phía Khô Vinh đại sư chắp tay hành lễ nói:
– Vãn bối Cưu Ma Trí của nước Thổ Phồn tham kiếm tiền bối đại sư.
Một tươi một héo hai cây,
Hữu thường bên nọ bên đây vô thường.
Đông Tây Nam Bắc bốn phương,
Thật không, không thật đều không là gì.
Hữu thường vô thường,
Song thụ khô vinh.
Nam Bắc Tây Đông,
Phi giả phi không.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Bốn câu kệ này có nghĩa là gì?” Thế nhưng Khô Vinh đại sư giật mình: “Đại Luân Minh Vương bác học tinh thâm, quả thật danh bất hư truyền. Y vừa mới gặp mặt đã nói ngay được lai lịch lối tu khô thiền của ta.”
Năm xưa khi đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn nơi giữa hai cây bà la(10.13) tại thành Câu Thi Na(10.14) thì bốn phía đông tây nam bắc mỗi hướng có hai cây, một cây tươi, một cây khô cho nên gọi là “tứ khô tứ vinh.” Cứ theo kinh Phật chép: hai cây ở hướng đông tượng trưng cho thường và vô thường, hai cây ở phương nam tượng trưng cho lạc và vô lạc, hai cây ở phương tây tượng trưng cho ngã và vô ngã, còn hai cây ở phương bắc tượng trưng cho tịnh và vô tịnh. Cây cối xanh tốt tượng trưng cho bản tướng tức là thường, lạc, ngã, tịnh; còn khô héo điêu tàn là thực tướng tức là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Phật Như Lai nhật diệt ở trong tám cảnh giới đó có ý là phi khô phi vinh, phi giả phi không.
Khô Vinh đại sư mấy chục năm qua tu khô thiền cũng chỉ mới cảnh giới “bán khô bán vinh”, không sao lên thêm một tầng nữa để được tới cảnh giới “phi khô phi vinh, diệc khô diệc vinh” nên không khỏi thảng thốt nói:
– Minh Vương từ xa tới đây, lão nạp không đi ra đón được, xin Minh Vương mở lòng từ bi mà tha lỗi cho.
Đại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí đáp:
– Uy danh của chùa Thiên Long tiểu tăng đã hâm mộ từ lâu, hôm nay được thấy bảo tướng trang nghiêm thực là hân hạnh.
Bản Nhân phương trượng nói:
– Xin mời Minh Vương ngồi.
Cưu Ma Trí cảm tạ ngồi xuống. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Không biết vị Đại Luân Minh Vương này hình dáng thế nào?” Chàng le lén nghiêng đầu nhìn qua bên hông Khô Vinh đại sư thấy trên một nhà sư mặc tăng bào màu vàng ngồi chiếc bồ đoàn phía tây. Y chưa đến năm mươi tuổi, áo vải giày rơm, vẻ mặt vui tươi dường như có ánh sáng lẩn khuất chẳng khác gì minh châu bảo ngọc tự mang vẻ sáng. Đoàn Dự chỉ mới nhìn qua ông ta đôi lần trong lòng đã nảy sinh một vẻ ngưỡng mộ thân cận. Chàng lại nhìn qua khe cửa ra ngoài thấy có tám chín hán tử, mặt mày bặm trợn dễ sợ trông không phải người Trung Thổ, chắc là những tùy tòng Đại Luân Minh Vương mang từ Thổ Phồn qua.
Cưu Ma Trí chắp hai tay nói: Nguồn tại http://[.c]om
– Đức Phật có dạy rằng: Phải vào được cảnh giới không sinh không diệt, không nhơ bẩn cũng không thanh sạch. Thế nhưng tiểu tăng căn khí ngu độn không sao hiểu được lý lẽ yêu ghét tử sinh. Bình sinh tiểu tăng có một người tri giao, là người đất Cô Tô nhà Đại Tống, họ Mộ Dung, tên đơn là Bác. Năm xưa tiểu tăng có duyên gặp gỡ, hai bên đàm luận chuyện võ nghệ. Vị Mộ Dung tiên sinh kia võ học trong thiên hạ không gì không am tường, chỗ nào cũng tinh thông, tiểu tăng được ông ta chỉ điểm mấy ngày, những chỗ còn hồ nghi đều được giải đáp, lại được Mộ Dung tiên sinh khẳng khái tặng cho bí cập thượng thừa, cái ơn sâu xa đó không thể nào quên được. Ngờ đâu bậc đại anh hùng trời lại không cho ở lâu, Mộ Dung tiên sinh tây qui cực lạc mất rồi. Tiểu tăng có một việc cầu xin thật là không thuận tình xin quí vị trưởng lão mở lòng từ bi.
Bản Nhân phương trượng nói:
– Minh Vương quen biết Mộ Dung tiên sinh cũng là nhân duyên mà thôi, duyên phận hết rồi việc gì phải cưỡng cầu làm gì? Mộ Dung tiên sinh vãng sinh cực lạc đi lễ phật ở chốn liên trì thì còn để tâm gì đến chuyện võ học ở chốn nhân gian? Việc của Minh Vương đang cố công kia phải chăng thêm chân cho rắn?
Cưu Ma Trí đáp:
– Phương trượng chỉ điểm quả thực là chí lý. Có điều tiểu tăng tính tình tham luyến chấp nê, bế quan bốn mươi ngày vẫn không sao dứt được mối tình bè bạn. Năm xưa khi Mộ Dung tiên sinh luận về kiếm pháp trong thiên hạ quả quyết rằng Lục Mạch Thần Kiếm của chùa Thiên Long nước Đại Lý là kiếm pháp đệ nhất trong thiên hạ, nhưng tiếc rằng chưa dịp thấy qua khiến phải hối tiếc cả một đời.
Bản Nhân nói:
– Tệ tự ở nơi hẻo lánh phương nam được Mộ Dung tiên sinh yêu mến quả là vinh hạnh. Thế nhưng sao năm xưa Mộ Dung tiên sinh không đích thân tới mượn kiếm kinh xem qua cho biết?
Cưu Ma Trí thở dài một tiếng, sắc mặt sầu thảm, yên lặng một hồi rồi mới đáp:
– Mộ Dung tiên sinh cũng biết kinh này là vật chí bảo của quí tự nếu đến đòi xem ắt là không được. Ông ta bảo là họ Đoàn Đại Lý tuy ở chỗ phú quí đến cực điểm nhưng không quên nghĩa khí giang hồ thuở xưa, yêu thương trăm họ, nhân đức thấm nhuần khắp lê dân nên không tiện ra tay cưỡng đoạt trộm cắp.
Bản Nhân cảm tạ nói:
– Xin cám ơn Mộ Dung tiên sinh đã khen ngợi. Nếu Mộ Dung tiên sinh đã coi trọng họ Đoàn nước Đại Lý như thế, Minh Vương là bằng hữu của ông ta thì cũng nên thể niệm di chí của người đã khuất.
Cưu Ma Trí đáp:
– Có điều năm xưa tiểu tăng từng huênh hoang nói rằng: Tiểu tăng là Quốc Sư nước Thổ Phồn đối với họ Đoàn Đại Lý vô thân vô cố, Thổ Phồn Đại Lý hai nước cũng chưa từng có bang giao mật thiết. Nếu như Mộ Dung tiên sinh không tiện tự mình đến lấy thì tiểu tăng thay mặt làm cho. Đại trượng phu một lời nói ra, dẫu chết cũng không hối hận. Tiểu tăng đã ước hẹn với Mộ Dung tiên sinh như thế rồi thì không thể nào nuốt lời được.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!