Thiên Long Bát Bộ
Hồi 69
Thuyền đi trên mặt hồ, quẹo qua quẹo lại mấy lần, rồi đi vào một chiếc đầm lớn, nhìn ra đằng xa thấy khói lung linh bốc lên, mặt nước xa tít tận chân trời. Quá Ngạn Chi trong bụng hãi thầm: “Chiếc hồ này chắc là Thái Hồ(11.5) đây. Ta và Thôi sư thúc đều không biết bơi, con bé này chỉ cần lật thuyền là cả hai người mình sẽ vào bụng cá ngay, còn nói gì đến việc báo thù cho thầy nữa?”
Thôi Bách Tuyền cũng đã nghĩ đến chuyện đó, nghĩ bụng nếu mình cầm được mái chèo trong tay, nếu cô gái này muốn lật thuyền thì cũng không phải là dễ bèn nói:
– Cô nương, để ta giúp cô chèo thuyền, cô chỉ cần chỉ đường là đủ.
A Bích cười nói:
– Ôi chao, tiểu nữ không dám. Nếu công tử biết được thể nào cũng mắng là coi thường khách.
Thôi Bách Tuyền thấy nàng từ chối lại càng nghi hơn, cười nói:
– Chẳng dấu gì cô, chúng tôi chỉ muốn cô trổ tài dùng nhuyễn tiên đàn một khúc. Chúng tôi là người thô lỗ không phải như Đoàn công tử đây, cầm kỳ thư họa môn nào cũng tinh thông.
A Bích nhìn Đoàn Dự cười nói:
– Tiểu nữ đàn có ra gì đâu, sao dám gọi là tuyệt kỹ? Đoàn công tử phong nhã như thế, nghe sẽ cười bằng thích, tôi chẳng đàn đâu.
Thôi Bách Tuyền cầm cây nhuyễn tiên trên tay Quá Ngạn Chi đặt vào tay cô gái tay kia cầm lấy mái chèo nói:
– Này cô! Cứ đàn đi nào!
A Bích cười nói:
– Thôi được, cho tôi mượn cái bàn toán của ông để đánh nhịp vậy.
Thôi Bách Tuyền trong bụng hơi e dè: “Cô ta muốn lấy luôn cả hai món binh khí của mình, không lẽ không có âm mưu gì sao?” Thế nhưng đã đến nước này không tiện từ khước đành đưa cho cô ta chiếc kim toán bàn. A Bích để chiếc bàn toán lên sàn thuyền trước mặt, tay trái cầm cán nhuyễn tiên, chân trái đạp lên đầu roi, kéo thẳng ra, năm ngón tay phải vừa vuốt vừa búng, nhuyễn tiên liền phát ra âm thanh tính tang, tuy không réo rắt thánh thoát như tì bà những nghe cũng thật êm dịu.
Năm ngón tay của A Bích đàn nhuyễn tiên thỉnh thoảng lại nghỉ đưa ngón tay khẩy chiếc bàn toán, những hạt toán châu leng keng hòa với tiếng tình tang của nhuyễn tiên, lại càng vui tai. Ngay khi đó, bỗng thấy hai con chim ém sà ngang đầu thuyền, bay vụt về hướng tay. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Nơi nhà Mộ Dung ở có tên là Yến Tử Ổ, chắc hẳn chim én nhiều lắm.”
Lại nghe A Bích cất tiếng hát rằng:
Sớm mai nơi trước hiên nhà,
Hai con chim én bay sà xuống sân.
Phượng hoàng làm tổ cũng gần,
Khói Tiêu Tương cũng ân cần làm quen.
Lầu hồng cũng lại trèo lên,
Bờ sông biếc cũng chập chờn dừng chân.
Thuận đưa nét vẽ tay thần,
Tiếng oanh dìu dặt thả hồn mê ly.
Vì ai đến vì ai đi?
Rèm châu cuốn bức ơn kia nghìn trùng.
Nhị xã lương thần,
Thiên gia đình viện.
Phiên phiên hựu đổ song phi yến,
Phượng hoàng sào ổn hứa vi lân,
Tiêu Tương yên minh lai hà vãn?
Loạn nhập hồng lâu,
Để phi lục ngạn,
Họa lương khinh phất ca trần chuyển,
Vi thùy qui khứ vi thùy lai?
Chủ nhân ân trọng châu liêm quyển.
Đoàn Dự nghe nàng hát thật là ôn nhu tình tứ không khỏi lòng thấy mênh mang, nghĩ thầm: “Nếu như ta cứ suốt đời chui rúc ở nam cương, làm sao có được những giờ phút thần tiên như thế này? Vì ai đến vì ai đi? Rèm châu cuốn bức ơn kia nghìn trùng. Mộ Dung công tử có người nữ tì như thế này hẳn phải là nhân vật phi thường.”
A Bích hát xong khúc hát đó rồi đưa bàn toán và nhuyễn tiên trả lại cho Thôi Quá hai người, cười nói:
– Hát chẳng ra gì, quí khách đừng cười nhé! Hoắc đại gia, xin chèo vào con lạch nhỏ phía bên trái, đó đó! Đúng rồi!
Thôi Bách Tuyền thấy nàng trả lại binh khí cho mình mới thấy yên bụng, bèn theo đúng lời nàng đi vào một con lạch nhỏ, có điều mặt hồ mọc đầy những lá sen, nếu không được cô ta chỉ điểm thì không ai có thể biết được giữa đám lá sen lại có một con đường. Thôi Bách Tuyền chèo một hồi, A Bích lại chỉ một con đường khác:
– Bơi qua phía kia kìa.
Phía đó mặt nước đầy những cây và trái hồng lăng, trong làn sóng xanh chập chờn, lăng đỏ lá xanh quả thật đẹp không thể tả. A Bích thuận tay hái hồng lăng chia cho mọi người.
Hai tay Đoàn Dự tuy vẫn cử động được nhưng sau khi huyệt đạo bị điểm rồi không có chút hơi sức nào, đến cái vỏ hồng lăng cũng không bóc được. A Bích cười nói:
– Công tử gia không phải người Giang Nam nên không biết bóc lăng, để tiểu nữ bóc dùm cho.
Cô ta bóc luôn mấy trái để vào tay chàng. Đoàn Dự thấy quả ấu đó trơn nhẵn bỏ vào mồm thơm phức, ăn ngon lạ thường cười nói:
– Hồng lăng này ăn bùi mà không ngấy, thật chẳng khác gì nghe cô nương hát vậy.
A Bích mặt ửng hồng cười nói:
– Đem bài hát của tôi so với trái hồng lăng, hôm nay mới là lần đầu nghe đến, xin đa tạ công tử.
Thuyền chưa qua khỏi hồ lăng, A Bích lại chỉ đường chèo thuyền vào một vùng lau lách và giao bạch(11.6) khiến cho cả đến Cưu Ma Trí cũng nổi lòng e dè, trong bụng cố ghi nhớ đường đi của con thuyền để phòng khi đi ra không bị lạc lối. Mọi người đưa mắt nhìn quanh thấy mặt hồ toàn là lá sen, lá ấu, lau niễng nổi phất phơ trên mặt nước chỗ nào cũng giống chỗ nào, mỗi khi gió thổi lại biến đổi đủ chiều, dẫu lúc này có nhớ kỹ đến mấy thì chỉ chốc lát cục diện đã hoàn toàn khác hẳn.
Cưu Ma Trí, Thôi Bách Tuyền và Quá Ngạn Chi ba người chăm chăm nhìn vào mắt A Bích, cố gắng xem cô ta bằng cách nào tìm ra đường và dấu vết, nhưng cô gái chẳng để ý gì chỉ lo hái lăng, vọc nước, tiện đâu chỉ đó, dường như biết bao nhiêu thủy đạo ngang dọc như bàn cờ kia cô rõ như lòng bàn tay, sinh ra đã biết chẳng cần biện nhận làm gì.
Cứ như thế quay qua quẹo lại đến hai giờ, đến khoảng giời mùi, nhìn thấy xa xa trong đám cây dương liễu xanh rì thấy lộ ra một góc rèm cửa. A Bích nói:
– Đến rồi đây! Hoắc đại gia, phiền ông phải chèo đến cả nửa ngày trời chắc là mệt lắm.
Thôi Bách Tuyền cười gượng:
– Chỉ cần có hồng lăng ăn, nghe tiếng hát, dẫu có phải chèo thuyền mười năm tám năm cũng không mệt.
A Bích vỗ tay reo:
– Nếu như ông muốn nghe hát, muốn ăn lăng thì có gì là khó? Cứ ở luôn trong đây không ra nữa là xong.
Thôi Bách Tuyền nghe cô ta bảo “cứ ở luôn trong đây không ra nữa là xong” không khỏi kinh hãi, giương đôi mắt ti hí nhìn cô ta một hồi, chỉ thấy cô gái cười khúc khích xem ra không có bụng dạ nào nhưng cũng không vì thế mà yên tâm.
A Bích cầm lấy mái chèo, chèo thẳng vào dưới tàn cây liễu, đến gần hơn, thấy một cành thông làm thành chiếc thang, rủ xuống mặt nước. A Bích buộc chiếc thuyền vào cành cây, bỗng nghe trên cành liễu một con chim nhỏ hót ríu ra ríu rít nghe thật trong trẻo. A Bích cũng bắt chước tiếng chim ríu rít mấy tiếng, quay đầu lại mỉm cười: Bạn đang xem truyện được sao chép tại: t.r.u.y.e.n.y.y chấm c.o.m
– Xin quí khách lên bờ.
Mọi người lần lượt trèo lên, thấy lơ thơ mấy gian nhà dựng trên một khu đất chẳng hiểu là một hòn đảo hay một bán đảo. Những mái nhà đó trông be bé xinh xinh có vẻ tinh nhã, trên biển ngạch đề hai chữ “Cầm Vận”, nét bút tiêu sái. Cưu Ma Trí nói:
– Có phải đây là Tham Hợp Trang ở Yến Tử Ổ chăng?
A Bích lắc đầu:
– Không phải. Chỗ này là công tử dựng lên cho tôi ở, nhỏ bé thế này đâu đáng để tiếp quí khách. Hiềm vì đại sư phụ nói là muốn đến tế mộ Mộ Dung lão gia nên tôi không quyết định được, đành phải để các vị chờ ở đây để tôi đi hỏi A Châu tỉ tỉ.
Cưu Ma Trí nghe nói thế, trong bụng hơi bực, mặt sầm xuống. Y là Hộ Quốc Pháp Vương nước Thổ Phồn, thân phận cao quí biết là nhường nào? Không những y ở Thổ Phồn được nhà vua kính trọng, dẫu có đến triều đình các nước Đại Tống, Đại Lý, Liêu Quốc, Tây Hạ, các vị đế vương cũng phải lấy lễ quí tân mà tiếp đãi, huống chi y lại là kẻ tri giao cựu hữu của Mộ Dung tiên sinh, lần này thân hành đến tế mộ, Mộ Dung công tử vì không biết trước nên đi khỏi thì đã đành, vậy mà bọn kẻ ăn người ở lại không mời y vào khách sảnh tiếp đãi cho long trọng, lại đưa đến biệt viện của đứa tiểu tì chẳng là coi thường nhau lắm hay sao? Thế nhưng y thấy A Bích ăn nói líu lo chẳng có vẻ gì khinh mạn nên nghĩ thầm: “Con tiểu a đầu này chẳng biết gì mình để ý đến nó làm chi?” Nghĩ như thế y thấy lòng bình thản trở lại.
Thôi Bách Tuyền hỏi:
– A Châu tỉ tỉ của cô là ai thế?
A Bích cười đáp:
– A Châu là A Châu, chị ấy lớn hơn tôi một tháng nên phải gọi bằng chị đấy thôi. Tôi phải gọi bằng chị chứ biết làm sao hơn, ai bảo chị ta hơn một tháng làm chi? Còn ông đâu cần gọi bằng chị, nhưng nếu như gọi bằng chị là chị ấy thích lắm đó!
Cô ta vừa dẫn mọi người vào nhà vừa nói líu lo, âm thanh trầm bổng như tiếng đàn tiếng sáo. Vào đến trong sảnh, A Bích mời mọi người ngồi, sau đó có người đầy tớ bưng trà lên. Đoàn Dự cầm chén trà thấy mùi thơm ngát bốc lên mũi, mở nắp ra, thấy trà màu xanh lợt có những lá trà biếc mọc đầy lông tơ, trông như những hạt châu cuộn nổi trên mặt nước. Đoàn Dự chưa từng thấy bao giờ, đưa lên miệng nhắp thử một ngụm, thấy ngon ngọt lạ thường, nước dãi chảy đầy lưỡi. Cưu Ma Trí và Thôi, Quá hai người thấy lá trà kỳ lạ không ai dám uống. Loại trà tròn như hạt châu này là đặc sản trồng trên núi cao ở vùng kề bên Thái Hồ, người sau gọi là Bích Loa Xuân,(11.7) đời Bắc Tống chưa có cái tên thanh tao đó, dân vùng này chỉ gọi là loại trà “thơm phức” để ca tụng mùi hương đặc biệt. Cưu Ma Trí xưa nay chỉ ở Thổ Phồn và Tây Vực, quen uống loại trà đen đắng chát, bây giờ thấy loại trà xanh lông lá thế này, sợ có độc không dám đụng tới.
Bốn món điểm tâm gồm có kẹo Mai Côi, bánh dẻo Phục Linh, bánh ngọt Phí Thúy, bánh bao bột sen hình dáng tinh nhã, cái nào cái nấy trông tưởng như chỉ để chưng chứ không phải để ăn. Đoàn Dự tấm tắc:
– Mấy món điểm tâm trông đẹp thế này, ăn chắc là ngon lắm đó, nhưng thật chẳng nỡ lòng nào mà bỏ vào mồm.
A Bích mỉm cười nói:
– Công tử cứ việc ăn đi, chúng tôi vẫn còn nhiều.
Đoàn Dự cứ ăn một miếng lại nắc nỏm khen, thật là sướng miệng. Cưu Ma Trí và Thôi, Quá hai người không ai dám ăn, Đoàn Dự trong lòng khởi nghi: “Gã Cưu Ma Trí này tự xưng là bạn thân của Mộ Dung Bác, sao lại cái gì cũng dè dặt đến thế? Còn người trong trang viện nhà Mộ Dung đối đãi với y cũng không có gì đặc biệt.”
Lòng kiên nhẫn của Cưu Ma Trí quả không vừa, y đợi đến khi Đoàn Dự uống trà, ăn bánh khen vuốt đuôi thêm vài câu xong rồi mới nói:
– Như vậy thì nhờ cô nương thông tri cho A Châu tỉ tỉ của cô đi.
A Bích cười nói:
– Chỗ A Châu tỉ tỉ ở cách đây bốn con chín đường thủy, hôm nay không kịp nữa rồi, bốn vị ở đây qua một đêm, sáng sớm ngày mai, tiểu nữ sẽ đưa các vị đến Thính Hương thủy tạ.
Thôi Bách Tuyền hỏi lại:
– Bốn con chín đường thủy là gì thế?
A Bích đáp:
– Một con chín là chín dặm, hai con chín là mười tám dặm, bốn con chín là ba mươi sáu dặm. Ông lấy bàn toán ra tính là xong ngay.
Thì ra một giải Giang Nam, nói đến khoảng cách lộ trình tính theo một chín, hai chín. Cưu Ma Trí nói:
– Nếu biết sớm sao cô không đưa chúng tôi đến ngay Thính Hương thủy tạ có phải hay hơn không?
A Bích cười nói:
– Nơi đây chẳng có ai bầu bạn chuyện trò, buồn đến chết được. Dễ gì có được vài người khách đến chơi? Tiểu nữ vì thế muốn lưu quí vị lại một ngày.
Quá Ngạn Chi từ trước đến nay vẫn ngồi yên không nói một câu, bây giờ bỗng đứng bật dậy, quát lớn:
– Thân nhân nhà Mộ Dung ở nơi nào? Quá Ngạn Chi này đến Tham Hợp Trang không phải để uống trà ăn bánh, cũng chẳng phải đển kể chuyện vui cho ngươi nghe, mà là đến giết người báo thù, máu chảy đầu rơi. Họ Quá này đã đến được nơi đây, không mong gì sống được mà ra về. Cô nương, nhờ cô đi nói cho họ hay, ta là đệ tử của Kha Bách Tuế phái Phục Ngưu, hôm nay đến đây báo thù cho sư phụ.
Nói xong y vung nhuyễn tiên một cái, nghe lách cách một tiếng đã đánh vỡ tan một chiếc bàn trà bằng gỗ tử đàn và một chiếc ghế tre bằng trúc Tương Phi. A Bích không có vẻ gì kinh hoàng, cũng không nổi giận chỉ nói:
– Anh hùng hào kiệt trên giang hồ đến gặp công tử tháng nào cũng có vài người, cũng có người bặm trợn, hầm hè như Quá đại gia, phận con đòi như tiểu nữ đâu có sợ…
Nàng chưa nói dứt câu, từ hậu đường một ông già râu tóc trắng xóa chống gậy bước ra nói:
– A Bích, ai ở ngoài này la lối om sòm như thế?
Người đó nói tiếng quan thoại, ngữ âm thật là đúng giọng. Thôi Bách Tuyền đứng phắt lên đứng bên cạnh Quá Ngạn Chi, quát hỏi:
– Sư huynh ta Kha Bách Tuế chết vì tay ai?
Đoàn Dự thấy ông già kia thân hình lọm khọm, mặt mũi nhăn nheo, không chín mươi thì cũng phải tám chục tuổi, nghe ông ta lầm bầm:
– Kha Bách Tuế, Kha Bách Tuế, hừ, nếu đã sống đến một trăm, có chết cũng vừa.
Quá Ngạn Chi đến Tô Châu chỉ nghĩ đến chuyện tới nhà Mộ Dung chém giết một phen cho phỉ chí để báo thù cho ân sư thế nhưng sau khi bị Cưu Ma Trí đoạt mất binh khí y cảm thấy mất tinh thần, kế đến gặp một cô gái nhỏ dễ thương như A Bích, bao nhiêu oán hận trong lòng không có chỗ nào phát tiết, nay nghe lão già này ăn nói vô lễ liền vung nhuyễn tiên lên, đầu cây tiên phóng ra điểm luôn vào lưng lão ta. Y thấy Cưu Ma Trí ngồi bên cánh tây, đề phòng nhà sư ra tay ngăn trở nên ngọn roi từ phía đông đánh tới.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!