Thiên Sứ Tử Thần
Chương 20
Simon bay tới Denver ngay đêm đó. Gã chỉ mang một chiếc túi nhỏ, để đi luôn từ cửa ra mà khỏi phải lằng nhằng với các thủ tục hành lý. Gã không mang theo vũ khí và cũng không cần mua. Gã chỉ muốn được tận mắt thấy Drea, để chắc chắn đó đúng là cô và tìm hiểu xem đã xảy ra chuyện gì.
Chắc phải có lầm lẫn gì đó. Người phụ nữ trong bệnh viện kia có thể không phải Drea. Hay trong trường hợp tồi tệ nhất, các bác sỹ đã cứu sống Drea, nhưng cô hoặc đã bị chết não hoặc chỉ còn thực hiện được một vài chức năng, có lẽ chỉ còn đủ hoạt động trong cuống não giúp phổi và tim hoạt động. Thế nhưng sao tim cô có thể đập sau những gì đã xảy ra, gã không tài nào biết được. Gã không thể hình dung có vụ bác sỹ phẫu thuật nào lại chuyên đi chữa trị cho những cái xác không hồn, những người sống thực vật.
Đó là lý do gã nghĩ người phụ nữ nọ không thể là Drea. Gã cũng mong đó không phải là Drea, không muốn cô phải chịu đựng những di chứng do tổn thương não.
Nhưng nếu đó là cô, nếu người phụ nữ đó đúng là Drea và những kẻ ngu đã cứu sống cơ thể cô dù cho não cô đã chết, gã sẽ chăm sóc cô. Gã sẽ tìm một nơi tốt nhất trong cái đất nước này, ở đó cô sẽ được chăm sóc chu đáo hơn. Thỉnh thoảng gã có thể ghé thăm cô, dù cho nhìn thấy cô như vậy còn đau đớn hơn thấy cô chết. Gã không có chút quyền nào về mặt pháp lý để quyết định việc chăm sóc cô, khốn kiếp. Nhưng gã có tiền để làm mọi việc, và nếu có kẻ nào cản đường, gã sẽ mang cô đi. Gã đã tồn tại ở những nơi tưởng như không còn đường sống, làm những việc tưởng như không thể làm.
Simon thuê một phòng khách sạn để nghỉ đêm. Ban ngày có nhiều người ra vào bệnh viện hơn, giúp gã dễ dàng trà trộn. Người hối hả tới khám chữa bệnh, người tới thăm bệnh ra vào suốt cả ngày, các loại hoa, báo chí, thức ăn và vật tư thiết bị y tế được chuyển tới; gã sẽ chỉ là một gương mặt trong số đám đông bát nháo đó. Theo kinh nghiệm của gã, những người làm việc ca đêm sống trong một thế giới nhỏ hơn và thường chú ý những kẻ lạ mặt hơn.
Gã có mặt ở bệnh viện trước 6 giờ sáng hôm sau, chờ đến lúc giao ca. Có thể vài nhân viên bệnh viện đến làm việc 12 giờ một ca, từ 6 giờ tới 6 giờ, hoặc 7 giờ tới 7 giờ và gã chưa biết mục tiêu của mình sẽ là ai. Gã phải hành động nhanh, thời gian của gã có tùy vào mức độ cảnh giác của mục tiêu – dù vậy, trải qua một ca trực dài, không phải ai cũng cảnh giác – hoặc gã có thể có không quá 30 phút. Những lúc giao ca là lúc để đột nhập, lúc người ta xao nhãng nhất.
Gã lọt vào trong qua cửa phòng cấp cứu, nơi lúc nào cũng bận rối rít, rồi lần tới thang máy và sơ đồ chỉ dẫn. Khu chăm sóc đặc biệt nằm ở tầng bảy. Một bà trông có vẻ khó chịu, khuôn mặt hằn lên sự mệt nhọc và lo lắng, tất tả lao vào vừa lúc thang máy khép lại. Có lẽ bà ta vừa từ quán ăn nhanh lên vì trên tay cầm một cốc cà phê bự. Bà ta bấm nút lên tầng bốn. Sau khi bà ta đi ra, chỉ còn mình gã lên tiếp.
Những cánh cửa nặng nề dẫn tới khu chăm sóc đặc biệt, hoạt động bằng một đĩa kim loại chịu lực gắn trên tường, đối diện thẳng với phòng chờ. Những bức tường bằng kính cho phép gã quan sát những cánh cửa ấy từ bên trong phòng chờ, và trong khi đợi giao ca gã nhặt nhạnh những thông tin từ các thân nhân đã đứng đợi suốt đêm, cầu mong những người thân yêu được sống hay cam chịu một cái chết. Ngồi chung trong phòng chờ này cũng giống như ngồi chung một chiến hào; mọi người đều trong tình trạng bấn loạn và những câu chuyện, tin tức tuôn ra như suối.
Simon tìm thấy một chiếc ghế trống, từ đó có thể nhìn vào khu chăm sóc đặc biệt, rồi gập người về phía trước và chống hai khuỷu tay lên đầu gối, đầu rũ xuống. Điệu bộ của gã biểu lộ sự tuyệt vọng, một cảm giác mà ai trong căn phòng này cũng thấu. Gã giữ đầu chỉ vừa đủ cao để có thể nhìn thấy cửa phòng chăm sóc đặc biệt.
Gã không nhìn ai cũng không nhìn quanh; gã ngồi đó, dáng vẻ đầy đau khổ. Một phút sau, người phụ nữ tóc bạc ở bên trái gã liền cất giọng cảm thông bắt chuyện. “Cậu có người thân trong này à?”
“Mẹ tôi,” gã trả lời giọng đầy căng thẳng. Phòng chăm sóc đặc biệt nhưng có rất nhiều người già nằm, nên đó là một câu trả lời an toàn, thêm vào đó đóng vai một đứa con tận tụy sẽ khiến người khác dễ dàng cảm thông. “Đột quỵ.” Gã muốt xuống khó khăn. “Rất nghiêm trọng. Họ nói… họ nói bà ấy sẽ bị chết não.”
“Ôi, thật không may. Tôi rất lấy làm tiếc,” bà ta thốt lên. “Nhưng đừng vội tuyệt vọng. Chồng tôi làm nghề xây dựng. Một tháng trước ông ấy gã từ trên tầng bốn xuống, gẫy gần như hết cả xương trên người. Tôi tưởng mất ông ấy rồi cơ.” Giọng người phụ nữ run run khi nhớ lại thời điểm tuyệt vọng đó. “Tôi nói ông ấy nghỉ hưu đi rất nhiều lần rồi và cuối cùng ông ấy cũng hứa với tôi là sang năm, nhưng rồi tai nạn xảy ra và tôi chỉ biết rằng ông ấy không còn có thể tham gia vào những chuyến đi săn, đi câu dự định cùng con trai nữa. Không ai nghĩ ông ấy có thể qua được, nhưng ông ấy vẫn chống chọi và bây giờ họ nói có thể tuần tới ông ấy sẽ được chuyển sang phòng điều trị thường.”
“Tốt quá,” gã nói nhỏ, nhìn xuống hay hai bàn tay mình. “Tôi rất mừng cho bà. Nhưng mẹ tôi…” Gã ngừng lại, lắc đầu. “Tôi phát hiện ra quá muộn.” Gã thêm vào đó chút tội lỗi, để câu chuyện thêm phần lâm ly. “Giờ họ đang làm các xét nghiệm, nhưng nếu mẹ tôi chết não thì…”
“Ngay cả bác sỹ giỏi nhất cũng không biết tất cả, cơ thể con người luôn có điều bí ẩn mà,” người đàn ông dáng to con, mặt đỏ gay ngồi cạnh bà tóc bạc chen vào. “Vài tuần trước họ chuyển vào đây một phụ nữ bị tai nạn ô tô, xe bay ra khỏi đường và húc vào cây. Một cành cây đã đâm xuyên qua ngực cô ta.”
Đây rồi, chính là thứ mà gã cần biết, thậm chí chưa cần phải lẻn vào tận trong phòng chăm sóc đặc biệt. Simon kiềm chế vẻ mặt vì gã đã giật nảy lên như phải bỏng. Đó là Drea. Không còn nghi ngờ gì, đó là cô ấy. Gã chưa kịp thở phào vì quăng được tảng đá đè nặng thì lòng đã thắt lại vì khiếp sợ. Cô ấy có thể sống sót sau vụ tai nạn, nhưng theo kiểu gì? Cơ thể cô ấy còn thực hiện được những chức năng gì? Đi lại, nói chuyện, nhận ra ai đó? Gã gắng nói nhưng không được, cổ họng gã thít chặt tới mức chỉ có thể thở khò khè.
Người phụ nữ tóc bạc vỗ nhẹ tay Simon thương cảm, rõ ràng bà cho rằng gã sắp khóc òa tới nơi. Tự nhiên, cử chỉ đầy trắc ẩn đó khiến gã giật mình. Người ta thường không chạm vào gã một cách tự nhiên, dễ dàng như vậy. Ở gã luôn có điều gì đó khiến mọi người tránh xa, cái gì đó thật lạnh và chết chóc mà người phụ nữ này dường như không cảm nhận thấy. Vậy mà, Drea đã từng chạm vào gã; cô đã đặt hai tay lên ngực gã, níu sát vào gã và hôn gã, miệng cô âu yếm và khát khao như không thể cưỡng lại ham muốn. Ký ức ấy khiến gã nghẹn ngào, phải thả lỏng cổ họng mới thốt được thành lời. “Hình như tôi đã từng đọc đâu đó về trường hợp này,” gã nói dối, cố nặn từng từ.
“Các bác sỹ nói cô ta đã chết ở hiện trường tai nạn. Họ đang thu dọn mọi thứ thì đột nhiên một người nghe thấy tiếng cô ta thở. Họ thề là trước đó mạch cô ta đã ngừng đập, nhưng đột nhiên nó đập trở lại. Họ phải cưa đứt cành cây để mang cô ta vào bệnh viện cấp cứu, vì nếu nhổ cành cây ra sẽ làm thương tích trầm trọng hơn, thêm vào đó nó có thể đang ấn vào động mạch chủ, giúp cô ta cầm máu.” Gã đàn ông to con khoanh hai tay trên khuôn ngực vạm vỡ “Họ chắc rằng cô ra đã bị chết não nhưng không phải thế. Trải qua mười tám giờ phẫu thuật liên tục, thế rồi… có phải ba ngày trước họ đã chuyển cô ta ra không nhỉ?”
“Hai. Hôm kia,” người phụ nữ tóc bạc nói xen vào câu chuyện.
“Họ đã chuyển cô ra sang phòng thường. Nghe nói cô ta bình phục rất tốt, nhưng không nói năng gì cả, chắc do chấn thương não.”
“Cô ta bắt đầu nói được rồi,” ai đó tiếp lời. “Cô ta nói với một trong số các y tá. Tất cả bọn họ đều đang bàn tán về chuyện này.”
“Thật khó tin.” Simon góp lời, ruột gan gã một lần nữa cồn cào, tim thắt lại. Cô ấy đang bình phục rất tốt. Cô ấy nói chuyện được.
“Đây chắc chắn là một sự kỳ diệu,” gã to con nói tiếp. “Cô ta chẳng có một giấy tờ tùy thân nào và dường như chẳng có ai tìm kiếm cô ta cả. Họ không thể bắt cô ta viết tên hay bất cứ cái gì. Nhưng giờ đây cô ra đã có thể nói, tôi đoán họ biết tên thật của cô ta.”
Không, họ sẽ không biết, Simon nhận ra. Drea quá rành khoản đó. Cô ấy sẽ bịa ra một cái tên giả, việc này làm nảy sinh một khó khăn khác gã biết tìm cô thế nào đây? Cho dù truy cập vào hệ thống là việc quá đơn giản với gã, thì gã cũng đâu có biết cái tên cô nói với họ là gì. Gã lập tức bỏ ngay ý định đó; gã sẽ xử lý việc này bằng cách khác.
“Ai là bác sỹ của cô ấy vậy?” Chẳng có lý do gì để hỏi những câu kiểu như vậy nhưng ở đây người ta tám đủ thứ chuyện trên đời. Họ chuyện phiếm cho qua ngày, họ nói để tạm quên hoàn cảnh hiện tại, họ làm thân với nhau. Dù mối quan hệ có thể chẳng kéo dài quá thời gian người nhà họ nằm đây nhưng họ thấy gần gũi nhau hơn trong cái hộp kính này, họ khóc và cười với nhau, cùng an ủi người khác, truyền nhau dăm ba bí quyết gia truyền, trải qua những ngày sinh nhật – bất cứ điều gì để vượt qua những ngày tháng này.
“Meecham,” câu trả lời lập tức vang lên.” Bác sỹ phẫu thuật tim.”
Ngày nào bác sỹ phẫu thuật cũng đi qua mấy lượt để thăm bệnh. Khi ai đó bị thương nặng như Drea, danh tiếng của bác sỹ phẫu thuật sẽ gắn liền với mức độ hồi phục của bệnh nhân, đặc biệt là những trường hợp bất chấp mọi lý thuyết thông thường và sống sót. Tìm bác sỹ Meecham không khó; theo dõi ông ta cũng chẳng vấn đề gì.
Trong đầu Simon hiện lên hình ảnh về các bệnh viện, về cách bố trí trong đó. Các bệnh nhân không được chỉ định vào giường trống bất kỳ dù muốn hay không; các tầng khác nhau dành cho những trường hợp điều trị khác nhau giúp cho việc chăm sóc được quy về một mối. Có tầng dành cho khoa sản, tầng chấn thương chỉnh hình – và tầng hậu phẫu, khả năng cao Drea sẽ nằm ở đây.
Các cánh cửa tới phòng bệnh nhân thường bị để mở toang, không rõ do cẩu thả, quá vội hay để có lợi cho các y tá. Ít nhất cơ hội cũng là 50-50 nếu gã đi theo hành lang của tầng phẫu thuật, liếc vào tất cả các phòng mở cửa để tìm cô. Nếu chưa thấy, gã sẽ lần theo ông ta. Dù bằng cách này hay cách khác, gã nhất định tìm ra cô. Chưa từng có điều gì quan trọng với gã hơn việc này.
Bên kia hành lang, những cánh cửa đôi dẫn vào khu chăm sóc đặc biệt bật mở, một tốp y tá cả nam và nữ đi ra. Gã chưa cần vào ngay bây giờ, vì vậy gã không theo họ. Nếu cần phải có một cái thẻ để vào khu vực bị kiểm soát, gã sẽ kiếm một cái, nhưng trước hết gã muốn xem liệu có thể tìm thấy Drea bằng cách dễ hơn không.
Cô ấy ở ngay đây, cô ấy còn sống, và cô ấy nói được.
Đột nhiên gã không thể ngồi đó thêm một phút giây nào nữa, không thể đóng đến cùng vai diễn, vờ như đang quan tâm tới bà mẹ không có thật trên đời của mình, khi mà tất cả những gì gã muốn làm lúc này là biến ra một góc riêng nào đó để lấy lại cân bằng.
“Tôi xin lỗi,” Simon nói, cắt ngang cuộc nói chuyện sôi nổi xung quanh, rồi đứng dậy sải bước ra khỏi phòng chờ. Gã nhìn quanh, tia thấy một cái toilet và chạy nhanh đến đó. Ơn giời, đó làm một phòng vệ sinh đơn; gã chốt cửa, rồi đứng run rẩy giữa căn phòng bé tí đó.
Chuyện quái gì đang xảy ra thế này? Gã đã dùng toàn bộ tuổi trưởng thành của mình cùng vài năm trước đó nữa để hoàn thiện kỹ năng tự chủ. Gã tự thử thách chính mình, tìm hiểu những mặt hạn chế của bản thân để đẩy lùi chúng. Gã chưa bao giờ sụp đổ, không bao giờ. Tất cả những việc gã làm, những gì gã nói đều được tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn để đem lại câu trả lời hay kết quả như mong muốn.
Gã có thể xử lý chuyện này. Biết được cô còn sống và lành lặn là một tin tốt lành – cũng là một cú sốc, tuy vậy không gì có thể khiến gã mất kiểm soát. Giá gã có thể tìm được cách nói chuyện với cô mà không khiến cô sợ chết khiếp, gã sẽ nói rằng cô không việc gì phải sợ gã, rằng những gì Salinas biết là cô đã chết, hãy tiếp tục sống cuộc sống của cô. Dù sao cũng không phải lúc này; về mặt thể chất cô vẫn còn quá yếu, gã không muốn làm điều gì có thể gây căng thẳng lên tim của cô. Chỉ có Chúa mới biết cô đã phải chịu đựng tổn thương tới mức nào.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng là cô thực sự không nhớ mình là ai, nếu vậy cô cũng sẽ không nhớ ra gã. Cô đã nói được không có nghĩa não không bị tổn thương chút nào. Gã phải lấy lại bình tĩnh, phải tìm hiểu rõ bây giờ cô thế nào thay vì để trí tưởng tượng giắt mũi lung tung.
Cứt thật. Tưởng với tượng. Từ khi nào gã bắt đầu sinh ra cái trò tưởng tượng? Gã thích sự thực, thích thực tế tàn bạo, thích bất cứ điều gì có thật. Thực tế mới đáng tin. Gã có thể dựa vào thực tế, vin vào nó để trở thành một tên máu lạnh vô cảm. Điều đó khiến gã dễ chịu hơn, vì gã vốn là một thằng khốn lạnh lùng, tàn ác.
Simon hít vào hơi sâu và xua đi thứ xảm giác tồi tệ không thể gọi tên khiến gã thấy dễ chịu hơn một chút. Tất cả những gì cần làm là tìm Drea, xem tình trạng của cô hiện nay thế nào; rồi gã có thể quay về New York. Có rất nhiều việc cần làm; gã đã ở một chỗ đủ lâu rồi và đã đến lúc phải đi. Gã chỉ kiểm tra xem Drea thế nào, nếu cô ổn rồi gã sẽ rời đi mãi mãi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!