Thiên Táng
Chương 9: Tình yêu thiên táng
Trong lều, Văn ngồi sững lặng vì cái bọc. Hầu như bà cảm thấy được nó đang thở, chỉ cần bà ra lệnh là nó sẽ sống dậy. Cuối cùng, hai tay run rẩy, bà mở mấy dải băng quen thuộc – loại dải băng mà các bác sĩ khắp nước Trung Quốc dùng. Bên trong có hai cuốn sổ. Cả hai cuốn đều không ghi gì nhiều, nhưng mỗi nét trong từng con chữ đều được viết bởi tay người đã chiếm lĩnh ý nghĩ của bà ngày cũng như đêm, thật lâu như bà còn nhớ.
Máu Văn réo trong huyết quản. Sau quá nhiều năm tìm kiếm mà không biết liệu có tìm được hay không, cuối cùng bà đã cảm nhận được mình có thể nhìn thấy, nghe thấy và chạm vào chồng mình. Chầm chậm bà lật từng trang một, hầu như không dám chạm vào, chỉ sợ chúng vỡ vụn ra trong tay. Một trong hai cuốn sổ là những nhận xét y khoa, ghi lại những căn bệnh mà Khả Quân và các đồng đội đã mắc khi tiến vào Tây Tạng và cách chữa trị ra sao. Cuốn kia là nhật ký. Ở trang đầu có viết nhật ký này được ghi là để cho vợ của Khả Quân, Thư Văn, người mà Khả Quân thương nhớ bằng trọn trái tim.
Cả Zhuoma lẫn Thiên An Môn đều chẳng biết phải nói gì với Văn trong khi bà vừa run lẩy bẩy vừa khóc nức nở. Không một lời nói hay cử chỉ nào để ngăn nổi dòng nước mắt đã tích tụ quá lâu rồi.
Thiên An Môn thắp một ngọn đèn rồi treo gần bà. Bên cạnh bà, ông đặt một đĩa dầu để khi nào đèn cạn dầu thì châm thêm. Zhuoma cho thêm vài bánh phân bò vào ngọn lửa, rồi trải cho Văn một cái mền bông cạnh ngọn lửa và dẫn bà đến đó. Rồi sau đó hai người lặng lẽ ra khỏi lều.
Văn bắt đầu đọc cuốn nhật ký, lòng xiết bao hồi hộp. Bằng nét chữ rõ ràng, nhưng càng về sau càng lộn xộn không đều, nhật ký ghi lại những chuyện gì đã xảy ra với Khả Quân.
Toàn bộ mấy trang đầu tiên là nỗi ngạc nhiên của Khả Quân trước sự kháng cự từ phía người Tây Tạng mà đơn vị của anh gặp phải. Trong quá trình huấn luyện, người ta khiến anh tin rằng những cuộc đàm phán giữa chính phủ Trung Quốc với các lãnh tụ tôn giáo của Tây Tạng đã hoàn toàn thành công. Người ta bảo anh rằng các “chiến hữu Tây Tạng tốt bụng và chân thành” của họ chào đón Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với đôi tay rộng mở. Các lớp học mà anh theo học về phong tục tập quán của Tây Tạng và chính sách của chính phủ đối với các dân tộc thiểu số chẳng giúp gì nhiều cho anh trong việc chuẩn bị đối phó với sự thù địch mà anh gặp. Đơn vị của anh gồm toàn những nông dân trẻ thất học, đầu óc bị nhồi nhét những khẩu hiệu: “Giải phóng toàn bộ Trung Quốc!”, “Theo Cách mạng đến cùng!” Họ tin rằng mọi sự kháng cự đều là “phản cách mạng.” Khả Quân và chỉ huy đơn vị là hai quân nhân duy nhất có học. Dần dần hai người nhận ra rằng sự thù địch của người Tây Tạng xuất phát từ việc họ tin rằng người Trung Quốc là những con quỷ bí hiểm được đưa tới để hủy diệt tôn giáo của họ. Sự tàn bạo của người Tây Tạng thật ghê gớm: họ không chịu ngừng nghỉ chừng nào chưa xé được những con quỷ đó thành từng mảnh. Lính Trung Quốc đã trả đũa.
Suốt nhiều tuần đơn vị của Khả Quân tiến về phía Bắc trên lưng ngựa, hết sức thận trọng vòng tránh những vùng có người Tây Tạng sống hoặc chăn thả gia súc. Thế rồi, một chiều nọ, khi mặt trời đang lặn, họ nghe có tiếng kêu hấp hối từ phía sườn đồi. Viên chỉ huy và Khả Quân – cả hai đều nói được một ít tiếng Tây Tạng – tiến lên phía trước để kiểm tra. Khi lại gần cái âm thanh đáng sợ đó, họ thấy một cảnh tượng khiến cả hai người chết điếng vì kinh khiếp. Một đàn kền kền đang ăn thịt một đống xác người đẫm máu, trong đó một người vẫn còn sống và đang cố đánh đuổi một cách tuyệt vọng lũ chim ăn thịt đi. Viên chỉ huy chưa kịp ngăn thì Khả Quân – với tinh thần trách nhiệm đối với những người ốm đau thương tật – giơ súng lên bắn chết một con trong bầy kền kền.
Có tiếng vỗ cánh phần phật khi lũ chim bay vụt lên không, rồi thì im lặng khủng khiếp. Người bị thương nằm quằn quại trên mặt đất. Khi Quân đang dợm bước lại gần anh ta thì có một tiếng gầm phẫn nộ rít lên qua không khí như cơn bão táp. Anh nhìn lên thì thấy ở triền đồi trên đầu mình có một nhóm người Tây Tạng đang giận dữ nhìn xuống. Một cái rùng mình chạy dọc sống lưng anh. Anh nhận ra rằng trong khi vội vã cứu người đang hấp hối, anh đã xâm phạm vào nghi lễ tống táng và bắn chết một con chim thiêng. Anh kinh hãi khi nghĩ đến những hậu quả do hành động hấp tấp của mình – anh cũng băn khoăn không hiểu tại sao không có ai hiện diện ở lễ tống táng để đọc kinh, và tại sao một người vẫn còn sống mà lại bị để lẫn vào với những cái xác.
Một mắt trông chừng đám đông phía trên, Khả Quân quay trở lại chỗ Thiên táng. Người kia đã bất tỉnh. Khả Quân băng bó vết thương cho anh ta rồi mang anh ta đến chỗ ngựa của mình. Anh và viên chỉ huy cưỡi ngựa về lại đơn vị, Khả Quân giữ người bị thương ở đằng trước.
Tối hôm đó đơn vị cố di chuyển, tìm chỗ thích hợp để hạ trại, nhưng đi đến đâu họ cũng thấy lối đi đã bị người Tây Tạng chặn lại rồi nguyền rủa họ không tiếc lời. Họ sợ bị tấn công bất cứ lúc nào.
Khả Quân nhìn thấy sự khiếp sợ trên mặt các binh sĩ. Họ tin rằng hy sinh thân mình cho Cách mạng là một vinh dự, nhưng họ kinh sợ những sự trừng phạt mang tính tôn giáo của người Tây Tạng, những hình phạt mà họ đã nghe qua những lời đồn rùng rợn. Tinh thần binh sĩ vô cùng sa sút. Họ không có nước để nấu ăn, khẩu phần ít ỏi và rất thiếu củi để giúp họ chịu nổi cái lạnh cắt da của đêm cao nguyên.
Đến chính chỗ này trong cuốn nhật ký, chữ viết của Khả Quân bắt đầu nguệch ngoạc, như thể viết khi đang rất vội. Văn bị thôi thúc muốn đọc ngay mẩu nhật ký cuối cùng, bà muốn biết sự thực đến chết đi được, nhưng bà vẫn muốn tiếp tục đọc. Bà có nghĩa vụ với Khả Quân là phải đọc toàn bộ câu chuyện.
Trong nhật ký, Khả Quân tranh cãi với chính mình xem phải làm gì. Người Tây Tạng rõ ràng là sẽ không để họ tiếp tục cuộc hành quân. Người Tây Tạng sẽ trả thù những gì Khả Quân đã làm. Chẳng sớm thì muộn họ sẽ tấn công đơn vị, và ai mà biết được bao nhiêu binh lính sẽ bị thảm sát. Đơn vị đã gửi tín hiệu vô tuyến cho căn cứ chỉ huy nhưng không nhận được hồi âm. Không có gì bảo đảm là quân tiếp viện sẽ được cử tới. Nếu họ không hành động nhanh thì ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Khả Quân cảm thấy, bởi anh chính là người gây ra tình thế này, nên anh cần đến gặp người Tây Tạng để giải thích về hành động của mình. Có lẽ nếu làm vậy anh sẽ tranh thủ được một sự đình chiến cho các đồng đội. Anh đặt bút xuống mà lòng đầy bất an không biết ngày hôm sau sẽ đem tới điều gì.
Ngay khi trời rạng, Khả quân đi khám cho người Tây Tạng mà anh đã cứu khỏi những cái mỏ dữ tợn của bầy kền kền. Cho đến khi đó, anh ta đã có thể nuốt đồ ăn và cho Khả Quân biết tên anh ta là Cường Ba. Phải khó nhọc lắm, cứ mỗi câu lại phải ngừng để thở, anh ta mới kể được cho Khả Quân nghe chuyện gì đã xảy ra.
Anh ta giải thích rằng anh ta là một lạt ma trẻ từ một tu viện ở phía Bắc. Anh ta đến vùng này cùng các lạt ma khác để hái thuốc, nhưng họ gặp phải giao tranh ác liệt giữa người Tây Tạng với người Trung Quốc. Đã thế còn chưa hết, Cường Ba lại ngã bệnh. Phổi của anh ta trở nên rất yếu, anh ta cứ ngất đi rồi tỉnh lại. Các bạn đồng hành cho anh ta trú lại ở một tu viện gần đó, nhưng trong khi ở ở đấy, có tin rằng quân đội Trung Quốc đang đến gần. Trong cơn hoảng loạn, các lạt ma nhét thuốc vào cổ họng Cường Ba, giấu anh ta vào trong một hẻm núi bên ngoài tu viện rồi bỏ trốn.
Cường Ba không biết chính xác chuyện gì xảy ra sau đó nhưng anh ta nghĩ rằng có một nhóm người sắp sửa làm lễ Thiên táng thì nhìn thấy anh ta, lại cứ tưởng anh ta đã chết nên gộp luôn vào đống xác. Anh ta mường tượng rằng những người đó đã chạy trốn khỏi nơi hành lễ Thiên táng khi nghe thấy quân Trung Quốc đang đến gần. Họ không có thì giờ đậy kín mấy cái xác lại, vì vải liệm vừa mới được tháo ra để chuẩn bị phanh thây. Cường Ba vừa tỉnh lại thì một con chim khổng lồ sắp mổ vào ngực.
Chuyện kể xong, Cường Ba quỳ xuống chân Khả Quân tạ ơn cứu mạng.
Khả Quân ngăn anh ta lại. “Liệu anh có đứng được không?” anh hỏi.
Vị lạt ma trẻ gật đầu.
“Vậy đi với tôi,” Khả Quân nói, rồi dẫn Cường Ba tới chỗ vị Chỉ huy đang ăn bữa điểm tâm đạm bạc. Anh giải thích với Chỉ huy rằng Cường Ba sẵn lòng dẫn anh đi tìm nước và xin phép được rời khỏi đơn vị. Ấn tượng trước lòng can đảm của Khả Quân, Chỉ huy sốt sắng gật đầu.
Khả Quân liền ngồi xuống viết nhanh mẩu cuối cùng trong nhật ký. Cuối mẩu nhật ký, anh viết một bức thư cho Thư Văn:
Văn thân yêu,
Nếu hôm nay anh không về, những người khác sẽ kể cho em nghe chuyện gì đã xảy ra với anh. Hãy hiểu và tha thứ cho anh.
Anh yêu em. Nếu anh lên được thiên đàng, anh sẽ bảo đảm cho em sống một cuộc sống yên ổn thanh bình, rồi anh sẽ đợi em ở đó. Còn nếu vì chuyện này anh xuống địa ngục, anh sẽ cho đi bất cứ cái gì anh có để trả những món nợ hai ta đã mắc trong đời, anh sẽ làm việc để cho em có quyền lên thiên đàng khi giờ của em đã đến. Nếu anh thành ma, đêm đêm anh sẽ canh giữ cho em và xua đuổi bất cứ linh hồn nào quấy rầy không cho em ngơi nghỉ. Nếu anh không có chỗ nào để đi, anh sẽ tan biến vào không khí và ở bên em trong từng hơi thở của em.
Cảm ơn, em thân yêu.
Chồng em, người đêm ngày nghĩ đến em.
Khả Quân
Vào ngày hôm nay, ngày mà cả hai ta sẽ không bao giờ quên.
Văn lật sang trang kế, nhưng phần còn lại của cuốn nhật ký để trắng.
Bà cảm thấy căn phòng quay cuồng và một bóng đen chụp xuống mình. Rồi bà ngất đi.
Khi Văn tỉnh lại thì trong lều tối om hết cả ngoại trừ một ngọn đèn nhỏ đốt bằng bơ đang cháy leo lét. Thiên An Môn và Zhuoma đang ngồi với bánh xe cầu nguyện, lầm rầm khấn nguyện cho bà. Bà chìm vào một giấc ngủ dường như cũng sâu không đáy như hồ Trát Lăng. Trong giấc mơ, bà nghe tiếng hát buồn bã của Cường Ba vị ẩn sĩ.
Bà không biết mình đã ngủ trong bao lâu, nhưng khi thức dậy bà thấy Zhuoma đang ngồi bên cạnh mình.
“Có một thứ chị nên thấy,” Zhuoma cầm tay bà mà nói.
Bên ngoài lều có vô số khăn choàng khata không thể nào đếm xuể bay phấp phới trong gió và một đám đông người đứng chờ bà. Giữa đám đông, bà thấy Lão Ẩn sĩ Cường Ba ngồi trên mặt đất, hai bên là hai vị lạt ma.
“Ông ấy không phải là ma đâu,” Zhuoma nói. “Ông ấy cưỡi ngựa từ tu viện tới đây. Từ khi bị bỏ lại trong núi hồi còn thanh niên tới giờ ông ấy bị bệnh phổi tái phát suốt. Nhưng ông ấy thấy đã hồi phục đủ để tới đây gặp chị. Ông ấy muốn gặp vợ của người đã cứu mạng ông ấy.”
Vị ẩn sĩ lảo đảo đứng dậy bước về phía Văn. Ông vừa chìa cho bà một tấm khăn khata vừa cúi chào thật thấp.
“Thưa ẩn sĩ đáng kính,” Văn nói. “Tôi đã đọc trong nhật ký của chồng tôi rằng anh ấy muốn giải thích cho những người đang giận dữ bao vây đơn vị của anh ấy về việc tại sao anh ấy bắn một con kền kền thiêng. Anh ấy đã dẫn ông đi cùng. Xin ông kể cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra?”
Cường Ba ngồi xuống cỏ rồi ra hiệu cho Văn ngồi cạnh ông.
“Chồng bà bảo tôi ông ấy biết có một cách để đền bù lại cho con chim thiêng mà ông ấy đã giết. Ông ấy muốn tôi đưa ông ấy đến chỗ những người mà ông ấy đã xúc phạm, để ông ấy có thể đền bù cho việc phá ngang lễ Thiên táng. Tôi tin ông ấy. Tôi dẫn ông ấy tới chỗ mấy người đó, trên sườn núi. Đầu tiên tôi ngu ngốc cứ cố giải thích cho họ chuyện gì xảy ra với tôi, nhưng họ không chịu nghe. Họ cho rằng tôi đã biến thành ma bởi vì ngạ quỷ phá ngang lễ tống táng tôi. Họ tin rằng vì một con chim thiêng đã bị giết nên sẽ không còn kền kền nào trở lại trái đất nữa và người Tây Tạng sẽ bị đọa xuống địa ngục. Họ đã sắp sửa rút dao xông vào chúng tôi thì chồng bà rút súng ra bắn chỉ thiêng. Có một khoảnh khắc im lặng, và ông ấy nhân cơ hội này thét bảo họ để cho tôi đi.
“‘Tôi van các người hãy nghe tôi,’ ông ấy nói bằng tiếng Tây Tạng trọ trẹ. ‘Hãy để người này đi tới chỗ các bạn tôi để cho họ biết rằng tôi phải ở lại đây để sửa chữa việc tôi đã xúc phạm tới các sứ giả của thần thánh. Tôi sẽ đền bù cho con chim thiêng đã mất. Nếu không thì chẳng một kền kền nào của các người sẽ quay lại và các người sẽ không bao giờ vào được thiên đàng.’
“Nhóm người kia cho tôi đi qua một cách miễn cưỡng. Trong khi tôi đang rời đi, chồng bà dúi vào tay tôi một cái gói bọc trong mấy dải băng. ‘Nếu có chuyện gì xảy ra cho tôi, xin hãy bảo đảm chuyển vật này đến tận tay vợ tôi,’ ông nói.
“Tôi vẫn còn rất yếu nên phải khó nhọc lắm mới đi nhanh được. Ngay khi đã cách một quãng an toàn, tôi đứng lại nghỉ phía sau một bụi rậm. Từ đó tôi quan sát thấy chồng bà đặt súng xuống rồi phủ phục trên mặt đất. Rồi ông quỳ trước mặt nhóm người và nói với họ. Lời của ông vọng tới chỗ tôi đang nấp.
‘Tôi không đến đây để làm hại các người, mà cũng không một người Trung Quốc nào đến đây để hại các người. Chúng tôi chỉ muốn làm mỗi một điều là đưa tri thức Trung quốc đến cho các người, cải thiện cuộc sống của các người, như Công chúa Văn Thành đã làm hơn ngàn năm trước. Bà đã dạy các người dệt vải, trồng trọt và chữa bệnh. Chúng tôi muốn cho các người biết cách dùng những vật liệu mới để hoàn thiện lều ở của mình, cách làm ra những loại đồ da mới, cách làm cho súc vật béo hơn. Chúng tôi muốn giúp các người chinh phục được những con quỷ bệnh tật gây đau đớn cho các người. Mặc dù chúng tôi mang vũ khí, nhưng chúng tôi không muốn dùng chúng để chống lại các người. Chúng tôi chỉ dùng vũ khí như các người dùng dao, để tự vệ trước những kẻ ác.
‘Việc tôi làm ngày hôm qua là để cứu một trong các lạt ma của các người, anh ấy chưa chết như các người tưởng. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng tôi đã phạm sai lầm khi giết một trong các điệp sứ linh thiêng của các người. Tôi muốn chuộc lại sai lầm đó. Tôi sẽ hy sinh tính mạng mình để gọi chim thiêng về. Theo tôn giáo của các người, chim kền kền sẽ không ăn thịt quỷ. Sau khi tôi chết, xin các người hãy xẻ xác tôi bằng dao của các người, và các người sẽ thấy rằng có phải người Trung Quốc chúng tôi khi chết thì cũng giống như người Tây Tạng các người hay không. Nếu các thần thánh cử chim thiêng xuống để làm dấu hiệu, xin hãy tin rằng người Trung Quốc chúng tôi coi họ cũng như bạn mình, rằng thù hận và đổ máu là việc của quỷ dữ, rằng trong mắt các thần thánh tất cả chúng ta đều là anh em!’”
Cường Ba ngẩng lên nhìn trời.
“Rồi chồng bà nhặt súng từ dưới đất lên, quay về phía quê nhà ở hướng Đông, tự bắn vào đầu mình.”
Vị ẩn sĩ ngừng nói. Văn cũng nhìn lên trời. Sau vài khoảng im lặng kính cẩn, ông tiếp tục câu chuyện.
“Lòng trĩu nặng đau buồn, tôi tập tễnh về lại trại kể cho Chỉ huy nghe điều đã xảy ra. Ông ấy vội vàng đi tới chỗ tôi tả, các binh lính khác theo sát gót. Nhưng ông ấy không thể cứu được xác chồng bà khỏi bầy kền kền. Nhóm người kia đã dùng xao xẻ xác ông ấy và mặt đất bu kín những con chim đói. Có lẽ là trong thân thể vị menba, chúng có thể nếm được sự chân thành ở mong muốn hòa bình của ông ấy,” Cường Ba nói. “Có lẽ có cái gì đó mầu nhiệm trong sự xuất hiện nhiều chim đến như vậy. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, bầy kền kền đã ở lại đó hồi lâu, bay vòng vòng quanh đỉnh núi.
“Những người lính thấy những người Tây Tạng đang nhìn họ từ xa một cách kính trọng. Bằng hành động của chồng bà, họ nhận ra rằng người Trung Quốc cũng có thể được chim thiêng mang lên trời. Cái chết của ông ấy đã dạy cho họ rằng thịt của người Trung Quốc và tình cảm của người Trung Quốc cũng giống như của họ. Trong khi những người lính quay trở về trại, những chiếc khăn khata phất phới hai bên đường họ đi, thực hiện một điệu múa tưởng niệm dưới trời xanh mây trắng.
“Chỉ huy tiếp tục cùng quân lính tiến lên. Tôi lên đường quay lại tu viện. Trước khi chia tay, viên chính ủy hỏi liệu tôi có thể trông coi cái gói của Khả Quân và xem liệu có thể tìm một người lữ hành lương thiện nào để nhờ đem nó tới cho một phụ nữ tên là Thư Văn ở Tô Châu không. Ông ấy lo rằng ông ấy cùng quân của mình sẽ không còn sống mà về lại Trung Quốc. Tôi hứa với ông ấy tôi sẽ làm như ông ấy yêu cầu. Khi quay về tu viện, tôi khẩn cầu tu viện trưởng cho phép tôi đi lang thang khắp vùng mà hát về vị menba người Trung Quốc đã cứu mạng tôi và dùng chính mạng mình để xóa sạch hận thù giữa người Trung Quốc với người Tây Tạng. Từ dạo đó, không còn máu nào đổ giữa người Tây Tạng với người Trung Quốc ở vùng này. Dù cố gắng đến bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không tìm được một người lữ hành đáng tin cậy để mang gói này đến cho bà. Bây giờ, thay vì vậy, bà lại đến với tôi.”
Nghe xong câu chuyện của vị ẩn sĩ, Văn sụp xuống trước đám đông người chứng kiến với những chiếc khăn choàng khata phất phới, và bà cầu nguyện. “Án ma ni bát mê hồng.”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!