Thời Hoàng Kim - Chương 18: Hồng phất chạy trốn trong đêm (10)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
160


Thời Hoàng Kim


Chương 18: Hồng phất chạy trốn trong đêm (10)


Sau khi Lý Vệ công chết, Hồng Phất cũng chết theo chồng. Việc này nằm ngoài dự đoán của mọi người. Đầu đuôi câu chuyện thế này: Trước khi chết Vệ công còn làm tình với Hồng Phất. Sau đó ông kêu: tức ngực và đau đầu, nói xong thì chết. Hồng Phất kể khi làm chuyện ấy, ông còn khỏe lắm, cái ấy cứng như sắt, thẳng như cán cờ, ai ngờ chết luôn. Nói như thế là đại bất kính với người đã khuất, nhưng câu sau mới đáng kính: Ông ấy chết, tôi cũng chẳng sống nữa! Mấy ngày sau thì treo cổ. Nàng không nói chơi, còn dâng tấu chương lên hoàng hậu xin được tuẫn tiết. Từ khi nhà Đường khai quốc, quốc công phu nhân tuẫn tiết là chưa hề có bao giờ, cho nên việc này gây chấn động rất mạnh. Người ghen ghét bảo con mẹ này lai lịch chẳng ra sao, chồng chết biết là chẳng còn chỗ đứng bèn chết theo để lên mặt; nhưng triều đình thì coi việc Hồng Phất tuẫn tiết là việc tốt lành, không những chứng minh đàn bà đại Đường có nghĩa tình sâu đậm mà còn chứng minh phẩm hạnh rất cao của giới quý tộc. Hoàng hậu giáng chỉ phong Hồng Phất danh hiệu “tiết liệt phu nhân” và cử ông Lưu chủ quản nội cung thu xếp việc này. Ông Lưu thấy công việc nặng nề bèn mời bà Ngụy làm cố vấn, bà là người có rất nhiều kinh nghiệm việc giải quyết các vụ tự tử. Do đó vụ tuẫn tiết của Hồng Phất ngay từ đầu đã được những quan chức chuyên nghiệp xử lý. 

Hồng Phất biết rằng Vệ công chết đi thì mọi người cũng coi nàng như chết rồi, nói vậy cũng chưa hết ý, thực tế là thế này: Nếu nàng muốn tiếp tục sống thì sẽ bị mọi người ghét bỏ, nếu nàng nói sẽ chết thì mọi người sẽ kính trọng. Bên cạnh hoàng thành có một con suối nước nóng, ở đó chỉ đón tiếp những người đàn bà có lệnh vua. Sau khi tắm xong, có thể nằm trên đệm da gấu uống nước quả ướp lạnh. Sáng sớm Hồng Phất ở đó, nàng nghe thấy tiếng một cô bé: Mẹ ơi cô ấy là ai mà đẹp thế! Một giọng quen: Mặc kệ bà ta! Đó là Vệ công phu nhân, đồ vô liêm sỉ – chồng chết mà còn đi chơi. Hồng Phất nhìn, thì ra là vợ Trình Giảo Kim đem theo con gái bèn nói: Trình phu nhân, lâu quá không gặp. Ngày mai tôi tuẫn tiết rồi, xin bớt chút thì giờ lại thăm người quen cũ. Nghe thế, Trình phu nhân lập tức tỏ lòng kính trọng: Ngày mai ư? Bà định thế nào? Treo cổ à? Treo cổ tốt lắm. Vợ bé của Hàn Quốc Công uống thuốc độc ba ngày thượng thổ hạ tả kêu khóc ầm ĩ. Cuối cùng phải nhờ sư phụ lấy chày đập vỡ đầu mới chết được, mắt lồi ra như mắt cá vàng. Có người nuốt kim, máu ứa ra thất khiếu, sốt cao nói lung tung. Tóm lại treo cổ vẫn là tốt nhất. Nhưng đàn bà nói khó tin lắm, chắc gì treo cổ đã tốt. Nói với người sắp treo cổ bảo treo cổ tốt; nói với người sắp nhảy giếng bảo nhảy giếng tốt. Hồng Phất vốn ghét treo cổ nhưng từ khi  lãnh đạo  bố trí cho treo cổ thì nàng bắt đầu thấy thích treo cổ. Điều này đối với mọi người đều thật khó hiểu. 

Hồng Phất nghĩ, đứng trên chiếc ghế đỏ, ba thước lụa bạch vắt trên cổ, đạp một cái là vào cõi hư vô. Nhưng đứng trên ghế thì khó, chết rồi lại trợn mắt lè lưỡi, mặt tím tái, lại còn bài tiết không kiểm soát được, bẩn thỉu quá. Nếu là người thường thì thế nào cũng được, đằng này là Vệ công phu nhân, khó coi lắm. Hồng Phất ba ngày không ăn, còn nhờ thầy thuốc rửa ruột, nàng trang điểm rất kỹ, trát một lớp phấn dày, bước lên ghế còn nhờ người lấy lụa băng mắt để mắt không rơi ra, lấy lụa buộc tay, giãy giụa sẽ không ra thể thống gì. Xong mọi việc, tất cả đi ra ngoài chờ nghe tiếng ghế đổ. Ghế đổ có nghĩa là người tự sát đã thành người chết. Mọi người có thể khóc và chia tài sản. Nhưng để đề phòng gãy cổ, người ta độn sợi thép ở cổ và dùng dây rộng bản cho nên có khi ba bốn giờ sau mới chết, có người còn nói chuyện chán chê, cho nên không phải đạp một cái là vào thế giới hư vô đâu. Hồng Phất nghĩ vậy là muốn để cho tình cảnh của mình khá hơn một chút. 

Việc làm của Hồng Phất không phải không có ai can ngăn. Con gái của nàng nói: Tuẫn tiết là âm mưu của bà, bà làm thế là giả chính chuyên thôi! Năm đó Hồng Phất năm mốt tuổi, theo tiêu chuẩn đại Đường là bà rồi, nhưng nàng chăm sóc sắc đẹp rất tốt, trông chỉ khoảng ba mươi. Bí quyết là từ khi bốn mươi tuổi nàng không ăn gì ngoài thịt dê non và trái cây, ngày nào cũng tập thể dục. Người ta bảo nàng trẻ nhưng sự biến đổi những bộ phận trên cơ thể mà chỉ có mình nàng nhận ra và biết là mình không còn trẻ. Do đó nàng hay nói: Chắc chắn sau này tôi sẽ là bà già bị mọi người ghét. Chuyện nhỏ ấy với người khác là bình thường, nhưng chúng ta đừng quên Hồng Phất nổi tiếng là người đẹp và nàng luôn luôn thấy mình vẫn chưa đẹp như ý muốn. Nàng không chịu nổi tâm thế như vậy và nàng chọn cái chết. 

Hoàng thượng ban cho một dải lụa bạch, đặt trên cái mâm, khi Hồng Phất bước ra sẽ có người bưng mâm đi trước. Hoàng thượng còn ban cho gông vàng cùm ngọc lúc nào cũng phải đeo vì hoàng thượng biết Hồng Phất ghê gớm lắm, sợ nàng đổi ý chạy mất. Gông cùm rất nặng, Hồng Phất có võ mới đeo được chứ không thì chịu. 

Bà già Ngụy còn bắt nhịn ăn mười ngày để cho người sạch sẽ, tránh người chết bài tiết ra, biết đâu hoàng thượng sẽ đến ngự lãm, không thể sơ xuất. Người ta cho nàng ăn bông để tẩy sạch ruột, uống nước hãm bằng cánh hoa hồng Tây Tạng cho đến khi ra mồ hôi màu hồng. Những thứ ấy cực kỳ khó nuốt và gây buồn nôn ghê gớm. Hồng Phất cho gọi ông già Lưu đến phản đối: Lẽ nào người tuẫn tiết không còn quyền con người nữa sao? Không cho tí đường vào nước được hay sao? Ông già Lưu bảo không được, đó là phương thuốc cổ rất hiệu nghiệm, không có đường, còn quyền con người cũng không có đâu. Đó là vì Hồng Phất phụng chỉ quy thiên, về trời theo lệnh vua, chỉ có vinh quang không có nhân quyền. Vì vậy nhất nhất ăn ngủ, làm gì đều có người sắp đặt hết. 

Bà già Ngụy kể, bà đã phục vụ rất nhiều đám tự tử, chưa thấy ai bướng bỉnh như Vệ công phu nhân. Bà ấy còn đòi đi dạo mát, không có vẻ gì là người muốn chết cả. Bà già thừa nhận là nàng rất rộng rãi, nàng thưởng vàng thưởng bạc cho bà, đều là tiền riêng cả, làm việc này tiền chẳng được bao nhiêu. Một việc gây ấn tượng sâu sắc là tối cuối cùng, nàng đang tắm hơi thì bà cho nàng uống thuốc tẩy, thứ thuốc rất đắng nhưng nàng chẳng kêu ca gì, bò xuống như con ngựa, chổng mông lên uống hết. 

Bà già ghi lại rất nhiều câu nói của nàng, sau này in thành tập lấy tựa đề là “Tiết liệt phu nhân tuẫn tiết ngữ lục”, bán được rất nhiều tiền. Trích vài câu như sau: 

Đêm hôm ấy, tôi và Vệ công làm chuyện vui vẻ trong tư thế này.  – Nói chuyện khi uống thuốc. 

Lát nữa được gặp Lý Tịnh rồi. Hôm ấy đã bảo nghỉ một chút rồi làm tiếp thế mà anh ấy lại quên. –  Tự nói với mình lúc lâm chung. 

Sau này lấy chồng phải chọn người trẻ tuổi, trước khi làm chuyện ấy nên xem mạch. –  Nói với con gái. 

Lát nữa treo lên, có hở mông ra thì đừng cười nhé. –  Lời tặng mọi người trước lúc lâm chung. 

Một cái rạp cói rất cao và rộng dựng lên ngay sân nhà nàng để làm nghi lễ tuẫn tiết. Hôm treo cổ, Hồng Phất mặc đồ trắng, trang điểm cực kỳ xinh đẹp. Nàng từ phòng ngủ bước ra có hai thái giám theo sau, đi rất nhanh đến thẳng cái bục. Trên bục có nhiều người phục vụ. Mấy người đứng bên dưới quay tời nâng bục lên cao. Lúc ấy là giữa trưa mà đèn nến sáng trưng. Trong rạp đông nghẹt người, bởi vì Vệ công phu nhân của đại Đường tuẫn tiết, sứ giả các nước đều đến dự. Hồng Phất bảo: Đông thế này xấu hổ lắm, mà không biết đón tiếp có chu đáo không. Bà già Ngụy bảo: Chuyện ấy tiết liệt phu nhân đừng bận tâm – việc của quý phu nhân là chết. Bà già vừa nói vừa lấy dải lụa vua ban quấn ba vòng lên cổ Hồng Phất. Nàng ngước mắt nhìn lên thấy xà ngang và móc sắt, bảo: Sao tôi thấy giống như treo lợn quá. Lúc này rèm lụa đen buông xuống không ai nhìn thấy họ cả. Những chuyện xảy ra sau đó rất phức tạp, xong xuôi cả rồi ông già Lưu mới nói: Thưa tiết hạnh phu nhân, bà có muốn nói gì không ạ? Hồng Phất bảo: Tiên sư mẹ ông, mau lên! 

Cần nói thêm rằng, khi bước lên bục nàng không thấy có ghế đẩu. Nàng nghĩ treo cổ phải có ghế đẩu. Hỏi ra mới biết, không có ghế vì nàng không cần phải treo lên rồi đạp đổ ghế. Bà già Ngụy bảo cách ấy không hay lắm, thường người ta bị treo xiên xẹo. Bây giờ cải tiến bằng cách nàng tự giật dây máy sẽ chạy và bục hạ xuống. Phát minh này hoàn toàn ngoài tưởng tượng, nàng giật thử dây, có vẻ không khoái, nàng nói: Chuyện lớn thế này tại sao không hỏi tôi? Tôi tưởng là đạp ghế nên cứ nghĩ mãi sẽ đạp thế nào. 

Một thái giám đến: Thưa tiết liệt phu nhân, xin phu nhân đưa tay ngọc ra. Hỏi: Làm gì? Đáp: Xin tha tội vô lễ, để trói ạ. Hồng Phất bảo: Các ngươi sợ ta chạy à? Bà già Ngụy nói: Không đâu ạ, sợ lát nữa quý phu nhân quờ quạng bất tiện lắm. Hơn nữa quý phu nhân giỏi võ, sợ không giữ được tay, vậy xin quý phu nhân cố chịu, quý phu nhân sắp chết rồi xin bỏ quá cho. Gã thái giám miệng nói tay làm, thoăn thoắt rất thạo việc. Hồng Phất bảo: Nhà ngươi có vẻ hay trói người, học ở đâu vậy? Thái giám nói: Dạ thưa, học ba ngày ở nha môn để phục vụ phu nhân. Hồng Phất bảo: Nhà ngươi vất vả quá, ta thưởng mười lượng bạc, nhà ngươi đi gặp bà Ngụy, này bà Ngụy, ta còn bạc không? Bà già Ngụy cười gượng: Dạ còn ạ, phu nhân cứ dùng ạ. Khi có người cầm dải lụa đen bảo nàng nhắm mắt lại, Hồng Phất hỏi để làm gì, bịt mắt ta à, sợ ta nhìn thấy gì à? Bà già Ngụy nói: Quý phu nhân không trong nghề không biết, không bịt vào mắt lồi ra khó coi lắm ạ. Hồng Phất bảo: Sao lắm chuyện thế! Tự ta muốn chết chứ không phải chết cho người ta xem! Bà già ngạc nhiên: Phu nhân đói quá nói mê ư? Quả phụ tuẫn tiết, không để cho người ta xem thì chết làm gì! 

Bịt mắt rồi, tối mò mò, có người bảo: Xin phu nhân thẳng lưng để quàng dây. Được rồi ạ. Phu nhân thử lắc đầu – được không ạ? Có ngay ngắn không ạ? 

Hồng Phất nói: Ngay ngắn rồi, đưa dây đây. Ông già Lưu nói, chưa được, còn lâu, bây giờ thít dây, xin phu nhân kiễng chân lên, được, thít chặt chút nữa. Nàng bảo: Tại sao không mau lên, ta khó chịu lắm rồi. Bà già Ngụy bảo: Chả có cách gì mau được, nếu khó chịu thì thôi, phu nhân đừng chết nữa. Xong rồi, bỏ rèm ra! Nàng thấy gió thổi, thoáng mát quá, muốn hít một hơi mà không được. Nghe tiếng người ồn ào, nàng bảo: Được rồi, mọi người nhìn thấy cả rồi, đưa dây đây, ta không chờ được nữa đâu. 

Lúc đó đầu óc nàng minh mẫn, mặc dù bị trói chặt và bịt mắt nhưng vẫn nhớ động tác là khi chết phải thẳng chân đừng có co quắp. Nàng gọi: Bà Ngụy đâu rồi, còn chờ gì nữa? Bà già bảo: Thưa tiết liệt phu nhân, phu nhân được ơn trên, hoàng thượng và hoàng hậu sẽ đến xem ạ. Trong khi chờ đợi, già này đi ăn chút gì. 

Bị treo lơ lửng mãi chẳng biết phải làm gì, nàng dự kiến tương lai của mình: Khi lấy gương thử không thấy hơi ra mũi biết là ngừng thở, họ sẽ thả xuống ngay. Lúc đó xác còn mềm, máu chưa đông, họ cắt cho máu chảy ra hết rồi bơm thủy ngân vào thay cho máu, bình thường chín chục cân, lúc đó sẽ là tám trăm cân. Họ bỏ băng mắt ra và cho nàng ngồi, lúc ấy nàng còn đẹp hơn cả khi sống. Nàng sẽ ngồi ngay ngắn trong linh đường để mọi người, từ hoàng đế đến người dân áo vải thưởng ngoạn. 

Nhiều sử sách chép lại giải thích khác nhau về lý do tự sát của Hồng Phất, thậm chí có sách nói không phải nàng tự sát mà là bị hoàng thượng ra lệnh xử tử do có ý định tự sát. 

* * 

Tôi sắp sửa kết thúc cuốn sách, như đã giải được câu đố. Lý Vệ công đã chết, Hồng Phất bị treo lên, về sau thế nào không còn quan trọng nữa, câu chuyện này được chính Hồng Phất đặt dấu chấm hết. Từ đó rút ra một kết luận: Hồng Phất tuẫn tiết đang lúc thiên hạ thái bình,  lãnh đạo  gặp việc gì cũng nghĩ về phía tốt lành. Khi có một Hồng Phất vì lý do gì đó muốn chết,  lãnh đạo  cũng thản nhiên giải quyết và coi là một việc tốt lành. Tôi cũng ở tình cảnh như vậy, bây giờ có một Vương Nhị vì một lý do chưa biết, với một phương pháp chưa biết đã chứng minh định lý Fermat, lãnh đạo cũng coi là một hiện tượng tốt, là một thành quả và coi tôi là người tài. Sống trong lúc thiên hạ thái bình, chúng tôi (Hồng Phất và tôi) thật là hạnh phúc. 

Có người bảo tôi không nên viết truyện này vì tôi không thạo. Họ bảo viết truyện quái đản phải có ngụ ý nếu không thì không hiểu được. Tôi không đồng ý mặc dù tôi khá khiêm tốn. Theo tôi chuyện này không có gì quái đản. Tôi chỉ viết về cuộc sống của tôi – tất nhiên nó có sự thật và có tưởng tượng, nhưng cuộc sống người ta cũng vậy. Cuộc sống thì có ngụ ý gì? Nó mà có được chút gì để hy vọng là tốt lắm rồi. Đối với tôi đó là chứng minh định lý Fermat, với Hồng Phất đó là trốn khỏi Lạc Dương. Nhưng cái chúng tôi cần không phải là chứng minh định lý Fermat, và trốn khỏi Lạc Dương mà là hy vọng. Nếu có ngụ ý thì chính là thế. Nói cho rõ là: chẳng có hy vọng gì hết. Cuộc sống của chúng ta không thay đổi được. 

Trong cuộc đời mình, Hồng Phất đã làm được hai việc quan trọng: Một là trốn khỏi thành Lạc Dương năm chưa đến hai mươi tuổi, hai là tự sát hồi năm mươi tuổi. Một việc thành một việc không thành. Thành hay không thành đều gây sự ngạc nhiên cho mọi người vì cả hai việc đều không nên làm. Hồng Phất rất ít suy nghĩ vẩn vơ, nghĩ ra cái gì thì làm luôn. Bây giờ tôi đang sống chung với Oanh, người ta hỏi tại sao không cưới, nói thực tôi cũng không biết tại sao. Xung quanh tôi là một bầu không khí nóng hừng hực như trong phòng tắm hơi, hình như ai cũng đang sốt sắng quan tâm đến người khác. Tôi tuyệt nhiên không thể coi bầu không khí đó là có thật, họ quan tâm đến người khác vì chẳng có việc gì để làm. Cứ cho là không còn bầu không khí đó nữa thì họ vẫn không hết quan tâm đến người khác. Ngay như tôi, cứ hay đoán người ta ra sao, không phải là đoán người con gái cởi quần áo ra sẽ thế nào mà là đoán bụng dạ người ta, họ đang nghĩ gì. 

Bây giờ tôi hay nghĩ đến một người, đó là cô bé Do Thái Ann Frank trốn trong “buồng xép” trong đại chiến thứ hai. Em viết trong nhật ký: em tin rằng mọi người, trong tận sâu đáy lòng mình đều lương thiện, sau đó em bị bọn phát xít bắt và bị giết trong trại tập trung. Như vậy, bằng phương pháp bi thảm nhất, em đã chứng minh mình sai. Giá trị cuộc sống của em là chứng minh đừng bao giờ tin ở sự lương thiện của con người. Ít nhất đợi chứng cứ đã rồi hãy tin. 

Bạn không thể nhận ra tôi trong đám đông mặc dù tôi tóc hoa râm và bốn mùa mặc quần áo xám. Bây giờ hàng ngày tôi đi làm, trên bàn có chiếc nghiên mực kiểu cổ, một bên mực đỏ, một bên mực xanh, ở giữa có cái rãnh để rất nhiều ngòi bút. Mỗi sáng tôi chọn ngòi bút rất kỹ, những cái quá cùn tôi lấy giấy gói lại bỏ sọt rác. Sau đó đeo kính viễn lên chấm bài cho sinh viên, đó là các sinh viên của thằng Berkeley. Chấm xong tôi để sang bàn làm việc đối diện, lấy bản in thử sách giáo khoa ra xem, mười một giờ vào toa-lét rửa tay chuẩn bị về nhà. Tôi cứ thế già đi từng ngày. Với dáng vẻ như thế của tôi bạn không thể biết được tôi từng phút từng giờ từng đêm từng ngày tôi nghĩ vẩn vơ, nhớ bầu trời tím, nhớ bãi lau xanh bạt ngàn bên sông, nhớ anh bạn ngựa thồ và tất cả những gì nhìn thấy khi tôi mười bảy tuổi. Tôi vốn không cần cù như thế, tôi làm ra vẻ thế thôi. Bạn không thể thấy được những cái giả vờ đó qua một giảng viên toán gầy gò và tiều tụy. Về chuyện người ta nghĩ gì, tôi có một thí dụ: đó là chính tôi, người ta không bao giờ nói hết với tôi, cho nên tôi cứ suy bụng ta ra bụng người. Thống kê học đã chứng minh từ một mẫu cá biệt có thể suy ra tổng thể vô hạn. Phương pháp này tồi hết chỗ nói. Ann Frank đã phạm sai lầm đó. Em lương thiện cho nên em nghĩ ai cũng lương thiện. Suy luận đó thực sự là hài hước đen. Nhưng đoán lòng dạ người khác thì phải thế, chẳng có cách nào khác cả. Cho tới tận bây giờ, chưa có một điều gì chứng minh là tôi đúng nếu tôi nghĩ là con người ta ra đời là một điều thú vị, quá khứ thú vị, khát vọng thú vị, nội tâm thú vị nhưng giả vờ thì không thú vị. Cũng chẳng có một việc gì chứng minh là tôi sai nếu tôi tin rằng con người ta sinh ra là một điều vô vị, quá khứ vô vị, hiện tại vô vị, không thích những chuyện thú vị, không thích hành động và ý nghĩ là một. Cho nên đến tận bây giờ, tôi chỉ có thể sống trong thế gian này với một tâm lý tuyệt vọng. 

[1]    Piere de Fermat (1601-1665): Nhà toán học người Pháp (ND).  

[2]    Hai cạnh góc vuông là 3 và 4 thì cạnh huyền là 5 (ND).  

[3]    Nhân vật trong tác phẩm “Faust” của Johann Wolfgang Goethe, nhà văn Đức (ND).  

[4]    Mặc Tử (480-420 trước CN): Triết gia Trung Quốc (ND).  

[5]    Trung Quốc quy định mỗi gia đình chỉ sinh một con (ND).  

[6]    Già mà không chết là làm giặc (ND).  

[7]    Câu lạc bộ lấy tên Petofi, nhà thơ lớn của Hungary, là điểm nổi dậy và xuất phát cuộc lật đổ chính quyền công nông Hungary năm 1956 nhưng bị dẹp tan (ND).

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN