Thời Hoàng Kim - Chương 7: Tình yêu thời cách mạng (7)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
174


Thời Hoàng Kim


Chương 7: Tình yêu thời cách mạng (7)


Bây giờ tôi đã về nước, làm việc tại một cơ quan nghiên cứu. Tôi gặp lại cô sinh viên sắc màu – người tình đầu tiên của tôi. Thời cách mạng chúng tôi đã hôn nhau, bây giờ cô đã là một bà tuổi trung niên, làm việc trong cùng dãy phố với tôi. Cô bảo tôi: thì ra anh lớn lên vẫn như thế – giọng nói có vẻ thất vọng, hình như tôi lẽ ra phải là Churchill   (   [8]  )  , cô hỏi tôi có mối làm ăn nào kiếm được không. Tôi hơi thất vọng, cô trông có vẻ tiều tụy và béo bệu, y hệt như mụ Lỗ ngày xưa, không thấy mùi kẹo sữa đâu, chỉ thấy mùi hành tỏi trên áo, mùi khói mỡ trên tóc. Tất nhiên tôi không mong cô xinh như hồi hăm ba tuổi, nhưng tôi mong cô dáng người vẫn thon thả, tư thế vẫn cao sang, đâu có phải là quá đáng, nhưng tôi không dám nói ra, chỉ nói khi nào kiếm được mối làm ăn sẽ liên hệ với cô, thế rồi chia tay. 

Tôi kể cho cô nghe chuyện tôi ở châu Âu. Mùa hè châu Âu đầy đặc một đội quân mệt mỏi, bụi bặm, vai đeo ba lô và túi ngủ, da xạm đen từng mảng vì nắng gió, tóc bạc màu chen chúc trên bến tàu, ga xe lửa. Họ là học sinh sinh viên nhiều quốc tịch đi nghỉ hè. Sáng leo lên tháp Eiffel chơi, tối ngủ thành dãy, tất cả đều chui vào túi ngủ đủ các màu, nằm la liệt như người chết, con trai rất vạm vỡ, con gái rất xinh, có người trong túi ngủ còn có sách của Guevara và của Trotsky. Một nguồn lực ghê gớm, rất cần có người hướng dẫn họ cách làm máy bắn đá, khiên giáp, dạy họ cầm giáo leo mái nhà, không thì phí quá. Nhưng người đó không phải là tôi, tôi không còn trẻ nữa, không thuộc về họ. Khi cùng đứng với họ để lấy vé vào bảo tàng, nghĩ mình đã ba mươi sáu mà thấy ngượng, tuy rằng người Âu Mỹ không biết nhìn đoán tuổi đối với người phương Đông (chúng ta già hay trẻ nhìn mặt chứ không nhìn bụng). Nhưng vợ tôi chẳng kể gì, hỏi hết người này đến người khác có ăn kẹo không. Người ta hỏi lại cô ấy tôi là ai và rồi kêu lên:  Husband?  Mọi người nhìn tôi với vẻ trách móc vì người ta tưởng cô ấy chỉ mười sáu mười bảy tuổi. Sau đó tôi tuyên bố lập tức ly hôn. Cô sinh viên sắc màu nghe rồi chau mày nói: Anh vẫn thế mà tôi thành bà lão rồi. 

Trở lại mùa xuân năm 1968 tôi và cô ngồi trên bờ sông, trước mắt là một thế giới hiu hắt bàng bạc. Cây cối xám ngắt, dòng sông không màu, bầu trời u ám, mặt trời len lỏi giữa những đám mây, khi sáng khi tối nhưng tịnh không một chút vàng không một chút đỏ. Mặt đất lổn nhổn sỏi đá. Cô nằm ôm tôi trong bóng cây. Da cô ướt đẫm, lòng tôi hoang mang. Có lúc mặt trời sưởi ấm, có lúc gió thổi lành lạnh. 

Khi đó chúng tôi không nghĩ gì đến tương lai, chỉ nghĩ giờ này phút này. Lúc đó tôi rất muốn làm tình nhưng chỉ sợ mình chảy rụi như người bằng sáp. Lúc đó tôi không nghĩ về sau còn bao nhiêu là chuyện, càng không nhĩ sáu năm sau gặp Hải Ưng  x  , nếu biết trước thì sẽ không đánh giá mình dễ nóng chảy đến thế. Trải qua những giờ phút như thế này, về sau làm tình với Hải Ưng  x  , tôi đã điềm nhiên như một chiến binh già dặn có hai mươi năm xông pha lửa đạn. Tôi đoán lúc đó Hải Ưng  x  cũng thấy hoang mang, vì sau đó cô nói rằng có lúc cô như đã chết trong tay tôi. Nghe nói thế tôi rất hài lòng. Điều tôi tiếc là không chết ngay khi ở bên cô sinh viên. Cảm giác chết như thế sẽ hạnh phúc lắm. 

Khi tôi và cô sinh viên ngồi bên bờ sông thì Hải Ưng  x  đã làm những điều kỳ quặc. Cô ta mặc bộ quân phục cũ, đeo ba lô rảo bước trên con đường đất cùng với các cô gái đồng trang lứa. Cách đó không xa ô tô xe lửa ầm ầm chạy qua. Các cô đến thôn Bạch Dương Điện tỉnh Hà Bắc để cùng ở cùng làm với nông dân địa phương. Nhưng họ lẩn tránh các cô, không ở chung, dụng cụ thì giấu đi hết, ruộng các cô đã trồng họ xới lên trồng lại. Cuối cùng họ đuổi các cô đi. Sự kiện đó không mở mắt cho các cô được chút nào, trên đường về vẫn cười nói râm ran. Khi Hải Ưng  x  đã tử tế với tôi, cô kể cho tôi chuyện ấy. Lúc đó cô mặc quần lót ngồi trên giường vừa kể vừa cười, tôi ngồi bên cô như ngửi thấy mùi táo xanh. Thời cách mạng cô là gái đồng trinh và đã thề là gái đồng trinh suốt đời. Cho nên lúc nào cô cũng phải ngây thơ. 

Khi đi chơi với tôi, có lúc cô sinh viên bỗng thấy buồn nôn, cô tránh tôi đến chỗ vắng và nôn, khi trở lại mùi kẹo sữa càng rõ. Tôi bảo, có thể cô bị bệnh nên đi khám xem. Cô bảo không có bệnh. Tôi ra điều hiểu biết bảo cô có thể có mang. Cô phát tôi một cái bảo: Nói bậy, có mang với ai? Rồi sửng sốt hỏi: “Tại sao cậu biết chuyện này?”. Từ nhỏ tôi đã biết nhiều chuyện đại loại như thế nhưng chỉ hiểu lơ mơ vậy thôi. 

Cô bảo vì cô nghĩ đến mấy chuyện buồn nôn, khi ấy tốt nhất là nôn ra, để trong lòng làm gì. Thì ra cô muốn nôn là nôn ra được. Cô sinh viên da rất trắng và lông mi rất đen, cô chỉ có hai màu trông càng thanh khiết, không như Hải Ưng  x  còn có màu xanh nhờ nhờ nữa, hình như bộ quân phục cũ thôi màu ra. 

Tôi chưa bao giờ thấy buồn nôn, chỉ thấy chán chường. Trước cùng một sự vật, phản ứng của người ta không giống nhau, có thể đó là một điểm khác nhau giữa đàn ông và đàn bà chăng. Nghe tôi nói thế, cô sinh viên lại sửng sốt: “Đàn ông? Cậu là đàn ông ư?”. Tôi bảo kỳ lạ thật, tôi không là đàn ông thì là đàn bà à? Lát sau hiểu ra ngụ ý câu nói, tôi cáu lắm, phớt lạnh luôn. Cô giải thích: Tôi không nói cậu, mà nói cả hai chúng mình. Cậu chẳng phải là đàn ông, tôi cũng chẳng phải là đàn bà, chẳng ai biết mình nên gọi là gì. 

Tôi chưa bao giờ đi chơi với Hải Ưng  x  , chỉ ở trong căn phòng tối om nhà cô ta. Căn phòng không có cửa sổ quay ra hướng nắng, có mỗi một cửa phía bắc lại ở tít trên cao. Cô ta bảo căn phòng này có một hương vị như làm công tác bí mật làm cô thích thú. Tôi ngửi thấy thoang thoảng mùi mốc, nhìn thấy mấy con bọ cuốn chiếu đang bò. Ngọn đèn hắt ra màu vàng ảm đạm hòa lẫn với màu tường. Tôi hiểu cái hương vị mà cô nói là thế nào, nhưng tôi không thích. 

Tôi và cô sinh viên chưa chơi với nhau trong căn nhà nào, toàn ở ngoài trời cho nên mỗi một sự việc đều rất đáng yêu. Khi hôn bao giờ cô cũng đặt tay dưới cằm tôi, vừa đụng môi một chút cô đẩy nhẹ ra ngay. Với Hải Ưng  x  tôi chưa bao giờ chủ động hôn cả, khi giao hợp thì tôi cương cứng như thép và quần quật không biết mệt, còn đối với cô sinh viên, tôi không nói ra thì hơn. 

Trước khi tôi đến nhà máy đậu, cô sinh viên bảo tôi và cô cùng bỏ đi. Vì cô yêu tôi, cô sẽ nuôi tôi sau này tôi nuôi lại cô. Nhưng xưa nay rủ đi trốn phải là con trai, bây giờ làm trái lại, có vẻ ngược đời cho nên tôi không bằng lòng. Tôi chắc cô cũng nói chơi thế thôi cho nên sau này cô đi chẳng nói với tôi một câu. 

Cô sinh viên thường để đôi vú ngọc ngà của cô sát bộ mặt lông lá xấu xí của tôi, việc đó gây ấn tượng mạnh cho cả hai – tôi nghĩ chắc tình thương trỗi dậy cô mới có ý định nuôi tôi. Thực ra tôi không cần cô nuôi, nhưng điều đó không quan trọng và thực tế cô đã không phải nuôi tôi, nhưng điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng là câu ấy đã nói ra, và tình yêu của chúng tôi đã được một câu nói ghim chắc lại như vậy đó. 

Tôi và Hải Ưng  x  đi qua một chặng đường giống hệt nhau. Mùa thu năm 1968 cô sinh viên đi. Tôi quay về trường rồi phải đi tập quân sự, ngày nào cũng đi đều. Tôi và Hải Ưng  x  đều đi tập, chỉ có khác là tôi chẳng nói chẳng rằng, lầm lầm lì lì, cô ta thì vui vẻ nói cười luôn miệng. Tôi còn hay bị gọi ra làm mẫu, tôi rất khó chịu nhưng không dám chống lệnh sĩ quan giáo viên (là tiểu đội trưởng). Nhân tiện nói thêm, tôi đi đều rất chuẩn vì tôi đã từng tập trong đội thể dục, chẳng phải vì tập quân sự, nhưng tay giáo viên thích nói đó là do hắn dạy tốt, thì mặc hắn. Tập xong các kiểu đi đội hình thì chuyển sang giáo dục tư tưởng, đấu tư sản, phê xét lại, ôn đắng cay nhớ ngọt bùi, vân vân. Họp lớn họp bé tôi đều im như thóc. Nếu giáo viên chỉ tôi phát biểu, tôi bảo tôi xin nói sau ạ. Còn Hải Ưng  x  toàn chép sẵn ra giấy rồi đọc nghiêm chỉnh. Sau này cô ta hỏi tôi tại sao không phát biểu, tôi nghĩ một chút rồi trả lời: không thích. Thực ra bất kỳ ở đâu có ba người trở lên là tôi cố gắng không nói. Có hai người thì tôi dám nói hết. Tính tôi như vậy, không sửa được. 

Khi cố thủ trong tòa nhà, tôi không biết rằng nó sắp không thuộc về tôi nữa, hoang tưởng rằng sẽ giữ đến thiên niên vạn đại. Cô sinh viên bảo tôi với vẻ tiếc rẻ: tòa nhà đó chúng tôi sắp phải giao nộp rồi, nhưng tôi không tin, còn nghĩ: con gái tóc dài tầm nhìn ngắn. Lúc đó tôi chỉ hơn mười lăm tuổi một chút, chưa biết thế nào là đàn bà nhưng vẫn cứ có thành kiến. 

Tôi đứng trên nóc nhà nhìn ra xung quanh. Trước đây công nhân thu gom lá dương rụng vào một chỗ để đốt, khói bay khét lẹt, bây giờ chẳng ai dọn, lá mục tỏa ra mùi rất dễ chịu. Nếu cứ đánh nhau liên miên thế này thì vườn trường, và giữa các tòa nhà cỏ sẽ mọc lút đầu người, người sẽ ngày càng ít (bây giờ người ta đã bỏ đi nhiều), mèo hoang sẽ ngày càng nhiều. Rồi sẽ có ngày sói cũng đến đây săn thỏ. Theo tôi, thế còn tốt hơn là đầy những người và báo chữ to dán la liệt khắp nơi. Cô sinh viên biết tôi nghĩ vậy bảo: Vương Nhị, cậu điên mất rồi. 

Ngôi nhà tôi cố thủ bị mất, năm 1968 về trường tập quân sự, tôi bực bội và thấy thân phận mình như một tù binh. Vì thế khi giáo viên hô: người đứng đầu, bước ra khỏi hàng, tôi lập tức ngoan ngoãn bước ra. Cô sinh viên có điều gì khó chịu thì nôn như người mang thai, còn Hải Ưng  x  chẳng bao giờ gặp phải điều gì khó chịu cả. 

Năm 1968 khi tôi và cô sinh viên ngồi trên bờ sông, nắng chiếu qua kẽ mây tạo thành những quầng sáng di động trên đồng lúa, tôi bảo: chúng mình thua trận rồi, nếu là thời cổ đại thì bọn mình phải làm nô lệ rồi, đẹp như cô thì bị trói trên lưng voi và đi đầu. Cô bảo: thế à. Trên khuôn mặt xinh đẹp không hề có biểu hiện gì. Sau cô bảo không nói chuyện đó nữa. Bờ sông hoang vắng lung linh mờ ảo, cây cỏ đang cố sức bật ra những búp non. T.S. Eliot   (   [9]  )   nói: Tháng tư là mùa của cay nghiệt. Ông nói có lý lắm. 

Khi tôi và vợ ở Italia, chúng tôi đi xe lửa ra bán đảo Apennino, nhìn thấy những cây ô-liu mọc trên đồi núi chập trùng, chúng đã già lắm rồi, vỏ cây như nhựa bị đốt cháy. Tôi thích thú nghĩ rằng chúng sống từ thời cổ La Mã đến bây giờ, cho dù bên cạnh chúng là những cây cam tươi trẻ đang được tắm mát bằng hệ thống tưới nước hiện đại. Sau đó chúng tôi đến tòa thành cổ Pompéi, thấy bút tích người xưa để lại trên tường: “Chọn dũng sĩ A làm quan bảo vệ dân!” “B là kẻ hèn nhát, đừng chọn hắn!” vân vân, tôi cảm thấy nhận được thông điệp từ cổ đại. Hồi đó mỗi người là một chiến sĩ, mỗi căn nhà là một công sự, vị quan nào cũng là chỉ huy quân sự. Mảnh đất hoang tàn này lúc nào cũng tấp nập người qua lại, chỉ tiếc là không còn mùi vị gì của ngày xưa. Theo tôi biết thì trên đời này tạm bợ nhất là mùi vị, nó không có di tích đổ nát, không có hóa thạch để lại. Nếu tòa thành cổ Pompéi   (   [10]  )   có mùi vị của thời trước công nguyên thì những pho tượng và những hình hài người cổ được đúc bằng tro núi lửa sẽ được thổi hồn vào và sẽ nhảy dựng lên cãi nhau đánh nhau. Tôi tưởng tượng đó sẽ là mùi vị của dàn hỏa thiêu hoặc mùi vôi sống. Một thời đại loạn lạc bao giờ cũng có mùi vị ấy, chứ không thể là cái mùi cứt đái ở nhà máy đậu phụ Bắc Kinh hồi đó. 

Đi trên đống đổ nát cảm thấy một không khí lãng mạn. Hồi niên thiếu tôi đã từng lãng mạn. Khi cố thủ trong tòa nhà, tôi có một phòng làm việc trên gác thượng, trong đó có bàn nguội, máy mài, máy khoan bàn, tất nhiên đều ăn cắp của xưởng trường. Tôi nghĩ với các công cụ ấy tôi có thể chế tạo ra máy móc chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài. Chúng tôi có thể đánh nhau mãi trong trường, đều giương lá cờ hồng vệ binh của Mao Chủ tịch, cũng như các chiến binh thời trung cổ, đều trung thành với một quốc vương nhưng vẫn chém giết nhau. Quang vinh thuộc về quốc vương, điều thú vị thuộc về chúng tôi. Ngoài ra tôi còn muốn các đội quân trên toàn thế giới đến đánh chúng tôi để thử khả năng phòng vệ của chúng tôi. Ý nghĩ ngây thơ quá, cho thấy tôi đọc quá nhiều sách không nên đọc. Cô sinh viên sắc màu lớn tuổi hơn, biết tôi ngây thơ (cô bảo cuộc sống của chúng tôi lẽ ra không phải là như thế này) đem lòng yêu tôi một cách xót xa. Khi có tiếng súng, đội công tác truyên truyền giải phóng quân xông vào trường giải tán hết các nhóm vũ trang thì tôi vĩnh viễn mất đi sự ngây thơ. 

Khi còn ngây thơ, tôi nghĩ chúng tôi phải được hưởng sự bại trận một cách vẻ vang như đã từng xảy ra trên đường phố La Mã, cô sinh viên phải được choàng tấm lụa, tay bị trói bằng xích mạ vàng đi trước đoàn quân khải hoàn, chúng tôi đi sau, đội những chiếc mâm vàng, trên chất chiến lợi phẩm của đoàn quân thắng trận. Sau giây phút vinh quang ấy, cô gái bị đưa đến đền thờ và bị giết để làm lễ tế thần, còn chúng tôi bị đóng đinh lên cây thánh giá cho đến chết. Nếu thế thì cuộc chiến tranh đã có quy ước. Một cuộc chiến tranh, khi nổ ra phải có quy ước. Nhưng thực tế không như vậy. Trên thực tế hai bên tham chiến đều bị đưa về nông thôn hoặc về nhà máy đậu phụ để lao động, chẳng có ai đánh giá xem ai thắng ai thua trong cuộc chiến tranh đó. Máy bắn đá của tôi bị vứt vào đống rác, chẳng ai nhắc đến nữa. Chúng tôi không phải là chiến sĩ mà là những thằng phỗng đất trong tay đứa trẻ bỗng được đem ra bày trận trên bàn, rồi đột nhiên bị gạt phăng đi, thằng què tay thằng cụt chân bay vào thùng đồ chơi. Nhưng trở thành phỗng đất không phải lỗi tại chúng tôi. Tôi chưa thành người đã thành phỗng đất rồi. Sự thật đó khiến tôi bị tổn thương nặng nề. 

Mười mấy năm sau tôi mới hiểu tôi và cô sinh viên đã nói những gì ở bờ sông. Tôi bảo: Cho tôi một cuộc chiến đấu và lại cho tôi thua trận, sau đó tôi sẽ nuốt quả đắng của thất bại, còn cô đã sớm hiểu rằng không có chiến đấu thì chẳng có chiến bại và khi rơi vào số đen thì muốn hay không muốn vẫn phải ăn quả đắng. Nhưng cô chỉ nôn, chẳng nói gì. 

Bây giờ tôi nhớ lại khi cô sinh viên gặp lại tôi. Cô bảo: cậu lớn rồi cũng vẫn thế – nên coi đó là lời than thở chăng. Thế tôi nên thế nào nữa. Trên bờ sông thoáng đãng bộ mặt xấu xí của tôi nhìn thẳng vào khuôn ngực nõn nà của cô ấn tượng lắm chứ. Tôi hy vọng rất nhiều ở cô và ngược lại cô cũng hy vọng rất nhiều ở tôi. Thế rồi gặp lại tôi thấy cô tiều tụy quá, quần áo sặc mùi hành tỏi mà thất vọng. Cô thấy tôi ý chí bạc nhược như người mất hồn làm sao không thất vọng. Điều đó cho thấy về sau cô vẫn yêu tôi như tôi yêu cô chăng. Cô đẹp thế mà chẳng có ai đem cô đi làm lễ tế thần, cũng chẳng có ai giết tôi vì kỹ thuật độc ác của tôi. Bởi vì chúng tôi không xứng tầm, bởi vì chẳng ai coi chúng tôi ra gì mà tự coi mình ra gì thì lại không được. 

Hải Ưng  x  kể cho tôi chuyện hồi mười sáu tuổi nghe báo cáo kể khổ. Khi đó chúng tôi đều đang đi học, hai trường ở gần nhau, có thể đi học đã gặp nhau nhưng không quen nhau. Cuộc họp loại đó bao giờ cũng bắt đầu bằng bài hát: “Trên trời đầy sao, trăng sáng lung linh”. Nghe bài hát này mọi người vội vàng khóc thút thít, tôi cắm mặt xuống, lấy tay véo mũi, véo một cái là nước mắt chảy ra liền, như thế tôi cũng đầm đìa nước mắt như mọi người, giáo viên không thể bảo tôi tình cảm giai cấp nông cạn được. Tôi nhìn người báo cáo – một người lính quân giải phóng, bỏ mũ xuống, ngồi sau bàn và nói, nói một lúc anh ta khóc sướt mướt, nhưng anh ta nói gì tôi chẳng nghe được. Sau này Hải Ưng  x  bảo tôi anh ta là chính trị viên của trường trung học Cổ Lầu, anh ta báo cáo kể khổ hay lắm, nổi tiếng không kém Homère kể “Iliad và Odyssés”. Về sau mới biết anh ta bịa – hai trường gần nhau, nghe báo cáo chung một nơi. Khi cô ta nghe, tôi cũng không biết. Tôi tự coi mình là tù binh, cái gì không nên nghe thì không nghe. 

Thật ra loại báo cáo kể khổ như thế tôi không bao giờ nghe. Tôi có bệnh điếc có chọn lựa, không nghe thấy cái gì lặp lại. Báo cáo bao giờ cũng nói ngày xưa cay đắng ăn cám bây giờ ngọt bùi có cơm ăn. Nghe một lần là đủ rồi. Hải Ưng  x  bảo các báo cáo có nội dung có khác nhau, tôi thấy hơi lạ. Anh lính đó nói thế này: trong chế độ cũ độc ác, anh ta và chị dựa vào nhau mà sống, đêm giao thừa (chuyện loại này bao giờ cũng xảy ra ở đêm giao thừa), tuyết rơi đầy trời (chuyện loại này bao giờ cũng có tuyết rơi), nhà đứt bữa, chị anh ta phải đi ăn xin (chuyện loại này bao giờ cũng có ăn xin), anh ta bảo, người nghèo chúng ta rất có ý chí, không bao giờ thèm xin nhà giàu, vân vân. Nghe Hải Ưng  x  kể đến đây tôi bảo thôi tôi biết rồi – chị anh ta bị chó cắn chứ gì, nhưng tôi nói sai. Chị anh ta trông thấy củ khoai lang đông cứng dưới đất vội chạy đến nhặt đem về cho anh ta ăn, nhưng tội nghiệp, không phải củ khoai mà là cục phân. Nghe báo cáo xong, chúng tôi thảo luận. Tôi không nói và cũng không nghe ai phát biểu cho nên cuối cùng như thế nào tôi cũng không biết. Nghe nói buổi thảo luận đó xoay quanh cục phân. Tôi suy nghĩ mãi rồi mới nói: điều đó nói lên rằng trong xã hội cũ vô cùng độc ác, người nghèo không những phải ăn cám mà còn phải ăn cả phân. Hải Ưng  x  bảo tôi nghĩ như thế là giác ngộ rất thấp, thì ra tôi không thích phát biểu chỗ đông người là vì giấu dốt. Cô ta phát biểu nhấn mạnh rằng cục phân đó là bọn nhà giàu ỉa ra và cố tình tạo ra hình dáng củ khoai để làm hại bần nông và trung nông lớp dưới. Nói cách khác tên địa chủ có cái lỗ đít vô cùng độc ác cần phải treo cổ nó lên. Về một cục phân mà suy luận được đến thế, rõ ràng là một trí tuệ siêu việt, một trái tim lãng mạn. Không nhất thiết phải treo cổ nó, chỉ cần vạch trần âm mưu của nó là sự nghiệp cách mạng thắng lợi rồi, nếu như điều tra xem ai ỉa ra cục phân đó thì cách mạng có thể thất bại, cho nên không làm việc đó. Có một tí tuệ siêu việt thế, lại chuyên mặc quân phục cũ, Hải Ưng  x  đi đến đâu cũng làm cán bộ. 

Về trí tuệ cao cấp thời cách mạng, tôi nói thêm: Theo tôi, thành phần chủ yếu của nó là lãng mạn, bao giờ cũng bất ngờ giành chiến thắng và luôn luôn mới. Người ta nói đến cục phân, bạn phải nghĩ ngay đến tên địa chủ độc ác. Cho dù có hay không có cục phân đó thì bạn vẫn cứ phải tiếp tục lãng mạn. 

Sau này Hải Ưng  x  hay mặc chiếc quần lót dệt kim đỏ nằm trên giường, chỉ khi nào làm tình mới cởi ra, xong lại mặc ngay vào, lúc đó hai tay tôi mân mê núm vú của cô, cô nhìn xuống và nói: tuyệt quá, rồi nhắm mắt lại. Tôi nghĩ: chiếc quần lót đỏ tượng trưng cho trinh tiết. Cô kiên quyết giữ gìn trinh tiết. Trinh tiết là thắng lợi, nó chứng tỏ kẻ thù giai cấp chưa đạt được mục đích. 

Khi học vẽ, tôi đã được nhìn bức tranh vẽ thánh nữ Papala bị tên dị giáo lấy kìm kẹp nụ hoa hành hạ cho đến chết, cho nên lúc đó tôi nghĩ: “À thì ra cô là thánh Papala còn tôi là tên dị giáo. Bây giờ coi như tôi đã biết mình là ai rồi”. Sau này tôi mới biết tôi không phải là tên dị giáo mà là tên giặc Nhật hung ác. Chuyện này ngoài dự tính của tôi. 

Hải Ưng  x  kể cho tôi nghe chuyện báo cáo kể khổ của ông giáo viên. Một đêm tối trời, bốn người cô, bốn cô em họ đều còn ít tuổi bị lũ giặc Nhật lang sói bắt đến một cái miếu để hãm hiếp. Đây là một từ lần đầu tiên cô nghe thấy, cô đã nghe những từ ẩn dụ như: chà đạp, làm nhục vân vân, nhưng từ hãm hiếp thì chưa bao giờ. Lúc đó cô hoảng sợ bối rối. Tuy chợt hiểu ra nhưng không biết chợt hiểu ra cái gì. Cô ta bảo nếu hồi đó có ai nói trước mặt cô hai chữ giao hợp thì cô ngất luôn. Nhưng nghĩa là gì thì cô không hiểu. Cô chỉ hiểu rằng cô tự coi là một trong tám cô gái bị lôi vào miếu. Nhưng chuyện đến đó thì hết. Phải đến sáu năm sau tên giặc gian ác đó mới đè lên người cô – tên giặc đó là tôi. 

Về chuyện chợt hiểu ra, tôi biết vài thí dụ. Khi tôi làm công ở Mỹ, ông đầu bếp đang xào rau bỗng kêu to lên,  chợt hiểu ra  kết quả xổ số kỳ tới có trong  yellow page  bảo tôi đi xem rồi bảo ông. Trong bếp không có danh bạ điện thoại tôi phải ra quầy tiếp tân, chẳng may có ông khách gọi, ông ta ăn món đầu bếp xào mặn quá, khát nước, nhất định bắt  waiter  nếm. Archimède  chợt hiểu ra  đã tìm ra định luật của mình, lãnh đạo nước ta sau khi  chợt hiểu ra  đã phát hiện “làn sóng thứ ba”. Điều này cho thấy có hai loại  chợt hiểu ra  , một là sau khi  chợt hiểu ra  thì khôn hơn, hai là sau khi  chợt hiểu ra  thì ngu hơn. Suốt cả đời tôi chỉ thấy trường hợp thứ hai. Còn tôi chẳng cần  chợt hiểu ra  cũng biết mình bị kéo vào một trò chơi và đóng vai phản diện, có điều là không biết loại phản diện nào. Khi biết mình là tên giặc Nhật mới  chợt hiểu ra.  

Về chuyện tôi biến thành tên giặc Nhật, cần nói thêm một chút. Tuy tôi lùn nhưng chân không đi vòng kiềng, cũng không đeo kính, tổ tiên tôi người Tứ Xuyên, không thể bảo tôi là người Nhật được. Nhưng có chân trong tình tiết yêu đương cho nên Hải Ưng  x  mới đem phân vai lung tung. Tôi thích cô ta coi tôi là tên dị giáo hơn, mà tôi vốn là tên dị giáo kia mà. Dù sao cũng không phải là tên Nhật. 

Câu chuyện của ông giáo viên chưa hết. Ông ta vẽ rắn thêm chân, soạn ra rất nhiều tình tiết như: Bọn giặc là một đội quân vi trùng, hiếp xong, chúng mổ bụng moi ruột người ta ra cho vào chảo rán lên. Ông giáo viên tội nghiệp chưa được xem thí nghiệm vi trùng bao giờ, chỉ được thấy rán quẩy. Ông ta còn mô tả cảnh tượng mắt thấy tai nghe cứ như là ông ta cũng ở trong số những tên giặc đó và tham gia vào chuyện hãm hiếp vậy. Ông này đã hơn năm mươi tuổi, chắc bây giờ đang ngồi ngẫm nghĩ không biết chuyện mình kể là thật hay giả. Nếu là thật thì đi tìm mấy bà cô mấy bà chị họ ở đâu bây giờ. Nếu là giả thì tại sao dám kể ra. Tôi đoán ông ta không bao giờ trả lời được, bởi vì bịa ra những chuyện đó không phải trước ông ấy chưa có ai và cũng chẳng phải sau ông ấy không còn ai. Tôi nghĩ chắc nguyên nhân là thế này: Trong xã hội cũ độc ác, nếu anh có chị em bị hiếp bị giết như thế anh sẽ căm thù đến xương tủy và vinh quang lớn lao, anh sẽ có cống hiến vĩ đại cho cách mạng. Khi đó không tránh khỏi có người muốn hiến dâng mấy cô mấy em nhà mình, nhưng trước khi làm điều đó phải quên họ đi đã – đó mới là việc khó nhất. Cho dù thế nào, Hải Ưng  x  vẫn nghe rất say xưa. Cô ta bảo tôi nghe xong chuyện đó, đêm về nằm mơ thấy trong đêm đen, gió giật đùng đùng, một đàn cừu trắng nép vào nhau. Đàn cừu đó là cô ta và vài người khác trắng phau vì không mặc quần áo. Lát sau bọn giặc dã man xông tới, các cô đứng vai sát vai giằng co với chúng, đến đó thì tỉnh giấc. Qua cách nói của cô thì đây là giấc mơ rất hưng phấn. Nhưng lúc đó tôi không nghe ra tại sao lại hưng phấn. Tôi chỉ nghĩ chuyện này giả dối quá. 

Bây giờ tôi hiểu ra rồi. Nếu trong thời cách mạng chúng tôi chỉ là con rối thì cũng là con rối biết nghĩ. Hải Ưng  x  bị đưa vào hàng, thấy bọn giặc là tim đập thình thình. Nhưng cô không nghĩ là mình bị đưa vào đấy, chỉ biết là tất cả đều do người ta sắp đặt, cho nên cô hồi hộp cũng do người ta sắp đặt, từng cử chỉ, từng ý nghĩ của cô cũng được người ta sắp đặt. Như vậy có nghĩa là cô là giả tận xương tủy. Nghĩ đến đấy tôi mất hứng, ỉu xìu luôn. 

Bây giờ tôi vẫn là anh chàng mặc áo đen, tóc rễ tre, mặt đầy lông, y như hai mươi năm trước. Cô sinh viên trở thành một bà trung niên, mùa đông mặc áo bông bốn túi. Hải Ưng  x  đã phát phì, mắt híp lại. Cả hai đều không còn bóng dáng gì của ngày xưa. Cô sinh viên trước đã đi dạy ở trường trung học chuyên khoa, mặc váy đen, tóc trùm mạng đen. Tôi nằm trong lòng cô hương thơm dìu dịu thanh khiết, làm tình với cô phải nhẹ nhàng nhưng lúc đó tôi không nhẹ nhàng chút nào. Còn Hải Ưng  x  thì mặc quân phục cũ, trong “cách mạng văn hóa” đã từng khua thắt lưng trước mặt thầy giáo. Chiếc thắt lưng da trâu, có khóa đồng nặng đến vài lạng phang vào đầu người ta thì tóe máu. Nhưng cô ta bảo cô ta không đánh bao giờ chỉ dọa cho chết khiếp thôi. Cô ta không thích đánh người chảy máu, chỉ thích cái không khí đó. Nằm trên người cô ta cảm thấy một tấm thân da nâu dang rộng, làm tình phải tàn nhẫn, đằng đằng sát khí. Nhưng tôi không biết làm thế. Tôi như một nông dân không biết cấy trồng vì luôn luôn bị lỡ thời vụ. 

Hồi nhỏ Hải Ưng  x  xem phim cách mạng thấy chiến sĩ cách mạng bị địch trói lại tra tấn thì cô bảo cậu bé hàng xóm cũng trói cô lại. Dưới con mắt cô, tôi rất giống địch cho nên cô ta thích tôi hành hạ, trò chơi đó có vẻ quái đản và tôi cũng không phải là địch thật, thôi thì méo mó có hơn không. Năm 1967 gia đình tôi ở khu trung lập, tôi ở lại giữ tòa nhà và cố thủ cùng đám “lấy bút làm giáo mác”, chiều tối lẻn về gia đình ăn cơm. Nếu chẳng may bị bắt thì tôi đầu hàng ngay. Hải Ưng  x  chê tôi hèn nhát, nếu bị bắt cô ta sẽ quát vào mặt chúng nó: Đánh đi! Hiếp đi! Giết đi! Tao quyết không đầu hàng! Thật tiếc, một thế giới quá tầm thường không chịu cho cô một cơ hội thử thách. 

Thời cách mạng, không có một lô gích hoàn chỉnh về chuyện ăn cơm. Có loại cơm nhớ khổ, cố nấu làm sao cho khó ăn, cho nhiều rau dại và cám, ăn vào để nhớ cái khổ trong xã hội cũ. Có loại cơm không cố ý nấu cho khó ăn, gọi là cơm nhớ ngọt, ăn vào để nhớ cái ngọt của xã hội mới. Từ chuyện ăn cơm mà lôi sang chuyện xã hội cũ xã hội mới làm hỏng hết cả khẩu vị. Thời cách mạng, không có một lô gích hoàn chỉnh về chuyện tình yêu trai gái. Có tình yêu cách mạng bắt nguồn từ tình bạn chiến đấu của tuổi trẻ cách mạng, có tình yêu không cách mạng, đó là tình yêu bị tư tưởng của giai cấp tư sản làm cho mục nát, bị kẻ thù giai cấp lôi kéo. Cơm mà không nói đến xã hội mới và xã hội cũ, tình yêu mà không nói đến cách mạng và không cách mạng đều là rất thấp kém. Đó là một lý thuyết rất phức tạp, về mặt này xưa nay tôi thuộc loại ngu lâu, cho nên tôi thận trọng né tránh lĩnh vực này, trở thành người theo chủ nghĩa duy thú, chỉ thích làm những cái khó và cái thú. Tôi biếng ăn và biếng làm tình, tôi kìm nén hai thứ đó vì người ta làm chúng hỏng bét cả rồi. 

Tôi có một số ý nghĩ về thời cách mạng, rất có thể sai, thời đó chẳng có gì ăn cho nên coi ăn là chuyện thấp hèn, nếu  beef, pork, chicken, cheese, seafood  được ăn thoải mái thì không nói thế, vì ăn thật sự. Thời đó chẳng có gì mặc cho nên coi mặc là chuyện thấp hèn. Một năm có chừng ấy tem vải, kín chỗ này thì hở chỗ khác, nếu có đầy đủ các loại áo quần, muốn mặc gì tùy ý thì chẳng có chuyện ấy. Còn yêu đương cũng thấp kém thì tôi nghĩ thế này: Đi chơi châu Âu, tôi hay ở nhà trọ kiểu ký túc, có nhà tắm công cộng, nhìn thấy cái ấy của họ to lắm. Cho nên ta nói yêu đương cũng thấp kém vì có gì để xài đâu. Ăn cám nấu rau dại để nhớ khổ, mà nói phải ăn cho nghiêm chỉnh thì còn nghe được, ăn miếng bánh hấp với bát cháo loãng mà bảo ăn cho nghiêm chỉnh thì buồn cười. Cái của thằng Chiên Ba như của thằng bé mới lớn, coi mà buồn cười, nhưng để dùng trong tình yêu của tuổi trẻ trong cách mạng còn hơi bị to. Thầy giáo toán thống kê của tôi nói rằng, xác định quan hệ giữa các sự vật thì dễ, xác định cái nào là nhân cái nào là quả mới khó. Theo cách nói của ông thì thời cách mạng đúng là không có ăn, không có mặc và cái ấy nó bé cho nên ăn mặc và  ấy  bị coi là chuyện thấp kém, nhưng bạn không thể đoan chắc rằng vì không có ăn, không có mặc và vì cái ấy nó bé cho nên ăn, mặc và  ấy  bị coi là chuyện thấp kém hay là ngược lại, coi những chuyện đó là thấp kém cho nên mới không có ăn, không có mặc và cái ấy nó mới bé. Nhưng dứt khoát chúng có quan hệ với nhau. Sinh ra trong thời cách mạng, bạn có thể chơi cờ, giải một bài toán. Bạn cũng có thể vẽ đôi chút nhưng đừng để ai nhìn thấy. 

Tôi cởi quần áo, Hải Ưng  x  đang nằm trên giường, tôi không muốn làm tình nhưng lại không thể không làm vì sự thể đã đến thế rồi. Thời cách mạng ai đã làm tình hay có cái mâu thuẫn ấy. Một trí tuệ nói, trai gái yêu mến nhau là có thể giao hợp, nhưng đó là trí tuệ thấp kém mà thời nào cũng có. Một trí tuệ khác lại nói, trai gái căm thù nhau có thể giao hợp. Mỗi khi tôi và Hải Ưng  x  làm tình, cô ta đều chửi như tát nước vào mặt tôi, nào là đồ đê tiện, là giặc, nào là phần tử xấu. Đó là trí tuệ cao siêu thời cách mạng. Tôi bị kẹp giữa hai trí tuệ và trở nên thân tàn ma dại. 

Trước đó, nhiều lần tôi đã có ý định cưỡng hiếp Hải Ưng  x  , việc đó có nhiều cách để làm, thí dụ kiếm ít clorofoe hay ê-te để đánh mê, hoặc phang cho một gậy, hoặc thừa thông minh để làm một cái máy khóa chặt cô ta. Nhưng rồi chẳng làm gì cả. Chuyện qua rồi tôi lại hoang mang. Hải Ưng  x  bảo tôi cưỡng hiếp cô ta. Tôi không đồng ý và hai người tranh cãi mãi. Cô ta bảo: Tôi nói cưỡng hiếp là cưỡng hiếp. Tôi bảo cô ngang ngược lắm, chưa biết ai cưỡng hiếp ai đâu. Tranh cãi mãi té ra là cô cho rằng làm tình là cưỡng hiếp, tất cả đàn ông đều mang tội cưỡng hiếp. Kết luận cuối cùng là: cô ta là người đàn bà tự nguyện bị cưỡng hiếp, tôi là một tội phạm cưỡng hiếp không tự nguyện. Chưa tranh cãi cho ra nhẽ thì chúng tôi đã cắt đứt. 

Sau khi cắt đứt với Hải Ưng  x,  tôi chuyên chú vào vẽ, bỏ không biết bao công sức nhưng chẳng có kết quả. Anh tôi cũng rất dày công nghiên cứu triết học biện chứng và cũng không đi đến đâu. Những năm đó bạn có bỏ công sức làm bất cứ việc gì đều không thành công vì đó là thời chỉ ra hoa mà không kết thành quả. Còn Hải Ưng  x  vẫn làm bí thư chi đoàn, vẫn mặc bộ quân phục cũ, đọc diễn văn trong các hội nghị hoặc ngồi trong phòng tiếp tục “giúp đỡ giáo dục” thanh niên chậm tiến. Nhưng chuyện có khác chút ít – cô ta đã ăn nằm với kẻ xấu xa nhất nhà máy, hoặc nói theo cách của cô ta là bị hắn cưỡng hiếp. Cô ta không còn trong sạch nữa. Biết đâu cô ta cần như thế. 

Mùa hè năm 1974, tôi vẫn phải đến phòng làm việc của Hải Ưng  x  để chịu “giúp đỡ giáo dục” nhưng nội dung giáo dục khác đi nhiều. Cô ta bao giờ cũng ngồi trên đùi tôi và hôn tôi, hình như để đến tối thì muộn quá. Thực ra lúc ấy tôi đã ỉu xìu rồi mà cô ta vẫn muốn ôm ấp hôn hít. Tôi biết chuyện này sớm muộn thế nào cũng bị phát giác và khi đó hậu quả ra sao khó mà lường hết. 

Lúc đó nghĩ đến cô sinh viên, tôi cảm thấy đắng nghét trong cổ như khi vận động quá sức. Đó là vì chúng tôi đã ở bên nhau khi thua trận, sau đó chúng tôi đã yêu nhau – không còn gì cay đắng hơn. Nếu chúng tôi sống với nhau thì mỗi lần gần nhau là muốn xâu xé nhau, nếu không được sống với nhau sẽ nhớ nhau suốt đời. Yêu đơn phương thì hay hơn và nếu chẳng ai yêu ai cả thì sẽ cùng hưởng thụ một cuộc sống tình dục bình yên, thế là tốt nhất. Tuy vậy tôi vẫn nhớ cô. Bởi vì đó là lần thất bại, thất bại bao giờ cũng làm tôi vương vấn. 

Bây giờ khi tôi nhìn thấy cô sinh viên, có khi cô ngoảnh mặt đi nơi khác, có khi ánh mắt cô dừng lại nhìn tôi giây lát coi như chào. Điều đó cho thấy lần thất bại ấy đã sổ toẹt tất cả. 

Hải Ưng  x  bảo lần đầu gặp tôi đi xe đạp đến nhà máy, miệng hát vu vơ, quần áo rách rưới, tóc rễ tre dựng ngược, không ăn nhập gì với cái nhà máy sặc mùi xú uế này. Sau đó tò mò leo lên tháp để nhìn tôi, khi bị tôi giữ chặt tay, tim cô đập thình thình. Theo các trí tuệ siêu việt, cô ta không cần để tâm đến thằng cha này, nhưng cô ta không kìm nén được ý muốn thử một chút xem sao. Kết quả không cần phải nghĩ lâu cũng rõ: Về sau chuyện trong phòng quả nhiên bị người ta nhìn thấy. Bắt đầu từ chỗ người đi qua thấy thấp thoáng trên cửa sổ, sau đó vô tình hay cố ý đẩy cửa vào nhìn rõ mồn một. Sau nữa là dư luận đồn ầm nhà máy. Theo tôi biết hình như cô ta không sợ lắm. 

Về sau cô ta bảo tôi rằng, mùa hè năm 1974 cô ta cũng định chơi một keo. Chỉ có điều là cô ta thấy một lần là đủ. Cô ta coi đó là một việc ngoại lệ trong đời. 

Sau khi chúng tôi cắt đứt quan hệ, cô ta vẫn làm bí thư chi đoàn, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Khi tưởng như mọi sự đã yên ắng, tôi mới hiểu hàm ý của câu chuyện. Thời cách mạng, chẳng có gì làm người ta sướng ngoài việc trúng số đen ở một nơi không biết trước tại thời điểm không biết trước. Ai sống trên đời cũng cần phải có chuyện để sướng, cho nên cô ta tìm đến tôi. 

Chuyện của tôi và cô vỡ lở, công ty gọi cô ta lên. Khi về cô ta bảo tôi đừng đến văn phòng cô ta nữa. Thế là đợt “giúp đỡ giáo dục” của tôi kết thúc. Lúc đó cô ta hai mắt đỏ hoe, hình như vừa khóc. Tôi nghĩ cô ta đã bị sỉ nhục nhưng khác với điều sỉ nhục chẳng có tí hương vị lãng mạn nào của tôi. Tôi nghĩ cô ta như đã bị cây giáo đâm xuyên bụng như anh chàng sinh viên nọ và đã tỉnh ra. Tôi nói lại thì cô ta quay mặt vào tường cười hi hí. Tôi hỏi sao lại thôi, cô ta bảo “ảnh hưởng không tốt”, rồi cười toáng lên. Chúng tôi gây ảnh hưởng không tốt thì phải trừng trị, nhưng trừng phạt thì ảnh hưởng không tốt. Cho nên điều sỉ nhục mà cô phải chịu mang đậm màu sắc lãng mạn, đáng cười hi hi ha ha lắm chứ. Về sau tôi không gặp lại cô ta, câu chuyện cũng đành chấm dứt, cũng là điều hợp lẽ thôi. 

Hải Ưng  x  bảo chúng tôi gây ảnh hưởng không tốt, tôi dửng dưng. “Ảnh hưởng không tốt” đã là cái gì? Chẳng đáng là cái số đen bé tí. Nhưng cũng coi như cô ta bắt đầu biết thế nào là số đen. Đến lúc này thì tôi lại rung động, tim đập liên hồi. Tôi định kể hết bí mật của tôi với cô sinh viên cho cô ta nghe. Tôi còn định làm tình ngay lập tức vì không còn ỉu xìu nữa rồi, thậm chí sẵn sàng hung bạo và đi học cả tiếng Nhật nữa, tôi bằng lòng quên cô sinh viên ngay, chỉ yêu mình cô ta. Tôi nói lại với cô ta như thế nhưng cô ta cứ trơ trơ, cặm cụi thu dọn để về. Khi sắp bước ra cửa, cô ta bảo tôi, mọi chuyện kết thúc rồi, anh không biết à? Sau đó cô ta không nói gì với tôi cho đến khi cưới Chiên Ba. Sau khi cưới cô mới lại để ý đến tôi. Sự việc này cho tôi thấy rằng, cô ta không hề coi ảnh hưởng không tốt là rủi ro mà là phạm sai lầm. Mao Chủ tịch dạy rằng: có sai thì phải sửa… sửa rồi thành đồng chí tốt. Cô ta luôn giữ thái độ cung kính trong trò chơi này. Cô ta không biết rằng trúng số là ngẫu nhiên mà lại coi là có người chỉ đạo – nếu biểu hiện tốt thì không thể phạm sai lầm. Nhưng số đỏ và số đen khác xa nhau. Số đỏ ngày nào cũng có nhưng người thử vận may càng ngày càng ít, gây cho người ta cảm giác sớm muộn thế nào cũng trúng, số đen càng mở càng có nhiều người chơi, gây cho người ta cảm giác chẳng bao giờ trúng. Cái đề này tuy khó nhưng cuối cùng cô ta đã giải được, với chuyện ảnh hưởng tốt hay xấu cười một tiếng là xong. Nhưng đó là chuyện về sau, bởi vì trò chơi đang luôn lặp lại, con người thời cách mạng có thể giải được đề này, chỉ khác nhau người sớm người muộn. Còn người không sinh ra trong thời cách mạng chẳng bao giờ có thể giải được. 

Về sau tôi còn làm việc ở nhà máy đậu khá lâu, vẫn hay gặp Hải Ưng  x  , mỗi lần gặp tôi lại cười gian với cô, nhưng cô đều quay mặt đi, không thèm để ý. Thế rồi cô tìm cách chuyển đi nơi khác. 

Bây giờ tôi thừa nhận, tôi hiểu rất ít về cô. Bởi vì khi tôi và cô làm chuyện đó thì cô đã không còn là gái trinh. Có thể hồi nhỏ cô không những bảo người ta trói cô lại như chiến sĩ cách mạng trong phim, mà cô còn chơi cả trò khác nữa và không chỉ có mình tôi là tên giặc hung hãn. Nhưng chuyện là thế nào, tôi không hỏi. Tôi sinh ra trong thời cách mạng, nhưng thời kỳ cách mạng không đủ để giải thích tất cả cho tôi. Không chỉ đối với tôi, đối với người khác cũng thế.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN