Thời xa vắng -full - Chương 21
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
160


Thời xa vắng -full


Chương 21


Nhưng nó giống như ông nói. Biết tất cả mọi cái để mà rút kinh nghiệm thôi. Cái gì xảy ra, nó vẫn cứ xảy ra. Cái gì đã qua, nó vẫn phải qua đi. Nghĩa là, cả hai cái tin: không được kết nạp Đảng trong năm nay và Hương đã đi lấy chồng tháng trước vẫn cứ đến với Sài, và anh vẫn không thể phát điên, không thể nổi khùng, không thể nằm ỳ, không thể nói năng vô trách nhiệm và thiếu tính tổ chức. Sáng dậy tập thể dục, chiều tăng gia, vẫn soạn bài đầy đủ, lên lớp đều đặn.

Tối thứ sáu sinh hoạt đoàn, tối thứ năm học hát … Không thể uể oải, không thể thiếu vắng, dù đã gần một tuần nay, hầu như không đêm nào anh chợp mắt được!

Cho đến bây giờ chưa ai lý giải được chính xác và sâu xa về một lý tưởng thiêng liêng của người chiến sĩ thời bấy giờ. Đấy là cuối năm một chín sáu tư. Những đơn vị bổ sung cho chiến trường đã lên tới quy mô cỡ trung đoàn. Nhưng những tiếng ”đi B“ còn là tiếng thì thầm, những người đi ”B“ còn phải chọn lựa, lựa mười người trong số hàng dăm bảy trăm, lựa hàng trăm trong số vài ba nghìn lá đơn tình nguyện.

Người đã là quân nhân viết đơn tình nguyện đi ”B“. Người đang là thanh niên ở nông thôn, ở nhà máy, ở trường học viết đơn xin nhập ngũ. Hầu như đã là thanh niên hồi bấy giờ ít ra ai cũng đã một lần tình nguyện cầm súng sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, cho thắng lợi của miền Nam.

Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt, những lá đơn viết bằng bút mực, những lá đơn viết bằng bút chì, có cả những lá đơn viết bằng máu. Hàng vạn, hàng triệu lá đơn chân thành sôi sục không ai biết hết nguyên nhân mà ta vẫn hay gọi là động cơ, nhưng chắc chắn những cái tên: Ma đốc, Hạm đội bảy, khu trục hạm, những máy bay phản lực oanh tạc ”trả đũa“, những quả bon rơi xuống Lạch Trường, Hòn Gai ngày mồng năm tháng tám như một sự kích thích để nổ bùng lên lòng căm giận và chí khí quật cường vốn là dư thừa của mỗi người dân. Cái sức bùng nổ ấy ầm ầm trên đài phát thanh, choán đầy trên các tờ báo hàng ngày.

Ngoài sự sôi sục ở tất cả đều có ra, mỗi con người còn có một cái gì đấy mà người khác khó biết hoặc có biết cũng coi như không, cũng phải bỏ qua. Nó giống như chiếc xe đang đi không thể dừng lại vì một hạt bụi bám vào mắt xích. Từ hơn một năm trước chính uỷ Đỗ Mạnh đi chiến trường, trung đoàn bộ đã xôn xao, dò hỏi và nghe ngóng xem ai sắp được ra đi, bao giờ đến lượt mình vinh dự lên đường làm cái nghĩa vụ thiêng liêng bất chấp gian lao, sẵn sàng đổ máu và không hề nghĩ đến ngày trở về ấy.

Trong số những người cuồng nhiệt phải kể đến Sài đầu tiên. Anh đã viết ba lá đơn lên Đảng uỷ trung đoàn, Đảng uỷ và Bộ tư lệnh quân khu. Hai trong số những lá đơn ấy anh viết bằng máu chích từ tay mình. Hành động của Sài không thể gọi là đột xuất trong lúc này. Người ta vẫn nhắc nhở tên anh cùng với hàng trăm người khác trong những thông báo trong các buổi mít tinh, hội họp ở Quân khu như những người chiến sĩ tiên phong trong nhiệm vụ chiến đấu.

Cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn nhìn Sài trìu mến và khâm phục con người lặng lẽ đầy chí khí và nghị lực. Chỉ riêng có Hiểu và Hiền thì hiểu rõ Sài qua từng dòng trong mỗi lá đơn. Không thể không công nhận lòng sôi sục và khát vọng trở thành dũng sĩ ngoài mặt trận của anh như hàng vạn thanh niên khác. Nhưng ở đây đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy giỏi như Sài.

Phần khác họ thấy thương Sài và muốn làm tất cả mọi việc cho ”chú em“ trong cái nhóm ba người ấy. Đặc biệt là Hiểu, Sài có thể nhận thấy một người duy nhất trên đời này lại chứa đọng đầy đủ tình cảm của cha, của mẹ, của một người thầy, một người bạn, một người anh, người yêu và thậm chí như một đứa em ngoan ngoãn của Sài nữa. Hiểu băn khoăn về việc của Sài. Rất lâu sau, nhân một đêm đi chơi anh gợi ý:

”Mình nghe nói sắp tới có thể điều nguyên cả một E, một F đi. Hay là ở lại khi nào đi một thể Sài ạ“- ”Thôi, em xin anh, các anh cứ đề nghị dấn lên hộ em. Đi sớm ngày nào em đỡ khổ ngày ấy“. Hiểu lại im lặng như người phạm lỗi. Gần một năm nay, kể từ khi cô Tuyết đã đẻ thằng con trai, như vồ được hạnh phúc của cái nhà này thì Sài lại càng đau buồn thêm. Anh buồn cho anh, và lo cho cả số phận của đứa con sau này rồi không biết sẽ ra sao.

Chỉ có điều chắc chắn là nó chỉ có một trong hai người: bố hoặc mẹ. Dường như ở cái trung đoàn này, chỗ cách nhà chưa đầy hai trăm cây số chỉ đi và về hết vài ngày đường không thể là chỗ dấu thân ”biệt tăm“ như ý nghĩ thơ dại hồi mới đi bộ đội. Vả lại, sau cái lần cắn răng làm theo Hiền ”chỉ thị“ Sài thấy đời mình không thể ”dũng cảm“ lần thứ hai như thế.

Nhưng bỏ nhau ư? Đến lúc này thì lại càng không thể nào được. Sài nghĩ ra cách khác: Đi Nam. Vượt qua giới tuyến bên kia không ai có thể chạy theo tóm anh lại. Cuộc chiến tranh vừa công khai vừa giấu giếm cũng không ai bắt anh cứ phải viết thư về, cứ phải ”đoàn kết“ với vợ. Trong chiến đấu có bao nhiêu lý do để không ai hành hạ anh chuyện vợ con. Được yên thân cái đó thì khổ cực có là gì, hy sinh có là gì đối với anh. Hiểu biết tất cả những chuyện ấy.

Anh biết cả từ khi có con, Sài sẵn sàng gửi hết tiêu chuẩn đường hàng tháng, mua tôm he nõn gửi về giã nấu cháo cho con, nhưng Sài rất sợ phải về nhà. Về nhà chơi với con lại phải nhìn thấy mặt mẹ nó. Sài ước có lần nào cô ta đi đâu, kể cả đi tằng tịu với ai đó càng hay. Cô ta đi, để thằng con ở nhà với ông bà và Sài xin nghỉ phép về bế con, chơi đùa với nó.

Cái việc đó không xảy ra thì Sài vẫn phải về. Anh là một trong số năm mươi hai cán bộ, chiến sĩ trong trung đoàn được chọn bổ sung cho đơn vị đi B. Hiểu đi ”công tác“ và ”tranh thủ“ để đi cùng Sài suốt cả mười lăm ngày phép của cậu ta. Biết đâu, đây chả là lần chia tay cuối cùng. Vì thế cả hai đều thấy bịn rịn im lặng, cái tình thương yêu nhau chứa chất ở mỗi người lúc nào cũng chỉ chực có cớ gì đấy để được bộc lộ. Họ về đến nhà lúc chập tối. Lần này không có trẻ con theo, cũng không có chuẩn bị trước.

Ông đồ là người nhận ra đầu tiên. Từ trong nhà, ông hỏi ra phía ngõ, nơi có bóng người nhập nhoạng đang giảng giải điều gì cho nhau: ”Ai như Sài về hở con“. Bà đồ từ trong bếp nhao ra mắng ông: ”Sài đẹn gì mà ông cứ đứng ngây ra thế. Nó đâu rồi“. Bà chạy ra phía ngõ, vừa lúc hai người đi vào và cùng ”chào mẹ“. Vẫn như mọi lần, bà nắn nắn hai tay rồi từ đầu đến lưng con, cười, nước mắt chảy ràn hai má: ”Đây là bác Hiền hở em?“- ”Dạ, con là Hiểu ạ“

– ”Lần này anh Hiểu, chắc anh Tính đã nói với thầy mẹ“- Có, có anh Hiểu quê ở Mỹ Đức bên Hà Đông. Em ơi quý hoá quá, cả nhà cứ mong em với em Sài“. Chị Tính như là vô tình đi qua chào ”Bác về chơi, chú Sài!“ rồi chị đi vào mãi tận xóm trong chừng nửa cây số gọi thằng em họ vừa được Tính xin cho đi công nhân đường sắt: ”Chị lại nhờ chú việc này quan trọng lắm.

Chú đạp xe vào ngay huyện bảo anh Tính có anh Sài và anh Hiểu về“. Chị về qua nhà anh cả: ”Chú Sài mang bạn về, anh ra xem thế nào“. Chị cả lạnh nhạt: ”Thì đã có ông bà, chú Tính rồi. Nhà tôi đang dở tay một tý“. ”Thôi, anh cứ bỏ đấy chạy ra tiếp người ta một lúc. Nhà em chưa về. Ông nhà mình già, nói năng theo lối mới bây giờ không hợp, chả nhẽ lại để người ta ngồi không“- ”Có ai đi tìm chú Tính chưa? Thôi được, thím cứ về lát nữa tôi ra“.

Dù anh đã liều quyết định khi chưa hỏi ý kiến vợ nhưng quay về vợ Tính cũng dủm dỉm cười nghĩ bụng: ”Lát nữa“ của anh ấy cũng được đến nửa đêm“. Chị về đến nhà thì mẹ chồng gắt: ”Con mẹ Tính này hay nhỉ. Định bỏ kệ mụ già này đấy à?“. Chị thản nhiên: ”Động tý bà cứ cuống lên.

Thế không đi nhờ người tìm con giai bà về à?“ Bà đồ mới ớ ra cái việc quan trọng bậc nhất ấy bà đã quyên khuấy đi mất. Bà hỏi giọng vẫn hơi gắt để chữa ngượng ”Thế bây giờ định thế nào?“- ”Còn thế nào nữa. Cứ bảo thím Tuyết làm gà nấu cơm, xào thêm đĩa su hào, nấu bát canh miến“- ”Thế nào thì chị quàng quàng lên hộ tôi, không khéo rồi đến đêm mới được miếng ăn“. Biết tính mẹ chồng hay cuống cuồng chị đủng đỉnh vào nhà làm tuần tự các công việc như đã thành nếp quen của chị.

Vợ chồng chị đã ra ăn riêng hàng chục năm nay, không hề ”liên quan“ gì kinh tế với bố mẹ và em chồng nhưng mỗi khi có khách, nhất là khách của chú Sài, ”nhà dưới“ (anh chị đã xây một ngôi nhà cao rộng khang trang gọi là ”nhà trên“) chỉ việc có bắt gà, nấu cơm còn mọi thứ chị phải lo. Cũng phải nói thêm, giữa ”nhà dưới“ với ”nhà trên“ chỉ cách nhau một khoảng sân và khách xa về không thể biết có sự tách biệt nào nhưng ”nhà dưới“ vẫn là ngôi nhà nghèo khó toạ tệch của cái làng Hạ Vị lụt lội ngày xưa.

Còn ”nhà trên“ bầy biện và cung cách ăn ở như bất cứ một nhà khá giả lịch sự nào trên tỉnh. Mấy năm nay trồng cây nông sản bán cho nhà nước và được cung cấp gạo hàng tháng, làng Hạ Vị không hề biết đến cái đói, nhà nghèo đến đâu thì cũng có con lợn, dăm bẩy con gà, vài chục ba cân gạo.

Ngoài mấy thứ đó ra khi có khách sang trọng đến ”nhà dưới“ cũng chỉ còn món muối trắng trộn với tiết luộc để chám làn nên đặc điểm sâu xa, có người đi khỏi làng đến ba đời vẫn không thể chấm thịt gà luộc bằng bất cứ thứ nước chấm gì ngoài muối trộn tiết luộc. Trong khi đó ở ”nhà trên“ bao giờ cũng có đủ hành tỏi, riềng mẻ, gừng nghệ từng chùm, từng khóm hoặc ở ngoài vườn hoặc treo trên gác bếp, để ở lọ trong xó buồng.

Hồ tiêu và bột ka ri, ớt tươi, ớt khô và chanh, dấm, đường và mỡ, dâu ngâm, bột sắn dây và rượu thuốc, nước lọc đầy chai và phíc đầy nước sôi… Bất cứ lúc nào có khách sang của chồng và bạn bè đơn vị chú Sài đến, vợ Tính cũng phải biết tiếp thứ gì cho hợp mùa, hợp thời, vừa lịch sự vừa thoả thuê. Khách ”nhà dưới“ ở lại ăn cơm, thì mẹ chồng chỉ làm thịt con gà còn chị sẽ ”cung cấp“ gia vị.

Nếu tính về ”tổ chức chuyên đề“, thì phải gọi chú em con bà gì hơi nghễnh ngãng nhưng rất tinh nhanh đã được Tính ”tập huấn“ và cho lên cửa hàng ăn của huyện ”tham quan“. Thành ra khách đến ăn cơm hoặc chỉ uống cốc bột sắn ở nhà Tính đều không có cảm giác làng Hạ Vị lúi xùi, ”chém to kho mặn“. Khách thật sang, chỉ nhìn vào cốc nước, bữa ăn đã phải khâm phục đây là một làng quê văn minh.

Vợ Tính bày đĩa bánh quy và đặt phong kẹo lạc đưa xuống ”nhà dứơi“ gọi Sài ra cửa: ”Chú mời ông và bác Hiểu xơi tạm kẻo đói“. Nó và đặt vào tay Sài đĩa bánh xong chị lẳng lặng quay đi. Sài kính nể chị như một người mẹ, không bao giờ anh từ chối hoặc cãi lại chị bất cứ việc gì.

Chị ra vườn nhổ mấy củ su hào, khóm hành hoa, vào buồng lấy gừng, hồ tiêu rồi rượu thuốc, mâm bát, ớt tươi, ớt khô… Giao tất cả mọi thứ cho Tuyết và hướng dẫn cô thứ tự từng việc, từng cữ mặn nhạt xong chị rửa chân tay lên nhà sắp chăn chiếu, màn gối trên chiếc giường giải quạt ở gian ”buồng khách“ rồi mới gọi cả hai đứa con rửa chân tay mặt mũi cho chúng. ”Nhanh lên, bố Tính sắp về“. Việc ăn uống khách khứa ra sao chị không hề biết đến. Sớm ngày mai chị dậy đun nước, đánh rửa ấm chén để khi khách dậy có nước nóng rửa mặt pha trà.

Xong những thứ công việc đó không bao giờ chị ăn một miếng thịt, húp một lưng canh sau khi khách ”nhà dưới“ đã ăn uống. Ngay cả những đứa trẻ cũng không được lai vãng, trừ phi các cháu cùng bà giấu giấu giếm giếm mà chị không biết. Hồi đầu bà đồ cứ dấm dứt không yên, sau Tính phải gắt lên: ”Bà làm để tiếp khách hay tiếp con mẹ Tính và bọn trẻ. Nó thèm, làm lấy mà ăn. Gà đấy, mọi thứ đấy, không thiếu gì cả“.

Bà biết bố Tính nó chúa ghét ai tạ thế có khách để trẻ mỏ bấu sấu vào. Vả lại, các cháu nhà bà cũng ngoan, không thèm nhạt gì cho lẵm thành ra bà cũng yên lòng. Phần Tính, mẹ nó cũng dễ dãi, phần khác nó cũng sợ chị em mất đoàn kết. Con mẹ cả không bao giờ dòm ngó đến công việc nhà này và nó ở tận cuối xóm mà một tý gì ở nhà này nó cũng biết. Của đáng tội, có một lần, cũng đến dăm bảy năm về trước, nhà có khách mà chả có lấy một hột gạo. Con mẹ Tính chạy ngược, chạy xuôi vay gạo, ”mượn“ gà về làm cơm.

Người ta ăn xong, còn thừa dăm miếng cổ cánh, bà phải co kéo gắt gỏng mãi con mẹ mới chịu vào bếp húp nửa bát canh bí, và nhai cái đầu và cánh gà. Chỉ có thế, mấy ngày sau ra đồng chị cả đã chì chiết ”Khách ba, chủ nhà bẩy. Thời buổi này ông bà cứ chịu khó vay mượn, có một vài người khách cũng làm vài ba con gà.

Khách ăn hương ăn hoa vài ba miếng còn bao nhiêu con dâu con giai đánh cho kỹ thì tôi cũng xăm xắn công việc của ông bà được bằng thím Tính“. Từ ngày ấy, ngày tư ngày Tết, có khách có bạn, thừa cái gì đổ đi thì đổ con mẹ Tính không hề nhúng lấy một đầu đũa.

Được cái con mẹ nó cũng tốt nhịn thành ra chị em cũng vui vẻ. Tính về nhà lúc sắp bưng mâm ra. Hiểu nghe tiếp líp xe đạp vào sân liền chạy ra: ”Anh Tính hả“, Tính quẳng chiếc xe đạp ngả vào liếp ôm chầm lấy Hiểu. Họ đã thư từ cho nhau hằng năm nay. Cả hai người đều gặp nhau ở tình yêu thương thằng Sài, một thằng bé đã làm cho bất cứ người thân thiết nào cũng vừa thấy tự hào về nó vừa thấy ân hận về mình.

Vồ vập nhau, tranh nhau nói đến những vất vả, những may mắn để có cuộc gặp gỡ này xong, Tính cầm đèn xuống nhà bếp soi vào mâm cơm. Hai đĩa thịt gà xếp ngửa ở đĩa khác rồi ụp lại phẳng phiu, vàng ngậy một màu da, trông như con gà không hề có xương. Một đĩa xu hào, đĩa miến xào, hai bát canh cũng miến và xu hào. Một bát muối tiết dầm chanh, ớt, hồ tiêu.

Đĩa bát, mâm đũa, bình rượu, mỗi lòng bát một tờ giấy… Tất cả những thứ này anh biết có sự ”bổ sung“ và hướng dẫn cách làm, cách bày biện của vợ anh. Anh gật gù hài lòng: ”Thế này được rồi. Tốt lắm. Bê lên đi“. Nói xong, anh đưa đèn cho mẹ cầm, tự tay mình bê mâm cơm. Đến cửa anh đã nói một thôi, một hồi: ”Thôi mời thầy, Mời anh Hiểu, Sài vào đi em. A bác cả đây rồi. Bác vào ăn cơm luôn.

Thôi nay lỡ ta ăn tạm. May quá, tôi vừa ở dưới xã về thì chú em nó vào báo, không kịp thay cả cái áo, báo cáo anh Hiểu, năm nay toàn huyện tôi được mùa chưa từng thấy. Bình quân 37 phẩy năm cân thóc một đầu người. Ngay như ngoại bối trồng đay trồng đậu tương trồng mía bán cho nhà nước, ăn gạo ”bông“ cũng bình quân mười hai, mười ba cân đầu người. Khối nhà hiện nay còn dăm tạ gạo. Ngô, khoai lang, dong diềng ngày trước là thức ăn chính của người, có khi một bữa không đủ, nay dùng để chăn nuôi.

Nào ta bắt đầu đi. Mời thầy, mời anh. Bác cả để chân lên cho đàng hoàng. Cái rượu thuốc này chú em nó xẻ gỗ trên rừng về cho một bộ tắc kè, tôi lại ngâm với ba cân thục địa. Báo cáo anh, huyện tôi năm nay có xã thu hàng tấn thục địa.

Nào mời anh, tự nhiên đi. Năm nay huyện tôi tuyển quân gấp ba lần của số quân từ mười năm nay cộng lại. Quân đi nhiều, đời sống bà con hậu phương no ấm, không còn gì phấn khởi cho bằng. Bác cả với hộ em cái đóm. Anh Hiểu về đây cứ coi các cụ và anh chúng tôi như người nhà nhé. Sài ăn đi em. Kỳ này nếu em thấy cần thiết thì mang xe đạp đi…

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 22

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN