Thời xa vắng -full - Chương 25
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
189


Thời xa vắng -full


Chương 25


Nằm im được một lúc, sự tĩnh lặng gọi cả cơn đau cơn khát cháy người làm Thêm không thể nén nổi tiếng thở và tiếng kêu. Kêu mãi vẫn không thấy Sài động đậy. Có cảm giác Sài đang ngủ, Thêm chống tay rời khỏi lưng Sài, kéo lê cái chân bị thương theo hai bàn tay bò. Đêm mù mịt không thấy gì. Tiếng nước chảy như lời kêu gọi anh bò đến với nó. Cơn khát nổ bùng không thể nào kìm giữa dù có bất cứ một nguyên tắc gì cũng không thể kìm giữ.

Hãy chết ngay sau cái phút được uống nước thoả thuê thì cũng còn hơn để sống một trăm năm nữa mà đêm nay lửa của cơn khát đang đốt người mình thành than. Thêm vẫn cố sức bò theo kiểu bò nghiêng, kéo lê cái chân bị thương theo. Cái sức mạnh của dòng suối đã đưa anh đến bên nó. Chống hai tay xuống phiến đá, úp mặt vào mặt nước, anh uống lấy uống để, không kịp thở. Uống đến căng bụng vẫn chưa hết cơn thèm.

Anh cứ áp mặt mình với mạt nước mát lạnh chốc chốc lại xô lên đầu như đùa rỡn với anh, con người đang giang hai tay, áp mình vào phiến đá và áp khuôn mặt cháy bỏng vì cơn khát vào dòng nước suối hào phóng và vô tình đã đem đến cho anh niềm sung sướng mãn nguyện mà cả cuộc đời từ bé đến bây giờ chưa có một lần nào có được cái hạnh phúc lớn lao ấy để rồi vĩnh viễn chấm dứt mọi gian khổ và hy vọng, chấm dứt cái lý tưởng và tình yêu từ đêm nay, cái đem kể từ khi anh tiếp xúc với chậu sành nước ấm nóng đầu tiên của bà đỡ đến giờ phút này đã là hai mươi năm hai tháng, sáu ngày.

Không hiểu mới nửa đêm hay đã gần sáng. Không hiểu mình đang nằm ở bãi biển hay trong gian buồng xây kín quanh năm ngày cũng như đêm! Chỉ thấy hơi lành lạnh ở lưng. Muốn giơ tay lên nhưng không tài nào nhấc nổi. Phải ú ớ như muốn giãy giụa, muốn vùng đạp mới mở được mắt ra. Sài sờ lên lưng. Không có Thêm. Quờ ra xung quanh cũng không thấy.

Mồ hôi anh toá ra, hai chân muốn khuỵu xuống. Anh bấm đèn loang loáng ra tứ phía. Chỗ nào cũng thấy um tùm đen tối, cũng như là nơi rình rập của kẻ địch. Định cất tiếng gọi , lưỡi ríu lại cổ họng nghẹn khô, Sài không sao cất nổi một lời, dù là nhỏ nhoi. Sau phút choáng váng, anh lội xuống suối bấm đèn tìm bạn. Lội giật lùi được đến đầu gối nước anh nhận ra Thêm đang giang hai tay nằm sấp ở bờ suối. Sài mừng rỡ xô đến gọi bạn.

Vừa chạm đến người Thêm, anh đã run bắn lên. Nhìn bạn gục xuống mặt nước anh hiểu vì sao nên nông nỗi này. Anh muốn kêu lên. Không kêu nổi. Anh muốn khóc, khóc không ra nước mắt. Nỗi căm giận chính mình trào lên trong anh. Bất chấp cả sợ hãi anh xốc bạn lên cổ cõng Thêm lội theo bờ suối. Lúc bấy giờ anh chưa hề có cảm giác hoặc không còn cảm giác là bạn đã chết, chỉ thấy có bạn trên lưng, anh thấy vững tâm hơn.

Và cũng không hiểu, mãi sau này cũng không ai giải thích được tại sao anh lại cõng nổi người bạn đã hy sinh trên người luồn rừng, lội suối suốt mười lăm tiếng đồng hồ. Đến con đường giao liên, anh ngã vật ra. Hai người nằm nghiêng úp mặt vào nhau như hai người bạn tri kỷ đang trò chuyện, tay anh ôm ngang lưng bạn, và bạn gác cái chân bị thương qua người anh. Đến gần mới biết cả hai người lính trẻ ấy đều như đang ngủ rất ngon lành.

*

Hương quyết định về quê viếng cụ đồ Khang, bố Sài. Một người cùng quê học với Hương và Sài hiện cũng đang công tác tại Hà Nội đến báo cho Hương tin đó. Hương là người đàn bà không hề yêu chồng nhưng lại vô cùng thương con, người đàn bà ”của gia đình“ ấy thật sự đảm đang lo toan chu đáo với chồng con, với họ hàng hai bên, với bạn bè.

Có thể nói cái hạnh phúc mà anh chồng cô, cũng giống như Tuyết, ”vồ“ được quả là vàng, là mặt trời soi sáng cuộc sống lạnh nhạt và buồn tẻ của anh. Cô bảo với chồng: ”Hôm nay em cho các con về quê thăm bà ngoại, tuần sau ra. ở nhà các thứ có sẵn rồi, tôm và thịt ăn hai ngày, trứng ăn hai ngày với lạp sườn. Chủ nhật em đã gửi bác An mua cá.

Bác ấy làm và rán hộ, khi nào xong bác ấy gọi sang bê về. Mỗi ngày chịu khó nấu hai bữa cơm nóng và luộc rau mà ăn khỏi xót ruột“ – ”Để đến hôm khác đi cho khỏi cập rập được không?“- ”Có gì mà cập rập“- ”Anh cũng về thăm bà một thể“- ”Thôi, không thể thức gì cả. Lần khác“. Biết mình nói hơi quá, cô đi lại gài chiếc cúc áo cổ và vuốt lại những nếp nhăn trên áo chồng: ”Em nói bao nhiêu lần ăn mặc phải gọn gàng, anh toạ tệch lắm!“.

Người chồng lại đần mặt lặng lẽ tận hưởng niềm sung sướng được ban phát, để rồi lại ngoan ngoãn câm lặng, không được bàn cãi, không được thay đổi những quyết định của cô.

Hương bảo xích lô dừng lại ở cửa Nam mua chục hoa huệ và dăm bó hương. Xuống ô tô chợ Vàng, hai người bạn học cũ đã chờ sẵn lai hai mẹ con Hương. Ba cây số mới ra bến đò và từ bến về nhà Sài cũng phải hơn một cây.

Trên đoạn đường gần năm cây số ấy đã thấy những người mang hương và nến, hoa huệ và hoa vòng từ Hà Nội về đám tang ông cụ Đồ. Nghe người đi đường bàn tán Hương và bạn cô biết là họ về còn kịp. ”Phải đến bốn năm giờ cơ. Đang giờ ”phòng không cao điểm“ đã đưa làm sao được. Chao ơi, cơ man nào là người“.

Quả là đám tang của cụ đồ Khang là hiện tượng có một không hai ở vùng này. Ngày xưa đám ma bố tổng Lợi mổ hàng trăm con lợn, trâu bò, giã giò ăn uống rậm rịch cả hàng mười ngày giời cũng không đông được như đám này. Cái đó có nhiều lý do. Thứ nhất, cụ đồ có nhiều học trò ở khắp nơi, ai cũng chứng tỏ mình có hiếu với người thầy vừa yêu thương vừa hiền lành. Với lại việc tôn sư trọng đạo vẫn là cái đức của các cụ thời bấy giờ.

Thứ hai, cụ là bố của dũng sỹ đang chiến đấu ở trong Nam, một mình bắn rơi máy bay giặc Mỹ và bao nhiêu công trạng khác. Báo đăng là chiến sỹ quân giải phóng quê ở làng V, bên con sông H nhưng ai cũng biết anh Sài ấy là con trai cụ đồ Khang. Từ trên tỉnh, trên Quân khu và những người ở đơn vị cũ của Sài đều đến viếng cụ đồ. ”Cụ là người cha đã nuôi dạy và giáo dục cho người con trai út của mình lập nên chiến công vẻ vang, cả nước biết đến“, thư chia buồn của ông chủ tịch tỉnh nói thế.

Thứ ba, họ hàng đông, làng xã ai cũng kính nể đức độ của cụ ”giấy rách phải giữ lấy lề“, đói thì ăn rau ăn cháo chứ đừng ăn trộm ăn nhặt của ai. Hồi các em và các con còn nhỏ cụ dạy dỗ đe nẹt thế. Lớn lên đi hoạt động, cụ lo toan, chạy vạy, theo đuổi vào tù ra tội và hầu hạ mỗi khi có khách của con, của em, hoạ hoằn cụ chỉ nhắc một điều: ”ăn ở nên để phúc đức về sau.

Chú và anh Tính làm việc gì phải nhớ để lúc lui về vẫn có người vồ vập vị nể mình“. Cả đời cụ chỉ có một lần ân hận là đã đuổi thằng Sài ra đồng để con suýt chết đói, chết rét. Nỗi ân hận ấy trước khi tắt thở cụ còn gọi: ”Sài ơi, con tha lỗi cho bố. Bố ăn ở ác với con nên lúc nhắm mắt bố không được gặp con, Sài ơi!“. Xóm mạc ai cũng oà ra nức nở thương tiếc cụ, thương nhớ thằng con út của cụ đang biền biệt ở tận đâu đâu, có biết đến cái giờ phút vĩnh viễn xa rời người cha kính yêu này không?

Những lẽ ấy đã đem đến nườm nượp đông đúc sự thương tiếc, kính trọng, sự linh thiêng của mất, còn toả ra từ đám tang cụ đồ. Nhưng cũng còn cơ man nào là người không biết từ huyện xã nào ngơ ngác và thậm thụt, cung kính và cười cợt, nghênh ngang và khúm núm, họ là vô số người chưa hề biết cụ đồ là ai, cũng không phải vì lòng ngưỡng mộ một gia đình cách mạng, một cuộc sống mẫu mực hoặc vì sự yêu mến chân thật người em, người con của cụ.

Họ đi đám chỉ vì không đi sẽ không tiện. Thành ra không phải họ đi đưa đám cụ đồ mà đưa đám ông Hà đã về làm bí thư huyện uỷ được nửa năm nay và đưa đám anh Tính uỷ viên trực phụ trách nội chính của uỷ ban hành chính huyện. Có người đến ngay từ chiều hôm kia, khi vừa phát tang.

ở ngoài đường họ đùa nghịch huyên náo, vào đến nhà họ lặng lẽ nghiêm trang. ở ngoài đường họ còn dò la xem phong tục làng này ra sao, vào đến nhà họ thành thạo mọi nghi lễ và làm mọi việc tự nhiên như một người chủ. Họ phải liếc mắt xem thắp hương và khấn vào lúc nào, đứng đâu để ông Hà hoặc Tính chứng kiến nỗi lòng đau khổ, cung kính của họ:

”Con là Trần văn Đật phó chủ nhiệm phụ trách chăn nuôi thôn Thượng, xã Hồng Thuỷ kính viếng lin hồn cụ Đồ sống khôn chết thiêng chút lòng thành nhỏ mọn của con… ”Tút Tam Thanh và chục bó hương dâng lên trước mặt anh khấn rồi quỳ sụp xuống lễ ba lễ, đứng dậy, hai mắt đỏ hoe anh lẩy bẩy đặt lên bàn thờ chỗ đã chồng chất hương hoa khiến Tính sau khi vái đáp lễ phải cám ơn anh và nhận lấy tấm lòng thành cung kính ấy.

Đi quay ra Đật vẫn cúi vẻ đau đớn nhưng trong bụng đã có thể chắc chắn về cái đơn xin hai nghìn ngói đang nằm ở chỗ Tính mà hai tuần sau anh sẽ đến xin hẳn là Tính không thể từ chối. Và nếu cần, anh sẽ ”khấn“ lại tên tuổi của anh để Tính khỏi quên. Lại có người đến từ sáng nhưng cứ quanh quẩn ngoài ngõ đợi ông Hà lên trực bên linh cữu mới vào thắp hương viếng. Hầu hết những người không quen thuộc với cụ Đồ trước hoặc sau khi đưa đám đều tạt vào thăm ông Hà, nắm lấy bằng được bàn tay ông để chia buồn.

Với Tính cũng thế. Tất cả những cử chỉ ấy cốt để hai con người không thể quên rằng họ đã có mặt trong cái đám tang lớn của gia đình các anh. Người xa lạ đã vậy, ngay con cháu và anh chị em gần xa, ai hàng năm hàng đời không lai vãng, không bẻ cho nửa của khoai lúc đói kém thì gào khóc to nhất, thảm thiết đến nẫu lòng. Trong những tiếng khóc của người thân thích ai cũng cảm động về nỗi đau đớn, sự mất mát lớn lao ở người con dâu cả. Chị vật vã, đã có lúc ngất đi và tiếng đã khản, chị vẫn kêu van thống thiết ”ối cha ơi, cha chết đi, con lớn con bé của cha biết trông cậy vào ai, cha ơi ời…“

– ”ối cha ơi, từ nay các cháu của cha biết tìm đâu thấy ông, để ông dạy bảo các cháu lớn khôn như ông đã nuôi dạy con cái, có đi đến chân trời góc biển nào cũng không thua anh kém chị… cha ời…“- ”ối cha ơi, mới trưa hôm kia con hỏi cha có thèm của ngon vật lạ gì con hầu cha, cha bảo con rằng cha đã đầy đủ rồi bây giờ cha đã bỏ chúng con, bỏ đàn cháu thơ dại, cha đi đâu rồi cha ơi…“

Tuyết cũng là người khóc ”thường trực“ cùng chị cả. Duy chỉ có vợ Tính chỉ oà khóc như gào lên lúc ông cụ vừa tắt thở và khi liệm, còn chị phải chạy tất bật với bao công việc: cau trầu, chè thuốc, lo cơm phường kèn, phường trống… Chỗ nào cần, việc gì thiếu hụt chị đều phải làm, phải lo. Nhiều khi bạn bè đến không thấy vợ Tính, anh ngượng tìm gọi chị: ”Mẹ Tính cứ đi đâu thế“

– ”Thế bao nhiêu việc cứ bỏ đấy à? Bố nó xem những việc dưới này có ai giúp tôi được việc gì không!“ Anh lại phải bảo vợ: ”Thì mẹ nó lại phải trông nom cho chu tất hộ tôi“. Anh biết rằng sẽ không ai chê cười vợ anh bất hiếu vì cả làng, cả xã đều nói với anh suốt mấy tháng trời về việc vợ anh trông nom phụng dưỡng bố chồng ốm như thế nào.

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 26

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN