Thời xa vắng -full
Chương 34
Anh ức đến nghẹn cổ đành phải sượng sùng nói dối là cô bị cảm chưa dậy được. Sẵn nỗi ”căm hờn“ ấy buổi trưa hai người ngồi điểm lại bạn bè mỗi bên xem còn thiếu ai chưa mời, anh hỏi: ”Đã mời anh Toàn chưa?“. Châu không hề nghĩ có câu hỏi đó, cô buột mồm hỏi lại. ”Toàn nào“- ”Em quên, để anh đi mời trực tiếp nhé!“ Tưởng vợ cố tình nói dối, cái tính ích kỷ, chấp vặt vốn có tự nhiên nổi lên khiến mặt anh lạnh đi.
Châu nhìn như xói vào mặt anh, khiến anh hơi cúi bẽn lẽn. Hai hàng nước mắt từ từ chảy cô lặng lẽ đứng dậy lấy nón, dắt xe trở về nhà mình. Sự tức giận kiên quyết của cô khiến hôm sau Hiểu phải đến dỗ dành như van lạy và bắt Sài phải trực tiếp xin lỗi, cô mới chấp thuận có mặt ở đám cưới.
Đấy là sự kiện thứ nhất ghi ở trang đầu tiên trong tập hồ sơ của toà án nói rằng: trước khi tổ chức lễ cưới một ngày hai bên đã mâu thuẫn căng thẳng, tuy chỉ là chuyện sinh hoạt bình thường nhưng do không hiểu ý nhau chị Châu đã có ý định bỏ đám cưới. Nhờ sự dàn xếp của gia đình và bạn bè, anh Sài tự thấy mình có lỗi đã đến xin lỗi chị Châu nên đám cưới vẫn được tiến hành tốt đẹp.
Chương IX
Sài choàng tỉnh đã thấy vợ ngồi ở cuối giường. Lưng tựa vào tường tay bó lấy gối, hai mắt cô mở to nhìn đăm đắm vào ngọn đèn ngủ trên mặt tủ. Lướt thấy khuôn mặt buồn rầu của vợ, anh muốn choàng dậy nhưng chỉ hỏi nhỏ:
– Không ngủ được hở em.
Hoặc chưa nghe thấy, hoặc không muốn trả lời, cô vẫn ngồi trong dáng im lặng mệt mỏi. Sài bật dậy lo lắng:
– Làm sao thế em?
Cô như choàng tỉnh, đôi mắt nhìn xa xăm hơi nheo lại, mỉm cười vuốt vuốt mái tóc rối bời của chồng, tay kia cầm lấy tay anh đặt vào làn da bụng căng lên lùm lùm. Sài khẽ xoa như chỉ sợ chạm mạnh làm đau ”đứa con“, theo anh mới khoảng hơn một tháng gì đấy. Sài cười tí tửng nhìn vợ. Cô kéo áo hất lên, ấn đầu anh vào bộ ngực nở nang của mình rồi cúi xuống như để giấu anh đi, mỉm cười thích thú về cái trò chơi ấy. Sài bị ngẹt thở.
Anh phải lúc lắc đầu nhoai lên cho hai cánh mũi hở ra lấy hơi, nhưng cô lại vỗ vỗ lên đầu ra hiệu cho anh phải để im. Anh ngoan ngoãn làm theo sự điều khiển của vợ. Đấy là những ấn tượng không thể quên của tuần lễ đầu tiên trong ”tuần trăng mật“ của hai người. Vì nó, anh sẵn sàng làm được tất cả những gì để vừa lòng vợ. Được báo tin đi ôn thi để nghiên cứu sinh anh hỏi vợ:
– Thế nào em.
– Anh đi học thêm thì tốt nhưng…
Cô chưa nói được cái điều ngập ngừng thì anh đã hiểu những ngày này vợ rất cần sự chăm sóc của anh. Khi sinh nở, mình đi vắng hoặc ít ra cũng vùi đầu vào học ngoại ngữ, lớn tuổi học ngoại ngữ mồm miệng cứng như cái cạp rổ suột, gò nắn rất khó. ấy là chưa kể đầu óc không thể tập trung như khi son rỗi. Để học cho đạt kết quả, làm sao có thể trông nom được vợ con. Ai giúp mà không có mình cũng không thể yên tâm.
– Hay anh để đến đợt sau. Khi nào em sinh nở xong.
– Tuỳ anh quyết định.
– Thế thì còn gọi gì là bàn bạc nữa.
– Em thì bao giờ chả muốn ở gần anh nhưng sợ ảnh hưởng đến dự định của anh.
– Dự định của anh là tất cả vì em. Thôi quyết định để đến đợt sau- Và, anh lại được ban thưởng bằng cái nhìn chan chứa, tưởng cả đời em và anh cứ bay giữa mênh mông của đôi mắt ấy. Anh cũng đã quyết định xin chuyển ngành làm công tác thi đua, công đoàn ở một bộ.
Với công việc của mình anh có điều kiện chăm lo, giữ gìn cho vợ. Sáng, khi vợ dậy nấu cơm, anh cũng dậy, lúc đầu thì ngồi bên em và nghe sai vặt, cầm đôi đũa cả, cái muôi, lấy chai nước mắm, bóc củ tỏi, cầm lọ mì chính, dù những thứ đó ở ngay chạn chỉ cần đứng dậy với tay là tới. Về sau thì anh làm luôn mọi việc: luộc rau, nấu cơm, đun lại xoong thịt, tráng trứng. Dần dần, anh có vẻ thích thú với công việc mình làm, mà cô thì mỗi ngày một nặng nề mệt mỏi thêm. Thôi em cứ ngủ để anh một mình anh dậy. Khi xong xuôi, bắt đầu dọn mầm bát, anh gọi vợ dậy đánh răng rửa mặt.
Được ngủ tròn giấc cô thấy mình hoàn toàn khoẻ khoắn thoải mái. Nhưng bao giờ ngồi dậy cô cũng hơi uể oải một chút, nhăn nhó một chút, như thể cái lý do để cô được chiều chuộng là ở chỗ ấy. Cô ngồi ăn, anh đi lấy cặp lồng của hai người xới cơm, sẻ thức ăn. Bao giờ anh cũng gạt sẻ cho vợ phần nhiều khiến cô phải gắt lên: ”Thì cứ để đấy ăn xong rồi làm, việc gì anh cứ phải vội vã tất bật“- ”Làm xong rồi ăn cho nó yên chí“. ăn xong, trong khoảng thời gian vợ chải chuốt, thay quần áo anh rửa bát đũa, bơm xe.
Vợ bảo để em rửa. Anh bảo mất thời gian. Vợ chuẩn bị xong thì anh cũng xong. Vợ gàn: ”Bỏ đấy để đến chiều“. Anh gạt đi. Anh chúa ghét kiểu để dành việc. Lai vợ đến cơ quan rồi anh mới đạp trở lại cơ quan mình. Chiều cũng ngần ấy động tác chuẩn bị một bữa ăn và giặt giũ. Ngày hôm sau cũng thế. Những ngày sau nữa cũng nấu ăn, giặt giũ. Anh cảm thấy người đàn ông sức dài vai rộng như anh làm lụng như bay. Còn thừa thãi thời gian sức lực anh bảo vợ đưa sổ gạo và toàn bộ tem phiếu tranh thủ lúc rảnh việc và buổi trưa đi xếp hàng, gửi chỗ và nhờ người mua. Anh mua dầu và gạo mì, thịt, cá, đậu phụ, mì chính và nước mắm, đường và xà phòng. Nói chung, việc xếp hàng mua bán đối với anh tuy có vất vả một chút nhưng không đến nỗi ghê gớm như người ta kêu. Một cuộc sống yên ả đều đặn, vợ chồng anh là niềm mơ ước của nhiều người.
Chồng cán sự sáu, vợ kỹ sư, nhà cửa giường tủ bàn ghế đàng hoàng. Chưa phải nuôi con, họ có quyền kiêu hãnh về sự đầy đủ của mình so với cuộc sống vật chất khốn khổ của mấy nhà xung quanh. Nhưng người đầu tiên xuất hiện sự lo ngại chô họ lại là Tính. Từ khi cưới nhau đã ba tháng Sài không hỏi han gì đến người ở quê. Kể cả Tết, Tính cho con mang gà và gạo nếp lên cho chú thím, Sài cũng chỉ nhắn một câu: ”Bảo bố, chú bận quá không thể về được“. Tính sốt ruột lên thăm em. Anh qua chỗ Hiểu rủ cùng đến chỗ Sài. Hiểu cũng phàn nàn cậu ấy có vẻ lo lắng cho gia đình quá, ít khi lại đây.
Vẫn giữ cái quyền được lo toan, săn sóc, anh mang cho em hai chục trứng, mấy cân lạc và dặn vợ chồng phải ăn uống giữ gìn sức khoẻ. Châu bắt chồng lên nhà tiếp anh chồng và Hiểu để các việc cô làm. Nhưng vốn quen thói của người đầu bếp anh không thể yên. Lên nhà pha ấm nước chưa kịp rót anh lại xuống bếp lấy đũa so nồi cơm trong khi vợ đang rán cá. Chạy lên nhà lấy bao thuốc và rót nước mời, hai anh chưa kịp uống Sài lại chạy xuống cho cơm cạn và bắc nước luộc rau. Vợ gắt: ”Anh buồn cười thật. Bảo cứ kệ em“. Anh gạt đi: ”ối giời, anh em nhà, việc gì phải tiếp“- ”Không được,anh lên đi“.
Anh miễn cưỡng phải lên. Lần này thì ngồi uống nước đàng hoàng. Định tham gia câu chuyện giữa Tính và Hiểu về sự hư hỏng của bọn trẻ con hiện nay chọt nhớ ra rổ rau sống mới nhặt chưa kịp rửa còn để trên nắp thùng phuy đựng nước dự trữ. Anh vội vàng xuống rửa rau và hoà nước muối ngâm. Mặc dầu anh chỉ ”chạy cờ“ những việc lặt vặt còn toàn bộ bữa cơm giản dị và hết sức ngon lành khéo léo đều do tay vợ làm, khi tiễn một đoạn đường, nét mặt Tính vẫn trịnh trọng bảo em: ”Phải chú ý.
Anh thấy em cứ lao vào những công việc lặt vặt rồi chả làm được việc gì đâu“. Sài hơi khó chịu về quan niệm không thức thời của anh.Thời buổi này ai chỉ nghĩ đến việc to tát là viển vông. Mà làm sao lại có thể như anh ấy được. Anh không hề thông cảm gì cuộc sống và những mối quan hệ ở thành phố. Mình trình độ đại học, họ cũng kỹ sư, cả trình độ lẫn đồng lương không hơn kém nhau là bao. Mình lên mặt trịnh thượng với họ thì chỉ có về quê may ra mới không phải nhúng tay vào công việc vặt vãnh. Sài như nghẹn lại về sự phê phán nhắc bảo rất cổ lỗ của anh trai. Mãi sau anh mới nói được:
– Anh bảo, cùng đi làm giờ giấc như nhau, khi về cũng phải mỗi người một tay, cô ấy lại nặng nề khó khăn hơn em.
– Thì anh cứ nói chung thế để em chú ý. Mình phải giúp đỡ thím ấy chứ. Mình bỏ mặc thế nào được.
Quay trở về nhà vừa xếp dọn xong mâm bát vẫn chơ chỏng giữa nhà vừa nghe vợ càu nhàu.
– Em bảo anh bao nhiêu lần rồi vẫn không được.
– Gì thế?
Sẵn nỗi bực, anh hỏi sẵng. Cô vợ lặng đi vì sự phản ứng của anh.
– Chỉ có mỗi việc bảo là làm gì cũng phải cho nó đàng hoàng. Tại sao anh không dọn cơm ở trên giường lai trải chiếu ở một góc dưới đất trông lúi xùi như đám người đi ngồi nhờ.
Tưởng gì, cái cô này đúng là đàn bà. Toàn để ý những chuyện vụn vặt. Anh thấy người nhẹ đi.
– Thì anh em trong nhà cả, có ai mà phải lo.
– Nếu chỉ có anh em nhà anh, anh muốn làm thế nào tuỳ anh. Nhưng có em thì anh đã không được để anh Tính ngồi đấy, huống hồ lại có cả anh Hiểu. ở với anh Hiểu mãi anh có biết tính anh ấy cẩn thận, lịch lãm như thế nào không? Anh làm thế, các anh ấy nghĩ là em sợ bẩn cái giường nằm.
– Thì anh chủ động, nếu nghĩ gì thì các anh ấy nghĩ anh, chứ tại sao lại trách em được.
– Anh làm em phải chịu. Người ta sẽ nghĩ tính đàn bà hay tiếc của. Chắc thằng này sợ vợ không dám mời khách ăn trên giường.
– ừ thì sợ vợ đã sao. Sợ vợ mình chứ sợ vợ người khác đâu mà thiệt. Anh nói tuế toá cho xong cái chuyện vặt vãnh ấy. Việc gì phải ý tứ giữ gìn với anh em bạn bè, và nhất là vợ con trong nhà.
Nhưng cô thì không thể nào coi là chuyện nhỏ. Ngược lại, nó làm lớn dần lên mối nghi ngờ của cô cho rằng sống gần sẽ hiểu và xoá dần cái khoảng cách về các tính giữa hai ngừơi. ấy là chưa kể những khi có khách, ngồi kéo quần lên tận đùi và thượng cả hai bàn chân đi xa về chưa kịp rửa lên ghế. Ăn uống thì húp háp xì xoạp, mồ hôi mồ kê đầm đìa nhễ nhại.
Ăn xong ngồi xỉa răng nhanh nhách, đôi khi há mồm vẹo cả mặt để thò ngón tay vào cậy các thứ mắc kẹt ở kẽ răng. Nhắc xong lại quên. Chả nhẽ việc gì cũng phải nhắc nhở. Có lúc xấu hổ đỏ nhừ cả mặt, cô giận đến nỗi coi những cái đó như một mối hận đành nuốt vào lòng. Những chuyện đó sau này không có ai khai để ghi vào văn bản nhưng lại là những mấu chốt đầu tiên và sâu xa có khi còn lớn hơn cả sự quát tháo đánh mắng của một kẻ làm chồng vũ phu.
Thực ra, Sài cũng để ý xem xét xung quanh và nghe vợ sửa được nhiều cái theo anh nó không phải là xấu mà cốt để chiều cô. Khốn nỗi, từ trong tiềm thức của mình anh thấy những việc ấy rất vô lý. Chẳng hạn cái phép lịch sự ngày xưa cha mẹ dạy dỗ sự cung kính, lễ phép bây giờ nó lại thành cung cách của một kẻ yếu đuối, hèn mọn. Cái tình cảm chan hoà ào ạt với hàng xóm và cuộc sống lính tráng bây giờ bị xem như là xuồng sã.
Một thằng bạn mười năm trước dúi mình xuống khe đá nằm đè lên trên chịu hai mảnh bom giặc găm vào đùi bây giờ gặp nhau cũng chỉ bắt tay, dù là thật chặt nhưng chỉ cần giơ một bàn tay thẳng thắn cho nó bắt, nói với nhau dù thân thiết nhưng chỉ nên vừa đủ nghe, không được kêu toáng lên, không được ôm lấy nhau mà quay cuồng trông nó trẻ con lắm. Bây giờ mời thằng bạn chí cốt từ quê lên, từ xa về chỉ cần biểu lộ sự nhiệt tình thành thật trong một vài lời nói không được túm tay giằng kéo nhau giấu mũ, giấu túi.
Bây giờ khách của ai người ấy tiếp, không việc gì cứ phải bắt vợ hong hóng ngồi với khách của mình mệt đến bã cả người. Toàn những chuyện hình thức phù phiếm. Nhiều lúc anh thấy tự ái, mình không còn là mình. Xử sự việc gì cũng không phải là của mình, vì mình, tự mình quyết định. Tất cả là của cô ta, phải làm theo ý cô ta. Nhưng yêu nhau phải thế biết làm thế nào. Thành ra, anh cứ phải cố. Cố bù đắp chỗ chưa thích hợp bằng công việc, bằng sức lực thường trực của mình cho sự hoà hợp êm thấm.
Nhưng càng ngày Châu càng lặng lẽ, thoắt buồn, thoắt vui, nhiều khi gắt gỏng, giận dỗi vô cớ. Anh than phiền với mấy bà cùng khu nhà. Ai cũng bảo: Chú thì tốt quá rồi, nhưng phải thông cảm cho cô ấy bụng mang dạ chửa. Người đàn bà lúc có mang là hay cáu gắt chứ không có chuyện gì đâu. Sinh con xong là hết thôi mà. Có lẽ là thế.
Anh thấy mình được an ủi, càng nén chịu và thương vợ hơn. Cái tháng thứ ba đã qua, nghe người ta dặn dò mách bảo,lai vợ đi làm anh có cảm giác như ở phía sau mình là bát nước đầy chỉ hơi chao lạng một chút là rào sóng đi mất. Nhiều lúc anh cứ định để vợ ngồi yên trên xe còn mình xuống dắt thì mới được yên tâm. Thực ra, sự nhẩm tính của anh sai lệch đến hàng tháng. Hoặc chiều anh, hoặc chính mình cũng muốn tính theo cái thời gian của chồng, Châu ngoan ngoãn chấp nhận những lo lắng trịnh trọng khi sự nguy hiểm kiêng cữ đã qua.
Chỉ khổ nỗi, chồng không phải là kẻ đần độn ngu si mà không hề hiểu gì những cái đơn giản, làm cho những kỷ niệm của mối tình cay đắng cô muốn vùi lấp, nó cứ cộn lên không sao kìm giữ. Ngày xưa, không bao giờ Châu phải nói ra điều gì anh ta vẫn như nghe thấy tất cả đòi hỏi của tình cảm và thói quen của Châu. Chưa một lần nào anh ta đem đến cho Châu thứ gì mà cô không thích và ngược lại cái gì Châu không thích chẳng bao giờ anh ta nài ép.
Bây giờ… Châu ốm phải ở nhà. Sài cũng chạy đến cơ quan một lúc rồi về. Ghé đít vào thành giường đặt tay lên trán vợ như kiểu thầy thuốc thăm bệnh an ủi: ”Lát nữa bạn anh ở viện 354 sẽ đến đây xem tình hình thế nào. Em thấy mệt lắm không? Không thấy vợ mở mắt trả lời anh biết mình lại lỡ, hỏi điều không cần hỏi. Đứng dậy châm thuốc hút, anh có cớ đê ngồi xuống gần vợ hơn.
Anh lấy tay bóp nhẹ hai bên thái dương rồi hai vai, hai cánh tay. Cử chỉ của anh làm cho cô cảm động. Cô cầm lấy tay anh đặt lên bụng mình. Dù bàn tay ở phía ngoài áo anh vẫn có cảm giác ở phía trong trồi lên cái cục đang di động. Anh luồn tay vào nhẹ nhàng lướt theo nó. Cô đặt hai tay mình lên tay chồng, nét mặt có phần tươi tỉnh lên. Ngồi một lát anh lại hỏi: ”Ăn gì để anh đi mua?“
– ”Thôi cứ ngồi đây với em một lúc“. Anh thấy nỗi lo sợ hoảng hốt được nhẹ vợi. ”Em phải cố chịu để anh khỏi ảnh hưởng đến con nhé!“ Cô gật đầu ngoan ngoãn. Cái cử chỉ sao mà đáng yêu, khiến Sài cũng như nhiều chàng trai trước anh đến ”khốn khổ“ về cái gật đầu này.
Bác sĩ quân y bạn của Sài đến thăm bệnh, cho thuốc, dặn Châu và Sài không có gì đáng ngại, uống hết chỗ thuốc anh ta cho là khỏi. ”Chịu khó ăn uống mới lại sức được“. Thế là Sài lại săn đón gặng hỏi vợ thèm gì, thích ăn gì để anh đi làm, đi mua. Nể chồng và nghe lời dặn của bác sĩ, dù mồm miệng nhạt thếch không thiết bất cứ một thứ gì cô vẫn phải nói đẻ anh yên lòng: ”Mua cho em bát phở vậy“.
Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 35
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!