Thời xa vắng -full - Chương 37
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
81


Thời xa vắng -full


Chương 37


Cho nên các cháu không cần đi đông, một vài đứa lên thăm em và giúp chú thím chứ đâu phải là lên đùa vui, thăm thú. Muốn xem Hà Nội đi vào lần khác. Riêng Hưng, con lên thăm em rồi ở lại luôn, giặt giũ cơm nước, chợ búa và trông em cho chú thím. Con đành nghỉ học một năm, sau về lại học tiếp. Bố mẹ sẽ lo cho con học hành đến nơi đến chốn.

Con bé mười ba tuổi đang học lớp sáu phải nghỉ. Nó mếu máo nhưng vẫn phải đi. Lên với chú thím nhà mình chứ đi ở với ai mà sợ. Ngày hôm sau thành phần của ”đoàn“ có sự thay đổi nhỏ. Anh cả đi thay vợ; ”Thôi để bố nó đi còn biết đường ăn nói, tôi có biết gì!“. Trời rét mà từ rất sớm tất cả đã tập trung ở nhà Tính để điểm lại xem có những gì mang cho em. Người cân đậu xanh, mấy bơ gạo nếp, người con gà, người ít lạc, nải chuối, chục trứng.

Tuỳ lòng thành của mỗi người. Cốt gọi là có tấm lòng, còn tất cả vợ chồng Tính đã phải chuẩn bị rồi. Thôi thì ta nhịn bớt cái tết đi. Năm ngoái cưới cho em còn tốn kém nhiều lần cũng chạy vạy được, huống hồ năm nay em dâu đẻ. Tất cả có bảy con gà thì nhà Tính năm. Mười tám cân gạo mới trắng muốt trong số hai nhăm cân. Bảy cân trong số mười cân gạo nếp. Ba trong số năm chục trứng.

Bốn trong số năm cân đậu xnah. Chỉ có hai cân lạc, một cân bột sắn dây, ba nải chuối là anh không có phần, nhưng lại có thêm ba chục quả chanh và hai ki lô ruốc thịt nạc. Sáu cái xe đạp lai có hai ngừơi ngồi đằng sau còn lại lai đồ ăn thức đựng cho em. Chỉ nghe tiếng thì thòm trong gió, những nhà ở cạnh đường ra bến đò, đã biết nhà ông Tính chỏ của đi nuôi em dâu đẻ trên Hà Nội.

Dù cả làng không ai cấy một cây lúa (trừ một ít luá lốc gieo bằng hạt gạo, gạo vừa đỏ vừa đớn như gạo rơm) nhưng tất cả đều là ”cây nhà lá vườn“, những thứ ”tăng gia được“ mang lên cho em. Trong căn nhà chật chội của Sài đã che kín một nửa như buồng trò. Nửa còn lại không thể đựng hết ngần ấy khách ở quê. Anh cả và Tính sang nhà bên cạnh ngồi hút thuốc lào. Bà dì ngồi nhai trầu. Vợ Tính và chị dâu con bác hai ngồi bế cháu và nói chuyện với Châu.

Sài và lũ cháu hối hả, tất bật với bữa cơm. Châu bảo chồng làm con gà nhưng vợ Tính nhất quyết không cho. Không cho làm gì, không cho mua bán gì, không cho nấu gạo mới. Nấu gạo mậu dịch và phải cho kha khá mì ”ăn đỡ cho chú“. Thức ăn cũng chỉ có đĩa su hào xào, đĩa rau muống luộc chấm nước mắn chanh tỏi, bát dưa kho cá biển vốn là thức ăn từ mấy ngày nay của Sài, đĩa thịt đông Châu đã bảo Sài ”giải quyết“ hộ từ sáng hôm qua mà anh để được đến trưa hôm nay tiếp khách lại hoá hay.

Chỉ có thế, bốn năm chú cháu cũng chạy lên chạy xuống rậm rà rậm rịch và những người ở quê đã thấy thoả mãn sự no đủ, sang trọng. Rồi, lại sấp ngửa ra về để hàng tháng sau vẫn còn cảm động về một bữa cơm lịch sự, về thím Châu có phần lại xinh đẹp ra, về sự dịu dàng lễ phép của người Hà Nội. Không hề có gì phân biệt khinh thường nhà chồng.

Thím ấy chứ ân hận là bận bịu công tác và gia đình không có dịp về quê, nhờ bà, nhờ các chị về nói hộ với mọi người thông cảm tha lỗi cho em. Người có học cũng có khác. Nói năng sao mà ngọt ngào, dễ nghe. Chỉ cần được mấy nhờ như thế cũng đủ để mấy dì cháu, mẹ con thấy bõ công vất vả, đủ để cười nói vồn vã giữa mưa phùn giá lạnh. Về đến nhà, ai cũng ướt như chuột lột, vẫn râm ran niềm vui, vì mình được trọng vọng kính nể. Tính rất hài lòng với kết quả công việc đầy ý nghĩa mà mình đã quyết định.

Anh cũng rất yên tâm con gái anh nó sẽ quen. Được ở với chú thím nó sẽ mở mang ra. Học hành có chậm một năm nhưng nó sẽ hiểu biết rất nhiều. Quan trọng hơn, cái điều anh lo lắng về sự cách biệt quá xa giữa vợ anh và Châu, qua lần này anh không hề thấy cái khoảng cách ấy. Nói tóm lại, hôm nay anh hoàn toàn thoả mãn. Khi ra về, con gái anh chào bố với đôi mắt đỏ hoe anh vẫn cười pha trò: ”Giá bố được ở đây với chú thìm bố cũng ở cho sướng cái thân bố“.

Rất xứng đáng với sự lựa chọn của bố mẹ, nó là đứa tinh nhanh, tháo vát, trong số bảy đứa con. Là đứa thứ ba nhưng nó khôn ngoan và tỏ ra hiểu biết hơn cả anh và chị. Khi bà, bác, bố mẹ và anh chị em về rồi, nó lau nước mắt, ra máy nước rửa mặt, trở về thu dọn mâm bát, quét dọn và ngay chiều hôm đó một mình thay chú giặt một chậu đầy tã lót của em, quần áo của thím.

Nó còn tự động mang đi giặt cả chiếc áo bộ đội chú nhét vào khe cửa từ hôm nào đã chua lòm lòm. Những ngày sau, bao nhiêu chai lọ, bát đĩa, xoong nồi dùng dở hoặc đựng thức ăn bỏ quên đã thành dòi, hoặc mốc meo được moi móc đánh rửa phơi phóng, xếp dọn lại sạch sẽ gọn gàng. Trong gian bếp quang đãng, rộng hẳn. Chợ búa, tem phiếu mua gì ở đâu, xếp hàng ở chỗ nào dễ dàng hơn, nó đều biết, mua được mọi tiêu chuẩn.

Sau một tuần giúp em ở bệnh viện và mấy ngày đầu về nhà, chị gái Châu thỉnh thoảng mới đến thăm. Chị rất hài lòng về đứa cháu của Sài. Châu cũng đồng tình với chị: ”Cháu nó tinh nhanh, thông thạo, có khi còn hơn cả ông chú“

– ”Nói thế, Sài nó cũng là thằng tháo vát“- ”Tháo vát ở đâu, về nhà này, nói thật với chị em không thể ưng được việc gì“. Đàn bà vốn có cái tật là không bao giờ khen chồng trước mặt người khác.

Cũng như tất cả những người con gái quen thân chồng mình bao giờ cũng là con bé lăng nhăng, đĩ thoã. Vì thế, Sài cứ phải cố cho vừa lòng vợ. Sự chiều chuộng của anh đã tạo nên thói quen lười biếng trong cô. Cô nhận ra, không có một kẻ đầy tớ nào hầu hạ lý tưởng bằng chồng, khi anh ta còn sức lực và tự nguyện hết lòng, hết sưcs, hết hơi vì vợ con.

Dù sao thì anh ta cũng hiểu mình hơn một thằng ở. Dễ sai bảo, không e ngại bất cứ công việc gì, không cần ý tứ giữ gìn bất cứ một trường hợp nào. Được giận dỗi xỉ vả hết mức, cũng đồng thời lại được vuốt ve thương yêu hết lòng. Khi thấy bộc lộ của bất cứ phía nào trong tình cảm của mình đều được tự do. Với ”giang sơn“ của mình, sự có mặt của bố mẹ hoặc chị em ruột thịt còn bí bách gò bó huống hồ là cháu chồng.

Hơn một tháng sau ngày đẻ, Châu đã gọn gàng như người son rỗi. Tuy cò nghỉ thêm một tháng không lương cô đã thấy có phần khoẻ hơn cả thời con gái. Cả một tháng trời ngày nào cũng tam thất nhét bụng gà đem cách thuỷ, chân giò, đậu xanh, gạo nếp, hạt sen hầm trong nồi áp suất, khiến ai gặp cũng ngạc nhiên vì cô lại trẻ ra, trắng hồng, béo đẹp còn hơn cả ”thời oanh liệt“, có thể gọi là hoa khôi của Hà Nội được.

Còn hai chú cháu cứ đều đặn rau muống luộc, hoạ hoằn mới có cá mè cá biển, đậu phụ mua theo phiếu hoặc tí mỡ, tí bì lọc ra để lấy thịt nạc ”rim cho thím“. Cũng có khi anh húp háp một chút ninh chân giò ”hộ em“.

Ngày đi làm, chạy vạy xoay xở nhờ vả để có các thứ tẩm bổ cho vợ, đem về cnah hai bữa sữa cho con ăn đêm và mỗi lần ăn lại ba lần đái phải thay ngay không được đẻ tã ướt ngấm lạnh thằng bé. ấy là chưa kể hàng mấy chục đầu việc cháu làm trong mỗi ngày, mà việc nào chú cũng phải chỉ bảo uốn nắn, phải che đỡ khỏi sơ suất thím không vừa lòng.

Vốn đã nhiều hơn vợ hàng chục tuổi, lại hơn một tháng nuôi vợ đẻ hai hố mắt anh đã sâu xuống, hai gò má nhọn ra, râu túa lên lởm chởm, bừa bãi. Thành ra trông vợ thì như một cô gái hăm hai mà anh ”mới khoảng bốn bảy, bốn tám chứ mấy“. Khách lạ đến nhà toàn ”chào chị“ và ”cháu chào bác ạ“.

Mỗi lần khách của cơ quan mình hoặc bạn cũ chưa biết anh. Châu đều khéo léo giới thiệu ”nhà tôi“ hoặc ”anh ơi“ trước khi khách bước vào nhà. Cũng lại chính những ngày này tình cảm giữa cô và gia đình nhà chồng bắt đầu rạn nứt. Bắt đầu là sự bức bách chật chội trong căn phòng hẹp.

Đứa cháu ngủ ở chiếc giường một còn ba người ở chiếc giường đôi bừa bộn tã lót, chai, phích sữa, chậu đựng tã, lọi để ”hứng chim“ khi đái, không còn chỗ để mà cựa mình, mà thở. Huống hồ, những lúc con ăn, con đái ỉa, đèn điện mất không còn biết lối nào mà lần. Hiểu nỗi khó chịu của vợ anh đã lùng mượn bằng được chiếc giường gấp.

Khi nào xong hết mọi việc không còn động chạm gì đến dưới bếp thì giơ giường ra đặt dọc theo bếp. Phía dưới là chai lọ, xoong nồi rổ rá, rau, gạo. Rất may nó vừa lọt vào giữa một bên là chạn bát, một bên là hai chiếc xe đạp. Từ khi vào giường cho đến khi dậy không được động đậy, không được đi lại gây nên đổ vỡ làm giật mình em. Như thế còn chịu được.

Ngửi mùi dầu tây, nước mắm, mùi chai lọ mốc, mùi dấm chua, mùi mỡ khét muốn phát oẹ đứa cháu cũng phải nén để thím khỏi biết chuyện đó. Nhưng thím thì đã thấy cháu thực sự thừa ra ở cái nhà này. Thấy một vài việc làm không đúng ý mình Châu bắt đầu xét nét từng việc làm của nó. ”Anh xem xoong nấu sữa pha cho con còn nhoe nhoét những vết rào tràn ra phía ngoài cháy xuống đáy. Sài biết con bé vừa vò tã vừa đun sữa chạy vào không kịp.

”Em đã bảo anh là cứ để đấy cho em“ Sài lại được nhìn tận mắt những vết ố vàng của phân con. Anh cầm chiếc tã đi giặt lại. Nhưng vò mãi thì những chiếc tã trắng vẫn không sao hết được những chiếc tã trắng vẫn không sao hết được những dấu vết ố vàng. ”Giời ơi, làm ăn thế này thì ai sắm kịp, để chú cháu nhà anh phá“. Cô lại giơ một chiếc xoong khác ở đáy do thắng đường làm ”nước hàng“, con bé mải mổ cá để quên. Sau mõi lần ấy bao nhiêu nỗi bực bội Sai lại trút cả lên đầu con bé mười ba tuổi.

Nào là ngu si như con lợn, bảo ban bao nhiêu lần vẫn không sáng mắt ra. Nào, làm gì cũng lau cha lau chau, ăn đổ làm hỏng. Nào, đã bảo làm việc gì xong việc ấy rồi mới làm việc khác, ai khiến cái kiểu nhanh nhảu đoảng như thế. Nào, quen thói toạ tệch, đểnh đoảng ở nhà đến đây phải học hỏi, phải rèn luyện làm ăn nề nếp chứ. Nào…

Chú muốn dùng tất cả những lời lẽ nặng nề cay cú nhất thì mới hả giận và nó mới có thể nên người. Có lúc chú quát, cháu giật bắn người lên nhưng cháu vẫn không sợ bằng sự im lặng của thím. Thấy cháu làm việc gì không vừa lòng, thím cũng không nói năng, không tỏ thái độ gì.

Khi nào nó đi đâu đó thím mới chiềng bày chì chiết chú. Con bé mười ba tuổi biết tất cả những điều đó, nó chỉ thương chú, tự nó chú phải khổ, chú phải chịu thím dầy vò đay nghiến. Đã hàng chục đêm nằm khóc một mình giữa hôi hám của gian bếp nó vẫn không biết bằng cách nào để xin chú thím cho nó về. Rồi bố mẹ ở nhà liệu có hiểu cho nó để nó yên không.

Cho đến một hôm nó đi chợ về phía cửa sau. ở trên nhà, thím đang than phiền với bạn: ”ở với một mình lão nhà quê tao đã khổ, bây giờ lại thêm cô cháu gái giống hệt tính chú. Cũng buông quăng bỏ vãi, cũng tuỳ tiện lúi xùi, cũng bẩn thỉu như ma. Cứ thế này tao cũng phát điên lên mất“. Con bé lẳng lặng xách làn rau, thức ăn quay ra đường. Ngồi chừng nửa giờ sau nó mới đi về phía cửa chính trên nhà. Và, mãi ba ngày sau, nhân ngày chủ nhật nó mới xin phép chú thím cho nó về vài hôm, thăm mẹ thăm các em.

Sài gạt đi: ”Thôi để hôm nào bố ra đây sẽ hay“. Châu gắt: ”Anh buồn cười thật, cháu nó nhớ mẹ, nhớ em nó cũng cấm đoán“. Bao giờ sau ý kiến của vợ Sài cũng tỏ ra là người có quyền hành nhất ở nhà này ”Thế thích về mấy hôm“- ”Dạ, độ vài ba hôm ạ“- ừ được. Vài ba hôm lên trông em cho thím đi làm nhé“.

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 38

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN