Thời xa vắng -full - Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
165


Thời xa vắng -full


Chương 4


Ngày hôm sau và có thể mãi mãi sau này không ai còn xây nhà kiểu nhà như nhà ông đồ Khang hồi ấy. Năm gian nhà xây lợp cỏ tranh và lá mía lùn tịt khiến ai đã gọi là người lớn vào nhà đều phải cúi.

Ba mặt và cửa của hai gian buồng xây kín như bưng. Ngày cũng như đêm phải cầm đèn, cầm đóm mới khỏi vướng vấp, va đập. Gian bên phải đựng chum vại, vò, lọ, đồ ăn thức đựng và một cây sào trê treo dọc tường oằn xuống bởi đủ loại quần áo lẫn với bao tải và chiếu rách.

Gian bên trái là “buồng vợ chồng thằng Sài ở đấy thì chưa một lần nào Sài quay mặt nhìn vào phía cửa buồng ấy. Nó không chê vợ nữa. Chuyện đó không hoàn toàn do sự ép buộc của ông đồ, cũng không hẳn là sợ chú và anh đe nẹt, nó lo đến vai trò gương mẫu của một liên đội trưởng, nhất là khi được trở thành đội viên “Tháng 8″ đầu tiên của xã.

Nó rất sợ tiếng xì xào bàn tán ở bất cứ chỗ nào của người lạ cũng như người quen. Thành ra, nó chỉ yêu vợ ở mỗi chỗ đông và bằng sự im lặng. Nghĩa là, trước đám đông, dù chỉ là ba người, nó không được nói, không được làm việc gì để người ta nhận thấy giữa nó và vợ nó có sự hục hặc.

Nó vẫn phải đi với vợ đội đĩa xôi, đĩa thịt, bát canh bí đến nhà bố mẹ vợ ngày Tết và vẫn phải “Thưa thầy mẹ, nhân ngày xá tội vong nhân, vợ chồng chúng con có chút lòng thành…

” Cả bố mẹ, anh chị cả họ hàng nội ngoại nhà vợ đều thoả mãn về vợ chồng thằng Sài đã yêu thương nhau, “vẫn đi với nhau”. Riêng chỉ có Tuyết, cô gái của dòng họ Hoàng ấy là biết rõ thân phận mình. Đã sang tuổi mười bảy, cái tuổi dậy thì của người con gái mỗi ngày như trông thấy cái cơ thể dồi dào của mình cứ phồng lên, cái lớp da mịn màng của mình cứ mát mẻ mà êm ái căng đầy lên, đã thấy khao khát đến cháy khô đôi môi mọng đỏ trước những cái nhìn đăm đăm của người con trai, đã thấy phập phồng chờ đợi mỗi đêm nghe thấy tiếng chân chồng chạy về nhà.

Nhưng không. Những lần “đi với nhau” Sài thường chạy đi trước hoặc tụt lại thật xa. Khi đến gần cổng “nhà ấy”, Sài mới chạy dấn lên để cùng “vợ” đi vào cổng. Và sau khi nhắm mắt, nhắm mũi nói xong cái câu ông bà đồ bắt học thuộc, Sài xin phép bận đi gọi họp, đi báo anh phụ trách, đi thu tiền nguyệt phí… Bao giờ Sài cũng tìm cách rời khỏi “nhà ấy” nhanh chóng. Còn ở nhà mình, Sài cũng tìm cách ăn trước hoặc ăn sau.

Bất đắc dĩ có phải ngồi cùng một lúc Sài cũng không ngồi cùng một phía, không còn đối diện với Tuyết qua đầu nồi, không nhờ xới cơm. Và bát cơm nào Tuyết đã chấm thì nhất định Sài phải tìm bát, rót tương khác, chấm riêng.

Tất cả những trò ấy, ông bà đồ biết cả, tìm cách uốn nắn cả nhưng Sài vẫn có cách để làm theo ý mình. Bảo mãi không được, chuyện đó coi như là chuyện trẻ con không chấp.

Duy chỉ có việc ở nhà hai đứa, ông bà đồ vẫn còn khổ sở. Thằng Sài hãi tối. Đêm nào đi họp về nó cũng túm lấy áo bạn đợi khi nào mẹ mở cửa đón nó mới buông bạn ra. Nhưng ngủ với mẹ ở dưới bếp bị đuổi chạy lên nhà chui vào bên bố cũng bị đuổi, nó nằm lăn ra tràng kỉ.

Nằm đấy cũng không được, nó ra sân đứng, gục đầu vào cái gì đó mà ngủ. Có sáng dậy, bà đồ thấy con ngồi dưới sân, gục đầu lên thềm nhà nằm, bà ứa nước mắt, kéo con vào giường mình và đến tối nó đi họp về lại cho nó ngủ cùng. Được dăm ba hôm lại phải đuổi nó.

Cũng có lần phải vào buồng vợ, nó đứng nấp sau cánh cửa, đợi bố mẹ đi ngủ, nó lại rón rén bước ra. Lần căng thẳng nhất cách đây mươi ngày. Đợi cho nó đi họp về, ông bà đồ bắt con vào buồng rồi khoá cửa lại.

Suốt năm đêm như thế, thấy yên ắng, chắc là chúng nó quen hơi nhau rồi, nào ngờ đến đêm thứ sáu, khi bà đồ khoá cửa định quay ra thì con dâu thì thào gọi bà mở cửa. Cô chạy xuống bếp khóc và xin nằm với mẹ để anh Sài lên giường kẻo cả năm đêm vừa rồi anh ấy nằm dưới đất.

Tất cả những chuyện đó đều không hề vỡ lở ra ngoài. Bởi vì với Tuyết, dù cô đã mong đợi và sẵn sàng ở tư thế của một người làm vợ nhưng cô là con gái chưa quen mùi đàn ông, chưa có một thói quen như một sự nghiện ngập, phải cồn cào điên loạn khi không có chồng” vẫn đi với nhau”.

Cô hãnh diện với nó, sống với tất cả sự chấp nhặt của lòng tốt “vun vào” của xung quanh, của sự mong mỏi của người thân thiết và của cả chính mình. Chỉ cần nghe một câu tán tụng, một sự gán ghép, một lời nhắc nhủ có dính líu đến tên Sài và cô, đến “nhà em” và “anh ấy” là cô thấy bừng nóng khắp cả người, nhâm nha sự sung sướng ấy đến hàng tuần, hàng tháng.

Còn ông đồ vẫn là người “quyết liệt” nhất trong sự yêu thương của vợ chồng Sài thì cũng không thể làm gì ồn ã được nữa. Thứ nhất, ông vốn là người hiền, ngoài sự nghiêm ngặt bắt con cái “giấy rách phải giữ lấy lề” ra, bản thân ông ăn gì cũng xong, ai cho con đến học có trả tiền công hay không cũng đều như nhau, đứa giỏi ông trọng, đứa dốt ông thương.

Đến bây giờ vẫn có người làm nhà hay ma chay xa hàng mấy chục cây số cũng mời ông đến cho câu đầu, câu đối, chữ thêu trướng. Ông không bao giờ ngần ngại từ chối. Thứ hai, là trong đời, có nhẽ ông chỉ một vài lần nổi nóng như chuyện đuổi đánh thằng Sài mấy năm trước. Sau lần ấy ông thấy xấu hổ với dân làng, vài ba tháng sau không dám ra khỏi nhà.

Cuối cùng, ông tin chắc rằng không đời nào ông Hà, thằng Tính và các đoàn thể người ta lại cho thằng Sài bỏ vợ trừ phi nó biết chí thú học hành, ông tin mai kia nó lớn mọi việc sẽ đâu vào đấy, thành thử ông không bó buộc nó gắt gao trong việc này như trước đây.

Nhờ thế, cuộc hôn nhân của hai đứa trẻ cứ “êm ả” trôi đi. Chỉ riêng Sài âm thầm cay đắng không thể kêu ca, không thể giãi bày. Người ngoài khen cô Tuyết càng lớn càng xinh ra, mặt mũi cứ tròn vành vạnh như mặt trăng. Sài lại thấy(đôi khi bất chợt nhìn thoáng qua chứ có bao giờ dám nhìn lâu), cái mặt ấy trông chảy ra, phèn phẹt như mẹt bánh đúc.

Người ta bảo: Cô Tuyết khoẻ mạnh, chắc chắn, làm ăn đâu ra đấy. Sài nghĩ bụng có khác gì cái chĩnh đựng đỗ giống, người ngợm mỗi khi chạy trông cứ như lăn. Người ngoài bình phẩm hiếm người hiền lành như cô Tuyết, Sài cho đấy là loại người ngu, cả ngày không mở mồm nổi một câu.

Không phải thế. Cô bé chẳng có tội tình gì và cũng không đến nỗi nào. Thả ra, nếu được lựa chọn, được tìm người ưng ý, có thể lấy khối người, nhưng bố mẹ đã gả bán cô cho nhà ông đồ, cô đã là gái có chồng, cô không ăn đổ làm vỡ, không trai trên gái dưới, không ai có quyền đuổi cô đi khỏi nhà này.

Nhất là bây giờ, Sài đã là liên đội trưởng, được đi cắm trại và nhận phần thưởng thiếu nhi ngoan và học giỏi nhất huyện thì không thể nào đuổi cô đi để tự anh ta trở về tay trắng. Hiểu rõ cái thế của mình nên đôi khi Sài nằm đất, nằm hè, đứng bờ, đứng bụi mà ngủ Tuyết cũng thấy tội, nhưng nghĩ lại, anh có tự hành hạ mình đến đâu và đem giao kề cổ, cô cũng không đi kia mà.

Làm sao lại không yêu nhau để cô chăm chút cho mà học hành và có vợ có chồng đầm ấm vui vẻ, việc gì phải khổ sở như thế. Bạn bè cùng tuổi với cô ở làng này bao nhiêu đứa có con, có đứa sắp hai con rồi! Cô bé tìm ra chỗ yếu của Sài. Sài đành chịu số phận hẩm hiu để cho mọi người, cả người thân thuộc lẫn kẻ dửng dưng đều hài lòng vì cậu không chê vợ.

Nhưng thực sự thì đừng ai bắt, ngay Sài cũng không tài nào bắt mình phải nói cười, phải làm lụng, phải ăn uống, phải sai bảo và đi lại với cô ta được. Từ sáu bảy tháng nay Sài phải sống thành hai con người, mười bốn tuổi đầu đã phải sống hai cuộc đời thật và giả. Ban ngày, chỗ công chứng là con người giả sống cho vừa lòng mọi người: yêu vợ.

Ban đêm khi có một mình là con người thật: không thể nào chung sống với con người mình ghét bỏ từ đầu đến chân. Thành ra, bất kể lúc nào, bất kỳ ai có hỏi: “Sài có yêu vợ không?” Sài sẵn sàng nói như cái máy:”Có”. Nhưng đêm đêm đi học, đi họp về, có ai cầm dao doạ giết cũng không thể bắt Sài leo lên cái giường ở buồng bên trái nhà. Dù có len vào đấy thì cũng không ai có quyền kiểm soát cái khoảng tự do cuối cùng của tình cảm và quyền làm người của Sài.

Sài cố dồn sức lực, cố phồng mình lên để cái phần sống ở chỗ đông người, chỗ ban ngày được khen ngợi trầm trồ, còn ban đêm với riêng mình, nó tự giết đi những xao xuyến thèm khát một hạnh phúc thực sự.

Nhưng khốn khổ thay, Sài cũng là một con người không thể nào triệt hạ được tình yêu khi con người đang sống, đang khao khát sống bằng sự dồi dào của mình. Bốn năm sau, khi Sài bước sang tuổi mười tám, tuy tốt nghiệp lớp bảy trường huyện và đỗ vào lớp tám của tỉnh nhưng anh lại bỏ về làm trưởng ban phụ trách thiếu niên xã.

Năm ấy vỡ đê bồi, làng Hạ Vị thiệt hại chưa từng thấy. Sau trận lụt, chuyện của Sài còn to hơn chuyện vỡ đê bối, còn cuốn hút mọi người hơn cả dòng nước vỡ cuốn mất mười bảy ngôi nhà ở thôn Cam Bồi. Với riêng Sài, có thể đây là một điểm vỡ ra của những năm tháng chắp vá, gượng gạo chăng?

Ai sẽ là người ủng hộ Sài dù đó là sự nhen nhóm. Nhưng mà cuối cùng vẫn là quyết định của Sài. Anh đã có một quyết định dũng cảm. Vậy mà biết đâu chính nó lại là sự hèn nhát.

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 8

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN