Thư Kiếm Ân Cừu Lục - Chương 39: Hai Kẻ Vui Vầy Duyên Hảo Hợp -một Người Ước Hẹn Kiếp Ba Sinh
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
70


Thư Kiếm Ân Cừu Lục


Chương 39: Hai Kẻ Vui Vầy Duyên Hảo Hợp -một Người Ước Hẹn Kiếp Ba Sinh



Cuộc hôn nhân của của Châu-Ỷ và Từ-Thiện-Hoằng được quần hùng Hồng đặc biệt lo lắng đến. Trần-Gia-Cách đứng ra làm chủ hôn cho đàng trai. Mạnh-Kiện-Hùng đích thân đi đặt tiệc cho hai người. Vệ-Xuân-Hoa đi sắm đồ cho cô dâu, chú rể, cũng như tất cả các vật dụng cần thiết cho ngày cưới.

Đêm hôm ấy, mọi người ai nấy đều vui say, nói chuyện vui như pháo nổ, rượu cạn từng bình này sang bình nọ, nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

Trong lúc mọi người vui say nói cười, một bóng người chợt lướt qua thật nhanh bên ngoài cửa sổ.

Từ-Thiện-Hoằng phóng mình ra ngoài xem thử. Không thấy gì cả, chàng lại vào trong lại. Châu-Ỷ hỏi:

-Ai vậy? Có phải giặc cỏ không?

Từ-Thiện-Hoằng đáp:

-Anh thấy trên vách có người rình liền ra xem thử thì bóng lại biến mất.

Châu-Ỷ định mở rương lấy đao ra thì Lạc-Băng cười nói:

-Em của chị sao mà lo quá vậy! Bao nhiêu người ở đây lẽ nào không đủ sức bảo vệ cho cuộc vui đuốc hoa của cô dâu chú rể hay sao? Chắc là em sợ thích khách ăn trộm đồ cưới đó phải không?

Châu-Ỷ nghe nói mỉm cười trở về lại phòng ngủ. Trong khi đó, Từ-Thiện-Hoằng nghe rõ ràng có tiếng người đáp trên mái nhà rất nhẹ nhàng. Đang hồ nghi chưa hiểu chuyện gì thì Dương-Thanh-Hiệp, Tưởng-Tứ-Căn, Chương-Tấn và Lạc-Băng đến rót rượu chúc mừng cô dâu chú rể. Thấy Từ-Thiện-Hoằng có vẻ say vùi, mọi người vác chàng đặt lên giường trước cho chàng ⬘nghỉ dưỡng sức⬙ rồi cùng nhau tiếp tục uống.

Châu-Ỷ nằm một mình trong phòng hoa chúc nhớ đến lời của Lạc-Băng dạy nàng lúc trang điểm xong cho cô dâu:

-“Muốn được chồng thương trọn đời, mình bảo gì nghe nấy thì lúc động phòng em thay y phục trước. Chờ khi chàng thay y phục xong thì thổi tắt đèn ngay, bỏ y phục của mình lên trên y phục của chàng, dồn lại một đống, đặt gần bên cửa sổ.” (#1)

Châu-Ỷ bỗng đỏ mặt, nhưng lại cười thầm. Nàng cởi áo ngoài treo lên cái mắc. Không bao lâu sau, mấy anh em Hồng Hoa Hội khiêng Từ-Thiện-Hoằng vào đặt lên giường. Không dám làm kinh động, Châu-Ỷ nằm dịch ra phía ngoài. Từ-Thiện-Hoằng có lẽ vì quá mệt nên ngủ vùi một giấc say sưa.

Vào khoảng canh ba, Châu-Ỷ nghe bên ngoài rõ ràng có tiếng Tâm-Nghiện gọi lớn:

-Ai đó? Hãy đứng yên!

Kế đến là tiếng đao kiếm chạm nhau, rồi có tiếng của Tây-Xuyên Song-Hiệp thét lớn:

-Hung đồ thật là lớn mật!

Một tiếng ⬘bịch⬙ khô khan vang lên, hình như người ấy bị trúng một chưởng của Tây-Xuyên Song-Hiệp. Châu-Ỷ nhảy xuống đất, tới gần bên cửa sổ thì chợt khám phá ra là y phục đã biến đi đâu rồi.

Châu-Ỷ lay Từ-Thiện-Hoằng dậy:

-Dậy! Dậy mau! Ăn trộm đã lấy hết y phục của chúng ta rồi! Mau hợp sức với anh em mà bắt nó lại!

Từ-Thiện-Hoằng giật mình thức dậy. Nghe Châu-Ỷ thuật lại mọi chuyện, chàng kinh hoàng, tỉnh rượu ngay. Từ-Thiện-Hoằng vội vàng bảo Châu-Ỷ đứng đàng sau mình rồi để ý nghe ngóng. Tiếng chưởng phong nghe bần bật ở ngoài khắp bốn phía.

Từ-Thiện-Hoằng thở phào nhẹ nhõm nói:

-Tiếng chưởng phong bần bật đó là ký hiệu tập họp của Hồng Hoa Hội. Hiện tại 4 phương, 8 hướng đều có người của chúng ta. Mình không cần phải giúp sức làm gì.

Từ-Thiện-Hoằng xoay lại nói với Châu-Ỷ:

-Anh uống say quá, chỉ biết một mình ngủ yên, bỏ yên…

Chàng nói chưa dứt câu bỗng nghe tiếng Vô-Trần Đạo-Nhân mắng lớn bên ngoài:

-Tên giặc cỏ này chạy nhanh thật. Nó trốn đâu mà chúng ta tìm không ra nổi!

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Anh ra ngoài xem thử.

Châu-Ỷ nói:

-Em cũng đi với anh.

Hai người đi đến tủ đàng trước tìm áo ngoài mặc vào thì bỗng thấy đồ của cô dâu chú rể mắc cẩn thận nơi đấy.

Từ-Thiện-Hoằng kinh ngạc nói:

-Lạ thật! Tên ăn trộm lại đem đồ lại trả cho mình đàng hoàng là sao?

Vừa lúc ấy, Lạc-Băng, Dương-Thanh-Hiệp và Vệ-Xuân-Hoa cầm đền đi đến. Từ-Thiện-Hoằng đem chuyện kể lại sơ qua, nói:

-Tôi đêm nay say quá, đến độ trộm đến lấy hết y phục lúc nào mà không hay.

Lạc-Băng cười nói:

-Đó là lỗi tại người say, chứ không phải lỗi tại rượu!

Từ-Thiện-Hoằng chỉ mỉm cười không đáp tiếng nào. Chàng hiểu ngay ra là Lạc-Băng bày ra cái trò đùa này để phá hai người cho vui chứ thật ra không có ác ý gì cả.

Nhưng còn chuyện kẻ gian đột nhập mà quần hùng vây kín bốn mặt mà vẫn không tìm ra được tông tích thì thật không ai nghĩ ra.

Mọi người kéo nhau đến phòng Văn-Thái-Lai xem thử, thì thấy chàng ta đang ngồi đánh cờ với Triệu-Bán-Sơn nên ai nấy tạm yên lòng. Đến phòng Dư-Ngư-Đồng, Lục-Phỉ-Thanh đang ngồi trước thềm đá nhìn trời ngắm sao.

Thấy quần hùng kéo đến, Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Ở đây không có việc gì cả. Sư điệt của lão phu ngủ yên giấc. Lão phu trông chừng ngoài này. Mọi chuyện êm đẹp, không sao đâu.

Từ-Thiện-Hoằng đảo mắt nhìn chung quanh, thấy trong phòng Dư-Ngư-Đồng có một ánh lửa lóe lên rồi vụt tắt thì hoài nghi nói:

-Lục lão tiền bối cứ để bọn tiểu điệt xem xét một lần cho chắc chắn.

Dứt lời, chàng cầm đèn khẽ đẩy nhẹ cửa, dẫn mọi người vào bên trong. Trên bàn có một cây nến không tim. Từ-Thiện-Hoằng nhìn cây nến, biết ngay tim nến bị một vật gì cắt đứt chứ không phải do người thổi tắt.

Trên giường Dư-Ngư-Đồng có tiếng động đậy. Từ-Thiện-Hoằng nhìn chăn mềm cồm cộm thì biết ngay trên có phải có hơn một người. Không biết mình nên làm gì, Từ-Thiện-Hoằng lên tiếng gọi:

-Thập-tứ đệ! Em không sao chứ?

Dư-Ngư-Đồng mỏ mắt nhìn Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Đệ có gặp nhuy hiểm gì đâu. Đêm nay là đêm tân hôn của anh, sao lại vào đây thăm em vào giờ này?

Thấy Dư-Ngư-Đồng bình an vô sự, Từ-Thiện-Hoằng mới yên tâm. Chàng cẩn thận rọi đèn một lượt trong phòng. Trên song cửa, có một ngọn phi tiêu ghim ngay đó. Trên ngọn phi tiêu còn dấu sáp dính trên đó. Từ-Thiện-Hoằng nhận ngay ra là phi tiêu của Dư-Ngư-Đồng thườn hay dùng, bắn từ ống sáo vàng ra. Trong lòng Từ-Thiện-Hoằng thắc mắc nhiều điều, nhưng chàng không tiện hỏi, bèn xách đèn lui trở ra.

Lúc ấy, trong chăn của Dư-Ngư-Đồng lại động đậy. Trần-Gia-Cách bỗng từ đâu đi đến nói:

-Thôi, chúng ta hãy về để thập-tứ đệ nghỉ ngơi cho khỏe.

Đưa quần hùng ra khỏi cửa. Lục-Phỉ-Thanh lại tiếp tục ngồi nhìn trời xem sao. Về lại phòng của Trần-Gia-Cách, quần hùng họp nhau đông đủ, bàn tán xôn xao về chuyện vừa rồi.

Cuối cùng, Vô-Trần Đạo-Nhân đi đến kết luận:

-Rõ ràng là có kẻ gian ở trên giường của thập-tứ đệ. Nhưng không hiểu vì sao thập tứ đệ lại che chở cho hắn?

Trần-Gia-Cách mỉm cười đáp:

-Các vị huynh đệ, cho tôi nói vài câu. Nếu một người được thập-tứ đệ che chở thì liệu chúng ta có nên xem người đó là kẻ gian được hay không? Vả lại, Lục lão tiền bối giữ trách nhiệm bảo vệ thập-tứ đệ. Nếu là kẻ gian đến, định giở thủ đoạn này hay thủ đoạn nọ thì liệu có thể qua mắt được Lục lão tiền bối hay không?

Châu-Trọng-Anh gật đầu khen:

-Lời Tổng-Đà-Chủ thật là xác đáng!

Trần-Gia-Cách lại nói tiếp:

-Sau này nếu thập-tứ đệ tự mình nói ra thì chẳng kể, nhưng chúng ta đừng ai nhắc đến chuyện này làm gì cả. Hãy tôn trọng đời tư của thập-tứ đệ.

Nghe Trần-Gia-Cách nói, mọi người ai nấy đều hết sức khâm phục. Vị Tổng-Đà-Chủ quả là hết sức tế nhị, độ lượng và cao cả.

Lạc-Băng bỗng tủm tỉm cười nhìn Từ-Thiện-Hoằng và Châu-Ỷ nói:

-Đêm xuân một khắc ngàn vàng. Cặp tân lang và tân giai nhân chưa chịu trở về phòng hoa, còn định làm gì ở đây?

Mọi người nghe nói đều phá rộ lên cười.

***

Nhắc lại Dư-Ngư-Đồng. Sau khi Trần-Gia-Cách bảo mọi người đi về liền tung chăn ra khỏi giường, thắp lại cây đèn sáp, khẽ lên tiếng:

-Em đến đây làm gì?

Chiếc mền tung hẳn ra. Một người ngồi dậy, ngồi bên thành giường, lệ nhỏ xuống như mưa. Lớp áo dạ hành làm nổi bật làn da trắng mịn của người ấy. Nàng chẳng phải ai xa lạ mà chính là Lý-Mộng-Ngọc.

Dư-Ngư-Đồng thở dài não nuột, lên tiếng dịu dàng nói:

-Em đối với anh như thế nào há anh lại chẳng biết? Chẳng qua vì em là thiên kim tiểu thư của một Nguyên-soái, còn anh chỉ là một kẻ giang hồ lãng tử nay đây mai đó. Anh đâu nỡ đành tâm làm hại cả cuộc đời của em!

Lý-Mộng-Ngọc nức nở nói:

-Cho nên anh mới giải quyết bằng cách bỏ ra đi đột ngột có phải không?

Dư-Ngư-Đồng rầu rỉ đáp:

-Anh cũng biết như thế là không nên không phải. Nhưng anh thật là người khốn khổ nhất trên đời… Em không hiểu được đâu. Em về đi nhé!

Lý-Mộng-Ngọc nói:

-Anh vì bạn nên mới chống lại cha em. Em biết, nhưng vẫn phục anh là người nghĩa khí. Chỉ cần anh trở lại…

Dư-Ngư-Đồng ngắt lời, nghiêm nghị phân trần:

-Em là tiểu thư con quan. Anh là người của Hồng Hoa Hội. Anh không thể nào bỏ Hồng Hoa Hội để theo quan quyền được. Mà anh cũng không thể bảo em phản bội cha để theo anh được.

Lý-Mộng-Ngọc nói:

-Ai có chí nấy, em không bao giờ ép uổng anh cả. Chỉ cần anh yêu em là em mãn nguyện rồi. Em không làm tiểu thư con quan nữa, mà anh cũng có thể từ bỏ Hồng Hoa Hội. Chúng ta không bao giờ phải nghĩ đến việc đụng độ nhau nữa…

Nói đến đây, Lý-Mộng-Ngọc lại khóc òa lên mặc dù đã cố gắng hết sức để che đậy mọi cảm xúc. Dư-Ngư-Đồng dịu giọng nói:

-Lần đó anh bị trọng thương. Nếu không được em ra tay cứu mạng, vượt nghìn trùng đem về Hàng-Châu thì đâu còn được tới bây giờ. Cho dù anh có tan xương nát thịt cũng không thể nào đền đáp lại được ơn đó. Nhưng kiếp này… đành lỡ làng. Kiếp sau anh nguyện…

Lý-Mộng-Ngọc vụt đứng dậy nói:

-Anh đã mấy phen cứu mạng cha em. Vậy thì chuyện ơn nghĩa chẳng ai thiếu ai cả. Nhưng có lẽ vì anh đẹp trai sáng sủa nên không coi một thiếu nữ xấu xí như em ra gì cả!

Sau trận đụng độ tại dinh nguyên-soái Hàng-Châu, Dư-Ngư-Đồng ra đi biệt tích không lời từ giã khiến cho Lý-Mộng-Ngọc muốn điên người lên. Lý-Khả-Tú biết tâm trạng của con gái nên rất thông cảm, tìm lời an ủi. Lúc đó, ông mới biết Dư-Ngư-Đồng là người của Hồng Hoa Hội. Nhưng không vì thế mà Lý-Khả-Tú ghét chàng. Mấy phen được Dư-Ngư-Đồng mạo hiểm cứu mạng, Lý-Khả-Tú rất cảm động và không hề phủ nhận lòng tốt ấy của chàng đối với ông.

Tình cờ hôm ấy Lạc-Băng đến dinh thự nguyên-soái lấy trộm ngọc bình về cho Văn-Thái-Lai xem. Thật ra, hành động của Lạc-Băng không qua mắt được Lý-Mộng-Ngọc. Chẳng qua vì biết Lạc-Băng là người của Hồng Hoa Hội, Lý-Mộng-Ngọc mới để yên cho nàng trộm ngọc bình rồi bí mật đi theo để tìm tung tích của Dư-Ngư-Đồng.

Đã mấy lần Lý-Mộng-Ngọc suýt bị quần hùng Hồng Hoa Hội phát giác ra hành tung, còn bị Thường-Hích-Chí đánh cho một chưởng ngay vai đau thấu xương. Nhờ đánh lạc hướng được mọi người, Lý-Mộng-Ngọc mới chạy thoát được, nhưng lại tình cờ bị Lục-Phỉ-Thanh bắt gặp.

Lục-Phỉ-Thanh nhận ra đệ tử của mình nên buông tay ra hỏi:

-Con đến đây làm gì?

Lý-Mộng-Ngọc đáp:

-Con tìm Dư sư ca.

Lục-Phỉ-Thanh chợt thấy cảm khái trong lòng, ông đưa tay chỉ vào phòng của Dư-Ngư-Đồng. Lý-Mộng-Ngọc liền theo dấu mà vào.

Thấy bóng người, Dư-Ngư-Đồng nhận ngay ra Lý-Mộng-Ngọc, chàng vừa thắp nến lên thì vừa vặn Từ-Thiện-Hoằng dẫn mấy người đến nơi, Lý-Mộng-Ngọc hết đường chạy bèn rỉ tai Dư-Ngư-Đồng nói:

-Dư sư ca, cứu em!

Dư-Ngư-Đồng vội vàng kéo nàng lên giường, dùng chăn trùm thân nàng kín mít rồi dùng ống sáo vàng phóng phi tiêu thổi tắt ngọn nến…

Thấy Dư-Ngư-Đồng lặng im không nói gì, Lý-Mộng-Ngọc thở dài, cay đắng nói:

-Nàng ấy nhan sắc chắc phải hơn em gấp bội. Hôm nào anh nhớ dẫn em đi xem cho biết mặt mũi nàng ta ra sao nhé!

Mỗi lời nói của Lý-Mộng-Ngọc như một mũi dao chọc mạnh vào tim Dư-Ngư-Đồng. Chàng không biết phải làm gì liền tháo băng mặt ra nói:

-Anh đã biết thành một con quỷ xấu xí rồi. Em xem cho tường tận!

Lý-Mộng-Ngọc trông thấy mặt của Dư-Ngư-Đồng thay đổi dị kỳ, nám đen hết cả thì bỗng lùi lại một bước thét lên một tiếng hãi hùng.

Dư-Ngư-Đồng nói:

-Anh là một kẻ bất tướng, lòng dạ chẳng ra gì, số mạng lại không được tốt. Giờ đây… Giờ đây… Thôi, em về đi là hơn!

Lý-Mộng-Ngọc đứng nhìn sửng sốt. Dư-Ngư-Đồng cười lên một tràng đau đớn nói:

-Đó! Hình dạng của anh bây giờ thay đổi như vậy đó! Chỉ mới vừa trông thấy là em đã khiếp vía rồi phải không? Lý tiểu-thư, sau này tiểu thư ắt phải ân hận cái đêm gian nan đầy nguy hiểm này mà thôi! Ha… ha… ha!

Lý-Mộng-Ngọc bỗng khóc rống lên, ôm mặt chạy ra khỏi phòng. Dư-Ngư-Đồng tiếp tục cười lên từng tràng. Rồi chàng bỗng xót xa cho thân phận, gục mặt lên bàn khóc thảm thiết.

Thấy Lý-Mộng-Ngọc ôm mặt chạy ra, lại nghe tiếng cười và tiếng khóc của Dư-Ngư-Đồng, Lục-Phỉ-Thanh cũng đoán ra được phần nào câu chuyện. Ông thở dài, nhưng cũng đành bó tay mà chẳng biết phải an ủi hai người như thế nào.

Lụ-Phỉ-Thanh ngồi suy nghĩ một hồi bèn đứng dậy tìm đến phòng của Trần-Gia-Cách. Nghe Tâm-Nghiện vào báo, Trần-Gia-Cách dù sắp sửa đi ngủ nhưng cũng mặc vội áo choàng ra tiếp.

Vừa trông thấy Trần-Gia-Cách, Lục-Phỉ-Thanh vào đề ngay:

-Xin lỗi đã quấy rầy Tổng-Đà-Chủ vào giờ này. Nhưng lão phu phải tới đây để tạ tội.

Trần-Gia-Cách thấy vậy liền hỏi:

-Chẳng hay đã có chuyện gì xảy ra cho thập-tứ đệ?

Lục-Phỉ-Thanh đáp:

-Không, nó vẫn bình an vô sự. Nhưng Tổng-Đà-Chủ có biết lúc nãy người nào đến đây quấy phá chăng?

Trần-Gia-Cách lắc đầu đáp:

-Chưa! Vậy chẳng hay kẻ đó là ai?

Lục-Phỉ-Thanh đáp:

-Đó là đứa tiểu đồ của lão phu. Bởi lão phu sơ xuất việc gạy dỗ cho nên nó mới lố lăng như vậy. Hôm nay là ngày vui của Thất đương-gia mà không được yên, lại phải mất công tra xét.

Trần-Gia-Cách lặng thinh không nói gì cả. Lục-Phỉ-Thanh nói tiếp:

-Giờ đây nó đã đi rồi. Sau này lão phu bắt nó phải đến tạ tội cùng chư vị. Phần lão phu, xin được được nhận lỗi cùng Tổng-Đà-Chủ.

Lục-Phỉ-Thanh cú đầu vái dài. Trần-Gia-Cách vội vàng đáp lễ. Hồi lâu, chàng mới lên tiếng:

-Lệnh đồ được tiền bối chân truyền, quả nhiên thân pháp hơn người.

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-⬘Giáo bất nghiêm, sư chi nọa⬙ (#2)! Tại lão phu chiều chuộng nó quá mà ra cả. Nó đi đến đâu là gây họa đến đó, thật chẳng ra thể thống gì cả!

Trần-Gia-Cách nói:

-Bản lãnh của lệnh đồ thật tinh thông, từ quyền thuật, kiếm pháp cho đến cả khinh công. Chẳng qua chỉ còn hơi kém về hỏa hầu (#3) chút thôi.

Lục-Phỉ-Thanh gật đầu nói:

-Chính là thế! Chính là thế!

Trần-Gia-Cách hỏi:

-Lệnh đồ có phải từ xứ Hồi, bên kia Vạn-Lý Trường-Thành về đây không?

Lục-Phỉ-Thanh đáp:

-Từ bé nó chỉ ở trong vùng Tây-Bắc, chưa được bước chân ra ngoài nên kinh nghiệm giang hồ còn kém lắm.

Trần-Gia-Cách nói:

-Tôi thấy lệnh đồ có giao tình thân mật với người Duy lắm kia mà.

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Vì chuyện ⬘Khả-Lan-Kinh⬙ mà hai người trở nên thân thiết. Bau đầu có chỗ hiểu lầm, Tiêu-Thanh-Đồng cô nương cùng tiểu đồ có giao tranh vài trận. Sau khi lão phu giải thích rằng Thiên-Sơn Song-Ưng cùng lão phu có giao tình mật thiết, hai người mới thôi, không tranh cãi nữa mà trở nên đôi bạn thân thiết.

Nhìn thấy sắc diện Trần-Gia-Cách tỏ vẻ trầm ngâm không mấy vui, Lục-Phỉ-Thanh cho rằng chàng đã biết hết tất cả mọi chuyện, và rất có thể chàng không được vui về chuyện Lý-Mộng-Ngọc thân thiết với Tiêu-Thanh-Đồng nhưng không biết rõ lý do gì. Ông định trong tương lai sẽ có dịp tìm hiểu chuyện này nhiều hơn.

Lục-Phỉ-Thanh chuyện trò qua loa vài câu cùng với Trần-Gia-Cách rồi xin cáo lui để cho chàng đi nghỉ, thì Tâm-Nghiện lại vào báo:

-Nhị thiếu gia! Có thập-tứ đương-gia xin được tiếp kiến.

Cửa sáo vén lên, một gia nhân dìu Dư-Ngư-Đồng vào bên trong. Thấy có mặt Lục-Phỉ-Thanh, Dư-Ngư-Đồng ngẩn người ra, khẽ ngồi xuống ghế.

Trần-Gia-Cách nói:

-Thương tích của đệ chưa lành, không nên đi lại nhiều như thế. Nếu có chuyện gì cần nói sao không cho người đến báo để ta tới gặp có phải hơn không?

Dư-Ngư-Đồng nói:

-Đệ đến đây để cảm tạ Tổng-Đà-Chủ đã giữ thể diện cho đệ lúc ban nãy. Quả Tổng-Đà-Chủ dư biết có người trong phòng đệ mà vẫn không thèm đẻ ý đến. Cho dù Tổng-Đà-Chủ thương tình không hỏi, nhưng đệ phải nói ra thì trong lòng mới cảm thấy được yên.

Trần-Gia-Cách mỉm cười nói:

-Anh em chúng ta tình nghĩa như ruột thịt. Hà tất hiền đệ phải khách khí làm gì!

Dư-Ngư-Đồng nói:

-Người này hoàn toàn vì em mà đến, đối với tất cả các anh em khác chẳng có liên quan, thù oán gì cả. Tuy nhiên em không thể nói hết ra cho tất cả biết được vì chuyện này có liên quan đến danh tiết…

Trần-Gia-Cách bỗng ngắt lời:

-Nếu vậy thì em đừng nói làm gì. Từ nay, không ai được nhắc tới chuyện đó nữa, em yên tâm. Hãy về nghỉ cho khỏe đi.

Dư-Ngư-Đồng nghi là Lục-Phỉ-Thanh đã giải thích tất cả cho Trần-Gia-Cách rồi nên vị Tổng-Đà-Chủ đã hiểu rõ và thông cảm nên bèn cáo từ, xin về lại phòng. Lục-Phỉ-Thanh cũng xin về luôn…

Sau ngày đám cưới của Châu-Ỷ và Từ-Thiện-Hoằng, quần hùng đưa nhau xuống núi để chuẩn bị đi thi hành công tác của mình do Trần-Gia-Cách giao phó.

Châu-Trọng-Anh sẵn dịp muốn đi Phúc-Kiến, lên Thiếu-Lâm-Tự ở Bồ-Điền để thăm lại mấy người bạn đồng môn.

Trần-Gia-Cách nói:

-Từ lâu, Thiếu-Lâm-Tự vốn là ⬘Thái-Sơn Bắc-Đẩu⬙ của võ-lâm. Phiền Châu lão anh hùng tới đó thử một phen. Sau này khi mưu đồ đại sự ắt phải trông cậy vào Thiếu-Lâm-Tự một tay.

Châu lão anh hùng cười, hứa sẽ thực hiện theo nguyện vọng của Trần-Gia-Cách rồi cùng Mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường đi về hướng Nam. Lẽ ra Châu-Ỷ đi chung với cha mẹ, nhưng nay đã có chồng, nàng lại đi với Từ-Thiện-Hoằng theo Trần-Gia-Cách về xứ Hồi như chương trình đã hoạch định. Từ nhỏ đến lớn ở chung với cha mẹ, nay dù tạm xa cách nhưng trong lòng nàng cũng bịn rịn không ít.

Trần-Gia-Cách, Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng, Chương-Tấn, Dư-Ngư-Đồng, Từ-Thiện-Hoằng, Châu-Ỷ, Tâm-Nghiện, 8 người đi về hướng Bắc. Qua Hiểu-Phong, An-Cát, Mễ-Dương đến Kim-Lăng.

Sau khi xuống đò sang phía bên kia Trường-Giang, vết thương của của Văn-Thái-Lai và Dư-Ngư-Đồng đã thuyên giảm rất nhiều.

Hôm ấy mọi người đến phủ Khai-Phong tìm nhà đại-hiệp Mai-Lương-Minh ở Biện-Lương thăm viếng. Mai-Lương-Minh bày tiệc rượu thết đãi. Lúc từ giã, ông ta tặng cho mỗi người một chiếc áo da cừu quý giá.

Du-Ngư-Đồng thấy trong mình khỏe khoắn, đã có thể cỡi ngựa được. Rời khỏi cửa Tây thành Khai-Phong, 8 con tuấn mã phi nước đại trên đường lớn. Con bạch-mã của Văn-Thái-Lai do Lạc-Băng đưa cho phi quá lẹ, bỏ xa mọi người có đến 50 dặm.

Đến một thị trấn, Văn-Thái-Lai tìm một tửu điếm đặt sẵn tiệc rượu để mọi người đến sau khỏi phải chờ đợi. Chàng ngồi ở một cái bàn nhỏ trước cửa, gọi tửu nhị đem cho mình một ít trà để giải khát trước. Rút khăn tay lau mặt cho hết bụi bậm, Văn-Thái-Lai bắt gặp một người thoáng qua trong gian phòng phía sau đan ngẩng đầu lên nhìn. Vừa nhìn thấy Văn-Thái-Lai, người ấy như muốn giấu mặt đi. Văn-Thái-Lai sinh nghi, nhưng giả vờ như không để ý, vẫn thản nhiên uống trà.

Lát sau, Trần-Gia-Cách cùng mọi người đã đến nơi. Văn-Thái-Lai liền đem chuyện ra nói với tất cả mọi người. Từ-Thiện-Hoằng nhìn vào phòng bên phía Đông, thấy bên trong tờ giấy thấm ướt dán bên cửa sổ ló ra một đôi mắt huyền nhìn về phía mọi người.

Từ-Thiện-Hoằng mỉm cười nói:

-Đây là một người anh em mới bước chân vào chốn giang hồ. Những quy củ căn bản cũng còn chưa rành. Mới dấu đầu đã lòi đuôi.

Trần-Gia-Cách bảo Tâm-Nghiện:

-Em thử đi chọc y chơi. Nếu có gì ta sẽ cứu viện cho, đừng lo.

Tâm-Nghiện chạy đến trước cửa phòng, lớn tiếng nói:

-Muôn lạch trong thiên hạ vẫn chỉ chung một nguồn. Hai hoa cành biếc ấy cũng một nhà.

Câu này là mật khẩu của Hồng Hoa Hội kêu gọi người võ lâm đồng đạo để giúp đỡ. Các bang hội trên giang hồ đều hiểu câu ấy nên nếu có gặp hoạn nạn thì luôn ra tay giúp đỡ. Thường thì cho dù không phải là bạn hữu của Hồng Hoa Hội, nhưng khi nghe khẩu mật ấy sẽ đáp lại một câu như sau:

-Tiểu đệ là… ở bang hội… do … lãnh đạo. Yêu cầu được Hồng Hoa Hội giúp đỡ.

Nếu đáp được như vậy, ít ra cũng nhận được ít lượng bạc gọi là. Thế nhưng Tâm-Nghiện nói mấy lượt mà vẫn không có tiếng trả lời.

Thình lình cánh cửa mở tung, một người mặc đồ dạ hành. cầm một mẩu giấy trao cho Tâm-Nghiện nói:

-Nhờ tiểu huynh đệ trao hộ cho Thập-tứ đương-gia.

Tâm-Nghiện cầm lấy mẩu giấy chưa kịp hỏi thì người ấy đã ra khỏi cửa lên ngựa phi đi thật nhanh. Tâm-Nghiện đành cầm tờ giấy mà trao lại cho Dư-Ngư-Đồng.

Dư-Ngư-Đồng mở ra xem, thấy trên giấy chỉ có vỏn vẹn một câu:

“Không nài muôn dặm khổ theo chàng”

Nét chữ rất dịu dàng tươi đẹp, nhưng phía dưới không đề tên họ. Dư-Ngư-Đồng nhận ngay ra là nét bút của Lý-Mộng-Ngọc. Chàng thật không ngờ nàng lại âm thầm theo sát bên mình.

Dư-Ngư-Đồng khẽ cau mày, Dư-Ngư-Đồng đưa mảnh giấy cho Trần-Gia-Cách xem, và nói:

-Người này cứ theo đuổi em mãi, giờ đây chắc chắn đang đợi em ở phía trước. Em muốn tạm thời bỏ ngựa mà đi thuyền, hẹn đến Đồng-Quan chúng ta sẽ gặp nhau.

Trần-Gia-Cách đáp:

-Như thế càng tiện cho thập-tứ đệ. Đi thuyền nghỉ ngơi được, lại không sợ động chạm đến các vết thương mới lành.

Trần-Gia-Cách cùng mọi người ra bến sông Hoàng-Hà mướn thuyền đưa Dư-Ngư-Đồng đi, và chia tay nhau tại đó.

Đi suốt mấy ngày, thuyền hôm ấy sắp đến Mạnh-Tân. Trời đã tối hẳn, sóng lại dâng cao nên thuyền đành neo lại một chỗ gần bờ để nghỉ ngơi.

Nửa đêm, Dư-Ngư-Đồng thức giấc, thấy vầng trăng bạc chiếu xuống đáy sông sâu bỗng sinh ra cảm hứng, liền lấy ống sáo vàng ra thổi…

Chú thích:

(1-) Phong tục này vẫn còn thịnh hành tại Trung-Hoa và Việt-Nam.

(2-) Dạy không nghiêm là do sự biếng nhác của thầy. (Tam Tự Kinh)

(3-) Hỏa hầu: công phu rèn luyện.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN