Thư Kiếm Ân Cừu Lục - Chương 47: Bơ Vơ Một Bóng Nơi Sa Mạc -lận Đận Từng Phen Chốn Hiểm Nghèo
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
99


Thư Kiếm Ân Cừu Lục


Chương 47: Bơ Vơ Một Bóng Nơi Sa Mạc -lận Đận Từng Phen Chốn Hiểm Nghèo



Nhắc lại Tiêu-Thanh-Đồng sau khi đại thắng quân Thanh, bỗng sinh bệnh, thổ huyết, đang đêm lại đột ngột bỏ đi một mình.

Lòng Tiêu-Thanh-Đồng tự dưng cảm thấy lạnh lùng, buồn bã không biết mấy. Men nồng chiến thắng quân thù không giúp nàng vơi được sầu muộn của niềm tâm sự đau khổ.

Tiêu-Thanh-Đồng nhớ lại từ cái đêm ⬘dạ hội ái tình⬙, khi Hương Hương công chúa mạnh dạn kéo Trần-Gia-Cách ra ngoài… Rồi đến những lời hoài nghi của Mộc-Trác-Luân, cho rằng nàng không muốn cứu em mình và Trần-Gia-Cách cho thỏa mãn lòng ghen tức vì thấy cả hai có vẻ âu yếm nhau…

Tình yêu đã mất. Tình gia đình cũng sứt mẻ. Bị chính cha ruột mình nghi ngờ, Tiêu-Thanh-Đồng cảm thấy không còn gì buồn hơn. Nàng vẫn thương cha và anh em ruột, gia đình thân thuộc; vẫn thương dân tộc Duy, và vẫn yêu Trần-Gia-Cách. Nhưng tự nhiên, Tiêu-Thanh-Đồng chợt nảy lên ý nghĩ là phải xa lánh tất cả. Nàng cho rằng sự có mặt của mình là dư thừa. Nàng định bụng đi tìm sư phụ ở Ngọc-Vương-Cổn, nhờ cứu chữa vết thương rồi sau đó sẽ cùng bà phiêu bạt giang hồ nay đây mai đó, hy vọng rằng thời gian sẽ làm phai mờ đi tất cả.

Dù trong mang bệnh tình trầm trọng, nhưng nhờ ở sự quyết tâm, Tiêu-Thanh-Đồng đã một mình đi suốt, đi không nghỉ suốt 10 ngày đêm. Cũng còn khoảng 4-5 ngày đường nữa mới tới, nhưng hôm ấy, Tiêu-Thanh-Đồng như đã kiệt sức nên nhắm không thể nào tiếp tục cuộc hành trình được nữa, đành phải tạm dừng chân nghỉ ngơi.

Nghỉ ngơi chưa được bao lâu, bỗng nhiên tai Tiêu-Thanh-Đồng nghe như có tiếng vó ngựa dồn dập từ hướng Đông vọng đến.

Bọn Tam-Ma, Đẳng-Nhất-Lôi, Cổ-Kim-Phiêu và Hấp-Hợp-Đài cũng dừng chân lại nghỉ ngơi cách đó không bao xa. Vì đêm tối dày đặc cho nên chúng không để ý đến cái lều của Tiêu-Thanh-Đồng. Chúng cắm trại tại gần một đồng cỏ xanh, luôn tiện cho ngựa ăn cỏ, nghỉ ngơi.

Tiêu-Thanh-Đồng nằm nghe chúng nói chuyện một hồi bỗng giật mình. Thì ra chúng đang nói chuyện về nàng, và người chúng định tìm gặp để thanh toán chính là nàng. Nàng biết chính nàng đã giết chết Diêm-Thế-Khôi cho nên việc chúng tìm nàng để báo thù không có gì là lạ. Tuy nhiên bảo là nàng đi theo mà phá chúng dọc đường thì quả là một chuyện lạ mà nàng không thể nào nghĩ ra nổi.

Tiêu-Thanh-Đồng thầm nghĩ chốn sa mạc mênh mông thế này, một khi trời sáng thì có muốn trốn cũng không tránh đi đâu được. Vả lại, nàng đang bị bệnh trầm trọng, cũng khó có sức mà chạy được. Tuy nhiên, nếu để cho chúng nhìn thấy yếu điểm thì thật là nguy hiểm. Nghĩ vậy, nàng liền thay đổi bộ đồ vàng trên mình bằng một bộ áo màu hồng bạch (#1), cái lông phí thùy trên đầu cũng cất giấu đi.

Sáng hôm sau, Quan-Đông Tam-Ma mở mắt dậy đã trông thấy bức màn của Tiêu-Thanh-Đồng. Đẳng-Nhất-Lôi thấy nàng là một thiếu nữ đơn thân độc mã giữa bãi sa mạc thì có ý nghi ngờ hỏi:

-Cô nương có nước uống không? Làm ơn chia cho chúng tôi một ít.

Đẳng-Nhất-Lôi lấy một đỉnh bạc ra đưa cho Tiêu-Thanh-Đồng. Nàng lắc đầu, tỏ ý không hiể tiếng Hán.

Hấp-Hợp-Đài liền dùng tiếng Duy lập lại câu nói của Đẳng-Nhất-Lôi. Tiêu-Thanh-Đồng dùng tiếng Duy để trả lời:

-Nước của tôi chưa chắc đã đủ dùng. Thúy-Vũ Hoàng-Sam sai tôi đem một phong thư khẩn cấp, đường sá lại xa xôi, vì vậy tôi cần tất cả từng giọt nước mang theo. Ở giữa chốn sa mạc thì đói chưa chắc đã chết, nhưng nếu khát là bỏ mạng ngay thôi!

Dứt lời, Tiêu-Thanh-Đồng đã phóng lên yên ngựa. Hấp-Hợp-Đài nắm giây cương lại hỏi:

-Xin hỏi, Thúy-Vũ- Hoàng-Sam ở đâu?

Tiêu-Thanh-Đồng hỏi:

-Các ông hỏi nàng có việc chi?

Hấp-Hợp-Đài đáp:

-Chúng tôi là bạn thân của Thúy-Vũ Hoàng-Sam, có việc cần pải gặp cô ta gấp!

Tiêu-Thanh-Đồng nói:

-Thúy-Vũ Hoàng-Sam ở tại Ngọc-Vượng-Cổn, các ông cứ đi hướng Tây-Nam sẽ tới.

Hấp-Hợp-Đài nói:

-Chúng tôi không rành đường. Xin cô nương làm ơn đưa giùm tới đó.

Sau đó hắn nhảy thót lên yên ngựa nói với Đẳng-Nhất-Lôi và Cổ-Kim-Phiêu bằng tiếng Hán rằng:

-Chúng ta hãy theo con nhỏ này tới đó.

Sau đó, Tiêu-Thanh-Đồng rong ngựa đi trước, Tam-Ma giục vó theo sau. Vừa đi chúng vừa bàn với nhau rằng khi nào tới Ngọc-Vượng-Cổn sẽ ra tay giết chết nàng rồi tìm Thúy-Vũ Hoàng-Sam báo thù sau. Đồng thời, Tiêu-Thanh-Đồng cũng nhìn thấy rõ được cái nhìn ham muốn thèm khát của Cổ-Kim-Phiêu đối với nàng.

Tiêu-Thanh-Đồng sợ hãi nghĩ thầm:

-Cách hay nhất là dẫn dụ cho chúng đến nạp mạng cho sư phụ ta. Nhưng làm sao mà sống sót được từ đây tới đó mới là chuyện khó. Không khéo chỉ làm mồi ngon cho lũ lang sói này mà thôi!

Tiêu-Thanh-Đồng móc túi lấy một chiếc tay màu hồng cột vào chân một trong hai con chim ưng, mở gói cho chúng ăn mỗi con một miếng thịt dê xong liền thả cho chúng bay.

Đẳng-Nhất-Lôi trông thấy thế liền nghi ngờ, hỏi:

-Cô thả chim ưng như thế để làm gì?

Tiêu-Thanh-Đồng lại giả vờ không hiểu tiếng Hán nên lắc đầu. Đẳng-Nhất-Lôi lại ra dấu bảo Hấp-Hợp-Đài làm thông ngôn. Tiêu-Thanh-Đồng đáp:

-Đường đi còn xa, phải mất cả 7-8 ngày nữa, mà các ông lại không có dược một giọt nước. Tôi phải nhờ hai con chim ưng đi lấy nước về cho mấy ông dùng đỡ.

Hấp-Hợp-Đài hỏi:

-Hai con chim ưng ấy thì phỏng lấy được bao nhiêu nước?

Tiêu-Thanh-Đồng đáp:

-Một khi cổ họng bị khô ran thì mỗi ngày chỉ cần một giọt nước cũng có thể cứu được tính mạng. Đi thêm nữa, các ông sẽ thấy và hiểu rõ giá trị của từng giọt nước.

Hấp-Hợp-Đài chửi rủa thầm:

-Ở Mông-Cổ cũng không thiếu gì sa mạc nhưng nào như cái xứ này! Đi đến 7-8 ngày mà không tìm được lấy một suối nước trong. Thật là cái xứ ma quỷ!

Thật sự Tiêu-Thanh-Đồng vì sợ bị bọn Tam-Ma nên mới cố ý kéo dài lộ trình ra để làm kế hoãn binh.

Tối đến, Tiêu-Thanh-Đồng không dám ngủ trong lều, chỉ cầm kiếm mà phục sẵn ở ngoài sau. Khoảng canh hai, Cổ-Kim-Phiêu vén lều chui vào. Thấy bên trong trống rỗng, hắn định trở ra thì có một mũi kiếm chĩa vào người hắn, và một giọng thiếu nữ nói bằng tiếng Hán:

-Đứng im! Cựa quậy là chết!

Tiêu-Thanh-Đồng lại quát lên:

-Quỳ xuống mau!

Trước tình thế này, Cổ-Kim-Phiêu đành riu ríu nghe lời chứ không dám cãi lời. Tiêu-Thanh-Đồng lại nghĩ:

-Giết tên dâm tặc này thì dễ rồi, nhưng hai tên đồng bọn chúng ắt không tah cho mình. Chi bằng tạm nhẫn nhịn rồi tìm cách nào toàn vẹn hơn mới được.

Sáng ra, Tiêu-Thanh-Đồng tha cho Cổ-Kim-Phiêu trở về. Hắn cắn răng không dám thổ lộ nửa lời vì sợ bị đồng bọn chê cười. Nhưng hắn quyết định trước sau sẽ không tha cho nàng.

Đêm hôm sau, khoảng canh ba, hắn cầm sẵn ngọn lao đâm hổ, tiến vào lều của Tiêu-Thanh-Đồng. Bật đá lửa lên, hắn thấy rõ nàng đang nép mình vào một xó lều. Cả mừng, Cổ-Kim-Phiêu tunh mình nhảy tới, bỗng thấy dưới chân có gì động đậy. Chưa kịp có phản ứng gì, Cổ-Kim-Phiêu bỗng cảm thấy hai chân hắn bị sợi giây xiết chặt lại. Cả thân hình hắn ngã sấp xuống đất ra phía trước.

Tiêu-Thanh-Đồng chĩa mũi kiếm vào bụng hắn nói:

-Câm mồm! Ngồi im!

Ghé miệng vào tai Cổ-Kim-Phiêu, Tiêu-Thanh-Đồng nói nhỏ:

-Mi muốn sống thì mau gọi lão Đại vào đây. Giọng phải tươi tỉnh, vui cười.

Cổ-Kim-Phiêu nhăn mặt nhưng phải cố gắng gượng cười lên mấy tiếng, gọi lớn:

-Lão đại! Mau vào đây gấp!

Đang ngủ ngon, Đẳng-Nhất-Lôi nghe tiếng cười bỗng giật mình. Hấp-Hợp-Đài nói cho hắn biết là Cổ-Kim-Phiêu gọi thì Đẳng-Nhất-Lôi gạt đi nói:

-Lão tứ! Thây kệ y! Cứ để cho y vui chơi thỏa mãn. Hai đứa chúng ta cần dưỡng sức để đối phó với kẻ thù.

Không thấy Đẳng-Nhất-Lôi đến, Tiêu-Thanh-Đồng lại bảo Cổ-Kim-Phiêu gọi lão tứ Hấp-Hợp-Đài. Thế nhưng Hấp-Hợp-Đài cố làm ra vẻ người đứng đắn để cho Đẳng-Nhất-Lôi phải nể phục mình nên cũng không sang.

Thấy mưu kế của mình không thành công, Tiêu-Thanh-Đồng thất vọng vô cùng. Nàng nghĩ thầm:

-“Miễn là ta thoát được chuyến này thì trước sau ba tên này cũng phải chết!”

Trời hừng sáng, Cổ-Kim-Phiêu mệt quá lăn ra ngủ. Tiêu-Thanh-Đồng cầm roi ngựa quất lên đầu hắn mấy cái, chĩa mũi kiếm vào cổ hắn nói:

-Mi mà kêu lên một tiếng thì sẽ về chầu Diêm-tổ ngay!

Cổ-Kim-Phiêu mặt bê bết máu, cảm thấy vừa đau đớn vừa nhục nhã nhưng không dám hó hé một lời nào. Tiêu-Thanh-Đồng suy nghĩ một hồi, liền lấy khăn lau sạch vết máu cho hắn rồi mỉm cười tình tứ nói lớn:

-“Theo phong tục của người Duy chúng tôi thì suốt hai đêm đầu không thể để cho người đàn ông đụng vào thân thể. Đêm thứ ba thì người đàn ông phải đổ máu mới được thần-linh chứng minh cho là tình yêu chân thật. Bây giờ mới biết được tình anh tha thiết. Tối mai cứ việc tự tiện mà vào màn, không phải lo ngại gì nữa cả!

Dứt lời, Tiêu-Thanh-Đồng cởi trói cho Cổ-Kim-Phiêu rồi đạp y một cái ra khỏi lều. Cổ-Kim-Phiêu trong lòng hết sức hoang mang không hiểu dụng ý của nàng ra sao.

Nhìn những vết máu khô lốm đốm trên mặt của Cổ-Kim-Phiêu, Đẳng-Nhất-Lôi hỏi:

-Lão nhị! Có nên để ý tới con ⬘bò cái⬙ này hay không?

Cổ-Kim-Phiêu láy mắt nói:

-Đến khi chúng ta bắt được nó sẽ hay!

Dứt lời hai tên chạy vội đến bên ngựa của Tiêu-Thanh-Đồng. Nhìn thấy cử chỉ của chúng, Tiêu-Thanh-Đồng đã sớm liệu mà đề phòng cho nên vừa thấy chúng xông đến, nàng đã phóng ngựa đến ngang hông ngựa của chúng, tuốt kiếm đâm vào hai chiếc bình đựng nước ngọt. Kế đến nàng lại chém luôn một lưỡi kiếm vào cái thùng lớn đựng nước trên lưng ngựa của Đẳng-Nhất-Lôi.

Tam-Ma đang ngây người ra thì Tiêu-Thanh-Đồng đã phóng ngựa đi như bay. Ba tên giận quá liền phóng ngựa đuổi theo để giết nàng cho kỳ được. Tiêu-Thanh-Đồng liền chĩa mũi kiếm vào bình đựng nước trên lưng ngựa của nàng, lớn tiếng nói:

-Đây là bình nước ngọt cuối cùng cho cuộc hành trình. Từ đây tới đó còn 6 ngày đường nữa. Các ngươi muốn hại ta thì đừng mong đến được Ngọc-Vượng-Cổn mà tìm Thúy-Vũ Hoàng-Sam. Nếu các ngươi còn bức ta nữa thì ta sẽ đâm lủng luôn thùng nước này. Như thế thì tất cả chúng ta đều chết khát cả trên sa mạc này.

Quả nhiên lời nói của Tiêu-Thanh-Đồng hiệu nghiệm. Tam-Ma nghe nói đều dừng lại, không ai dám tiến đến gần nàng nữa.

Tiêu-Thanh-Đồng lại nói:

-Ba người cỡi ngựa đi trước, ta theo sau.

Đúng Ngọ, mặt trời gay gắt. Nắng cháy như nung. Cả 4 người đều khô cổ ráo miệng. Tiêu-Thanh-Đồng cảm thấy mặt mày choáng váng. Nàng than thầm:

-Không lẽ ta đành bỏ mạng chốn này sao?

Đàng trước, Hấp-Hợp-Đài quay đầu ngựa lại nói:

-Khát quá, không chịu nổi! Làm ơn làm làm phúc cho xin một miếng nước.

Cố gắng lấy lại tinh thần, Tiêu-Thanh-Đồng nói:

-Ngươi mau quăng cái chén xuống dưới cát!

Hấp-Hợp-Đài lập tức làm theo. Tiêu-Thanh-Đồng lại bảo:

-Cả ba người mau lui ra xa 100 bước!

Thấy Cổ-Kim-Phiêu còn đang chần chừ, Tiêu-Thanh-Đồng quát lớn:

-Khôn lui thì không có nước!

Cổ-Kim-Phiêu chửi thầm nhưng không dám trái lời, vội vàng lui lại. Tiêu-Thanh-Đồng lấy nước rót khoảng nửa chén đặt xuống dưới rồi phi ngựa lánh sang một bên nói:

-Uống đỡ bấy nhiêu đó! Đường còn dài, không được phí phạm.

Tam-Ma hí hửng chạy tới cầm chén lên chia nhau mỗi mạng một hớp, uống cạn.

Uống xong, 4 người lại tiếp tục lên đường. Đi thêm mấy chục dặm nữa, bỗng nhiên bên đường hiện ra một bãi cỏ xanh.

Đẳng-Nhất-Lôi cặp mắt sáng lên, nói:

-Trước mặt chúng ta đàng trước ắt có một giòng nước. Tới đó tha hồ mà uống.

Tiêu-Thanh-Đồng nhìn thấy vậy bỗng thất sắc, định tìm kế thoát thân. Nhưng nàng bỗng nghe đầu óc mình đau nhức vô cùng như muốn vỡ ra. Bỗng nhiên từ trên trời, hai bóng đen từ đâu bay lượn rồi sà xuống khẽ đậu trên hai vai Tiêu-Thanh-Đồng. Thì ra đó là hai con chim ưng, dưới móng vuốt một con có cột một miếng vải đen.

Đẳng-Nhất-Lôi tinh ý, biết có điều gì khác lạ liền vung tay một cái, phóng tới một mũi trục tiễn vào ngay cổ tay Tiêu-Thanh-Đồng mong nàng buông rời thanh gươm xuống đất để thừa cơ hội đoạt lấy bình nước. Tiêu-Thanh-Đồng liền vung kiếm gạt trục tiễn qua một bên rồi giục ngựa chạy như bay. Tam-Ma thấy vậy liền lập tức giục ngựa đuổi theo.

Chạy được vài chục dặm, Tiêu-Thanh-Đồng chợt thấy chân tay bủn rủn hết cả, không còn ngồi vững được trên yên ngựa nữa mà ngã nhào xuống dưới cát.

Cổ-Kim-Phiêu trông thấy thế thì mừng rỡ, thúc ngựa chạy lẹ đến. Trong lúc khí lực đã tận, Tiêu-Thanh-Đồng chợt nghĩ ra một kế để đối phó. Nàng liền chụp vội bình nước, khoác giây lên cổ con chim ưng huýt gió.

Hai con chim ưng này vốn của Thiên-Sơn Song-Ưng nuôi từ nhỏ nên rất thuần thục, am hiểu ý chủ nhân, rất hữu dụng trong việc truyền tin. Hai người tặng cho Tiêu-Thanh-Đồng. Nàng đi đâu cũng mang theo chúng dùng vào việc liên lạc, vừa làm bạn đường. Vì vậy chỉ cần nghe tiếng huýt gió của chủ nhân là nó đã hiểu ngay, tung cánh bay, mang theo cả bình nước về cho Thiên-Sơn Song-Ưng.

Tam-Ma thấy ⬘bùa hộ mạng⬙ cuối cùng dùng để đi trong sa mạc đã bị mang đi thì kinh hoàng thất sắc, bèn quay đầu ngựa lại rượt theo chon chim ưng.

Cổ-Kim-Phiêu rút ra một mũi phi tiêu định phóng lên thì bỗng một lằn roi ngựa quất mạnh vào tay hắn đau nhức khôn tả, để rơi phi tiêu xuống đất.

Được biết người vừa quất hắn một roi chính là Hấp-Hợp-Đài, Cổ-Kim-Phiêu cả giận quát:

-Lão tứ! Mi làm cái trò gì vậy?

Hấp-Hợp-Đài nói:

-Anh phóng phi tiêu rủi lủng mất bình nước thì có phải là chết hết cả đám không?

Cổ-Kim-Phiêu nghe nói có lý thì không giận nữa, tiếp tục giục ngựa rượt theo con chim ưng. Con chim ưng vì mang trên mình bình nước hơi nặng nên bay không được mau như tốc độ bình sinh của nó. Tuy nhiên, Tam-Ma cũng chỉ theo gần được một khoảng cách tương đối nào đó thôi chứ không thể nào đến sát nó được.

Rượt thêm một lúc, Tam-Ma trông thấy trước mặt có hai kỵ mã đang phi như bay tới. Con chim ưng bỗng nhiên sà xuống, đáp nhẹ trên vai một kỵ mã. Quan-Đông Tam-Ma thấy vậy mừng rỡ liền phi ngựa thật mau đến. Chúng nhìn rõ hai kỵ mã là một người đàng ông mặt đỏ, đầu sói và một người đàn bà tóc bạc phơ.

Người đàn bà giục ngựa tiến tới nhìn Tam-Ma hỏi:

-Tiêu-Thanh-Đồng ở đâu?

Tam-Ma ngẩn người ra, không biết phải trả lời ra làm sao. Người đàn bà tóc bạc như chẳng thèm để ý đến bọn chúng, nét mặt lo lắng, tháo bình nước ngọt trên cổ con chim ưng ra rồi phóng nó bay bổng lên không. Sau đó, hai người thúc ngựa chạy theo con chim ưng chỉ đường.

Thì ra hai người này chính là vợ chồng Thiên-Sơn Song-Ưng Trần-Chánh-Đức và Quan-Minh-Mai. Từ khi thấy được cái khăn hồng của Tiêu-Thanh-Đồng cột vào chân con chim ưng, hai người biết nàng bị nguy hiểm nên cùng nhau tức tốc lên đường đi cấp cứu. Khi nhìn thấy bình nước trên cổ con chim ưng, hai người biết Tiêu-Thanh-Đồng cũng không ở xa đây lắm nên lại càng nóng ruột, hết sức giục ngựa chạy cho mau. Tam-Ma vì bình nước mà phải quay đầu ngựa lại đuổi theo hai kỵ mã.

Đến mơi, nhìn thấy Tiêu-Thanh-Đồng nằm bất động, Quan-Minh-Mai cả kinh, nhảy xuống ngựa bế nàng lên. Bà ta vừa lo sợ vừa giận dữ hỏi:

-Ai? Kẻ nào đã đụng đến con?

Tiêu-Thanh-Đồng đưa tay chỉ vào bọn Quan-Đông Tam-Ma, lúc đó cũng vừa đuổi tới nơi, rồi ngã vào lòng sư phụ bất tỉnh hôn mê. Quan-Minh-Mai lấy bình nước, mở miệng Tiêu-Thanh-Đồng ra đổ vào.

Trợn mắt nhìn đám Tam-Ma chằm chặp, Quan-Minh-Mai khẽ liếc chồng nói:

-Lão già còn chờ đợi gì mà chưa chịu ra tay chứ?

Trần-Chánh-Đức nghe vợ nói như thế thì biết ngay ba người kia là kẻ thù của Tiêu-Thanh-Đồng liền quay đầu ngựa lại xông tới phía bọn Tam-Ma. Ông giơ tay ra, dùng một thế trảo công chụp vào ngực Hấp-Hợp-Đài.

Hấp-Hợp-Đài bình tĩnh vung tay một cái đã hất được chiêu thế của Trần-Chánh-Đức sang một bên.

Chụp không trúng đối phương, Trần-Chánh-Đức nổi giận vận 7 thành công lực, tung một quyền đánh ngay vào bả vai Hấp-Hợp-Đài nhanh như chớp. Hấp-Hợp-Đài không sao chống đỡ nổi, lãnh trọn đường quyền nhã nhào xuống ngựa. Đẳng-Nhất-Lôi và Cổ-Kim-Phiêu trông thấy thế kinh hãi vô cùng, sợ đến toát cả mồ hôi.

Cổ-Kim-Phiêu chưa kịp xông vào thì Trần-Chánh-Đức đã nhảy tới đưa tay giựt lấy cây dùi đâm hổ của hắn vứt ra xa 4-5 trượng rồi thuận tay tống cho y một chưởng lui ra xa mấy bước.

Chợt nghe tiếng gió đàng sau lưng, Trần-Chánh-Đức lách qua bên trái, đưa tay bắt lấy cây độc cước đồng nhân của Đẳng-Nhất-Lôi.

Đẳng-Nhất-Lôi sợ bị cướp mất vũ khí như Cổ-Kim-Phiêu bèn rút tay trở lại, xoay cây đồng-nhân điểm vào huyệt ⬘mi trinh⬙ của Trần-Chánh-Đức. Ông ta thấy vậy liền nhảy ra sau tránh né rồi cười lớn:

-Mi cũng biết điểm huyệt nữa à?

Đằng-Nhất-Lôi dương dương tự đắc nói:

-Đúng vậy! Ta mà điểm huyệt thì bỏ mạnh anh hùng!

Dứt lời, Đổng-Nhất-Lôi lại phóng cây đồng nhân điểm vào huyệt Chấn-Thủy của Trần-Chánh-Đức. Vừa lúc đó, Hấp-Hợp-Đài cũng đã đứng dậy và Cổ-Kim-Phiêu cũng đã hoàn hồn liền xông cả đến hợp sức với Đẳng-Nhất-Lôi. Trần-Chánh-Đức không chút sợ hãi, vừa tránh khỏi c6an đồng nhân liền vung tay liên tiếp tung ra ba chưởng đẩy lui Tam-Ma.

Lúc đó Quan-Minh-Mai thấy Tiêu-Thanh-Đồng chuyển mình hồi tỉnh lại, bà ta mới yên tâm. Nhìn thấy chồng một mình chống với ba cường địch, tuy ngang sức nhưng muốn thắng chúng thì thật không phải dễ, bèn rút trường kiếm xông tới đâm vào hậu tâm của Đẳng-Nhất-Lôi.

Đẳng-Nhất-Lôi liền vung cây đồng nhân lên đỡ lại, gại lưỡi kiếm qua một bên. Quan-Minh-Mai liền chuyển thế, sử dụng Tam-Phân Kiếm-Thuật ra tấn công liên tiếp. Đẳng-Nhất-Lôi kinh hãi, lại dùng cây đồng nhân để đỡ gạt. Bỗng kiếm pháp của Quan-Minh-Mai mỗi lúc mỗi lẹ, nhắm Đẳng-Nhất-Lôi tấn côn không ngừng khiến cho y đỡ không kịp thở.

Tuy rằng Tam-Phân Kiếm-Thuật của Quan-Minh-Mai hết sức lợi hại chiếm được ưu thế, nhưng vẫn không sao đả thương được Đẳng-Nhất-Lôi. Bà ta cũng phải khen thầm đối phương có nội lực hết sức thâm hậu.

Trong khi đó, Hấp-Hợp-Đài lại bị trúng thêm một quyền của Trần-Chánh-Đức và lại trúng thêm một trảo của ông ta đến nỗi phải rách áo và sướt da, máu tuôn ra đỏ cả áo.

Thấy bên mình bất lợi, Cổ-Kim-Phiêu liền nghĩ ra một kế liền tung người phi thân về phía Tiêu-Thanh-Đồng. Trần-Chánh-Đức thấy vậy cả kinh, liền bỏ Hấp-Hợp-Đài mà rượt theo Cổ-Kim-Phiêu vì sợ y hại tới mạng của nàng.

Thoáng một cái, Trần-Chánh-Đức đã đến đàng sau lưng Cổ-Kim-Phiêu. Hấp-Hợp-Đài thấy Cổ-Kim-Phiêu nguy ngập thì xông vào trợ lực. Cả hai cố sức cầm cự với Trần-Chánh-Đức, nhưng mỗi lúc một yếu dần.

Đàng kia, Đẳng-Nhất-Lôi bị Quanh-Minh-Mai đàn áp, lo thân còn chưa muốn nổi thì còn nghĩ gì đến chuyện giúp tay cho đồng bọn.

Tiêu-Thanh-Đồng ngồi thiền trên cát, thấy sư phụ và sư công của mình bắt đầu chiếm được thượng phong, và không sớm thì muộn cũng chiến thắng thì hết sức vui mừng.

Đội nhiên xa xa vang lại những tiếng kêu gào kỳ quái, hết sức rùng rợn và thảm não. Tiêu-Thanh-Đồng bỗng vùng đứng dậy nói:

-Sư phụ! Sư công! Hãy lắng tai mà nghe thử!

Trần-Chánh-Đức dù đang hăng say chiến đấu, nhưng khi nghe tiếng gọi của Tiêu-Thanh-Đồng thì không hẹn mà gặp, cả hai người cùng dừng tay lại một lượt, nhảy ra ngoài mấy bước, để ý lắng tai nghe.

Đám Quan-Đông Tam-Ma đang mười phần chuốc lấy cái bại chợt thấy Trần-Chánh-Đức và Quan-Minh-Mai bỗng nhiên dừng tay lại thì mừng rỡ, vô cùng, như thoát khỏi cơn nguy.

Tiếng kêu gào càng lúc càng gần. Trên bãi cát mênh mông, một vùng mây đen u ám mỗi lúc càng kéo lại gần. Giữa khoảng ấy lại có những tiếng ầm ì như sấm sét.

Mặt mày Thiên-Sơn Song-Ưng tái hẳn lại. Trần-Chánh-Đức lập tức đem hai con ngựa lại, nói với Quan-Minh-Mai:

-Mau chạy gấp, may ra còn kịp! Mau đứng lên vai tôi xem thử.

Quan-Minh-Mai đặt Tiêu-Thanh-Đồng trên lưng ngựa ngồi rồu phóng lên đứng trên vai Trần-Chánh-Đức nhìn về phía xa.

Quan-Đông Tam-Ma thấy hai người đáng lẽ thắng chắc nhưng lại bỗng dưng bỏ ngang trận giao đấu thì thấy hết sức lạ lùng, lại còn có những cử chỉ và hành động bất thường thì không hiểu gì cả, chỉ biết đứng trơ trơ mà ngẩn ngơ và kinh ngạc.

Đột nhiên Quan-Minh-Mai kêu lên:

-Dường như hướng Bắc có hai cây cổ thụ khác cao.

Trần-Chánh-Đức nói:

-Phải hay không, đến nước này cũng phải chạy về hướng ấy mà thoát thân cái đã. Sống hay chết đành trông chờ vào số mạnh thôi!

Quan-Minh-Mai lập tức phóng sang ngựa, ngồi đàng say Tiêu-Thanh-Đồng. Sau đó hai con tuấn mã phi như bay. Hấp-Hợp-Đài thấy họ bỏ lại bình nước thì mừng quá cúi xuống nhặt lên.

Thình lình, Cổ-Kim-Phiêu kêu lên một tiếng kinh hãi:

-Trời ơi! Một đàn chó sói đông vô số… có đến hàng mấy ngàn con…

Dứt lời, Tam-Ma nhảy vội lên lưng ngựa phi như bay, đi sau lưng Thiên-Sơn Song-Ưng.

Tiếng chân của muông loài thú, tiếng sủa của muôn ngàn con sói tạo thành một cảnh hỗn loạn kinh hồn!

Cổ-Kim-Phiêu quay đầu lại, thấy trong chỗ cát bụi mịt mù có vài chục con hổ, mấy trăm con lạc đà, từng bầy dê vàng, trâu trắng, ngựa vằn, báo, gấu chạy tán loạn. Đàn sau xa hơn một chút, chẳng biết hàng bao nhiêu ngàn hay bao nhiêu vạn con chó sói rượt theo.

Trước mặt muông thú có một người cỡi ngựa lông đỏ chói phi thật lẹ làng. Con hồng mã luôn luôn chạy trước bầy dã thú chừng vài chục trượng mà không bao giờ bị bắt kịp, dường như là cố ý dẫn đường.

Chỉ trong chớp mắt, con hồng mã đã vụt qua mặt bọn Tam-Ma. Người kỵ mã ở trên lưng mặc áo đen, nhưng vì cát bụi nhuộm đầy nên đã trở thành màu vàng sậm. Mặc dù ngựa bay vụt qua, người ấy vẫn quay lại ngoái cổ nhìn Tam-Ma nói lớn:

-Các ngươi còn chưa chịu tẩu thoát? Bộ không sợ chết hay sao?

Đẳng-Nhất-Lôi nhìn thấy bầy dã thú thì tay chân rụng rời, kềm cương không vững, bị con ngựa hất ngã xuống đất. Đẳng-Nhất-Lôi nhìn lên, thấy hổ, báo có tới mấy trăm con đang chạy trối chết, bay vụt qua. Kinh hãi quá, Đẳng-Nhất-Lôi kêu la oai oái:

-Thôi rồi! Mạng của ta kể như là xong rồi!

Cổ-Kim-Phiêu và Hấp-Hợp-Đài vừa quay lại thì bầy chó sói hằng hà sa số đã kéo tới. Tất cả vũ khí cũng như võ nghệ cao cường của bọn Tam-Ma giờ đây kể như vô dụng.

Đang lúc Đẳng-Nhất-Lôi tuyệt vọng bỗng nghe tiếng vó ngựa đàng sau lưng. Người kỵ mã áo đen khi nãy trở lại nắm cả thân hình của hắn thảy lên lưng ngựa của Hấp-Hợp-Đài, miệng nói lớn:

-Hãy chạy về hướng Tây!

Tam-Ma hú hồn, giục ngựa chạy mau về hướng Tây theo lời chỉ dẫn của kỵ mã áo đen…

Chú thích:

(1-) Hồng bạch: màu hồng, tiếng Nam là “hường”. (theo chữ nho, “hồng” là màu đỏ. Như “Hồng Hoa Hội” tức là “Hội Hoa Đỏ”).

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN