Thung Lũng Khủng Khiếp - Một Tia Sáng Chợt Loé
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
129


Thung Lũng Khủng Khiếp


Một Tia Sáng Chợt Loé



Trong khi ba nhà thám tử đi thẩm tra lại một số chi tiết, tôi đi dạo một vòng khu vườn ở bên hông lâu đài. Được bao quanh bởi những hàng cây thuỳ dương uy nghi, khu vườn có một bãi cỏ rất đẹp, ở giữa là một chiếc đồng hồ mặt trời cổ kính. Sự yên tĩnh ở đây làm cho thần kinh tôi như giãn hẳn ra.

Đi về phía xa nhất của tòa lâu đài, những lùm cây mọc sát vào nhau làm thành một thứ hàng rào rất kín. Đằng sau hàng rào, có một chiếc ghế kê khuất hẳn, người đi từ phía lâu đài lại không thể nhìn thấy được. Đi gần đến đó, tôi chợt nghe tiếng nói của đàn ông, và một tiếng nói nhỏ của phụ nữ. Một lát sau khi đã đi vòng qua hàng rào, tôi trông thấy bà Douglas đang ngồi với ông Barker. Vẻ mặt của bà ta làm tôi phải kinh ngạc. Lúc nãy, bà tỏ ra nghiêm nghị và dè dặt bao nhiêu thì bây giờ, bà ta yêu đời bấy nhiêu; khuôn mặt vẫn còn rung lên trong sự thích thú vì câu nói vừa rồi của ông Barker. Ông ngồi nghiêng người ra phía trước, hai tay đan vào nhau, một nụ cười tươi làm rạng rỡ hẳn bộ mặt rắn rỏi. Khi trông thấy tôi, họ lấy lại nét mặt trang nghiêm, thì thầm với nhau câu gì đó, rồi Barker đứng dậy và tiến về phía tôi:

– Thưa ông, có phải tôi đang được hân hạnh nói chuyện với bác sỹ Watson không?

Tôi chào lại một cách lạnh nhạt.

– Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ đúng là ông, người mà ai ai cũng biết là bạn thân của ông Holmes. Bà Douglas mong muốn được thưa với ông một đôi điều.

Tôi cau mày và đi theo ông ta. Hình ảnh của người chết lại hiện ra trong đầu tôi. Chỉ vài giờ sau tấn thảm kịch thì vợ và bạn của kẻ xấu số đã cười đùa vui vẻ với nhau. Tôi chào bà Douglas một cách dè dặt.

– Tôi sợ rằng ông sẽ coi tôi là một người đàn bà không tốt.

– Đó không phải là việc của tôi. – Tôi nhún vai, nói.

– Có thể một ngày nào đấy, ông sẽ hiểu được rằng…

– Cũng không cần thiết là bác sỹ Watson phải hiểu. Đúng như ông ta nói, đây không phải là việc của ông. – Ông Barker nói.

– Đúng thế. Vì vậy tôi xin phép được tiếp tục đi dạo.

– “Xin hãy khoan, bác sỹ Watson!”. Bà Douglas kêu lên. “Ông hiểu biết ông Holmes và những mối quan hệ của ông ta với cơ quan cảnh sát hơn ai hết. Nếu có một sự việc nào đó đem nói riêng với ông ta, thì ông ta có luôn luôn đem báo cáo lại với các thám tử của chính quyền không?”

– Xin hỏi ông Holmes làm việc riêng cho ông ta, hay ông ta làm việc cho cảnh sát? – Barker cũng nhấn mạnh thêm.

– Tôi cũng không biết mình có đủ thẩm quyền để bàn về vấn đề này không.

– Tôi van ông. Nếu ông mách cho chúng tôi điều này, thì ông sẽ giúp đỡ cho chúng tôi nhiều lắm.

Trong giọng nói của bà chứa đựng một cái gì nghe thành thật quá, đến nỗi lúc đó tôi quên hết cái chuyện vô tâm của bà, và chỉ nghĩ cách làm sao cho bà vui lòng:

– Ông Holmes là một nhà điều tra độc lập. Ông ấy tự làm chủ lấy mình và hoạt động theo sự suy nghĩ riêng của ông. Mặt khác, ông ấy cũng phải tỏ ra trung thực đối với những thám tử của nhà nước cùng làm việc trong một vụ án, và ông ấy sẽ không giấu diếm họ bất cứ một điều gì có thể giúp họ đưa các tội phạm ra trước công lý. Như vậy bà và ông nên hỏi thẳng ông Holmes.

Nói thế rồi, tôi nhấc mũ lên chào và bỏ đi, để mặc họ ngồi đằng sau lùm cây. Khi tôi đi khỏi hàng rào và quay lại thì thấy họ vẫn đang bàn cãi và trông theo tôi. Khi tôi kể lại cho Holmes nghe câu chuyện vừa rồi, Holmes trả lời: “Tôi không mong ước được nghe những lời tâm sự của họ”.

Sau đó Holmes làm việc với hai đồng nghiệp suốt buổi chiều ở lâu đài và mãi 5 giờ mới về. Anh còn nhắc lại lần nữa:

– Này Watson, không có tâm sự gì cả đấy nhé. Những tâm sự này sẽ trở nên rất cộm nếu sau này có sự bắt bớ về tội đồng lõa.

– Sắp tiến đến bước đó rồi à?

– Khi nào tôi tiêu diệt xong cái quả trứng thứ tư này, tôi sẽ nói cho anh biết tình hình hiện nay. Tôi không nói rằng chúng ta đã giải được bài toán. Còn xa đấy. Nhưng khi nào chúng ta tìm thấy quả tạ còn thiếu kia thì…..

– Quả tạ à?

– Tất cả vụ án này quay chung quanh cái quả tạ vắng mặt kia. Một quả tạ duy nhất. Anh hãy tưởng tượng có một nhà lực sĩ nào chỉ tập với một quả tạ thôi, trẹo cột sống.

Anh ta nhai nhồm nhoàm cái bánh ngọt, hai mắt long lanh tinh nghịch: trông anh ăn ngon như thế cũng đủ hiểu là công việc tiến hành tốt rồi ; ăn xong, anh đến ngồi bên góc chiếc lò sưởi của quán trọ, bắt đầu nói:

– Nói dối. Nói dối to bằng cái đình. Tất cả câu chuyện của Barker là nói dối. Nhưng câu chuỵên của Barker lại được bà Douglas công nhận. Vậy thì bà Douglas cũng nói dối. Bởi vậy, giờ đây chúng ta đang đứng trước bài toán này: Tại sao họ lại nói dối, và cái sự thật họ đã cố gắng che giấu là gì? Theo họ kể lại thì tên sát nhân chỉ có một khoảng thời gian chưa đầy một phút để tháo chiếc nhẫn thứ nhất ra, lấy chiếc nhẫn cưới, rồi đeo chiếc nhẫn thứ nhất vào tay nạn nhân. Chắc chắn là không bao giờ nó làm như vậy đâu. Sau đó nó lại còn nhớ để một mẩu bìa cứng bên cạnh xác chết nữa, không thể làm kịp. Cậu có nói rằng: chiếc nhẫn cưới đã

được rút ra khỏi tay Douglas trước khi ông ta chết. Sự kiện cây nến cháy ít như vậy chứng tỏ cuộc đối thoại chắc phải là ngắn ngủi. Lại nữa một người can đảm, liều lĩnh như Douglas liệu có tháo ngay chiếc nhẫn cưới của mình đưa cho tên sát nhân khi tên này mới đòi lấy không? Không, tên sát nhân đã ở lại một mình với xác chết một thời gian nữa sau khi cây nến được thắp lên. Nhưng phát đạn là nguyên nhân đã gây ra cái chết. Vậy thì phát đạn này được bắn sớm hơn là người ta khai báo với chúng ta, vết máu ở trên thành cửa sổ, chính là do Barker đã cố tình tạo nên ở đó để đánh lừa cảnh sát. Hôm ấy, gia nhân trong lâu đài còn đi lại đến 10 giờ rưỡi đêm, vậy thì vụ án không thể xảy ra trước giờ đó được. Đến 11 giờ kém 15 thì họ đi ngủ, chỉ trừ có Ames lúc đó đang ở trong bếp.

Chiều nay, sau khi anh đi về rồi, tôi có tiến hành một vài thử nghiệm: Khi tôi đóng kín các cửa lại, MacDonald gây ra nhiều tiếng động trong căn phòng có án mạng ; ở dưới bếp không ai nghe thấy cả. Nhưng đứng ở căn phòng riêng của bà hầu phòng thì lại khác: ở trong buồng của bà này, tôi vẫn nghe thoang thoảng tiếng người nói thật to ở nhà trên. Tiếng nổ của một phát súng chắc không lớn lắm, nhưng trong cái im lặng của ban đêm, thì ở căn buồng của bà Allen cũng có thể nghe thấy được. Bà ấy có nói là hơi nặng tai nhưng mặc dầu vậy bà ấy lại khai là có nghe thấy tiếng một cánh cửa đập nửa giờ trước khi có báo động. Nửa giờ trước khi báo động, nghĩa là vào lúc 11 giờ kém 15, chắc chắn là cái tiếng mà bà ta cho là tiếng đập cửa ấy, chính là tiếng súng và thời điểm 11 giờ kém 15 ấy chính là giờ xảy ra vụ án. Giả sử ông Barker và bà Douglas không giết người thì họ đã làm gì trong khoảng thời gian từ 11 giờ kém 15 (Là lúc họ nghe thấy tiếng súng và chạy từ trên lầu xuống) tới 11 giờ 15 (lúc họ giật chuông để báo động với gia nhân). Tại sao họ lại không báo động ngay? Khi trả lời được câu này, thì đã tiến được một bước lớn.

– Tôi lại tin chắc là có một sự đồng lõa giữa hai con người này. Một người đàn bà phải tàn nhẫn đến thế nào thì mới có thể cười cợt như vậy khi chồng mới chết có vài tiếng đồng hồ.

– Đúng thế. Ta ít thấy có người phụ nữ yêu chồng mà lại chỉ mới nghe một lời khuyên đơn giản như thế đã không vào nhìn xác của chồng. Đó, chỗ này đạo diễn có phần “yếu” quá, vì bất luận một nhà điều tra nào dù ngu đến đâu cũng phải chú ý đến việc ở đây thiếu hẳn những lời than khóc của phụ nữ.

– Vậy thì Barker và bà Douglas là những thủ phạm của vụ án này phải không?

Holmes rút cái tẩu thuốc ở mồm ra, dứ dứ vào tôi thở dài:

– Nếu anh muốn nói rằng bà Douglas và Barker biết sự thật về vụ án mạng nhưng họ cố che giấu thì tôi đồng ý. Nhưng còn câu kết luận của anh, thì tôi thấy chưa đủ chứng minh. Phải chăng họ đã yêu nhau và đã quyết định phải ra tay? Không. Những người trong làng đã nói là tuyệt đối không có thế. Tất cả mọi cái đều chứng minh rằng gia đình Douglas rất thuận hòa êm ấm.

Tôi nhanh chóng nhớ lại nét mặt tươi cười mà tôi đã bắt gặp trong khu vườn, nên cãi lại:

– Về vấn đề này thì anh đã sai rồi.

– Ừ thì ít nhất họ cũng cho ta cái cảm giác là họ thuận hòa với nhau. Như thế phải giả thiết rằng cái đôi thủ phạm kia gian giảo, đến mức vừa giết chồng, vừa đánh lừa được mọi người. Và trên đầu người bị giết đang treo lơ lửng một mối nguy hiểm nào đó …

– ồ … Giả thiết về mối nguy hiểm này chỉ do một mình họ gợi ra mà thôi.

Holmes có vẻ suy nghĩ:

– Theo anh thì chẳng có mối nguy hiểm nào đe dọa Douglas, chẳng có thung lũng khủng khiếp. Họ bịa ra những chuyện đó để giải thích vụ án mạng. Rồi họ lại nghĩ ra việc bố trí một cái xe đạp giấu trong bụi cây để chứng tỏ có sự hiện diện của một kẻ lạ mặt. Cả vết máu trên thành cửa sổ cũng nằm trong ý nghĩ đó. Rồi lại cả mẩu bìa cứng, đáng lẽ ra có thể chuẩn bị ngay ở trong lâu đài. Tất cả những cái ấy đều khớp với giả thiết của anh. Nhưng ác cái lại có những góc cạnh khác cứ lòi ra. Tại sao có súng cưa nòng? Tại sao lại là súng Mỹ? Tại sao họ tin chắc là không ai nghe thấy tiếng súng? Anh có thể giải thích được cho tôi nghe không, Watson?

– Xin chịu.

– Nếu một người đàn bà cùng nhân tình âm mưu giết chồng, thì liệu họ có dại dột đến mức tháo chiếc nhẫn cưới ở tay người chết ra để “lạy ông tôi ở bụi này” không? Điều này liệu có thế xảy ra được không?

– Không?

– Lại còn thế này nữa: Nếu chính họ là những ngưòi giấu chiếc xe đạp trong bụi cây, thì tất họ cũng đủ tinh khôn để nghĩ rằng bất cứ một viên thám tử nào cũng hiểu đây là một động tác giả, vì chiếc xe đạp chính là cái mà một người chạy trốn cần đến trước nhất để thoát.

– Chịu thôi.

– Vậy chúng ta hãy giả thiết tay Douglas này có một bí mật đáng xấu hổ trong đời. Bí mật này đưa đến chỗ hắn bị ám sát bởi một người đi báo thù. Người này, vì một động cơ nào đó đã tháo chiếc nhẫn cưới của hắn. Ta cũng có thể giả thiết rằng mối thù này có từ thời Douglas lấy người vợ trước kia, thì mới giải thích được việc tháo nhẫn cưới. Trước khi hung thủ trốn thoát, thì Barker và bà Douglas ập vào phòng. Tên sát nhân nói với họ rằng nếu họ bị bắt, thì bí mật ghê gớm của Douglas sẽ bị đưa ra ánh sáng. Hai người buộc lòng phải để cho nó chạy trốn. Có lẽ họ đã hạ chiếc cầu xuống để cho nó chạy đi rồi lại kéo cầu lên. Tên sát nhân biết rằng đi bộ tốt hơn là dùng chiếc xe đạp, nên đã để lại chiếc xe đạp ở chỗ mà người ta khó phát hiện ra trước khi nó đã đi xa. Đến đây thì chúng ta vẫn còn ở trong phạm vi những điều có thể được, đúng không?

Tôi trả lời một cách không tin tưởng lắm:

– Tất nhiên là có thể được.

– Tiếp tục nhé, sau khi đã để cho tên sát nhân trốn thoát, hai người kia biết mình đã lâm nguy, bởi vì làm sao chứng minh được rằng họ không giết Douglas hay không phải là đồng lõa của tên sát nhân. Thế rồi họ chọn một quyết định: Barker lấy chiếc giày vải, thấm máu in vết lên thành cửa sổ để gợi ý là tên sát nhân đã trốn ra theo con đường đó. Chắc chắn họ đã để chậm nửa giờ sau khi sự việc xảy ra, rồi mới báo động.

– Làm cách nào để chứng minh được những điều đó.

– Một mình tôi ở lại đây một đêm thì sẽ có kết quả.

– Ở một mình suốt một đêm trong căn phòng xảy ra án mạng?

– Tôi đã thu xếp với bạn Ames rồi. Tôi sẽ tới ngồi ở đó, và không khí trong phòng có lẽ sẽ gợi cho tôi nhiều ý nghĩ hay. à, mà này, anh có mang theo cái ô to gộc của anh đi đấy chứ.

– Có, kia kìa.

– Thế thì xin cho tôi mượn.

– Được thôi. Nhưng … nó có phải là một vũ khí đâu.

– Không có gì nguy hiểm đâu. Bây giờ tôi chỉ còn chờ các vị đồng nghiệp chúng ta ở Tunbridge Wells về, họ lên đấy để xác minh chủ nhân của chiếc xe đạp đó.

Trời tối mịt mới thấy ông thanh tra MacDonald và White Mason trở về. Họ vui mừng ra mặt, vì họ đã tiến lên một bước khá dài.

– Chúng tôi đã xác minh được chiếc xe đạp và đã có được hình dạng của người chủ nó. – MacDonald nói.

– Tôi xin hết lòng ca ngợi nhị vị – Holmes nói.

– Cậu Ames khai là bữa trước hôm xảy ra án mạng, ông Douglas từ Tunbridge Wells về, có tỏ ra cáu kỉnh khác thường. Vậy chắc là khi ở đó, ông được biết có một mối nguy hiểm đang đe dọa mình. Như thế nếu có ai đến đây bằng xe đạp, thì người đó xuất phát từ Tunbridge Wells. Bọn tôi mang cái xe đạp đến đó cho các khách sạn xem. Chủ quán trọ “Eagle Commercial” nhận ra ngay là chiếc xe của một người Mỹ tên là Hargrave đến thuê buồng ở đó đã hai ngày rồi. Tất cả hành lý chỉ có chiếc xe đạp với một cái va ly nhỏ. Anh ta khai trong sổ đăng ký là từ London đến, nhưng không nói rõ địa chỉ.

Holmes kêu lên vui sướng:

– Hô, hô. Hai ông đã làm được một công việc hết sức tốt, trong khi tôi và ông bạn Watson cứ ngồi đây mà xây dựng hết thuyết nọ đến thuyết kia. Đấy, óc thực tiễn có lợi là như thế đó, ông MacDonald ạ.

Ông thanh tra nở mày nở mặt, vui vẻ nói:

– Vâng, ông nói đúng đó.

Tôi nói với Holmes:

– Nhưng sự phát hiện này cũng khớp với giả thiết của cậu kia mà.

– Khớp mà không khớp. Ông MacDonald, ông có tìm thấy cái gì để xác minh được người ấy không?

– Không có bất cứ một thứ giấy tờ, thư từ, giấu vết gì trên quần áo. Trên bàn của hắn, có một tấm bản đồ của vùng này. Sáng hôm qua, sau khi ăn điểm tâm xong, hắn ở khách sạn ra, lên xe đạp đi, thế là biến luôn. Không ai thấy hắn nữa.

Mason ngắt ngang:

– Đó. Chính chỗ này làm cho tôi thắc mắc đây ông Holmes ạ. Nếu tên này muốn làm cho người ta không chú ý đến hắn, thì hắn nên trở lại khách sạn và ở đấy như một người du lịch bình thường. Hắn thừa biết người chủ khách sạn phải báo cáo với cảnh sát về sự mất tích của hắn, và tất nhiên là người ta sẽ ráp sự mất tích của hắn với vụ án mạng.

– Tất nhiên rồi, nhưng cho đến bây giờ nó vẫn chưa bị bắt. Mà các ông có nắm được hình dạng của nó không?

MacDonald mở cuốn sổ tay ra:

– Tôi đã ghi được những gì người ta nói với chúng tôi đây. Hắn cao khoảng 5 feet 9, cỡ 50 tuổi, tóc hơi hoa râm, râu cũng hoa râm, mũi két; về cái bộ mặt của hắn, mọi người đều mô tả là dữ dằn và đáng ngại.

– Trời đất. Trừ cái điểm cuối cùng ra, thì phải nói là giống hệt một bức chân dung của chính Douglas. Tay này cũng khoảng hơn 50 tuổi, tóc cũng muối tiêu, râu cũng hoa râm, và cũng cao cỡ đó. Các ông có chi tiết nào khác nữa không?

– Hắn mặc bộ quần áo mầu xám rộng thùng thình, một cái áo khoác màu vàng, ngắn và đội một cái mũ mềm.

– Còn về khẩu súng?

– Một khẩu súng dài có 2 feet có thể xếp được hoàn toàn trong chiếc va ly, và giấu dưới áo khoác.

– Thế bây giờ các ông định ráp những tin tức mới này vào khung cảnh của vụ án như thế nào?

MacDonald trả lời:

– Hiện nay, chúng ta chỉ mới biết có một người Mỹ, tên là Hargrave, ngày hôm kia đến Tunbridge Wells với một chiếc xe đạp và một cái valy. Trong valy có một khẩu súng săn cưa nòng. Sáng hôm qua, hắn đi xe đạp tới làng Birslstone và đã giấu khẩu súng dưới áo khoác. Theo chỗ chúng ta biết, thì không ai trông thấy hắn đến đây. Nhưng hắn cũng không cần đi qua làng vẫn có thể đến được trước cổng sắt của lâu đài. Con đường hắn đi cũng có nhiều người cỡi xe đạp như hắn. Tôi đoán rằng, hắn đã giấu ngay chiếc xe đạp trong những bụi cây trúc đào. Bản thân hắn cũng nấp ở đó để rình ông Douglas ở lâu đài. ở trong nhà thì khẩu súng săn đúng là bất lợi, nhưng ở ngoài trời thì nó có hai ưu điểm rõ ràng: trước hết nó giết người được một cách chắc chắn, sau nữa sẽ không có ai để ý đến tiếng nổ, trong một vùng nông thôn có nhiều người đi săn.

– Rất rõ ràng. – Holmes nói.

– Nhưng ông Douglas lại không ra khỏi lâu đài. Vậy thì tên sát nhân có thể làm gì được bây giờ? Hắn bỏ chiếc xe đạp ở đó và chờ sẩm tối mới lần mò vào gần lâu đài. Hắn thấy cây cầu rút vẫn còn hạ xuống mà xung quanh thì vắng vẻ cả. Hắn liều đi vào, và chắc là có chuẩn bị trước một lý do gì đó để xin lỗi nếu có gặp người ở trong nhà. Hắn không gặp ai cả. Hắn lẻn vào cái phòng gần nhất và trốn sau bức rèm cửa. ở đó, hắn trông thấy cây cầu được rút lên, và hắn hiểu rằng sẽ phải lội qua hào để trốn ra. Hắn đợi đến 11 giờ 15. Đến giờ này, ông Douglas bước vào buồng. Hắn giết ông ta và chạy trốn. Hắn biết rằng chiếc xe đạp của hắn có thể bị những người trong khách sạn nhận ra được, vì thế hắn đã bỏ nó lại, và dùng một phương tiện giao thông khác để trở về London.

– Rất rõ ràng. Nhưng tôi lại tin là án mạng đã xảy ra nửa giờ sớm hơn là người ta đã nói với chúng ta. Rằng bà Douglas và ông Barker đã cùng nhau che giấu một cái gì đó, đã giúp đỡ cho tên sát nhân trốn thoát, đã tạo ra những dấu vết để làm cho người ta tưởng là nó đã trốn qua đường cửa sổ, và có nhiều khả năng là họ đã hạ cây cầu rút xuống cho nó trốn.

Hai nhà thám tử của nhà nước gật gù. ông thanh tra MacDonald nói:

– Nếu cách nhìn của ông mà đúng, thì chúng ta chỉ chuyển từ một bí mật này sang một bí mật khác thôi.

White Mason bổ sung:

– Nhưng về một số mặt nào đó thì lại vấp phải một bí mật gay go hơn nữa. Bà Douglas chưa hề sang Mỹ. Vậy thì bà có thể liên hệ như thế nào với một tên sát nhân người Mỹ?

– Tôi công nhận là có rất nhiều khó khăn. Tôi dự tính tối nay sẽ tiến hành cuộc điều tra theo cách riêng của tôi.

– Chúng tôi có thể giúp ông được không, ông Holmes?

– Không. Chỉ cần bóng tối và chiếc ô của bác sỹ Watson thôi, ông Ames sẽ giúp tôi một vài điều.

Khi Holmess trở về phòng trọ, thì đêm đã khuya lắm rồi. Lúc Holmes mở cửa vào phòng, tôi hỏi nhỏ:

– Thế nào Holmes, có thấy gì không?

Holmes cầm một ngọn nến, cúi xuống thì thầm vào tai tôi:

– Anh có sợ khi phải ngủ chung phòng với một thằng điên không?

– Không.

– Ồ, thế thì hạnh phúc cho anh đó.

Thế rồi không nói thêm một lời nào nữa, anh ta chui vào chăn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN