Thung Lũng Ma - Full
Chương 6 - Lạc Giữa Rừng Mơ:
Phía nam Đà Lạt, trên đường đi đèo Ngoạn Mục, chùa Sư Nữ chênh vênh trên sườn đồi.
Người thiếu phụ tạ từ sư bà, trở gót. Cánh cửa tam quan sơn mầu son vừa khép lại sau lưng. Chiều xuống. Ánh nắng vàng chỉ còn đọng trên một phần những bậc xi măng mầu xám ở trên này. Phần dưới kia đã mờ tối. Lối xuống nhỏ lại dần tới tận chân đồi.
Người đàn bà còn trẻ. Đôi má mịn màng hây hây, làn da đẹp nổi tiếng của các kiều nữ Đà Lạt. Đôi mắt đen láy, thực buồn. Nàng đang có tâm sự. Cửa Phật là nơi nàng thổ lộ tâm tình. Là nơi bấu víu cuối cùng của cuộc đời. Cầu xin Trời Phật độ cho chồng con, cho thân phận côi cút còn kẹt lại ở quê nhà.
Nàng thực bơ vơ giữa nơi quê hương mà lòng như một sa mạc quạnh hiu. Dưới kia, trại Hầm sương chiều giăng mắc. Từ đây nhìn xuống, thung lũng mận mơ trắng xóa hoa xuân. Mấy mái nhà ngói đỏ ẩn hiện trong lùm cây xanh đậm màu. Nhà nàng nhỏ xíu, ở xa tít bìa rừng phía đông. Trong đó, giờ này chẳng còn ai. Chồng xa từ lâu. Hai đứa con đã gửi đi chui. Nàng cũng đang sửa soạn cho một chuyến liều mạng. Rừng mận nhà nàng thì đành bỏ lại.
Tiếng thở dài nhẹ nhẹ vang lên trong chiều vắng. Người thiếu phụ khẽ đến những bước chân lơ đãng, bỏ dần sau lưng 138 bậc thềm xi măng. Trời lạnh sương mù tạt qua trước mặt, con đường đất đỏ vắng ngắt. Những gốc mận dại mọc hoang hai bên đường nở đầy hoa trắng như tuyết pha. Nàng ngậm ngùi nhớ lại những ngày thơ mộng xa xưa. Đôi mắt người đẹp đất Đà Lạt trăng mơ. Tất cả rồi cũng đã qua đi như một giấc mộng. Nhưng kỷ niệm êm đềm sẽ muôn đời không phai. Nàng thương từ ngọn cây, cọng cỏ, từ đại lộ phố thị cho tới con đường viền cỏ xanh dẫn vào rừng cây trái. Người chồng thương yêu trao thân gửi phận. Một thời hoa bướm nhân tình. Thành phố của tình yêu, của trăng, của hoa, của đồi thông bốn mùa xanh ngắt, của hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, những ngọn thác ân tình. Nay mai, một chuyến đi vô cùng nguy hiểm lênh đênh, mong tới một chân trời xum họp. Nàng hồi hộp, lo sợ. Tương lai mịt mờ và đầy bất trắc.
Bỗng có tiếng cười khan ở đàng trước mặt. Nàng nhìn lên. Một bóng áo vàng ngạo nghễ chặn ngang đường. Nàng run sợ. Nó đã theo mình từ lúc nào. Tên công an ở đồn phía trên chùa Sư Nữ. Thằng đàn ông đểu giả đã bám nàng mấy lúc gần đây.
Con đường độc đạo khiến nàng không lối thoát. Bối rối. Sợ hãi tột cùng. Đường quá vắng vẻ. Thực ác. Định mệnh thực ác.
Nàng ngừng lại. Rồi lùi. Hắn tiến đến mau như chớp. Hai tay giang ra chụp bắt. Nàng chống cự mãnh liệt nhưng không thoát. Ú ớ rồi la lớn lên thất thanh. Tiếng vang vọng tới cuối rừng mận mơ, nhưng không một lời đáp ứng! Hắn biết điều đó rất rõ. Không một ngần ngại. Làm tới. Nàng vùng vẫy, van lơn. Mặc! Không xong rồi. Ngàn năm một thủa. Con hùm đói đã vồ được mồi ngon. Không thể kìm hãm. Vào bụi rậm ven đường. Cần gì phải vào bụi bờ vì có làm ngay trên mặt lộ cũng chẳng ai thấy. Nhưng hắn vẫn lôi nàng vào bụi rậm. Những mảnh quần, áo xé vội. Mặc nàng la hét. Làn da trắng phau lung linh trước mặt. Nàng kiệt sức, rồi, thế là xong một đời, cấu, cắn, la, cuối cùng cũng xong. Nàng hét lên lúc bừng tỉnh cơn hãi hùng:
– Tao sẽ tố cáo mày lên Huyện ủy. Tao sẽ tố cáo mày. Thằng quỷ.
Thằng quỷ cười hềnh hệch. Rồi tiếng cười chợt tắt. Đôi mắt quắc lên, gân máu mắt đỏ lòm, răng nhe, hàm bạnh ra, hai bàn tay gồng lên xiết chặt. Nàng thoáng thấy việc chẳng lành, nhưng đã muộn! Cổ nghẹt. Mắt trợn ngược, những giọt nước mắt đớn đau, tủi nhục đổ như suối trên má, tắc nghẽn, êm xuôi…
Tên công an vất cái xác lõa lồ vào rừng sâu. Hắn đã giết hàng trăm mạng, chứ đâu phải đây là lần đầu! Thản nhiên sửa lại áo quần, bỏ đi về đồn công an.
Trên kia, chùa Sư Nữ mầu đỏ chót, vắng hoe!
Thung Lũng Hoa Vàng
Trong thời gian đó, tại San Jose, tiểu bang California, người chồng đã có vợ khác từ bao giờ! Đầu mùa xuân, hai đứa nhỏ được đón sang Mỹ từ một trại tỵ nạn ở Thái Lan. Con Hiền mới lên chín, thằng Vũ em nó mới bảy tuổi đầu. Gầy còm, đen đủi, ngớ ngẩn đến tội nghiệp. Chúng chẳng biết đây là đâu. Chúng chẳng biết đã rời xa quê hương hàng nửa vòng trái đất.
Người cha dạy hai con gọi người vợ mình bằng Mẹ. Hai đứa trẻ trố mắt nhìn nhau ngần ngại. Thằng Vũ phụng phịu:
– Mẹ ở Đà Lạt. Mẹ bảo Tết sẽ đón chúng con về mà.
Mắt người đàn bà lay động. Sắc mặt đổi khác. Con Hiền thoáng thấy có gì khác lạ:
– Mày đừng cãi bố. Chào mẹ đi.
Hai đứa khoanh tay cúi đầu trước người mẹ xa lạ, nhưng cũng không đủ làm cho mặt cô ta tươi lại.
Buổi tối, hai vợ chồng ngồi bàn chuyện hai đứa nhỏ.
– Mai anh đi xin cho chúng nó vào trường. Trưa về, tìm babysitter gửi…
Người vợ sẽ thở dài, gạt đi:
– Thôi, thư thả. Quanh đây không có babysitter. Chúng nó mới tới, để ở nhà ít lâu đã rồi hãy hay. Lớn rồi, chúng cũng biết tự lo lấy mọi chuyện.
Căn nhà ba phòng ngủ trước đây vắng vẻ, nay rộn lên tiếng cười đùa của hai đứa nhỏ. Vợ chồng bỏ ra đi từ rất sớm trước khi chúng nó thức dậy. Theo lời bố dặn, con Hiền và thằng em tự lo bữa ăn với các thực phẩm đã mua sẵn, để trong tủ lạnh.
– Mày ăn hột gà không? Nhiều quá.
Mỗi đứa ăn một chiếc trứng gà với bánh san-uýt. Thằng Vũ muốn ăn thêm, nhưng con Hiền gạt đi:
– Ồ, không được, năm chục đồng một chiếc hột gà đấy mày.
Thằng nhỏ tiu nghỉu. Trong tủ lạnh đầy thịt, nhất là thịt gà. Hồi còn ở nhà, chỉ có ngày giỗ chạp hay Tết nhất chúng mới được ăn thịt gà, còn thì là rau muống với cơm độn khoai.
– Mày có biết đây là đâu không?
Thằng Vũ hỏi con Hiền. Con chị ngẩn ra một chập, rồi nói bừa:
– Tao cũng không biết. Hồi ở trong trại, cứ thấy nói đi… Mỹ. Mỹ Tho chứ gì…
Thằng Vũ nhớ ra điều gì, cướp lời:
– Còn đi Tây… là Tây Ninh chứ gì.
Con Hiền cười:
– Có người phải đi Phi… chắc là phi trường Tân Sơn Nhứt, mày nhỉ?
Chúng nó ở trong trại không lâu, nên cũng không biết được gì hơn. Con Hiền nằm xoài trên thảm phòng familyroom:
– Mặc kệ, đâu cũng được. Nhưng sao ở đây coi mòi sướng hơn ở Sài Gòn nhiều.
Nhưng bỗng nó nhỏm dậy, la lên:
– Không, chắc đây là nơi nào thực xa, thực xa nhà mình. Lúc vượt biên, họ nhốt mình dưới hầm tầu mấy ngày, chắc là trại tỵ nạn cũng xa nhà lắm, rồi máy bay bay mấy ngày nữa… Đây chắc là Mỹ…
– Mỹ là gì?
– Mỹ là Mỹ đó.
– Tết mình có về Đà Lạt được không?
– Chắc không.
– Mẹ mong lắm. Tao nhớ mẹ quá.
Hai đứa lại ăn. Cứ bánh mì với trứng gà mà đớp. Chúng thấy mấy trái nho ủng trong tủ lạnh mừng như bắt được vàng, ăn ngấu nghiến.
Mấy ngày sau, hai đứa bị bà vợ của bố gọi ra chỉnh cho một trận nên thân:
– Tụi bay hư quá. Ăn uống dề dãi, phá phách nhà cửa, giường nệm lôi thôi…
Hai đứa dơm dớm nước mắt.
Ngày hôm sau, chị em tiu nghỉu, nằm khàn. Mỗi đứa được phát cho một thỏi “kẹo cao su”, hai chị em chia nhau nhai trọn ngày.
Thằng Vũ chống tay dưới cằm, than:
– Buồn bỏ bà…
– Tao cũng vậy. Nhớ bà, nhớ mẹ quá!
Thằng Vũ ngồi dậy:
– Hiền, mà kể chuyện Phạm Công-Cúc Hoa đi…
– Kể hàng chục lần rồi…
Thằng Vũ cau mày:
– Tao thấy bố giống ông Phạm Công, bà ấy giống mụ dì ghẻ… còn tao giống thằng Tiến Lực, mày giống con Nghi Xuân.
Con Hiền phản đối:
– Mày nói bậy, mẹ đã chết đâu mà có dì ghẻ?
– Ừa.
Thằng Vũ lại nằm ềnh ra sàn nhà lim dim ngủ. Bỗng nó gãi đầu như điên. Con Hiền đến bên nó bảo:
– Mày đưa đầu tao xem có chí không. Mấy hôm trước ở trong trại, tao chải đầu cho mày thấy chí rụng như sung.
Thằng Vũ lùi ra xa, gạt đi:
– Tao tắm xà bông rồi mà.
Con Hiền vẫn lết tới, vạch tóc thằng em:
– Chưa chắc hết. Ở dơ, bả lại chửi cho.
Thằng Vũ nghe con chị dọa, đành nằm im. Con Hiền lôi đầu thằng em tới gần cửa patio, vạch tóc tìm chí. Nó bắt được liên tiếp mấy con, trách em:
– Mày ở dơ quá. Phải siêng tắm không chết đòn đấy.
Thằng Vũ cười trừ:
– Mày bắt chắc cũng còn sót. Mẹ mà ở đây thì không còn một mống.
Con Hiền buồn rầu hỏi:
– Mày còn nhớ đoạn con Nghi Xuân và thằng Tiến Lực bị dì ghẻ đánh, đang đêm, chúng chạy ra tha ma, mẹ chúng hiện lên bắt chí cho chúng nó không?
– Ừa, mẹ chúng nó bắt chí tới sáng, mãi tới lúc gà gáy rồi mới biến đi, đúng không?
– Ừa, mày nhớ khá lắm. Tụi nó còn sướng hơn mình, mày nhỉ. Mình mà bị bả đánh đòn là cứ chịu chết thôi. Mẹ ở Đà Lạt làm sao tới đây cứu mình!
Thằng Vũ bỗng vùng dậy, nói:
– Nếu mẹ mình cũng chết rồi thì mẹ có thể đến đây với mình được, phải không mày?
Con Hiền rùng mình, la em:
– Mày nói bậy. Làm sao mẹ chết được. Tết đến, vườn nhà mình nở đầy hoa đào, hoa mận, hoa mơ là mẹ đón mình về…
Hôm chủ nhật, trời bỗng ấm áp. Bố dẫn hai đứa đi bộ tới thăm một người bạn cách nhà không xa. Hai đứa lần đầu tiên được ra ngoài. Con đường nhựa chạy dài, thẳng tắp lên dẫy núi trước mặt. Căn nhà đến chơi ở cuối dẫy, mái ngói đỏ chót, lưng quay ra một vườn mơ, trắng xóa những hoa.
Con Hiền khẽ nói với thằng Vũ:
– Giống vườn nhà mình nhỉ.
– Ừa, hôm nào mình xin ra đây chơi đi. Chắc khoái lắm. Đâu có xa, đi bộ một chút xíu.
Bố chúng nhìn hai đứa nói:
– Ừ, giống nhà mình. Để hôm nào ấm áp, bố dẫn tụi bay ra đó chơi.
Con Hiền reo lên:
– Bố nhớ nhá. Ở nhà mẹ và tụi con ra vườn làm cỏ hoài.
Người đàn ông bỗng cảm thấy xót xa, nên vội lảng sang chuyện khác:
– Thôi lẹ chân lên, còn về ăn cơm.
Những ngày sau đó, hai đứa hết chuyện, nằm quay lơ ra ngủ suốt ngày. Thực buồn tẻ.
Có hôm, thằng Vũ nhớ tới rừng mơ, nhắc con Hiền:
– Mình ra rừng mơ chơi đi.
Con Hiền gạt đi:
– Sợ bả biết lại chết đòn.
Thằng Vũ im một lúc rồi lắc đầu:
– Bả làm sao mà biết được.
– Nhưng tao đâu biết lối đi.
– Khó gì. Ra ngoài này, quẹo trái, rồi lại quẹo trái nữa là tới lộ. Đi thẳng một giấc là tới rừng mơ liền à.
Con Hiền vẫn ngần ngại:
– Đông xe thấy mồ…
– Mày nhát như cáy.
Thằng Vũ nói xong chán ngán bỏ đi.
Hai hôm sau, vào buổi trưa, thằng Vũ lại nhắc tới vụ ra rừng mơ. Con Hiền bị mê hoặc, lén cùng em mở cửa ra ngoài. Hai đứa đi một chập, nhưng đường xa hơn chúng nó tưởng. Lại sợ bà vợ của bố bắt gặp, dù biết bà ấy còn đang đi làm. Vì thế, khi đến nơi, chúng chỉ dám đứng bên ngoài ngó lơ vào vườn đầy hoa trắng phớt hồng rồi vội bỏ về một cách thèm thuồng.
Nhưng không may cho hai chị em đã bị bà vợ của bố bắt gặp khi về ngang chợ 7 – Eleven, cách nhà không bao xa. Bà ta đón chúng ngay ở cửa vào nhà. Hai đứa tá hỏa tam tinh vì mấy cái bạt tai:
– Ai cho phép tụi bay ra ngoài chơi? Ra kia quỳ gối cho tao coi. Cái đồ mắc dịch.
Bà ta chỉ còn đủ hơi nói được một câu đó, rồi mệt lử, chạy vội ra bồn rửa chén nôn ọe thốc tháo.
Hai chị em lấm lét nhìn nhau, rồi ra hiệu đưa nhau ra quỳ gối ở cuối familyroom.
Bà vợ bố đã bỏ vào phòng nằm. Quỳ hàng giờ cũng không thấy bà ấy ra để tha tội. Chắc bà ta ngủ quên rồi. Hai chị em mới đánh bạo lết lại gần nhau, xì xèo:
– Mày đau không Hiền?
– Còn mày?
– Tao không đau mấy. Nhưng chưa bao giờ thấy mẹ đánh tụi mình như vậy…
– Đã hẳn… vì bả đâu có đẻ ra tụi mình.
– Hôm nay sao bả về sớm vậy?
– Chắc bịnh. Mày không thấy bả ói ở bồn chén à?
Thằng Vũ gãi đầu sồn sột. Con Hiền nhìn em:
– Chắc đầu mày chưa hết chí đâu.
Hai đứa quỳ cho đến lúc bố về. Nhưng bố không để ý tới tụi nó, tất tả chạy vào buồng với cô vợ trẻ. Có tiếng khóc, tiếng nói chuyện thì thầm vọng ra. Một lúc sau bố mới ra đến chỗ tụi chúng quỳ, mặt thoáng giận, nhưng cũng chỉ mắng nhẹ:
– Hai đứa bay hư lắm, dám lén ra ngoài chơi. Tụi bay mua gì ở ngoài đó?
Thằng Vũ oan ức, khóc:
– Tụi con đâu có đi chợ… tụi con ra…
Nó chợt nghĩ ra rừng mơ còn quá xa hơn chợ số 7 nữa, nên nín luôn.
Bố giận thêm vì coi bộ hai đứa nói dối:
– Đi đâu? Chúng mày làm mẹ mệt. Mẹ đau vì sắp có em bé, biết chưa?
Hai đứa đâu biết gì chứ, nên không trả lời. Bỗng từ trong phòng, có tiếng gọi lớn:
– Anh.
Bố vội vã bỏ chúng đi vào buồng trong. Có tiếng bả nói:
– Đúng tụi nó ra chợ rồi… em mất năm đồng đây này… Cái ví để ở đây tối qua… đích thị mấy đứa mất dậy đó ăn cắp.
– Thực không?
– Lại không thực. Anh tin sao được chúng nó. Ở bên đó, người ta chỉ dậy chúng ăn gian nói dối, ăn cắp ăn nảy thôi à… Anh không biết sao?
– Thôi được, để anh dậy chúng nó. Em nằm nghỉ đi…
Có tiếng thở dốc… Bố ra, mặt hầm hầm:
– Đứa nào ăn cắp tiền của mẹ?
Nguy to. Hai chị em tranh nhau nói như hai cái máy:
– Lạy bố, con không lấy…
– Con cũng không lấy…
Bố không tin, quắc mắt:
– Ai dậy tụi mày ăn cắp?
– Lạy bố, chúng con không lấy thực mà…
Con Hiền khóc nức, tủi thân, nói:
– Bố không tin tụi con, bố khám đi…
– Tao phải đánh.
Hai đứa khóc, nhẫn nhục nằm úp xuống sàn nhà để nhận đòn.
Cả buổi tối hôm đó, bố và bà vợ ở luôn trong phòng. Hai chị em đói meo.
Trong Rừng Mơ
Tôi gặp người đàn ông trong rừng mơ vào một đêm đi hái trộm trái cây.
Dưới ánh trăng suông, bóng anh thấp thoáng khi ẩn khi hiện ở mãi tận cuối khu rừng, gần chân đồi.
Lúc đầu, tôi tưởng là người coi vườn đã vội vàng tìm chỗ tránh. Nhưng sau đó, thấy anh cứ đi thơ thẩn hết chỗ này đến chỗ khác, mắt dáo dác như tìm kiếm ai. Sau cùng, thấy anh cất tiếng gọi:
– Hiền, Vũ… tụi con ở đâu? Bố đây…
À thì ra anh cũng đồng cảnh ngộ… dẫn con đi hái trộm trái cây, nhưng chắc đã lạc nhau. Tôi đến bên làm anh giật mình. Tôi lên tiếng trước để anh biết là “đồng chí” mà yên tâm:
– Tôi đây. Anh bạn hái được nhiều chưa? Lạc bầy nhỏ hả?
Anh ngơ ngác hỏi ngay:
– Ông… ông có thấy hai đứa con tôi ở trong này không?
Vợ tôi đứng sau lưng tôi trả lời:
– Không. Chúng tôi không gặp các cháu. Lạc lâu chưa?
Anh nhìn mông lung:
– Lâu rồi… Mấy tháng nay rồi!
Thực ngạc nhiên… Tôi cũng đã tính ra về, nên nói:
– Ta phải nhờ cảnh sát kiếm mới được, anh ạ. Chúng ta về thôi. À mà xe anh đậu ở đâu?
– Tôi không có xe.
– Vậy chúng tôi đưa anh về.
Người đàn ông bước đi đờ đẫn. Chúng tôi cũng thông cảm được tình cảnh của anh lúc này.
Ra tới chỗ đậu xe, tôi nói:
– Nhà anh ở đâu, tôi xin đưa anh về?
– Nhà tôi… Anh cho tôi về với… Biết đâu anh chị giúp tôi tìm được các cháu.
Chúng tôi đồng ý.
Trong phòng khách, bên tách cà phê nóng, người đàn ông như lấy lại được phần nào bình tĩnh, nên thong thả kể lại câu chuyện thương tâm của mình, chuyện hai đứa con mất tích từ mấy tháng nay khiến anh mất ăn mất ngủ vì thương nhớ.
Nhà tôi an ủi:
– Chắc các cháu cũng không sao đâu. Cảnh sát ở đây họ tài lắm… không lâu họ sẽ tìm ra các cháu đưa về cho anh. Yên tâm đi…
Anh lắc đầu thất vọng:
– Ngày nào tôi cũng phôn cho chúng nó… nhưng vẫn chẳng có tin tức gì…
Tôi chợt hỏi:
– Nhưng sao anh lại vào tận rừng mơ tìm các cháu trong những đêm hôm khuya khoắt như thế này?
Anh mơ màng, rồi như lưỡng lự không muốn nói một điều gì… Nhưng chập sau, anh lại mang chuyện hai đứa nhỏ ra kể lể. Với một giọng đầy xúc động, anh tiếp:
– Hôm khám phá ra hai đứa mất tích, tôi đã nghi chúng giận vợ tôi rồi bỏ nhà đi. Nhưng điều làm tôi sợ hãi là bức thư này của con Hiền để lại.
Anh vừa nói, vừa móc ví lấy ra một tấm giấy nhỏ, nhầu nát trao cho tôi. Dưới ngọn đèn đêm hiện lên nét chữ khá cứng cáp của con nhỏ, nhưng đã bị mờ vì đọc đi đọc lại nhiều lần: “Thưa bố, con và thằng Vũ đã gặp mẹ đêm qua ở trong rừng mơ. Chúng con đi theo mẹ đây, vì đầu thằng Vũ nhiều chí lắm, chỉ có mẹ mới bắt hết được thôi…”
Anh nói như để giải thích thêm về hành động của mình:
– Có người Mỹ ở kế bên rừng mơ nói với tôi là một đêm trăng, ông ta nghe thấy tiếng trẻ con nô dỡn ở trong đó… chúng nói thứ tiếng gì mà ông ta nghe không hiểu.
Tôi trả lại anh lá thư, lắc đầu, khẽ cười, nói:
– Cũng lạ, nhưng chị còn ở Đà Lạt cơ mà…?
Tôi bỗng thấy người đàn ông như lả đi, mắt thất thần, miệng thì thào:
– Không… tôi nhận được thư từ Việt Nam gửi qua nói nhà tôi đã bị nạn… chết rồi…!!!
Vợ tôi ngồi bên cạnh tôi khẽ rùng mình, bóp mạnh tay tôi khi nghe câu nói cuối cùng của người đàn ông.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!