Tia Nắng Cuối Đường - Phần 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
2226


Tia Nắng Cuối Đường


Phần 14


– Mời ngồi!
Tiếng Thịnh cất lên, lạnh nhạt mà lịch sự với tôi như đối với những người nhà bệnh nhân. Ánh mắt anh nhìn tôi xa lạ như thể tôi và anh chưa từng quen nhau. Dù ngàn vạn lần tôi đã cho rằng anh thật sự biến mất khỏi cuộc đời tôi, dù chưa từng tưởng tượng ra tôi và anh có thể gặp nhau, lại gặp nhau ở nơi này nhưng tiếng Thịnh cũng kéo tôi về thực tại. Một câu nói khách sáo bỗng dưng lại khiến tôi bình tĩnh hơn đôi chút. Tôi ngồi xuống ghế hai tay vô thức đan vào nhau nặng nhọc mãi mới nói được ra mấy chữ:
– Chào bác sĩ, tôi là mẹ của bé Trần An Bình ạ.
Khi nói ra câu đó tôi cũng cảm thấy trong lòng mình có chút trống rỗng. Mối quan hệ của tôi và anh sau hơn hai năm gặp lại lại là mối quan hệ giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Ánh mắt Thịnh chợt dừng lại ở hai bàn tay tôi, bàn tay tôi đầy những vết chai sạn, móng tay đầy những vết xước, chẳng bóng mượt đẹp đẽ như tay của những cô gái khác. Thấy anh nhìn như vậy tôi có chút xấu hổ rụt tay lại đặt xuống dưới đùi. Anh cũng hướng ánh mắt mình nhìn đi nơi khác rồi nói:
– Cô giáo của bé An Bình có nói bé đang chơi đùa với bạn chẳng may bị ngã nên chảy máu cam. Sau khi chụp chiếu kiểm tra thì không phát hiện tổn thương gì nghiêm trọng. Bé có thường xuyên chảy máu cam không ạ?
– Đây là lần đầu tiên ạ.
– Trẻ con chảy máu cam cũng có rất nhiều nguyên nhân, có thể do bé nóng trong, thiếu vitamine, cũng có thể liên quan đến một số bệnh về máu. Giờ cũng muộn rồi nên tôi cũng chưa cho bé làm các xét nghiệm chuyên sâu. Thế này nhé, mẹ bé về theo dõi thêm xem tình trạng chảy máu cam của bé có thường xuyên không, nếu như phát hiện bé thường xuyên chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc có những vết bầm tím hay có bất cứ bất thường nào trên cơ thể thì mang bé đến viện để làm những xét nghiệm chuyên sâu.
– Vâng ạ.
– Được rồi, giờ bé có thể về được rồi.
Bao nhiêu năm rồi giọng anh vẫn điềm tĩnh ôn hoà như vậy. Có lẽ anh đã thật sự không còn nhớ nổi ra tôi là ai… hoặc anh đã không còn muốn nhớ. Tôi từ từ đứng dậy đi về phía Bình bế thốc con lên. Vì vẫn còn bệnh nhân nên tôi chỉ chào một câu rồi đi ra ngoài. Mặt anh không có chút cảm xúc nào, nếu là hai năm trước tôi còn có thể nhìn ra sự tuyệt vọng trong đôi mắt ấy, thế nhưng giờ đây, đến ngay cả một cái liếc mắt anh cũng không buồn dành cho tôi. Hai năm trước là tôi tự tay triệt để huỷ hoại tất cả mọi sự mộng tưởng. Là tôi đã nói với anh tôi ngủ với rất nhiều đàn ông, là tôi đã nói đứa bé này là con của tôi và người đàn ông khác, là tôi đã dùng nó đòi anh năm mươi triệu. Thế nên giờ đây anh dành ánh mắt không cảm xúc kia nhìn tôi cớ gì tôi lại thấy lòng buồn vô hạn. Thế chẳng phải rất tốt sao?
Tôi cố an ủi mình như vậy rồi bế Bình đi ra ngoài. Cái Hiền vẫn đang chờ tôi ở ngoài, nhìn thấy tôi nó liền hỏi:
– Bình… bị sao thế? Có chuyện gì sao?
– Bác sĩ bảo chụp chiếu thì không có tổn thương gì, về nhà theo dõi thêm, nếu còn thường xuyên chảy máu cam thì phải đi khám luôn.
– Ừ, chắc không sao đâu, bọn trẻ con nhiều khi nóng bức cũng sinh ra chảy máu cam đó. Đừng rầu rĩ như thế, chắc không có vấn đề gì đâu.
Nghe cái Hiền nói tôi mới phát hiện ra hoá ra tôi đang mang cái bộ mặt rầu rĩ từ nãy tới giờ. Từ lúc gặp Thịnh tôi bỗng như kẻ mất hồn, cuối cùng phải gượng cười nói:
– À, chắc tại lo lắng quá nên thế. Giờ cũng muộn rồi, hay qua phòng trọ tao ăn cơm đi.
Cái Hiền nghe vậy liền đáp:
– Hôm nay thì không được rồi, hôm nay tao có hẹn mất rồi. Để cuối tuần nhé, có số điện thoại rồi lúc nào gọi tao qua. Thôi hai mẹ con về đi đã.
Thấy nó nói vậy tôi cũng không ép nữa mà bế Bình ra bắt xe bus về nhà. Thằng bé hình như vẫn còn có chút mệt mỏi dựa đầu vào lòng tôi ngủ ngon lành. Nắng chiếu qua cửa kính, tôi đưa tay lên che ánh sáng trong lòng đầy những ưu tư.
Tôi đưa tay còn lại vô thức chạm xuống da thịt Bình. Hai năm trước tôi đã vô tình đem chút tàn tro còn sót lại thổi bay hết, gặp lại đã còn gì mà lưu luyến nhớ nhung? Anh là ai? Tôi là ai? Anh là bác sĩ thanh cao, giỏi giang, còn tôi đến ngay cả là một người tầm thường cũng không thể. Tôi chỉ là kẻ bần cùng, mạt hạng, lấy gì để chọn một giấc mơ đẹp đẽ?
Ánh nắng chiều đã như sắp tắt, vậy mà chút tàn dư còn sót lại chiếu lên da thịt như thiêu bỏng tôi. Cảm giác thật sự rất ngột ngạt, khó thở. Không biết hai mẹ con đã ngồi xe bus bao lâu, đến khi về nhà cũng đã tối. Bình lúc này cũng tỉnh, con ra đống đồ chơi cũ nát tôi xin được vui vẻ nghịch ngợm. Tôi nấu ăn trong bếp, nghe tiếng con cười trong lòng mới dễ chịu đôi phần. Buổi tối hôm ấy ăn cơm tắm rửa xong hai mẹ con lại lên giường đi ngủ. Thế nhưng suốt đêm ấy tôi lại không thể nào ngủ nổi. Tôi không biết vì sao tôi lại không thể ngủ, dù mệt mỏi đến mức chỉ muốn thiếp đi nhưng rồi đôi mắt vẫn trân trân nhìn lên trần nhà tối om. Đến gần sáng có lẽ vì mệt quá nên tôi mới thiếp đi.
Sáng hôm sau dậy tôi kiểm tra Bình thật kĩ, khi thấy con không chảy máu cam mới dẫn con đến trường. Thế nhưng nhìn sắc mặt con hơi xanh xao, trong lòng tôi lại thấy có chút bất an. Lúc đến trường tôi dặn cái Hiền quan sát Bình giúp tôi, nếu có gì bất thường thì gọi tôi luôn rồi mới đi làm.
Tôi đến công ty với tâm trạng vừa mệt mỏi lại vừa lo lắng. Thế nhưng trong công việc tôi không thể lấy bất cứ lý do cá nhân nào để lấp liếm nên đã đến công ty thì phải cố gắng hoàn thành công việc của mình. Vì điện thoại của tôi kết nối camera với trường mầm non của Bình nên tôi cứ để màn hình như vậy. Thi thoảng đánh máy văn bản xong tôi lại quay sang liếc nhìn. Cái Hiền với cô giáo Trang vẫn đang chời đùa với các con, trong lòng tôi cũng an tâm hơn một chút. Bình thường ở nhà tôi chưa thấy Bình chảy máu cam bao giờ, tôi cũng cố gạt đi có lẽ chỉ là dạo này thời tiết nóng bức nên con bị nóng trong mà thôi. Khi còn đang suy nghĩ miên man thì cái Hương từ đâu đến nói với tôi:
– Chị An, sếp Hưng gọi chị lên phòng đấy.
Tôi nghe cái Hương nói cũng vội cầm điện thoại rồi đi lên phòng giám đốc. Hưng đang làm việc, thấy tôi thì hơi ngẩng đầu lên nói:
– Cô ngồi đi, tôi trao đổi nhanh với cô một chút thôi.
– Vâng, có gì giám đốc cứ nói đi ạ.
– Tôi đang đề bạt cô lên làm phó phòng kinh doanh của công ty. Trong tuần sau sẽ chính thức có quyết định, tôi thông báo một chút để cô chuẩn bị.
Tôi nghe giám đốc Hưng nói tự dưng khựng lại mất mấy giây. Hơn một năm qua tôi làm việc ở đây, quả thực tôi rất cố gắng, nỗ lực, bất kể công việc gì, bất kể tăng ca, bất kể những việc trái chuyên ngành chỉ cần được giao tôi đều hoàn thành tốt nhất. Chỉ có điều dẫu là như vậy nhưng đề bạt lên làm phó phòng tôi hoàn toàn chưa từng nghĩ tới. Tôi bỗng cảm thấy hơi bối rối hỏi lại:
– Giám đốc… tại sao lại đề bạt tôi làm phó phòng? Tôi mới chỉ làm việc ở đây có hơn một năm, cả về kinh nghiệm lẫn chuyên môn đều không phải là xuất sắc nhất.
Hưng đứng dậy, gõ mấy ngón tay lên mặt bàn đáp:
– Lẽ ta tôi đề bạt cô lên làm phó phòng từ lâu rồi. Ngay từ lúc cô vào làm việc tôi đã nhận thấy khả năng của cô. Nhất là cô làm việc rất chăm chỉ, gần như không một ai ở công ty có thể làm việc chăm như cô. Có điều vì lúc ấy còn mới, tôi cũng không muốn người ta dị nghị, giờ cô làm ở đây cũng hơn một năm, gần hai năm đến nơi rồi, đề bạt lên cũng không có gì phải băn năn nữa.
Vừa gặp mẹ mấy ngày, giờ đây được đề bạt lên làm phó phòng tôi không khỏi nghi hoặc. Dường như nhận ra được sự nghi hoặc của tôi Hưng liền cười nói tiếp:
– Cô yên tâm, tôi đề bạt cô lên không dưới tác động của bất cứ ai đâu. Không tin cô có thể xem, cuối năm ngoái tôi đã từng đánh quyết định rồi nhưng lại thôi. Tôi và cô đều là những người trẻ, người ta thường không tin vào những người trẻ nhưng tôi lại có lòng tin rất lớn ở cô. Mảng văn thư hành chính cô làm rất tốt, đến cả kế toán không phải chuyên ngành của cô cô cũng hoàn thành xuất sắc, hợp đồng với đối tác cô cũng làm chỉn chu. Cô xem, cô có năng lực như vậy ai chẳng nhận ra. Việc này cũng do tôi và tổng công ty quyết định, thế nên không cần phải đắn đo làm gì. Chỉ cần cố gắng hơn nữa là được. Lên phó phòng, lương cao hơn, cô cũng sẽ có thêm thu nhập để lo cho con trai.
Đây là quyết định của tổng công ty, tôi không có quyền từ chối nên cuối cùng đành đồng ý. Ra khỏi phòng giám đốc tôi vẫn chưa tin nổi liền ra nhà vệ sinh xối nước rửa mặt cho tỉnh táo. Hơn một năm, mà không, đến nay cũng phải là gần hai năm tôi vào công ty. Quả thực ngoài việc để được gặp lại mẹ tôi đã làm việc bán mạng để cố gắng có thể có một sự nghiệp vững vàng. Thế nhưng hôm nay giám đốc gọi lên để nói quyết định để tôi làm phó phòng tôi vẫn chưa hết bất ngờ. Rửa mặt xong tôi đi vào trong nhà vệ sinh, định tranh thủ vừa đi vừa quan sát xem Bình thế nào thì chợt nghe tiếng bước chân bên ngoài. Có tiếng cái Hương cất lên:
– Tao thật sự không cam tâm. Mày nghĩ xem chị ta làm ở đây được gần hai năm, so về kinh nghiệm thua xa chị Phương. Tao cũng không hiểu vì sao anh Hưng lại nhất quyết đề bạt chị ta lên làm phó phòng.
Tiếng cái Hiên lễ tân đáp lại:
– Thế thì mày không biết rồi. Mày không nhận ra từ đầu lúc tuyển nhân sự anh Hưng đã để ý đến chị ta rồi sao? Bao nhiêu hồ sơ đẹp anh Hưng đều gạt hết nhận chị ta vào. Kể cả lúc vào làm việc, anh Hưng cũng rất ưu ái cho chị ta. Mày có thấy tao với mày xin nghỉ còn phải lý do lên lý do xuống, chị ta nghỉ ngày nào anh Hưng đồng ý ngày đó.
– Ý mày là sao? Anh Hưng thích chị ta á? Không thể nào, chị ta có con rồi.
– Có con rồi thì sao? Mẹ đơn thân thôi mà, càng là mẹ đơn thân càng nhiều ngón nghề câu dẫn trai đấy.
Tôi nghe đến đây, tự dưng trên môi nở một nụ cười. Từ lúc ra khỏi phòng giám đốc tôi đã nghĩ, tự dưng được đề bạt lên làm phó phòng kiểu gì cũng bị dị nghị. Chỉ là không ngờ lại đồn đoán thành tôi câu dẫn giám đốc. Trên đời này tôi trải qua những thứ còn kinh khủng hơn cả mấy lời dị nghị này nên không cảm thấy tức giận ngược lại còn thấy có chút nực cười. Bên ngoài cái Hương với cái Hiên vẫn đang bàn tán về việc tôi câu dẫn giám đốc Hưng thế nào. Tôi đút điện thoại vào túi, mở cửa ra, bình thản đi về phía bồn rửa tay xả nước. Từ trong gương tôi thấy vẻ mặt của cả hai đứa đều lập tức đơ lại mất mấy giây. Dường như không tin nổi tôi đã nghe được toàn bộ câu chuyện. Thế nhưng tôi không nói gì, rửa tay xong lau lại một lượt rồi mới nói:
– Hai đứa rửa tay đi rồi chuẩn bị xuống ăn cơm. Chị xuống trước đây.
Cả hai đều im bặt, không thể nói thêm một lời nào. Tôi nhìn vẻ mặt ấy hơi cười cười đi ra ngoài. Đến khi ra hẳn ngoài vẫn thấy bên trong im ắng, như thể cả hai đứa đều không còn thốt nổi ra lời nào nữa. Môi trường công sở là vậy, mà không, bất cứ môi trường nào nhiều đàn bà cũng thế, trước kia ở chỗ mụ Hoa tôi và cái Hiền cũng từng bị chơi đểu. Thế nên cái này với tôi chẳng là gì cả, mấy lời bàn tán sau lưng gần như không tác động nổi đến tâm trạng của tôi ngược lại lại khiến tôi thấy việc được lên phó phòng cũng tốt. Càng có động lực để tôi cố gắng. Buổi chiều tôi đến đón Bình, còn chưa kịp hỏi thì cái Hiền đã nói:
– Hôm nay Bình lại chảy máu cam, mới chảy lúc chiều này thôi, mà có điều tao cầm máu được rồi. Mai sáng mày xin nghỉ đưa nó đi khám xem thế nào nhé. Tự dưng hai ngày chảy máu liên tiếp cũng lo lo.
Tôi nghe cái Hiền nói tự dưng cảm giác bất an kia càng lớn. Nhìn mặt Bình mấy ngày hôm nay thật sự rất xanh xao. Cứ tưởng sau ngày hôm qua đến sáng nay con đã ổn, không ngờ đi học lại chảy máu cam nữa rồi. Tôi cúi xuống cõng con lên, trong lòng vừa sợ hãi, lại vừa xót xa. Bình thường ở nhà con chưa từng chảy máu cam. Thế nên giờ đột ngột hai ngày con chảy máu liên tục tôi lo đến phát hãi. Đến tối tôi gọi điện cho giám đốc Hưng xin mai nghỉ một ngày đưa Bình đi khám. Vì là lý do chính đáng nên Hưng cũng không từ chối mà đồng ý luôn. Đêm ấy tôi nằm ngủ cạnh con mà không sao ngủ nổi. Cảm giác bất an cứ luôn thường trực trong lòng. Con vẫn chơi vui vẻ bình thường, nhưng rõ ràng sắc mặt con đầy mệt mỏi, môi còn hơi tái lại. Tôi cứ trấn an mình rằng con sẽ không sao đâu, nhưng càng trấn an lại càng thấy tâm trạng mình tồi tệ. Tồi tệ đến mức đêm ấy tôi đã thức trắng một đêm.
Sáng hôm sau, tôi đánh thức Bình dậy, định bụng rửa mặt xong sẽ đưa con đi ăn sáng rồi mới đến viện. Thế nhưng khi hai mẹ con vừa vào nhà vệ sinh đột nhiên tôi thấy máu tươi từ trong mũi Bình ồng ộc chảy ra. Máu đỏ thấm vào chiếc khăn mặt trắng tinh tạo thành những mảng đỏ. Tôi nhìn Bình, hôm trước vừa được cô y tá dạy cách cầm máu nhưng còn chưa kịp thực hiện tôi đã thấy hai mắt Bình nhắm lại. Toàn thân con rũ ra rồi ngã xuống tay tôi.
Tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần, vừa thấy con đổ xuống hoảng loạn đến mức tưởng như trời đang sụp. Hai tay tôi run rẩy ôm con, không biết phải làm thế nào, giống như sét đánh giữa ban ngày. Suýt chút nữa tôi đã gào lên khóc, nhưng rồi trong một giây phút đã kịp lấy điện thoại gọi cứu thương. Trong lúc chờ xe đến tôi không dám nhúc nhích, sợ rằng chỉ cần mình nhúc nhích con sẽ bị làm sao. Bình nằm trên tay tôi mắt nhắm nghiền, dù nghe được hơi thở của con nhưng tôi vẫn như mình sắp không chịu nổi nữa.
Tôi không biết xe cứu thương đến lúc nào, cũng không biết mình đến bệnh viện ra sao. Cả khu cấp cứu toàn là những âm thanh hỗn độn. Tôi hoảng loạn đến mức hồn xiêu phách lạc, chẳng còn biết gì.
Mấy người bác sĩ hỏi tôi gì đó, thế nhưng tôi hoàn toàn đã không nghe được. Mãi đến khi cô y tá đập tay vào người tôi mới như bừng tỉnh. Bình nằm trên giường cứu thương, gương mặt con tái nhợt không chút sức sống được thở bằng bình oxy. Tôi nhìn con, phát hiện ra mình đã khóc từ lúc nào chẳng hay.
Một người bác sĩ đẩy Bình vào phòng cấp cứu, tôi vội vã chạy theo. Thế nhưng cánh cửa đã bị đóng lại, ngăn cách tôi và con bởi một lớp cửa vô hình. Tôi ngồi sụp xuống đất, hai tay bấu lên một chiếc áo Blouse trắng gào lên:
– Cứu con tôi. Xin bác sĩ cứu con tôi.
Nước mắt tôi chảy dọc xuống miệng mặn chát, bàn tay vẫn nắm chặt chiếc áo Blouse không buông. Mấy người y tá lao đến kéo tôi ra rồi nói:
– Chị đừng lo, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cứu bệnh nhân, chị buông ra cho bác sĩ còn đi
Thế nhưng dù có nói gì tôi cũng đã không buông nổi. Hai tay bấu chặt lên chiếc áo ấy giống như bấu lên chiếc phao giữa dòng nước mênh mông. Mấy người y tá phải dùng hết sức mới lôi tôi ra được. Tôi vẫn mặc kệ ngồi dưới nền đất lạnh lẽo khóc nấc lên. Tôi chưa từng chuẩn bị tinh thần cho tình huống này, ngay khi con nhắm nghiền mắt ngã xuống tôi như một kẻ điên loạn không biết phải làm gì.
Bên trong cánh cửa vẫn im lìm, phải một lúc sau cánh cửa mới mở ra. Một người bác sĩ cất tiếng:
– Ai là người nhà bệnh nhân?
Tôi vội vàng lao đến, người bác sĩ nhấc cặp kính lên cao rồi nói:
– Bệnh nhân tạm thời tỉnh lại, chúng tôi đã lấy máu của bệnh nhân đi làm xét nghiệm, người nhà đi làm thủ tục, bao giờ có kết quả sẽ thông báo lại.
Tôi nghe bác sĩ nói, nhưng không thở phào nổi, muốn vào gặp con nhưng bác sĩ đã ngăn lại rồi thở dài:
– Bệnh nhân mới chỉ tỉnh lại thôi, chúng tôi còn phải theo dõi thêm. Xin người nhà chờ đợi thêm.
Một phút một giây với tôi cũng như cả ngàn thế kỉ. Nhìn qua lớp kính tôi thấy gương mặt mình cũng tái nhợt, nhạt nhoà nước. Tình huống này tôi chưa từng nghĩ đến, vốn dĩ chỉ sáng nay đưa con đi khám, không ngờ lại xảy ra chuyện như vậy. Tôi đứng thất thần rất lâu mới có thể đi xuống làm thủ tục nhập viện cho Bình. Đến lúc này mới phát hiện mình không hề đeo dép, dưới chân hình như có mảnh thuỷ tinh cắm vào, máu chảy lúc nào chẳng hay. Thế nhưng tôi không còn cảm giác đau đớn, chỉ thấy người như tê liệt. Làm thủ tục xong tôi lại lên trên chờ đợi. Không biết đã bao nhiêu tiếng đồng hồ trôi qua, khi y tá đến chỗ tôi thông báo đã có kết quả xét nghiệm của Bình tôi mới như bừng tỉnh đi theo y tá sang phòng bác sĩ.
Vừa vào phòng, tôi cũng phát hiện ra bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm máu là Thịnh. Mặc dù tôi thật sự không thể đối diện với anh, mặc dù tôi rất sợ gặp anh, mỗi lần gặp đều cảm giác buồn vô hạn, lại xấu hổ, nhục nhã. Thế nhưng lúc này đây Bình đang nằm ở kia, tôi không còn màng đến sĩ diện nữa. Đây là bệnh viện gần nhà trọ của tôi nhất, thế nên tôi đã xác định kiểu gì cũng gặp Thịnh. Tôi ngồi đan hai tay vào nhau, mắt còn chưa khô những giọt lệ, yếu ớt hỏi:
– Bác sĩ, kết quả xét nghiệm máu của con tôi thế nào?
Thịnh đưa mắt lên nhìn tôi, trong ánh mắt có một tia xót xa hiện lên. Anh hơi cắn môi, giọng điềm tĩnh, ôn hoà nhưng lại có chút run run nói:
– Bệnh nhân Trần An Bình, kết quả xét nghiệm tế bào máu… chẩn đoán khả năng bệnh bạch cầu cấp dòng Lympho. Cần làm thêm xét nghiệm chọc tuỷ để có kết luận chính xác.
Tôi không hiểu thuật ngữ y học liền hỏi lại:
– Bạch cầu cấp dòng Lympho nghĩa là bệnh gì ạ?
– Một dạng của ung thư máu.
Câu nói cuối cùng của Thịnh như một đòn đả kích nghiêm trọng khiến toàn thân tôi lắc lư như sắp đổ. Một tia sét đánh thẳng vào người, tôi không chịu nổi sự đả kích ngồi sụp xuống đất. Ung thư máu! Bình mới chỉ hơn hai tuổi thôi, mới chỉ hơn hai tuổi thôi mà. Người y tá thấy tôi như vậy vội vàng đỡ tôi lên. Tôi nhìn Thịnh, đột nhiên điên cuồng lao vào anh túm lấy áo Blouse gào lên:
– Anh nói dối, anh nói dối. Không thể nào có chuyện đó được.
Thịnh để mặc tôi như vậy, hai tay tôi bấu lên bàn tay anh tạo thành những vết xước rỉ máu. Y tá sợ quá liền giữ tay tôi lại nói:
– Chị bình tĩnh, bác sĩ không bao giờ nói dối bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm tế bào máu của con trai chị có tế bào ung thư, xét nghiệm tuỷ chỉ để xem nó là ung thư dòng nào thôi.
Câu nói của y tá càng khiến tôi như rơi xuống vực. Tay Thịnh đã rỉ máu, tôi từ từ buông tay anh ra ngồi xuống đất bật khóc như mưa. Hai hàng nước mắt rơi lã chã trên mặt. Số mệnh không hề thương xót tôi như tôi đã tưởng. Tôi khóc như mưa, rồi lại đưa tay lên túm lấy áo blouse của Thịnh. Giống như sợi chỉ mong manh, sức cùng lực kiệt chỉ còn biết bám vào bất kể thứ gì trước mắt. Thịnh đỡ tôi dậy ngồi lên ghế, mấy ngón tay anh đưa ra trước mắt tôi như thể muốn lau những giọt lệ đang rơi nhưng rồi cuối cùng lại buông thõng tay nói:
– Cô bình tĩnh lại đã, dù là ung thư máu nếu ở giai đoạn đầu vẫn có thể có phương pháp để chữa, và có thể gần như chưa được khỏi nếu như đáp ứng được với phương pháp điều trị.
Tôi ngước mắt lên nhìn Thịnh, trái tim như có ai cắt ra thành trăm mảnh. Anh là bác sĩ, những lời nói kia cũng giống như những câu an ủi bệnh nhân. Đáp ứng được với phương pháp điều trị, vậy còn không đáp ứng được thì sao. Một đứa trẻ mới hơn hai tuổi, gần ba tuổi lại bị ung thư. Tôi có thể nào chịu nổi sao? Tôi khóc tu tu, khóc nấc lên mặc kệ cho mọi người đang nhìn mình. Sao ông trời lại đày đoạ một đứa trẻ vô tội như vậy? Tôi đã làm gì sai để con tôi phải chịu bao khổ đau như vậy? Càng nghĩ tôi càng thấy mình sắp không chịu nổi nữa, tim như muốn vỡ ra khỏi lồng ngực. Tôi thương con đến xé tận tâm can, như muốn thay con chịu mọi bệnh tật, khổ đau, như muốn chết luôn đi cũng được chỉ cần con mạnh khoẻ. Người y tá thấy tôi như vậy liền nói:
– Chuyện đâu còn có đó, chị giờ phải mạnh mẽ lên vì con chứ? Con chị cấp cứu ngoài kia, hay là chị ra nhìn con một chút rồi vào nghe bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị.
Nghe người y tá nói vậy, tôi cũng loạng choạng đứng dậy. Khóc đến mức không còn thở nổi, cuối cùng cũng gạt nước mắt đi về khu cấp cứu. Bình vẫn nằm trong giường, bác sĩ nói vẫn phải theo dõi thêm nên chưa thể cho người nhà vào. Tôi chỉ có thể nhìn con qua một lớp kính mỏng manh. Con nằm trên giường, thở bằng lớp mặt nạ oxy, đã dặn mình đừng khóc vậy mà khi nhìn thấy con tôi nước mắt lại lã chã rơi. Hai tay tôi bấu vào cửa, tạo thành những âm thanh rùng rợn. Khi đang khóc thì có điện thoại đến. Vừa mở máy ra mới phát hiện người gọi là mẹ tôi. Tôi cố quệt nước mắt mở máy lên. Đầu dây bên kia cất giọng quen thuộc:
– Alo, An à.
Rõ ràng tôi đã tự nhủ rằng đầu dây bên kia là mẹ mình. Rõ ràng tôi đã cố gắng để mạnh mẽ. Nhưng vừa nghe giọng mẹ gọi tôi, giống như một con chim nhỏ lạc đàn tôi đã không kìm nổi oà khóc nức nở. Chút sức lực cuối cùng yếu ớt như ngọn nến cháy sắp tàn giữa trời giông bão. Mạnh mẽ ư, tôi không làm nổi nữa rồi. Giờ đây tôi chỉ như ngọn cỏ dại hiu quạnh mỏng manh chạm vào sẽ gãy. Bao nhiêu thống khổ, tuyệt vọng, nghe giọng mẹ bỗng như vỡ oà , giống như lúc này đây tôi đã không còn phải cố gắng kiên cường nữa mà sà vào lòng mẹ vừa khóc vừa nghẹn ngào nói:
– Mẹ ơi.
Đầu dây bên kia đáp lại, giọng lo lắng tột cùng vừa run vừa bàng hoàng:
– Có chuyện gì vậy? Xảy ra chuyện gì rồi? An… có chuyện gì vậy?
Tôi khóc đến mức nghẹn lại, không nói nổi lên lời. Đầu dây bên kia giọng mẹ hỏi dồn dập:
– Có chuyện gì vậy, có chuyện gì vậy An? Rốt cuộc có chuyện gì? Được rồi, được rồi nếu không nói được có chuyện gì thì nói đi, nói con đang ở đâu?
Tôi không để ý mẹ đã đổi cách xưng hô, rời rạc, khó nhọc mới đáp lại được:
– Con đang ở viện huyết học và truyền máu Trung Ương.
Không biết đầu dây bên kia đáp lại thế nào bởi y tá lại đến tìm tôi rồi nói:
– Bác sĩ Thịnh mời chị vào phòng, muốn trao đổi với chị một chút chuyện nữa.
Tôi cố ngửa cổ lên trời, từng bước đi theo y tá vào phòng Thịnh. Thịnh vẫn ngồi ở ghế, gương mặt đầy vẻ suy tư. Thấy tôi liền đưa mắt nhìn xuống chân. Tôi cũng bất giác nhìn xuống, hoá ra máu đã chảy rất nhiều, lúc này cũng cảm thấy chân nhói đau vì mảnh thuỷ tinh cắm vào. Thịnh nhìn cô y tá rồi nói:
– Cô ra ngoài đi. Tôi có chuyện riêng muốn nói với người nhà bệnh nhân.
Cô y tá lưỡng lự, nhưng rồi vẫn ra. Thịnh kéo tôi ngồi xuống ghế rồi quay người lấy cồn và bông cúi xuống nâng chân tôi lên xử lý vết thương. Lúc này tôi không còn sức lực mà từ chối, để mặc cho anh cầm kéo nhỏ rút từng mảnh thuỷ tinh trong chân. Chân tôi không đi dép, cát vào rất nhiều, vết thương lại rất sâu, khi cồn vào rất xót. Thế nhưng tôi không phản ứng được chỉ thẫn thờ nhìn anh như kẻ mất hồn. Anh tỉ mẩn nhặt từng hạt cát trong chân tôi rồi nói:
– An, bệnh nhân ung thư máu, nếu điều trị sớm vẫn có thể sống như bình thường. Cô đừng suy sụp quá, sau khi có kết quả xét nghiệm tuỷ tôi sẽ lên phác đồ trị liệu cho bé.
Thịnh nói đến đây, bất giác tôi cũng phát hiện mình đang khóc. Nước mắt chảy nhỏ xuống dưới đầu anh, qua từng lớp tóc chầm chậm thấm vào da đầu. Những giọt nước mắt bi thương, còn cả nỗi đau đớn sâu sắc đến gần như tuyệt vọng. Tôi giống như con thú bị ép tới đường cùng, ngay chút sức lực cuối cùng để giãy giụa cũng không còn nữa. Đột nhiên tôi thấy anh hình như khựng lại, bờ vai cũng run lên. Từ trên nền đất tôi bỗng thấy từng giọt nước đang rơi xuống, từng giọt, từng giọt trong suốt như xé nát cõi lòng tôi…

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (106 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN