Tia Nắng Cuối Đường - Phần 24
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1990


Tia Nắng Cuối Đường


Phần 24


Khi mụ Hằng bị lôi đi khuất tôi vẫn đứng nguyên trong nhà. Nhìn lại ngôi nhà một lần, trên tường những giấy khen của tôi đã bị mụ ta xé vứt đi bằng sạch, tất cả mọi thứ liên quan đều bị mụ ta ném đi không thương tiếc. Bên ngoài gió thốc từng cơn, người tôi bỗng cảm thấy hơi se lạnh. Trong một giây phút tôi bỗng cảm thấy mình có chút cô đơn.

Tôi hả hê! Hả hê với những gì mụ Hằng phải nhận. Thế nhưng ban nãy khi con Ngọc ra khỏi nhà, thái độ của mẹ tôi lại khiến tôi nặng nề. Cùng nuôi con của người khác hai mươi mấy năm, một bên tình nghĩa đong đầy, một bên thù hận chất chồng.

Hôm nay là sinh nhật con Ngọc nhưng cũng là sinh nhật tôi. Thế nhưng tôi lại bỗng nhận ra dường như ngoài món qua tôi tự thưởng cho mình thì chẳng có gì cả. Có lẽ giờ này chỉ có Thịnh và Bình ở Hà Nội xa hoa diễm lệ đang chờ tôi.

Tôi ngồi trong chiếc ghế quen thuộc, nhìn ra sắc trời đêm. Trời không trăng, không sao chỉ có vài cơn gió thi thoảng thốc qua. Trước kia tôi đã từng mong trở về đây biết bao, cũng đã chờ mong đến giây phút này. Vào đêm hôm đó, vào ngày cái Hiền bị hãm hiếp, tôi đã tự thề với lòng sẽ tự tay đoạt lại mọi thứ. Chỉ là khi đã trả thù xong, đã hả hê từng giây phút, giờ đây trong lòng lại trào lên cảm giác cô đơn lẻ loi. Giống như ở thành phố này dường như chẳng còn ai cần tôi nữa. Mẹ… hình như cũng không cần tôi nữa rồi. Tôi có rất nhiều mâu thuẫn trong lòng, rõ ràng gặp lại mẹ, rõ ràng cảm nhận được mẹ cũng thương tôi. Thế nhưng sao chỉ một khoảnh khắc vừa rồi tôi lại dường như mình bị một tảng đá đè nặng. Tôi không muốn ghen tị, càng không muốn so sánh. Nhưng bản thân tôi lại đang thừa nhận tôi ghen tị với con Ngọc. Ghen tị vì suốt hai mươi mấy năm nay mẹ tận tâm yêu thương nó mà lẽ ra tình yêu đó phải dành cho tôi. Dẫu biết rằng mọi sự so sánh thật khập khiễng! Thế nhưng tôi lại tự hỏi trong lòng, rốt cuộc mẹ thương ai hơn?

Không ai có thể trả lời tôi. Ngay cả bản thân tôi cũng không trả lời nổi. Mười một rưỡi đêm. Tiếng đồng hồ tích tắc nhích qua từng giây. Tôi đứng dậy, nhìn sắc đêm lạnh lẽo rồi nói với anh Nam:

– Anh Nam. Em muốn về Hà Nội.
– Được. Vậy tôi đưa cô về.

Có lẽ tôi cũng nên trở về Hà Nội rồi. Có lẽ sau những ngày dài mệt mỏi tôi muốn về một nơi thật yên bình.

Ra ngoài anh Nam đánh xe chở tôi từ Hà Tu, đi qua mấy đoạn đường, từng góc phố dưới ánh đèn đường vừa quen lại vừa xa lạ. Đi được một đoạn anh Nam có điện thoại, nghe điện thoại anh liền nói:

– Bà chủ nói chở về nhà. Bà chủ muốn gặp cô một lát.

Tôi nghe anh Nam nói thì hơi ngạc nhiên. Anh Nam liền đánh xe quay lại biệt thự của mẹ tôi. Lúc vào tôi thấy mẹ đang ngồi ở bàn, toàn bộ những tàn dư của bữa tiệc sinh nhật cũng được dọn sạch sẽ. Đột nhiên tôi thấy trên mặt bàn rất nhiều bức ảnh… đều là ảnh của tôi hồi bé. Đây toàn là ảnh để nhà mụ Hằng, có mấy bức rách không rõ mặt còn được dán lại cẩn thận. Mười mấy bức ảnh, dường như không có một bức ảnh nào tôi cười. Dù là năm tuổi, dù là sáu tuổi, hay chín mười tuổi gương mặt đều mang vẻ cô đơn phảng phất xen lẫn cả nỗi đau và sợ hãi.

Tôi nhìn mấy bức ảnh, lại nhìn mẹ đang ngồi ở đây. Lúc này tôi mới thấy hình như dạo này mẹ có chút già hơn, lưng dường như còng hơn, tuy vẫn mang khí chất ngời ngời của một người phụ nữ xinh đẹp, thành đạt nhưng thời gian vẫn tàn nhẫn đặt lên khoé mắt mẹ vài vết chân chim. Tôi không biết vì sao mẹ có mấy bức ảnh này, cũng không biết vì sao mẹ lại gọi tôi quay lại liền nói:

– Mẹ…

Còn đang định hỏi thêm bất chợt mẹ ngẩng đầu lên. Trong đôi mắt mẹ tôi chợt thấy hình như vài vệt nước. Tôi không rõ có phải mình nhìn nhầm không nhưng liền nghe thấy mẹ hỏi:

– An. Vì sao chụp ảnh con lại chưa bao giờ cười?

Tôi nhìn mấy bức ảnh trên bàn. Cả mười mấy năm tuổi thơ ngoài được đi học thì toàn là bạo hành, đánh đập, là nỗi ám ảnh kinh hoàng khiến tôi sống thu mình lại, nụ cười với tôi thật sự xa xỉ. Tôi cười gượng gạo đáp:

– Chắc tại con chụp ảnh không đẹp nên không thích cười mẹ ạ.

Mẹ tôi lại nhìn tôi, cũng cười nhưng đột nhiên tôi thấy nụ cười của mẹ méo xệch, đôi mắt bỗng dưng ầng ậc nước rồi khó nhọc nói:

– Chứ không phải bởi bà ta… không phải vì bà ta nên con không thể cười nổi sao?

Tôi nghe mẹ nói đến đây chợt lặng người đi, từ mũi một cảm giác cay xè bỗng lan toả. Mẹ tôi nhìn tôi, giọng lại nghẹn đi hỏi:

– Hai mươi mấy năm nay con lớn lên thế nào?

Tôi không biết phải trả lời ra sao chỉ hỏi lại:

– Sao tự dưng mẹ lại hỏi con như vậy?
– Vì mẹ chưa từng được nhìn con lớn lên. Không biết hai mươi mấy năm con đã lớn lên thế nào, con học lớp một lớp hai rồi học đại học ra sao? Sao năm ấy con lại trượt Học Viện Ngân Hàng?

Tôi nhìn mẹ cười buồn:

– Vì bà Hằng cho thuốc vào nước ép hoa quả, sáng hôm đi thi uống vào đau bụng quá nên con đã không làm được bài.

Mẹ tôi chợt im lặng, cúi xuống nhìn mấy bức ảnh hồi nhỏ. Hồi nhỏ vì ăn uống không đủ chất nên mái tóc tôi xác xơ, đuôi tóc vàng hoe, những cánh tay cẳng chân gầy guộc cùng mấy bộ quần áo cũ nát. Có một bức ảnh mắt tôi vẫn hơi tím bầm vì bà Hằng đánh, vết tích ấy chụp ảnh vẫn còn nhìn mờ mờ. Mẹ đưa tay chạm lên từng bức ảnh, đột nhiên tôi thấy từ trên bức ảnh một giọt nước rơi xuống. Một giọt, rồi hai giọt, ba giọt thi nhau rơi tí tách, chạm vào bức ảnh cũ rồi thấm vào khiến bức ảnh cũng nhoè đi. Lúc này tôi mới nhận ra ngoài những bức ảnh này bên cạnh điện thoại của mẹ vẫn đang mở. Đoạn video tôi bị tra tấn bằng dùi cui điện thoại được phát. Tôi nhìn mẹ, bờ vai đang run lên, mẹ cúi đầu, trong một giây lát tôi bỗng thấy mình hoảng loạn lao về mẹ giọng lạc đi:

– Mẹ. Sao mẹ lại khóc? Sao mẹ lại khóc? Mẹ đừng khóc.

Mẹ vẫn khóc, hai tay cầm mấy bức ảnh nắm chặt lại. Bàn tay mẹ nổi đầy gân xanh, dường như mẹ không khống chế nổi khóc thành tiếng. Tôi thấy mẹ khóc, cảm thấy tim mình cũng không thở nổi, cảm thấy như có ai xé nát ra thành trăm nghìn mảnh. Cảm giác này tôi thật sự rất thương tâm, tôi không hiểu vì sao mẹ khóc, chỉ biết khi thấy mẹ khóc lòng tôi quặn lên đau đớn. Hai tay tôi giữ lên cánh tay mẹ, từ khoé mắt cũng ầng ậc nước rồi không giữ nổi nữa để mặc nước mắt chảy thành hàng, vừa khóc vừa nói giọng nghẹn đi:

– Mẹ ơi, mẹ đừng khóc, sao mẹ lại khóc? Mẹ đừng khóc, đừng làm con sợ.

Mẹ tôi ngẩng đầu lên, nước mắt lã chã rơi, ướt cả mặt, chảy cả vào khoé miệng. Đôi mắt mẹ tràn đầy bi thương, không nói nổi chỉ lắc đầu rồi đưa tay lên chạm vào mặt tôi. Mấy ngón tay mẹ nhặt từng sợi tóc vương, vuốt gọn lại sau rồi đột nhiên túm lấy tôi ôm chặt. Cả lồng ngực mẹ quặn lên, nước mắt nóng hổi chảy xuống cả vai tôi. Từng giọt, từng giọt rơi xuống như hàng ngàn hàng vạn mũi kim xiên thẳng vào vai rồi từ từ xiên qua lồng ngực. Mẹ khóc nấc lên, tiếng khóc khàn đặc rồi lắc lư người giọng đầy thống khổ:

– Con gái. Mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi con.

Hai từ con gái mẹ thốt ra đầy khó nhọc, tôi bỗng oà lên nức nở. Mẹ lại đẩy tôi ra, đưa mấy ngón tay chạm lên mắt tôi, chạm lên tóc tôi, lại nhẹ nhàng nhặt tóc vương trên mặt rồi giọng lại nghẹn ngào:

– Xin lỗi con, xin lỗi con vì đã để con chịu khổ suốt hai mươi mấy năm. Xin lỗi con vì mẹ đã từng đối xử tệ với con, xin lỗi con vì mẹ đã không bảo vệ được con… mẹ xin lỗi….

Mẹ nói đến đâu, hai hàng nước mắt lại tuôn như mưa. Bỗng dưng mẹ nấc lên, đôi bàn tay lại chạm lên ngực, túm chặt áo mà khóc. Mẹ đã không cố nín nhịn nổi khóc thành tiếng thương tâm. Tôi nắm tay mẹ đáp:

– Mẹ đừng nói như vậy, mẹ không có lỗi gì cả, lỗi là do bà ta, mẹ không có lỗi gì, mẹ đừng nói vậy… con xin mẹ đừng nói mấy lời như vậy, chuyện qua rồi mà. Mẹ đừng nói như vậy nữa.
– Con gái… mẹ có lỗi với con. Xin lỗi con, xin lỗi con… xin lỗi vì đến cả ngày sinh nhật cũng để con phải cô đơn một mình.

Câu nói cuối cùng của mẹ khiến tôi sững sờ. Giọt nước trên mặt thi nhau rơi xuống, đọng lại ở miệng đắng chát. Tôi nhìn mẹ, đã tưởng mẹ không cần tôi, nghe câu cuối cùng nhìn mẹ rồi đột nhiên oà thành tiếng.

– Con tưởng mẹ không cần con nữa.
– Sao mẹ lại không cần con? Con mới là con gái của mẹ, con mới là con của mẹ. Lẽ ra mẹ không nên như vậy. Lẽ ra mẹ không nên như vậy với con. Con mới là con gái của mẹ, mẹ không hiểu vì sao mẹ lại như vậy với con. Mẹ xin lỗi, xin lỗi… xin lỗi con.

Tôi ngước lên nhìn mẹ, đôi mắt đẫm nước hỏi:

– Mẹ. Con với cái Ngọc…

Mẹ hơi ngửa cổ, nước mắt chảy xuống cổ ngắt lời:

– Mẹ thương con hơn. Con mới con là con gái của mẹ. Chỉ là mẹ đã nuôi nó hai mươi mấy năm, mẹ không thể hận nó được. Dẫu nó là con của bà ta, dẫu nó toan tính thế nào, mẹ cũng không có cách nào để hận thù nổi. Nhưng… con yên tâm, con mới là con gái của mẹ, dù mẹ có nuôi nó hai mươi mấy năm cũng không thể bằng con. Chỉ là mẹ thất vọng quá, chỉ là mẹ cảm thấy hai mươi mấy năm nuôi nó, chẳng lẽ nó thật sự máu lạnh như vậy. Không phải mẹ thái độ với con, chỉ là mẹ thất vọng về nó, cảm thấy hai mươi mấy năm nuôi nó thật sự uổng phí.

Nghe mẹ nói đến đây tảng đá đè nặng cũng như được trút bỏ. Câu hỏi tôi đè nén suốt những ngày gặp mẹ cũng có câu trả lời. Không cần so sánh, không cần ghen tị nữa, chỉ cần giây phút này thôi tôi cũng đã hiểu. Hai mươi mấy năm chẳng là gì cả, khoảng cách chẳng là gì cả, tôi thương mẹ, mẹ thương tôi chỉ cần vậy thôi. Mẹ ngừng khóc, lấy trong túi ra một hộp đựng lắc tay nói:

– Quà sinh nhật của con. Lắc tay này mẹ mua ở Toronto, chỗ mà cái Ngọc nói con du học ở đó. Đây là món quà đầu tiên mẹ tặng con, mẹ mong con gái sinh nhật thật vui vẻ, mạnh khoẻ, và thành công trong sự nghiệp của mình.

Lắc tay nạm kim cương, tôi nhìn lắc tay, lại thấy mũi cay xè. Hai mươi mấy năm lần đầu sinh nhật tôi được nhận món quà, không phải đắt giá mà nó mang tình mẫu tử thiêng liêng. Mẹ tôi nhìn tôi, khẽ vỗ lên vai tôi nói tiếp:

– Đêm rồi. Để mẹ bảo anh Nam đưa con về Hà Nội. Chắc không kịp đón sinh nhật với con rể và cháu ngoại mẹ rồi nhưng mai bù cũng được nhỉ?m

Tôi gật đầu nhìn mẹ gật đầu đi ra ngoài xe. Anh Nam cũng chờ tôi sẵn ở đó. Đêm rồi, Quảng Ninh thật bình yên chỉ là tôi lại nghĩ đến con Ngọc. Không biết con Ngọc đi đâu, mẹ ruột nó bị bắt, mẹ tôi phủ nhận nó, gia đình chồng có cháu đích tôn, lại phát hiện ra nó không phải con mẹ Liên. Anh Nam nói khi con Ngọc ra khỏi nhà hàng, bố mẹ Sơn đã công khai nhận đứa bé kia, nhận cả mẹ đứa bé rồi. Có lẽ gia đình họ đã chẳng còn gì nể nang cô con dâu láo toét, hỗn xược kia nữa, càng không muốn mang tiếng mà vạ lây. Tôi nhìn anh Nam, dặn dò anh cho người bảo vệ mẹ tôi thật cẩn thận. Tôi sợ con Ngọc chó cùng dứt giậu. Nhưng thực ra tôi biết, anh Nam làm việc rất cẩn trọng, thế lực của anh cũng không phải dạng tầm thường, vả lại con Ngọc có muốn đụng thì đụng vào tôi chứ khó lòng mà đụng vào mẹ tôi. Suy cho cùng cũng nuôi nó lớn, công sinh không bằng công dưỡng. Thế nhưng… tôi vẫn có một nỗi bất an mơ hồ không rõ ràng. Không phải từ mẹ tôi, nỗi bất an mơ hồ từ đâu tôi lại không rõ.

Xe đi cao tốc, hơn hai tiếng đồng hồ đã về đến nhà. Trời đêm lắm rồi, anh Nam đợi tôi vào mới quay xe đi. Tôi bước vào nhà, căn nhà tối om, liền bật đèn flash, đột nhiên thấy dưới chân mình toàn là những cánh hoa hồng trải khắp sàn gỗ. Đi dọc vào bên trong, trên bàn mấy ngọn nến đã tàn, trên bàn một chiếc bánh kem đã khuyết một góc.

Đột nhiên tôi nghe tiếng loạt xoạt, pháo bông chợt loé lên tạo thành những tia lửa thật đẹp. Tôi vừa bất ngờ lại vừa giật mình, định thần lại mới thấy dưới ánh đèn ngủ vàng lờ mờ Thịnh đang bước tới. Hai giờ đêm rồi, anh vẫn chưa hề ngủ liền kinh ngạc hỏi:

– Anh vẫn chưa ngủ sao? Con đâu rồi?
– Con ngủ rồi. Anh chờ em.

Tôi nhìn Thịnh, bỗng dưng cảm thấy sống mũi cay xè. Lần nào cũng vậy, dù tôi về muộn cỡ nào anh đều chờ tôi. Lòng tôi đầy áy náy đáp:

– Sao anh không ngủ đi, em về muộn mà.
– Sinh nhật em mà, định chờ em về đón sinh nhật nhưng muộn mất rồi. Bình không chờ được anh đành cắt cho anh một góc bánh, ăn xong con ngủ luôn.

Chiếc bánh trên bàn không còn hoàn hảo, nhưng tôi lại cảm thấy xúc động. Khiếm khuyết này chẳng khiến nó xấu xí đi càng khiến tôi thấy nó đẹp đẽ, đáng yêu. Tôi nhìn Thịnh cười:

– Vậy mình cắt bánh đi, muộn cũng không sao, em thấy như thế này mới ý nghĩa.

Thịnh gật đầu, đi về phía bàn, cắm nến vào. Tôi cúi xuống nhắm mắt lại để ước. Tôi ước cho cả nhà bình yên, tôi ước năm nay, năm sau và cả nhiều năm sau nữa ngoài mẹ thì còn cả Thịnh và Bình đón sinh nhật cùng tôi. Tôi còn ước mình có thể dành thời gian cho anh nhiều hơn… hình như tôi thật sự quá vô tâm với anh rồi. Ước xong tôi liền thổi nến rồi cùng anh ăn một miếng bánh. Khi đang ăn anh liền đưa rút từ trong túi một hộp nhỏ rồi nói:

– Đây là quà sinh nhật của anh. Hi vọng em sẽ thích nó.

Tôi mở hộp nhỏ ra, bên trong là một dây chuyền có khắc ba chữ TAB. Tôi nhìn dây chuyền, lần đầu thấy cảm thấy mình có một sinh nhật ấm áp như vậy. Vừa được đón sinh nhật cùng mẹ, vừa được đón sinh nhật cùng người mình yêu. TAB. Thịnh An Bình. Không cần hi vọng, tôi thật sự rất thích món quà này. Thịnh đeo lên cho tôi, vừa đeo vừa nói:

– Sau này nếu như lúc nào anh không ở cạnh, anh đi công tác hoặc đi đâu đó, nếu nhớ anh thì bỏ ra ngắm coi như anh ở cạnh hai mẹ con.

Tôi bật cười gật đầu, không nghĩ bác sĩ Thịnh nhiều khi lại cũng thật lãng mạn, Thịnh liền cúi xuống hôn nhẹ lên trán tôi giục:

– Muộn rồi, tắm đêm không tốt nên em tắm qua người thôi nhé. Anh dọn qua chỗ này, sáng mai đưa Bình đi khám lại nên dọn luôn.
– Để em dọn cho.
– Em đi vào tắm qua rồi lên giường đi, anh dọn chút là xong.

Tôi không từ chối được vào tắm qua người, anh bên ngoài vẫn đang dọn dẹp, tiếng lạch cạch cất lên. Tôi nằm xuống giường định chờ anh nhưng rồi không biết có phải mệt quá không mà thiếp đi lúc nào chẳng hay. Đến khi Thịnh vào, hình như anh lấy khăn lau tóc cho tôi, tiếng anh cằn nhằn:

– Tóc ướt thế này mà để đi ngủ được. Đúng là không để tâm đến sức khoẻ chút nào cả.

Tôi nghe tiếng anh nói vẫn cười cười mắt nhắm mắt mở đáp:

– Kệ, có bác sĩ lo cho em là được.

Tôi không biết anh đáp lại thế nào, bởi cơn buồn ngủ đã ập đến. Chỉ thấy hình như anh lau tóc xong đợi khô rồi mới nằm xuống cạnh tôi, đôi tay to lớn vòng qua người ôm chặt. Chẳng phải là đao to búa lớn, chẳng phải những đoạn tình cảm sướt mướt, chỉ thế này thôi tôi cũng có cảm giác bình yên vô cùng.

Sáng hôm sau lẽ ra tôi còn muốn ngủ nữa. Có điều hôm nay là lịch khám lại tiếp theo của Bình, lại là ngày Thịnh được nghỉ tranh thủ đưa con đi khám nên cả nhà đều dậy khá sớm. Ăn sáng xong anh lái xe đưa hai mẹ con đến viện. Hôm nay là chủ nhật, thế nhưng viện cũng không hề ít người. Thịnh bế con vào phòng trưởng khoa khám còn tôi đứng ngoài hành lang chờ.

Khi đang đứng tự dưng tôi thấy chị Huyền đi về phía mình rồi nói:

– Đưa con đi khám à?
– Vâng ạ.
– Vào trong nói chuyện với tôi một lúc.

Lần trước tôi có gặp chị Huyền, thế nhưng lần này gặp không hiểu sao thái độ của chị rất khác, vừa lạnh nhạt, lại lộ rõ cả sự coi thường. Thấy thái độ như vậy tôi liền đáp:

– Có chuyện gì vậy ạ?
– Có chuyện gì thì cứ vào phòng tôi. Tôi không ăn thịt cô đâu mà lo, không dưng mà tôi tìm cô thế này đâu.

Nghe chị Huyền nói tôi đành đi theo chị vào phòng. Vừa vào đến phòng chị chốt cửa lại, đẩy ghế cho tôi ngồi rồi cất tiếng:

– Cô và bác sĩ Thịnh yêu nhau đúng không?

Tôi nhìn chị Huyền không đáp, chị ấy lại nói:

– Cô không muốn nói cũng không sao. Tôi biết cô chẳng phải người nhà người thân gì của bác sĩ Thịnh như lời cô nói cả. Tôi vốn dĩ cũng chẳng quan tâm đến cô là ai nếu như cô an phận. Thế nhưng tôi cảm thấy cô lại đang đi quá giới hạn rồi.

Tôi không hiểu chị Huyền nói gì liền hỏi lại:

– Chị nói vậy có ý gì?
– Có ý gì? Tôi hỏi thật, cô yêu bác sĩ Thịnh vì cái gì?
– Chuyện yêu đương của tôi và bác sĩ Thịnh liên quan gì đến chị mà chị hỏi ạ?

Chị Huyền hơi sững người nhưng rồi nhếch môi đáp:

– Cô cũng gớm ghê đấy. Ngay từ đầu tôi gặp cô thấy cô không phải dạng hiền lành gì rồi, mà cũng đúng thôi, loại con gái đi huỷ hoại sự nghiệp của người đàn ông của mình thì chắc chắn là loại hồng nhan hoạ thuỷ.
– Chị nói cái gì?
– Tôi nói cô huỷ hoại sự nghiệp của bác sĩ Thịnh cô đúng là loại không ra gì. Đừng nói với tôi cô không biết gì, cũng đừng nói với tôi anh ấy bị đình chỉ công tác một tuần nay cô cũng không rõ nhé.

Tôi nghe chị Huyền nói đến đây thì khựng lại. Cảm giác như một luồng điện chạy qua người. Mấy phút sau mới khó nhọc hỏi:

– Anh ấy bị đình chỉ công tác?

Chị Huyền cười nhạt, ném điện thoại lên bàn đáp:

– Hơn ba năm trước, vì cô anh ấy suýt mất việc, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Cô cũng đừng nói cô không biết gì, vì cô, anh ấy giao ca mổ lại cho một bác sĩ khác để chạy đến viện phụ sản. Trong ca mổ ấy, người bác sĩ kia suýt nữa khiến bệnh nhân tử vong, cũng may có trưởng khoa đến kịp thời nếu không sự nghiệp cả đời này của anh ấy cũng tiêu tan. Dù anh ấy không trực tiếp khiến bệnh nhân thành ra như vậy nhưng người nhà bệnh nhân đã cáo buộc anh ấy vô trách nhiệm, còn mở cả họp báo, phải đi đến bệnh viện miền núi trong miền trong suốt hai năm. Không phải vì trưởng khoa đứng ra nhận lỗi, đừng nói là chuyển công tác, mà muốn đứng cầm dao mổ cũng không thể.

Tôi nhìn đoạn video, trong video rất nhiều phóng viên vây quanh Thịnh. Anh ngồi đó, giống như tù nhân bị tra hỏi, gương mặt thất thần, hai tay đan vào nhau. Chưa bao giờ anh nói với tôi chuyện này, chưa bao giờ tôi được nghe anh nói. Toàn thân tôi bỗng thấy như bị ai đó ném xuống một vực thẳm rất sâu, cảm giác tê liệt, xen lẫn bàng hoàng. Tôi chỉ nghĩ rằng anh bị chuyển công tác, chưa từng nghĩ rằng lần ấy… khi tôi sinh Bình, ngay ngày tôi nói với anh Bình không phải con anh cũng là ngày họp báo diễn ra.

– Cô có biết anh ấy thích gì nhất không? Cô có biết mơ ước lớn nhất của anh ấy là gì không? Là được làm bác sĩ, là được chữa bệnh cho người khác. Bốn năm trước, khi xuống Quảng Ninh công tác anh ấy bị gài bẫy mà người gãi bẫy anh ấy lại là cô. Sau đó lẽ ra anh ấy được lên phó khoa, nhưng vì đi tìm cô, anh ấy bỏ cả cơ hội lên chức của mình. Trước khi gặp cô anh ấy đầy hoài bão, kì vọng, tôi không hiểu rốt cuộc cô đã cho anh ấy ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà tận hai ba lần anh ấy chấp nhận từ bỏ những hoài bão ấy. Cô thật sự yêu anh ấy không? Cô thật sự hiểu anh ấy không? Tuần trước đoạn clip họp báo này không hiểu sao bị phát tán, dù giờ đã qua vài năm, nhưng dưới sức ép của bệnh nhân, viện trưởng phải cho anh ấy nghỉ một tuần. Cô có biết đây là vết nhơ trong sự nghiệp của anh ấy, dù hai năm, ba năm hai ba mươi năm cũng không xoá được không? Cô yêu anh ấy sao? Yêu? Cô có bao giờ trả lời được mình hiểu anh ấy đến đâu không?

Từng lời từng lời chị Huyền nói giống như từng mảnh thuỷ tinh vụn cắt vào da thịt tôi. Cả người tôi cứng ngắc, trước kia từng trải qua rất nhiều cảm xúc, thế nhưng thứ cảm xúc này thật sự rất khó chịu, cổ họng nghẹn lại, vừa thương xót, vừa đau lòng, lại có cả sự day dứt, ân hận vô bờ. Từng lớp sự thật trần trụi được bóc ra, tôi cảm thấy mình không thể nghe nổi nữa, tai cũng ù đi. Tôi bỗng thấy thất vọng, thất vọng vì chính bản thân mình, lại cảm thấy suy sụp. Cố dựa lưng vào ghế nhưng thứ cảm giác nghẹn đắng kia đã trào lên miệng.

Rốt cuộc tôi yêu anh thế nào? Rốt cuộc tôi hiểu anh được bao nhiêu?

***
Lời tác giả: chương này tớ không kêu gọi tương tác nữa để xem mọi người tương tác thế nào.

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (166 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN