Tiệm Đồ Cổ Á Xá - Chương 32 - Hậu Ký: Câu Chuyện Không Thể Nói Nên Lời
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
126


Tiệm Đồ Cổ Á Xá


Chương 32 - Hậu Ký: Câu Chuyện Không Thể Nói Nên Lời



Khi còn rất nhỏ, cạnh nhà tôi có một con ngõ, từ đầu ngõ tới cuối ngõ đều là các sạp hàng lộ thiên, bán những món đồ kỳ lạ cổ quái. Từ tiền xu tới đồng hồ để bàn, từ hộp diêm đến đồ gia dụng bằng gỗ lim, muôn hình vạn trạng, thứ gì cũng có.

Tôi thích nhất là khi đi theo hình ziczac trong con ngõ này, mỗi một sạp hàng đều không bỏ sót, hàng nào tôi cũng ngó xem, luôn có cảm giác nhìn mãi không chán.

Có những thứ bán giá rất rẻ, có những thứ đối với tôi lại là giá trên trời nhưng những món đồ này đều có một điểm chung, chúng không phải là đồ mới.

Sau này tôi mới biết, chúng được gọi là đồ cổ.

Từ đó, sự say mê với đồ cổ đã lớn dần lên trong tôi.

Bạn bè rất kỳ thị sở thích của tôi, bọn họ thích những món đồ mới mẻ lấp lánh hơn, những món đồ từ khi được chế tạo ra đã hoàn toàn thuộc về mình.

Bọn họ cho rằng, đồ cổ là thứ bị người ta bỏ đi, người ta không cần nữa.

Nhưng tôi không nghĩ vậy.

Đó là những vật mặc dù phủ bụi nhưng vẫn xinh đẹp tuyệt trần, chính là bởi vì chúng đã trải qua vô số thời gian, không bị sứt vỡ tổn hại, vẫn có thể tồn tại trong tầm mắt mọi người, như thế chúng mới đặc biệt, mới toát ra vẻ đẹp khiến người khắc không thể bỏ qua.

Chúng không giống với những món đồ mới được sản xuất hàng loạt, mỗi một vật trong chúng đều có một chủ nhân khác nhau, mỗi một vật đều có câu chuyện của mình, mỗi một vật đều khác biệt hoàn toàn so với những thứ khác, thậm chí mỗi một vết nứt hay vết khuyết đều có lịch sự đặc biệt.

Khi tôi chạm vào những món đồ này dường như có thể xuyên không nhiều năm trong khoảnh khắc, cảm nhận khoảnh khắc mà chúng ngưng đọng lại. Cho dù những lời bốc phét của chủ sạp hàng không đáng tin nhưng vẫn không ảnh hưởng tới trí tưởng tượng của tôi, tôi vẫn tự tưởng tượng cho thỏa lòng.

Có lẽ, những món đồ trên con phố này không thực sự được gọi là đồ cổ, chỉ có thể là những món đồ cũ.

Sau này, tôi biết tới đồ cổ thực sự, được đặt trong viện bảo tàng. Từ đó về sau mỗi khi tới một thành phố nào đó tôi đều tới viện bảo tàng ở đó trước tiên.

Gốm sứ Như Diêu ở bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, ngọc trư long trong bảo tàng tỉnh Liêu Ninh, cốc thủy tinh Chiến Quốc trong bảo tàng Lịch sử Hàng Châu, bức họa có in chữ trong bảo tàng Thượng Hải, hố chôn ngựa bồi táng rúng động trong bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, áo ngọc sợi vàng trong bảo tàng Đài Bắc, mặt nạ đồng xanh trong bảo tàng Tam Tinh Đôi Tứ Xuyên… cách một lớp kính, những màn lịch sử vốn đã hào hùng ấy như hiện ra hoàn chỉnh trước mặt tôi, tôi hoàn toàn bị hớp hồn.

Tôi luôn muốn viết tiểu thuyết về đồ cổ, những câu chuyện trong đầu giống như bong bóng dưới đáy nước không ngừng nổi lên trên.

Một chiếc gương cổ, liệu có thể nối liền quãng thời gian hơn hai nghìn năm, về đôi trai gái không cùng thời gian không gian nảy sinh tình cảm với nhau?

Một chiếc vòng tay, liệu từng viên đá quý có thể giữ được lời hứa, để tìm lại những thứ mình đã mất?

Một ngọn nến thơm, liệu có thể đốt cháy nghìn năm, sáp nến chảy ngàn năm, chờ đợi người nó mong nhớ?

Một chiếc gối sứ, liệu có thể khiến mộng đẹp thành thật, hay chỉ có thể khiến ác mộng thành thật?

Một thanh kiếm sắc, có phải có lời nguyền, nhưng vẫn giữ lời hứa từ mấy nghìn năm trước?

Một thẻ tre, có phải phong ấn ma thú lớn mạnh từ thời viễn cổ, nhưng thẻ tre lại mềm yếu không đỡ nổi một cú chạm?

Một miếng tượng ngọc, có phải có thể trao đổi linh hồn giữa người với người, khiến thế giới của hai người hoàn toàn điên đảo?

Một con rối gỗ, có phải mang trên mình tình yêu hai nghìn năm, cố thể biến thành thế giới như chủ nhân mong muốn?

Một hạt giống, có phải trải qua hai nghìn năm mới nảy nầm, chỉ cần tưới bằng máu và nước mắt?

Một chiếc ô giấy dầu, có phải vương vấn một linh hồn oán giận, chứng minh sự thực không đẹp đẽ như trong truyền thuyết?

Một chiếc khóa Trường Mệnh, có phải có thể bảo vệ được tính mạng của một đứa trẻ, để người ta trường mệnh bách tuế?

Một bộ áo Xích Long, có phải có thể giữ cho cơ thể người nghìn năm không thối rữa, mãi mãi trường sinh bất lão?

Á Xá được ra đời như thế.

Một tiệm đồ cổ có những vật quý báu lạ kỳ, một gã chủ tiệm đồ cổ thần bí.

Nháy mắt một cái, Á Xá đã viết xong mười hai câu chuyện, ngoảnh đầu lại không dám tin Á Xá đã theo tôi tròn một năm.

Khi viết xong chữ cuối cùng, có cảm giác lưu luyến mãi không rời.

Mỗi câu chuyện trong Á Xá đều bao hàm những đạo lý tôi muốn kể, tôi tin mỗi người thích Á Xá đều có sự lĩnh hội khác nhau trong từng câu chuyện. Nhân vật chính của Á Xá thực ra không phải gã chủ tiệm hay bác sĩ, mà chính là những món đồ cổ mãi mãi không thể kể ra câu chuyện của mình.

Gương Ngư Văn là câu chuyện đã ở trong máy tính của tôi mấy năm rồi, luôn có một cái khung nhưng mãi không hạ bút. Có thể nói, có phần truyện gương Ngư Văn trước rồi mới có Á Xá. Sau một cơ duyên nào đó, viết một hơi là xong, sau khi viết xong ngay cả bản thân tôi cũng cảm động. Thực ra, phần gương Ngư Văn vốn dự tính viết ít nhất năm ngàn chữ, nhưng khi rút ngắn còn một vạn chữ, cuộc gặp gỡ quen nhau của nam nữ chính có phần sơ lược nhưng lại cảm động hơn.

Vòng Hương Phi bắt nguồn từ nỗi đau mất đồ của tôi. Mặc dù tôi không phải là người hay quên, nhưng đồ đạc thường để lung tung, tìm không thấy nghĩa là đã mất. Có trời mới biết khi muốn tìm đồ ước gì tôi có thể baidu(*) tìm kiếm định vị, chỉ cần gõ chữ vào máy tính là có thể biết đồ của tôi đang để ở đâu… hì… chỉ là nói đùa thế thôi, vòng Hương Phi do tôi cảm thấy đồ vật mất đi là thứ đáng quý nhất, niềm tiếc nuối luôn chảy trong đầu, nhưng có lúc tôi cố ý tìm thấy, lại không thấy tốt đẹp như trong hồi ức.

(*) Baidu: Một trang tìm kiếm phổ biến của Trung Quốc.

Viết Nến nhân ngư tốn thời gian nhất, vì muốn trong văn có hơi thở của Phật pháp, nên tôi đã đọc mười mấy cuốn kinh Phật trong thư viện. Mặc dù, cuối cùng trong truyện cũng chỉ có mấy câu nhưng những gì trải qua khi được chìm đắm trong kinh Phật khiến tôi thu hoạch được không ít. Thủ pháp viết mô phỏng văn phong Cổ Long cũng là điều tôi yêu thích, nỗi đau nhẹ nhẹ giống như khói nến, lan tỏa trong từng câu văn hàng chữ, khiến người ta buồn thương. Đời người rốt cuộc có bao lâu? Câu hỏi có mùi vị triết học xuyên suốt toàn văn, mấy câu trả lời khác nhau của tiểu hòa thượng cũng thể hiện sự trưởng thành, thay đổi trong lòng cậu ấy. Đời người rốt cuộc có bao lâu? Bạn sẽ trả lời thế nào?

Gối Hoàng Lương được lấy cảm hứng từ mộng cảnh hàng đêm của tôi. Có lẽ trời sinh cho trí tưởng tượng phong phú nên mộng cảnh hàng đêm của tôi thiên biến vạn hóa, có lúc là phim kinh dị, có lúc là phim Mỹ, có lúc lại là phim khổ tình Hàn Quốc… tôi luôn nghĩ, rốt cuộc mộng đẹp mới tốt hay ác mộng mới tốt? Mộng đẹp thành thật đương nhiên là tốt, vậy ác mộng thành thật thì sẽ thế nào? Ừ… vì thế câu hỏi này đã được bác sĩ đích thân trải nghiệm, hiệu quả khá tốt, nói chung không nên nằm mơ giữa ban ngày, thực ra, chiếc gối Hoàng Lương cổ đại ấy nằm ngủ không thoải mái tí nào đâu…

Nhắc tới câu chuyện trong Kiếm Việt Vương , thực ra đây chính là chủ đề tôi muốn thể hiện trong cả cuốn Á Xá. Mỗi món đồ cổ đều có linh hồn, hoặc nói cách khác mỗi vật đều đặc biệt, mọi người nhất định phải yêu quý những món đồ của mình, không được lãng phí, không được tùy tiện vứt bỏ. Tôi có một ấm trà sứ xanh, ngày nào cũng pha, yêu quý vô cùng. Nhưng một hôm khi rửa ấm trà tôi bất cẩn đánh rơi xuống đất, may mà không vỡ nhưng bị sứt mấy miếng, khi đó tôi xót xa vô cùng. Đêm đó tôi mơ thấy có một cậu bé đẹp trai bị sứt da mặt tới tìm tôi kể khổ… thật là… haizz… mặc dù vẫn tiếp tục dùng nhưng tôi vẫn hối hận lắm… hic hic hic. Được rồi, thực ra ban ngày tôi nghĩ gì thì đêm tôi mơ thế… ngoài ra, viện bảo tàng khi không có người thực sự rất đáng sợ…

Kết cấu trong câu chuyện Sơn Hải Kinh rất rộng, nếu viết một câu chuyện rộng hơn cũng được, nhưng tôi viết ngắn gọn ở đây, Cùng Kỳ đáng yêu, kiêu ngạo và Hoàn Cẩu đen tối, lười biếng, cộng thêm Tam Thanh điểu xinh đẹp thanh tú, thực sự quá đáng yêu, muốn nuôi chúng quá. Vì thế trong chương áo Xích Long tôi cũng cho chúng xuất hiện hoành tráng. Mặc dù trong xã hội hiện đại, những con vật trong thời đại thần thoại thực sự đã vi phạm định luật tự nhiên… nhưng nghĩ tới Á Xá được xây dựng vốn rất kỳ ảo vì thế vẫn phù hợp… e hèm…

Mở đầu của câu chuyện Ngọc Thủy Thương được lấy từ một cơn ác mộng của tôi. Khi mở mắt ra tôi nhìn thấy xác mình… cơn ác mộng này tôi có ấn tượng sâu sắc, đáng tiếc không thể nào nhớ ra phần sau diễn ra thế nào, vì thế mới thử viết một câu chuyện thuộc dòng trinh thám suy luận. Đáng tiếc… thật có lỗi với mười năm đọc Conan quá! Tôi thực sự là một kẻ ngốc trong dòng trinh thám mà! Có điều cũng may có sự giúp đỡ của biên tập viên Tô Doanh, đã giúp tôi trọn vẹn câu chuyện này… về chuyện lúc đầu tôi và cô ấy nói chuyện, nghiên cứu xem để ai làm hung thủ, tôi nói hay là để biên tập giết chết anh tiểu thuyết gia kia nhỉ? Tô Doanh lập tức giận dữ nói: Vậy nguyên nhân chắc chắn là vì nộp bản thảo chậm! Tôi… (sau này không dám đến KTV cùng cô nữa đâu! =.= III).

Nguyên tác của Rối Mê hoặc thực ra là dựa vào búp bê nguyền rủa phát điên, liên tưởng tới con rối mê hoặc thời Trần A Kiều, dường như rối mê hoặc ngoài việc trù ẻo chết người ra, thường thấy nhất chính là phụ nữ cầu mong đàn ông hồi tâm chuyển ý. Nhưng tình yêu đã mất đi thực sự đáng để người ta đánh đổi tất cả sao? Trong cuốn truyện này rối mê hoặc là nhân vật đáng thương nhất, luôn diễn một vai chỉ có một người nhìn thấy, bất kể hai nghìn năm trước hay hai nghìn năm sau… ban đầu xuất phát điểm của câu chuyện này là bi kịch, vì thế kết cục của nó cũng là bi kịch, nhưng đối với rối mê hoặc mà nói, kết cục thế này không hẳn không phải chuyện vui.

Ai nói những món đồ trong Á Xá không có sinh mệnh? Hạt giống của Ngu mỹ nhân có sinh mệnh đó! Hơn nữa còn xuyên không hơn hai nghìn năm lịch sử, diễn lại câu chuyện tình yêu giữa người và hoa hơn cả tình yêu giữa người và thú… e hèm… so sánh thế này được đấy chứ… thật là điên đảo một vẻ uy nghiêm của Hạng Vũ, có lẽ Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ là chàng hai nông dân có nội tâm mềm yếu, có lẽ Ngu mỹ nhân chính là một bông hoa chứ không phải người… Ê này! Đây là lịch sử do tôi bày trò, đừng coi như đang đọc lịch sử thật nhé! Nhớ rõ, nhớ rõ… thực ra Hạng Vũ tướng quân là một võ tướng siêu giỏi. . thật đấy…

Nếu độc giả nhiều tuổi một chút chắc không quên “Tân truyền kỳ Bạch Nương Tử . Mặc dù bộ phim truyền hình kia bây giờ vẫn xem, chốc chốc lại chêm vào giọng hát kịch của Hoàng Mai khiến người ta nổi da gà toàn thân, nhưng khi còn rất nhỏ nó chính là bộ phim có lượt xem nhiều nhất lúc đó. Đến bộ phim Thanh Xà sau này, câu chuyện của Bạch Xà ai ai cũng thuộc. Nhưng trong truyền thuyết dường như có kết cục đoàn viên, người đầu tiên phản bội bắt vợ mình uống rượu hùng hoàng chính là Hứa Tiên, một người đàn ông hạ độc thủ với người yêu mình. Có lẽ đồng thoại không đơn thuần là vậy, có lẽ truyền thuyết cũng không tốt đẹp như vậy…

Hai câu chuyện cuối “Khóa Trường Mệnh” và “Áo Xích Long” chủ yếu là xuyên suốt lịch sử nhà Tần. Trước đây tôi có đọc một cuốn sách của Trình Bộ tiên sinh, đọc lịch sử theo một cách khác. Thực ra “lịch sử” được ghi chép trong “Sử ký” chẳng qua cũng chỉ là “tin tức của quá khứ” thôi. Còn “tin tức” mà truyền thông đưa tin, cũng hoàn toàn ìà lịch sử của tương lai .

Vì thế, trong sử sách những sự tích như vậy đáng để người ta nghiên cứu. Đặc biệt là thời Tần cách chúng ta một quãng thời gian vô cúng xa xôi. Có lẽ, đứng dưới góc độ của gã chủ tiệm, Tần Thủy Hoàng là một vị thánh quân, có lẽ trong nhận thức của chúng ta Tần Thủy Hoàng là một bạo chứa. Rốt cuộc Tần Thủy Hoàng là một người như thế nào, mọi người tranh luận rôm rả, nhưng những ví dụ tôi đưa ra trong sách thực ra đều được kiểm chứng nghiêm túc, nếu mọi người có hứng thú, có thể đọc nhiều sách sử về lĩnh vực này, tra xem trong ba mươi bảy năm tại vị của Tần Thủy Hoàng có giết oan một tướng quân, đại thần nào không, đi xem xem Trường Thành rốt cuộc đã có tác dụng quan trọng như thế nào trong lịch sử Trung Hoa, đi lật mở xem những quy tắc, quan chế, lập pháp… của nhà Tần chế định ra sao. Từ năm 221 trước Công Nguyên đến nay, nhà nước thống nhất theo chế độ tập quyền trung ương được Tần Thủy Hoàng thiết lập đã có hơn hai nghìn năm. Trong nhân loại lịch sử chưa có quốc gia nào có sức sống mãnh liệt như thế.

Về địa cung Tần lăng Ly Sơn cuối cùng, đương nhiên do tôi tưởng tượng ra. Đề tài đạo mộ đang hot bây giờ cho nên tôi cũng thử viết một đoạn, quả nhiên cảm giác rất tuyệt. Khi tra cứu về tài liệu đạo mộ liên quan, đột nhiên nhìn thấy một tấm ảnh bùa Mô Kim trong sách, bỗng thấy vô cùng quen thuộc, lúc ấy mới nhớ ra có người bạn tặng tôi năm ngoái, chỉ là bạn ấy nói với tôi đây là vật tránh tà. Tôi lục tủ lục ngăn tìm được nó… quả nhiên na ná nhau… là móng tay của con tê tê, phía sau được chạm khắc bằng vàng. Bùa Mô Kim là vật tránh tà được dân trộm mộ thời cổ đại dùng, tương truyền nó còn là chứng minh thư của hiệu úy Mô Kim thuộc phái Mô Kim thuộc tộc đạo mộ…. hi hi… phải giữ gìn cẩn thận.

Mười hai câu chuyện trong Á Xá, mỗi câu chuyện chú trọng những điểm không giống nhau, đề tài cũng khác nhau, có ngôn tình, có huyền huyễn, có trinh thám, có kinh dị, có lịch sử, đạo mộ… tôi thay đổi nhiều cách viết, thử sức nhiều đề tài khác nhau, viết rất hứng thú. Ở đây tôi muốn cảm ơn chủ biên Dương Tiểu Tà, nếu không phải anh ấy yêu cầu khắt khe với tôi có lẽ sẽ không có Á Xá đa dạng thế này, thực sự anh ấy đã gợi ý cho tôi rất nhiều. Còn phải cảm ơn Tô Doanh biên tập viên của tôi, không có cô ấy thúc giục bản thảo và kiên nhẫn thảo luận tình tiết trong Á Xá với tôi, Á Xá cũng không nhanh chóng được xuất hiện trước mặt mọi người thế này… Đặc biệt cảm ơn bạn Hiểu Bạc, họa sĩ vẽ tranh minh họa cho “Á Xá , từ tấm ảnh minh họa Gương Ngư Văn đầu tiên, cho đến bìa Á Xá xinh đẹp, mọi người có thể nhìn thấy sự thúc giục của tôi như thế nào, để một người luôn chỉ vẽ các cô gái dễ thương như cậu ấy đã biết vẽ trai đẹp, thực sự không dễ dàng gì! Đương nhiên cũng phải cảm ơn biên tập mỹ thuật Dương Quang, đã cùng tôi đốc thúc cậu ấy. ..

Cảm ơn sân chơi “Mạn khách tiểu thuyết hội” có thể cho Á Xá mở tiệm ở đây, cảm ơn các bạn độc giả đáng yêu của tiếu thuyết hội, Á Xá có ngày hôm nay chính là nhờ sự ủng hộ của các bạn. Hy vọng mọi người có thể lĩnh hội được gì đó trong những câu chuyện này, thích lịch sử của Trung Quốc, thích những món đồ cổ trong lịch sử, cuối cùng chính là thích những vật nhỏ bé bên cạnh mình.

Á Xá kết thúc ở đây rồi, có điều gã chủ tiệm vẫn còn sống, tiệm đồ cổ Á Xá vẫn mở cửa. Có lẽ không lâu sau sẽ có “Á Xá 2” xuất hiện, đồng thời Hồ Hợi cũng sống hơn hai nghìn năm, mục tiêu cuối cùng của hắn ta là gì?

Ai ya, đã nói là câu chuyện không thể kể, muốn biết không?

Những cổ vật đắm chìm trong quãng thời gian dài đằng đẵng, chỉ có thời gian mới chứng minh được tất cả.

Tất cả, đều có trong “Á Xá”.

Cổ vật trong Á Xá, mỗi một vật đều có câu chuyện của riêng mình, ghi chép từ rất nhiều năm, chẳng ai lắng nghe.

Bởi vì, chúng đều không biết nói…

Suỵt…

Huyền Sắc

5/3/2011

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN