Tiên Hạc Thần Kim - Cuộc Tiếp Khách Bằng Chưởng Lực
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
124


Tiên Hạc Thần Kim


Cuộc Tiếp Khách Bằng Chưởng Lực



Nhắc lại, hai người hòa thượng áo vàng tuy bi thương nặng nhưng cũng ráng chịu, dẫn dắt Thông Linh đạo trưởng và đồng bọn đi về hướng Bắc.

Sau khi vượt qua hơn bảy tám đồi núi thì mặt trời đã ngã hướng Tây, hoàng hôn bắt đầu bao trùm cả cảnh vật.

Ngọc Chánh Tử bực bội, không còn kiên nhẫn được nữa hỏi lớn :

– Đại Giác tự ở tại đâu? Cách đây còn bao xa nữa?

Người hòa thượng phía trước lạnh lẽo cười khẽ một tiếng rồi đưa tay chỉ vào một đồi núi ở phía Tây bắc, đáp :

– Thì tại trên đỉnh núi đó.

Ngọc Chánh Tử đưa mắt nhìn xa, thấy đỉnh núi ấy cao chọc trời, ánh hoàng hôn chiếu qua những làn mây trắng lờ đờ trôi trên sườn núi lẫn với ánh sương mù tạo thành nhiều màu lẫn lộn.

Lý Thanh Loan nhìn đỉnh núi cao ngất, thế núi hiểm trở, bất giác thở dài, than :

– Vũ ca! Nơi một đỉnh núi chót vót như vậy mà dựng một ngôi chùa thì thật không phải dễ, huynh nhỉ?

Quân Vũ mỉm cười nói :

– Có cây lớn, có đá sẵn thì xây cất một ngôi chùa có gì là khó.

Thanh Loan nhoẻn một nụ cười duyên dáng, nhảy đến bên Mã Quân Vũ nói nhỏ :

– Huynh thật thông minh, chuyện gì huynh cũng biết cả!

Lời khen ngớ ngẩn của Thanh Loan trước mặt hai vị sư thúc làm cho Quân Vũ thẹn đỏ mặt. Chàng muốn đáp lời thì Lý Thanh Loan nói tiếp :

– Vũ ca! Đại tỷ thật đẹp tuyệt! Tánh tình tỷ ấy lại ôn hòa như vậy, muội thật lưu luyến không muốn rời.

Quân Vũ mỉm môi cười khẽ, nhưng rèm mi của chàng bỗng nhuốm lệ mờ. Chàng chỉ nói được mấy tiếng :

– Nàng ấy rất tốt…

Rồi nín bặt. Lại quay sang phía khác lén lau hai giọt lệ đang lăn xuống gò má.

Hai lão hòa thượng áo vàng tuy bị thương không nhẹ nhưng vì phải đi gấp, nên buộc lòng cắn răng nhịn đau. Thỉnh thoảng bốn luồng nhãn quang của họ ném về phía Lý Thanh Loan. Vẻ đẹp của nàng đã làm cho hai hòa thượng ấy say sưa, quên cả thương tích đang hành hạ trong người.

Cái đỉnh núi ấy cao ngất. Mới trông qua thì như gần nhưng đi mãi vẫn không đến. Mãi cho đến lúc trời nhá nhem tối, đoàn người này mới vào được hẻm núi.

Ngọc Chánh Tử để ý xern xét đường vào, thấy hai bên dãy núi nằm dài dọc theo đường hẻm đến mấy trăm trượng. Ở giữa một hòn núi án ngữ lớn chừng hai trượng như một con chim đại bàng khổng lồ đang xòe cánh nằm phục tại đó. Đỉnh núi cao duy nhứt nằm sau lưng hòn núi án ngữ này.

Thông Linh đạo trưởng thấy đường vào quá hiểm trở, hai bên vách đá đứng thẳng, con đường ngoằn ngoèo và chật hẹp, tuyết đóng dày, trong sáng như thủy tinh, không có một cành cây để vịn. Càng vào càng hẹp dần. Con đường dẫn họ quanh theo sườn núi, rẽ vào phía trái, mịt mù không còn biết là bao xa nữa.

Nếu trên khoảng đường này có địch nhân ẩn núp, bất luận họ tấn công bằng cách nào, đều khó mà tránh được.

Thông Linh đạo trưởng liền đi nhanh một bước, kèm sát vào hòa thượng phía trái, ám trung vận khí, dồn sức qua bàn tay mặt, đề phòng nếu địch ra tay ám hại thì ông ta đánh chết người hòa thượng bên mình tức khắc, hoặc giả ông ta sẽ điểm vào huyệt đạo cho gã ấy bất động.

Ngọc Chánh Tử quay đầu lại dặn nhỏ Quân Vũ và Thanh Loan :

– Các con đi đàng sau không được đi gần nhau lắm, lỡ địch tấn công không xoay trở kịp.

Dứt lời, bà cũng nhảy tới trước, kèm sát vào gã hòa thượng đi bên mặt.

Hai gã hòa thượng dẫn đường nghiêm mặt nhìn Côn Luân Nhị Tử cất một tiếng cười lãnh đạm, rồi ngước mặt bước nhanh hơn.

Quân Vũ và Thanh Loan đi sau Ngọc Chánh Tử cách một trượng cả hai đều lẳng lặng để ý đề phòng.

Vào sâu khe núi độ ba mươi trượng, khi thế núi càng cao, lối vào lại càng hiểm trở hơn.

Côn Luân Nhị Tử vẫn kèm sát hai gã hòa thượng kia, một bước cũng không dám hở.

Hơn một tiếng đồng hồ, đoàn người này mới vượt qua khỏi con đường tuyết đóng cheo leo đó, may sao không xảy ra việc gì.

Hết con đường hẹp thì trước mặt họ đã hiện ra một đỉnh núi cao vút mây xanh, đứng sừng sững dưới ánh trăng mờ.

Sườn núi có một khoảng đất rộng độ trăm mẫu, bốn phía có những đỉnh núi bao quanh, nhưng không có đỉnh núi nào là hùng vĩ như điỉnh núi đối diện họ.

Hai người hòa thượng dẫn đường vừa đặt chân trên mảnh đất đó thì đột nhiên có mấy tiếng hét vang trời nổi lên. Trong bóng tối xông ra bốn hòa thượng áo vàng nữa. Tay mỗi người đều cầm đồng ba và bút sắt, sắp thành hàng ngang tiến dần đến.

Hai gã hòa thượng dẫn đường thấy đồng bọn xuất hiện liền búng chân nhảy nhanh về phía bốn người hòa thượng mới đến.

Ngọc Chánh Tử lẹ như chớp, rút kiếm chém theo hai gã hòa thượng dẫn đường, nhưng không còn kịp nữa. Hai gã này vượt qua bốn hòa thượng kia và biến vào trong bóng tối mất dạng.

Ngọc Chánh Tử thấy bốn tên áo vàng xuất hiện cầm đồng ba và bút sắt cản đường biết rằng muốn lên núi tất phải tranh đấu, đánh lui bốn ác tăng mới được, nên vũ động trường kiếm xông vào.

Bốn hòa thượng cản đường sắp thành hàng ngang, đưa bốn chiếc đồng ba ra ngăn cản, ánh sáng màu vàng nhấp nhánh biến thành một bức tường kiên cố.

Ngọc Chánh Tử vì nóng lòng lên núi, nên vừa xuất thủ đã dùng thế Hạnh Hoa Xuân Vũ, múa vút trường kiếm như một luồng ngân tinh bay tới.

Chiêu này là một tuyệt học trong Truy Vân thập nhị kiếm. Lúc ra tay oai thế rất mạnh.

Tuy nhiên, bốn hòa thượng kia đều là những Hộ pháp La Hán trong Đại Giác tự. Võ công của họ đã đạt đến mức cao cường. Bốn chiếc đồng ba cũng vũ động, tức thì một màn ánh sáng che khắp người. Chỉ nghe tiếng “keng keng” và thanh kiếm của Ngọc Chánh Tử phải bị đẩy tạt sang một bên.

Ngọc Chánh Tử kinh hồn, nghĩ thầm :

– “Với tuyệt chiêu này, dẫu không đánh địch thủ trọng thương cũng phải ép địch thủ lui vài bước, ngờ đâu địch thủ đã không lui mà còn đánh bạt trường kiếm của ta sang một bên.”

Trong lúc bà còn đang suy nghĩ thì bốn chiếc đồng ba của bốn hòa thượng đã múa thành bốn đường vòng tròn, loang loáng tấn công tới.

Ngọc Chánh Tử liền biến chiêu, quay trường kiếm, lách mình đánh trả một lúc bốn thế. Bốn luồng ánh sáng điểm vào bốn hòa thượng áo vàng.

Thật không phải tay vừa, bốn hòa thượng như đã đề phòng trước, múa bốn cây bút sắt thành bốn đường vuông, khóa đường kiếm của Ngọc Chánh Tử lại.

Với những thế võ tương trợ của đối phương, mũi kiếm của Ngọc Chánh Tử khó mà áp đảo nổi.

Thông Linh đạo trưởng thấy chiêu thuật đồng ba và bút sắt của bốn hòa thượng áo vàng thật quái dị, không thể trong vài ba chục hiệp là có thể phân định thắng bại được, nên muốn xông vào trợ chiến.

Bỗng Ngọc Chánh Tử hét lên một tiếng, cây trường kiếm của bà xử dụng các chiêu chức trong Truy Vân Kiếm Pháp cùng một lúc đánh ra bốn chiêu, ánh kiếm sáng ngời công tới.

Bốn hòa thượng bất thần không kịp tương ứng, nên phải lùi hai bước.

Dành được ưu thế, Ngọc Chánh Tử nhất thiết không để lỡ cơ hội. Thừa lúc bốn hòa thượng hàng ngũ chưa kịp chỉnh đốn, tung kiếm đánh luôn bốn chiêu tiếp, làm cho một cây bút sắt của đối phương tung ra khỏi tay, bắn ra một trượng.

Bốn hòa thượng chịu không nổi, phải lùi hơn một trượng củng cố hàng ngũ.

Ngọc Chánh Tử chưa biết tình hình của Huyền Thanh đạo trưởng ra làm sao, nên không dám đả thương bốn gã hòa thượng này, vội ngừng tay, nói lớn :

– Ta đã thử qua võ công của bốn vị, bây giờ xin bốn vị hãy truyền đạt lên vị chủ tọa của Đại Giác tự rằng có Tam Thanh Cung tại núi Côn Luân, Chưởng môn phái là Thông Linh đạo trưởng và Ngọc Chánh Tử lên núi yết kiến.

Bốn gã hòa thượng, nhìn Ngọc Chánh Tử đáp :

– Muốn lên núi yết kiến sao lại đả thương người trong bổn tự.

Ngọc Chánh Tử cướp lời đáp :

– Đả thương hai vị hòa thượng ấy không phải là bần đạo, vả lại chúng dòm ngó hành động của kẻ khác thì trách người ta không ra tay sao được. Nếu quý vị kiếm cớ không chịu truyền đạt lời yêu cầu của bần đạo thì đừng trách bần đạo ác độc.

Bốn hòa thượng vừa nếm mùi kiếm pháp lợi hại của Ngọc Chánh Tử, biết rằng tài năng của họ cũng khó ngăn cản được. Hơn nữa, Chưởng môn của một phái đã thân hành đến yết kiến một môn phái là việc trọng đại trong võ lâm, không thể khinh thị, nên lão hòa thượng đứng bên mặt, hình như cầm đầu trong bốn người, bước tới đáp :

– Đã là Chưởng môn của phái Côn Luân thì chúng tôi sẽ không từ chối việc bẩm báo cùng vị chủ tọa của chúng tôi. Song đỉnh núi và đáy núi cách nhau xa lắm. Quí vị hãy đứng đây đợi một lát.

Thông Linh đạo trưởng thấy bốn hòa thượng tuy tuân lời, nhưng vẻ mặt có hơi ngạo nghễ, lấy làm tức giận, nói :

– Đại Giác tự các ngươi đối với khách không biết gì lễ độ. Ta từng để gót giang hồ đã hơn mấy chục năm nay, chưa hề gặp những kẻ không biết điều như các ngươi. Các ngươi có tin rằng ta đủ sức vào chùa mà không cần phải báo trước chăng?

Thông Linh đạo trưởng vừa dứt lời thì chợt nghe trên sườn núi có tiếng cười lớn, nói :

– Người nào mà to gan như vậy, dám hỗn láo nơi Thanh Vân Nghiêm?

Tiếng nói sang sảng, và bóng người từ trên sườn núi cao rơi xuống như một bóng lưu ly.

Thông Linh đạo trưởng đưa mắt nhìn theo cái bóng mờ ấy thì thấy người vừa xuất hiện là một hòa thượng tuổi quá năm mươi, mặt dài như mặt lừa, tay cầm cây đàn trượng, thân pháp cực kỳ diễm ảo.

Bốn tăng ni áo vàng đối với vị hòa thượng áo xanh này rất cung kính. Họ đều đứng nép sang một bên nhường đường đi, và cúi đầu hành lễ.

Hòa thượng áo xanh bước đến trước mặc bốn nhà sư áo vàng, và ngước mặt nhìn bọn Thông Linh đạo trưởng, cất tiếng hỏi :

– Các người từ đâu đến?

Thông Linh đạo trưởng thấy vẻ hách dịch, ngạo nghễ của hòa thượng áo xanh, lòng tức giận, nghiêm mặt đáp :

– Chưởng môn phái Côn Luân muốn gặp chủ tọa Đại Giác tự có việc cần.

Hòa thượng áo xanh chăm chú nhìn Thanh Loan một lúc rồi cười ha hả, nói.

– Thất lễ! Thất lễ! Tiểu tăng là Nhất Thanh, có nhiệm vụ tiếp khách trong Đại Giác tự. Thế mà đạo trưởng là Chưởng môn phái Côn Luân, tiểu tăng lại không biết. Vậy xin mời theo tiểu tăng lên núi.

Dứt lời Nhất Thanh nắm ngang cây đần trượng cúi xuống hành lễ.

Thông Linh đạo trưởng tuy có vẻ nghi ngờ thiện chí của hòa thượng này, song vẫn bạo dạn tiến lên, theo gót lão lên núi.

Mã Quân Vũ, Lý Thanh Loan đi ở giữa, Ngọc Chánh Tử đi bọc hậu. Bốn tăng ni áo vàng lui bước, nhường đường cho năm người đi.

Lúc mới bắt đầu lên núi, tuy đường hiểm trở nhưng còn dễ đi. Sau đó họ lên đến ba trăm trượng cao thì đường lối không còn nữa, đâu đâu tuyết cũng đống dày, khí lạnh bốc lên như dao cắt ruột.

Nhất Thanh hòa thượng vẫn phăng phăng đạp tuyết đi không ngừng. Nếu người nào không đủ sức khinh công thì không thể nào theo kịp.

Thông Linh đạo trưởng và Ngọc Chánh Tử công lực già dặn, và đã từng len lỏi trong những chốn núi non hiểm trở, nên không thấy chút khó khăn. Mã Quân Vũ thì cũng còn miễn cưỡng đi theo được, duy có Lý Thanh Loan đi đứng rất nhọc nhằn. Nàng vừa đi được một đoạn đường thì mình mẩy ướt đẫm mồ hôi, trộn lẫn với khí lạnh của băng tuyết.

Thông Linh đạo trưởng đã dày kinh nghiệm, biết rằng các nhân vật trong Đại Giác tự ra vào núi không phải dùng con đường này, vì vậy ông ta luôn bám sát sau lưng vị hòa thượng Nhất Thanh.

Vượt khỏi đoạn đường tuyết đóng, lại đến một khoảng cây rừng, những gốc cây tùng san sát chen nhau phủ kín cả ánh sáng bên trên nên tối mịt, không còn thấy rõ được khu rừng ấy bao xa nữa.

Đến một khoảng bóng tối đen đặc, đột nhiên nhà sư Nhất Thanh dừng chân quay lại nói :

– Trong rừng tùng cũng có đường đi, nhưng phải quanh co mất nhiều thì giờ. Chúng ta nên leo lên đọt cây mà đi thì mau hơn.

Rồi không đợi Thông Linh đạo trưởng đáp lời, hòa thượng áo xanh nhảy vọt lên ngọn cây tùng, đạp lên ngọn cây mà đi.

Thông Linh đạo trưởng biết lão hòa thượng đó muốn thi triển khinh công, cười gằng một tiếng rồi phóng mình nhảy theo, chạy trên đọt cây thoăn thoắt. Ngọc Chánh Tử cầm lấy cổ tay Thanh Loan giúp nàng chuyền qua các nhánh cây tùng. Riêng Mã Quân Vũ lối đi này chưa quen và thiếu kinh nghiệm nên không đi được lanh lắm. May mà rừng cây tùng này chỉ độ năm trượng. Nếu còn xa hơn nữa chắc Mã Quân Vũ phải bị bỏ rơi. Qua khỏi rừng tùng lại phải trèo qua một sườn núi mới tới đỉnh.

Bấy giờ đêm đã vào lối canh hai.

Thông Linh đưa mắt quan sát chung quanh, thấy đỉnh núi rộng độ năm trăm mẫu. Đại Giác tự được kiến trúc trên khoảng đất này. Từng mái nhà, liên tiếp nhau như một trại lính.

Lão hòa thượng Nhất Thanh đưa khách vào một căn phòng đá, nơi đây trang bày sạch sẽ, có lẽ là nơi tiếp khách.

Vì là Nhất Thanh hòa thượng hướng dẫn, nên từ lúc vào cổng chùa đến tại phòng khách, bọn Thông Linh đạo trưởng gặp rất nhiều nhà tu trong chùa, nhưng không ai cản trở, và cũng chẳng ai hỏi đến.

Bấy giờ trời quang mây tạnh, mặt trăng như treo lơ lửng giữa không gian. Ánh trăng tỏa xuống dìu dịu. Trong phòng một cây đèn thắp bằng dầu tùng ngã màu xanh hoa lý.

Nhất Thanh hòa thượng sau khi mời khách an tọa, thấy Thanh Loan ngồi sát bên Mã Quân Vũ thì mỉm miệng cười. Nét mặt của nàng hồn nhiên tươi đẹp vô cùng khiến cho vị hòa thượng Nhất Thanh cũng phải ngơ ngẩn.

Thông Linh đạo trưởng thấy lối kiến trúc của chùa Đại Giác tự khác hẳn với các chùa thường. Các phòng ốc được dựng lên theo thế núi, giống như một làng mạc của một bộ tộc miền thượng du.

Trước phòng khách là một khung đất rộng, dưới ánh trăng thấp thoáng nhiều người qua lại, tuy họ đều là tăng ni nhưng sắc phục không giống nhau. Ai nấy như có vẻ bận rộn, mỗi người lo mỗi việc, không chuyện trò, coi nhau như người xa lại.

Thông Linh đạo trưởng và Ngọc Chánh Tử đều là những người già dặnkinh nghiệm giang hồ, các sào huyệt bí hiểm của các đảng cướp đều đã được thấy qua, nhưng chưa hề thấy một nơi nào uy nghi hiểm trở như chốn này. Nơi đây hình như chứa một cái gì thần bí đáng ngại.

Vị hòa thượng Nhất Thanh thấy hai luồng nhãn quang của Thông Linh đạo trưởng phát ra, hiểu ngay mối lo âu của ông ta, nên cười ha hả, rồi quay đầu lại nói :

– Các vị chịu khó ngồi ở đây đợi một lúc, để bần tăng truyền đạt lên vị chủ tọa, rồi sẽ trở lại đáp lời sau.

Thông Linh đạo trưởng bực dọc nói :

– Chúng tôi chỉ theo luật lệ võ lâm đến đây yết kiến quý tự, thật ra một căn phòng đá nhỏ như vậy đâu cầm chân được chúng tôi.

Dứt lời Thông Linh đạo trưởng đứng dậy bỏ ra ngoài.

Nhất Thanh hòa thượng cười nhạt nói :

– Đạo trưởng từ núi Côn Luân đến đây, đường xa mệt nhọc, nên phải nghỉ ngơi là hay hơn.

Dứt lời Nhất Thanh phất tay áo, hai tay hợp lại phía trước ngực như từ giã Thông Linh đạo trưởng.

Nói là cái chào tạm biệt, nhưng thật ra bên trong chứa một nội lực rất thâm hậu. Một luồng chưởng lực âm thầm bủa vào mặt Thông Linh đạo trưởng.

Thông Linh đạo trưởng cũng là một nhân vật từng trải giang hồ, có đâu lại không biết cử chỉ thử thách ấy. Đạo trưởng liền đưa tay đáp lễ, cũng ngầm vận nội lực phát chưởng chống lại.

Hai chưởng lực chạm nhau, Thông Linh đạo trưởng đứng trơ trơ không nhúc nhích, nhưng Nhất Thanh hòa thượng trái lại thân hình bị đẩy lui ba thước. Ông ta mượn đà ấy đi luôn vào đại sảnh.

Chạm sơ một chưởng, cả hai đã biết rõ nội công của nhau rồi.

Thông Linh đạo trưởng tuy biết mình trội hơn hòa thượng Nhất Thanh một bực, song cũng không thể không kinh sợ, thầm nghĩ :

– “Hắn chỉ là một tên tiếp khách trong chùa mà còn có thể chịu đựng đến bảy phần mười thành lực của ta thì tên chủ tọa giám sự Phương trượng võ công còn cao diệu đến bực nào. Xem thế thì hoàn cảnh này chắc là dữ nhiều lành ít.”

Tuy lòng ông có vẻ lo âu, nhưng ngoài mặt vẫn thản nhiên, lui về chỗ cũ ngồi xuống một cách điềm đạm.

Bốn người đợi nửa canh giờ, vẫn không thấy gã hòa thượng Nhất Thanh trở lại.

Ngọc Chánh Tử rất nóng ruột, đã mấy lần toan xông ra khỏi phòng đá, đi tìm Phương trượng để trách mắng, nhưng Thông Linh đạo trưởng vẫn khuyên can, thành thử bà ta cố nén lòng chờ đợi.

Đột nhiên có ba tiếng trống nổi lên, phá tan cảnh yên lặng của núi rừng. Tiếp đó một hồi chuông buông dài như một tràng chuỗi hạt rơi từng tiếng, Tiếng chuông nhỏ dần, rồi im bặt, nhường lại cho rừng khuya cảnh lặng lẽ u huyền.

Vạn vật như cựa mình thức giấc, rồi lại thiêm thiếp giấc nồng trong khung trời tuyết lạnh.

Không lâu sau, gã hòa thượng Nhất Thanh lại hấp tấp chạy đến. Lúc bấy giờ gã đã bỏ cây đàn trượng, chỉ đi tay không vào phòng, cúi mình xá Thông Linh đạo trưởng một cái, rồi cung kính nói :

– Phương trượng nghe nói quí vị đến viếng nên rất hoan nghinh. Bây giờ tại Giác Sảnh điện, ba vị trưởng lão đã ngồi chờ khách, bần tăng xin hướng dẫn chư vị đến đó.

Thông Linh đạo trưởng đưa mắt nhin Ngọc Chánh Tử rồi cùng nhau đứng dậy theo gót gã hòa thượng Nhất Thanh.

Đến Giác Sảnh điện phải qua một vùng đất đỏ, theo một con đường nhỏ trải đá trắng, quanh co trong các căn phòng chi chít. Hai bên có hai dãy tùng già, ánh trăng chiếu xuống một màu trắng đục.

Đi được nửa dặm, thì thấy trước mặt họ là một tòa đại điện, bên trong ánh sáng tỏa ra, quang cảnh rực rỡ. Nhất Thanh hòa thượng dẫn mọi người noi theo con đường đá rẽ về phía đại điện ấy.

Điện này dùng toàn đá xanh xây vách, bề cao chừng ba trượng, bên trong có chín căn phòng. Trong điện có thắp hai mươi bốn ngọn đèn dầu tùng, tuy ánh sáng dịu dàng nhưng không kém phần sáng sủa.

Sau bức tường có một tòa cung đài, nhưng bị một tấm màn bằng vải vàng che khuất, nên không rõ bên trong có thờ vị thần tượng nào.

Trước cung đài có đắp ba cái bệ sen, xây bằng đá xanh, ngang hàng với nhau. Trên đài sen có lót vải vàng, và có ba vị hòa thượng mặc áo trắng đang tọa vị.

Người ngồi giữa lông mày dài quá mắt, lim dim tịnh tọa, da mặt hồng hào đến nỗi Thông Linh đạo trưởng vừa trông thấy đã phải lo lắng nghĩ thầm :

– “Một người nội công tinh thuần đến đâu cũng khó có được một sắc mặt như vậy. Hòa thượng này chính là đã luyện đến mức phản lão hoàn đồng rồi.”

Ông ta liếc nhìn vị hòa thượng ngồi phía trái thì thấy vị này mặt đen như sắt, thân mình mập như trâu chương, thịt hai bên má thõng xuống đến cằm, ngồi im trên tòa sen như một đống thịt.

Người phía trái thân mình lại lùn nhỏ, sắc mặt trắng nhợt, so với vị hòa thượng ngồi ở phía tay mặt thật là tương phản.

Ba người này chính là ba vị Trưởng Lão trong Đại Giác tự.

Người ngồi giữa là Phương trượng Trụ Trì tên Thần Phật Linh Viễn. Người mập bên phải là Thiết Di Lặc Linh Hải. Người ốm ngồi bên trái là Khô Phật Linh Không.

Đứng hầu hai bên ba vị Trưởng Lão ấy có bốn vị hòa thượng áo xanh, trong mỗi người đều có cầm một cây đàn trượng to bằng cổ chân. Bốn hòa thượng áo xanh này người nào cũng quá năm mươi tuổi.

Ngoài ra, phía sau lưng Linh Viễn còn có hai đứa tiểu đồng mặt mày sáng láng ứng trực nữa.

Nhất Thanh hoà thượng dẫn khách đến cửa điện, bỗng bước nhanh tới một bước, chấp tay hướng vào ba vị Trưởng Lão, nói lớn :

– Chưởng môn phái Côn Luân Thông Linh đạo trưởng và các người tùy tùng đã đến yết kiến sư phụ.

Linh Viễn mở một con mắt nhìn Thông Linh đạo trưởng, lại liếc nhìn Lý Thanh Loan một cái rồi hỏi :

– Chưởng môn phái Côn Luân thân hành đến đây không biết có điều gì dạy bảo chúng tôi chăng?

Lời nói tuy ôn hòa, song chứa đầy kiêu căng, khách khí làm cho Thông Linh đạo trưởng phải nhíu mày.

Tuy nhiên Thông Linh đạo trưởng vẫn thi lễ, ôn tồn nói :

– Nếu không có việc gì chúng tôi đâu dám đến đây làm rộn chốn tu hành. Sư huynh của bần đạo là Huyền Thanh đạo trưởng, nửa tháng trước đây cùng với một vị hòa thượng đến đây cầu xin Tuyết Sâm quả. Chẳng hiểu vì đâu không thấy trở về, nên chúng tôi phải đến hỏi thăm.

Linh Viễn chưa kịp đáp thì Linh Không, người ngồi bên trái đã cười gằn một tiếng nói :

– Tuyết Sâm quả đâu phải là vật dễ tìm, sư huynh ngươi đi làm chuyện đó thật là uổng công.

Ngọc Chánh Tử giận biến sắc, nói :

– Tuyết Sâm quả đối với chúng tôi không quí hóa gì. Chúng tôi đến đây chỉ hỏi thăm tin tức của sư huynh chúng tôi mà thôi.

Khô Phật Linh Không lại cười lớn, nói :

– Đại Giác tự không tiếp xúc một ai trên giới giang hồ. Vả lại phái Côn Luân và chúng tôi cũng chưa từng quen biết, nơi đây là thánh địa của nhà Phật, không phải chỗ để các người nói nhiều lời.

Lời nói vừa khinh thị, vừa phách lối khiến cho Ngọc Chánh Tử giận đến run người.

Thông Linh đạo trưởng cũng không thể nhẫn nhục được nữa, cất tiếng đáp :

– Đại Giác tự cũng không phải là chỗ tường đồng vách sắt để chúng tôi kinh sợ.

Chúng tôi lên đây yết kiến là phỏng theo phép lịch sự của giới giang hồ. Nếu quí vị không nói rõ tin tức của sư huynh thì buộc lòng chúng tôi không thể giữ mãi được sự kính nể này.

Thần Phật Linh Viễn cất tiếng cười ngạo nghễ, nói :

– Như vậy là quí vị muốn đến đây gây chuyện với chúng tôi sao?

Thông Linh đạo trưởng liền lùi ra hai bước, đưa tay ra sau rút trường kiếm hét lớn :

– Kẻ hèn này từ ngàn dặm đến đây, tuy thế cô tài mọn, nhưng quyết không khuất phục kẻ khinh người.

Thần Phật Linh Viễn cười “hô hố”, đưa tay ra phất một cái, một luồng gió đánh tạt tới, hai mươi bốn cây đèn trên Giác Sảnh điện bị đánh gần tắt.

Ngọc Chánh Tử thấy chưởng phong vừa tạt đến, hơi lạnh bức người. Chờ cho đến lúc mấy ngọn đèn sáng tỏ, thì trên ba tòa sen đã trống lỏng. Ba vị Trưởng Lão đã biến đi đâu mất.

Trước điện chỉ còn lại Tri Khách Tăng Nhất Thanh và bốn hòa thượng áo xanh đứng hầu lúc nãy, tay cầm đàn trượng thủ thế.

Chỉ chớp mắt, quanh cảnh sảnh điện thay đổi như thế thật là bất ngờ.

Thông Linh đạo trưởng cũng phải giật mình thầm nghĩ :

– Hắn phất tay áo mà chưởng phong phát ra lạnh toát, chứng tỏ hắn dùng một âm phong kỳ lạ, cũng biết nội lực của hắn lợi hại đến đâu.

Trong lúc Thông Linh đạo trưởng đang nghĩ ngợi thì bốn hòa thượng áo xanh đã dang ra bốn góc, bao vây Thông Linh đạo trưởng vào giữa.

Thông Linh biết rằng đã đến nước này chỉ còn có cách dùng sức để giải thoát, không còn có cách nào nữa, nên quay lại bảo Ngọc Chánh Tử :

– Sư muội tạm thời đứng yên, để huynh thử xem bốn hòa thượng này bản lãnh thế nào đã.

Dứt lời, ông ta bước tới một bước, múa kiếm đâm liền một nhát vào ngực vị hòa thượng đứng hướng Tây.

Thông Linh đạo trưởng vốn có một sức mạnh hơn người, kiếm pháp lại tinh vi, nhưng đối với bốn hòa thường áo xanh cũng lại là những tay cao thủ trong Đại Giác tự thì dễ gì áp đảo nổi.

Bốn người này là nhân vật trong số tám đệ tử đời thứ nhất của ba vị Trưởng Lão, võ công thâm hậu tuyệt vời. Khi nghe hơi gió vũ lộng, cả ba cây đàn trượng cùng một lúc đánh tạt qua. Thông Linh đạo trưởng phải rút kiếm về thủ thế.

Bốn hòa thượng áo xanh dùng thế công đánh tới chiêu thứ hai. Sức gió vù vù như một luồng hào quang, bao vây thủ địch.

Thông Linh đạo trưởng vận khí Đan điền, lấy hết nội lực truyền qua trường kiếm, dùng Phân Quang kiếm pháp, áp đảo bốn cây đàn trượng phải thu về, không dám sách động như trước nữa.

Nguyên Phân Quang kiếm pháp của phái Côn Luân là một kiếm thuật lợi hại trong giới giang hồ, còn Thông Linh đạo trưởng là kẻ võ công thâm hậu, lại kinh nghiệm về chiến đấu cho nên mỗi đường kiếm của ông đánh ra là một tuyệt chiêu trong kiếm pháp, gây nguy hiểm cho đối phương không ít.

Mã Quân Vũ đứng xem, thấy sư thúc chàng cũng dùng thế kiếm ấy mà sức điêu luyện gấp mười lần, làm cho chàng kính phục vô cùng.

Lâu nay, chàng được sư phụ đích truyền môn Phân Quang kiếm pháp nhưng chàng tập luyện chưa nhuần nhã, lại chưa có dịp xem những yếu quyết trong kiếm pháp, nay có dịp thấy được Thông Linh đạo trưởng trổ tài như vậy làm sao chàng không mê mẫn tâm hồn.

Chàng đứng há hốc mồm, xem không chớp mắt. Chính dịp này dã cho chàng bài học quý hóa.

Thông Linh đạo trưởng liên tiếp công hãm hơn mười mấy chiêu, cũng không thể nào đẩy lui được bốn hòa thượng áo xanh, mặc dù ông ta đã làm cho bốn hòa thượng áo xanh phải luôn tay chống đỡ.

Bốn hòa thượng áo xanh đánh theo lối liên hoàn, hợp sức nhau để bảo vệ cho nên luồng kiếm quang của Thông Linh không chiếm nổi thế thượng phong..

Qua ba mươi hiệp Thông Linh đạo trưởng thấy bốn cây đàn trượng của bốn hòa thượng áo xanh càng đánh càng hăng, lòng nóng như đốt nghĩ thầm :

– “So với bản lãnh bọn này, nếu ta muốn thoát khỏi vòng vây của chúng thì chẳng khó gì, song muốn hạ chúng thì không phải trong một thời gian ngắn mà được. Vả lại, ta mang tiếng một Chưởng môn trong giáo phái, nếu đấu với bọn đệ tử Đại Giác tự quá trăm hiệp mà không hạ được họ thì còn gì là thể diện của phái Côn Luân.”

Nghĩ như thế, Thông Linh đạo trưởng hét lên một tiếng, thay đổi kiếm pháp, dùng những tuyệt chiêu trong Truy Vân thập nhị kiếm phối hợp với Thiên Cang chưởng Pháp đánh ra một lượt. Luồng kiếm quang vũ lộng như ánh lân tinh, như hàng vạn con sóng triều cuốn theo chiều gió, ép bốn vị hòa thượng áo xanh vào một góc.

Bấy giờ Quân Vũ mê man theo dõi trận đấu, tâm trí để hết vào các đường kiếm của Thông Linh đạo trưởng như chính chàng đang cùng địch thủ giao tranh vậy.

Bỗng nghe một tiếng hét kinh người. Bốn hòa thượng áo xanh trong lúc liên tiếp thối lui, bỗng biến đổi trượng pháp, cùng nhau đổi vị trí mà ứng phó.

Ban đầu họ còn lúng túng, nhưng sau vài chiêu, bốn cây đàn trượng kết nhau thành một bức màn, cản hết những đường kiếm lợi hại của Thông Linh đạo trưởng. Bốn người hợp một xử dụng thế đánh liên hoàn trông rất lợi hại mà Thông Linh đạo trưởng mặc dù kiếm pháp tinh diệu cũng không làm sao công phá nổi.

Sức một người đánh với bốn, nếu đánh lâu Thông Linh đạo trưởng sẽ đuối sức ngay.

Ngọc Chánh Tử thấy vậy tức giận liền rút kiếm nhảy vào ứng chiến. Một nhát kiếm của bà ta vừa công đến, bốn hòa thượng áo xanh phải vẹt làm đôi. Họ chia nhau làm hai nhóm để đánh với Thông Linh đạo trưởng và Ngọc Chánh Tử.

Mã Quân Vũ thấy vậy bảo Thanh Loan :

– Sư muội hãy đứng đây xem chừng, để huynh vào tiếp ứng với hai vị sư thúc.

Chàng liền rút trường kiếm xông vào trợ lực với Ngọc Chánh Tử. Mũi kiếm chàng vừa công tới đã chận cây đàn trượng của một hòa thượng áo xanh, ép vào góc điện.

Thế là trong góc sảnh điện chia ra làm ba nhóm. Một nhóm do Thông Linh đạo trưởng đấu với hai hòa thượng áo xanh, còn hai nhóm kia do Ngọc Chánh Tử và Mã Quân Vũ mỗi người độc đấu với mỗi hòa thượng.

Quân Vũ võ công còn nông cạn nên Thông Linh đạo trưởng và Ngọc Chánh Tử đều lo lắng cho chàng.

Ban đầu, gã hòa thượng áo xanh dùng đàn trượng áp đảo, đẩy lùi Quân Vũ ra ba bước.

Quân Vũ cố áp dụng Phân Quang kiếm pháp chống đỡ, nhưng cây đàn trượng của hòa thượng bay lượn vùn vụt, chàng không sao chịu đựng nổi, phải lùi dần vào trong xó.

Trong lúc tình thế nguy ngập như vậy, Quân Vũ bỗng nhớ ra thân pháp Ngũ Hành Mê Tung, chàng bấm chân bước theo phương vị do Bạch Vân Phi đã truyền dạy, lúc nhảy bên tả lúc nhảy bên hữu, làm cho hoà thượng kia không biết đâu né tránh nữa, phải nhường cho Mã Quân Vũ tiến tới mấy bước.

Quân Vũ đã chiếm được ưu thế, vị hòa thượng áo xanh ấy từ góc này chạy qua góc khác, chạy khắp Đại Giác Sảnh.

Thanh Loan thấy vậy reo lớn :

– Vũ ca! Hay lắm.

Thông Linh đạo trưởng nghe Lý Thanh Loan kêu, liền quay đầu lại, dòm về phía chàng thì thấy Quân Vũ thân pháp cực kỳ lanh lẹ, lúc tiến bên tả, lúc tràn bên hữu, bước nào cũng tinh diệu vô cùng. Còn gã hòa thượng đối thủ của chàng thì cứ lùi dần ra đàng sau, không ngớt bị Quân Vũ tấn công.

Thông Linh đạo trưởng ngạc nhiên, nghĩ thầm :

– “Lối di dịch của hắn không phải là võ học của phái Côn Luân, không biết hắn học ở đâu môn thân pháp kỳ diệu ấy?”

Thông Linh đạo trưởng vì mãi xem xét thân pháp của Quân Vũ nên đường kiếm chậm lại, bị đối phương thừa cơ bủa xuống một đàn trượng, sức mạnh như vũ bão.

Ông ta thất kinh, vận hết nội lực vào tay đỡ vẹt đẩy đàn trượng ra, nghe một tiếng “rắc”. Hai sức chạm nhau, cả hai bên đều cảm thấy tai chân rúng động.

Bấy giờ việc thắng bại của hai bên đã trông thấy hiển nhiên rồi.

Nhất Thanh, Nhất Nguyệt hai hòa thượng này bị Thông Linh đạo trưởng dùng Truy Vân Kiếm Pháp áp đảo liên hồi. Nhất Lôi bị Quân Vũ dùng Ngũ Hành Mê Tung rượt chạy khắp điện. Chỉ còn có lão hòa thượng Nhất Vân thì đánh cầm cự với Ngọc Chánh Tử mà thôi.

Trong lúc hai bên đang trao đổi nhau những đòn quyết liệt để kết thúc thế trận thì đột nhiên có một tiếng hét kinh hồn :

– Đồ vô dụng! Sáu người mà đánh không lại ba người. Hãy lui ra hết.

Tiếng hét dường như sấm dậy khiến mọi người đều giựt mình, không ai bảo ai mà các đấu thủ đều nhảy lui ra một bước.

Bốn hòa thượng Thanh, Nguyệt, Vân, Lôi, đều nhảy trái ra phía cửa trước, giăng hàng ngang chận lối ra.

Thông Linh đạo trưởng liếc mắt nhìn vào bức màn vải vàng thì thấy Linh Hải xuất hiện.

Linh Hải là vị Trưởng Lão mập phệ trong ba Trưởng Lão của Đại Giác tự. Thiết Di Lặc Linh Hải nổi giận, trợn mắt, nét mặt càng thấy dễ sợ hơn lúc nãy ngồi trên bệ sen.

Thông Linh đạo trưởng đánh với Nhất Thanh, Nhất Nguyệt, biết các hòa thượng trong Đại Giác tự đều có một võ công rất giỏi.

Bây giờ trước Thiết Di Lặc Linh Hải, một trong ba Trưởng Lão, võ công tất cao cường nên không thể sơ hở được. Ông ta vận khí dồn nội lực để đề phòng.

Linh Hải đứng cách Thông Linh đạo trưởng chừng năm bước, cười gằn một tiếng và nói :

– Kiếm thuật của đạo trưởng rất kỳ diệu, bần tăng thử xin lãnh giáo vài chiêu.

Dứt lời, Linh Hải bước tới xuất thủ, đánh tạt qua một chưởng. Thông Linh đạo trưởng đã đề phòng sẵn, nên kịp thối chân một bước, xuất thế Nghinh Phong Đoạn Thảo ra chống lại. Linh Hải tuy thân thể mập phệ, song không phải vì thế mà chậm chạp. Toàn thân vũ động như chớp, vừa xoay lưng một cái đã tung liền ra một lúc hai chưởng tiếp theo, chưởng trước liền với chưởng sau không đầy nháy mắt.

Thông Linh đạo trưởng thấy nội công của Linh Hải quá trầm hùng, phải tập trung hết nội lực vào mũi kiếm, múa thành vòng tròn để hóa giải chưởng lực của đối phương.

Hai bên tiếp đấu sáu bảy chiêu, Thông Linh đạo trưởng tay chân bị ép mạnh, không còn đủ sức tấn công nữa, mà chỉ lo thủ thế.

Linh Hải cười lớn, nói :

– Chưởng môn phái Côn Luân võ nghệ quả khác thường? Hãy đỡ thêm vài chưởng nữa xem sao?

Thông Linh đạo trưởng giận vì lời nói ngạo nghễ của Linh Hải, nên dồn hết sức lực, dùng một chiêu tối độc chém thẳng vào ngực Linh Hải.

Với chiêu thế này, tưởng rằng Linh Hải dẫu võ nghệ cao diệu đến đâu cũng phải lùi lại hai bước. Ngờ đâu Linh Hải không tránh, chỉ dùng tay đánh phất qua một cái theo thế Trực Khâu Thiên Môn khiến cho mũi kiếm của Thông Linh đạo trưởng phải tạt sang một phía. Chưởng này Linh Hải đã vận chân lực nội gia cho nên uy mãnh phi thường.

Thông Linh đạo trưởng thấy thế phải lùi xa bảy bước, nhưng Linh Hải đã lanh lẹ tiến đến và dùng song chưởng tấn công tới tấp, càng đánh càng mạnh.

Sau mười mấy chiêu cầm cự, Thông Linh đạo trưởng lần lần thấy mình bị giảm sút rất nhiều. Còn Linh Hải càng đánh càng xuất nhiều chiêu thế quái ác không sao lường trước được.

Ngọc Chánh Tử đứng ngoài sau thấy nguy hiểm đang bao trùm Thông Linh đạo trưởng.

Nếu còn đánh thêm nữa thì Thông Linh đạo trưởng nhất định phải tan xác dưới làn chưởng lực của hòa thượng mập ấy.

Bà vừa toan tung kiếm vào thì bỗng nổi lên một tiếng hát. Giọng hát thanh như tiếng chuông ngân, và tiếp theo đó có mấy tiếng “tinh! tinh! tinh!” phát ra ở cửa điện. Trong sáu tăng sư áo xanh có hai người bị ám khí ngã xuống. Ngoài ra hơn mười mấy ngọn đèn dầu trong điện bị một làn khói trắng đánh tạt tới làm tắt hết.

Lướt theo hơi gió vù vù ấy, ngoài cửa điện có ba bóng người xông vào.

Biến cố xảy ra quá đột ngột làm cho ai nấy ngơ ngác, mặt mày biến sắc.

Linh Hải thu hồi chưởng lực đề phòng bị. Nhờ đó Thông Linh đạo trưởng có dịp nhảy lùi ra xa sáu bước, xoay mặt nhìn, thì ba cái bóng lạ đã tiến vào, đứng thành hàng ngang.

Ở giữa một đạo sĩ vai mang kiếm dài, chính là Huyền Thanh đạo trưởng. Bên phải là một nhà sư mặt mày hiền hậu, tay cầm cây đàn trượng, chính là Ngô Không đại sư. Bên trái là một vị thiếu niên mặt đẹp như dồi phấn, môi đỏ tợ thoa son, dáng điệu oai hùng, chính là Bạch Vân Phi. Bạch Vân Phi vẫn trong bộ y phục nam trang.

Mã Quân Vũ trông thấy lật đật bước đến quỳ xuống đất. Lý Thanh Loan kêu lên một tiếng nhảy vào lòng Ngô Không đại sư. Thông Linh đạo trưởng giơ một tay lên ngực, hơi cúi mình xuống, hướng vào Huyền Thanh đạo trưởng, nói :

– Đại sư huynh mạnh giỏi!

Ngọc Chánh Tử nét mặt buồn vui lẫn lộn, nói :

– Đại sư huynh! Đại sư huynh chỉ vì muội mà chịu khổ. Muội ân hận vô cùng.

Huyền Thanh đạo trưởng đáp lễ cùng Thông Linh đạo trưởng, và nói :

– Sư huynh không thể nhận đại lễ. Nay Huyền Thanh tôi đã trót phạm quy môn, chỉ có lời hỏi thăm Chưởng môn mạnh giỏi, và xin rời khỏi Đại Giác tự để chịu tội.

Thông Linh đạo trưởng thấy thái độ của Huyền Thanh đạo trưởng như vậy lấy làm lo lắng, đáp :

– Đại sư huynh dạy quá nặng lời rồi. Sư muội đã nói cho đệ rõ mọi việc. Chuyện làm vừa rồi là bất đắc dĩ, có ai trách sư huynh được.

Huyền Thanh đạo trưởng buồn bã nói :

– Chưởng môn tha lỗi làm cho tiểu huynh càng hổ thẹn. Huynh xin cảm ơn tại đây.

Dứt lời, Huyền Thanh đạo trưởng đưa tay lên ngực, cúi đầu chào Thông Linh đạo trưởng rồi dắt Quân Vũ đứng dậy, nhìn Ngọc Chánh Tử mỉm cười.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN