Tiên Hạc Thần Kim - Đệ Tử Tranh Tài Ra Tay Hạ Thủ Thầy
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
116


Tiên Hạc Thần Kim


Đệ Tử Tranh Tài Ra Tay Hạ Thủ Thầy



Giác Ngộ truyền võ công cho Tô Hùng, rồi tỏ lời than :

– Ta nhận thấy con có trí thông minh hơn ba sư huynh con. Nhưng chỉ tiếc rằng trong vũ thư Tam Âm thần ni còn những quyền quyết thâm hậu, ta chưa xem hết, nên không thể dạy thấu triệt cho con được.

Trong mấy tháng nay, ngoài những lúc tập luyện võ công, Tô Hùng đã có ý muốn đoạt lấy vũ thư của Tam Âm thần ni nhưng chưa có dịp. Nay chàng nghe lão nói, nên định mưu nói :

– Những võ công của sư phụ truyền cho đệ tử đều là tuyệt học tinh vi, không lý vũ thư Tam Âm thần ni lại còn võ công sâu xa nữa sao?

Giác Ngộ hòa thượng suốt đời chỉ khổ tâm nghiên cứu võ công, ngoài ra không lưu tâm đến việc gì cả. Thời xưa lã ta đã lấy võ học tinh vi dạy cho Linh Viễn, Linh Hải và Linh Không. Nhưng rốt cuộc đã bị ba đệ tử ấy phản bội, ám hại, nhốt lão hơn ba mươi năm nay, mà lão vì thói quen không đổi tính, nên nay vẫn hết lòng truyền thụ cho Tô Hùng.

Giác Ngộ cười lớn nói :

– Vũ thư của Tam Âm thần ni đều là tâm huyết của bậc tiền bối nên mỗi chiêu mỗi thế đều thần diệu đến cực điểm. Chỉ tiếc phần Thái Âm khí công ghi trong đó không thể học trong năm bảy tháng được, mà phải cố tâm tu luyện ít nhất một năm mới có thể lãnh hội được. Môn võ công này ác hiểm lắm. Kẻ học được thường sanh tâm độc ác. Do đó ta không cố luyện. Nếu nay con muốn học, thì ta cố tâm dùng vũ thư Tam Âm thần ni dạy cho.

Tô Hùng nghe rất thích, nhưng giả vờ nói :

– Sư phụ đã không thích học Thái Âm khí công thì đệ tử không học cũng được.

Giác Ngộ ân cần nói :

– Tuy Thái Âm khí công quá ác độc. Nhưng con không học môn công phu đó, thì không thể hơn ba sư huynh con được. Vậy con quyết đinh thế nào?

Tô Hùng thích chí đáp :

– Dạ! Con xin cố tâm học cho vui lòng sư phụ?

Giác Ngộ bắt đầu dùng tâm pháp khẩu quyết dạy cho Tô Hùng Thái Âm khí công, một môn rất sâu xa, phải dùng công phu nội gia tu dưỡng bản thân, và mượn các âm khí bên ngoài. Tô Hùng tuy rất thông minh, nhưng học đến hơn mười ngày, mới hiểu sơ qua các yếu điểm.

Ngày tháng trôi qua như mây bay, Tô Hùng cố tâm theo học võ công của Giác Ngộ trong động, thấm thoát hơn nửa năm. Trong nửa năm ấy Tô Hùng thỉnh thoảng ra khỏi động độ năm lần để đi tìm các món ăn. Mỗi một lần ra ngoài là chàng hái đào, lê, táo ngoài rừng đem về động.

Giác Ngộ đã hơn ba chục năm nay chỉ dùng một thứ bánh khô mà thôi, đâu có được ăn đào, lê. Vì thế lão rất cảm mến Tô Hùng. Lão đem hết võ học cố tâm nghiên cứu hơn mấy chục năm truyền hết cho người đệ tử mới này.

Một hôm, sau một hồi tập luyện khó nhọc, Giác Ngộ nói :

– Võ công cực khổ của ta nghiên cứu xưa nay, bây giờ đã truyền dạy cho con hết rồi.

Chỉ cần con học thuộc lòng trong vũ thư Tam Âm thần ni đó để đem sức lực tập luyện không ngừng là thành tài. Theo ta đoán, thì với tài trí thông minh của con mà cố tập luyện chừng ba năm nữa, sẽ có kết quả rất lớn. Mấy phép tuyệt kỹ đó, bây giờ con có thể vận dụng được, là nhờ những môn ta đã dạy đều có ghi trong vũ thư. Ngoài ra có thêm những thế mà ta đã theo những môn võ của các phái, tự chế ra đó.

Nói đến đây, lão ngừng lại suy nghĩ một hồi lâu, rồi ngước mặt nói tiếp :

– A! Bây giờ ta cảm thấy mệt quá, con đi hái một ít trái cây về ăn cho khỏe.

Tô Hùng đang chăm chú nghe, tìm hiểu thần tình của lão, nhưng chưa hết lời, lão lại sai đi. Chàng mỉm cười, chạy ra ngoài rừng. Chẳng bao lâu, Tô Hùng đã hái đem về rất nhiều lê, táo…

Giác Ngộ không nói chuyện nữa, chỉ ngồi ăn những trái cây. Tô Hùng biết lão muốn nói một điều gì, nên điềm nhiên không hỏi, cứ ngồi yên theo dõi từng cử chỉ.

Giác Ngộ ăn xong, gọi Tô Hùng lại ngồi gần nói :

– Những võ công con học đó đã nhiều hơn ba sư huynh của con rồi. Chỉ còn tập luyện đến mức uyên thâm mà thôi. Về công lực chắc con không thể bì kịp ba sư huynh con.

Tô Hùng cười đáp :

– Vậy đệ tử cố sức tập luyện chừng năm bảy năm nữa, hãy tìm ba sư huynh đó mà báo thù cho sư phụ.

Giác Ngộ lắc đầu nói :

– Ta đã đợi hết ba mươi mấy năm rồi! Bây giờ chắc không thể đợi được nữa!

Tô Hùng nói :

– Thôi, để đệ tử đi tìm ba sư huynh ngay bây giờ, dẫu đệ tử có chết cũng không luyến tiếc.

Giác Ngộ hai mắt bị mù, không thấy được thần sắc của Tô Hùng, nên cứ tưởng hắn rất trung thành, mừng rỡ nói :

– Dầu con có luyện thêm hai năm nữa, cũng khó địch lại với ba sư huynh con. Con đừng nóng lòng mà thiệt mạng….

Chưa đứt lời, lão đưa tay mò vuốt lên mái tóc của Tô Hùng, tâm thần cảm động, hỏi :

– Năm nay con được bao nhiêu tuổi?

Tô Hùng hoảng sợ, không hiểu tại sao lão lại xúc động đến rung chuyển cả người, vội vận hết công lực ngừa sự bất trắc rồi mới đáp :

– Đệ tử năm nay đã hai mươi ba tuổi.

Miệng trả lời, mà cặp mắt không ngớt nhìn cử chỉ của Giác Ngộ và thầm nghĩ :

– Nếu lão muốn ra tay, thì mình nhảy phóc ra khỏi hang này, dùng củi khô đốt cho lão chết trong động là xong.

Nhưng chỉ thấy Giác Ngộ gục đầu, lẩm bẩm :

– Năm nay con hai mươi ba tuổi. Cứ tính theo trí thông minh của con mà nói, con phải tập luyện đến bảy năm nữa. Đến lúc ba mươi tuổi thì con mới đủ công lực để sử dụng các môn tuyệt học này. Lúc đó may ra mới có thể tranh tài với ba sư huynh con nổi. Nhưng…

Nhưng thời gian quá lâu ắt ta không còn.

Tô Hùng thấy vẻ mặt Giác Ngộ càng nói càng kích động, làm chàng sợ đến toát mồ hôi.

Giác Ngộ thở dài một hơi nói :

– Trong vũ thư Tam Âm thần ni có một thế võ rất ghê rợn mà mau thành. Nhưng may thay, ba sư huynh của con, khi móc đôi mắt, chặt đứt hai chân ta mà không thể đoạt được vũ thư. Cũng tiếc thay, lúc đó ta chưa kịp coi hết thì đã bị ba nghiệt đồ móc mắt ta rồi…

Vừa nói, lão vừa lần tay vào túi áo gần nửa ngày, mới móc ra một tập sách mỏng, giao cho Tô Hùng, nói :

– Đây là vũ thư của Tam Âm thần ni. Con hãy đọc cho ta nghe với. Chứ các phép ghi trong đó đa phần ta đã dạy cho con rồi, chỉ còn một thứ võ công tốc hành là Phất Huyệt Thác Cốt.

Tô Hùng cầm vũ thư, lòng quá cảm động, hai tay run run suýt rơi xuống đất. Qua một hồi lâu, chàng mới bình tĩnh lại được.

Quyển vũ thư nguyên văn chỉ có mười ba tờ ghi rõ một thế tuyệt học, chữ viết bằng dầu sơn, họa đồ dùng thuốc đơn thanh.

Tô Hùng chăm chú đọc rõ lại từng trang, chỉ thấy trong trang dầu có họa đồ giải chích đơn giản, mỗi hình vẽ huyền cơ quá bí ẩn. Tuy có họa đồ nhưng mới sơ ngộ thật khó lĩnh hội, nếu không có người chỉ vẽ thì phải nghiên cứu rất nhiều năm mới hiểu được.

Xem kỹ những võ công ghi chép trong vũ thư thì quả thật đã được Giác Ngộ truyền thụ cho Tô Hùng rồi. Chàng đọc mãi đến tờ thứ mười ba mới thấy môn võ công tốc hành Phất Huyệt Thác Cốt. Cách luyện tập chỉ là ẩn ý của lời phê cao sâu. Chàng tuy thông minh nhưng không thể nào hiểu nổi.

Tô Hùng xem đến đấy đọc lại từng chữ cho hòa thượng Giác Ngộ nghe.

Giác Ngộ nghe qua một câu, phải suy nghĩ một hồi lâu, rồi mới giảng giải cho Tô Hùng hiểu. Cứ như thế, lão bắt Tô Hùng đọc đi đọc lại mãi tờ thứ mười ba hơn hai mươi lần mới thấu hiểu được.

Giác Ngộ nhờ mấy chục năm nghiên cứu võ học, nên sức hiểu biết cao rộng hơn Tô Hùng nhiều. Nhờ vậy mà chưa đầy một ngày, lão đã thông hiểu toàn vẹn.

Tô Hùng vốn tánh thông minh, nên khi Giác Ngộ giảng giải lại, chỉ hai ngày sau chàng đã thông hiểu hết.

Phép Phất Huyệt Thác Cốt vốn là một công phu rất kỳ diệu, trừ ra phép giết người, còn Thập Nhị Kiếm biến hóa để công địch quá tinh vi. Cứ một đường kiếm đều có một cách dùng riêng.

Tô Hùng nhờ sự chỉ đạo của Giác Ngộ cố gắng tập tành.

Hai sư đồ trải qua bao nhiêu ngày khổ tâm nghiên cứu, Tô Hùng dần dần hiểu được từng kiếm pháp, đến phép Phất Huyệt Thác Cốt cũng đã vận dụng được.

Giác Ngộ thấy Tô Hùng đã đạt đến một kết quả khá lớn, mau hơn thời gian lão dự tính, nên cảm thấy sung sướng vô cùng.

Ngày đó, sau khi hai người tập luyện xong, lão cười nói :

– Bây giờ tất cả các kiếm pháp, con đã thành thuộc hết nhưng chưa biết lúc sử dụng linh nghiệm như thế nào? Vì võ công dẫu cao siêu thế nào đi nữa, lần đầu tiên sử dụng cũng bỡ ngỡ. Cần phải trải qua nhiều thực nghiệm mới có thể phát huy hết công lực được. Như thế ta muốn con đem hết các thế võ công đã học gần một năm nay thử với ta cho biết hiệu nghiệm.

Tô Hùng nghĩ :

– “Thập Nhị Kiếm biến hóa kỳ diệu, và Phất Huyệt Thác Cốt bây giờ mình thành thuộc, nhưng khi đối địch thì hiệu lực như thế nào chưa biết được. Bây giờ lão muốn thử võ công với mình thật đúng lúc để mình rút kinh nghiệm chiến đấu.”

Chàng bỡ ngỡ đáp :

– Võ học của sư phụ tinh bát, đệ tử đâu phải là địch thủ? Đệ tử không dám chạm tay với sư phụ.

Giác Ngộ cười nói :

– Ta chỉ muốn khảo nghiệm võ công của con, chớ đâu phải thật tâm hạ thủ. Chẳng qua trưong khi thí nghiệm, ta muốn cho con dùng hết toàn lực để ta xem mức tiến bộ.

Tô Hùng cười nói :

– Sư phụ đã cho phép như vậy, đệ tử cũng phải làm hài lòng sư phụ.

Chàng liền vận công đánh tới một thế.

Giác Ngộ chỉ nghe hơi gió, đã đưa tay ra nhanh như chớp. Tô Hùng cảm thấy công lực chàng kém hơn, nên không dám đỡ chưởng thế của Giác Ngộ. Chàng vội lách mình qua một bên, rồi thừa thế đưa hai tay chặt đến liên hồi.

Giác Ngộ tuy võ cao siêu, nhưng bị giam vào động này đã lươn ba mươi năm nay chưa từng chạm tay với ai. Hơn nữa, lão chỉ có ý giữ thế thủ để cho Tô Hùng thực tập mà thôi.

Hiện giờ, hai người tuy chỉ thử lại các chiêu thế nhưng cảm thấy rất hứng thú. Họ đánh rất hăng say. Tiếng rung động của dây xích va chạm rất ác liệt. Lão chỉ còn một tay trái, nhưng đánh rất mạnh.

Tô Hùng thấy thế, cũng dùng toàn lực công địch, không còn chút nhường nhịn nữa. Hai sư đồ trở thành hai đấu thủ.

Mấy môn võ học của Tô Hùng đều do Giác Ngộ truyền thụ. Dù cho hắn dùng hết toàn lực, đều không thoát khỏi sự kiềm chế.

Hai người đấu nhau hơn hai chục hiệp mà Tô Hùng đã có sáu bảy lần bị lâm vào thế nguy. Nếu thật tình đánh với nhau thì Tô Hùng đã mất mạng dưới tay của Giác Ngộ rồi.

Tô Hùng vừa đánh vừa nghĩ. :

“Võ công mình dùng đều do lão truyền lại nên bị lão áp đảo mãi. Bây giờ chỉ còn phép Phất Huyệt Thác Cốt may có thể thắng được.”

Tô Hùng liền nhảy lui lui bước, không ngờ Giác Ngộ công tiếp một chiêu quá ác, dây xích cũng vướng đến làm chấn động cả hang đá, nhát đánh nhanh như chớp.

Tô Hùng quá tức, vội chắp hai tay vận hết nội lực tống mạnh ra một chưởng. Chàng tuy đỡ được nhát đánh của Giác Ngộ, nhưng hai tay cảm thấy tê liệt, mặt mày choáng váng, vội lui sát vào vách đá, miệng kêu lên :

– Sư phụ! Đừng đánh nữa! Đệ tử đã đuối sức rồi!

Giác Ngộ cười khe khẽ, nói :

– Con đỡ được đòn vừa rồi, thật khá lắm! Bây giờ ta còn đang hứng thú, vậy đánh thêm vài chiêu nữa rồi hãy nghỉ.

Lão liền vút ngang qua một chiêu nữa.

Tô Hùng thấy thế quá mạnh, nên không dám đỡ, vội tung mình nhảy vút qua đầu Giác Ngộ. Chân hắn vừa chạm xuống đất, đã nghe tiếng động của dây xích tiến đến sau lưng rồi.

Tô Hùng vội lách mình nhảy qua bên trái, tránh khỏi đường truy kích của Giác Ngộ, rồi mới quay lại thủ thế.

Công lực của Giác Ngộ càng đánh càng mạnh. Trong chớp nhoáng đôi bên đã đánh hơn mười hiệp nữa. Tô hùng bị lâm vào thế nguy, hơi thở hổn hển như trâu cày buổi trưa.

Giác Ngộ nghe hơi thở mệt nhọc của Tô Hùng, mới thâu lại chưởng thế, cười nói :

– Mới gần một năm mà võ công của con đã tiến bộ nhiều nên có thể đỡ được mấy chục chiêu mãnh liệt ấy.

Tô Hùng vừa thở vừa đáp :

– Đệ tử đã quá đuối sức rồi, nếu sư phụ không ngừng tay chắc con thọ thương nặng rồi.

Giác Ngộ cười nói :

– Như thế phép Phất Huyệt Thác cốt và Thập Nhị Kiếm theo thế biến hóa công địch, con đã luyện tập thuộc làu chưa?

Tô Hùng đáp :

– Dạ đệ tử thuộc đã khá nhiều, chỉ còn một chiêu Du Ngư Nghịch Lãng, đến hôm nay mà đệ tử chưa hiểu rõ được cách biến hóa.

Giác Ngộ suy nghĩ một hồi, mới nói :

– Con đọc lại hết Thập Nhị Kiếm cho ta nghe.

Tô Hùng vâng lời, đọc hết nguyên văn một lần nữa.

Lão nghe, nhưng không nói một câu nào. Đột nhiên, lão đưa tay chặt mạnh ra, Tô Hùng đang chăm chú đọc, bất ngờ thấy chưởng của lão đánh thẳng vào mặt, liền tung tay trái lên đỡ, còn tay mặt phất mạnh qua như chớp. Tay mặt chàng đã đánh trúng vào Khúc Trì huyệt của Giác Ngộ.

Chiêu vừa rồi, Tô Hùng đánh bất ngờ như thế, đúng là môn tuyệt học Du Ngư Nghịch Lãng theo phép Phất Huyệt Thác Cốt. Vì hắn muốn tự vệ, nên ra tay rất mạnh.

Giác Ngộ kêu lên một tiếng ôi, cánh tay trái lão đã buông thõng xuống. Té ra tay mặt của Tô Hùng đã đánh trúng Khúc Trì huyệt của Giác Ngộ.

Tô Hùng đánh lỡ trúng huyệt đạo của Giác Ngộ, đáng lẽ phải ngừng tay lại. Không ngờ hắn lại thừa thế nắm luôn khớp xương của Giác Ngộ bóp tiếp một cái nữa. Chỉ nghe cốp một tiếng, thì cánh tay trái của Giác Ngộ đã bị trật đường gân qua một bên.

Trán lão hòa thượng mồ hôi chảy như tắm. Tô Hùng không ngờ phép Phất Huyệt Thác Cốt lại độc đến thế. Hắn phải ngơ ngác một hồi lâu.

Thấy vẻ đau đớn của Giác Ngộ, đột nhiên hắn thầm nghĩ :

– “Nếu bây giờ cứu lão hòa thượng này sống thì vũ thư này mình không được trọn quyền, mà lão cũng có thể dạy được những đệ tử khác như mình nữa. Thôi thà có cơ hội này mình giết quách lão, thiên hạ còn ai biết được phép Phất Huyệt Thác Cốt này, mà mình giữ trọn vũ thư của Tam Âm thần ni.”

Trong đầu hắn bao nhiêu ý nghĩ quay tròn như bánh xe. Trong chốc lát hắn giả vờ thư hoảng hốt nói :

– Sư phụ… Sư…

Hắn vừa gọi và đỡ cánh tay hòa thượng Giác Ngộ lên.

Giác Ngộ tức giận lắm, nhưng khi nghe hắn kêu có vẻ sợ sệt, tưởng hắn lỡ tay nên hối hận, cơn nóng giận của lão tiêu mất. Lão than thở :

– Phép Phất Huyệt Thác Cốt này thật đáng sợ. Con mau giở tay ta, mở các huyệt đạo, rồi nối lại khớp xương bị gãy.

Tô Hùng đưa cánh tay trái của Giác Ngộ, tay mặt vận nội công, miệng gọi lớn :

– Sư phụ! Lão muốn…

Chưa dứt lời tay hắn đã giật mạnh cánh tay trọng thương của hòa thượng một cái. Giác Ngộ chỉ còn có một cánh tay, mà lại bị gãy khớp xương rồi, làm sao đủ sức chịu nổi tay của Tô Hùng? Lão cảm thấy cánh tay như rã rời, đau buốt khắp châu thân, mồ hôi tuôn ra như tắm. Lão thét lên một tiếng rất đau khổ, rồi ngã xỉu xuống đất…

Tay mặt của Tô Hùng đã thủ thế trước. Giác Ngộ vừa ngã xuống hắn lập tức giáng xuống một chưởng vào ngực Giác Ngộ. Cái đấm này hắn đã dùng hết sức lực, còn Giác Ngộ đang gặp phải cơn đau khủng khiếp, lại chưa kịp đề phòng, nên không còn chịu đựng được.

Chỉ nghe “hực” một tiếng, miệng của hòa thượng Giác Ngộ đã phun ra những bụm máu tươi, lai láng trên mặt đất.

Thân lão run run hai cái, lão nhảy vụt lên cao, cười khanh khách, quát lớn :

– Nghiệt đồ! Ngươi quá lắm! Ngươi lại còn âm độc hơn ba sư huynh của ngươi nữa.

Chưa dứt lời, đầu Giác Ngộ đã vút vào ngực Tô Hùng.

Tô Hùng thấy lão liên tiếp bị thương, mà vẫn nhảy đến quá mạnh, lòng lo sợ :

– Lão này có tài biến hóa gì quái gỡ chăng?

Nhưng đã đến nước này, mình phải liều với lão mới được.

Tô Hùng né nhanh sang bên phải, thuận tay đánh ra một chiêu Bài Vân Khán Nhật vào lưng Giác Ngộ.

Thật ra, hòa thượng vừa đau đớn, vừa tức giận, nên liều sức dùng đầu xông mạnh tới đánh địch thủ, theo thế Bí Quyết Chư Hoa. Không ngờ lúc thần trí rối loạn, Giác Ngộ phóng mình tới quá mạnh, bị Tô Hùng né qua khỏi, rồi đấm tiếp vào lưng một đấm như trời giáng.

Chỉ nghe bình một tiếng rền cả vách đá. Đầu của Giác Ngộ đâm thẳng vào vách tường, làm đá vụn và óc não bay ra. Thân hình lão run rẩy trên vũng máu tươi với chiếc đầu bể vụn từng mảnh. Một lúc sau thì lão chết.

Tô Hùng nhìn xác chết của lão hòa thượng Giác Ngộ, vừa kinh hãi, vừa mừng rỡ. Hắn thò tay vào túi, lấy vũ thư ra, miệng nói :

– Cứ thế này, nếu ta tập luyện chừng mấy năm nữa thì chắc trên võ lâm không còn ai có thể đấu với ta được.

Đứng nghĩ một hồi lâu, hắn lại nói một mình :

– À! Kẻ mà âm mưu ám hại ta, chắc là Côn Luân tam tử. Nếu mối thù này không trả, ta còn mặt mũi nào ngang dọc trên thế gian.

Tô Hùng nhảy vụt ra khỏi động.

Lúc này, khí hậu đã sang đông, trong Kỳ Liên sơn hơi lạnh buốt người, đồi Can Lãnh cao chọc trời, bị tuyết trùm kín, chỉ còn thấy màu trắng rộng mênh mông.

Tô Hùng bây giờ võ công đã tiến bộ khác xa với lúc trước. Hắn gầm lên một tiếng vang động cả núi rừng. Bắt đầu giở khinh công đạp tuyết, thân nhẹ như con chim, chạy thẳng về đồi núi hướng Nam.

Trên ngọn núi gió thổi mạnh, khí lạnh thấu xương nhưng Tô Hùng không cảm thấy lạnh gì cả. Hắn đứng trên đỉnh cao chót vót, đảo mắt nhìn bốn phía một hồi lâu, bỗng vận hơi xuống Đan điền rú lên một tiếng. Tiếng rú ngân dài như rồng gầm, dội xa hàng mấy dặm.

Âm thanh chưa dứt, đã có tiếng rú khác tiếp theo. Chỉ nghe âm vang của đồi núi chấn động.

Tiếng vang động liền hồi không ngớt, khiến Tô Hùng cảm thấy lạ, không phải tiếng rú từ miệng chàng phát ra, mà do sức mạnh dưới Đan điền chàng phát xuất bởi nội công đến mức thượng thặng.

Không bao lâu, Tô Hùng thấy xa xa về hướng Tây, có một chấm đen chạy như bay, lướt trên mặt tuyết thẳng tới. Chàng nghe tiếng ngựa hí rất quen thuộc, nên biết đích là con Xích Vân Truy Phong.

Tô Hùng thấy con ngựa quý còn khỏe như xưa, mà còn ở đây chờ mãi, quả thật con vật rất thông linh. Chàng sung sướng chạy thật nhanh tới con ngựa.

Lúc này người và ngựa đều chạy như tên bay. Chỉ trong nháy mắt đôi bên đã gần giáp mặt. Tô Hùng tung mình phóng tới, Xích Vân Truy Phong hí lên một tiếng thật dài rồi đứng lại.

Tô Hùng nhìn kỹ con linh mã thấy vẫn còn lanh lẹ như xưa, yên cương cũng vẫn hoàn toàn đủ, đến cây Kim Hoàn kiếm vẫn còn treo nguyên vẹn trên yên ngựa, chỉ có lớp tuyết đóng cứng lại thôi.

Chàng liền vuốt ve nó, phủi các lớp tuyết dính trên yên rồi ngửa mặt lên trời cười đắc ý nói :

– Tô Hùng đã có ngựa thần, nay lại có võ công tuyệt học của Tam Âm thần ni nữa thì thế gian hôm nay còn ai đối địch với ta nổi.

Lúc này chàng cảm thấy sung sướng. Bỗng trong trí chàng thoáng qua hình bóng hai cô gái yêu kiều tuyệt sắc.

Hai cô gái này đã lưu lại cho Tô Hùng một tâm niệm không thể phai mờ được. Chàng vừa nhớ đến, chưa biết nên đi tìm người nào trước. Chàng chỉ ngồi yên trên lưng ngựa, ngửa mặt nhìn trời, lòng thầm nghĩ :

– “Phi Phụng, em gái khôn ngoan của mình, không biết hôm nay có được mạnh khỏe không? Nếu nó rủi bị lưu lạc thì tội nghiệp biết chừng nào. Còn Lý Thanh Loan, sao lại có một sắc đẹp mỹ miều ít thấy, thật đáng yêu! Nhưng sao nàng lại yêu mến Mã Quân Vũ đến thế? Mà sao nàng cũng thường nhìn mình cười rất thân mật?”

Tô Hùng nghĩ mãi, nhưng khó giải đáp. Đột nhiên chàng nhớ lại mối thù với Côn Luân tam tử. Mối hận thù như một cơn lửa phựt lên. Tô Hùng không còn do dự nữa, liền ra cương cho con Xích Vân Truy Phong chạy về núi Côn Luân.

Núi Côn Luân ở trong Tân Cương của Trung Quốc, dài liên miên đến mấy ngàn dặm, cao hơn sáu ngàn thước, là một trong ngọn núi cao nhất ở Trung Hoa.

Tô Hùng cho ngựa tung vó tiến về hướng Tây, chạy rút không ngừng. Đoạn đường rất hoang vu nguy hiểm vô cùng nhưng con Xích Vân Truy Phong vẫn đi lẹ như bay. Tô Hùng tuy ra giang hồ đã lâu, nhưng chỉ ngang đọc ở vùng Giang Nam. Chuyến này mới đến miền Tây Vực lần đầu nên cảm thấy cảnh vật đều khác lạ, chung quanh đồi núi đều là sa mạc rộng vô biên, đi hàng ngàn dặm không thấy một làng mạc nào cả.

Thỉnh thoảng mới gặp được một hai người chăn cừu qua lại. Chàng đoán biết những người này có một sức lực lạ thường, nếu không nói đến sức gió lốc cuốn bay người trong sa mạc, chỉ nói đến cảnh tượng vắng vẻ này cũng không ai dám léo đến.

Con Xích Vân Truy Phong tuy mới lần đầu chạy trên sa mạc nhưng tốc độ vẫn như gió vút. Chỉ chạy thoăn thoắt trong ba ngày đã vượt qua đất Đạt Mục Bàn. Tô Hùng tiến đến Tân Cương.

Buổi trưa hôm đó, Tô Hùng đã tới trấn Hoắc Khắc Can. Chàng ở lại trấn nghỉ một đêm, mua thêm các món ăn, đến sáng ngày tiếp tục cuộc hành trình.

Lúc này Tô Hùng không những định ý trả thù Côn Luân tam tử, mà cũng muốn sớm gặp Lý Thanh Loan để được thỏa lòng thương trộm nhớ thầm gần một năm.

Mấy ngày nay, Tô Hùng không ngớt nghĩ đến bóng dáng yêu kiều tuyệt sắc của Lý Thanh Loan nên quên hẳn cái tình thương nhớ đứa em gái Tô Phi Phụng.

Gió thổi buổi sáng lạnh thấu xương, Tô Hùng ra cương, ngựa tung vó lướt qua cánh đồng hoang vắng.

Xích Vân Truy Phong lướt gió băng ngàn như tên bay. Cho đến chiều thì đã đến chân núi Côn Luân. Tô Hùng ngửa mặt nhìn, chỉ thấy mấy đồi núi kỳ quái, cao chọc trời, lòng thầm nghĩ :

– “Ta đã được nghe nhiều người nói đến Côn Luân sơn, quả thật hùng vĩ không nơi nào bằng.”

Tô Hùng liền cho ngựa vượt lên núi. Trong nháy mắt đã tiến lên trên đồi cao, nhìn quanh thấy liên tiếp nhiều đồi cao, làm cho chàng thất vọng.

Chàng tuy biết Côn Luân tam tử ở trong Tam Nguyên cung trên Kim Đỉnh Phong nhưng không biết đồi nào là Kim Đỉnh Phong.

Chàng đứng ngẩn người suy nghĩ :

“Nếu ta không biết đích đến thì có đi tìm đến nửa năm cũng chưa tới được Tam Nguyên cung.”

Tô Hùng nghĩ đến việc khó khăn này, nỗi oán hận Mã Quân Vũ lại càng tăng lên. Vì chàng đã sống chung với Mã Quân Vũ một thời gian, mà vẫn không cho biết đích xác Kim Đỉnh Phong ở hướng nào.

Nắng chiều vàng nhạt rọi trên những đồi tuyết, phản chiếu ra muôn ngàn tia sáng đẹp tuyệt. Nhưng chỉ trong chốc lát mặt trời đã khuất bóng, biến thành một vòm trời mây đen, bao phủ cả cảnh đồi kỳ quái, dần dần ẩn mất trong đêm tối. Tô Hùng cúi đầu nhìn, thấy dưới chân đồi kế bên có khe núi sâu hơn trăm trượng, xông lên từng luồng gió lạnh buốt, lòng thầm nghĩ :

– “À! Thôi, đêm nay ta xuống khe núi này tạm nghĩ để thừa sức lạnh này luyện Thái Âm khí công cho tiện.”

Chàng giục ngựa cho chạy xuống đồi núi. Trong chốc lát Tô Hùng đã tới dưới hố thẳm âm u. Tô Hùng vừa vào trong khe thì cảm thấy khí lạnh ép người nghe khó chịu, lập tức điều tức, khoanh chân ngồi xuống đất, theokhẩu quyết của Giác Ngộ đã truyền thụ. Bấy giờ chàng bắt đầu luyện tập, nhè nhẹ hít những khí lạnh trong khe vào bụng, rồi dùng sức ép trong người đưa vào các đường mạch, từ từ thở ra các đường chân lông.

Đây là nội công nhập định bước đầu của Thái Âm khí công, luyện tập cho cơ thể không còn lạnh nữa, để có thể kềm chế được sức lạnh bất cứ một nơi nào. Sau đó mới biến hóa khí lạnh ở bên ngoài, lấy nội công điều khiển thành những luồng khí độc để kích địch.

Nhưng luyện môn tuyệt học này, phải theo một tâm pháp nhất định, mới có thành tích được. Nếu sơ ý là bị khí lạnh đó chạy vào các huyệt đạo trọng yếu, cơ thể sẽ đông lại thành nội thương.

Tô Hùng mới luyện tập thế này lần đầu nên rất cẩn thận theo phương pháp khẩu quyết. Lúc đầu chàng mới hít khí lạnh vào, cảm thấy khó chịu, vội ngưng lại dùng hơi điều hòa, đợi đến sức lạnh trong người biến hết, mới luyện tập lại. Chỉ luyện qua mấy lần, trời đã sáng. Chàng cảm thấy nhớ Lý Thanh Loan, liền đứng dậy trèo lên đỉnh đồi, gọi con Xích Vân Truy Phong đến.

Tô Hùng nhảy lên lưng ngựa, buông cương tiến qua dãy núi phía Tây.

Mặt trời chiếu lên đỉnh núi, ánh nắng bao phủ muôn ngàn cảnh vật bao la. Tô Hùng cảm thấy một nỗi vui buồn băn khoăn khó tả. Hình bóng yêu kiều đẹp đẽ của Lý Thanh Loan cứ chờn vờn mãi trong đầu óc Tô Hùng.

Không biết chàng đã cho ngựa băng qua bao nhiêu đồi cao, hố sâu, đến bây giờ mặt trời đã ngã về hướng Tây, ánh hoàng hôn đã phản chiếu những đám mây chiều vàng nhạt.

Tô Hùng cho ngựa chạy chầm chậm theo mé rừng thông, chợt thấy xa xa cuối đường bên phải, có những tia sáng chớp nhoáng. Tô Hùng ra đời giang hồ đã lâu, nên đoán biết có người đang luyện kiếm.

Tô Hùng nhảy xuống ngựa, dùng khinh công chạy đến góc rừng bên phải. Chàng vòng qua gốc rừng, ẩn mình vào một bóng cây, nhìn thấy phía trước có một chàng trai cao hơn ba thước, và một thiếu nữ áo đỏ đang tung đôi kiếm múa loang loáng.

Tô Hùng rình xem kiếm pháp của hai người, đều dùng cách đánh lẹ. Đường kiếm của chàng trai ấy công lực mạnh mẽ hơn kiếm thuật của thiếu nữ. Nếu mà chạm tay thật sự thì ắt thiếu nữ phải thảm bại ngay.

Đánh qua hơn mười hiệp, thiếu nữ dùng tuyệt chiêu, nhát kiếm đâm bên trái, điểm bên phải, nghe “keng” một tiếng, đã đánh ra ba chiêu nhanh như chớp.

Chàng trai không có một tí sợ sệt, chỉ múa kiếm thành một vạch tròn, công ra ba chiêu rất dễ dàng. Thừa thế chàng trai lại đánh trả một kiếm, ép thiếu nữ lui một bước.

Chàng trai liền ngừng kiếm nói :

– Thế kiếm của sư muội đã tiến bộ rất nhiều, chỉ cần cố tâm tập luyện chừng hai năm sẽ đạt được mức khá cao. Chắc mấy vị sư muội đồng môn đều không so tài với sư muội được đâu.

Thiếu nữ áo đỏ nhoẻn một nụ cười, nói :

– Muội luyện tập thêm hai năm nữa thì có ích gì chớ? Đã hai năm nay muội cố công tập luyện, mà cũng thua huynh mãi, không thấy sao?

Chàng trai đó cười nói :

– Sư muội đừng có nghĩ như vậy. Vì huynh đã ra công tập trước sư muội đến mấy năm rồi, làm sao sư muội so với huynh được. Bây giờ sư muội phải lo tập để so tài với các sư muội đồng môn mà thắng được là tài lắm rồi. Hơn nữa hai ngày trước, huynh có nghe tin sư phụ, sư bá và sư thúc đã hợp kiếm trong đơn thất, quyết định mỗi người sẽ lựa một đệ tử để truyền môn Truy Vân thập nhị kiếm. Nhưng môn kiếm ấy là môn chính của phái chúng ta, nếu sư muội không cố gắng tập luyện, sợ không được tuyển lựa vào hàng đệ tử ưu tú ấy, thì đâu có được môn tuyệt học Truy Vân thập nhị kiếm được.

Chàng trai ấy than thở một hồi lâu và trên vẻ mặt rất quan tâm đến thiếu nữ áo đỏ.

Thiếu nữ này tuy mặt áo nhà tu, nhưng không thể che khuất các sắc đẹp tự nhiên của nàng được.

Thiếu nữ áo đỏ mỉm cười nói :

– Chưởng mônsư bá có chín đệ tử thì sư huynh chắc chắn được tuyển vào hàng đệ tử ưu tú ấy. Vậy huynh sẽ học được Truy Vân thập nhị kiếm đó.

Chàng trai ấy nghe thiếu nữ khen làm chàng sung sướng đến đỏ mặt, lắc đầu nói :

– Sư muội nói nhiều mà không có câu nào cho huynh vừa lòng cả.

Thiếu nữ áo đỏ chận lời, nói tiếp :

– Muội biết rồi! Huynh muốn cho muội được tuyển vào hàng đệ tử ưu tú đó phải không?

Chàng trai ấy liền gật đầu.

Thiếu nữ mỉm cười, nói :

– Nhưng muội không có ý muốn được tuyển lựa. Vì muội không muốn tranh tài với Lý sư muội.

Chàng trai ấy hỏi :

– Sao? Ả đã làm cho sư phụ của sư muội thương mến, cho nên sư muội đã bị sư phụ bỏ rơi ư?

Thiếu nữ áo đỏ nói :

– Huynh nghi cho Lý sư muội đã cướp mất tình thương của muội là không đúng. Huynh nên hiểu Lý sư muội là người thuần khiết, thành thật, không bao giờ có mưu mô gì cả. Sư phụ thương Thanh Loan đâu có lạ gì. Chính muội cũng cảm mến nữa mà.

Chàng traibỏ kiếm vào vỏ, ngẫm nghĩ một lát, ngẩng đầu hỏi :

– Huynh thường nghe sư bá và sư thúc nói về đe- tử của sư bá, là một vị thiên tài hiếm có trong giới võ lâm, nên huynh muốn gặp hắn. Nhưng hơn nửa năm nay mà không thấy hắn trở về.

Thiếu nữ áo đỏ nói :

– Đúng theo lời của sư bá và sư thúc nói đấy! Người ấy thông minh trí, tuệ tuyệt vời, tài trí ngang dọc nhưng ngoài mặt lại ôn hòa thanh nhã.

Thiếu nữ nói chưa hết câu, chàng trai ấy cười nhạt, nói :

– Sư muội thật lưu tâm đến hắn quá sức!

Thiếu nữ đỏ mặt, nói :

– Huynh đừng có nói bậy! Muội thưa lại với sư phụ cho huynh biết!

Chàng trai mỉm cười, nói :

– Vì huynh nghe nói, mà chưa được gặp hắn.

Thiếu nữ thẹn thùng nói :

– Huynh chưa gặp, chớ đến lúc gặp người ấy thì huynh cũng phải phục tài ngay.

Dứt lời, thiếu nữ áo đỏ xoay mình chạy vút về hướng Tây. Chàng trai cũng tiếp chân chạy cheo. Hai người đều giở khinh công, càng chạy càng nhanh.

Tô Hùng núp vào bóng cây, nghe hết lời nói của hai người, biết họ đều là đệ tử của Côn Luân tam tử, nên lòng cảm thấy sung sướng vô cùng.

Hai người ấy vừa chạy đi thì Tô Hùng giở khinh công đuổi theo.

Trời tối dần dần, cảnh vật đều bị màn đêm bao phủ. Tô Hùng sợ lạc nên chạy rất nhanh theo bén gót hai người. Chàng trai và thiếu nữ áo đỏ ở nơi này đã lâu, các đường đèo dốc núi đều thân thuộc nên đêm tối vẫn chạy nhanh như tên bắn.

Bốn bề núi rừng liên miên, ở giữa là ba đỉnh núi cao chót vót. Đặc biệt đỉnh núi giữa cao hơn. Tô Hùng ngửa mặt nhìn, thấy trên đồi cao có một ngôi miếu thật đại quy đô, nên thầm đoán núi này là Tam Nguyên cung của Côn Luân tam tử.

Tô Hùng vừa ngẩn nhìn lên đồi thì chàng trai và thiếu nữ ấy đã đi khuất dạng rồi.

Tô Hùng thấy rõ tình cảnh, liền tiếp theo cha đường nhỏ vào rừng.

Vùng rừng thông này chu vi chừng ngàn trượng. Tô Hùng đi một hồi lâu vẫn còn quanh quẩn trong rừng.

Tô Hùng vốn thông minh nên đi lâu không thấy núi thì tự biết lạc đường. Chàng nhìn lại thấy đường nhỏ quanh co đủ chiều, đoán là vạc rừng thông bố trí theo trận đồ Ngũ Hành Sinh Khắc, lòng thầm tính :

“Nếu mình cứ liều lĩnh đi mãi như thế này thì chắc bị lạc bậy, dầu có chạy sáng đêm, cũng không thể thoát khỏi.”

Tô Hùng ngẫm nghĩ một hồi mới tung mình nhảy vút lên ngọn cây giở khinh công chạy đi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN